Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam là nơi đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và cung cấp đội ngũ sĩ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là nguồn cán bộ, sĩ quan sẽ đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong toàn quân trên mọi miền Tổ quốc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người, thực hiện các chính sách và pháp luật đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có lĩnh vực liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, góp phần tích cực vào quá trình bảo vệ nhân quyền, đấu tranh với những hành vi tiêu cực xâm phạm quyền và lợi ích của bản thân và người khác.

1.Khái quát về tình hình đào tạo nói chung, giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam nói riêng.

Các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam là một bộ phận của hệ thống tổ chức quân đội, đồng thời là một bộ phận trong hệ thống giáo dục đào tạo của đất nước đã và đang không ngừng phát triển lớn mạnh và hoàn thiện với nhiều cấp học, bậc học, đào tạo cán bộ cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong toàn quân, bao gồm: các học viện, trường sĩ quan (đại học). Đây là hệ thống các cơ sở giáo dục đại học hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật cho các quân, binh chủng: Lục quân, Hải quân, Không quân, Biên phòng… và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ quân sự, đào tạo kỹ sư, cử nhân khoa học, nhân viên kỹ thuật, đồng thời là những cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nói chung và khoa học, kỹ thuật quân sự nói riêng. Hiện nay, hệ thống các nhà trường Quân đội có 22 học viện, trường sĩ quan (đại học) đào tạo sĩ quan cho tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó có 10 học viện (06 Học viện trực thuộc BQP) và 12 trường sĩ quan (đại học).

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam là nơi đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và cung cấp đội ngũ sĩ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là nguồn cán bộ, sĩ quan sẽ đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong toàn quân trên mọi miền Tổ quốc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người, thực hiện các chính sách và pháp luật đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có lĩnh vực liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, góp phần tích cực vào quá trình bảo vệ nhân quyền, đấu tranh với những hành vi tiêu cực xâm phạm quyền và lợi ích của bản thân và người khác.

Đối với công tác giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là một nội dung giữ vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục - đào tạo, góp phần nâng cao hiểu biết kiến thức về quyền con người, xây dựng hành vi hợp pháp cho học viên, là tiền đề cho sự phát triển đầy đủ về nhân cách, năng lực và bản lĩnh của người quân nhân cách mạng, hình thành và phát triển sự hiểu biết, kỹ năng về các giá trị của quyền con người trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, họ là nguồn cán bộ, sĩ quan trong tương lai, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Quân đội và có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục chiến sĩ, nhân viên dưới quyền về những vấn đề liên quan đến quyền con người. Đây là vấn đề càng trở nên quan trọng trong điều kiện hiện nay khi lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ngoài nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì họ còn phải tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội khác như thực hiện các hoạt động nhân đạo quốc tế, tham gia giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Ngay trong lời nói đầu của Tuyên ngôn đã viết: “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”[1]. Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền” (UN Declaration on Human Rights Education and Training) với 14 điều khoản có ý nghĩa lịch sử vì lần đầu tiên đã khẳng định quyền của mọi cá nhân được hưởng giáo dục nhân quyền.

Trong thời gian qua, công tác giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội được lồng ghép trong nội dung, chương trình môn học Nhà nước và pháp luật và mới được bổ sung một số chuyên đề giới thiệu trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quyền con người, chưa có môn học riêng về quyền con người. Hiện nay, trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội thì Phòng chính trị cùng với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các cơ quan liên quan có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng trong toàn đơn vị; quản lý và chỉ đạo xây dựng nội dung, kế hoạch phổ biến, giáo dục quyền con người hàng năm. Ngoài ra, lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng, các hệ, tiểu đoàn quản lý học viên, giảng viên và báo cáo viên pháp luật là những chủ thể tham gia vào công tác giáo dục quyền con người. Do đó, công tác giáo dục quyền con người được đảm bảo bởi hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, đối tượng được giáo dục đang học tập, sinh hoạt trong một tập thể quân nhân có kỷ luật chặt chẽ và nghiêm túc. Vì vậy, công tác giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với đặc thù về quá trình học tập, rèn luyện sinh hoạt trong môi trường quân sự thì công tác giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội có những điểm khác so với hoạt động giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học khác ở một số điểm sau:

- Giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội được thực hiện bởi các chủ thể rất đa dạng, đó là lãnh đạo, chỉ huy nhà trường, giảng viên, cán bộ quản lý đơn vị học viên; được bảo đảm bởi hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, với sự tham gia một cách quyết liệt và đông đảo của các cơ quan, tổ chức, lực lượng nhằm thực hiện các mục tiêu và đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Xuất phát từ nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, tổ chức Đảng các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam là chủ thể lãnh đạo toàn diện công tác giáo dục quyền con người. Do đó, Đảng ủy, Ban giám đốc (Ban giám hiệu) ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là chủ thể chịu trách nhiệm lãnh đạo việc tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện công tác này. Để tham mưu giúp Thủ trưởng Nhà trường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có các cơ quan chức năng như: Phòng Chính trị, Phòng Đào tạo kết hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ quản lý đơn vị học viên bao gồm cả cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cán bộ đoàn, hội viên các tổ chức quần chúng… đều tham gia vào công tác giáo dục quyền con người. Đây là lực lượng trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội.

- Đối tượng được giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là những quân nhân đang công tác, học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự mang tính đặc thù có trình độ văn hóa, phẩm chất đạo đức, có ý thức pháp luật, kỷ luật quân đội. Đây là những quân nhân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, độ tuổi, trình độ học vấn và sức khỏe; được công tác, học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự chính quy, mẫu mực, được biên chế, hoạt động trong hệ thống tổ chức chặt chẽ, từng bước được trang bị những kiến thức cơ bản về quyền con người và hình thành tính tự giác tôn trọng và chấp hành các quy định về quyền con người. Đây là điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện công tác giáo dục quyền con người dễ dàng nắm bắt được mức độ nhận thức, trình độ hiểu biết và những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, thái độ và hành vi của mỗi quân nhân, từ đó, kịp thời uốn nắn và đưa ra được những biện pháp xử lý nhanh chóng, chính xác.

- Giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội được tiến hành với các hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, bảo đảm phù hợp với đặc thù của quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu về nội dung giáo dục, trong quá trình thực hiện giáo dục quyền con người, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã lựa chọn các hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, từng nội dung và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ.

Do đặc thù về tổ chức, quản lý, học tập và rèn luyện ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là cán bộ, học viên cùng sinh hoạt tập trung trong doanh trại đơn vị, giữa chủ thể giáo dục quyền con người và đối tượng được giáo dục rất gần gũi nhau, hiểu nhau, gắn bó với nhau sẽ rất thuận lợi cho việc tiến hành đa dạng các hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người khác nhau. Công tác giáo dục quyền con người không chỉ được thực hiện ở trong giảng đường mà còn diễn ra ở các đơn vị dã ngoại, các khu dân cư, trên thao trường, bãi tập, trong mọi địa hình, điều kiện thời tiết sát với tình huống chiến đấu. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến môi trường, điều kiện tổ chức giáo dục quyền con người cũng như viêc học tập, nghiên cứu các nội dung liên quan đến quyền con người. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội chủ yếu thực hiện với hai hình thức đó là hình thức giáo dục chính khóa là hoạt động dạy và học môn Nhà nước và pháp luật trên lớp và hình thức giáo dục ngoại khóa bao gồm: giới thiệu chuyên đề pháp luật về quyền con người, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại đơn vị, sân khấu hóa, tọa đàm, qua khai thác tủ sách pháp luật…

2. Đánh giá ưu điểm, hạn chế về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam và nguyên nhân

a) Ưu điểm về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam và nguyên nhân

* Ưu điểm về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam

- Về nội dung

+ Hoạt động giáo dục về quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam đã từng bước được tăng cường, đổi mới về nội dung, chương trình và phạm vi tổ chức giáo dục.

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện chiến lược giáo dục đào tạo theo tinh thần Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/9/2017 về “phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”[2] và Quyết định số 1650/QĐ-CT của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 25/9/2018 về việc “Ban hành chương trình giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong Quân đội nhân dân Việt Nam”[3], các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tiến hành xác định và xây dựng nội dung giáo dục quyền con người, trong đó có một chuyên đề “Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” lồng ghép với nội dung môn học Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục pháp luật, trong đó có lồng ghép giáo dục quyền con người theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”[4] và Hướng dẫn số 3535/HĐPH ngày 04/10/2010 của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ về việc triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, và Chỉ thị số 04 - CT/BQP ngày 20/01/2011 về việc triển khai “Ngày pháp luật” trong Quân đội nhân dân. Trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã thường xuyên thực hiện tốt “Ngày pháp luật” với các nội dung gắn và phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhà trường; nội dung sinh hoạt ngày pháp luật đã tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các điều ước quốc tế về quyền con người, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan thiết thực đến phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động, công tác của từng cơ quan, đơn vị.

Thông qua việc triển khai các nội dung giáo dục quyền con người đã giúp cho học viên ngày càng nắm chắc và hiểu rõ hơn các quy định về quyền con người, pháp luật về quyền con người, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quyền con người đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ít xảy ra hơn, tạo dựng cho học viên có phẩm chất chính trị vững vàng, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hình thành một cách vững chắc các thế hệ học viên có trình độ, bản lĩnh chính trị cách mạng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kiên quyết chống lại mọi biểu hiện của tiêu cực, tha hóa về đạo đức, lối sống, xâm phạm đến quyền con người của người khác.

+ Để thực hiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung giáo dục quyền con người theo quy định của Bộ Quốc phòng. Các đơn vị học viên cũng đã chủ động tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như giáo trình, tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, đẩy mạnh việc khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và tủ sách pháp luật ở đơn vị.

Lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng cùng với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Khoa (bộ môn) Nhà nước và pháp luật cùng các đơn vị học viên trên cơ sở kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Quốc phòng đã tích cực chủ động triển khai nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung nội dung giáo dục quyền con người theo hướng vừa bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thiết thực.

+ Các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội bước đầu thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người nào nội dung môn học Nhà nước và pháp luật nhằm trang bị kiến thức về nhân quyền cho học viên hướng tới sự tôn trọng quyền con người của thế hệ trẻ tiến bộ, nguồn cán bộ, sĩ quan tương lai trong quân đội, bởi vì kiến thức về quyền con người là rất cần thiết trong hoạt động của học viên sau khi tốt nghiệp. Nội dung giáo dục quyền con người đã được triển khai một cách đồng bộ tập trung vào các quy định liên quan đến quyền con người trong các văn bản pháp luật quốc gia và văn kiện pháp lý quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tiến hành giáo dục quyền con người thông qua việc lồng ghép vào nội dung các môn học như: giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh, triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh...

+ Đối với chương trình, nội dung quyền con người bước đầu cơ cấu đầy đủ hơn, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường cũng như đối với đối tượng được giáo dục; thường xuyên cập nhật những nội dung mới đưa vào giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến nhằm làm phong phú hơn về lượng kiến thức truyền đạt, góp phần nâng cao hiểu biết về quyền con người, quyền công dân, tự giác tôn trọng và có ý thức bảo vệ quyền con người cho bản thân và cho người khác. Đối với việc xây dựng chương trình ngoại khóa được tiến hành theo chương trình giáo dục chính trị tại đơn vị, đó là việc xây dựng nội dung, chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người với nội dung chủ yếu là giới thiệu các chuyên đề, Điều ước quốc tế, các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người, các quy định của pháp luật về quyền con người giúp cho học viên mở rộng thêm những kiến thức và các quy định của pháp luật, kiểm tra trình độ hiểu biết về quyền con người của học viên và đã thu hút được sự quan tâm của học viên, các đơn vị tham gia luôn bảo đảm 100% quân số.

- Về phương pháp:

+ Công tác giáo dục quyền con người đã được các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội thực hiện với nhiều phương pháp đa dạng, phong phú, căn cứ vào tình hình, đặc điểm, đặc thù và điều kiện trong công tác đào tạo, huấn luyện của từng cơ sở giáo dục nên mức độ, phương pháp giáo dục quyền con người cũng mang những tính đặc thù riêng và đã đạt được một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

+ Các phương pháp giáo dục quyền con người được sử dụng trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã truyền đạt đầy đủ các nội dung, kiến thức về quyền con người cho người học của giảng viên giảng dạy môn học Nhà nước và pháp luật theo chương trình chính khóa và của đội ngũ cán bộ các cơ quan, khoa, cán bộ quản lý đơn vị thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị, giới thiệu chuyên đề.

* Nguyên nhân của ưu điểm về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam

- Về nội dung:

+ Việc triển khai xây dựng nội dung, chương trình giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Bộ Quốc phòng, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội quan tâm sâu sát, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất.

Trong thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Bộ Quốc phòng, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội thường xuyên quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng nội dung, chương trình và triển khai thực hiện công tác giáo dục quyền con người trong toàn quân, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng ủy quân sự Trung ương; quyết định, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng, Đảng ủy, Ban Gián đốc (Ban giám hiệu) các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội cũng đã kịp thời ra các Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác giáo dục quyền con người trong toàn đơn vị kết hợp với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tiến hành chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất về nội dung giáo dục để có biện pháp cụ thể tổ chức triển khai công tác giáo dục quyền con người một cách kịp thời trong đơn vị.

+ Thường xuyên quan tâm rà soát, xây dựng nội dung, chương trình giáo dục quyền con người cho phù hợp với các đối tượng học viên. Việc quan tâm rà soát, đổi mới nội dung, chương trình giáo dục quyền con người cho học viên ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội được các cấp lãnh đạo, chỉ huy quan tâm sâu sát, đã góp phần bảo đảm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản, hệ thống, thiết thực về quyền con người, quyền công dân.

- Về phương pháp:

+ Các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam đã tích cực, chủ động, từng bước xây dựng và đổi mới phương pháp giáo dục quyền con người phù hợp với điều kiện học tập, rèn luyện đặc thù của môi trường quân sự của từng đối tượng học viên, giúp cho việc truyền tải nội dung giáo dục quyền con người một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ để vận dụng vào vào thực quá trình học tập, rèn luyện cũng như trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

+ Trên cơ sở Quyết định số 2929/QĐ - BQP ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ quốc phòng. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội đã tiến hành thành lập Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và điều kiện của đơn vị, các cơ sở giáo dục đã chủ động lựa chọn phương pháp thực hiện “Ngày pháp luật” cho phù hợp như tổ chức học tập, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật lồng ghép với các nội dung quy định về quyền con người theo hình thức tập trung có báo cáo viên tham gia giới thiệu; sưu tầm các tài liệu liên quan đến quyền con người để tự nghiên cứu; tổ chức tọa đàm, giao lưu, thi tìm hiểu về quyền con người; trao đổi, thảo luận; lồng ghép việc giáo dục quyền con người với việc tổ chức các nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị với thời lượng, thời gian thích hợp.

+ Hiện nay, ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội, quá trình giáo dục quyền con người thì cán bộ, giảng viên đã tích cực, chủ động sử dụng có hiệu quả một số phương pháp phổ biến như: Phương pháp thuyết trình; phương pháp diễn giảng. Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên đã bước đầu sử dụng một số phương pháp phát huy tính tích cực của học viên như: Phương pháp tạo tình huống, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp trực quan, phương pháp đàm thoại, phương pháp thảo luận…

b) Hạn chế về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam và nguyên nhân

* Hạn chế về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam

- Về nội dung:

+ Nội dung, chương trình và thời lượng giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội còn bất cập, chưa hợp lý so với yêu cầu về trang bị kiến thức về quyền con người cho học viên đào tạo sĩ quan trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội, sự hạn chế của khung chương trình, nội dung, quỹ thời gian và sự thiếu thốn, lạc hậu của hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ quá trình dạy và học các nội dung liên quan đến quyền con người.

+ Việc đưa các nội dung liên quan đến quyền con người vào giảng dạy và tuyên truyền, phổ biến chưa được triển khai một cách đồng bộ, chưa xây dựng được chương trình môn học riêng về giáo dục quyền con người để triển khai thực hiện cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội. Thực tế cho thấy, nội dung, chương trình giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội hiện nay mới chỉ dừng lại ở trang bị những kiến thức cơ bản, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn; chưa bảo đảm tính logic, khoa học, đôi khi còn nặng về tính hình thức và dàn trải, chưa đi vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, thực sự cần thiết đối với từng đối tượng học viên; thiếu các nội dung chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ sĩ quan chỉ huy sau khi ra trường về các đơn vị công tác.

+ Dung lượng nội dung, kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy, học tập của đa số các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo, kết cấu nội dung còn chưa hợp lý, đặc biệt chưa đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, từ đó giúp cho người học có khả năng nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái về lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

+ Việc xác định nội dung, chương trình giáo dục quyền con người ngoại khóa chưa được xây dựng có tính hệ thống, còn mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu. Trong khi thời lượng về nội dung dành cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu các Điều ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người còn ít dẫn đến người dạy chưa đưa hết được các nội dung cần thiết để chuyển tải vào bài giảng, chưa đưa người học vào các tình huống cụ thể trong Quân đội cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi học viên rơi vào tình huống cụ thể vẫn còn lúng túng hiểu chưa sâu vấn đề dẫn đến việc nhận thức về quyền con người chưa cao.

+ Chưa có sự thống nhất về nội dung, chương trình giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội, việc đưa nội dung, chương trình giáo dục quyền con người vào trong chương trình giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến còn tùy thuộc vào nhận thức, về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học thuộc quân đội. Các nội dung về quyền con người chủ yếu được lồng ghép vào trong các môn học, nhưng chủ yếu vẫn chỉ được coi là một chủ đề trong phạm vi luật quốc tế, dẫn đến chưa có sự gắn kết thực sự chặt chẽ giữa các môn học với nội dung giáo dục quyền con người.

- Về phương pháp:

+ Việc sử dụng các phương pháp giáo dục quyền con người còn chưa phù hợp, chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức về quyền con người với việc hình thành kỹ năng, hành vi của học viên dẫn đến việc kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của học viên còn ở mức độ nhất định. Mặc dù nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục pháp luật trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội, nhưng còn thiếu tính chỉnh thể, tính liên thông, tính cập nhật và thống nhất.

+ Việc đổi mới các phương pháp giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội còn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, triệt để, chưa thực sự khơi dậy niềm yêu thích, ham mê tìm hiểu của học viên, mức độ hướng dẫn, nội dung, phương pháp và cách thức tiếp cận chưa thực sự đồng đều, thống nhất. Do nội dung giáo dục quyền con người chủ yếu được lồng ghép với môn học nhà nước và pháp luật chủ yếu thực hiện phương pháp thuyết trình, diễn giảng học viên nghe giảng trên lớp, việc tiếp thu bài học chủ yếu ở bài giảng của giảng viên, việc kết hợp các khâu trong quá trình học tập như thảo luận, bài tập tình huống, nghiên cứu tài liệu vẫn còn ở mức độ nhất định, người học chỉ tiếp thu kiến thức từ một chiều của giảng viên, không phát huy được khả năng tư duy của người học. Trong khi đó đây là nội dung mang tính lý thuyết, khô cứng, tính chính xác cao trong sử dụng thuật ngữ pháp lý, vì vậy, làm cho việc truyền đạt các nội dung phải theo khuôn mẫu, thiếu tính hấp dẫn đối với người nghe. Việc chuẩn bị bài giảng của một số giảng viên, báo cáo viên còn sơ sài, liên hệ vận dụng chưa sát thực tiễn làm bài giảng khô cứng, thiếu tính thuyết phục, năng lực, kiến thức, phương pháp sư phạm còn hạn chế.

+ Mặc dù phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội thời gian gần đây đã có sự đổi mới so với trước đây, có sự kết hợp các phương pháp giảng dạy hiện đại nhưng vẫn còn đơn điệu chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình là chính, nặng về truyền thụ lý thuyết; chưa gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với giáo dục quyền con người; giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên. Việc kết hợp các phương pháp chưa linh hoạt nên hiệu quả chưa cao, dễ làm cho người học thụ động, không phát huy hết tính tích cực, độc lập, đặc biệt là tư duy sáng tạo và kỹ năng, kỹ xảo thực hành các bài tập tình huống. Việc lồng ghép các hoạt động bổ trợ để giáo dục quyền con người ở một số nhà trường chưa được thường xuyên, chưa phát huy được thế mạnh của các phương tiện thông tin và truyền thông cho công tác giáo dục quyền con người.

* Nguyên nhân của hạn chế về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam

- Về nội dung:

+ Nội dung, chương trình giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội tuy đã đáp ứng được yêu cầu, mức độ nhất định, nhưng vẫn còn cứng nhắc, chưa thực sự đầy đủ những nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu của người học, còn thiếu những nội dung mang tính cấp thiết trong thời kỳ hiện nay như vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế, phân bổ nội dung và thời gian còn ít đã ảnh hưởng đến công tác giáo dục quyền con người.

+ Hiện nay, nội dung giáo dục về quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam mới chỉ được tiến hành thông qua việc lồng ghép trong nội dung môn học Nhà nước và pháp luật, một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật dân sự, Luật Tố tụng dân sự…và một số hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

- Về phương pháp

+ Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong sử dụng phương pháp giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là trong thời gian qua, số lượng giảng viên giảng dạy môn Nhà nước và pháp luật ở một số cơ sở giáo dục vừa thiếu về số lượng so với biên chế, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn. Một số giảng viên mặc dù được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng lại chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ sư phạm và sự trải nghiệm thực tiễn hoạt động quân sự còn ít dẫn đến lúng túng trong sử dụng phương pháp dạy học, tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền con người. Trong khi đó, công tác xây dựng, tổ chức cán bộ; đào tạo và bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục cho đội ngũ làm công tác giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự đầu tư chiều sâu và cần thiết về thời gian cũng như kinh phí bảo đảm cho hoạt động giáo dục quyền con người.

+ Các phương pháp trong thực hiện chương trình giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội chủ yếu là giảng lý thuyết trên lớp, chưa thường xuyên có sự kết hợp giữa các phương pháp với các hoạt động quân sự của học viên như: tự học, tự nghiên cứu, tổ chức thảo luận xemina, nghiên cứu thực tế, trong khi đó học viên thường rất thụ động, ỷ lại và xem các nội dung liên quan đến quyền con người như là môn học phụ, chủ yếu trú trọng vào các môn chuyên ngành. Một bộ phận cán bộ, giảng viên giảng dạy nội dung về quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội không được đào tạo đúng chuyên ngành dẫn đến việc sử dụng các phương pháp giáo dục về quyền con người còn có những khó khăn nhất định, đặc biệt là các phương pháp giáo dục quyền con người đối với hoạt động ngoại khóa ở các đơn vị học viên.

+ Do ảnh hưởng về hoạt động học tập, huấn luyện trong môi trường quân đội của học viên chủ yếu được tiến hành ở ngoài thao trường, bãi tập cho nên thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các loại tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế nhất định. Ngoài thời gian học tập trên lớp, học viên còn phải tham gia và thực hiện các hoạt động và nhiệm vụ khác theo quy định của đơn vị như việc thực hiện các chế độ trong ngày của người quân nhân như: trực ban đơn vị; tăng gia sản xuất; tuần tra canh gác…đã ảnh hưởng đến phương pháp tự học, tự nghiên cứu khoa học của học viên về nội dung quyền con người.

+ Đối với những hạn chế về phương pháp giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là xuất phát một phần do đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện công tác giáo dục quyền con người vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đề ra. Trình độ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học, ít có điều kiện tiếp cận với các hoạt động thực tiễn ở các đơn vị cơ sở; ít được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại gắn với các thành tựu của khoa học công nghệ thông tin để vận dụng vào trong hoạt động giáo dục quyền con người.

3. Những vấn đề đặt ra trong việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam

Trong thời gian qua, công tác giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam bước đầu được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, với các nội dung, phương pháp tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục và chịu sự chi phối tác động của nhiều yếu tố khác nhau và cách tiếp cận, phạm vi, mức độ, phương pháp giáo dục về quyền con người khác nhau. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội cần phải được định hướng và nghiên cứu một cách đầy đủ, nghiêm túc, có chiều sâu, tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong thời gian tới. Trong đó cần tập trung một số vấn đề sau:

- Cần nâng cao nhận thức về công tác giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học trong quân đội để xây dựng nội dung, chương trình giáo dục pháp luật cho phù hợp với các đối tượng học viên. Bởi vì, nội dung giáo dục quyền con người là tổng thể những hiểu biết cần thiết để mỗi cá nhân có thể nhận thức và đủ khả năng bảo vệ, tôn trọng và thúc đẩy những giá trị quyền của mình.

- Để xác định nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội ở Việt Nam cho phù hợp thì trước hết phải nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục quyền con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội phải nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện việc xác định nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp giáo dục quyền con người. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên thì lãnh đạo, chỉ huy các cơ sở giáo dục đại học phải thường xuyên đưa ra những định hướng và có các biện pháp cụ thể để hoạt động giáo dục quyền con người đi vào nền nếp và có chiều sâu; tiếp tục giao cho khoa, bộ môn Nhà nước và pháp luật đảm nhiệm thực hiện công tác giảng dạy pháp luật về con người, phổ biến các chuyên đề pháp luật về quyền con người cho các đơn vị học viên.

- Cần phải có sự thống nhất về nội dung, chương trình giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội. Để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội, yêu cầu đặt ra đối cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, cần thống nhất và quy định cụ thể về nội dung, chương trình giáo dục quyền con người để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cho thống nhất. Đồng thời, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các môn học với nội dung giáo dục quyền con người.

- Các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người; tổ chức các buổi thao giảng, hội giảng nhằm đánh giá rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, kết quả tiếp thu kiến thức của người học về quyền con người.

- Phương pháp giáo dục quyền con người là những cách thức, phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục đến với đối tượng được giáo dục. Do đó, việc đối tượng được giáo dục lĩnh hội các nội dung giáo dục quyền con người đến mức độ nào và có thể chuyển những nguyên tắc, quy định, chuẩn mực thành những phẩm chất, ý thức của họ hay không phụ thuộc rất lớn vào các phương pháp giáo dục quyền con người. Nếu các phương pháp giáo dục quyền con người mà nghèo nàn, chung chung, không phù hợp với các đối tượng được giáo dục; không có sức hấp dẫn, lôi cuốn thì sẽ biến hoạt động giáo dục quyền con người thành một hoạt động xơ cứng, nhàm chán và hiệu quả đạt được sẽ không cao. Vì vậy, cùng với việc xác định và đổi mới nội dung giáo dục quyền con người thì việc thường xuyên đổi mới các phương pháp giáo dục cho phù hợp với điều kiện học tập và rèn luyện của học viên ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc quân đội là rất cần thiết, các chủ thể thực hiện công tác giáo dục quyền con người cần phải lựa chọn các phương pháp giáo dục quyền con người phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong thời gian tới.

Trịnh Văn Hưng

Trường Đại học Trần Quốc Tuấn - Bộ Quốc phòng


[1] Các Văn kiện quốc tế về Quyền con người, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 63

[2] Thủ tướng chính phủ (2017), Quyết định số 1309/QĐ-TTg về “phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

[3] Tổng cục Chính trị (2018), Quyết định số 1650/QĐ - CT ngày 25/9/2018 về việc “Ban hành chương trình các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

[4] Ban Bí thư Trung ương Đảng (2003), Chỉ thị số 32/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân, Hà Nội