Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) là những mục tiêu phổ quát nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030, được thông qua năm 2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững. Trong 17 mục tiêu chính, với 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu cần đạt được, có mục tiêu 6 về “bảo đảm nước sạch và sự cải thiện điều kiện vệ sinh” (clean water and sanitation for all – SDG 6).

1. Từ quyền về nước sạch trong pháp luật quốc tế đến mục tiêu bảo đảm nước sạch trong các mục tiêu phát triển bền vững

a) Quyền về nước sạch trong pháp luật quốc tế

Nước là một thành phần đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái môi trường, là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của con người và sự phát triển của nhân loại. Tuy vậy, quyền về nước sạch, với tư cách là một quyền con người, được trực tiếp ghi nhận khá muộn trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc năm 1966 (ICESCR), quyền về nước sạch chưa được ghi nhận cụ thể mà mới chỉ là “quyền hàm chứa” trong các quy định về quyền sống, quyền có mức sống thích đáng, quyền về sức khỏe... Trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, quyền về nước (nước uống, cung cấp nước, nước ống sạch) tuy đã được đề cập, nhưng chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ1. Tại Hội nghị về nước của Liên hợp quốc (năm 1997) đã thống nhất “tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội, đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của con người”2. Tiếp đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg ở Nam Phi, nước được xếp ở vị trí cao nhất trong số những thứ hạng ưu tiên để phát triển bền vững quốc gia và quốc tế (nước - năng lượng - sức khỏe - nông nghiệp và đa dạng sinh học)3. Năm 2000, tại Bình luận chung số 14 về quyền được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao nhất, Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa chỉ ra rằng, “quyền được chăm sóc sức khỏe bao gồm một loạt các yếu tố kinh tế - xã  hội thúc đẩy những điều kiện, trong đó con người có thể hưởng thụ một cuộc sống lành mạnh, và mở rộng sang những yếu tố quyết định đến sức khỏe, chẳng hạn như lương thực và dinh dưỡng, nhà ở, tiếp cận nước sạch và nước uống, vệ sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh, và một môi trường lành mạnh”4. Sau đó, năm 2002, Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, tại Bình luận chung số 15 về quyền sử dụng nước, khẳng định: “Nước là một nguồn tài nguyên có giới  hạn và là một loại hàng hóa công cộng thiết yếu cho đời sống và sức khỏe. Một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó không thể thiếu quyền có nước uống. Nó là điều kiện tiên quyết để đạt được các quyền con người khác”5. Đây có thể coi là văn kiện pháp lý quốc tế đầy đủ nhất về quyền sử dụng nước, nhằm “bảo đảm mọi người có thể tiếp cận với nguồn cung cấp nước một cách đầy đủ, an toàn, có thể chấp nhận và chi trả được cho cuộc sống của cá nhân và hộ gia đình”6.

Trong nội dung quy chuẩn của quyền về nước, để đảm bảo quyền được tiếp cận nguồn nước, Ủy ban giám sát Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khẳng định rằng7 “việc có đủ nước cho quyền này có thể rất phong phú tùy thuộc vào những điều kiện khác nhau, những yếu tố sau áp dụng cho tất cả các trường hợp:

Thứ nhất, tính sẵn có. Việc cung cấp nước cho mỗi người phải đầy đủ và liên tục cho mục đích sử dụng của cá nhân và hộ gia đình. Những mục đích sử dụng này trước hết, bao gồm nước uống, nước dùng để vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, nấu ăn, và vệ sinh cho gia đình. Lượng nước cung cấp cho mỗi người phải phù hợp với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thứ hai, chất lượng nước. Nước dùng cho mỗi cá nhân và gia đình phải an toàn, không chứa các vi chất, hợp chất hóa học nguy hiểm đến sức khỏe con người về sinh hóa hay chất phóng xạ. Hơn nữa, nước dùng cho cá nhân và gia đình phải có màu, mùi, vị chấp nhận được.

Thứ ba, nguồn nước có thể tiếp cận. Mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, theo pháp luật của quốc gia thành viên, đều có thể tiếp cận với nước, các điều kiện và dịch vụ về nước. Tính có thể tiếp cận bao gồm bốn khía cạnh giao nhau gồm: tiếp cận trực tiếp (đưa đến từng hộ gia đình, các cơ quan giáo dục, công sở và các vùng lân cận), tiếp cận kinh tế (có khả năng chi trả của mọi người), tính không phân biệt (tiếp cận được với tất cả mọi người), và tiếp cận thông tin (tìm kiếm, tiếp cận và phổ biến thông tin liên quan các vấn đề về nước).

Cũng theo Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, “nước phải được coi là một loại hàng hóa xã hội và văn hóa, chứ không đơn thuần là một loại hàng hóa kinh tế. Cách thức để đạt được quyền sử dụng nước cũng phải mang tính bền vững, đảm bảo có thể đạt được quyền đó cho các thế hệ hiện tại và tương lai”8. Đồng thời, Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng xác định, các quốc gia thành viên của Công ước có cả 3 nghĩa vụ đối với việc bảo đảm quyền sử dụng nước, đó là: nghĩa vụ tôn trọng, nghĩa vụ bảo vệ và nghĩa vụ thực hiện.

Có thể thấy, nhiều văn kiện pháp lý, trong đó, đặc biệt là Bình luận chung số 15 về quyền sử dụng nước của Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã tạo tiền đề pháp lý và nguồn cảm hứng cho Liên hợp quốc đưa ra các quy định về mục tiêu bảo đảm nước sạch và vệ sinh trong MDGs và sau này là trong SDGs.

b) Quyền về nước sạch trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và trong Mục tiêu phát triển bền vững

Trước thềm thế kỷ XXI, năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết đạt được 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, trong đó có mục tiêu thứ 7 “Đảm bảo bền vững về môi trường” mà trong đó có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền về nước sạch, đó là mục tiêu “Giảm một nửa tỷ lệ người dân không tiếp cận thường xuyên với nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2015”. Tuyên bố Thiên niên kỷ và MDGs thể hiện nỗ lực, kỳ vọng và bước tiến mới của nhà các nhà lãnh đạo trên thế giới về việc chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề nước sạch, tuy nhiên, nhìn chung các mục tiêu này vẫn chủ yếu mang tính “đường lối” chứ chưa thật sự có các hành động, kế hoạch cụ thể.

Sau Tuyên bố Thiên niên kỷ và MDGs, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện MDGs, trong đó đáng chú ý là năm 2003 được tuyên bố là “Năm quốc tế về nước ngọt”, sau đó là chương trình “Thập kỷ nước cho sự sống” từ năm 2005 đến năm 2015. Để điều phối nỗ lực của các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế hoạt động về các vấn đề nước và vệ sinh, năm 2003, Liên hợp quốc đã thành lập năm UN-Water - một cơ chế phối hợp liên cơ quan của Liên hợp quốc cho tất cả các vấn đề liên quan đến nước ngọt và vệ sinh. Năm 2008 được Liên hợp quốc tuyên bố là Năm Quốc tế Vệ sinh. Vào ngày 28 tháng 7 năm 2010, quyền con người về nước và vệ sinh đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận tại Nghị quyết 64/2929. Tại Nghị quyết này, Liên hợp quốc “Công nhận quyền có nước uống sạch, an toàn và vệ sinh là một quyền con người cần thiết để được hưởng trọn vẹn cuộc sống và tất cả các quyền con người” và “kêu gọi các quốc gia và tổ chức quốc tế cung cấp tài chính nguồn lực, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, thông qua quốc tế hỗ trợ và hợp tác, đặc biệt là với các nước đang phát triển, nhằm mở rộng quy mô nỗ lực cung cấp nước uống an toàn, sạch sẽ, dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và vệ sinh cho tất cả mọi người”10.

Năm 2015, sau chặng đường 15 năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và DMGs, tuy vấn đề nước sạch - một trong ba mục tiêu về cơ bản được coi là đã đáp ứng được trước thời hạn, nhưng theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), trên phạm vi toàn cầu có 147 quốc gia đã đáp ứng mục tiêu nước uống MDGs, 95 quốc gia đã đáp ứng mục tiêu vệ sinh MDGs và chỉ có  77 quốc gia đáp ứng cả hai mục tiêu”11. Chính vì vậy, vào tháng 9 năm 2015, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã thông qua SDGs tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, trong đó bao gồm SDG 6 về nước và vệ sinh. SDG 6, được coi là “cung cấp kế hoạch chi tiết để đảm bảo tính sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”12.

Mục tiêu phát triển bền vững 6 gồm có 8 mục tiêu cụ thể: i) đến năm 2030, đạt được khả năng tiếp cận phổ cập và công bằng với nước uống an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người; ii) đến năm 2030, đạt được khả năng tiếp cận vệ sinh và vệ sinh đầy đủ và công bằng cho tất cả mọi người và chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái cũng như những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương; iii) đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm, loại bỏ việc đổ rác và giảm thiểu thải ra các hóa chất và vật liệu độc hại, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng đáng kể khả năng tái chế và tái sử dụng an toàn trên toàn cầu; iv) đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trên tất cả các lĩnh vực và đảm bảo khai thác và cung cấp nước ngọt bền vững để giải quyết tình trạng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người bị khan hiếm nước; v) đến năm 2030, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm thông qua hợp tác xuyên biên giới nếu phù hợp; vi) đến năm 2020, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm núi, rừng, vùng đất ngập nước, sông, hồ;  vii) đến năm 2030, mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển trong các hoạt động và chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm thu hoạch nước, khử muối, sử dụng nước hiệu quả, xử lý nước thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng; viii) hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh13.

Sau đó, để hưởng ứng trực tiếp Thập kỷ hành động và thực hiện phát triển bền vững do các nguyên thủ quốc gia và chính phủ kêu gọi tại Hội nghị thượng đỉnh SDG năm 2019, Liên hợp quốc đã đưa ra Khung tăng tốc toàn cầu SDG 6 (7/2020) để đẩy mạnh tiến độ phát triển bền vững.

Mục tiêu 6 được Việt Nam xác định là “đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước

và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”. Nguồn: baovemoitruong.org.vn.

2. Quyền về nước sạch trong pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, có thể thấy quyền về nước sạch hay quyền tiếp cận nguồn nước chưa được quy định trực tiếp trong các văn bản pháp lý cho đến khi có Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tại khoản 5 Điều 3 Luật này quy định: “Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân”. Khoản 3 Điều 4 Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên nước, theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt sao cho đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng về quyền lợi giữa cá nhân và tổ chức trrong việc khai thác, sử dụng nguồn nước14.

Các quy định của pháp luật về nước sạch và tiếp cận nguồn nước cũng được quy định trong một số văn bản pháp luật, như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thuỷ lợi năm 2017. Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng thể là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới15.

Từ sau khi Liên hợp quốc thông qua MDGs và nhất là DSGs, Việt Nam đã tích cực ban hành nhiều văn bản pháp lý cũng như kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có lĩnh vực nước sạch16. Gần đây, sự ra đời của Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững đã góp phần khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện DSGs nói chung, bảo đảm quyền về nước sạch và vệ sinh cho người dân nói riêng. 

Ngày 25/9/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, và mục tiêu 6 được Việt Nam xác định là “đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”. Có thể khẳng định, thực hiện mục tiêu này là hoạt động quan trọng nhằm góp phần bảo đảm quyền con người về nước sạch nói riêng, quyền về môi trường nói chung ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

3. Thực tiễn và những  giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người

Theo Báo cáo tiến độ thực hiện SDG 6 của UN-Water năm 2021 thì thế giới đã không đi đúng hướng để đạt được SDG 6, hàng tỷ người trên thế giới vẫn sống mà không có nguồn nước sạch, an toàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các nước đang phát triển. Để đạt được mục tiêu SDG 6 vào nằm 2030 đòi hỏi phải có sự cố gắng gấp 4 lần những tiến bộ hiện có17. Các số liệu của UN-Water năm 2022 cho thấy, vẫn còn 27% dân số thế giới chưa được sử dụng nước uống được quản lý an toàn (chỉ số này của Việt Nam là 42%); 43% dân số thế giới chưa được sử dụng dịch vụ vệ sinh an toàn (chỉ số này của Việt Nam là 46%)18.

Tương tự, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho đến năm 2022, vẫn còn hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước, dự kiến tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn ở một số khu vực do biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số. Trên phạm vi toàn toàn cầu, ít nhất 1,7 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm phân. Ô nhiễm vi sinh vật trong nước uống do ô nhiễm phân có nguy cơ lớn nhất đối với an toàn nước uống. Trong khi các rủi ro hóa học quan trọng nhất trong nước uống phát sinh từ asen, florua hoặc nitrat, các chất gây ô nhiễm mới nổi như dược phẩm, thuốc trừ sâu... gây ra mối lo ngại cho công chúng. Nước uống bị ô nhiễm vi sinh vật có thể truyền các bệnh như tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt và ước tính gây ra 485.000 ca tử vong do tiêu chảy mỗi năm19.

Theo Báo cáo Phát triển bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc năm 2023 (phiên bản nâng cao, chưa chỉnh sửa, tháng 6/2023), mặc dù từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ lệ dân số thế giới sử dụng nước uống được quản lý an toàn đã tăng từ 62 lên 74% - thể hiện nguồn nước an toàn hơn cho thêm hai tỷ người. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng lớn giữa và trong các quốc gia và 2,2 tỷ người vẫn không sử dụng nước uống được quản lý an toàn. Tiến bộ cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và bởi các ưu tiên nông nghiệp, sinh thái và tài chính cạnh tranh, cùng với nhiều mối đe dọa đối với chất lượng nước. Nhiều người hơn cũng được tiếp cận với điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng, với tỷ lệ đi tiêu bừa bãi giảm, nhưng 3,4 tỷ người vẫn thiếu các dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn và 1,9 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản. Hiện tại ước tính có 2,3 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước, trong đó 733 triệu người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước ở mức cao và cực kỳ cao. Hơn một nửa (107) quốc gia không đi đúng hướng để quản lý tài nguyên nước bền vững vào năm 2030. Trong số 153 quốc gia có chung nguồn nước xuyên biên giới, chỉ có 24 quốc gia báo cáo rằng tất cả các sông, hồ và tầng ngầm nước mà họ chia sẻ với các nước láng giềng được thực hiện bởi các thỏa thuận hợp tác, vốn là những công cụ quan trọng để ngăn chặn hoặc quản lý xung đột và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực20.

Sau nửa thời gian thực hiện SGDs, Liên hợp quốc đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra, bằng việc tổ chức Hội nghị về nước vào tháng 3/2023 với lời kêu gọi “hãy hành động vì nước”. Phát biểu tại Hội nghị, ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói: “Chúng ta đang rút cạn nguồn sống của nhân loại bằng việc tiêu thụ quá mức và sử dụng không bền vững, đồng thời làm nó bốc hơi bằng hiện tượng ấm lên toàn cầu”21.

Đối với Việt Nam, theo Báo cáo “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tháng 12/2022, để Việt Nam đạt được mục tiêu SDGs 6.1: đến năm 2030, đạt được sự tiếp cận phổ cập và công bằng với nguồn nước uống an toàn và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người; và mục tiêu SDG 6.2: đến năm 2030, đạt được sự tiếp cận với điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng cho tất cả mọi người, xóa bỏ việc phóng uế bừa bãi, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương thì Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, khi mà mới có 57,9% người dân Việt Nam sử dụng nước uống được quản lý an toàn và 43.9% người dân sử dụng công trình vệ sinh được quản lý an toàn22.

Trước đó, năm 2020, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen23.

Những con số biết nói ở trên cho thấy, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh, bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người, trong thời gian tới Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực trên mọi phương diện, trong đó tập trung một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên nước nói chung, quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia, lồng ghép tối đa việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh trong các chính sách, chương trình hành động của bộ, ngành và địa phương. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Hai là, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu về quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh nói riêng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện và giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về nước sạch và vệ sinh.

Ba là, huy động tối đa các nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ về bộ máy, con người trong việc triển khai thực hiện mục tiêu nước sạch và vệ sinh bền vững. Phát  huy vai trò và sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, gồm cả sự lãnh đạo của Đảng; sự tham gia của các thiết chế nhà nước; các thiết chế xã hội; thiết chế truyền thông, báo chí; cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu về nước sạch và vệ sinh nói riêng.

Bốn là, tăng cường nguồn lực tài chính đa dạng, thích hợp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng quyền về nước sạch và vệ sinh của tất cả mọi người. Nguồn lực tài chính cần huy động từ nhiều nguồn, từ ngân sách nhà nước; các khoản đầu tư của khối tư nhân trong và ngoài nước; các nguồn hỗ trợ phát triển quốc tế và các đối tác khác. Đi đôi với việc huy động là sự kiểm soát, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính. Tránh tình trạng đầu tư các công trình xử lý nước sạch nhưng thiếu sự khảo sát, đánh giá tính hợp lý dẫn tới sự lãng phí tài chính. Thậm chí, cần lưu tâm khuyến nghị của Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, theo đó, “các khoản đầu tư không nên ưu tiên không cân đối các dịch vụ và các phương tiện cung cấp nước đắt tiền mà thường chỉ có một nhóm nhỏ dân cư có đặc quyền hưởng thụ, mà nên đầu tư vào những dịch vụ và các phương tiện đem lại lợi ích cho phần lớn dân cư”24.

Năm là, tăng cường các hoạt động kiểm soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi, tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến nước sạch và vệ sinh; khắc phục kịp thời những sự cố môi trường, trong đó có các sự cố liên quan đến nguồn nước.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu về nước sạch và vệ sinh nói riêng; tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu này; chủ động phối hợp và đồng hành cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về nước sạch và vệ sinh.

4. Kết luận

Việc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu về nước sạch và vệ sinh nói riêng là nỗ lực lớn lao và thể hiện sự khát vọng của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia, trong đó có Việt Nam, về một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhưng để khát vọng đó trở thành hiện thực, để quyền về nước sạch và vệ sinh với tính cách là một quyền thiết yếu của con người được bảo đảm, đòi hỏi sự chung tay quyết liệt của nhiều chủ thể khác nhau trong việc thực hiện một cách đồng bộ nhiều giải pháp và với tâm niệm đơn giản nhưng vô cùng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đó là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

PGS.TS Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1) Ví dụ: khoản 2 Điều 15 Công ước Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ quy định phụ nữ “Được hưởng các tiêu chuẩn sống thích đáng, nhất là về vấn đề nhà ở, điều kiện vệ sinh, cung cấp điện nước, thông tin liên lạc và giao thông”; khoản 2 Điều 24 Công ước về quyền trẻ em đặt ra yêu câu: “Chống bệnh tật và nạn suy dinh dưỡng, kể cả trong khuôn khổ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẳng hạn qua việc áp dụng các công nghệ sẵn có và qua việc cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và nước uống sạch, có tính đến những nguy cơ ô nhiễm môi trường”; điểm a khoản 2 Điều 28 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật quy định: “Bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận bình đẳng đối với dịch vụ nước sạch, bảo đảm cho họ tiếp cận các dịch vụ, thiết bị và sự hỗ trợ khác phục vụ những nhu cầu xuất phát từ tình trạng khuyết tật”…

(2) Trung Tuyến (2015), Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132, truy cập 06/7/2023

(3) Trung Tuyến (2015), Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132, truy cập 06/7/2023.

(4) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 141.

(5) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 171.

(6) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 172.

(7) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 176-178.

(8) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 176.

(9) Liên hợp quốc, http://sustainabledevelopment.un.org/topics/waterandsanitation. Truy cập ngày 18/8/2023.

(10) Liên hợp quốc, http: //documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N09/479/35/PDF/N0947935.pdf?OpenElement. Truy cập ngày 18/82023.

 (11) Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (2017), http://www.undp.org/publications/millennium-development-goals-report-2015. Truy cập ngày 18/6/2023.

(12) Liên hợp quốc, http://sdgs.un.org/topics/water-and-sanitation. Truy cập ngày 18/6/2023.

(13) Liên hợp quốc, http://sdgs.un.org/2030agenda. Truy cập ngày 18/6/2023.

(14) Quốc hội (2012), Luật Tài nguyên nước ban hành ngày 21/06/2012.

(15) Chính phủ (2021), Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 24/11/2021.

(16) Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

(17) Liên hợp quốc, http://www.unwater.org/sites/default/files/app/uploads/2021/12/SDG-6-Summary-Progress-Update-2021_Version-July-2021a.pdf. Truy cập ngày 18/6/2023

(18) Liên hợp quốc, http://www.sdg6data.org/en. Truy cập ngày 18/6/2023.

(19) Tổ chức Y tế thế giới, http://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/drinking-water. Truy cập ngày 18/6/2023.

(20) Liên hợp quốc, https://sdgs.un.org/sites/default/files/2023-06/Advance%20unedited%20GSDR%2014June2023.pdf. Truy cập ngày 18/6/2023.

(21) Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Điện tử VTV News, https://vtv.vn/the-gioi/khai-mac-hoi-nghi-ve-nuoc-cua-lien-hop-quoc-20230323113313837.html. Truy cập ngày 18/6/2023.

(22) Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.pdf (unicef.org), truy cập ngày 18/6/2023.

(23) Cục Quản lý tài nguyên nước (2020) “Tiếp tục báo động an ninh nước sạch”, nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hoat-dong-cua-dia-phuong/Tiep-tuc-bao-dong-an-ninh-nuoc-sach-9344, ngày truy cập 18/6/2023.

(24) Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 179.