Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của ... cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp...”. Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước ... bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ...”. Để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, nguyên tắc hiến định về bảo vệ và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của phạm nhân nói riêng, bài viết này làm rõ một số kết quả công tác thi hành án phạt tù năm 2022; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù trong thời gian tới.

Năm 2022, các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,... tiếp tục là thách thức đối với an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm xuất hiện nhiều đã đặt ra yêu cầu lớn đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và công tác thi hành án hình sự như: việc quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, thực hiện chế độ, chính sách pháp luật, tổ chức lao động cải tạo, dạy nghề cho phạm nhân, gây áp lực lớn trong công tác chăm sóc y tế đối với phạm nhân trong các cơ sở giam giữ. 
Trước bối cảnh đó, Bộ Công an đã quán triệt, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, cơ quan thi hành án hình sự các cấp, các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chủ động đề ra các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và tích cực triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thi hành án hình sự năm 2022, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu đề ra theo chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác thi hành án hình sự. Đặc biệt, đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 bảo đảm đúng quy định, tiến độ và an toàn. Đồng thời, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh lây lan phức tạp và bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ và thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và triển khai các mặt công tác thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Công an hướng dẫn nghề may cho phạm nhân. Nguồn: vietnam.vn

1. Một số kết quả công tác thi hành án phạt tù năm 2022
a) Thực hiện chế độ giam giữ phạm nhân
Về tiếp nhận phạm nhân chấp hành án: Năm 2022, các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tiếp nhận 79.485 phạm nhân đến chấp hành án theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, không để tình trạng tồn đọng nhiều người có án phạt tù ở các trại tạm giam. Sau khi tiếp nhận đều gửi thông báo đến Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành án, Cơ quan Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (đối với phạm nhân là người nước ngoài), Cơ quan Thi hành án dân sự (đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc bồi thường dân sự) và gia đình phạm nhân để các cơ quan, tổ chức, thân nhân biết nơi phạm nhân chấp hành án.
Về thực hiện chế độ giam giữ: Tất cả phạm nhân đến trại giam chấp hành án đều được phân loại và quản lý giam giữ theo đúng quy định. Phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người nước ngoài, phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ... được bố trí giam giữ riêng. Đối với phạm nhân loại đặc biệt nguy hiểm, thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ đều được lập hồ sơ đưa vào giam giữ tại nhà giam riêng để quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ. Để bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ trong mọi tình huống, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý các hành vi phạm pháp luật của phạm nhân, Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện đúng chế độ giam giữ các loại đối tượng theo quy định. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân xây dựng các phương án bảo vệ và thường xuyên tổ chức thực tập, diễn tập theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra định kỳ, đột xuất nơi giam giữ và thực hiện nghiêm các quy định về tuần tra, canh gác, dẫn giải phạm nhân; trang bị, lắp đặt bổ sung các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát an ninh, chế áp thông tin di động, máy soi hàng quà cho các trại giam... 
b) Về giáo dục cải tạo phạm nhân
Các cơ sở giam giữ phạm nhân cơ bản đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách cho phạm nhân; thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí. Chỉ tỉnh riêng các trại giam, đã tổ chức 2.255 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho 716.856 lượt phạm nhân; 153 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho 3.688 lượt phạm nhân (đã cấp chứng chỉ 685 phạm nhân); 1.183 lớp giáo dục công dân cho 51.147 phạm nhân mới đến chấp hành án, 634 lớp cho 85.246 lượt phạm nhân đang chấp hành án và 1.148 lớp cho 35.019 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; 660 lớp truyền thông phòng, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 142.147 lượt phạm nhân. Để khuyến khích những phạm nhân cải tạo tiến bộ, có thành tích trong quá trình chấp hành án, các trại giam thuộc Bộ Công an đã quyết định khen thưởng: 38.093 lượt phạm nhân3; đồng thời xử lý nghiêm các phạm nhân có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, đã kỷ luật: 2.508 lượt phạm nhân, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số phạm nhân hiện đang quản lý4 (tăng 23 lượt phạm nhân so với năm 2021). 
Các trại giam, trại tạm giam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội Liên hiệp thanh niên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho phạm nhân; triển khai chương trình giáo dục phạm nhân nữ, giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi và trong độ tuổi thanh niên... Các hoạt động phối hợp đã đáp ứng được một phần nhu cầu đời sống tinh thần, văn hoá, thông tin cho phạm nhân, có tác dụng tích cực trong giáo dục, cải tạo phạm nhân. Bên cạnh đó, các trại giam đã tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân nhằm tăng cường sự phối hợp với thân nhân phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự để động viên, giáo dục, giúp phạm nhân yên tâm học tập, cải tạo tiến bộ. 
Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng đã biên soạn 08 bài giáo dục pháp luật, giáo dục công dân để các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức cho phạm nhân học tập, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, đạo đức công dân cho phạm nhân. Đồng thời triển khai thực hiện tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân; chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức cho 100% phạm nhân được học tập chính trị, pháp luật. Thông qua học tập chính trị, pháp luật, phạm nhân đã có chuyển biến tích cực, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội đã gây ra, tin tưởng vào sự quản lý, giáo dục của trại và chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, từ đó an tâm phấn đấu cải tạo tiến bộ. Tỷ lệ phạm nhân xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại tốt đạt trên 41%; loại khá trên 55,1%; số phạm nhân vi phạm nội quy trại giam xếp loại trung bình và kém khoảng 3,9%5. 
c) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân
Các cơ sở giam giữ phạm nhân đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, khám, chữa bệnh; chế độ gặp, nhận quà, liên lạc điện thoại với thân nhân của phạm nhân6. Chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế đối với trẻ em là con phạm nhân ở cùng mẹ được bảo đảm, thực hiện đúng quy định. Một số trại giam đã xây dựng nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con phạm nhân ở cùng mẹ. Các trường hợp con phạm nhân đủ từ 36 tháng tuổi trở lên đều được các trại giam làm thủ tục giao cho thân nhân nuôi dưỡng hoặc đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định Cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Bộ Công an đã chỉ đạo phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tổ chức cho phạm nhân có quốc tịch nước ngoài thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự theo đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Thực hiện việc chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam với các nước theo Hiệp định chuyển giao mà Việt Nam đã ký kết.
Trong quá trình chấp hành án, phạm nhân được khám sức khoẻ định kỳ; phạm nhân ốm đau được khám, cấp phát thuốc, điều trị tại bệnh xá; trường hợp bệnh nặng được đưa đi bệnh viện khám, điều trị. Bệnh xá các trại giam, trại tạm giam từng bước được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế, bố trí đội ngũ bác sỹ, y sỹ, y tá, dược sỹ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo dõi, phòng, khám, chữa bệnh cho phạm nhân7. Đến nay, đã có 46/54 trại giam có khu điều trị riêng cho phạm nhân tại các bệnh viện phục vụ tốt việc chữa bệnh cho phạm nhân và quản lý phạm nhân trong thời gian điều trị. Năm 2022, các trại giam đã khám, cấp phát thuốc cho 4.275.397 lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá trại giam cho 11.346 lượt phạm nhân; chuyển đến khám, điều trị tại các bệnh viện cho 2.809 lượt phạm nhân; thường xuyên tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh lao, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phạm nhân8.
d) Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân
Thực hiện Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thực hiện chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân, các trại giam đã thực hiện trích 14% bổ sung mức ăn cho phạm nhân; trích 2% lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; trích 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động (trích 10% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân lao động trực tiếp; trích 02% chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động); trích 22% bổ sung quỹ phục lợi, khen thưởng của trại giam; trích 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho các trại giam (40% tạo nguồn vốn chung đầu tư trở lại cho các trại giam; 10% đào tạo nghề và bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân).
Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích từ kết quả lao động, học nghề năm 2021 của phạm nhân để đầu tư xây dựng các công trình, nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Trong năm 2022, các trại giam đã tổ chức 323 lớp dạy nghề cho 11.256 phạm nhân (đã hoàn thành và cấp chứng chỉ nghề cho 10.485 phạm nhân) với các ngành nghề như: may công nghiệp, điện công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí, mộc... Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các trại giam xây dựng kế hoạch lao động, học nghề cho phạm nhân trong năm và tổ chức cho phạm nhân lao động phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, mức án, tính chất tội phạm của từng phạm nhân, chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù để họ yên tâm cải tạo. Do đặc điểm số phạm nhân ít, các trại giam chủ yếu tổ chức cho phạm nhân trồng trọt như trồng lúa, mía, ngô, sắn..., chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy cầm và một số ngành nghề như mộc, rèn, xây dựng, tách và sơ chế hạt điều9...
e) Về tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện 
Các trại giam thuộc Bộ Công an đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 95 phạm nhân (giảm 26 trường hợp so với năm 2021). Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự cấp quân khu ra quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 62.022 phạm nhân (giảm 2.580 phạm nhân so với năm 2021); để lại 850 phạm nhân với các lý do chủ yếu: hết thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc chết trước khi Tòa án ra quyết định; trong thời gian chờ quyết định của Tòa án thì phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phải xử lý kỷ luật; bị kết án tù chung thân nhưng cải tạo tiến bộ không liên tục, cần có thêm thời gian thử thách; cải tạo khá, tốt không liên tục liền kề cần có thêm thời gian thử thách... Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đều bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật và được thực hiện chặt chẽ, công khai nên chưa phát hiện vi phạm và khiếu nại, tố cáo trong công tác này. 
Công tác xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân đã được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Công tác quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú ở các địa phương được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đến nay, hầu hết người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp hành nghiêm nghĩa vụ trong thời gian thử thách, có ý thức phấn đấu cải tạo tiến bộ để sớm chấp hành xong bản án, quyết định của Toà án. Năm 2022, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an các tỉnh, thành phố đã lập hồ sơ, đề nghị và được Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 1.199 phạm nhân10; không chấp nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 171 phạm nhân với các lý do cơ bản sau: không được coi là trường hợp phạm tội lần đầu; thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại dài, nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện ngay thì có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự; khi phạm tội là đối tượng cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối hoặc phạm tội có tính chất côn đồ, nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự11... 
f) Về quản lý, giáo dục phạm nhân tại trại tạm giam, nhà tạm giữ
Số người bị kết án tù chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc trách nhiệm của Bộ Công an đến ngày 30/9/2021 chuyển sang là 5.266; từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 số tăng là 7.754; số giảm là 7.378. Đến ngày 30/9/2022, có 5.642 phạm nhân chấp hành án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ (trong đó: 3.745 phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam; 1.897 phạm nhân chấp hành án tại các nhà tạm giữ), tăng 376 phạm nhân so với năm 2021. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an đã quyết định đưa 8.059 người bị kết án tù đến chấp hành án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ (có 702 phạm nhân có mức án còn lại dưới 02 tháng). 
Thực hiện điểm d Điều 2 Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội và nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình thực hiện Nghị quyết Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tốt công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ; đồng thời chấn chỉnh không để tình trạng phạm nhân chấp hành án vượt quá số lượng, mức án, tỷ lệ không vượt quá 15% theo luật định (tỷ lệ hiện nay là 9,5% trên tổng số người bị tạm giữ, tạm giam). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tổ chức cho phạm nhân học tập các chương trình giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, những nơi có điều kiện tổ chức cho phạm nhân học nghề; thực hiện đúng chế độ về ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh, chế độ gặp, nhận quà và liên lạc với thân nhân của phạm nhân, xếp loại chấp hành án, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân12. 
2. Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù
a) Một số hạn chế trong công tác thi hành án phạt tù 
Một số trại giam diện tích chỗ nằm tối thiểu chưa đủ theo quy định của pháp luật; số phạm nhân vượt quá quy mô giam giữ phạm nhân của trại giam. Công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ còn sơ hở, hạn chế, yếu kém dẫn đến phạm nhân lợi dụng trốn, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giáo dục cải tạo, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, nhất là trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai... 
Số lần vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án hình sự tăng cao so với năm 2021 (137 trường hợp)13. Chất lượng lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của một số trại giam còn hạn chế14,15. Công tác tuyên truyền, phố biến và tập huấn Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật còn hạn chế, quá trình thi hành đã phát sinh một số vấn đề thiếu thống nhất trong việc áp dụng Luật của cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương và các bộ, ngành liên quan16.
Một số cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đúng tính chất đối tượng, yêu cầu giam giữ, quản lý trong tình hình mới, còn lơ là, chủ quan mất cảnh giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... Một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ý thức phấn đấu và trách nhiệm với công việc chưa cao, vi phạm quy trình, chế độ công tác, bị xử lý kỷ luật. Một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác để phạm nhân trốn, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự17.
b) Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án phạt tù 
Năm 2022, số lượng phạm nhân đưa vào các trại giam chấp hành án tăng so với năm 2021; với thành phần, tính chất tội phạm đa dạng, phức tạp, như: phạm nhân án chung thân, có mức án dài, nhiều tiền án, phạm nhân phạm tội về ma túy, trộm cắp tài sản; có tiền sử nghiện ma túy, nhiễm HIV; có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi... luôn tỏ thái độ bất cần, liều lĩnh, manh động, thường xuyên gây gổ, tấn công phạm nhân khác, có tư tưởng không yên tâm cải tạo, cấu kết, móc nối đòi yêu sách, luôn tìm sơ hở để trốn, đưa đồ vật cấm vào trại giam, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. 
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, một số phạm nhân thuộc loại cơ hội chính trị, cực đoan gia tăng các hoạt động chống đối; sử dụng chiêu bài “tuyệt thực” bằng cách không nhận khẩu phần ăn do trại giam cấp, nhưng vẫn sử dụng thực phẩm do gia đình gửi, để đòi yêu sách trái với quy định của pháp luật; thường xuyên viết đơn, thư tố cáo sai sự thật gửi tới các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; luôn tìm mọi cách xuyên tạc chế độ giam giữ, trông chờ vào các thế lực thù địch, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao can thiệp đề nghị tạm đình chỉ, giảm án, tha tù trước thời hạn... 
Công tác quản lý, giam giữ phạm nhân có quốc tịch nước ngoài gặp nhiều khó khăn do số phạm nhân quốc tịch nước ngoài chấp hành án tại các trại giam thuộc nhiều quốc tịch khác nhau; trình độ ngoại ngữ, hiểu biết phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế. Ngoài ra, thủ tục giải quyết các vụ việc liên quan đến phạm nhân quốc tịch nước ngoài gặp nhiều khó khăn do phải liên lạc với Đại sứ quán, thân nhân phạm nhân. Đối với những phạm nhân người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù nhưng không có khả năng thực hiện các hình phạt bổ sung, phải lưu trú dài ngày đã tạo nên tâm lý tiêu cực và gây quá tải, áp lực trong công tác quản lý người lưu trú18.
Do tác động của dịch Covid-19, công tác tổ chức cho phạm nhân lao động cải tạo, học nghề còn gặp nhiều khó khăn, do các tổ chức, cá nhân đang hợp tác với các trại giam phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động... Bên cạnh đó, nguồn kinh phí bố trí cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn hạn chế, chủ yếu tổ chức cho phạm nhân lao động cải tạo, học nghề thông qua trồng trọt cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm19...
Bên cạnh đó, biên chế cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự của Công an các địa phương, trại giam còn thiếu; trình độ, năng lực cán bộ không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật, bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, tâm lý giáo dục, kỹ năng xử lý tình huống còn gặp khó khăn20. Biên chế của một số trại giam có xu hướng giảm mạnh, ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân21.
c) Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hình sự, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của của các phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ, cần thiết phải thể chế hoá các định hướng về công tác thi hành án phạt tù được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Về phía Chính phủ, cần chỉ đạo tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; tăng cường theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án phạt tù; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, bệnh xá tại trại giam đã xuống cấp, hư hỏng.

TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thượng tá. Trần Viết Dũng

Trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(2) Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
(3)  Thưởng hiện vật: 13.486 lượt phạm nhân với số tiền thưởng là: 2.999.219.000 đồng.
(4) Hành vi vi phạm chủ yếu: Đánh nhau, cất giấu, sử dụng đồ vật cấm... Hình thức kỷ luật: Khiển trách: 243 lượt phạm nhân; Cảnh cáo: 478 lượt phạm nhân; Giam tại buồng kỷ luật: 11.878 lượt phạm nhân.
(5) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(6) Đối với phạm nhân ở các trại giam: Đã có 152.915 lượt phạm nhân được gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đến 01 giờ, giảm 24,68% so với năm 2021; 287 lượt phạm nhân gặp thân nhân trên 01 giờ, giảm 19,15% so với năm 2021; 02 lượt phạm nhân gặp thân nhân tại phòng riêng, giảm 66,67% so với năm 2021; 178.510 lượt phạm nhân được nhận quà qua thăm gặp, giảm 23,12% so với năm 2021; 248.585 lượt phạm nhân được nhận quà qua bưu chính, tăng 54,99% so với năm 2021; 674.433 lượt phạm nhân được liên lạc điện thoại với thân nhân, tăng 6,07% so với năm 2021.
(7) Hiện nay cán bộ làm công tác y tế trong các trại giam có 148 bác sỹ (chuyên khoa 1: 10; chuyên khoa 2: 01); 08 dược sỹ đại học; 41 dược sỹ trung học; 33 điều dưỡng đại học; 113 điều dưỡng trung học; 05 cử nhân y tế công cộng; 417 y sỹ; 01 nữ hộ sinh; 01 hợp đồng; 20 cán bộ môi trường...
(8) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(9) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(10) Thuộc trách nhiệm của Bộ Công an: 1.176 phạm nhân; thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng: 23 phạm nhân.
(11) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(12) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(13) Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân thì tăng 137 trường hợp.
(14) Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát đề nghị và Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp nhận loại 114 hồ sơ không đủ điều kiện. Ngoài ra, Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện còn loại thêm 26 hồ sơ không đủ điều kiện.
(15)  Ủy ban Tư pháp (2022), Báo cáo số 1289/BC-UBTP15 ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.
(16) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(17) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(18) Hiện nay, Bộ Công an đang quản lý 02 Cơ sở lưu trú: Số 1 (tại tỉnh Vĩnh Phúc), Số 2 (tại tỉnh Long An). 
(19) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(20) Chính phủ (2022), Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
(21) Ủy ban Tư pháp (2022), Báo cáo số 1289/BC-UBTP15 ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.