Bài viết sử dụng phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp nghiên cứu về quá trình thực hiện chính sách đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉnh Quảng Nam đã rất chú trọng thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, từ các văn bản chỉ đạo đến công tác thực hiện như: trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, giao thông, dạy nghề và tạo việc làm, ... Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách đối người khuyết tật vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại tỉnh Quảng Nam hiện nay.
1. Mở đầu
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đối với những người yếu thế trong xã hội, nhất là đối với người khuyết tật (NKT) để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đất nước. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm và có những chủ trương, chính sách đối với NKT. Tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên1. Trong đó, tỉnh Quảng Nam “có 66.744 NKT, gồm 12.593 NKT đặc biệt nặng, 45.718 NKT nặng và 8.433 NKT nhẹ”2. So với cả nước, số lượng NKT tại tỉnh Quảng Nam chiếm 1,07%. NKT có xu hướng tăng dần qua các năm do quá trình già hóa dân số, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn,... Chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện để NKT vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, và đã đạt được những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống cho NKT. Tuy nhiên, công tác chăm sóc NKT còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: việc tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tỉ lệ học nghề còn thấp, công việc chưa ổn định, việc huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách đối với NKT còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với NKT tại tỉnh Quảng Nam là việc làm cần thiết trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng số liệu thứ cấp giai đoạn từ năm 2016-2020. Các số liệu thứ cấp được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: sách, báo, tạp chí, internet, luận văn, luận án, số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam. Một số phương pháp nghiên cứu gồm: thống kê mô tả, so sánh, phân tích tổng hợp, đánh giá về thực trạng thực hiện chính sách đối với NKT tỉnh Quảng Nam.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam
trao tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Nguồn: baoquangnam.vn.
2. Người khuyết tật và quyền của người khuyết tật
a) Người khuyết tật
Theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế về NKT, NKT trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác. Do vậy, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội mà trong đó NKT sống. Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT thông qua ngày 13/03/2007 nhằm mục đích thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho NKT được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ3.
Theo khoản 1, Điều 2, Luật NKT Việt Nam năm 2010: “NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”4. NKT là đối tượng yếu thế trong xã hội, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, đa số sống dựa vào gia đình, người thân hoặc sự trợ cấp của xã hội. NKT thuộc nhóm yếu thế do sự khiếm khuyết cơ thể, các chức năng xã hội của họ có thể bị suy giảm.
b) Quyền của người khuyết tật
NKT là một bộ phận không nhỏ của dân số thế giới nói chung và dân số Việt Nam nói riêng. Họ là đối tượng gặp nhiều thiệt thòi và phải chịu nhiều định kiến xã hội, bởi vậy, trong suốt những năm qua, cùng với việc thực hiện các công ước quốc tế về NKT, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với những nội dung phù hợp để tạo cho họ có một cuộc sống ổn định, vươn lên phát triển như bao con người bình thường khác trong xã hội.
Quyền của NKT được quy định rất cụ thể trong Luật NKT, tại Điều 4, quy định như sau: “NKT được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”5. Như vậy, quyền của NKT bao gồm: Quyền được trợ cấp xã hội hàng tháng; quyền về chăm sóc sức khỏe, y tế; quyền về học tập, giáo dục; quyền được dạy nghề và việc làm; quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao giải trí; quyền được tham gia giao thông.
Có thể thấy, quyền của NKT được quy định rất cụ thể và đầy đủ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chính sách đối với NKT không chỉ thể hiện lòng nhân đạo, sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc giữa người với người trong cộng đồng, trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới mà quan trọng hơn hết chính là tạo điều kiện để NKT có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
3. Thực trạng thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại tỉnh Quảng Nam
a) Kết quả đạt được
Trong những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện chính sách đối với NKT của nhà nước, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1650/QĐ-UBND phê duyệt dự án Chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo đó, hàng năm có khoảng 50 - 100 trẻ em khuyết tật được tiếp nhận để tập vật lí trị liệu, được tặng dụng cụ hỗ trợ tập vật lí trị liệu (như xe lăn, nạng, xe tập đi,...) theo chỉ định của nhà chuyên môn, được chăm sóc về dinh dưỡng, người thân của trẻ em khuyết tật được tập huấn nâng cao kĩ năng chăm sóc trẻ em khuyết tật6. Hàng năm, tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lí cho NKT có khó khăn về tài chính. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 7704/KH-UBND về trợ giúp NKT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi các chính sách của Nhà nước góp phần trợ giúp NKT cải thiện chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; xây dựng môi trường không rào cản, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình7.
Tỉnh Quảng Nam đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách của Nhà nước để hỗ trợ NKT như: Hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập; phối hợp với các tổ chức, dự án phi chính phủ nước ngoài thực hiện các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; mổ chỉnh hình. Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp xã hội theo quy định, tỉnh Quảng Nam đã vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho NKT như hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở tạo điều kiện cho NKT có việc làm, phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng.
Đối với công tác truyền thông. Công tác truyền thông chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với NKT được các cấp sở, ban, ngành, hội, đoàn thể quan tâm. Trong giai đoạn 2016-2020 đã có hơn 215 tin bài, phóng sự về công tác trợ giúp pháp lí miễn phí cho NKT, đặc biệt là NKT khó khăn về tài chính; NKT tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống; các mô hình trợ giúp NKT; những tấm gương nhân ái trong hoạt động trợ giúp NKT8. Tỉnh Quảng Nam cũng vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh như Hội Bảo trợ NKT, Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo; Hội người mù; Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Hội Từ thiện,... để tổ chức các hoạt động giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà đến NKT gặp khó khăn, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật trẻ bị tim bẩm sinh, khám, chữa bệnh miễn phí, cấp các dụng cụ hỗ trợ phương tiện đi lại cho NKT như xe lăn, xe lắc.
Đối với công tác trợ cấp xã hội. Thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Tỉnh Quảng Nam thực hiện các chính sách của nhà nước đối với NKT đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đang nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế và khi chết được thực hiện hỗ trợ mai táng phí theo quy định hiện hành. NKT đặc biệt nặng, nặng, nhẹ và đối tượng thương binh,... khi có nhu cầu đều được cấp giấy xác nhận khuyết tật và “đã cấp trên 62 nghìn giấy xác nhận khuyết tật”9. Các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam đã thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP đối với NKT nặng, đặc biệt nặng tại cộng đồng cho trên 48 nghìn người; trong đó NKT nặng gần 37 nghìn người, NKT đặc biệt nặng trên 11 nghìn người. NKT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội (430 người) với mức nuôi dưỡng 1,08 triệu đồng/người/tháng và 1,44 triệu đồng/người/tháng đối với người cao tuổi khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Trong năm 2020, Hội Bảo trợ NKT, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động quỹ hội bằng tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 15 tỉ đồng (vượt 29,3% so với năm 2019). Tích cực vận động hỗ trợ NKT bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-1910.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao. Thực hiện công tác trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe NKT, tỉnh Quảng Nam đã phát triển các khoa phục hồi chức năng trong bệnh viện. Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên cho NKT trong khám, chữa bệnh như ưu tiên khám trước, được nằm giường bệnh riêng, miễn giảm viện phí một số trường hợp. Ngoài ra, còn tổ chức khám sàng lọc, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em dưới 6 tuổi; cung cấp kiến thức phòng bệnh, phòng ngừa tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc an toàn, v.v. cho NKT. Ngoài ra, các chuyên gia cũng tư vấn cho cán bộ của Trung tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người chăm sóc về cách chăm sóc NKT, trong đó có cung cấp các khóa học trực tuyến nâng cao năng lực miễn phí. Cùng với đó, NKT được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thông qua tổ chức hội thi với các chủ đề như “Nâng cánh ước mơ”, “Tiếng hát từ trái tim”, cầu lông và cờ tướng, thu hút trên 1.200 NKT tham gia11. Các điểm du lịch, điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao đã thực hiện việc miễn, giảm giá vé, ưu tiên cho NKT, điển hình như các điểm du lịch ở phố cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn,... Hội NKT cấp tỉnh, huyện đã tổ chức các hội thi đua xe lăn, xe lắc, cầu lông, cờ tướng và tổ chức sự kiện thể dục thể thao cho NKT.
Đối với công tác giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp trên 4 tỉ đồng để thực hiện các chính sách trợ giúp về giáo dục cho học sinh khuyết tật, tạo điều kiện cho các em được học tập và hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2020, các trường nghề trên địa bàn đã đào tạo nghề (trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng) cho NKT có nhu cầu; hỗ trợ đào tạo nghề cho 262 lao động là NKT, với kinh phí 790 triệu đồng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ12; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống của các địa phương đã tạo điều kiện dạy nghề thủ công và tạo việc làm ngay tại địa phương cho hơn 500 NKT như may dân dụng, mộc, mây tre, làm lồng đèn, sửa chữa hon đa, xe đạp, in lụa,... tạo điều kiện để NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các tổ chức phi Chính phủ như Tổ chức phi chính phủ thuộc Công đoàn Úc (APHEDA), Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), Tổ chức Cứu trợ phát triển CRS (Catholic Relief Services),... đã tài trợ cho các hội NKT dạy nghề miễn phí cho gần 400 NKT có nhu cầu học nghề như may dân dụng, làm vàng mã, làm hương, dán áo mưa, massage, chạm mộc. Số NKT sau khi học xong nghề đã tham gia làm việc tại các làng nghề truyền thống, cơ sở massage ngay tại địa phương hoặc được hỗ trợ vốn để làm việc tại nhà theo nhóm của NKT. Cục Bảo trợ xã hội đã hỗ trợ các mô hình sinh kế cho 35 gia đình NKT, với kinh phí 300 triệu đồng. Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ sinh kế cho 80 gia đình NKT bị ảnh hưởng bom mìn với 80 con bò, trị giá l tỉ đồng13.
Đối với công tác chăm sóc người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông. Tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trợ giúp NKT trong hoạt động vận tải; nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát; xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các phương tiện vận tải hành khách công cộng để NKT tham gia giao thông; tăng cường năng lực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về tiếp cận giao thông; khảo sát, đánh giá thực trạng đảm bảo tiếp cận của hệ thống giao thông công cộng và nhu cầu tham gia giao thông của NKT. Các công trình hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh được đầu tư tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công xây dựng đảm bảo cho NKT tiếp cận, đặc biệt là công trình về giáo dục, y tế, giao thông đô thị, văn hóa, thể thao; Thực hiện miễn giảm giá vé cho NKT khi tham gia giao thông. Các đơn vị vận tải hành khách bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho NKT khi tham gia giao thông, bố trí nhân viên để trợ giúp NKT lên, xuống phương tiện giao thông. Tỉnh Quảng Nam đề ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, phấn đấu 100% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé; riêng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ trên tuyến cố định có tối thiểu 40% NKT được giảm giá vé khi sử dụng14.
Đối với công tác phát triển đội ngũ cán bộ. Để phục vụ công tác chăm sóc NKT, trong những năm qua, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác trợ giúp NKT như: Tổ chức 06 lớp tập huấn dành cho cán bộ đại diện của các sở, ngành, hội, đoàn thể và các cơ sở trợ giúp xã hội cấp tỉnh, có 420 người tham gia; 12 lớp dành cho cán bộ phòng, ban, hội, cơ sở trợ giúp xã hội cấp huyện, xã và gia đình NKT, có 670 người tham gia; 03 lớp dành cho nữ khuyết tật trong độ tuổi sinh sản của một số huyện, thị xã, thành phố, có trên 100 người tham gia; 05 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kĩ năng trợ giúp pháp lí cho cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lí và cán bộ hội khuyết tật, có 345 người tham gia15. Năm 2020, Dự án “Hãy nắm tay tôi” cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam tổ chức 2 lớp tập huấn tại thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành (mỗi lớp 33 người) về chăm sóc NKT đặc biệt nặng16. Mục đích mở lớp tập huấn nhằm trang bị cho học viên tham dự về những kĩ năng chăm sóc sinh hoạt hàng ngày, kĩ năng di chuyển cho NKT, kĩ năng giao tiếp và quản lí hành vi đối với NKT tâm thần - thần kinh nặng và đặc biệt nặng; qua đó, người chăm sóc giúp NKT giảm thiểu các khó khăn do khuyết tật gây nên, tăng cường sự tương tác, giúp NKT hòa nhập gia đình, cộng đồng tốt hơn.
Đối với hoạt động của các tổ chức, hội. Công tác thành lập và phát triển Hội NKT các cấp được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Tỉnh hội; Huyện hội: 11/18 huyện, thị xã, thành phố (09 hội và 02 ban vận động); Hội cấp xã: 45/244 xã, phường, thị trấn; Chi hội thôn: 101; Tổng số hội viên Hội NKT là 6.500 người17. Ngoài các tổ chức hội các cấp được thành lập, thu hút 6.500 hội viên NKT tham gia, các địa phương đã tạo điều kiện cho các mô hình tổ chức được thành lập như Chi hội Thanh niên khuyết tật, Chi hội cha mẹ trẻ khuyết tật, Câu lạc bộ cha mẹ trẻ tự kỉ, ...
Như vậy, có thể thấy, công tác chăm sóc NKT tại tỉnh Quảng Nam đã thu được một số kết quả quan trọng trên các mặt như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, nuôi dưỡng ở các trung tâm; hỗ trợ học văn hóa, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho NKT và nhiều hoạt động khác. NKT được tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm các vấn đề giáo dục, y tế, dạy nghề, tạo việc làm và tham gia giao thông công cộng; tỉnh Quảng Nam cũng quan tâm thành lập và phát triển các hội chăm sóc NKT cũng như bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác chăm sóc NKT. Cùng với đó, là việc thực hiện trợ giúp pháp lí cho NKT, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác trợ giúp NKT. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với NKT về thực thi các chính sách, thông qua đó đã giải thích, giải quyết được các yêu cầu cũng như thắc mắc của NKT, đồng thời tạo điều kiện để họ hiểu hơn về pháp luật dành cho NKT.
Những kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT tỉnh Quảng Nam được cải thiện đáng kể, NKT có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực vươn lên trong cuộc sống.
b) Những hạn chế/rào cản
Thứ nhất, hệ thống chính sách đối với NKT chưa thực sự hoàn thiện, thiếu các chính sách hoặc các chính sách chưa phù hợp, ngay cả ở nơi chính sách được ban hành thì các chính sách cũng có thể không được triển khai thực hiện đúng, không có chế tài và vẫn có thể tồn tại sự phân biệt đối xử với NKT. Cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả triển khai thực hiện chính sách đối với NKT chưa cao. Ngân sách bố trí thực hiện các chính sách của Luật NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn hạn chế.
Thứ hai, nhận thức về công tác thực hiện chính sách đối với NKT còn hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử với NKT vẫn còn, tạo nên những rào cản đối với sự hòa nhập cộng đồng của họ. Ngoài ra, tâm lí tự ti, mặc cảm cũng là một trong những nguyên nhân, do những khiếm khuyết của bản thân khiến cho NKT gặp nhiều khó khăn hơn so với những người bình thường khác khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Còn một bộ phận NKT vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là NKT ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận tiện. Công tác hỗ trợ NKT trong giáo dục còn gặp khó khăn, hạn chế như: việc phối hợp giữa cha mẹ học sinh với nhà trường chưa thường xuyên, phó thác cho nhà trường. Các em vẫn còn mặc cảm trong quá trình giao tiếp, vì vậy, số trẻ khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập chưa cao. Tỉ lệ NKT được học nghề vẫn còn thấp, phần lớn những NKT có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm.
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách đối với NKT còn gặp nhiều khó khăn. Các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất,... còn rất hạn chế nên dẫn tới những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Việc miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch,... chưa đạt hiệu quả cao do nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn hẹp; kiến thức, kĩ năng xác định mức độ khuyết tật mới chỉ mang tính tương đối. Trình độ cán bộ chuyên môn phụ trách thực hiện chính sách đối với NKT không đồng đều; thiếu cán bộ chuyên sâu, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công tác chỉ đạo cho các huyện và xã.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại tỉnh Quảng Nam
Trong Kế hoạch trợ giúp NKT tỉnh Quảng Nam giai đoạn từ năm 2021-2030 đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu thực hiện đạt 100% NKT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tại cộng đồng; 100% NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 70% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 30% trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp, v.v.. Để đạt được mục tiêu trên và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc NKT tại tỉnh Quảng Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách đối với người NKT, quyền và trách nhiệm của NKT đến các ngành, các cấp, gia đình và bản thân NKT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền, lợi ích hợp pháp của NKT và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc trợ giúp NKT, tạo cơ hội để NKT tham gia, tự tin, chia sẻ. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức việc thực hiện Luật NKT và các hoạt động trợ giúp NKT, các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử với NKT; phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về NKT. Các bộ, ngành trung ương tổ chức điều tra, xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, đồng bộ trên toàn quốc về NKT, tạo nên một hệ thống thông tin liên hoàn từ trung ương đến cơ sở. Tỉnh Quảng Nam cần tổ chức rà soát, thống kê số NKT trên địa bàn nhằm xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quản lí thông tin liên quan đến NKT và thực hiện các chính sách đối với họ, duy trì hệ thống thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để kết nối khai thác, sử dụng dữ liệu về NKT. Thường xuyên thực hiện công tác khám sàng lọc nhằm phát hiện và can thiệp sớm các dấu hiệu, triệu chứng có nguy cơ dẫn đến khuyết tật; chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho NKT. Tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng NKT, các đặc trưng về giới tính, tuổi, các dạng tật, hạng tật, tình trạng việc làm của NKT, thu nhập, đời sống của NKT,... làm căn cứ tham mưu đề xuất xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách trợ giúp NKT, chính sách cho NKT và hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch trợ giúp NKT.
Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lí của Nhà nước trong thực hiện chính sách đối với NKT. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp liên ngành trong việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình trẻ em bị khuyết tật. Tăng cường công tác quản lí nhà nước: xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; định kì xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với trẻ em khuyết tật và kế hoạch thực hiện của các ngành, đơn vị, địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước về ưu tiên đối với NKT theo quy định tại cộng đồng. Lồng ghép các chương trình tín dụng xã hội và dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để triển khai các hoạt động trợ giúp xã hội đối với NKT (về y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm,...). Hướng dẫn, triển khai đầy đủ các nội dung được quy định trong Luật NKT và của Đề án Trợ giúp NKT, tiến hành rà soát nếu chỉ tiêu, mục tiêu nào không thể đạt được thì kiến nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Bốn là, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách đối với người NKT. Nâng cao năng lực cho cán bộ công tác xã hội cấp cơ sở; cán bộ, nhân viên, giáo viên tham gia công tác trong cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập về các phương thức hỗ trợ giáo dục để đáp ứng các nhu cầu giảng dạy NKT, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ làm công tác trong các ngành liên quan đến NKT. Phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, qua nhiều lớp tập huấn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tổ chức, không chỉ các nhân viên của Trung tâm mà cán bộ xã hội ở các địa phương cũng có phương pháp, kĩ năng công tác xã hội để hỗ trợ NKT tiếp cận các dịch vụ. Đối với lực lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục NKT cần được tập huấn nâng cao trình độ, kĩ năng về nhu cầu phát triển cho trẻ em khuyết tật. Tăng cường bố trí đội ngũ y, bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế tuyến xã (đặc biệt là y, bác sĩ về chuyên khoa tâm thần và phục hồi chức năng).
Năm là, nâng cao hiệu quả các dịch vụ xã hội hỗ trợ NKT. Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội đối với NKT, cần phải bảo đảm được việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, kĩ năng, kiến thức trong chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ NKT; nâng cao năng lực cho NKT và phát huy vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với NKT. Chỉ khi NKT hiểu rõ được quyền lợi, nghĩa vụ, khả năng của bản thân, họ mới có thể thuyết phục được người khác tôn trọng, nhìn nhận năng lực của mình. Gia đình nhận thức đúng thì mới có thể hỗ trợ, khuyến khích NKT phát triển một cách tối đa năng lực của họ. Từ đó nâng cao nhận thức, sự tự tin cho NKT để họ thể hiện khả năng của mình, sẵn sàng hòa nhập và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, để NKT khẳng định được năng lực, rất cần đến cộng đồng, xã hội tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi cho họ thể hiện khả năng, đóng góp trí tuệ, tâm sức. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thực hiện các mô hình trợ giúp NKT về giáo dục, học nghề, phục hồi chức năng, tiếp cận về giao thông, công trình xây dựng, phương tiện về công nghệ thông tin và các mô hình hỗ trợ về sinh kế. Khuyến khích, hỗ trợ để thành lập các trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập về hoạt động giáo dục đối với NKT. Đẩy mạnh chương trình hoạt động các mô hình phòng ngừa, phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng, hỗ trợ xây dựng mô hình trợ giúp xã hội và trợ giúp pháp lí đặc thù dành riêng cho NKT.
Sáu là, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thực hiện chính sách đối với NKT. Đa dạng hóa việc vận động nguồn lực, tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước; tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ kinh phí, kĩ thuật và kinh nghiệm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai, thực hiện kế hoạch. Vận động các nguồn lực hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị, dụng cụ để trợ giúp NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Quan tâm trợ giúp phụ nữ khuyết tật về tiếp cận chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ yếu thế. Kết nối, điều phối vận động các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để tiếp tục trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, phối hợp để nắm bắt các dự án hỗ trợ NKT đang và sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ NKT, trong đó quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho NKT, tạo điều kiện để NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin); hỗ trợ NKT mù được học chữ Braille, tin học; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho NKT.
Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho NKT. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT, tư vấn học nghề, hỗ trợ vốn ưu đãi của Nhà nước dành cho NKT và các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Khi NKT có nghề, họ tự khẳng định được niềm tin, sự hãnh diện và vị thế trong xã hội. NKT còn khả năng lao động chủ yếu làm những công việc như đan lát, trồng trọt, chăn nuôi, bán vé số hoặc làm những công việc có tính chất thời vụ. Còn ở các công ty, cơ sở sản xuất - kinh doanh thì NKT khó có cơ hội để tiếp cận do đa số NKT có trình độ học vấn thấp, sức khỏe yếu. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cần chủ động, tạo điều kiện giúp đỡ NKT vào làm việc và phải coi đây là trách nhiệm xã hội đối với NKT. Xây dựng các Đề án dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với việc hỗ trợ phương tiện làm ăn.
Tám là, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lí, tư vấn việc làm cho NKT. Bản thân NKT chưa nhận thức được những lợi thế của họ khi đi tìm việc làm. Mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân khiến họ khó có thể nhận ra lợi thế, điểm mạnh của mình là gì, điều này thường xảy ra với nhiều lao động nữ khuyết tật. Vì vậy, công tác tư vấn về tâm lí, năng lực việc làm cho NKT được chú trọng ngay tại các phiên giao dịch việc làm dành cho NKT được tổ chức. Cần tiếp cận từng lao động khuyết tật, tư vấn cho họ, giúp họ nhận ra được những điểm mạnh của mình, để từ đó tìm được những ngành nghề phù hợp với bản thân họ. Với sự nỗ lực từ chính bản thân NKT, sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành cùng các doanh nghiệp và xã hội, NKT hoàn toàn có cơ hội khẳng định bản thân mình, vượt lên sự tự ti, mặc cảm để trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội như bao người bình thường khác thông qua việc tiếp cận cơ hội việc làm cũng như sự tư vấn về tâm lí, khả năng bản thân.
5. Kết luận
Như vậy, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với NKT, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách đối với NKT trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, thực hiện chính sách đối với NKT tại tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần khắc phục. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần: đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách trợ giúp NKT, quyền và trách nhiệm của NKT đến các ngành, các cấp, gia đình và bản thân NKT; xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về NKT; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lí của Nhà nước; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả các dịch vụ xã hội hỗ trợ NKT; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội thực hiện chính sách đối với NKT; nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho NKT; nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lí, tư vấn việc làm cho NKT.
ThS. Lê Đức Thọ
Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Tổng cục Thống kê, 2018, Việt Nam điều tra quốc gia người khuyết tật, Nxb.Thống kê, Hà Nội; tr. 15.
(2) Công Bính, 2021, “Phấn đấu 100% NKT ở Quảng Nam được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế”, (https://dantri.com.vn); truy cập ngày 05/5/2022.
(3) Liên hợp quốc, 2007, Công ước về quyền của người khuyết tật; tr. 2
(4) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Người khuyết tật năm 2010.
(5) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Người khuyết tật năm 2010.
(6) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, 2018, Quyết định số 1650/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, Quảng Nam.
(7) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, 2020, Kế hoạch số 7704/KH-UBND về trợ giúp NKT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, Quảng Nam.
(8) Minh Nhật, 2019, “Quảng Nam: Triển khai đồng bộ hoạt động trợ giúp NKT”, (http://m.giadinhvatreem.vn); truy cập ngày 05/5/2022.
(9) Công Bính, 2021, “Phấn đấu 100% NKT ở Quảng Nam được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế”, (https://dantri.com.vn); truy cập ngày 05/5/2022.
(10) Hoàng Liên, 2021, “Nhiều hoạt động giúp đỡ NKT và trẻ em”, (https://baoquangnam.vn); truy cập ngày 05/5/2022.
(11) Minh Nhật, 2019, “Quảng Nam: Triển khai đồng bộ hoạt động trợ giúp NKT”, (http://m.giadinhvatreem.vn); truy cập ngày 05/5/2022.
(12) Minh Anh, 2020, “Quảng Nam: Trên 47.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”, (http://laodongxahoi.net); truy cập ngày 05/5/2022.
(13) Minh Anh, 2020, “Quảng Nam: Trên 47.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”, (http://laodongxahoi.net); truy cập ngày 05/5/2022.
(14) Minh Anh, 2020, “Quảng Nam: Trên 47.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”, (http://laodongxahoi.net); truy cập ngày 05/5/2022.
(15) Minh Anh, 2020, “Quảng Nam: Trên 47.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”, (http://laodongxahoi.net); truy cập ngày 05/5/2022.
(16) Võ Văn Ái, 2020, “Quảng Nam tập huấn về chăm sóc NKT đặc biệt nặng”, (http://dientudacam.vn); truy cập ngày 05/5/2022.