Bài viết đề cập tình hình và vấn đề tị nạn trên thế giới hiện nay và phân tích những giải pháp đang được áp dụng trong việc giải quyết vấn đề tị nạn theo luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế mà Liên hợp quốc đã thông qua và đang được nhiều nước và tổ chức quốc tế áp dụng. Bài viết cũng giới thiệu tình hình và kinh nghiệm của Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn trong giai đoạn sau chiến tranh trên cơ sở pháp luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế.
1. Tình hình và vấn đề người tị nạn trên thế giới
Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)1, thế giới đang phải chứng kiến mức kỷ lục từ trước tới nay về số người bị buộc phải di dời (forcibly displaced) ra nước ngoài hay trong nước do bị truy bức, xung đột, bạo lực, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu hay bệnh dịch do các vi phạm quyền con người với tỷ lệ 1% dân số thế giới, với 82,4 triệu người năm 2020 (95 người mỗi phút), tăng gấp hơn hai lần so với 41 triệu người năm 2010. Tỷ lệ người phải di dời tăng lên 4% là 79,5 triệu người so với năm 2019.
Con số và tỷ lệ người tị nạn (refugees) trên thế giới có giảm đi trong các năm 2019 và 2020 do các chính sách phòng ngừa bệnh COVID-19 chủ yếu qua việc đóng cửa biên giới quốc gia, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở phần đông các nước. Dù vậy, số người buộc phải di dời và trở thành người tị nạn trong biên giới quốc gia ở nhiều nước vẫn tiếp tục gia tăng mà đông nhất trong năm 2020 là 5 nước gồm Syria (6,7 triệu), Venezuela (4 triệu), Afghanistan (2,6 triệu), Nam Sudan (2,2 triệu) và Myanmar (1,1 triệu). 73% số người tị nạn đến từ các nước láng giềng, đặc biệt từ các nước kể trên2.
Trên thực tế thì 86% số người tị nạn trên thế giới lại ở các nước đang phát triển và 4 nước chứa nhiều người tị nạn nhất (hoặc di tản qua biên giới) lại là Thổ Nhĩ Kỳ (3,7 triệu tị nạn mà chủ yếu là đến từ Syria chiếm 92%), Colombia (1,7 triệu người Venezuela), Pakistan (1,4 triệu), Uganda (1,4 triệu). Đây là những nước kém phát triển về kinh tế-xã hội những đang lại phải gồng mình lên để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cơ bản về các mặt cho người tị nạn đến từ nước ngoài.
Một số nước châu Âu đang xem xét để tiếp nhận số đông người tìm kiếm quy chế tị nạn từ các nước khác như Iraq và Afghanistan. Đức tiếp nhận nhiều người tị nạn từ nước ngoài đến; với 1,2 triệu người. Tuy nhiên, những cuộc xung đột vũ trang khác nhau như chiến tranh đang tiếp diễn ở Syria, khủng hoảng kinh tế ở Venezuela... tiếp tục buộc nhiều người tìm đến những nơi an toàn và giầu có hơn trên thế giới như Mỹ, Ý, Đức... và hiện các quốc gia này đang tìm cách đóng cửa biên giới quốc gia để ngăn chặn những dòng người đến nhập cư ồ ạt, trừ trường hợp áp dụng với người tị nạn từ Ukraina là nước châu Âu duy nhất do đang có chiến tranh với Nga.
Cũng trong năm 2020, có khoảng 26,4 triệu tị nạn, mà trong đó có quá nửa là người dưới 18 tuổi mà số đông không đi cùng bố mẹ hay không có người lớn đi cùng. Trong số người tị nạn kể trên có hàng triệu người không quốc tịch (stateless people), tức là bị từ chối không có được quốc tịch và do vậy bị tước đi những quyền cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế, việc làm và sự tự do đi lại, đặc biệt cho trẻ em và thanh niên.
Năm 2022 là năm liên tiếp mà số người phải bị buộc phải đi di dời ra nước ngoài hiện đã vượt qua số người phải di dời khỏi các quốc gia của họ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và dự báo con số này vẫn tiếp tục tăng lên bất kể các cố gắng của Liên hợp quốc và những quốc gia liên quan, đặc biệt trong đó có hàng triệu người Ukraina đang chạy sang lánh nạn ở các nước châu Âu láng giềng khác.
Ở nhiều nước trên thế giới, 60% số người tị nạn thường tập trung ở những vùng đô thị còn một số ít người khác sống trong các trại tị nạn mà thường là những trại do chính phủ các quốc gia tiếp nhận hoặc những tổ chức phi chính phủ (NGO) xây dựng3. Những người tị nạn sống tại đây được nhận trợ giúp cơ bản về lương thực, hỗ trợ về các nhu cầu y tế, sức khỏe, cho đến khi họ có điều kiện quay trở lại quê hương, hoặc có điều kiện hòa nhập vào đời sống xã hội bên ngoài. Nhiều trường hợp trong thực tế, do chiến tranh, xung đột hoặc thảm họa kéo dài, những người tị nạn sau nhiều năm vẫn không thể trở về và có cuộc sống an toàn ở quê hương. Khi đó thì họ sẽ được thu xếp để tái định cư ở một quốc gia thứ ba, thường là cách xa biên giới quốc gia gốc của họ. Tuy nhiên, việc thu xếp tái định cư không đơn giản, chính vì vậy trên thực tế cuộc sống của những người tị nạn thường kéo dài trong các trại tị nạn với sự thiếu thốn nghiêm trọng về các nhu cầu vật chất cơ bản, không có quyền lợi, họ thường trở thành nạn nhân của bạo lực và bạo hành tình dục, tham gia vào các đội quân khủng bố, hoặc chết vì bệnh tật4.
Dòng người tị nạn từ Ukraina đặt ra nhiều thách thức cho châu Âu.
Nguồn: vov.vn
2. Các khuôn khổ luật quốc tế về tị nạn, luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế
Các khuôn khổ pháp luật đã được loài người hình thành từ đầu thế kỉ 20 tới nay để bảo vệ và thực hiện các quyền của người tị nạn, gồm luật quốc tế về tị nạn, luật quốc tế về con người và luật nhân đạo quốc tế. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt Liên hợp quốc ngay sau khi ra đời đã xây dựng và phát triển những chuẩn mực để tăng cường việc bảo vệ người tị nạn, đáng kể nhất là Công ước về Vị thế người tị nạn năm 1951 (the 1951 Convention Relating to the Status of Refugees) và Nghị định thư về Vị thế Người tị nạn năm 1967 (the 1967 Protocol Relating to the Status of Refugees)5. Hàng năm, UNHCR xuất bản báo cáo về số lượng người tị nạn và những người khác trên toàn thế giới đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, xung đột và khủng bố, truy bức.
Công ước Tị nạn đã chấp nhận định nghĩa sau về “người tị nạn” (trong Điều 1.A.2) để áp dụng cho bất kì ai: ”do sự sợ hãi có cơ sở là bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, đang ở ngoài đất nước mà người đó có quốc tịch và không thể, hoặc, do sự sợ hãi như vậy, không muốn tiếp nhận sự bảo vệ của quốc gia đó; hoặc người không có quốc tịch đang sống ở ngoài quốc gia mà trước đó hoặc đã từng cư trú do kết quả của những sự kiện đó mà không thể, hoặc do sự sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó”.
Quan niệm về người tị nạn sau đó được Nghị định thư năm 1967 của Công ước mở rộng là bao gồm những người rời bỏ quốc gia của mình vì lý do chiến tranh, xung đột hoặc bạo lực, thảm sát xảy ra tại những nơi này. Khái niệm về người tị nạn đôi khi được mở rộng hơn nữa, bao gồm cả những người đi khỏi chỗ ở ngay bên trong quốc gia của họ (Điều 1).
Liên hợp quốc bên cạnh đó cũng đã thông qua những văn kiện liên quan khác, trong đó có một số “luật cứng” (có hiệu lực pháp lý với quốc gia thành viên) chọn lọc gồm:
• Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICSCR).
• Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
• Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD).
• Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW).
• Công ước về chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục (CAT).
• Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình họ (ICRMW).
• Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).
• Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người không bị cưỡng bức đưa đi mất tích (CPED).
• Công ước về quyền trẻ em (CRC) và hai nghị định thư bổ sung (Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bổ sung Công ước về quyền trẻ em (OP-CRC-SC) và Nghị định thư không bắt buộc về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang (OP-CRC-AC)).
• Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và hai nghị định thư bổ sung như Nghị định thư về việc ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (TIPP) và Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không (SOM).
• Công ước về quy chế không quốc tịch.
• Công ước về giảm tình trạng không quốc tịch...
Ngày 20/6 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Tị nạn Thế giới (the World Refugee Day)6, để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới. Ngày này được kỷ niệm hàng năm tại hơn 100 quốc gia, với sự tham gia của các quan chức chính phủ, nhân viên cứu trợ nhân đạo, tổ chức nhân đạo, người nổi tiếng, thường dân và bản thân người tị nạn. Ngày Tị nạn Thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2001 để kỉ niệm 50 năm Liên hợp quốc thông qua là Công ước về Vị thế người tị nạn năm 1951 và Nghị định thư về Vị thế Người tị nạn năm 1967.
Một số văn bản liên quan là “luật mềm” gồm Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người (UDHR), Tuyên ngôn về quyền con người của những cá nhân không phải là công dân của những nước mà họ đang sinh sống… Hiện Liên hợp quốc đang tổ chức dự thảo Tuyên ngôn về quyền của người bị trục xuất (the Declaration on the Rights of Expelled and Deported Persons).
Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững do các nhà lãnh đạo thế giới thông qua năm 2015 với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để hoàn thành vào năm 2030 liên quan trực tiếp đến vấn đề di cư, đặc biệt di cư quốc tế. Chương trình kêu gọi các nước trên thế giới đề ra và thực hiện những chính sách phù hợp với người di cư trên cơ sở quyền con người, xóa bỏ nạn buôn bán người, tôn trọng những quyền của lao động di cư-tị nạn. Chương trình nhấn mạnh đến những sự dễ bị tổn thương của người di cư, người tị nạn... và việc giải quyết các khủng hoảng nhân đạo. Bao trùm toàn diện là điểm cốt lõi trong Chương trình được phản ánh rất rõ trong tất cả SDGs và các chỉ tiêu liên quan. Bao trùm toàn diện cũng được phản ánh trong các nguyên tắc quan trọng của Chương trình là “không bỏ lại ai phía sau” và tầm nhìn hướng tới “một thế giới công bằng, bình đẳng, khoan dung, cởi mở và toàn diện về xã hội, trong đó đáp ứng ứng được nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất” và “một thế giới trong đó tất cả các quốc gia đều tăng trưởng liên tục, toàn diện và bền vững, có việc làm bền vững cho tất cả mọi người”.
Vào ngày 19/9/2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố New York về Người tị nạn và Người di cư (the New York Declaration for Refugees and Migrants)7 mà qua đó tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc khẳng định sự đoàn kết và cam kết toàn cầu trong việc giải quyết tất cả những khía cạnh của di cư quốc tế, gồm cả về nhân đạo, phát triển và quyền con người. Liên hợp quốc hiện cũng đang xây dựng hai thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn và di cư để xúc tiến và tạo thuận lợi cho việc di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp và bảo vệ các quyền của người di cư-tị nạn, cũng như trách nhiệm của nước gửi và nước nhận người di cư-tị nạn. Tuy nhiên, đã có một số thách thức kể từ khi các nước ký Tuyên bố New York, trong đó có việc Mỹ rút khỏi Tuyên bố vào tháng 12/2017.
Hiệp định Toàn cầu về người tị nạn (the Global Compact on Refugees)8 được Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua ngày 17/12/2018, nhấn mạnh đến khuôn khổ của việc chia sẻ trách nhiệm lớn hơn về hỗ trợ và giúp người tị nạn giữa các nước trên thế giới – dù đã phát triển hay đang phát triển hoặc kém phát triển hơn, vai trò các tổ chức quốc tế và bản thân người tị nạn cũng như những cộng đồng có người tị nạn đến tị nạn trong vấn đề tị nạn trên thế giới. Giải pháp hồi hương và trách nhiệm của các nước đi, nước trung chuyển và nước đến được nhấn mạnh trong việc bảo vệ và thực hiện những quyền của người tị nạn, trong đó có việc phòng chống bệnh dịch COVID-19 đang phát triển tràn lan khắp thế giới. Hiệp định được coi là công cụ cơ bản trong việc thực hiện các SDGs qua nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” với người tị nạn và những cộng đồng có người tị nạn.
3. Tình hình và giải quyết vấn đề người tị nạn ở Việt Nam từ thế kỷ 20 đến nay
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đã chuyển sang tập trung tái thiết và phát triển đất nước. Tuy nhiên, do sự tàn phá khốc liệt của nhiều năm chiến tranh cũng như do những yếu kém về chính sách và môi trường quốc tế có nhiều khó khăn với bao vây, cấm vận trên các mặt của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế-xã hội ở Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Trong những năm đó, thuật ngữ “thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese boat people) trở nên quen thuộc chỉ những người trốn chạy khỏi Việt Nam bằng thuyền9, đặc biệt trong các năm 1978 và 1979, song tiếp tục đến giữa những năm 1990 do nhiều lí do khác nhau về kinh tế, chính trị, gia đình, tôn giáo... với hơn 700.000 người mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Các chuyến vượt biên của họ được tổ chức tốt, được bí mật lên kế hoạch và thường được tiến hành vào dịp gió mùa trên những con thuyền nhỏ đông nghẹt người, do vậy thường họ được gán gọi phổ biến là “thuyền nhân”. Chết chóc, hải tặc, cướp bóc, hiếp dâm, bão gió, chia lìa... là những vấn đề rất phổ biến mà thuyền nhân phải đối mặt trong những hành trình đầy nguy hiểm như vậy, đã làm hàng chục ngàn người phải bỏ mình trên biển cả10.
Số người vượt biên diễn ra cao điểm vào các năm 1978-1979 (thời kỳ diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía bắc, trong đó chiếm một tỷ lệ đa số là người Việt gốc Hoa). Năm 1979 là năm có nhiều người vượt biên từ Việt Nam đi nhiều nhất với khoảng 200.000 người (khoảng 15.000 người mỗi tháng). Hàng trăm ngàn người đã đến và được ở trong các trại tạm cư với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc để chờ đi nước thứ ba, đông nhất là Malaysia với 254.495 người (32%), tiếp theo là Hong Kong với 195.833 người (24,6%), Indonesia với 121.708 người (15,3%), Thái Lan với 117.321 người (14,7%), Philippines với 51.722 người (6,5%), Singapore với 32.457 người (4,1%), Nhật Bản với 11.071 người (1,4%), Ma Cao với 7.128 người (0,9%) và các nước khác với 4.575 người.
Vấn đề “người tị nạn” đã diễn ra và kéo dài với việc ồ ạt rời bỏ đất nước ra đi của hơn một triệu người với nhiều phương thức bất hợp pháp khác nhau trong giai đoạn 20 năm (1975-1995) đã được chấm dứt với sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Việt Nam với các nước có liên quan cùng một số tổ chức quốc tế.
Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về người tị nạn Đông Dương được tổ chức ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) trong hai ngày 20 và 21/7/1979 với sự tham của 65 nước, trong đó có Việt Nam đã đưa ra ba quyết định:
• Tất cả các thuyền nhân đều được mặc nhiên coi là “người tị nạn”, không cần phải điều tra lí do họ rời khỏi Việt Nam.
• Các nước Đông Nam Á và Hồng Công cho phép tất cả những thuyền nhân ở lại các nước này trong một thời gian tạm thời.
• Các nước phương Tây cam kết nhận tất cả thuyền nhân để họ được tái định cư.
10 nước châu Á đã trở thành những nước tiếp nhận đầu tiên và hơn 700.000 người Việt Nam như vậy đã đi định cư, chủ yếu ở các nước phương Tây từ năm 1975 tới cuối năm 1996. Cũng trong số những người các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam rời bỏ đất nước ra đi vào giai đoạn 1975-1989 có 1,7 triệu người đến định cư ở các nước phương Tây và 16 vạn người Campuchia đã sang lánh nạn ở Việt Nam. 15 vạn người Đông Dương sống trong những trại tạm trú ban đầu ở rải rác các nước châu Á và 30 vạn người Campuchia sống trong các trại tị nạn dọc theo biên giới Campuchia với Thái Lan. Những trại tị nạn kể trên được dựng lên để ngăn cách người tị nạn với dân chúng ở những nước mà họ tới. 40% số người Việt Nam trong các trại tị nạn kể trên là trẻ em dưới 18 tuổi đi một mình bằng thuyền mà không có bố mẹ hay người lớn là người thân hay họ hàng đi cùng.
Đến cuối năm 1989, trên thế giới có 15 triệu người tị nạn, trong đó 5 triệu ở châu Á. Sự gia tăng tiếp tục số người tị nạn trước đó đã làm những nước cho tạm trú ban đầu cùng các nước tiếp nhận định cư lâu dài lo lắng và đã có những quyết định mới là phải hành động chấm dứt dòng người tiếp tục ra đi và tạo thành gánh nặng kinh tế-xã hội cho các bên liên quan sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 14 năm11.
Từ ngày 16-6-1988, Hong Kong ra quyết định tất cả những người đến Hong Kong phải trải qua quá trình sàng lọc để xác định xem họ có đáp ứng tiêu chuẩn “tị nạn” và có thể đi được nước thứ ba hay không hay lại phải về Việt Nam trong sự bảo đảm về phẩm giá và an toàn với sự cam kết của Việt Nam. Các nước Đông Nam Á khác cũng làm tương tự từ ngày 15/3/1989.
Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về người tị nạn Đông Dương được tổ chức ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) theo đề nghị của các nước ASEAN trong hai ngày 13 và 14/6/1989 với sự tham của 76 nước và nhiều tổ chức liên quan đã đưa ra ba quyết định:
• Tất cả các thuyền nhân đều không được mặc nhiên coi là "người tị nạn" và họ phải được điều tra lí do họ rời khỏi Việt Nam và có phải là "tị nạn" hay không theo các chuẩn mực quốc tế.
• Chỉ những người được coi là tị nạn mới được đi định cư ở các nước phương Tây.
• Tất cả những người không được coi là tị nạn đều không được các nước thứ ba chấp nhận và đều được khuyến khích trở về Việt Nam.
Hội nghị thông qua Chương trình Hành động Toàn diện (CPA) để giải quyết vấn đề người tị nạn, ngăn chặn sự ra đi bất hợp pháp, thúc đẩy chương trình ra đi có trật tự ở Việt Nam và tạo điều kiện giúp hồi hương cho những người không phải tị nạn. Hồi hương tự nguyện về Việt Nam được chính thức đưa ra làm sự lựa chọn làm giải pháp bền vững cho những người đang tạm trú trong các trại tị nạn ở các nước Đông Nam Á xung quanh. Một ban điều hành gồm 15 nước liên quan, trong đó có Việt Nam được bầu ra gồm những nước gốc, nước tạm trú và nước đến định cư để xem xét việc triển khai CPA và đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn đề người tị nạn Đông Dương. Những vấn đề đưa ra cần giải quyết theo CPA là: ra đi bất hợp pháp, chương trình ra đi có trật tự, đón nhận người mới tới, xác định quy chế tị nạn qua việc xác minh sàng lọc, thu xếp định cư và hồi hương.
Có nhiều ý kiến yếu cầu cưỡng bức hồi hương với tất cả những người Việt Nam không phải là tị nạn đang ở trong các trại tị nạn. Tuy nhiên có ba nước không đồng ý và phản đối những ý kiến cưỡng bức hồi hương này là Pháp, Mỹ và Việt Nam12.
Hội nghị đề xuất việc thực hiện Chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure Programme, viết tắt là ODP) với 72.000 người mỗi năm mà trong đó Australia nhận 6.000 người. 109.000 người khác chính thức phải trở về Việt Nam do không có quốc gia nào chấp nhận vì không đạt tiêu chuẩn “tị nạn”. Theo thỏa thuận giữa Việt Nam cùng các nước trong khu vực và UNHCR thì mỗi người về được cấp 240 đô la Mỹ (giai đoạn đầu là 360 đô la) và sẽ không bị ngược đãi.
Trong giai đoạn đó, có những chương trình hợp tác hiệu quả đã được Việt Nam và những nước liên quan và các tổ chức quốc tế triển khai như ODP là một chương trình đa phương do Việt Nam và UNHCR thỏa thuận được cùng tiến hành từ tháng 5/1979 và trong vòng gần 20 năm đã có hơn 700.000 người được phép xuất cảnh đi định cư ở hơn 40 nước trên thế giới mà những quốc gia tiếp nhận chính là Mỹ, Australia, Canada... Trong thời gian thực hiện, ODP đã hỗ trợ được gần 500.000 người Việt Nam đến được Mỹ và vào ngày 14/11/1994, ODP chính thức khép lại.
Trong năm 1995, có 480.000 người tị nạn Việt Nam chọn đi Mỹ và 210.000 người tị nạn khác đi định cư các nước khác trên thế giới, còn 46.000 người khác vẫn còn ở trong trại tị nạn ở các nước ASEAN và dần phải trở về Việt Nam vì không có nước khác tiếp nhận đến định cư. Trong năm 1996, UNHCR khép lại chương trình Việt Nam tị nạn và đóng cửa các trại tị nạn với người Việt Nam ở các nước Đông Nam Á13.
Các trại tị nạn sau này đã lần lượt đóng cửa ở Indonesia (1996), Thái Lan (1997), Philipines (1997), Hong Kong (2000), Malaysia (2001)... chấm dứt 21 năm UNHCR hỗ trợ các trại này.
Trong Chương trình ODP có hai thành tố đáng kể được tiến hành theo sự hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ sau khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam được bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Mỹ trực tiếp đối thoại với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư từ Việt Nam chủ yếu theo hai họat động sau:
• Hoạt động Nhân đạo (Humanitarian Operation - HO) thực hiện từ tháng 9/1989 và đã có hơn 130.000 sĩ quan quân đội Sài Gòn và nhân viên chính quyền Sài Gòn cùng gia đình trong thời gian chiến tranh đã gắn bó và cộng tác với Mỹ được đi định cư ở Mỹ. Trong số này đã có nhiều người được thả ra từ các trại cải tạo ở Việt Nam sau một thời gian dài học tập và lao động ở đó.
Những người Việt Nam trước năm 1975 là nhân viên làm việc cho Chính phủ Mỹ hay cho các công ty, tổ chức, cơ quan Mỹ ở miền nam trong những thời hạn nhất định cũng đều được cứu xét cho đi định cư ở Mỹ với gia đình cùng với chương trình trên.
• Trẻ lai Mỹ (Amerasion Children – AC) áp dụng cho tất cả hàng vạn trẻ em lai Mỹ (có mẹ Việt Nam và cha là lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trước năm 1975). Cuộc sống của những trẻ em này trước đó cực kì khó khăn trong một xã hội truyền thống chỉ công nhận tông tích từ đằng họ nội). Quốc hội Mỹ đã thông qua và áp dụng Đạo luật trở về quê (Home Coming Act) có hiệu lực từ tháng 3/1988 với mục tiêu đến tháng 3/1990 sẽ đưa hết về Mỹ số trẻ em lai Mỹ (sinh ra trong khoảng thời gian từ tháng 01/1962 đến ngày 01/01/1976) cùng thân nhân gần của các em14.
UNHCR thúc đẩy và khuyến khích có ba giải pháp lâu bền cho người tị nạn ở các nước trên thế giới và thực tiễn cũng như kinh nghiệm Việt Nam cũng không là ngoại lệ gồm:
• Khuyến khích người tị nạn hồi hương tình nguyện về quốc gia gốc của mình;
• Hòa nhập vào quốc gia mà họ đang tị nạn; hoặc
• Đi định cư ở quốc gia thứ ba.
Kinh nghiệm cho thấy là không nên có sắp xếp thứ bậc tuần tự của những giải pháp này mà thay vào đó là một phương pháp tiếp cận kết hợp ba giải pháp trên được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với những nước gốc, nước có người tị nạn đến, những những chủ thể nhân đạo và nhà tài trợ, cũng như bản thân chính người tị nạn sẽ thường đem lại những cơ hội thành công15.
Cũng trong bối cảnh vô cùng khó khăn về kinh tế-xã hội đó, quá trình Đổi mới đã được khởi xướng năm 1986 và Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp, vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội, đói nghèo và kém phát triển. Việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội hai giai đoạn trước (1991-2000 và 2001-2010) và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2011-2020 hiện tại đã giúp Việt Nam vươn mình từ một nền kinh tế nghèo chủ yếu dựa vào nông nghiệp chuyển thành một nền kinh tế giàu hơn, dựa trên thị trường và phát triển nhanh chóng, ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu.16
Nhìn chung, công cuộc đổi mới được tiến hành gần bốn thập kỷ qua đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức cũng như trong việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam. Các quyền con người được ghi nhận và thực hiện theo cách tiếp cận tương thích với quan điểm và những tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế, với những nguồn lực bảo đảm ngày càng tốt hơn do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đem lại. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã khẳng định rằng, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những tiền đề quan trọng để giải quyết những vấn đề bức thiết về xã hội, thực hiện tốt hơn các mục tiêu công bằng xã hội bảo đảm tốt hơn những giá trị quyền con người, quyền công dân. Cùng với việc tăng trưởng kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, chỉ số phát triển con người... ở Việt Nam đều có sự thay đổi tiến bộ. Đây là ưu điểm cần được phát huy trong các giai đoạn phát triển tiếp theo. Việc chấm dứt vấn đề “tị nạn” này được củng cố và phát triển với những tiến bộ đã đạt được của Việt Nam trong vòng gần năm thập kỷ mà chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách và đổi mới kinh tế-xã hội được duy trì liên tục và phát triển, cùng sự hội nhập quốc tế và khu vực.
Pháp luật Việt Nam mà cơ bản nhất là Hiến pháp năm 2013 và những bản Hiến pháp trước đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo và thực hiện những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, cũng như các quyền dân sự và chính trị theo hướng ngày càng theo sát và phù hợp, tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Liên hợp quốc đã thông qua và Việt Nam đã tham gia hay chấp nhận. Tuy nhiên, nếu đối chiếu theo các bình luận chung và những khuyến nghị riêng của Liên hợp quốc với Việt Nam, thì Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện quyền con người để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch nhằm đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, hướng tới nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ba vòng Đánh giá quốc gia tổng thể định kỳ về thực hiện quyền con người (the Universal Periodic Review - UPR)17. Trong số các khuyến nghị mà các nước đề xuất với Việt Nam trong những năm 2009, 2014 và 2019 đã có một số khuyến nghị về vấn đề tị nạn và người tị nạn ở Việt Nam. Trong các đối thoại song phương về quyền con người giữa một số nước với Việt Nam và những đối thoại về báo cáo thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người giữa Việt Nam với các ủy ban theo dõi, giám sát việc thực hiện điều ước của Liên hợp quốc trong những năm gần đây thì vấn đề này cũng được nêu ra, đặc biệt trong các nhận xét kết luận của những ủy ban điều ước đó. Việc tham gia Công ước về Vị thế người tị nạn năm 1951 và Nghị định thư bổ sung năm 1967 cần được sớm đặt ra và nghiên cứu thực hiện theo những khuyến nghị của Liên hợp quốc18.
Vũ Ngọc Bình
Cố vấn cao cấp Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022
-----