Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

1. Khái quát quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội trong bối cảnh phòng, chống  dịch bệnh  Covid-19 
An sinh xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng bao gồm: tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chú trọng quan tâm hỗ trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương,... nhằm nâng cao khả năng ứng phó trong những hoàn cảnh rủi ro, khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh... để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển xã hội, đất nước bền vững. Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã, đang tàn phá làm kinh tế suy thoái, đói nghèo xảy ra trên quy mô toàn cầu, đe dọa quyền sống, và các quyền cơ bản của con người thì an sinh xã hội càng khẳng định rõ hơn vị thế trụ cột quan trọng, góp phần ổn định chính trị-xã hội đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm nhất quán về bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất trong điều kiện có thể,  coi xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững đất nước; là điều kiện quan trọng phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Điều này được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011), trong nghị quyết của các kỳ đại hội. Trong đó, phải kể đến việc Đảng ta ban hành Nghị Quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, xác định rõ 05 quan điểm về việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo hướng đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng1. 
Các quan điểm của Đảng tiếp tục được kế thừa, phát triển trong Văn kiện Đại hội XII “Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội... bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày càng tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước..., giải quyết tốt lao động việc làm..., bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội...”2; xác định một trong những nội dung của nhiệm vụ thứ năm trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XII là: “... tăng cường quản lý phát triển xã hội, ... bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”3. Để đưa Nghị quyết Đại hội XII về thực hiện an sinh xã hội vào cuộc sống,  ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, định hướng phát triển mô hình bảo hiểm xã hội đa tầng, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, có tính chia sẻ và hội nhập quốc tế để bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quán triệt quan điểm và thực hiện nhiệm vụ của Đại hội XII về bảo đảm an sinh xã hội còn những hạn chế, bất cập: “Quản lý xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ, chặt chẽ..., giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo,  gia tăng bất bình đẳng về thu nhập,... Chất lượng dịch vụ y tế nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển đất nước chưa hài hòa”4. Từ đó, Đại hội XIII tiếp tục xác định thực hiện an sinh xã hội là định hướng thứ năm trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; ... chú trọng nâng cao chất lượng y tế, chất lượng dân số...,  quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”5; đồng thời, xác định rõ, cụ thể nhiệm vụ tiếp tục đổi mới “Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội... bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, ... nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công..., cải cách chế độ tiền lương... bảo đảm yêu cầu thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại giáo dục, y tế, việc làm... Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ... nâng cao tỉ trọng lao động khu vực phi chính thức; ... Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, ... bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm theo hướng đa tầng...”6. 
Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Đảng ta đã có quyết sách chỉ đạo kịp thời phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống và ưu tiên đặc biệt thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền sống cho mọi người, hỗ trợ thất nghiệp..., đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Minh chứng là Ban Bí thư đã ban hành kịp thời Công văn số 79-CV/TW Ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra; Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 về kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19 để định hướng, chỉ đạo cuộc chiến chống COVID-19 vì quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện an sinh xã hội và đời sống nhân dân, ngày 27/4/2021, Văn phòng Trung ương Ðảng đã ban hành Điện của Thường trực Ban Bí thư gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp đến, ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Kết luận yêu cầu lãnh đạo các cấp “... khuyến khích xã hội hoá, phát triển "Quỹ vắc-xin" phòng, chống COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân;... tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”7.  
Ngày 16/10/2021, Văn phòng Trung ương Đảng đã  có Công văn số 2062-CV/VPTW về Kết luận của Bộ Chính trị về chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do tác động của đại dịch COVID-19 gửi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Đặc biệt, người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19 (ngày 30/3/2020 và ngày 29/7/2021) phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường kết hợp với sức mạnh thời đại để chiến thắng “giặc COVID-19”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài đã đồng hành, chia sẻ với Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội, trợ giúp nhân dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Gần đây, ngày 04/10/2021, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo “Sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới”8.
Nhằm hiện thực hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, ban hành và hiện thực hoá nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng. Quyền được hưởng an sinh xã hội là quyền Hiến định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tại Điều 34 “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Quyền an sinh xã hội được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật và dưới luật. Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách để thực hiện an sinh xã hội như: 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg, ngày 14/4/2017, phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 xác định: “An sinh xã hội là sự bảo đảm mà xã hội cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế.”9
Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện quan điểm của Đảng về an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2021, Chính phủ đã ban hành 154 nghị quyết, 83 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 quyết định mang tính quy phạm pháp luật, 26 chỉ thị và các bộ, ngành đã ban hành 253 thông tư để tháo gỡ các “rào cản”, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh COVID-1910. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020, “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Các giải pháp ứng phó nhanh với đại dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: “Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố ...”; tiếp đến Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/01/2021 của Chính phủ về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách trong phòng chống dịch Covid-19, quy định về Phụ cấp chống dịch tối đa 450.000 đồng/người/ngày. 
 Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã đưa ra 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp; tuy nhiên khi triển khai vào thực tiễn, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã bộc lộ một số bất cập nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.
Trong tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, trong khi chính sách, pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, Quốc hội với thẩm quyền của cơ quan quyền lực, cơ quan lập pháp đã kịp thời ban hành các văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ thực hiện an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tiêu biểu như: ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 tạo cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH14 về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ có trách nhiệm triển khai để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này.
Trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Ngày 06/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;...
Trong thẩm quyền của mình, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3345/QĐ-TLĐ ngày 11/10/2021 và Hướng dẫn số 35/HD-TLĐ ngày 21/10/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ cho trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch COVID-19; từ đó ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 438/HD-CĐVC hướng dẫn các công đoàn trực thuộc rà soát, lập hồ sơ đề nghị trao “Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam” cho trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch COVID-19 với mức từ 10 đến 20 triệu đồng, tùy hoàn cảnh cụ thể của trẻ em...
Trên cơ sở các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động nêu trên, các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện an sinh xã hội góp phần thiết thực hiệu quả giúp cho các đối tượng nhất là nhóm dễ bị tổn thương vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Từ phân tích trên, có thể khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, với quan điểm nhất quán tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã sáng suốt, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, từng bước đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội, giảm thiểu tối đa những khó khăn, do tác động của dịch bệnh đến đời sống nhân dân “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là bằng chứng phản bác lại các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, cực đoan phủ nhận sự nỗ lực, quyết tâm chính trị, thành quả thực hiện an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.  Các thủ đoạn của chúng là lợi dụng những khó khăn do tác động của đại dịch, vấn đề “dân chủ” “nhân quyền” để vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta như: “Việt Nam đối diện khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chỉ biết phong tỏa mặc dân sống chết ra sao”; “không hỗ trợ cứu đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân”; tung ra những video phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa được nhận hỗ trợ kịp thời từ chính quyền để vu khống rằng “người nghèo không được hỗ trợ”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”, quy chụp “Việt Nam đang lợi dụng COVID-19 để vi phạm nhân quyền”;11…
2. Những kết quả đã đạt được về thực hiện an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam 
Thứ nhất, trong bối cảnh khẩn cấp của dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội: hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đặc biệt chú trọng đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo. 
Thứ hai, Chính phủ ban hành kịp thời gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn; chính sách hỗ trợ đã đúng, trúng đối tượng, thông thoáng về thủ tục hồ sơ; việc triển khai gói 26.000 tỷ đồng, 63/63 địa phương đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra12.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đến ngày 15/10/2021: đã miễn, giảm, giãn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất là khoảng 78,8 nghìn tỷ đồng); thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP đã hỗ trợ gần 21,89 nghìn tỷ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng; đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt người lao động; thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111 nghìn người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng; trong đó tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho trên 425 nghìn người lao động. Xuất cấp tổng cộng trên 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,4 triệu hộ với trên 9,1 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; hỗ trợ giảm giá điện (khoảng 4.500 tỷ đồng), tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet (khoảng 10.000 tỷ đồng). Hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 15/10/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là gần 27 nghìn tỷ đồng; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ13… 
Theo báo cáo của Chính phủ, đã thực hiện được hơn 33 ngàn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng14.
Về kết quả thực hiện nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm theo tinh thần Nghị quyết số 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.  Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này). Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động15. Đồng thời, nhiều nghìn túi hàng an sinh, gói thực phẩm cứu trợ được trao đến tay từng hộ gia đình; hàng chục nghìn tỉ đồng mà doanh nghiệp, người dân cả nước quyên góp đã được chuyển đến đúng người, đúng nơi. 
Thứ ba, đồng hành cùng với Đảng và Nhà nước, lãnh đạo và chính quyền địa phương các cấp trong điều kiện khả năng nguồn lực đã nỗ lực hỗ trợ thêm nguồn ngân sách, vận động nhân dân đóng góp để thực hiện tốt hơn an sinh xã hội, giúp nhân dân trong địa phương vượt qua khó khăn. Tiêu biểu như hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng với việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định chung của nhà nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã trích từ nguồn ngân sách Thành phố để thực hiện 03 gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19: Đợt 1 đã giải quyết cho 100% đối tượng với 365.794 lượt người với tổng số tiền hơn 548 tỉ đồng; gói hỗ trợ lần 2 là 886 tỷ đồng, đã giải quyết cho 438.697/1.003.362 lượt người (đạt 43,72%) với tổng tiền hơn 658 tỉ đồng; gói hỗ trợ lần 3 có quy mô lớn cho hơn 7,3 triệu người với mức hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng, tổng quy mô kinh phí hỗ trợ là 7.347 tỷ đồng16. Tính đến ngày 15/10/2021, Thành phố Hà Nội đã phê duyệt, hỗ trợ 1.641 tỷ đồng cho 3.127.065 người, hộ dân gặp khó khăn do dịch COVID-1917.
Thứ tư, với phương châm vì sức khỏe, vì quyền sống, tự do và hạnh phúc của nhân dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện, đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm trong nước; phát huy tối đa quan hệ, sự hợp tác, sự hỗ trợ của công đồng quốc tế trong tìm kiếm nguồn vaccine; do đó, đến ngày 04/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 150.623.444 liều vaccine phòng COVID-19, đã phân bổ 97 đợt với tổng số 141,5 triệu liều, còn khoảng hơn 9 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng18; đến sáng ngày 13/12/2021 tổng số liều vaccine đã được tiêm là 132.266.442 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.832.161 liều, tiêm mũi 2 là 57.434.281 liều tập trung cho các đối tượng và địa bàn ưu tiên. Sự nỗ lực đã giúp Việt Nam điều trị khỏi là 1.054.720 ca/1.413.051ca nhiễm (chiếm tỷ lệ 74,64%).19
Thứ năm, về kết quả hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em: Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Cả nước có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với số cháu mồ côi do dịch COVID-19, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng”20. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ và trong thẩm quyền của mình Bộ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có chính sách hỗ trợ trẻ em, phụ nữ mang thai, hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,26 tỷ đồng cho 1.427 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức một triệu đồng/trẻ em); các cơ quan chức năng đã hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí trên 105,1 tỷ đồng tới 4.765 người lao động mang thai và 100.415 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động; 14.330 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/trẻ em. Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.21
Về kết quả hỗ trợ thực hiện quyền học tập của trẻ em, thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã vận động quyên góp được số tiền tương đương hơn 1 triệu máy tính đang triển khai mua để hỗ trợ học sinh trên cả nước có điều kiện học tập trực tuyến22. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnammobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5-8, kéo dài trong 3 tháng. Việc các nhà mạng tăng băng thông giảm giá cước giúp khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ truy cập trong cùng thời điểm; đồng thời hỗ trợ cho hàng triệu cán bộ, công chức, người lao động… đang làm việc từ xa23.
Thứ sáu, đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài,  Nhà nước đã tổ chức rất nhiều chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước.24 Điều này minh chứng sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện rõ chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” là không thể phủ nhận; …
Thứ bảy, những kết quả đã đạt được về thực hiện an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết của Đảng và Nhà nước, được nhân dân tin tưởng, đồng thuận nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực trong xã hội; kiên quyết, kiên trì chung tay thực hiện chiến lược chống dịch theo 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ và “3 sẵn sàng”: chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương... Vì vậy, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách đồng bộ, thiết thực; phong trào tương thân tương ái, sẻ chia, đùm bọc đã lan tỏa rộng khắp cả nước: “ATM gạo”, “ATM ô xy”, “Cửa hàng 0 đồng”,… rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” hoặc tính mạng bị đe dọa.  Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc có sức lan tỏa nên kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về các địa phương nơi tâm dịch với tất cả tình cảm chân thành, tinh thần tương thân, tương ái và sự góp sức, sẻ chia sâu sắc nhất để cùng chiến thắng dịch bệnh đã làm cho cả thế giới thán phục với tinh thần và tấm lòng người Việt Nam25. 
Đó cũng là thông điệp đáp trả các hành vi của các nhà “dân chủ” vin cớ “bảo vệ nhân quyền” đang tốn sức đẩy mạnh dàn dựng các “kịch bản” tuyên truyền, xuyên tạc một cách công phu, tỉ mỉ, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, nhằm đánh lạc hướng dư luận, nói xấu Đảng, Nhà nước ta “vô cảm trước nổi khổ của nhân dân” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tạo tâm lý bi quan, hoài nghi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những phần tử phản động người Việt đang rắp tâm lợi dụng khó khăn do dịch bệnh để thực hiện mưu đồ chính trị; xảo trá từ “phản biện trở thành phản bội”, với thông điệp giả dối chúng đưa ra chiêu trò “phản biện giải pháp phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam”, phán xét phiến diện, đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc rằng: “Dịch bệnh lan rộng ở Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là do thể chế, do một đảng lãnh đạo, là vì chống dịch theo mô hình xã hội chủ nghĩa" nhằm chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước với nhân dân. Thủ đoạn nham hiểm của chúng là biến không thành có, biến ít thành nhiều, biến hiện tượng cá biệt thành bản chất26.
Vì vậy, cần phải tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức thức và cảnh giác của toàn xã hội về “âm mưu cũ, thủ đoạn mới” của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong đang triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook trên không gian mạng nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”; chúng điên cuồng chống phá bằng cách tiếp tục lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để tung ra các luận điệu “Nhìn Việt Nam mà lo, chỉ thương cho đồng bào chưa chết vì dịch thì nhiều người đã có khả năng chết vì đói. Suốt mùa dịch người dân chả nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước thì chớ, lại còn bị bóp họng bắt phải đóng góp tiền mua vaccine”, dùng lời lẽ kích động “thương cho người Việt mình còn phải tiếp tục chịu đựng cái Đảng cầm quyền bất lực, tham lam này cho đến bao giờ”; sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận ;27...
Đồng thời, phải nghiêm túc nhìn nhận, sơ kết đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục kịp thời hạn chế, thiếu sót, tránh tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá thành quả phòng, chống dịch bệnh và sự quan tâm bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có quyền bình đẳng tiếp cận và hưởng thụ quyền an sinh xã hội của mọi người.

PGS.TS. Nguyễn Thị Báo

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2022