Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 87/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước CAT (Kế hoạch). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn.

(1) Mục đích của Kế hoạch:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật có liên quan và các nội dung của Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước CAT; Đề án tuyên truyền phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

- Xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp với Ủy ban chống tra tấn.

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, hiệu quả toàn diện các kế hoạch thực hiện Công ước CAT của Việt Nam và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên Công ước và với các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

(2) Yêu cầu của Kế hoạch:

- Việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân quyền, phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chương VIII của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; bám sát các yêu cầu về chính trị, ngoại giao và nhiệm vụ phòng, chống tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

- Đối với các quy định của Công ước CAT và các khuyến nghị phổ hợp của Ủy ban chống tra tấn có liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, khi thực hiện cần tính đến lộ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

- Việc tổ chức thực hiện Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, các ngành, các cấp.

- Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

- Bảo đảm quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan; kịp thời phản ánh, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

Quyết định cũng chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Đây là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc.

Ngày 26/6/1987, sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn của quốc gia thứ 20, Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực theo quy định của khoản 1 Điều 27 Công ước. Kể từ khi Công ước có hiệu lực, việc nghiêm cấm tuyệt đối việc tra tấn và các hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác đã được chấp nhận như một nguyên tắc của luật tập quán quốc tế.

Đến hết tháng 4/2022, Công ước đã có 173 quốc gia thành viên. Trong khu vực ASEAN, hiện có 06/10 quốc gia là thành viên Công ước Chống tra tấn; 01 quốc gia thực hiện ký nhưng chưa phê chuẩn (Brunei) và 03 quốc gia chưa tham gia (Singapore, Malaysia và Myanmar). Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.      

Ngày 07/11/2013, đại diện của Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống tra tấn tại New York, Mỹ.

Ngày 28/11/2014, với 100% số đại biểu tán thành, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước Chống tra tấn. Ngày 05/02/2015, Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên Hiệp quốc. Ngay sau khi phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn.

ThS. Lê Hữu Đạt

Viện Quyền con người

ThS. Phạm Thị Hà

Viện Thông tin khoa học