Tham nhũng tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng cản trở những nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ từng được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua và quyết tâm thực hiện. Bài viết trên cơ sở làm rõ những tác động tiêu cực của tham nhũng đối với bảo đảm quyền con người, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng dưới góc độ tiếp cận dựa trên quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025,

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng. Nguồn: tuyengiao.vn.

1.Tham nhũng và bảo đảm quyền con người
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội tồn tại ở mọi quốc gia, hiện diện trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội. Tham nhũng làm xói mòn lòng tin của người dân vào nhà nước, phá hoại nền dân chủ và nhà nước pháp quyền. Tham nhũng dẫn đến vi phạm các quyền con người. 
Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người.1 Bảo đảm quyền con người là hoạt động của các chủ thể có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp, cách thức để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người nhằm thực thi và bảo vệ hiệu quả các quyền và tự do cơ bản của con người, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền con người từ phía các chủ thể khác.
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong Lời mở đầu đã nhấn mạnh tác động tiêu cực của tham nhũng đối với xã hội và quyền con người. Tham nhũng gây ra hậu quả xấu đối với sự ổn định và an ninh xã hội, xói mòn các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ. Tham nhũng làm phá hoại nền dân chủ và pháp quyền...2 dẫn đến vi phạm quyền con người. Tham nhũng chính là lực cản trong việc bảo đảm quyền con người. 
Tham nhũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến vi phạm quyền con người
Trong một bài báo của Hội đồng quốc tế về chính sách quyền con người năm 2009 khi đề cập đến mối quan hệ giữa tham nhũng và quyền con người đã chỉ ra rằng, giữa tham nhũng và quyền con người có 3 mối quan hệ: quan hệ trực tiếp, quan hệ gián tiếp, quan hệ từ xa, tương ứng với nguyên nhân của các sự kiện dẫn từ hành vi tham nhũng đến vi phạm quyền con người3.
Tham nhũng và quyền con người có mối quan hệ trực tiếp trong trường hợp hành vi tham nhũng được cố tình sử dụng như một phương tiện để vi phạm một quyền hoặc khi nhà nước hành động hoặc không hành động theo hướng ngăn cản những vi phạm quyền con người có thể thấy trước đó. Trong trường hợp này hành vi tham nhũng là trực tiếp dẫn đến vi phạm quyền con người. Ví dụ: trong hoạt động xét xử, khi các thẩm phán nhận hối lộ dẫn đến việc đưa ra các phán quyết không đúng quy định, công minh thì quyền được xét xử công bằng bị xâm phạm trực tiếp. 
Tham nhũng và quyền con người có mối quan hệ gián tiếp khi hành vi tham nhũng là một nhân tố quan trọng góp phần vào một chuỗi các sự kiện dẫn đến vi phạm quyền con người. Trong trường hợp này, hành vi tham nhũng là điều kiện cần, gián tiếp dẫn đến vi phạm quyền con người. Ví dụ: quyền con người được sống trong môi trường trong lành bị xâm phạm trong trường hợp quan chức chính phủ nhận hối lộ để cho phép nhập khẩu bất hợp pháp chất thải độc hại từ các quốc gia khác và chất thải này được đưa vào khu dân cư. Như vậy, quyền được sống trong một môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, không bị suy thoái môi trường của người dân sống trong khu dân cư đó bị xâm phạm một các gián tiếp bởi hành vi nhận hối lộ của các quan chức chính phủ.
Tham nhũng và quyền con người có mối quan hệ từ xa khi hành vi tham nhũng là một trong các yếu tố dẫn đến vi phạm nhân quyền. Ví dụ: quan chức chính phủ có hành vi nhận hối lộ để cho phép nhập khẩu bất hợp pháp rác thải công nghiệp từ quốc gia khác dẫn đến cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người dân. Lực lượng cảnh sát sử dụng biện pháp bạo lực đàn áp những người tham gia cuộc biểu tình. Như vậy, tham nhũng có thể châm ngòi cho những hoạt động dẫn đến sự đàn áp đối với người biểu tình - một  hành vi vi phạm quyền con người từ xa.
Ngoài ra, có thể thấy rằng, trong cuộc chiến chống tham nhũng và vi phạm quyền con người có nhiều điểm tương đồng. Các nguyên tắc cơ bản để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng như: tính minh bạch, sự tham gia, trách nhiệm giải trình, tiếp cận thông tin tương đồng với phạm vi các quyền con người như: quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền hội  họp... Việc bảo đảm quyền con người có vai trò tích cực đối với cuộc chiến chống tham nhũng. Việc thúc đẩy và tăng cường quyền con người góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công khai, minh bạch và giảm thiểu tham nhũng. 
Tham nhũng tác động đến việc thụ hưởng quyền của tất cả những người bị ảnh hưởng 
Tham nhũng tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng cả hai nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị. Về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, ví dụ như quyền làm việc, quyền có nhà ở, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành và quyền được hưởng các dịch vụ công cộng; quyền được phát triển; nguyên tắc không phân biệt đối xử; về các quyền dân sự và chính trị, các quyền như quyền được xét xử công bằng và quyền được tham gia của công chúng... đều chịu tác động tiêu cực của tham nhũng
Tham nhũng có tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng các quyền con người của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi nó. Trong đó, những người dễ bị tổn thương như người thuộc dân tộc thiểu số, lao động nhập cư, người khuyết tật, người tị nạn, tù nhân, phụ nữ, trẻ em và những người sống trong cảnh nghèo đói thường là đối tượng chịu tác động của tham nhũng nặng nề hơn. Ví dụ người nghèo có thể bị ảnh hưởng trong việc tiếp cận công lý hoặc thụ hưởng các dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội. Tham nhũng làm họ phải trả những chi phí không chính thức để có thể tiếp cận dịch vụ công, hàng hóa cũng như tiếp cận công lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa việc tiếp cận các dịch vụ công giữa họ với những người có khả năng gây ảnh hưởng đến chính quyền. 
Tham nhũng là lực cản trong việc các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội xây dựng, triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người 
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2018, tham nhũng đã gây ra thiệt hại lên tới ít nhất 2.600 tỷ USD, tương đương 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), các doanh nghiệp và cá nhân đã "chi" hơn 1.000 tỷ USD tiền hối lộ mỗi năm4. Còn theo Bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành của Văn phòng Liên hợp quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC), tại Hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 28/3/2021, có chủ đề “Liêm chính: Con đường phát triển, hội nhập và thịnh vượng” do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức tại Ai Cập thì tham nhũng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm5. Thiệt hại này dẫn đến việc nguồn lực tài chính và kinh tế của quốc gia bị ảnh hưởng. Nếu không bị thiệt hại do tham nhũng, chính phủ các nước có thể dùng số tiền này (số tiền bị mất do tham nhũng) để đầu tư cho phát triển. Hay nói cách khác, tham nhũng dẫn đến việc các chính phủ bị hạn chế các nguồn lực trong việc thực hiện các nghĩa vụ quyền con người, ảnh hưởng đến khả năng của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục và phúc lợi, những thứ cần thiết cho việc thực hiện quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Việc thiếu nguồn lực dẫn đến một số quốc gia có thể không hành động hoặc trì hoãn các biện pháp để thực hiện các quyền này.
2. Giải pháp phòng, chống tham nhũng - xóa bỏ lực cản trong bảo đảm quyền con người
a) Cách tiếp cận dựa trên quyền trong chống tham nhũng
Theo quan điểm của Liên hợp quốc, “tiếp cận dựa trên quyền là phương pháp tiếp cận lấy các tiêu chuẩn về quyền con người làm cơ sở để xác định kết quả mong đợi và lấy các nguyên tắc về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được kết quả đó”6. Cách tiếp cận dựa trên quyền đối với phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của các cá nhân với tư cách là “người có quyền” và vai trò của các quốc gia với từ cách là “người có nghĩa vụ”. Cụ thể là:
- Tập trung vào nạn nhân: nạn nhân của tham nhũng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương được trao quyền và biến họ trở thành tác nhân trong cuộc chiến chống tham nhũng.
- Tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng: theo đó, bảo đảm quyền của người dân trong việc tham gia vào quy trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ, làm tăng khả năng phát hiện tham nhũng và các quyền con người có thể được thúc đẩy và bảo vệ. Điều 5 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: “Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xây dựng và thực hiện hoặc duy trì các chính sách chống tham nhũng hiệu quả và đồng bộ, những chính sách thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện các nguyên tắc của chế độ pháp quyền, việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, sự liêm khiết, tính minh bạch và trách nhiệm” đồng thời, Điều 13 của Công ước quy định sự tham gia chủ động của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp thích hợp, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công, các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Sự tham gia đó cần được tăng cường thông qua các biện pháp: (a) Tăng cường tính minh bạch trong các quy trình ra quyết định, thúc đẩy đóng góp của công chúng vào các quy trình ra quyết định; (b) Đảm bảo cho công chúng được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả; (c) Tổ chức các hoạt động thông tin cho công chúng góp phần đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, cũng như các chương trình giáo dục công chúng, bao gồm cả chương trình giảng dạy trong nhà trường và trường đại học; (d) Tôn trọng, tăng cường và bảo vệ quyền tự do tìm kiếm, nhận, xuất bản và tuyên truyền thông tin về tham nhũng. Quyền tự do đó có thể cũng có một số giới hạn nhất định, nhưng những giới hạn đó phải được pháp luật quy định và phải là cần thiết để: (i) Tôn trọng quyền và danh tiếng của người khác; (ii) Bảo vệ an ninh quốc gia hay trật tự công cộng hay sức khoẻ hoặc đạo đức cộng đồng.
- Tăng cường trách nhiệm giải trình: trách nhiệm giải trình là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Giải trình là việc chủ thể có thẩm quyền cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn đó. Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm của nền công vụ trước xã hội, người dân, là yếu tố quan trọng để đấu tranh chống lại sự lạm quyền, tham nhũng.
b) Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Theo OHCHR: “ Một chiến lược chống tham nhũng hiệu quả phải được thông báo bởi các nguyên tắc nhân quyền. Một nền tư pháp độc lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, minh bạch trong hệ thống chính trị và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cần thiết cho các chiến lược chống tham nhũng thành công và cho việc thụ hưởng các quyền con người”7.
Xem xét dưới góc độ cách tiếp cận dựa trên quyền, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Xây dựng thiết chế phòng, chống tham nhũng độc lập, đủ mạnh trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng độc lập với hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, có thẩm quyền lớn, đặc biệt trong điều tra, truy tố vụ việc tham nhũng, đảm bảo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong hoạt động các cơ quan này. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
- Xây dựng hệ thống thể chế về kinh tế xã hội, pháp luật phòng, chống tham nhũng toàn diện, đồng bộ, nghiêm minh, khả thi làm cơ sở pháp lý vững chắc việc phòng, chống tham nhũng, làm căn cứ xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng. Thường xuyên tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình trong phòng, chống tham nhũng.
- Nâng cao nhận thức của các chủ thể về phòng, chống tham nhũng và bảo đảm quyền con người. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng và quyền con người cho các chủ thể quyền con người. Chú trọng xây dựng đạo đức công vụ, đức tính liêm chính cho các chủ thể trong bộ máy chính quyền. Nâng cao nhận thức để người dân hiểu và chủ động bảo vệ quyền, tránh những hành vi vi phạm quyền con người có nguyên nhân từ tham nhũng. Nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, giáo dục đào tạo của tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến chống tham nhũng, bảo đảm quyền con người. 
- Tăng cường đầu tư kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục phòng, chống tham nhũng, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, tài chính cho hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tham nhũng...

PGS.TS. Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

TS. Đinh Thị Hương Giang

Viện Nhà nước pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

----

Tài liệu trích dẫn
(1) United Nations, UNHCHR, Freequently Asked Questions on Human Rights-base Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr.8.
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/cong-uoc-chong-tham-nhung-cua-lien-hop-quoc-09-12-2003-94971.aspx?v=d.
(3) TI, International Council on Human rights Policy (2009), Coruption and Human Rights: Making the Connection, https://assets.publishing.service.gov.uk/media/57a08b6540f0b64974000b10/humanrights-corruption.pdf, truy cập 13/3/2022.
(4) Phương Hoa, 2018, WB: Tham nhũng làm thế giới thiệt hại 2.600 tỷ USD mỗi năm,  https://www.vietnamplus.vn/wb-tham-nhung-lam-the-gioi-thiet-hai-2600-ty-usd-moi-nam/538742.vnp, truy cập 13/3/2022.
(5) Ngọc Anh, 2021, Tham nhũng gây thiệt hại hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202104/tham-nhung-gay-thiet-hai-hon-3-nghin-ty-usd-moi-nam-309374/, truy cập 13/3/2022.
(6) United Nations, A Human Rights-based Toolkit. http://www.un.org.vn/en/publications/doc_details/115-a-human-rights-based-approach-toolkit.html.
(7) United Nation, 2013, The human rights case against corruption,  https://www.ohchr.org/documents/issues/development/goodgovernance/corruption/hrcaseagainstcorruption.pdf, truy cập 13/3/2022.