Sự hấp dẫn của không gian mạng là nguyên nhân để trẻ em trở thành nhóm người dùng chiếm đa số và tích cực nhất. Trên thế giới và ở Việt Nam, số lượng trẻ em thường xuyên tham gia vào không gian mạng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc hạn chế các rủi ro, nguy cơ hàng ngày trên không gian mạng có thể xâm hại trẻ, đảm bảo không hạn chế hay tước đoạt các quyền vốn có của trẻ cần sự vào cuộc kịp thời, thống nhất, sát sao, tận tâm, có trách nhiệm của các chủ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên không gian mạng đến các bậc cha, mẹ, người chăm sóc,... Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của các chủ thể trong bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng.

Chăm sóc, giáo dục và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước. Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới đã khẳng định: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định trẻ em cần được bảo vệ 
trên không gian mạng. Nguồn: thanhtravietnam.vn

Năm 2021, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ ban hành. Lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Mục tiêu của Chương trình bao gồm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền nhằm bảo vệ quyền trẻ em khi tham gia vào không gian mạng bước đầu đem lại những tín hiệu đáng mừng. 
Trong bối cảnh dịch bệnh phải giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, trẻ em không được đến trường, nhờ không gian mạng, mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu mà trẻ em được duy trì quyền học tập, giải trí và kết nối, giữ liên hệ với thầy cô giáo, bạn bè,... không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thống kê cho thấy, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game1. Tỷ lệ trẻ em sử dụng mạng internet cao cho thấy sự năng động, nhạy bén, thích tìm hiểu, khám phá và mong muốn làm chủ công nghệ của trẻ em. 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, quyền trẻ em bị xâm phạm trên không gian mạng vẫn là vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Việc tham gia học tập, giải trí theo hình thức trực tuyến trên không gian mạng làm gia tăng các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trên môi trường mạng. Qua môi trường mạng, trẻ em được tiếp cận với vô số nguồn thông tin với nội dung đa dạng, trong đó nếu không tỉnh táo, trẻ em dễ bị sa vào và bị bủa vây bởi các luồng thông tin xấu, độc hại, bị xâm phạm đời sống riêng tư, bị bắt nạt và đặc biệt là bị xâm hại tình dục như:
Thứ nhất, trẻ em bị xâm hại khi tham gia các diễn đàn, trò chơi, xem phim ảnh có nội dung nhảm nhí, bạo lực, khiêu dâm, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi trên các mạng xã hội. Nhiều thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ của trẻ em có thể bị sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa, xâm phạm đời sống riêng tư của chính các em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua mạng internet có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp, khó lường. Điển hình là vụ án Nguyễn Lê Việt đã sử dụng mạng internet để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, đe dọa trẻ em nam độ tuổi từ 10 đến 12 tuổi tự làm phim khiêu dâm và gửi cho Việt tán phát lên mạng internet. Đến khi bị các cơ quan chức năng bắt giữ, đối tượng này đã khống chế và đe dọa hơn 200 trẻ em nam ở nhiều nước trên thế giới làm và gửi cho đối tượng.2
Thứ hai, do chưa nhận thức đầy đủ, trẻ em bị bắt nạt online hội đồng, đe dọa, bị gây áp lực, gây hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập, nhiều em chán nản, thậm chí tìm cách hủy hoại bản thân. Khi phát hiện sự việc, nhiều bố mẹ do tâm lý e ngại dư luận, ảnh hưởng tương lai các em nên không tố cáo hành vi vi phạm, không làm chứng, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Theo Công bố Kết quả khảo sát ý kiến của tổ chức UNICEF ngày 6/9/2019 cho thấy: 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết các em là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp các em nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng3.
Thứ ba, nhiều tổ chức, cá nhân thành lập các diễn đàn, lợi dụng mạng xã hội, phòng chat ảo, game online để tiếp cận, làm quen, sau đó dụ dỗ, lôi kéo hay ép buộc các em tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp theo yêu cầu. Các đối tượng phạm tội này nắm bắt được tâm lý non nớt về thể chất và trí tuệ, chưa hiểu biết và dễ bị lợi dụng của trẻ em, qua không gian mạng, tội phạm ở một nơi nhưng có thể tương tác, thực hiện hoạt động xâm hại trẻ em ở khắp nơi.
Trước thực trạng đó, để quyền trẻ em được bảo vệ và thực thi hiệu quả trên không gian mạng, các chủ thể trong xã hội cần nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm trong việc kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại quyền trẻ em; phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại quyền trẻ em trên không gian mạng:
Một là, cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em qua không gian mạng. Bổ sung tội danh xâm hại trẻ em qua mạng vào Bộ luật Hình sự. Bổ sung quy định về chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nhất là Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 vừa được ban hành; có biện pháp công khai các phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm quyền trẻ em. Biện pháp giáo dục đạo đức đóng vai trò quan trọng. Đặc điểm chủ yếu của tội phạm mạng lại là những người thông minh và giỏi về công nghệ thông tin, nhưng hám lợi. Họ sẵn sàng vượt ra ngoài các quy tắc đạo đức, dùng trí thông minh để vi phạm pháp luật, dễ dàng xóa dấu vết phạm tội để đổi lấy những khoản tiền kếch xù. Nếu thu phục những người này làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ, chúng ta sẽ có thêm lực lượng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Hai là, chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, cung cấp nền tảng và sáng tạo nội dung cần ưu tiên đặt bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng: xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng và tiêu chuẩn đạo đức về việc bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng cần kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ kỹ thuật để rà soát, ngăn chặn và lọc bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi.
Ba  là, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; ứng xử lành mạnh, tích cực phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên không gian mạng. Các chủ thể tham gia không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần chủ động phát hiện, ngăn chặn các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ em; phối hợp ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung không lành mạnh đối với trẻ em. Cung cấp thông tin về các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ cho cơ quan chức năng; tích cực ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em khi được phản ánh.
Bốn là, cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em. Các chủ thể này cần chủ động có biện pháp giáo dục trẻ về các loại hình rắc rối trên mạng, về tội phạm mạng,... và cách phòng tránh, ngăn chặn thông tin có nội dung độc hại cho trẻ em.
Cụ thể, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em cần đưa ra các quy ước và thực hiện nghiêm các quy ước như: trao đổi, thống nhất với trẻ về nguyên tắc sử dụng mạng xã hội; kiểm soát thời gian trẻ em sử dụng mạng để giải trí; thiết lập kiểm soát các thiết bị truy cập mạng trong gia đình.
Đồng thời, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em cần sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; có biện pháp theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của trẻ em để nhắc nhở, chỉ dẫn kịp thời.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em trao đổi, chia sẻ một cách cởi mở với trẻ để nắm được trẻ thường truy cập những nội dung nào và vì sao. Hướng dẫn trẻ cách kết bạn, giao tiếp và kiểm soát chế độ riêng tư khi đăng tải các hình ảnh, thông tin cá nhân. 
Đặc biệt, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em. Triển khai nghiên cứu và đưa nội dung về phòng chống xâm hại, bắt nạt, xâm phạm quyền riêng tư của trẻ vào các chương trình giáo dục chính khóa để trang bị kiến thức, kỹ năng nhận biết, nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ, không tạo cơ hội để tội phạm thực hiện các hành vi xâm hại. Chính phủ cần đầu tư, nâng cao năng lực điều tra, xử lý cho các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng với các khóa tập huấn trong và ngoài nước về tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến. Cần tăng cường công tác phối hợp xác minh, điều tra, xử lý trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng mang tính quốc tế. 
Năm là, trẻ em cũng cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ quyền của mình. Khi tham gia không gian mạng, trẻ em nên tìm hiểu những biện pháp an toàn khi sử dụng thiết bị công nghệ, mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng; chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm. Thận trọng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm thông tin trên mạng internet; không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, không rõ người gửi. Không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trên không gian mạng hoặc khi truy cập các trang web, dịch vụ mạng lạ; tuyệt đối không tự ý làm quen, gặp gỡ người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ, người chăm sóc hay có các hành vi kích động, mạo danh trên không gian mạng. 
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi người thân, người chăm sóc bị phát hiện lại chính là người thực hiện hành vi gây rắc rối, bắt nạt, cô lập hoặc xâm hại các em trên không gian mạng. Trường hợp này, trẻ em cần kịp thời lên tiếng, chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo hoặc gọi điện đến Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ trẻ em 111 hay Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (bvte@vncert.vn, childonlineprotection.vn).

ThS. Bùi Thị Long

Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-582802.html, truy cập ngày 29/3/2022.
(2) Tài liệu Hội thảo bản tròn quốc gia về an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24-25/9/2018, tr.35.
(2) https://www.unicef.org/vietnam/Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF: Hơn 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, truy cập ngày 29/3/2022.