Cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính bằng tòa án ở Việt Nam chính thức được thiết lập từ năm 1996, với sự ra đời của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Từ đó đến nay, Tòa Hành chính không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như kịp thời điều chỉnh các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Cùng với sự phát triển của Tòa Hành chính là sự ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người trước những quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của cơ quan công quyền. Bài viết tiếp cận theo hướng phân tích và đánh giá về quá trình ra đời, phát triển của Tòa Hành chính gắn với sự ghi nhận, tôn trọng và bảo bảo quyền con người.

1. Lịch sử hình thành Tòa hành chính ở Việt Nam 
Ngay từ những ngày đầu tiên giành được độc lập và thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đặt nền tảng pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp hành chính nói chung và phương thức giải quyết khiếu nại hành chính nói riêng. Tại Điều 2 của Sắc lệnh này quy định Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền: nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt và có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan. Quy định này cho thấy, Nhà nước dân chủ kiểu mới sau khi thành lập đã thể hiện sự thừa nhận quyền phản kháng các quyết định hành chính bất hợp pháp được ban hành bởi cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân và Chính phủ, thông qua những quy định về quyền khiếu nại, tố cáo. Đến năm 1949, Ban Thanh tra đặc biệt đã kết thúc vai trò của mình, Sắc lệnh số 138b-SL ngày 18/12/1949 ra đời là cơ sở thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, trong đó có một chức năng rất quan trọng là “thanh tra sự khiếu nại của nhân dân”. Các văn bản này đã trở thành những căn cứ pháp lý rất quan trọng cho việc tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong thời kỳ đầu của công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân giai đoạn này cũng đặt ra những yêu cầu mới, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 436/TTg ngày 13/9/1958 qui định về trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo (gọi tắt là khiếu tố) của nhân dân xác định: “Nghiên cứu và giải quyết các việc khiếu nại và tố giác của nhân dân là một trách nhiệm quan trọng của tất cả các cơ quan nhà nước trước nhân dân”. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân như Nghị quyết số 164/CP ngày 31/8/1970 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác thanh tra và chấn chỉnh hệ thống cơ quan Thanh tra của Nhà nước; Nghị định số 165/CP ngày 31/8/1970 của Hội đồng Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ; Thông tư số 60/UBTT ngày 22/5/1971 của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ hướng dẫn trách nhiệm của các ngành, các cấp về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Sau năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, năm 1976, chúng ta tiến hành tổng tuyển cử toàn quốc và đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 1980. Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh qui định việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên qui định một cách tập trung, đầy đủ và chi tiết về việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã ban hành Nghị định số 58/HĐBT ngày 29/3/1982. Theo đó, Pháp lệnh qui định: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về những việc làm trái chính sách pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức đó làm thiệt hại đến lợí ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân”1. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thủ trưởng các cơ quan nhà nước, theo đó, “Các khiếu nại đối với nhân viên thuộc cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét, giải quyết. Các khiếu nại đối với thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét, giải quyết”2.
Có thể thấy cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo ở giai đoạn này là cơ chế hành chính cấp trên - cấp dưới, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải là thủ trưởng của người bị khiếu nại; nghĩa là các quyết định hành chính, hành vi hành chính chỉ có thể được xem xét giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo hành chính mà chưa có cơ chế giải quyết theo con đường tố tụng của Tòa án.
Đến năm 1991, Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân thay thế cho Pháp lệnh năm 1981, tiếp tục ghi nhận một số quy định của Pháp lệnh năm 1991, đồng thời quy định những nội dung mới nhằm đáp ứng với tình hình thực tiễn, đặc biệt Pháp lệnh năm 1991 quy định trình tự và thủ tục tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tương đối chặt chẽ, tạo điều kiện để công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình, đồng thời cũng giúp các cơ quan nhà nước có trách nhiệm có thể thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách nề nếp, qui củ nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận cơ chế giải quyết các tranh chấp hành chính thông qua con đường khiếu nại, tố cáo hành chính. Mặc dù có nhiều điểm đổi mới về mặt nhận thức nhưng cũng phải thừa nhận rằng, sự đổi mới đó còn rất ít cơ sở thực tế để phát huy hiệu lực và hiệu quả. Ngay sau đó, Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương nghiên cứu và thiết lập cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính bằng con đường Tòa án để khắc phục những nhược điểm của phương thức giải quyết khiếu kiện hành chính.
Đến Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, đã hướng tới nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Lần đầu tiên, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, tại Điều 50 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Quy định này đã ghi nhận quyền con người trong Hiến pháp, khẳng định cam kết của Việt Nam với việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần phải xem xét lại cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính, bởi lẽ đây là tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ bất bình đẳng giữa công dân và nhà nước, nếu chỉ ghi nhận phương thức giải quyết khiếu nại mang tính chất “nội bộ” trong chính hệ thống cơ quan hành pháp thì sẽ khó bảo đảm sự công bằng, khách quan, minh bạch. 
Trên cơ sở tham khảo các mô hình Tòa hành chính ở các nước trên thế giới và nghiên cứu tình hình thực tiễn ở Việt Nam, ngày 21/5/1996, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (có hiệu lực từ ngày 01/7/1996), thành lập Tòa hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân, mở ra một phương thức giải quyết tranh chấp hành chính mới bên cạnh thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên đối với hoạt động xét xử các vụ án hành chính của Tòa hành chính, là cơ chế mới để giải quyết các khiếu kiện hành chính, bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khỏi sự vi phạm từ phía các cơ quan công quyền.

Trong việc giải quyết các vụ án hành chính, quyền con người cần được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Nguồn: tapchitoaan.vn.

2. Sự tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hành chính ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã gia nhập và phê chuẩn 07 điều ước quan trọng về quyền con người do Liên hợp quốc thông qua, trong đó có hai công ước cơ bản là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR)3. Trong đó, ghi nhận các quyền dân sự như: Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật; Quyền về xét xử công bằng; Quyền được bảo vệ đời tư; v.v..4
Từ đó cho đến nay Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để quyền con người được công nhận, tôn trọng, thúc đẩy và đảm bảo thực hiện trên thực tế, đồng thời đặt ra những yêu cầu với các cơ quan nhà nước trong các hoạt động pháp lý để thực hiện chúng. Cùng với sự ra đời và phát triển của Tòa hành chính là sự ghi nhận, tôn trọng, đảm bảo thực hiện quyền con người trong quá trình giải quyết các tranh chấp hành chính tại Tòa án nhân dân. Ở mỗi giai đoạn, quyền con người trong tố tụng hành chính lại được đảm bảo bởi những quy định phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như nền tảng chính trị pháp lý. 
Từ khi Tòa hành chính được chính thức thiết lập thông qua việc ban hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung các năm 1998, 2006) đến trước năm 2010, một số quyền con người trong tố tụng hành chính đã được ghi nhận như: quyền được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật (quy định về quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại5; các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính6); quyền được bảo vệ đời tư (các vụ án hành chính được xét xử công khai trừ trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ7) và một số quyền khác như quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ; được đọc, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác cung cấp; Quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;...8 Mặc dù ở giai đoạn này, các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quy định bó hẹp theo phương pháp liệt kê, gồm 22 nhóm việc9. Theo đó, chỉ những quyết định hành chính, hành vi hành chính nào được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính, hay một văn bản pháp luật cụ thể nào đó bị cá nhân, tổ chức, khiếu kiện thì toà hành chính mới có quyền thụ lí giải quyết. Phương pháp này có ưu điểm là khá rõ ràng để các bên đều nhận biết được tình huống khởi kiện có được Tòa án thụ lý hay không. Có thể thấy, trong giai đoạn đầu tiên mới thành lập Tòa hành chính còn non trẻ và nhiều bỡ ngỡ, tổ chức của Tòa hành chính chưa thật sự hoàn thiện, trình độ năng lực chuyên môn của Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính còn nhiều hạn chế thì việc quy định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo phương pháp liệt kê này là phù hợp, mặc dù vậy quyền con người trong tố tụng hành chính giai đoạn này chưa thật sự được ghi nhận và bảo đảm. 
Từ năm 2010 đến nay, với sự ra đời và ngày càng hoàn thiện của Luật Tố tụng hành chính (năm 2010 và năm 2015) cùng sự ghi nhận cả ba nghĩa vụ của Nhà nước tương ứng với các quy định về nghĩa vụ quốc gia theo luật nhân quyền quốc tế, đó là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp năm 201310, Tòa Hành chính đã tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật. 
Một là, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”11. Đồng thời, ghi nhận quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với các quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó12. Mặc dù khiếu kiện hành chính xuất phát từ những tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, từ mối quan hệ bất bình đẳng giữa hai bên chủ thể nhưng khi đã khởi kiện và được tòa án nhân dân thụ lý để giải quyết, thì người khởi kiện, người bị kiện đều “bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính”13. Quyền này thể hiện sự bình đẳng trước pháp luật mà luật quốc tế và Hiến pháp của Việt Nam đã ghi nhận và bảo đảm.
Hai là, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định theo hướng liệt kê trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây. Theo đó, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước thỏa mãn điều kiện tại khoản 1, khoản 2 (đối với quyết định hành chính) và khoản 3, khoản 4  (đối với hành vi hành chính) Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Như vậy, quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền luôn tiềm ẩn khả năng trở thành đối tượng xét xử của Tòa án, bằng một vụ án hành chính. Điều này thể hiện sự không phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 
Ba là, quyền đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Bằng việc ghi nhận Tòa án tạo điều kiện cho các đương sự được đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (Luật Tố tụng hành chính năm 2010) và phát triển, cụ thể hóa thành một thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (Luật Tố tụng hành chính năm 2015), thủ tục đối thoại là cơ hội để các bên hiểu rõ hơn về tranh chấp hành chính. Quyền đối thoại trong tố tụng hành chính đã tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng để các bên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau dưới sự điều hành của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, giúp các bên đương sự hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và hiểu được các vấn đề khác có liên quan đến nội dung khiếu kiện. Quy định này cũng thể hiện một phần nội dung quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử của quyền con người. 
Bốn là, người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, mặc dù Luật quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng là tiếng Việt. Trường hợp người tham gia tố tụng là người khuyết tật nghe, nói, nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật. Trường hợp này phải có người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng của người khuyết tật để dịch lại14. Quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia tố tụng mà còn thể hiện quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trong tố tụng hành chính, tôn trọng quyền được biểu đạt ý chí, nguyện vọng của người tham gia tố tụng.
Thứ hai, cụ thể hóa quyền về xét xử công bằng. 
Một là, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính. Pháp luật tố tụng hành chính ghi nhận quyền tranh tụng của người khởi kiện trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Người khởi kiện phải thực hiện các biện pháp pháp lý, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án; có quyền trình bày, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng, qua đó họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, pháp luật tố tụng hành chính ghi nhận trách nhiệm của Tòa án hỗ trợ người khởi kiện thu thập tài liệu chứng cứ và trách nhiệm tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ khi có yêu cầu của người khởi kiện hoặc tự Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm giải quyết chính xác và toàn diện vụ án hành chính. Quy định này đảm bảo thực hiện quyền được xét xử minh bạch, công khai và công bằng trong tố tụng hành chính. 
Hai là, đương sự có quyền yêu cầu đối chất khi thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, của người làm chứng; có quyền được trình bày các yêu cầu, những chứng cứ, những vấn đề còn chưa rõ, còn mâu thuẫn trong quá trình tranh tụng; quyền được yêu cầu Hội đồng xét xử công bố tài liệu của vụ án; quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính... Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Được quyền khiếu nại trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án15. 
Ba là, quyền được thông báo về việc bị kiện hoặc có liên quan đến vụ án hành chính. Luật quy định: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án16. 
Thứ ba, cụ thể hóa quyền được bảo vệ đời tư. 
Một là, theo nguyên tắc, Tòa án xét xử kịp thời, đảm bảo công bằng, công khai17, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt có thể xét xử kín nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật các nhân theo quyên cầu chính đáng của đương sự hoặc cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc.  
Hai là, việc công bố tài liệu của vụ án khi xét xử sơ thẩm trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó có trường hợp cần giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc để bảo vệ người chưa thành niên theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong vụ án. Tương tự như vậy, theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử vì những lý do trên có thể từ chối đề nghị cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa của các đương sự khác, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, người tham gia tố tụng khác hoặc của Kiểm sát viên18. 
Ba là, Luật Tố tụng hành chính quy định cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc tố cáo có thể dẫn đến những nguy hiểm nhất định từ phía người bị tố cáo, cho nên để bảo vệ người tố cáo, và cũng xuất phát từ quyền được bảo vệ đời tư trong các quyền của con người, Luật Tố tụng hành chính quy định người tố cáo có quyền yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù19. Ngoài ra, với người bị tố cáo, nếu chứng minh việc tố cáo không đúng thì có quyền được phục hồi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại từ tố cáo không đúng gây ra20.  
3. Kết luận 
Đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề bảo đảm quyền con người trong tố tụng hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, được ghi nhận và đảm bảo cùng với sự phát triển của Tòa hành chính. Thời gian qua, pháp luật tố tụng hành chính với những quy định cụ thể và rõ ràng đã thiết lập cơ chế tôn trọng và bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền con người, đảm bảo các vụ án hành chính được giải quyết khách quan, toàn diện, chí công vô tư, đúng pháp luật.

ThS. Hà Thị Hằng

Đại học Kiểm sát Hà Nội

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Điều 1, Pháp lệnh qui định việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981.
(2) Điều 12 Pháp lệnh qui định việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981.
(3) Việt Nam gia nhập hai công ước trên ngày 24/9/1982.
(4) Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).
(5) Điều 3 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006).
(6) Điều 6 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006).
(7) Điều 7 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006).
(8) Điều 20 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006).
(9) Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006).
(10) Điều 3 và Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
(11) Điều 5 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(12) Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. 
(13) Điều 17 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(14) Điều 21 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(15) Điều 237, 238 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(16) Điều 126 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(17) Khoản 1 Điều 16 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(18) Khoản 2 Điều 182 và Điều 183 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(19) Điều 338 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
(20) Điều 339 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.