Sau khi ban hành Hiến pháp mới tháng 4/2019 và tổ chức thành công Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba tháng 4/2021, tình hình chính trị-xã hội Cuba đã có nhiều biến chuyển tích cực. Nổi bật trong số đó là vấn đề mở rộng, phát triển quyền con người và quyền công dân. Bài viết này nghiên cứu, đánh giá sự khẳng định và phát triển quyền con người, quyền công dân ở Cuba hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn
Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cả cộng đồng trong nước và thế giới thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, được bảo đảm bởi hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Quyền con người có 4 đặc tính cơ bản: phổ biến; không thể chuyển nhượng; không thể phân chia; liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Căn cứ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền con người được chia thành 2 nhóm: các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.
Quyền công dân là điều kiện, khả năng, mức độ lựa chọn hành vi, hoạt động của mỗi người trong xã hội được nhà nước nơi mà người đó là công dân thừa nhận, bảo đảm và có thể điều chỉnh, thay đổi. Quyền công dân cũng chia thành 2 loại nhóm như quyền con người, được pháp luật ghi nhận và phụ thuộc vào thực trạng của nhà nước cũng như mối quan hệ giữa công dân với nhà nước.
Như vậy, có thể thấy, quyền con người mang tính tự nhiên, chủ động và rộng rãi - ai cũng có quyền con người ở bất kỳ đâu và vào bất cứ lúc nào. Ngược lại, quyền công dân lại mang tính xã hội, bị động hơn và gắn chặt với sự tác động, điều chỉnh của nhà nước ở thời, ở nơi mà công dân đó cư trú, sinh sống. Quyền con người là nguồn gốc, nền tảng của quyền công dân và được cụ thể hóa, thực tiễn hóa thành quyền công dân. Quyền công dân là quyền con người được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình, là tập hợp những quyền được hệ thống pháp luật (cao nhất, chung nhất là hiến pháp) quy định và đảm bảo thực hiện.
Trước đây, Cuba cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác đã không quy định quyền con người trong Hiến pháp vì quan điểm của đa số các nhà lập hiến xã hội chủ nghĩa thời đó đều cho rằng: (1) Quyền con người là quyền tự nhiên, hiển nhiên và không giới hạn cả về không gian lẫn thời gian, nên việc đưa vào quy định trong Hiến pháp là không phù hợp và không còn ý nghĩa (vì nếu làm thế thì đã chính thức áp dụng giới hạn pháp lý cho những vấn đề không được phép giới hạn và không thể giới hạn); (2) Quyền con người rộng lớn và không phân biệt chế độ, hình thái xã hội, trong khi việc xây dựng xã hội chủ nghĩa lại cần phải phân biệt rõ ràng với các loại hình chế độ khác, đặc biệt là chế độ tư bản chủ nghĩa; (3) Quyền công dân là sự thể hiện của những quyền con người cơ bản, vì vậy chỉ quy định trực tiếp quyền công dân trong Hiến pháp cũng là đã quy định gián tiếp về quyền con người.
Quan điểm coi nhẹ, không đưa quyền con người vào quy định Hiến pháp đã được xem xét lại và thay đổi, bắt đầu từ Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Cuba tháng 10/1997. Việc này được đẩy mạnh trong các đại hội Đảng tiếp theo và chính thức hóa trong hiến pháp từ năm 2019. Với lĩnh vực quy định quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2019 đã tiến bộ vượt trội so với Hiến pháp năm 1976 ở hai vấn đề. Thứ nhất, nếu như Hiến pháp năm 1976 không có bất kỳ điều khoản nào quy định rõ về quyền con người, thì trong Hiến pháp năm 2019 đã có nhiều điều khoản ghi nhận, khẳng định, cụ thể hóa quyền này, đặc biệt tại Điều 41: “Nhà nước Cuba công nhận và đảm bảo cho mỗi người được hưởng các quyền con người không thể chuyển nhượng, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau, phù hợp với nguyên tắc tiến bộ và không phân biệt đối xử. Sự tôn trọng và bảo đảm của họ là bắt buộc đối với tất cả mọi người”. Thứ hai, mở rộng và phát triển những quyền công dân đã được quy định từ Hiến pháp năm 1976 bằng cách vừa bổ sung, thêm các quyền công dân mới (như quyền sở hữu tư nhân, quyền hôn nhân bình đẳng/hôn nhân đồng giới, quyền được cung cấp đầy đủ nước sạch, quyền được có nhà ở xứng đáng, quyền mang/giữ đa quốc tịch...), vừa sửa đổi, điều chỉnh quy định trong mỗi quyền công dân để tăng cường biên độ và sự chủ động cho người thực hiện. Chẳng hạn, về tự do ngôn luận, Điều 53 Hiến pháp năm 1976 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận và báo chí phù hợp với mục tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa...” thì Hiến pháp năm 2019 sửa đổi, bổ sung thành: “Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo đảm cho mọi người quyền tự do tư tưởng...” (Điều 54) và “Quyền tự do báo chí của người dân được công nhận. Quyền này được thực hiện theo quy định của pháp luật và vì lợi ích của xã hội...” (Điều 55).
Dưới đây là một số vấn đề tiêu biểu về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, khẳng định hoặc bổ sung, mở rộng trong Hiến pháp năm 2019 của Cuba.
1. Công nhận sở hữu tư nhân
Sở hữu tư nhân là sự chiếm giữ, sử dụng, định đoạt của mỗi cá nhân con người về các tư liệu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất nhằm đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân mình. Sở hữu tư nhân gồm 3 loại hình: sở hữu cá thể (sở hữu đối với tư liệu sản xuất, trong đó chủ sở hữu cùng thân nhân của mình trực tiếp tác động lên tư liệu sản xuất trong quá trình sản xuất), sở hữu tiểu chủ (sở hữu đối với tư liệu sản xuất, trong đó có sử dụng lao động làm thuê với số lượng nhỏ và theo thời vụ) và sở hữu tư bản tư nhân (sở hữu đối với tư liệu sản xuất, trong đó đa phần sử dụng nhân công lao động làm thuê).
Trước đây, ở Cuba chỉ công nhận loại hình sở hữu cá thể, nghĩa là chế độ sở hữu tư nhân chưa được thừa nhận. Điều 21 Hiến pháp năm 1976 ghi nhận chi tiết vấn đề này: “Nhà nước chỉ bảo đảm quyền sở hữu cá thể của mỗi người đối với thu nhập và tiền tiết kiệm có được từ việc làm của mình, của nhà ở mà người đó có quyền sở hữu hợp pháp và các tài sản, đồ vật khác phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người đó. Tương tự như vậy, Nhà nước chỉ bảo đảm quyền sở hữu của công dân đối với công cụ lao động của chính cá nhân họ hoặc gia đình họ. Không được sử dụng những công cụ này để kiếm thu nhập từ việc khai thác lao động của người khác. Luật sẽ quy định số lượng hàng hóa thuộc sở hữu của một người có thể bị tịch thu”. Như vậy, 2 loại hình sở hữu tư nhân là sở hữu tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân bị coi là bất hợp pháp, cho dù chúng là những yếu tố phổ biến và cần thiết của quyền sở hữu tư nhân nói chung. Lý do là hai loại quyền đó đã sử dụng thời gian, công sức lao động của người khác (có khi đến mức tận dụng, lợi dụng, bóc lột) để tạo ra thu nhập, tài sản cho cá nhân mình, đồng thời đây cũng là cơ sở, động lực hình thành và phát triển xã hội tư bản - trái với yêu cầu, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba.
Nhưng do nhu cầu thích ứng và phát triển của đất nước, đã nảy sinh nhiều yếu tố thúc đẩy hệ thống luật pháp Cuba phải sớm công nhận quyền sở hữu tư nhân với đầy đủ cả ba loại hình. Có thể thấy điều này bắt nguồn từ hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, trước khi cuộc cách mạng năm 1959 diễn ra, Cuba đã là một nước tư bản khá phát triển, với tất cả các loại hình sở hữu tư nhân. Khi cách mạng thành công và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù áp dụng sâu rộng, mạnh mẽ sự cấm đoán loại hình sở hữu tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân, chính quyền cũng chỉ đạt được kết quả về mặt hình thức, bởi hai loại hình sở hữu này đã từng tồn tại phổ biến trước đó và góp phần cùng sở hữu cá thể làm nên bản chất thực sự của sở hữu tư nhân, nên chúng vẫn ngấm ngầm tồn tại. Thứ hai, sau thời kỳ chiến tranh Lạnh, nền kinh tế Cuba đã hình thành, phát triển 2 thành phần kinh tế mới là kinh tế liên doanh (kinh tế liên kết) và kinh tế tư nhân (kinh tế tự doanh), bên cạnh 2 thành phần kinh tế chủ lực là kinh tế nhà nước (kinh tế quốc doanh) và kinh tế tập thể (kinh tế hợp tác xã). Những lợi ích, hiệu quả và cả sự cần thiết khách quan đã khiến Cuba chấp nhận và ngày càng tạo điều kiện cho hai thành phần kinh tế mới này, nhất là bằng những chiến lược, chính sách kinh tế quan trọng như Kế hoạch quốc gia về kinh tế-xã hội đến năm 2030 được Đảng Cộng sản đưa ra từ năm 2011 hay Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua từ năm 2014... Nhưng sự phát triển của hai thành phần kinh tế mới (đặc biệt là kinh tế tư nhân) sẽ thiếu nguồn lực và gặp phải cản trở cơ bản nếu quyền sở hữu tư nhân không được công nhận đầy đủ. Đây là nhu cầu cấp bách được giải quyết trong quy định của Hiến pháp mới ban hành tháng 04/2019: chính thức công nhận vai trò của thị trường tự do và quyền sở hữu tư nhân.
2. Tạo điều kiện cho hôn nhân đồng giới
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, người có khuynh hướng tình dục đồng giới (thuộc cộng đồng LGBT+) là một thành phần cư dân đáng kể hiện diện trong đời sống xã hội Cuba. Trước đây, họ có một thời kỳ dài chịu sự kỳ thị của các tầng lớp dân cư và cách đối xử cực đoan, bất bình đẳng của chính quyền. Từ khi cách mạng năm 1959 thành công và Cuba bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ bị coi là “những người có ứng xử lệch lạc trên phương diện ý thức hệ”, bị đưa vào các trại cải tạo; các nghệ sĩ đồng tính còn bị cách ly hoặc trục xuất ra nước ngoài... Tuy nhiên, đến giữa những năm 1970, sự kỳ thị bắt đầu giảm dần, người đồng tính ở Cuba được thông cảm hơn và chính quyền ngày càng đưa ra các chính sách tích cực giúp đỡ, hỗ trợ họ: từ năm 1979, hoạt động tình dục đồng giới được hợp pháp hóa; từ năm 1993, người đồng tính được phép phục vụ công khai trong quân đội; từ năm 2008, quyền thay đổi giới tính được công nhận; từ năm 2013, thực thi luật chống phân biệt đối xử đối với người đồng tính trong lao động, việc làm; từ năm 2018 - trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ; từ năm 2019 - trong tất cả các lĩnh vực khác...
Với những vấn đề liên quan tới người đồng tính, thì “hôn nhân đồng giới” được xã hội chú ý nhất. Điều 36 Hiến pháp năm 1976 ghi nhận rõ ràng: “Hôn nhân là sự kết hợp tự nguyện giữa nam và nữ được kết hôn hợp pháp để chung sống với nhau…” và như vậy, hôn nhân đồng giới là bất hợp pháp. Nhưng cùng với xu hướng chính quyền ngày càng cảm thông và hỗ trợ người đồng giới hơn, từ cuối năm 2017, đã diễn ra một chiến dịch công khai rất lớn của các nhóm người đồng tính đòi sửa đổi Hiến pháp, cho phép hôn nhân đồng giới. Tháng 07/2018, Quốc hội lần đầu thông qua Dự thảo Hiến pháp mới, trong đó tại Điều 68 chỉ quy định chung là hôn nhân là sự kết hôn thành gia đình “giữa hai người”, không quy định cụ thể giới tính của họ và do đó, đã gián tiếp hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Vấn đề này cũng được các nhân vật danh tiếng ở Cuba ủng hộ mạnh mẽ, như Mariela Castro - con gái nhà lãnh đạo Raul Castro, Giám đốc Trung tâm Quốc gia và Giáo dục Giới tính Cuba (CENESEX) và cả đương kim Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel (tháng 09/2018, trong cuộc phỏng vấn với TV Telesur, Diaz-Canel khẳng định: “Hôn nhân giữa người với người không nên có bất kỳ hạn chế nào” và cho rằng việc ủng hộ những người đồng giới “là một phần của việc loại bỏ những định kiến, kỳ thị trong xã hội...”1).
Tuy nhiên, quy định cho phép hôn nhân đồng giới đã bị Quốc hội loại bỏ ngày 18/12/2018 sau khi bất ngờ nhận được đa số sự phản đối của những người dân khi được tham vấn. Cụ thể, trong số 192.408 người phát biểu, có tới 158.376 ý kiến (tức là chiếm tới hơn 82%)2 muốn giữ nguyên quy định tại Điều 36 của Hiến pháp năm 1976. Có một số nguyên nhân dẫn đến sự phản đối đông đảo này, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là ảnh hưởng, can thiệp của nhà thờ Thiên Chúa giáo: các linh mục được cho là người tiên phong trong việc quyết liệt phản đối hôn nhân đồng tính bởi tư tưởng và giáo lý của họ luôn coi hôn nhân đồng tính là chuyện “thác loạn từ bản chất, không thể chấp nhận”3, mà Thiên Chúa giáo lại là quốc giáo ở Cuba với khoảng 60% dân số là tín đồ của tôn giáo này. Trước khi đưa ra trưng cầu ý dân ngày 24/02/2019 và được Quốc hội thông qua lần cuối ngày 10/4/2019, quy định này đã được sửa lại thành: “Hôn nhân là một thiết chế xã hội và pháp luật… dựa trên cơ sở đồng ý tự nguyện và bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và năng lực pháp lý của vợ, chồng…” và đưa nó thành Điều 82 trong Hiến pháp năm 2019. Có thể thấy, sự sửa đổi không quay về như Điều 36 Hiến pháp năm 1976, mà vẫn tạo điều kiện cho hôn nhân đồng giới hợp pháp hóa, nhưng với ngôn từ dung hòa và gián tiếp hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống luật lệ về hôn nhân và gia đình của Cuba vẫn còn đang quy định theo Hiến pháp năm 1976, nên tiến trình dần hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới theo tinh thần của Hiến pháp năm 2019 vẫn chưa kết thúc và chắc chắn còn gây nhiều tranh cãi.
3. Cho phép công dân mang nhiều quốc tịch
Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý-chính trị có tính chất lâu dài, bền vững, ổn định cao về mặt thời gian, không bị giới hạn về mặt không gian giữa cá nhân cụ thể/thể nhân với chính quyền/nhà nước nhất định.
Hầu hết mọi người đều có quốc tịch ngay từ khi mới sinh ra và mang/giữ quốc tịch đó trọn đời. Ở một số quốc gia, áp dụng nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) để xác định quốc tịch cho cá nhân được sinh ra: trẻ em khi ra đời có quốc tịch theo cha mẹ, không phụ thuộc vào nơi sinh. Ngược lại, ở một số quốc gia khác, lại áp dụng nguyên tắc nơi sinh (jus soli): trẻ em ra đời ở nước nào sẽ có quốc tịch nước đó, không phụ thuộc vào quốc tịch cha mẹ. Nhưng ở đa số quốc gia còn lại, việc xác định quốc tịch cho cá nhân áp dụng nguyên tắc hỗn hợp, sử dụng cả hai nguyên tắc trên theo cách thức nhất định, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Mỗi cá nhân có thể xin thôi quốc tịch mình đang mang với nhu cầu, lý do chính đáng hoặc bị tước quốc tịch nếu phạm tội nặng liên quan đến danh dự, chủ quyền, an ninh quốc gia. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng có thể xin gia nhập quốc tịch (nhập tịch) khi mình chưa có quốc tịch; hoặc xin mang từ 2 quốc tịch trở lên (đa quốc tịch) nếu các quốc gia liên quan có quy định cho phép điều này. Chế độ đa quốc tịch ngày càng được áp dụng phổ biến do nhu cầu hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng lớn và nhiều lợi ích mang lại cho cả cá nhân/thể nhân lẫn nhà nước/chính quyền. Cá nhân mang/giữ đa quốc tịch sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa, an sinh-phúc lợi xã hội; tính lưu động toàn cầu (di chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn giữa nhiều quốc gia); cơ hội kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu; bảo đảm an ninh (vì có thể lựa chọn làm việc, sinh sống tại nước có an ninh trật tự ổn định nhất trong các nước mình mang quốc tịch); và chất lượng cuộc sống (có nhiều cơ hội hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn); cho dù cũng phải thực thi nhiều nghĩa vụ hơn về tuân thủ pháp luật, đóng thuế, tham gia quân đội (nhập ngũ)... Còn đối với nhà nước, áp dụng chế độ đa quốc tịch có thể đem lại nhiều lợi ích về thuế, tài chính, cùng các lợi thế về “quyền lực mềm” (chuyển giao tri thức, công nghệ, nguồn nhân lực linh hoạt, thu hút đầu tư...), cho dù cũng phải chấp nhận những bất lợi như cạnh tranh và xung đột quốc gia, tăng công sức và chi phí đảm bảo cho công dân, khắc phục những tiêu cực do cá nhân đa quốc tịch tạo ra hoặc mang tới...
Ở Cuba cũng như nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác, đều áp dụng quốc tịch theo nguyên tắc nơi sinh. Trước đây, Cuba chỉ cho phép công dân của mình mang một quốc tịch với Điều 32 Hiến pháp năm 1976 quy định: “Người Cuba không thể bị tước quyền công dân vì những lý do pháp lý đã thiết lập. Họ cũng không bị tước quyền thay đổi quốc tịch. Hai quốc tịch không được công nhận. Do đó, khi có quốc tịch nước ngoài thì quốc tịch Cuba sẽ bị mất…”. Tuy nhiên, quy định này xung đột với những nhu cầu ngày càng lên cao của các tầng lớp người dân Cuba muốn mang nhiều quốc tịch và nỗ lực của chính quyền kêu gọi đầu tư từ cộng đồng người Cuba hải ngoại. Bởi vậy, Hiến pháp năm 2019 cho phép mang/giữ đa quốc tịch và hiến định hóa tại Điều 36: “Việc có quốc tịch khác không có nghĩa là mất quốc tịch Cuba…”. Hiện nay, Cuba đang soạn thảo luật về quốc tịch mới trên tinh thần quy định của Hiến pháp này, trong đó có cả những bảo đảm và đề phòng ảnh hưởng tiêu cực từ cơ chế đa quốc tịch mang lại (chẳng hạn, với những người Cuba vừa mang quốc tịch Cuba, vừa mang quốc tịch Hoa Kỳ).
4. Áp dụng nguyên tắc “giả định vô tội” và “đình lệnh giam giữ”
Giả định vô tội (hay suy đoán vô tội) là sự khẳng định rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được/bị chứng minh hợp lý và hợp pháp là có tội. Còn đình lệnh giam giữ (habeas corpus) là việc công dân có quyền yêu cầu tòa án đình chỉ, hủy bỏ văn bản giam giữ họ hoặc phong tỏa quyền lợi của họ nếu thấy văn bản ấy là bất hợp lý và bất hợp pháp. Đây là hai trong các nguyên tắc cơ bản bảo đảm quyền con người và quyền công dân trước pháp luật, được áp dụng rộng rãi trong cả nền khoa học pháp lý hiện đại lẫn những hoạt động tư pháp và đời sống pháp luật nói chung.
Ở Cuba trước đây, các nguyên tắc này chưa được đưa vào Hiến pháp và hệ thống pháp luật, dẫn đến tình trạng phiến diện, lạm quyền, thiếu trách nhiệm của những công chức hành chính và cán bộ tòa án, viện kiểm sát trong tiến trình xem xét vụ việc (nhìn nhận, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), từ đó dẫn tới nhiều vụ việc bị giải quyết không đúng theo pháp luật, nặng tính áp đặt cửa quyền và tạo oan sai, gây thiệt hại và bất bình đối với người dân. Hiến pháp năm 2019 đã khắc phục tình trạng đó với việc lần đầu tiên đưa ra các điều khoản quy định về suy đoán vô tội và đình lệnh giam giữ. Điều 95 khẳng định mọi công dân đều được đảm bảo “... giả định vô tội cho đến khi được tuyên bố có tội qua một phán quyết cuối cùng của một tòa án”. Trong khi đó, Điều 96 ghi nhận: “Bất kỳ ai bị tước bỏ bất hợp pháp quyền tự do, quyền tài sản của chính họ hoặc bởi một bên thứ ba, thì đều có quyền gửi văn bản đình lệnh giam giữ lên tòa án có thẩm quyền, theo các yêu cầu được quy định trong luật”. Ngoài ra, công dân khi cần thiết có thể “... đưa ra một hành động hoặc thủ tục thích hợp chống lại các phán quyết hành chính và tư pháp” (Điều 94) và khởi kiện cơ quan chính quyền, cá nhân công chức hành chính, cán bộ tòa án, viện kiểm sát, đòi giải quyết đúng luật và bồi thường thiệt hại nếu các tập thể, cá nhân này hoạt động lơ là, lạm quyền, thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền và lợi ích của công dân (Điều 99).
TS. Nguyễn Anh Hùng
Viện Nghiên cứu châu Mỹ
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) UNHCR (the United Nations High Commissioner for Refugees) được thành lập ngày 14-12-1950 có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) với mục đích là phụ trách và phối hợp các hoạt động quốc tế nhằm bảo vệ người tị nạn và giải quyết các vấn đề về tị nạn trên toàn thế giới. Do những góp to lớn của mình, UNHCR đã được tặng Giải Nô-ben Hòa bình hai lần vào các năm 1954 và 1981.
(2)https://www.unhcr.org/flagship-reports/globaltrends/ (truy cập ngày 06/4/2022).
(3) https://publications.iom.int/system/files/pdf/wmr_2018_en.pdf..
(4)https://www.unhcr.org/asylum-and-migration.html.
(5)https://www.unhcr.org/cgi-bin/texis/vtx/search?page=search&docid= 3b66c2aa10&query=Convention%20relating% 20to%20the%20Status%20of%20Refugees.
(6) https://www.un.org/en/observances/refugee-day.
(7) http://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/71/L.1.
(8) https://www.unhcr.org/the-global-compact-on-refugees.html.
(9) Xem Vũ Ngọc Bình (1996), Vấn đề thuyền nhân Việt Nam - Đi định cư hay hồi hương, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(10) https://borgenproject.org/vietnamese-boat-people/.
(11) https://www.americanforeignrelations.com/O-W/The-Vietnam-War-and-Its-Impact-Refugees-and-boat-people.html
(12) https://www.cbc.ca/radio/rewind/the-vietnam-war-canada-s-role-part-two-the-boat-people-1.3048026
(13) Vu Ngoc Binh, Refugees and Returnees in Vietnam, Journal of Vietnam Social Sciences (No.2-1993), Hanoi.
(14) Tạp chí Thông tin Khoa học Giáo dục. (1993), Vấn đề tị nạn và hồi hương ở Việt Nam, Số 38-1993. Hà Nội.
(15) https://www.americanforeignrelations.com/O-W/The-Vietnam-War-and-Its-Impact-Refugees-and-boat-people.html
(16) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2014), Báo cáo Tổng kết 30 năm đổi mới - Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới (trong lĩnh vực lao động-người có công và xã hội), Hà Nội.
(17) UPR do Đại hội đồng Liên hợp quốc thiết lập theo Nghị quyết 60/251 ngày 15/3/2006 là quá trình cứ 4 năm một lần đánh giá tình hình thực hiện quyền con người của tất cả hơn 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây là công việc do Hội đồng Quyền con người phối hợp tổ chức được quốc gia có cơ hội nêu ra những việc làm mà họ đã tiến hành để cải thiện tình hình quyền con người ở tất cả các quốc gia đó cũng như hoàn thành những nghĩa vụ quyền con người của họ để các quốc gia khác đánh giá.
(18) Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2022), Báo cáo giữa kì tự nguyện về thực hiện vòng ba những khuyến nghị đã được chấp nhận, Hà Nội.
.