Nhằm cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những thông tin khách quan, bổ ích, tạo nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thành tựu, thách thức trong việc bảo đảm quyền này trên thực tế, sáng ngày 09-3-2023, tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 3/2023 (Hà Nội), Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Phát biểu trong buổi ra mắt cuốn Sách trắng, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã chỉ rõ sự cần thiết của việc xuất bản Sách trắng về tôn giáo. Theo ông, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau. Tính đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và được sự ghi nhận và đánh giá cao của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Song, Việt Nam vẫn đang đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể: (1) Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong tôn giáo về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế; (2) Sự xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới, trái thuần phong mỹ tục, trái luật pháp của Việt Nam; (3) Hoạt động tôn giáo trên không gian mạng đang là vấn đề mới phát sinh, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước về tôn giáo; (4) Một số đối tượng thiếu thiện chí trong và ngoài nước nhận định thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc về tình hình, chính sách tôn giáo của Việt Nam…

Chính vì vậy, việc xuất bản Sách trắng là minh chứng cho quyết tâm thực hiện mục tiêu bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là lời khẳng định của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trong sự bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với các tôn giáo trước pháp luật: "Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm". Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số. Đồng thời, thông qua Sách trắng sẽ truyền tải những thông tin chính thống, trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo làm cơ sở tham chiếu chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, Sách trắng được xem như cẩm nang cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm giúp họ nắm rõ lĩnh vực mà mình công tác để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam". Nguồn: baodantoc.vn

Nội dung của Sách Trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” được kết cấu thành 03 chương với độ dày 132 trang. Chương I: Tôn giáo ở Việt Nam. Nội dung của chương này nhằm giới thiệu đến độc giả thông tin cơ bản về các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Chương II: Chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Nội dung chương này nêu lên quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chương III: Thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, sách có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

Như vậy, sự ra đời của cuốn sách, bên cạnh việc cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nước về chính sách tôn trọng, bình đẳng đối với các tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, còn là phương tiện chính thống làm căn cứ phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam.

Sách trắng là một trong những loại sách chuyên biệt được xem như một văn bản hướng dẫn quan trọng, ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Mục đích ban hành giúp người đọc nắm bắt được những thông tin cần thiết, từ đó, hiểu được vấn đề hoặc giải quyết nó theo đúng cách.

Là phương tiện truyền thông của nền dân chủ, sách trắng đảm nhiệm vai trò phản ánh trung thực chính sách bền vững của Chính phủ. Việc xuất bản sách trắng thể hiện ý định rõ ràng của Chính phủ hoặc một cơ quan trong Chính phủ nhằm công khai rộng rãi tới thế giới và trong nước, công chúng trong và ngoài nước chính sách ưu tiên, chính sách bền vững của Chính phủ về vấn đề mà sách đề cập.

ThS. Phạm Thị Hà

Viện Thông tin khoa học, HVCTQGHCM.