Thời gian qua, một số nước, tổ chức phương Tây đã đưa ra những đánh giá, nhận định vô căn cứ, cố tình xuyên tạc trắng trợn về quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền về tự do internet. Điển hình là Báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên mạng 2022) do tổ chức Freedom House (FH) công bố ngày 18/10/2022, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới với 22/100 điểm trong 3 năm (2020 -2022).

Theo Freedom House, tự do Internet ở Việt Nam chỉ ở mức 22/100 điểm (?!). Nguồn: VTV

(Tiếp theo kỳ trước)

Quyền tự do internet ở Việt Nam

được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp và pháp luật

Môi trường Internet là không gian rộng lớn, gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, cá nhân, công dân và bất kỳ cơ quan, tổ chức đều có thể tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến và kết nối trao đổi với nhau. Đó là quyền tự do của cá nhân – quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin (tự do tìm kiếm, tiếp nhận và trao đổi thông tin) trên môi trường mạng. Quyền này đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không chỉ báo giấy, báo hình mà trên báo chí điện tử (không gian mạng). Các quyền này bao gồm: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Tương tự quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân trên không gian mạng, công dân có quyền tiếp cận thông tin từ chính môi trường mạng. Luật Tiếp cận thông tin quy định, quyền của công dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Luật An ninh mạng quy định một trong những nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là “bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng” (Khoản 3, Điều 4, Luật An ninh mạng)

Như vậy, với hành lang pháp lý hiện nay, cá nhân, công dân có quyền tự do được sử dụng không gian mạng vì lợi ích cá nhân; có quyền được bảo vệ các quyền và tự do của mình từ phía các cơ quan công quyền và chủ động tự thực hiện/thực hành quyền tự do cá nhân trên không gian mạng.

Tuy nhiên, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, mỗi cá nhân, công dân trong khi sử dụng, thực hiện các quyền và tự do của mình thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống. Điều này có nghĩa là khi sử dụng và thực hiện quyền và tự do cá nhân không được ảnh hưởng/xâm phạm an ninh quốc gia; trật tự công cộng, đạo đức xã hội; quyền và tự do của người khác. Luật An ninh mạng và các luật khác có liên quan khác đã quy định bằng các hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 8 Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

Nhóm hành vi thứ nhất: Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi:

- Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gồm: Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16)ll và hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng (quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng); Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán; Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Nhóm hành vi thứ hai: Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Nhóm hành vi thứ ba: Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

Nhóm hành vi thứ bốn: Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Nhóm hành vi thứ năm: Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Nhóm hành vi thứ sáu: Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Như vậy, các hành vi bị nghiêm cấm khi cá nhân, công dân và tổ chức thực hiện quyền tự do Internet theo pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về quyền con người và việc thực hiện, bảo đảm các quyền con người.

Quyền tự do Internet

được bảo đảm và thúc đẩy trong thực tiễn ở Việt Nam

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu. Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Kể từ khi xuất hiện, việc sử dụng các mạng này đã được mở rộng từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trở thành công cụ mạnh mẽ được các thương hiệu sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng của họ cả trong nước và quốc tế. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho thấy người Việt dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày để truy cập internet. Đây đều là những thống kê cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia có giá cước internet rẻ nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Đây đều là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.

Những năm gần đây, người dân có xu hướng sử dụng và tìm kiếm thông tin trên các website truyền thông xã hội nhiều hơn là ở website báo chí chính thống. Số liệu thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, người Việt đứng đầu Đông Nam Á về xem video trực tuyến với 92%, trong đó, 70% người Việt xem video trên thiết bị điện thoại. Độc giả hiện nay dành 75% thời gian để xem video thay vì đọc bài viết.

Thực tiễn trên đây là minh chứng rõ nét và thuyết phục về việc bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do Internet ở Việt Nam. Điều này càng chứng tỏ những nhận định, đánh giá của tổ chức Freedom House là hết sức vô lý, cố tình bóp méo sự thật khách quan, đi ngược lại với những gì thuộc về chân lý, lẽ phải cần phải kiên quyết phủ nhận và bác bỏ./.

ThS. Đặng Thị Loan

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh