Bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền phụ nữ là vấn đề mang tính thời sự, luôn đón nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam. Bài viết khái quát về quyền của phụ nữ, thực trạng quyền phụ nữ ở Việt Nam và phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền của phụ nữ. Trên cơ sở đó, bài viết làm rõ các vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp góp phần bảo đảm tốt hơn quyền phụ nữ ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Khái quát về quyền phụ nữ
Phụ nữ là tất cả các cá nhân mang giới tính nữ, bao gồm cả trẻ em gái. Họ là lực lượng lao động đông đảo góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và thúc đẩy xã hội tiến bộ. So với nam giới, phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi nhiều hơn về sức khỏe, giáo dục, đào tạo, cơ hội việc làm và các nhu cầu khác. Bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ là mục tiêu trọng tâm được nhân loại tiến bộ quan tâm thực hiện. 
Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, quan niệm về quyền phụ nữ tồn tại các cách hiểu khác nhau. Mặc dù trên thế giới và ở cả Việt Nam tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về quyền phụ nữ, phạm vi quyền phụ nữ và mỗi quan điểm đưa ra đều có sự giải thích, lập luận logic, khoa học, tuy nhiên điểm chung của đa số các quan điểm đều cho rằng quyền phụ nữ là các quyền con người thuộc về phụ nữ, dành riêng cho phụ nữ. Quyền của phụ nữ là một bộ phận cấu thành của quyền con người. Quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng là những quyền vốn có, tự nhiên ngay từ khi sinh ra. Cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền của phụ nữ cũng không nằm ngoài cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người. 
Những năm gần đây, đã có nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế tổ chức liên quan đến vấn đề quyền của phụ nữ. Trong các hội nghị, hội thảo đều nhấn mạnh việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền của phụ nữ là rất cần thiết và coi đây là một nhân tố trụ cột của phát triển kinh tế bền vững, đồng thời kêu gọi các quốc gia trên thế giới quan tâm đến mục tiêu bình đẳng giới.    
Tóm lại, từ những phân tích trên có thể hiểu quyền phụ nữ (hay quyền của phụ nữ) như sau: 
Quyền của phụ nữ là những đặc quyền tự nhiên bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người mà phụ nữ được hưởng, được làm, được tôn trọng nhằm sinh tồn và phát triển một cách toàn diện, được cộng đồng quốc tế và quốc gia công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. 
Việc trao quyền cho phụ nữ xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của họ trong gia đình và ngoài xã hội. 
2. Thực trạng về quyền phụ nữ ở Việt Nam hiện nay
Trên bình diện quốc tế, bảo vệ quyền của phụ nữ đã trở thành nội dung của nhiều văn kiện quan trọng cũng như công ước do Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế ban hành từ đầu thế kỷ XX, điển hình như: Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949, Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn tự nguyện năm 1962… Ngoài ra, nguyên tắc bình đẳng nam nữ cũng được nhắc đến trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Năm 1967, nhằm đưa ra những cách thức, biện pháp hướng tới loại trừ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, bảo đảm phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền của mình, Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Văn kiện này là tiền đề cho sự ra đời của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ ngày 18/12/19791.
Ở Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, người phụ nữ đã đảm nhiệm vai trò truyền thống của mình trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách xuất sắc. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, vấn đề bảo vệ quyền của phụ nữ đã được đề cập đến. Sau đó được chính thức ghi nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và tiếp tục được kế thừa, bổ sung, phát triển qua các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013. Cho đến nay, nước ta đã tham gia 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, trong đó có Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc năm 1979 (Việt Nam tham gia ngày 18/12/1982). Những năm trở lại đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ, điển hình như: Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11- NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Hiện nay, hệ thống pháp luật về quyền của phụ nữ nước ta cơ bản đã khá đầy đủ và tương thích với pháp luật quốc tế. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và các văn bản khác. 
Việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về quyền của phụ nữ thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với quyền chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị tại các cấp đều tăng lên so với trước đây. Trong bộ máy nhà nước, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XV là 30.26%2. Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực châu Á và thế giới. Trong 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có tới 9 người là nữ (số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay ở nước ta)3.
Đối với quyền kinh tế, văn hóa, xã hội: Về kinh doanh, nước ta có tỷ lệ giữ vị trí cao cấp trong các doanh nghiệp đứng thứ hai châu Á với tỷ lệ khoảng 36% (chỉ đứng sau Philippines 37,46%)4. Về giáo dục, không có nhiều sự khác biệt về cơ hội đi học giữa nam giới và nữ giới. Hiện nay, Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm được miễn phí cấp tiểu học. Hằng năm, nhiều nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã nhận được những danh hiệu cao quý, được cấp bằng lao động sáng tạo, các giải thưởng khoa học trong và ngoài nước. Đây là những nỗ lực không thể phủ nhận của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, thể hiện trách nhiệm và mức độ cam kết cao của Việt Nam trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. 
Bên cạnh các thành tựu đáng khích lệ, việc phụ nữ Việt Nam thực hiện các quyền của mình vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc phụ nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn không ít hạn chế. Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 27/75 quốc gia xảy ra các vấn đề về bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái5. Trên thực tế, còn không ít phụ nữ, trẻ em gái hàng ngày phải gánh chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, bất bình đẳng giới… mà một trong những nguyên nhân chính vẫn là rào cản về mặt nhận thức, trên thực tế vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam, kinh nữ trong xã hội. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là 120.452 lượt người, năm 2016 là 18.104 lượt người, năm 2017 là 14.972 lượt người, năm 2018 là 8.580 lượt người, năm 2019 là 7.838 lượt người6. Trong khi việc xử lý và can thiệp các vụ việc bạo lực này vẫn còn gặp khó khăn và đôi khi chưa xử lý kịp thời, thỏa đáng dẫn đến nhức nhối trong xã hội. Vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh Covid-19 khiến phụ nữ Việt Nam thiệt thòi nhiều hơn về vấn đề việc làm. Nguồn: quocphongthudo.vn


3. Tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền của phụ nữ ở Việt Nam
Tháng 12/2019, lần đầu tiên vi rút corona (Covid-19) gây viêm đường hô hấp cấp được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó đã thần tốc lây lan và nhanh chóng phủ rộng ra toàn thế giới. Đến năm 2020, 2021 cả thế giới đã chứng kiến những tác động to lớn, sự càn quét, tàn phá nặng nề chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đại dịch đã gây ra những tổn thất không thể tưởng tượng được đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, làm đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Ở Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 10/9/2022, cả nước đã ghi nhận 43.126 ca tử vong do mắc Covid-19. Mặc dù đã có vắc xin phòng Covid-19 và tỷ lệ bao phủ vắc xin tại Việt Nam cao nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, tốc độ lây nhanh vẫn diễn ra. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của phụ nữ và việc thụ hưởng các quyền của phụ nữ Việt Nam, cụ thể:
Một là, dịch bệnh Covid-19 khiến phụ nữ Việt Nam đặc biệt là phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật bị thiệt thòi nhiều hơn về vấn đề việc làm. Phụ nữ thường phải đối mặt với những lựa chọn công việc không tương xứng. Nhiều phụ nữ đã mất việc làm do doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên do thiệt hại từ đại dịch. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, trong năm 2020, ở nước ta tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4% cao hơn so với nam giới (2,14%). Trong lĩnh vực y tế, theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân chính là do khối lượng công việc quá lớn, suy giảm thể chất, thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, trong khi lương thấp, phụ cấp chống dịch Covid-19 nhiều nơi vẫn chưa nhận được.7
Như vậy, dưới tác động của dịch Covid-19 quyền việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc và quyền kinh tế của phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không có sự bảo vệ, sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật có nhiều nguy cơ bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn hơn, thu nhập thấp, bấp bênh.
Hai là, Covid-19 làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Đại dịch khiến phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành gia tăng. Các hình thức bạo lực cũng hết sức đa dạng, có thể là bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục. Theo số liệu thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước8. Đánh giá về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì tác động của đại dịch Covid-19 do các tổ chức Liên hợp quốc UNFPA, UN Women, UNICEF thực hiện năm 2020 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Trong đại dịch Covid-19, 51% phụ nữ là người bị bạo lực gia đình từng có ý định tự tử, trong đó 7,2% đã cố gắng tự tử...9. Đây là những con số khiến xã hội quan tâm, lo lắng. Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của riêng mỗi gia đình mà trở thành vấn đề nhức nhối của cả xã hội.
Ba là, dịch Covid-19 làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu phần nào ảnh hưởng tới thể trạng của người phụ nữ.
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khiến toàn bộ hệ thống y tế trên thế giới và ở Việt Nam trở nên quá tải, không đáp ứng được yêu cầu đa dạng của bệnh nhân, nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phải tạm hoãn. Nhiều phụ nữ đang điều trị bệnh nhưng do dịch bệnh nên việc đi lại thăm khám sức khỏe định kỳ, chữa bệnh cũng gián đoạn, gặp khó khăn. Đối với phụ nữ mang thai, việc không được thăm khám định kỳ, tư vấn bảo vệ sức khỏe kịp thời rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Trên thực tế đã có nhiều phụ nữ trong quá trình mang thai, nuôi con nhỏ dưới 18 tháng mắc Covid-19 dẫn đến sức khỏe của người mẹ bị ảnh hưởng kèm theo tâm lý lo lắng, không ít trường hợp ảnh hưởng sang con. Bên cạnh đó, có những bệnh như: viêm tấy quanh Amiđan cấp, nghe kém đột ngột,... nếu người bệnh không thăm khám, điều trị sớm sẽ mất cơ hội vàng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua. Việc gián đoạn chăm sóc sức khỏe của phụ nữ phần nào ảnh hưởng tới thể trạng của người phụ nữ.
Bốn là, đại dịch Covid-19 khiến các quyền tự do của phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ở các mức độ khác nhau và ở các thời điểm khác nhau của đại dịch Covid-19 mà các địa phương trong cả nước buộc phải yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân. Việc thực hiện giãn cách đó cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ phải hy sinh những nhu cầu cơ bản của cá nhân như đi làm, đến trường, đi du lịch, mua sắm hay gặp gỡ thăm hỏi người thân, tự do hội họp... 
Trong thời gian tới, bối cảnh bình thường mới đặc biệt là các thách thức như phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cần thiết phải tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm tìm kiếm các giải pháp khả thi, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hướng tới bảo đảm tốt hơn nữa quyền của phụ nữ Việt Nam. 
4. Một số kiến nghị
Để góp phần bảo đảm tốt hơn quyền phụ nữ ở Việt Nam trong thời gian tới thiết nghĩ nên tập trung vào một số nội dung mang tính giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, cá nhân về quyền của phụ nữ, bình đẳng giới, về bảo vệ, bảo đảm quyền phụ nữ, đặc biệt là quyền của phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Đây là giải pháp quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài, là trọng tâm, cần chú trọng để phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tính toán cụ thể, bảo đảm tiết kiệm, đa dạng, phong phú về nội dung và phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Chú trọng các nội dung về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, bảo đảm quyền phụ nữ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn xuất hiện thêm các biến chủng mới. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh quyết liệt hơn nhằm hướng tới thay đổi quan niệm, tư duy, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giới, phòng chống mua bán người, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền phụ nữ đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Người khuyết tật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật khác và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tập trung nghiên cứu, dự báo kịp thời để từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nói chung và các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em nói riêng nhằm kịp thời thể chế hoá chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Có chế tài xử lý nghiêm minh, có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em. Kịp thời dự báo, đề xuất các chính sách mới phù hợp, khả thi với việc thay đổi trong cơ cấu lao động, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến các ngành, lĩnh vực có khả năng lao động bị thay thế cao như ngành nông, lâm và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo... để phụ nữ có thể sử dụng các mạng xã hội để kinh doanh như bán hàng trực tuyến nhằm tạo dựng nền tảng kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình trong bối cảnh dịch bệnh vẫn xuất hiện các biến chủng mới.
Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội quần chúng, các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ. 
Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền của phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà nước. Ngoài chủ thể trước tiên và chủ yếu là nhà nước còn có các chủ thể khác như: các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội quần chúng, các doanh nghiệp, nhà trường, gia đình, cá nhân tùy theo vị thế của mình cũng có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ. Cần ý thức rằng mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và kịp thời thông tin, tố giác với cơ quan hoặc người có thẩm quyền khi phát hiện vụ việc bạo lực, mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là xâm hại về tình dục.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, phản biện thực hiện quyền phụ nữ, giải quyết những vi phạm quyền của phụ nữ.
Bốn là, từng bước mở cửa và phát triển các dịch vụ xã hội giúp phụ nữ giảm thời gian cho việc nhà và chăm sóc gia đình. 
Tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ giúp Việt Nam dần thực hiện được các chính sách mở cửa và phát triển các dịch vụ xã hội. Các trường học đã mở cửa trở lại, tuy nhiên cần thận trọng, không được chủ quan. Phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế sẽ làm tăng vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ, từ đó góp phần tăng tiềm năng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, tiến tới thu hẹp khoảng cách giới vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam.
Năm là, nhanh chóng nghiên cứu khắc phục những bất cập của hệ thống y tế quốc gia, những bất cập trong chính sách về lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng quyền được chăm sóc sức khỏe và sử dụng các dịch vụ y tế của người dân.
Trước mắt cần nhanh chóng điều chỉnh các văn bản liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư, sinh phẩm y tế, chế độ đãi ngộ với cán bộ y tế... bảo đảm tính minh bạch, khả thi góp phần khắc phục khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước, chủ động linh hoạt thích ứng, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân được tốt hơn.
Sáu là, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền phụ nữ.
Hoạt động đối thoại và hợp tác quốc tế về quyền con người nói chung về quyền của phụ nữ nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người, quyền của phụ nữ ở Việt Nam  nhằm bảo vệ các quan điểm, giá trị về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua đối thoại và hợp tác quốc tế nước ta có thể học hỏi, tham khảo nhiều kinh nghiệm hay, thành công của các nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Từ đó giúp Việt Nam khắc phục hạn chế và tiến tới thu hẹp những vấn đề còn bất đồng, khác biệt, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực liên quan như: xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương...
5. Kết luận
Quyền của phụ nữ là những đặc quyền tự nhiên bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người mà phụ nữ được hưởng, được làm, được Liên hợp quốc và các quốc gia trên thế giới nỗ lực công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy. Trong thời gian tới, trước tác động dịch bệnh Covid-19, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu việc bảo đảm quyền của phụ nữ ở Việt Nam sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Phải xác định rằng Covid-19 đã diễn ra và chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động tích cực phòng ngừa, cẩn thận, tiếp tục nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình. Bảo đảm quyền phụ nữ phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tạo ra các tiền đề, điều kiện về nhận thức, chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, văn hoá... Bản thân người phụ nữ Việt Nam bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng cần nỗ lực vượt qua chính mình, tự trang bị kiến thức, kỹ năng, tự tin, cố gắng vươn lên thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

TS. Nguyễn Thị Thanh Nga

Khoa Luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội (2010), Luật quốc tế về quyền của nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, tr. 27.
(2) Lê Kiên (2021), Tỉ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XV cao nhất từ trước đến nay, Báo điện tử Tuổi Trẻ, https://tuoitre.vn, đăng ngày 10/6/2021.
(3) Lại Thị Thu Hà, Đặng Thị Ánh Tuyết (2021), Một số giải pháp phát huy vai trò phụ nữ tham chính theo định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Báo điện tử Hội đồng Lý luận trung ương, đăng ngày 24/08/2021.
(4) Bình Nguyên (2019), Tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đứng thứ hai Châu Á, Tạp chí điện tử Tài chính,  https://tapchitaichinh.vn, đăng ngày 8/3/2019.
(5) Tâm Bình (2019), Nhức nhối vấn nạn bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em, Báo điện tử Hội Nông dân Việt Nam, http://hoinongdan.org.vn, đăng ngày 30/7/2019.
(6) PVVN (2020), Định kiến giới, bất bình đẳng giới: Rào cản cần xóa bỏ,  Báo điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, http://hoilhpn.org.vn, đăng ngày 25/09/2020.
(7) Thái Bình (2022), Lương bác sĩ ra trường chưa đến 5 triệu và 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, https://suckhoedoisong.vn, ngày 20-07-2022.
(8) Mai Chi (2022), Đại dịch Covid-19 làm gia tăng bạo lực gia đình, bạo lực giới, https://pbgdpl.hanoi.gov.vn, ngày 8/2/2022.
(9) Phương Thảo (2022), Đại dịch Covid-19 làm gia tăng bạo lực gia đình, https://laodongthudo.vn, đăng ngày 5/2/2022.