Việc dễ dàng thu thập, theo dõi các thông tin cá nhân trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ và intenet đã đặt ra những thách thức về bảo đảm quyền riêng tư, đặc biệt là quyền bảo vệ các thông tin/dữ liệu cá nhân. “Quyền được lãng quên” đã ra đời từ thực tiễn đó với mục đích là bảo vệ sự riêng tư của con người trên không gian ảo, nơi mà trước đây “quyền riêng tư” chưa thể hiện được một cách toàn diện và đầy đủ.

Quyền được lãng quên - với tư cách là một quyền con người mới, một quyền con người có thể bị giới hạn trong những trường hợp nhất định, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu trong mối quan hệ với quyền tự do ngôn luận, từ đó có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm cân bằng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của con người.

1. “Quyền được lãng quên” có phải là quyền con người?    
Những tranh luận của cộng đồng quốc tế về quyền được lãng quên có phải là quyền con người, có phải là quyền phái sinh của quyền riêng tư không đã diễn ra sôi nổi. Cho đến nay, “Quyền được lãng quên” vẫn chưa được thừa nhận một cách rõ ràng trong danh mục của các quyền con người quốc tế cũng như trong hiến pháp của nhiều quốc gia. “Quyền được lãng quên” được xem xét với tư cách là việc thực hiện nguyên tắc hạn chế của quyền tự do ngôn luận và quyền bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân mà chưa được thừa nhận với tư cách là một quyền bảo vệ danh tiếng, danh dự và nhân phẩm. 
Nếu như “quyền riêng tư” (privacy right) được biết đến là một quyền dân sự quan trọng của con người thì “quyền được lãng quên” (Right to be forgotten) có thể được coi là một quyền dân sự mới xuất hiện, gắn liền với quyền được bảo vệ thông tin/ dữ liệu cá nhân và Internet. Mỗi cá nhân cần được “thoát khỏi sự sợ hãi” và được “làm những điều mình muốn” và “sống trong nhân phẩm” là những điều mà Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 (UDHR) đã khẳng định. Nếu sự khác biệt của mỗi cá nhân đòi hỏi phải được tôn trọng một cách bình đẳng thì sự riêng tư cũng đòi hỏi được tôn trọng như vậy: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”1. Quyền  riêng tư được quan tâm đến một cách sâu sắc hơn vào cuối những năm 1960 của thế kỷ XX cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin khi mà những thông tin/dữ liệu cá nhân được lưu lại, truyền đi trên hệ thống máy tính. Quyền này còn được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966. Vào năm 2004, Tổ chức Quốc tế và trung tâm bảo mật thông tin điện tử có báo cáo “Quyền riêng tư và quyền con người”2 với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997, theo đó, “tất cả các quyền con người là những khía cạnh của quyền riêng tư”. Tại khoản 1 Điều 8 của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu năm 2000 (Charter of Fundamental Rights of the European Union), bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được đề cập đến như một quyền con người cơ bản: “Mọi người đều có quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến người đó”. Trước đó, bảo vệ thông tin cá nhân từng được khẳng định tại đoạn 10 của Bình luận chung số 16 mà Uỷ ban Quyền con người Liên hợp quốc đã thông qua năm 1988. Đến nay, Quy định bảo vệ dữ liệu chung GDPR 20163 là khuôn khổ mới để bảo vệ “quyền được lãng quên” ở châu Âu. 
Mức độ thừa nhận “quyền được lãng quên” cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Ở Châu Âu, sự coi trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu đã tạo ra sự ủng hộ việc mở rộng quyền tự quyết định về thông tin thành quyền mới, tức là một quyền có thể cho phép người dùng xóa thông tin không mong muốn khỏi Internet. Trong vụ kiện Google Tây Ban Nha năm 2014 (C-131/12, GOOGLE SPAIN SL V. AEPD (THE DPA) & MARIO COSTEJA GONZALEZ, 13.May.2014 (“GOOGLE v. Spain”) Tòa án Công lý Châu Âu (CJEU)  đã phán quyết rằng công dân Châu Âu có quyền yêu cầu các công ty tìm kiếm thương mại, chẳng hạn như Google, thu thập thông tin cá nhân vì lợi nhuận phải xóa các liên kết đến thông tin cá nhân khi được hỏi, miễn là thông tin đó không còn phù hợp. Đây là trường hợp đầu tiên áp dụng trực tiếp các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu hiện có cho Internet theo cách cho phép xóa dữ liệu tìm kiếm. 
Từ năm 1995, khái niệm liên quan về dữ liệu cá nhân, trong đó có vấn đề xoá dữ liệu được đề cập đến ở Châu Âu trong Chỉ thị 95/46 / EC của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 24/10/1995 về việc bảo vệ các cá nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân và di chuyển tự do của dữ liệu đó, OJ L 281, 23.11.1995 (Directive 95/46/EC of the European Parliament and of the Council of 24 October 1995 on the protection of individuals with regard to the processing of personal data and on the free movement of such data, OJ L 281, 23.11.1995). Quyền này còn gọi là quyền được xoá dữ liệu (Right to erasure (‘right to be forgotten’)) theo quy định tại Điều 17 GDPR, điều luật này cung cấp cho các cá nhân quyền yêu cầu các tổ chức xóa dữ liệu cá nhân của họ. 
Có thể nhận thấy quyền được lãng quên và quyền riêng tư có điểm chung là đều quan tâm tới khía cạnh bảo vệ thông tin liên quan đến cá nhân. Nhưng khác với quyền riêng tư, quyền được lãng quên gắn với quyền- khả năng được tự quyết định những thông tin/dữ liệu mà một cá nhân thường được quy định trong pháp luật về bảo vệ thông tin /dữ liệu cá nhân của một quốc gia. Theo quy định của pháp luật thông tin của một cá nhân có thể được xử lý, tức là có thể được sử dụng cho một mục đích hợp pháp theo những nguyên tắc và phương thức xử lý các thông tin/dữ liệu cá nhân. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu Châu Âu (GDPR, được thông qua ngày 27/4/2016, có hiệu lực từ 25/5/2018) điều chỉnh cách dữ liệu cá nhân phải được thu thập, xử lý và xóa các thông tin/dữ liệu cá nhân. Việc bảo vệ quyền của một cá nhân cần phải được bảo vệ trước những thách thức mà tự do Internet mang lại đòi hỏi tính hợp pháp của “quyền được lãng quên” hay nói cách khác “quyền được lãng quên” này cần được luật hoá. Theo đó, một cá nhân có quyền hợp pháp để xóa những thông tin có thể truy cập trực tuyến và có khả năng làm tổn hại đến quyền hưởng thụ cuộc sống riêng tư của cá nhân đó. Nói cách khác là loại bỏ thông tin/dữ liệu cá nhân đó khỏi danh sách trong kết quả của công cụ tìm kiếm.  
Trong quy định cụ thể về quyền này tại Điều 17 GDPR đã chỉ rõ: chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu người kiểm soát xóa dữ liệu cá nhân liên quan đến họ khi có các lý do như dữ liệu cá nhân không còn cần thiết liên quan đến các mục đích mà chúng được thu thập hoặc xử lý theo cách khác; chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý mà việc xử lý đã được thực hiện ở Điều 6,9 của GDPR và khi không có cơ sở pháp lý nào khác cho việc xử lý dữ liệu đó; dữ liệu cá nhân đã được xử lý theo cách bất hợp pháp; dữ liệu cá nhân phải được xóa để tuân thủ nghĩa vụ pháp lý được quy định trong luật của Liên minh châu Âu hoặc của quốc gia thành viên mà người kiểm soát phải tuân theo; dữ liệu cá nhân đã được thu thập liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ xã hội thông tin được đề cập trong Điều 8 (Các điều kiện áp dụng đối với sự đồng ý của trẻ em). Điều 17 GDPR cũng chỉ rõ các trường hợp giới hạn của “quyền được lãng quên”, theo đó quyền này có thể bị giới hạn nhằm thực hiện quyền tự do ngôn luận và thông tin; để tuân thủ nghĩa vụ pháp lý yêu cầu xử lý theo luật của Liên minh hoặc quốc gia thành viên mà người kiểm soát phải tuân theo hoặc để thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích công cộng hoặc thực hiện quyền hạn chính thức được giao cho người kiểm soát; vì lý do lợi ích cộng đồng trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng; cho mục đích lưu trữ vì lợi ích công cộng, mục đích nghiên cứu khoa học hoặc lịch sử hoặc mục đích thống kê. Cách thức hạn chế này tương tự với cách thức hạn chế các quyền con người được quy định trong hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966.
Rõ ràng, dù tranh luận theo hướng nào thì “quyền được lãng quên” vẫn có thể được coi là quyền con người, nó phát sinh và đòi hỏi được bảo vệ trong bối cảnh sự tác động từ các cá nhân, tổ chức, nhà nước tới ngày càng lớn hơn tới sự tự do, nhân phẩm bởi tự do internet và toàn cầu hoá 4.0 phát triển mạnh mẽ.
2.  Toàn cầu hoá 4.0 và nhu cầu về “quyền được lãng quên”
Ngày nay, toàn cầu hoá đã trở thành một xu thế không thể phủ nhận. Nhân loại đang cùng nhau tạo nên các mối liên hệ, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau về nhiều lĩnh vực, không chỉ là những vấn đề kinh tế. Ngày nay, bên cạnh góc độ kinh tế, những vấn đề như công nghệ, thông tin, văn hoá, pháp luật và cả những thách thức về môi trường, dịch bệnh cũng trở thành mối quan tâm toàn cầu. Vấn đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là chủ đề của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ5. Điều đó cho thấy sự mong muốn mở rộng và phủ đầy của các quốc gia trong việc toàn cầu hoá 4.0.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Thực tế ảo (Virtual Reality - VR), Tương tác ảo (Augmented Reality - AR), Điện toán đám mây (I-Cloud), Dữ liệu lớn (Big Data); Mạng xã hội... đã và đang mang lại những tác động tích cực tới đời sống con người, song cũng đặt ra nhiều thách thức về sự riêng tư.
Big Data: ngày nay, chỉ cần một máy tính (computer) hay máy tính xách tay (laptop) hoặc điện thoại thông minh (smartphone) và Internet là mỗi cá nhân đều có thể tham gia trao đổi thông tin trên không gian mạng. Big Data mang đến những lợi ích trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: đối với lĩnh vực kinh doanh, việc thu thập, phân tích những thông tin riêng tư liên quan đến khách hàng như hành vi và sở thích tiêu dùng của họ có thể mang lại nguồn lợi khổng lồ cho doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với lĩnh vực y tế, nhờ có Big Data, quyền được chăm sóc sức khoẻ của con người có thể được cải thiện. Việc phân tích nguồn dữ liệu có thể con người giải mã chuỗi DNA trong vài phút để dự đoán mô hình bệnh, tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả nhất, cùng cơ quan nhà nước theo dõi, dự đoán sự bùng phát của dịch bệnh... Trong việc theo dõi sức khỏe cá nhân, có thể thấy những dữ liệu được thu thập và phân tích từ các thiết bị đeo thông minh như đồng hồ hay vòng đeo tay có thể cung cấp cho người dùng biết được mức tiêu thụ calo, mức hoạt động, thời gian ngủ của họ, từ đó có họ có thể điều chỉnh sinh hoạt trong cuộc sống hay phương pháp điều trị bệnh lý thích hợp. Trong quản lý xã hội, Nhà nước có thể sử dụng Big Data để dự đoán tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai; phân tích thực trạng giao thông ở các thành phố lớn để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông, và còn có thể xử lý các vấn đề quan trong khác như an ninh quốc gia liên quan đến khủng bố hay phòng chống tội phạm. Thậm chí, Big Data còn có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền kết hôn và lập gia đình của một người thông qua sự hình thành và phát triển của các trang web hẹn hò trực tuyến khi dễ dàng phân tích các dữ liệu cá nhân và tìm ra người phù hợp nhất cho họ. Big Data là sự thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân của con người, trong nhiều tình huống, những thông tin cá nhân không có khả năng được kiểm soát vì nhận thức chủ quan của chủ thể thông tin hoặc do sự cố ý từ nhà thu thập và phân tích các thông tin và dữ liệu đó. Vì vậy, quyền riêng tư của con người có nhiều khả năng bị xâm phạm nếu không có những biện pháp bảo vệ phù hợp.
Trí tuệ nhân tạo: Trí tuệ nhân tạo - AI sử dụng dữ liệu/ thông tin cá nhân như hàng hoá có giá trị và AI thực hiện cách tư duy của con người, cho ra kết quả cao hơn. Việc thu thập khối lượng dữ liệu đủ lớn từ đời sống xã hội, để xây dựng những “phiên bản số hóa” của các thực thể vật lý trên không gian số đáp ứng nhu cầu cần thiết để thực hiện các tính toán của AI. Chẳng hạn như tính các mẫu nước đi của các kỳ thủ, dự đoán được bệnh đột quỵ hay các biểu hiện sức khỏe không bình thường; tính toán được các nhu cầu, sở thích của khách hàng khi mua sắm; tính toán được nhu cầu cho vay hoặc vay tài chính; thậm chí có thể xây dựng và ban hành pháp luật, thực hiện nghiệp vụ và chính sách trong phòng chống các loại tội phạm dựa trên AI. Mặc dù vậy, khi sử dụng AI như một công nghệ số thì chúng ta phải đối mặt với nguy cơ có thể bị thu thập, sử dụng trái phép các thông tin/ dữ liệu cá nhân ảnh hưởng trực tiếp tới quyền riêng tư của con người.
Một vấn đề khác đặt ra đó là một số quyền con người khác cùng với quyền riêng tư cũng có thể bị xâm phạm nếu các chính sách được hoạch định không được cân nhắc một cách chính xác khi áp dụng AI: có thể xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế. Từ sự vi phạm quyền riêng tư đó, những quyền con người khác cũng có thể bị tác động tiêu cực. Ví dụ như một người nghèo hoặc một người thuộc nhóm LGBT sẽ có khả năng bị gạt ra bên lề của chính sách quốc gia, địa phương hay của một doanh nghiệp thông qua những dữ liệu thu thập từ AI. Bên cạnh đó các kỹ sư phần mềm chịu trách nhiệm thiết kế các thuật toán đằng sau tất cả các hệ thống này thường không được đào tạo về quyền con người và với thiết kế kỹ thuật của mình, họ có thể đưa ra những áp dụng có thể vi phạm các khái niệm về luật nhân quyền quan trọng – mà họ không hề hay biết.
Internet vạn vật (IoT) là một công nghệ mà trong đó các đối tượng hay đồ vật hoạt động tự động và giao tiếp với các đối tượng khác thông qua môi trường mạng và cơ sở của nó vẫn là sự phân tích các dữ liệu được thu thập, trong đó có các dữ liệu và thông tin cá nhân của con người. Chính vì vậy, những nguy cơ và rủi ro mà con người phải đối mặt là nguy cơ tấn công mạng từ các thiết bị IoT.
Mạng xã hội, trước hết đó là nơi để sẻ chia tình cảm, thông tin và truyền đạt những suy nghĩ và mong muốn của con người. Trên thế giới năm 2014, giới truyền thông đã phải ngưỡng mộ chiến dịch "Ice Bucket Challenge" (Thử thách nước đá ALS) và câu chuyện 1 triệu đô la thay đổi thế giới nhằm quyên góp tiền phục vụ cho nghiên cứu về bệnh xơ cứng teo cơ một bên ALS (amyotrophic lateral sclerosis) và nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm nhưng ít được mọi người quan tâm với hơn 118.000 tweet (tin nhắn) trên Twitter nhắc đến #icebucketchallenge, số lượng video và hashtag cũng lan truyền với tốc độ tên lửa trên Facebook. 
Có thể thấy rằng, Internet không chỉ cung cấp cho các hoạt động tìm kiếm lợi ích tài chính mà còn là nơi để sẻ chia tình cảm, thông tin và truyền đạt những suy nghĩ và mong muốn của con người và cũng có thể trở thành nơi lưu trữ hoàn hảo cho những ký ức của tất cả mọi người ở mọi nơi và vĩnh viễn. Các công cụ tìm kiếm search engine là một hệ thống tìm kiếm dữ liệu trên Internet. Trên thế giới có rất nhiều công cụ tìm kiếm như Google, Yandex AOL, Ask.com, Yahoo, Bing, DuckDuckGo...  Google được xem là công cụ tìm kiếm hàng đầu. Các công cụ tìm kiếm và nền tảng truyền thông xã hội đồng thời cho phép truy cập vào thông tin mà các cá nhân có thể muốn giữ "riêng tư" hoặc bí mật, chẳng hạn như các bài báo về tội ác trong quá khứ hay hình ảnh, đoạn phim cũ gây cho họ sự xấu hổ... Trong nhiều trường hợp chỉ cần một cú nhấp chuột mọi người đều có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin đó của họ. Những thông tin đa dạng đó có thể là trung thực, sai lệch, hoặc lỗi thời hoặc được đưa ra khỏi bối cảnh cụ thể có thể gây hại cho cá nhân và có thể đe dọa các giá trị quan trọng, chẳng hạn như phẩm giá hoặc quyền tự chủ cá nhân, được bảo vệ quyền riêng tư. 
Lúc này, “Quyền được lãng quên” xuất hiện với tư cách như một biện pháp khắc phục tình trạng này mặc dù nó chưa được công nhận một cách rõ ràng trong pháp luật quốc tế về quyền con người. Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân Châu Âu cho phép các cá nhân yêu cầu các công cụ tìm kiếm loại bỏ danh sách của một số loại thông tin được phát hiện bằng cách tìm kiếm qua tên tuổi của họ. Quyền được lãng quên có thể mang tới sự bảo đảm tích cực về những thông tin/dữ liệu cá nhân mà một người có thể cần để giữ gìn danh dự, uy tín, được sống tự do trong nhân phẩm của họ, và vì vậy, ở một góc độ nhất định “quyền được lãng quên” gần với giá trị của là một quyền con người trong bối cảnh toàn cầu 4.0.

Khi internet ngày càng phổ cập, con người có thể tìm kiếm gần như mọi thông tin
từ quá khứ đến hiện tại. Nguồn: baogiaothong.vn.

3. Bảo đảm cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận với quyền riêng tư và “quyền được lãng quên” trong pháp luật Việt Nam trong toàn cầu hoá 4.0
Thông tin là “vàng ròng” trong xã hội toàn cầu hoá 4.0 đối với nhà nước, doanh nghiệp và với mỗi cá nhân. Vì vậy, bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân của con người là một vấn đề cần được Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa. Thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề mà chúng ta có thể phải đối mặt, trong đó có các nguy cơ mất an toàn, nguy cơ bị lừa đảo trên mạng xã hội; nguy cơ bị giả mạo tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội như giả mạo thư điện tử, giả mạo tài khoản mạng xã hội, mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phát tán thông tin tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại trên mạng xã hội. Hình ảnh cá nhân có thể bị lạm dụng trên mạng xã hội khi mà trên “Facebook, có 147.000 ảnh được tải lên mỗi phút. Nhiều sản phẩm IoT của người tiêu dùng thường đi kèm với máy ảnh. Lỗ hổng bảo mật có thể khiến những máy ảnh đó bị lạm dụng”6.
Một mặt nhiều chương trình ý nghĩa trên mạng xã hội và truyền thông cá nhân trên mạng xã hội. Chương trình “Cơm có thịt” nhằm cải thiện bữa ăn của các em bé vùng cao, cải thiện chất lượng giáo dục tại những vùng xa xôi hẻo lánh của Tổ quốc. Cảnh đẹp quê hương, lòng yêu nước... và tình cảm con người cũng được nuôi dưỡng và thể hiện qua mạng xã hội. Mặt khác, mặt trái của mạng xã hội không thể không đề cập. Người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết đã công khai thông tin/dữ liệu cá nhân như địa chỉ, điện thoại, nơi làm việc, nơi học tập trên mạng xã hội, đặc biệt là việc đăng thông tin/dữ liệu cá nhân của trẻ em trên mạng xã hội.
Việc dễ dàng thu thập, theo dõi và có thể sử dụng các thông tin cá nhân sẽ có thể gây ra các hành vi vi phạm pháp luật như cướp tài sản, hiếp dâm, bắt cóc... Bên cạnh đó, việc việc tiết lộ thông tin hoặc chỉnh sửa thông tin/dữ liệu cá nhân sai lệch nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác qua mạng xã hội không phải là những hành vi hiếm gặp. Trong 2 năm qua những thông tin giả hoặc công bố danh tính, hình ảnh sai lệch về dịch bệnh COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội như thông tin về vaccine, thông tin về tình trạng bệnh tật và tử vong của bệnh nhân, thông tin về danh tính địa chỉ của các ca F0, F1 đã làm ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức của người dân. 
Những vấn đề thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, cần có sự cân bằng trong bảo đảm quyền riêng tư và “quyền được lãng quên” thông qua việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật cũng như trong thực tiễn thực hiện pháp luật. 
Tự do ngôn luận là nền tảng của bất kỳ xã hội dân chủ nào, song nó là một quyền con người có thể bị hạn chế nếu ảnh hưởng tới những quyền con người khác, trong đó có quyền riêng tư. Tự do ngôn luận cũng được luật quốc tế về quyền con người quy định tại Điều 19 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948. Mặc dù chưa đưa ra một cách trực tiếp nhưng Điều 29 của Tuyên ngôn khẳng định: “1) Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. 2) Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”. Đề cập rõ hơn những hạn chế khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật. Những hạn chế này là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội. Các hạn chế này có thể theo “nguyên tắc gây hại” (harm principle) hoặc “nguyên tắc xúc phạm” (offense principle), ví dụ trong trường hợp khiêu khích hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...). Thêm vào đó,  Điều 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị cũng đề cập đến một số hạn chế nhất định của quyền tự do biểu đạt. Theo Điều 20, mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh, mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm. Những quy định của pháp luật quốc tế cũng được nội luật hoá trong pháp luật Việt Nam. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nhiều văn bản pháp luật khác đã được ban hành để bảo đảm quyền này như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016. Giới hạn của quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Điều 13 Luật Báo chí: “...Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân...”. Như vậy, ranh giới của tự do ngôn luận chính là “lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.
Trong khi quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp 2013 thì pháp luật còn chỉ ra nghĩa vụ cung cấp thông tin cá nhân theo luật định, chẳng hạn theo quy định tại Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015: “Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng”. Đây chính là những giới hạn đối với bảo vệ thông tin cá nhân. 
Mặc dù Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới chưa quy định về quyền này, song ý tưởng gắn với “quyền được lãng quên” đã xuất hiện trong luật pháp. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền “được xoá án tích”. Điều 70, 71, 72 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định người bị kết án được xóa án tích và được coi như chưa bị kết án trong 3 trường hợp: đương nhiên xóa án tích; xoá án tích theo quyết định của tòa án và xoá án tích trong trường hợp đặc biệt. Trong pháp luật dân sự, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp: “Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”. Việc thay đổi họ tên trong trường hợp này có thể áp dụng với những cá nhân không còn mong muốn giữ tên họ và những thông tin gắn với tên, họ đó của họ do những vấn đề riêng tư ảnh hưởng đến danh dự, tình cảm, lợi ích. 
Thực tiễn cuộc sống trong thời đại toàn cầu hoá 4.0 đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần có những quy định cụ thể hơn nữa trong việc bảo vệ quyền riêng tư trong thế cân bằng với quyền tự do ngôn luận. Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền riêng tư vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy: từ việc quy định các khái niệm một cách thống nhất quy định nguyên tắc cơ bản về bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân; quy định giới hạn bảo vệ thông tin cá nhân; quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể thông tin/dữ liệu cá nhân; dự liệu được các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đối với các nhóm dễ bị tổn thương... Trên thực tế, pháp luật hiện nay chưa đủ cơ sở để bảo vệ quyền riêng tư cũng như chưa có cơ sở để thực hiện “quyền được lãng quên”. Những thông tin báo chí như các vụ án người mẹ giết con mới sinh hoặc bỏ con kèm theo hình ảnh và địa chỉ, vụ án hiếp dâm, tự tử hoặc những thông tin về các vụ kiện liên quan đến người nổi tiếng tồn tại trên các trang web rất nhiều năm như MC Đ.L7, Hoa hậu KD8. Những thông tin đó có thể ảnh hưởng tới tới thế hệ trẻ em, tới cuộc sống hiện tại của những cá nhân đó. Vì vậy, cần thiết quy định “quyền được lãng quên” trong pháp luật cùng với những đòi hỏi về vai trò bảo vệ của các chủ thể không chỉ trong nước mà còn có tính quốc tế, tính toàn cầu do tính chất xuyên biên giới của Internet. 
Rõ ràng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư là những quyền dân sự - chính trị cơ bản song nó có sự kiềm chế, đối lập nhau trong một số trường hợp nhất định để nhằm bảo vệ lợi ích chung của quốc gia, cộng đồng hoặc cá nhân khác. “Quyền được lãng quên” cũng đòi hỏi việc thực hiện quyền tự do ngôn luận không được xâm phạm tới ranh giới riêng tư, với những thông tin cá nhân/dữ liệu cá nhân đã từng tồn tại và có thể truy cập. Song “quyền được lãng quên” cũng cần phải có những giới hạn của nó, tương tự như quyền riêng tư. Quyền lãng quên có thể bị giới hạn khi gắn với: những thông tin cá nhân đã cung cấp cho nhà nước để thực hiện việc quản lý dân cư; những thông tin có vẻ vụn vặt hoặc tầm thường đối với một số người nhưng có thể liên quan nhiều đến công việc của các nhà sử học, nhà lưu trữ và thư viện; những thông tin như quyết định của tòa án, hồ sơ phá sản doanh nghiệp, hồ sơ y tế và các hồ sơ công khai khác. Rõ ràng, pháp luật cần quy định cụ thể về sự giới hạn đó để bảo đảm sự cân bằng lợi ích chung của cộng đồng, nhà nước và lợi ích cá nhân.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2022

---
Tài liệu trích dẫn
(1) Điều 12 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 (UDHR).
(2) Global Internet Liberty Campaign (2017), ''Privacy and human righgts: An International Survey of Privacy Laws and Practice'', Tài liệu có tại: http://gilc.org/privacy/survey/intro.html. Truy cập ngày 11/02/2022.
(3) REGULATION (EU) 2016/679 OF THE EUROPEAN PARLIAMENT AND OF THE COUNCIL of 27 April 2016 on the protection of natural persons with regard to the processing of personal data and on the free movement of such data, and repealing Directive 95/46/EC (General Data Protection Regulation); Tài liệu có tại: https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2016/679/oj Truy cập ngày  15/02/2022.
(4) Andres Guadamuz, Developing a Right to be Forgotten, University of Sussex, November 2017 DOI: 10.1007/978-3-319-64955-9_3.
(5) Tài liệu có tại: https://www.weforum.org/press/2019/01/world-economic-annual-meeting-2019-closes-with-initiatives-to-address-global-problems/. Truy cập ngày 11/02/2022. Truy cập ngày  15/02/2022.
(6) https://viettimes.vn/5-ly-do-khien-bao-mat-va-iot-khong-tuong-thich-307403.html. Truy cập ngày  15/02/2022.
(7) https://tienphong.vn/tham-luan-cua-mc-dan-le-ve-viec-bao-chi-xam-hai-doi-tu-post598438.amp. Truy cập ngày  15/02/2022.
(8) https://dantri.com.vn/giai-tri/hoa-hau-ky-duyen-soc-khi-bi-ghep-anh-tren-trang-khieu-dam-20160308161514665.htm. Truy cập ngày  15/02/2022.