Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người (QCN) là quan điểm xuyên suốt và nhất quán được nêu trong các Đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới. Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội XIII của Đảng một mặt nhất quán các quan điểm được nêu trong các Đại hội trước, mặt khác đã có nhiều hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực QCN theo định hướng mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bài viết phân tích các quan điểm về QCN tại các Đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời quán triệt, vận dụng và phát triển các quan điểm mới, hướng tiếp cận mới về bảo vệ, thúc đẩy QCN trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và tổ chức thực hiện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Toàn cảnh khai mạc Đại hội XIII. Nguồn: daihoi13.dangcongsan.vn.

1. Quán triệt và tiếp tục vận dụng sáng tạo các quan điểm về quyền con người mang tính nguyên tắc đã được đề ra tại các Đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới
Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, tiếp tục khẳng định lại các quan điểm đã được xác định trong các Đại hội trước, đó là “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”1. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, các Đại hội IX, X, XI, XII của Đảng.
Về nghĩa vụ, trách nhiệm quốc gia trong thực hiện các điều ước quốc tế: Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, mặc dù không nhắc lại quan điểm “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”2, hay “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm QCN và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà nước ta ký kết”3 như các Đại hội trước (Đại hội IX, Đại hội XII), nhưng với vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng lên, quan điểm của Đảng là “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”4. Điều này cũng có nghĩa Đảng tiếp tục khẳng định nghĩa vụ, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về QCN. Tuy nhiên, không phải thực hiện ở thế bị động mà còn chủ động tham gia, đóng góp vào xây dựng, định hình thể chế quốc tế. Điều này đã phần nào được chứng minh, nhất là những năm gần đây Nhà nước Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy QCN không chỉ ở phạm vi quốc gia, mà còn đóng góp trong khu vực và thế giới.
Hiện nay Việt Nam không chỉ là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về QCN mà còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế đa phương, trong đó đã từng là thành viên Ủy ban Nhân quyền và nay là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ)5 - tổ chức đang đóng vai trò quan trọng thay mặt LHQ giám sát thực thi nhân quyền trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về tình hình thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ. Hiện nay, Việt Nam đang là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiệm kỳ 2020-2021, cơ quan được đánh giá là quan trọng, uy tín nhất của LHQ; trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ 37 và với tư cách là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) - tổ chức liên chính phủ đại diện cho cộng đồng ASEAN về nhân quyền; Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật; gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác trong AICHR, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm QCN trong đại dịch (Covid-19) được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Từ những nỗ lực chung trong bảo vệ, thúc đẩy QCN không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn có đóng góp cho khu vực, các nước thành viên ASEAN đã chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025.

2. Quán triệt, vận dụng và phát triển các quan điểm mới, hướng tiếp cận mới về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
2.1. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới - là chủ thể hưởng QCN, do đó mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân
Nếu như trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”6 thì Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”7.
Lấy Nhân dân là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước, Đảng đã phát triển thêm một bước tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà dựa trên tổng kết từ thực tiễn của 35 năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về nhân dân, đó là “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”8. Quan điểm Nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, đã làm sáng rõ hơn về chủ thể hưởng QCN đó chính là Nhân dân. Từ cách tiếp cận này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân”9.
Đây là cách tiếp cận mới dưới góc độ nghiên cứu học thuật về QCN, hướng tiếp cận này chính là phương pháp tiếp cận dựa trên QCN trong hoạch định chính sách phát triển. Phương pháp tiếp cận này đã và đang được LHQ và nhiều nước phát triển sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển. Theo đó, các chương trình, chính sách phát triển, đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân/nhân dân. Lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
2.2. Quốc hội có nhiệm vụ ban hành các đạo luật tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người
Từ cách tiếp cận Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội, đó là “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”10. Với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về QCN thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật; trước hết là ưu tiên xây dựng các đạo luật về QCN, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và của toàn xã hội.
Trong thời gian tới, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về QCN, lấy Nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, trước hết tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc, quy định, chế định về QCN, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về QCN mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn; trong việc xây dựng các đạo luật, Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quán triệt quan điểm lấy Nhân dân là trung tâm và là chủ thể hưởng quyền trong toàn bộ quá trình thiết kế xây dựng các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện pháp luật.
2.3. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân
Trên cơ sở cách tiếp cận Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”11. Mặc dù Văn kiện không có cụm từ bảo vệ, bảo đảm QCN trong xây dựng nền hành chính nhà nước, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong bảo vệ QCN, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Theo đó, Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn: Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, QCN, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Khoản 6, Điều 96). Cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 cũng quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ: quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, QCN, quyền công dân (khoản 2, Điều 21).
Với vị trí là trung tâm của bộ máy nhà nước, Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy hành pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, thông qua việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật về QCN; hoạch định chính sách quốc gia về QCN. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất trong bộ máy nhà nước, quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, huy động mọi nguồn lực để bảo đảm thực hiện QCN; đồng thời là cơ quan phát hiện, ngăn ngừa và trực tiếp điều tra, xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật về QCN. Vì thế quan điểm của Đảng đề ra là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân; chuyển nền hành chính thuần túy từ thực hiện chức năng quản lý, cai trị sang nền hành chính gần dân, lấy Nhân dân là trung tâm, lấy quyền và lợi ích của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu; từng bước đáp ứng các nhu cầu chính đáng ngày càng cao hơn, tốt hơn của Nhân dân; đó là định hướng quan trọng về mặt lý luận để xây dựng nền hành chính nhà nước theo mục tiêu bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân.
2.4. Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, quyền con người
Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”12. Đây là định hướng quan trọng, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, tự do, dân chủ của người dân, theo nghĩa cả hai mặt, có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm QCN, nhưng đồng thời cũng rất dễ vi phạm QCN trong quá trình thực thi công vụ. Hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát là hai cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, nhưng nếu không đủ “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” rất dễ vi phạm QCN (có thể dẫn tới oan, sai). Và vì vậy, yêu cầu rất cao được Đại hội XIII của Đảng đặt ra là hoạt động tư pháp phải có trọng trách (Đảng nhấn mạnh hai chữ “trọng trách” - TG) bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, quyền công dân. Cần quán triệt đầy đủ quan điểm này trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo để mọi người hiểu tầm quan trọng của hoạt động tư pháp có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong bảo vệ công lý, bảo vệ QCN ở Việt Nam hiện nay.
2.5. Mật trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội bảo vệ, bảo đảm quyền con người
Đối với các thiết chế xã hội, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Mật trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát và phản biện xã hội. Theo đó “Mật trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên...”13.
Trong lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm QCN, Mặt trận và các tổ chức thành viên khác (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) không chỉ phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, của hội viên và Nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước mà còn tham gia xây dựng chính quyền nhà nước; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và Nhân dân; thông qua hoạt động giám sát kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, Đảng đặc biệt nhấn mạnh phải hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Do đó cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm này của Đảng, xem đó là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mật trận Tổ quốc và các thành viên trong bảo vệ QCN, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.
2.6. Quan tâm bảo vệ trẻ em và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quan tâm và nhấn mạnh bảo đảm quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân… Riêng đối với trẻ em, quan điểm của Đảng là “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”14. Trong văn kiện Đảng nhấn mạnh hai lần chữ “nhất”. Điều này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với thế hệ trẻ. Để thực hiện tốt quan điểm này của Đảng, đòi hỏi trong các khâu từ hoạch định đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đến chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như việc tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên thực tế phải quán triệt sâu sắc quan điểm này. Trong mọi mối quan hệ, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội có liên quan tới trẻ em, thì lợi ích của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu, cần phải được ưu tiên, xem xét và giải quyết.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở kế thừa quan điểm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong các văn kiện Đại hội trước đó, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “Tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài”15, “hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội ở nước sở tại”16. Tăng cường bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, xuất phát từ quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng coi người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn17. Hiện nay, bà con cơ bản đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội nước sở tại trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học, kỹ thuật. Không chỉ tham gia đóng góp xây dựng phát triển ở nước sở tại mà còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước Việt Nam18. Trong những năm qua, số lượng công dân được bảo hộ ngày càng tăng19, đặc biệt bảo hộ công dân trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra trong suốt từ đầu năm 2020 đến nay, được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
2.7. Nhấn mạnh vấn đề an ninh con người, gắn an ninh con người với an ninh quốc gia
An ninh con người là một khái niệm không mới, đã được cộng đồng quốc tế sử dụng rộng rãi, và nhiều quốc gia đã đưa vấn đề an ninh con người vào hiến pháp. Ở Việt Nam, an ninh con người lần đầu tiên đưa vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nằm trong chiến lược quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn với an ninh cá nhân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Tuy nhiên, đến Đại hội XIII của Đảng, vấn đề an ninh con người được phát triển lên một tầm cao mới về mặt lý luận; an ninh con người không chỉ gắn với an ninh cá nhân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội trong quản lý phát triển xã hội mà đặc biệt là gắn với an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, gắn với bảo vệ an ninh quốc gia.
Vấn đề an ninh con người được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng (nhắc lại đến 6 lần và là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội), xuất phát từ ý nghĩa tầm quan trọng của an ninh con người, vì an ninh con người quyết định đến sự ổn định và phát triển đất nước. Đất nước không thể phát triển, nếu an ninh con người không được bảo đảm, vì an ninh con người, như Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, đó là “trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các QCN, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”20.
Như vậy, trung tâm của an ninh con người chính là lấy con người là trung tâm, là bảo vệ cá nhân con người, cũng chính là bảo vệ, bảo đảm, thực thi QCN, quyền công dân. Đây là tư tưởng xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện những chủ trương của Đại hội XIII về vấn đề an ninh con người, cần quán triệt và vận dụng quan điểm an ninh con người gắn với bảo đảm, thực thi QCN, gắn với quốc phòng, an ninh quốc gia; gắn với quản lý phát triển xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, đòi hỏi giữ vững an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, để phát triển bền vững đất nước; bảo đảm an ninh con người nằm trong Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy bảo vệ an ninh quốc gia, chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống người dân. Đồng thời nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi có hiệu quả các QCN, quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Cần gắn với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về QCN. Bảo đảm mọi hành vi vi phạm QCN, quyền công dân đều phải bị nghiêm trị, có như vậy mới bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân và như vậy gắn với hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử - cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh con người, gắn với phát triển kinh tế, chống bất công, bất bình đẳng xã hội, mọi người đều có cơ hội, điều kiện phát triển; không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó phải bảo đảm đầy đủ tất cả các thành tố khác của an ninh con người, không chỉ là an ninh cá nhân, mà còn an ninh kinh tế; an ninh môi trường; an ninh chính trị; an ninh cộng đồng; an ninh sức khỏe và an ninh lương thực.

PGS.TS. Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2021

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr 71.
(2) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB chính trị quốc gia, H. 2001, trang 134.
(3) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB chính trị quốc gia, H. 2016, trang 167.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 164.
(5) Việt Nam đã là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014 - 2016.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia. H.2011, trang 76.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.28.
(8) Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8-12-1956.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 173
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, 175,176.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Trang 176.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 177.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 172
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 168, 169
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 70
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 171
(17) Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Nguồn: Đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Tại trang [https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/day-manh-cong-tac-doi-voi-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-tinh-hinh-moi-568517.html]. Truy cập ngày 19/5/2021.
(18) Số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng cho thấy, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây (từ 2015 - 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến hết năm 2019). Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP. Nguồn như trên.
(19) Theo thống kê của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm: năm 2017 có 8.024 người; năm 2018 có hơn 10 nghìn người; năm 2019 có 13.643 công dân và năm 2020 là 21.384 công dân. Số lượng cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gấp 10 lần so với lúc bắt đầu hoạt động năm 2016. Nguồn: Bảo hộ công dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại trang [https://nhandan.com.vn/chinhtri/bao-ho-cong-dan-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19-635025/]. Truy cập ngày 19/5/2021.
(20) Thông tin Đại hội Đảng XIII, Đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm mọi hoạt động. Tại trang [https://daihoidang.vn/dat-nhan-to-con-nguoi-an-ninh-con-nguoi-lam-trung-tam-moi-hoat-dong/1889.vnp]. Truy cập ngày 19/5/2021.