Giáo dục đại học nói chung, giáo dục quyền con người (QCN) trong giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay, nhằm trang bị hệ thống kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết về QCN cho sinh viên, học viên. Để thực hiện tốt mục tiêu này, việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH ở Việt Nam cần quán triệt các quan điểm cơ bản.

1. Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học nói riêng

Để việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH ở Việt Nam đảm bảo mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra, trong thời gian tới, cần quán triệt quan điểm của Đảng ta về giáo dục – đào tạo nói chung trên những nội dung sau đây:

Một là, việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH cần đảm bảo yêu cầu tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Giáo dục – đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là “quốc sách hàng đầu”. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là “Tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”[1]. Các quan điểm này cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn hết sức coi trọng và đặt kỳ vọng lớn lao vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo nhằm chấn hưng, phát triển đất nước, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ định hướng này của Đảng cho thấy, hiện nay Đảng đặt ra yêu cầu cao hơn, cấp thiết hơn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đòi hỏi đổi mới ở cả ba góc độ: i) “tạo bước đột phá” - tức là chọn những khâu then chốt, trọng yếu để có sự bứt phá mạnh mẽ, giải phóng những “điểm nghẽn” còn tồn tại; ii) “đổi mới căn bản” - nghĩa là đổi mới một cách sâu sắc từ gốc rễ, mang tính cốt yếu của vấn đề; và iii) đổi mới “toàn diện” - có nghĩa phải đổi mới mọi mặt, mọi yếu tố cấu thành của hệ thống giáo dục - đào tạo.

Từ quan điểm chung về giáo dục - đào tạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII đặt ra những yêu cầu hết sức to lớn đối với đổi mới giáo dục QCN nói chung, việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN nói riêng trong GDĐH – nơi chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới giáo dục QCN trong lĩnh vực này cần tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, trở thành bộ phận không thể thiếu trong GDĐH. Bên cạnh đó, việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH cũng phải chú trọng tính thực chất, bảo đảm cho QCN là một nội dung mang tính độc lập tương đối (tránh tình trạng chủ yếu là lồng ghép, kết hợp trong các môn học khác). Ngoài ra, khi xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH cũng không thể không đảm bảo tính tổng thể, bao quát các thành tố: mục tiêu giáo dục; chương trình giáo dục; nội dung giáo dục; phương pháp giáo dục; chủ thể giáo dục; điều kiện, môi trường giáo dục…

Hai là, cần chú trọng xây dựng thể chế và xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc xác định nội dung, phương giáo dục QCN trong GDĐH đạt hiệu quả cao.

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ cần “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”[2]. Điều này cho thấy, xây dựng thể chế, chính sách tạo tiền đềcơ sở pháp lý cho đổi mới giáo dục QCN trong GDĐH là khâu cần được chú trọng hàng đầu để triển khai hoạt động này có hiệu quả trong thực tiễn. Hiện nay, một trong những cơ sở pháp lý quan trọng trực tiếp liên quan đến việc giáo dục QCN trong GDĐH là Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 25/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau hơn 03 năm thực hiện Đề án, bên cạnh những kết quả bước đầu tích cực, vẫn còn nhiều hoạt động cần được đẩy mạnh triển khai. Trong bối cảnh đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là căn cứ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai Đề án Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, cũng như triển khai giáo dục QCN trong GDĐH nói riêng. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần triển khai nhanh chóng, có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng tiếp tục xây dựng một cách đồng bộ cơ sở pháp lý cho hoạt động giáo dục QCN trong thời gian tới, thể hiện qua việc ban hành các văn bản pháp lý của Chính phủ, các Bộ, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo và của chính quyền các địa phương. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Sở Giáo dục và Đào tạo) và các cơ sở đào tạo đại học cần chủ động, tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động của Đề án 1309, trong đó có việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong từng cơ sở đào tạo đại học. Cần cụ thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc tham gia thực hiện Đề án 1309 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ ba, xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH cần chú trọng yêu cầu đổi mới đồng bộ trong giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục QCN trong GDĐH nói riêng.

Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[3]. Quan điểm về bảo đảm tính đồng bộ trong đổi mới giáo dục và đào tạo như trên của Đảng đặt ra đòi hỏi rất lớn đối với giáo dục QCN trong GDNN, lĩnh vực mà trên thực tế những năm qua chưa được sự quan tâm đúng mức. Việc đổi mới chỉ tập trung ở một vài khâu sẽ rất khó đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Việc đổi mới nhưng không nắm bắt xu thế chung của nhân loại, không xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn, và không bám kịp tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ sẽ khiến giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng khó bứt phá và tạo bước chuyển căn bản. Do vậy, cùng với định hướng chung trong GDĐH, việc xác định nội dung, phương thức giáo dục QCN trong lĩnh vực này cũng cần chú trọng thực hiện tốt một số yêu cầu: i) đồng bộ với mục tiêu, chương trình, phương thức giáo dục QCN; ii) đảm bảo tính hiện đại, cập nhật xu thế chung của thế giới trên lĩnh vực QCN; iii) đảm bảo phát triển nhân cách của sinh viên, học viên một cách toàn diện (chân, thiện, mỹ/nhận thức, thái độ, hành vi); iv) phúc đáp kịp thời nhu cầu, yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; v) bắt kịp nhịp độ phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 v.v..

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

2. Đảm bảo tính đa dạng, phù hợp trong việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học

Có thể thấy hiệu quả của giáo dục nói chung, giáo dục QCN trong hệ thống GDĐH nói riêng phụ thuộc rất lớn vào sự tương thích giữa nội dung, phương pháp giáo dục và đối tượng giáo dục. Nói cách khác, tính đặc thù của đối tượng giáo dục đòi hỏi phải xây dựng được nội dung giáo dục và sử dụng các phương pháp giáo dục phù hợp. Vì thế, việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN trong GDĐH ở nước ta trong thời gian tới cần chú trọng tính đặc thù này trên những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, GDĐH hiện nay ở nước ta gồm nhiều nhóm/khối trường khác nhau, vì vậy nội dung, phương pháp giáo dục QCN phải tuỳ từng nhóm/khối trường để xác định cho phù hợp.

Có nhiều tiêu chí phân chia các khối trường khác nhau, nhưng ở góc độ giáo dục QCN, có thể chia các nhóm như sau:

- Nhóm trường chuyên luật, nội chính, hành chính;

- Nhóm trường thuộc các ngành khoa học tự nhiên;

- Nhóm trường thuộc các ngành khoa học xã hội;

- Nhóm các trường thuộc ngành công an;

- Nhóm các trường thuộc ngành quân đội…

Do đặc thù các nhóm trường có đối tượng sinh viên, học viên khác nhau, chương trình đào tạo có những điểm đặc thù, vì vậy, khi xác định nội dung, phương pháp giáo dục QCN cần bám sát các đặc điểm của các nhóm trường để xây dựng, lựa chọn cho phù hợp, nhằm vừa đảm bảo tính đa dạng, vừa đáp ứng tính đặc thù của từng nhóm trường/cơ sở đào tạo. Đối với nhóm các trường đào tạo các ngành về luật, hành chính, nội chính (như Đại học Luật Hà Nội; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Nội vụ; Học viện Hành chính quốc gia;…) hoặc nhóm trường thuộc ngành Công an (như Học viện Cảnh sát; Học viện An ninh…) do đây là những cơ sở đào tạo chuyên sâu về pháp luật, sinh viên khi tốt nghiệp thường làm việc tại các các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan nội chính, quản lý hành chính nhà nước…, vì vậy, có thể xây dựng một môn học độc lập về QCN với một giáo trình dùng chung. Trong khi đó, ở các nhóm trường khác, chẳng hạn các trường thuộc nhóm khoa học xã hội (như Đại học Sư phạm Hà Nội) thì nghiên cứu để lồng ghép giáo dục QCN vào các môn học khác nhau.

Thứ hai, do đặc thù của sinh viên trong một số trường đại học thường đào tạo theo hướng chú trọng thực hành, địa điểm đào tạo không chỉ là giảng đường mà còn là các phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, bệnh viện…, vì vậy, cần phải có sự linh hoạt trong lựa chọn phương pháp giáo dục QCN. Đối với các bài giảng trên giảng đường, giảng viên cần xây dựng bài giảng powerpoint hiện đại, hấp dẫn, đưa nhiều ví dụ minh hoạ thực tế vào bài giảng; tránh phương pháp dạy học một chiều, thiên về lý thuyết gây nên tâm lý nhàm chán cho người học. Cần thường xuyên cho sinh viên trao đổi thảo luận về QCN trên lớp thông qua việc cho sinh viên làm bài tập theo nhóm, cho sinh viên đóng vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề nghiên cứu... Bên cạnh đó, do đặc thù của việc học tập ngoài giảng đường tại một số trường đại học nên cần có các phương pháp đa dạng khác để lồng ghép kiến thức, kỹ năng về QCN như: khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ để sinh viên có thể cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mắc, khó khăn trong quá trình học tập môn học, để từ đó, cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực[4]; tổ chức sinh hoạt ngoại khoá; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về QCN; tiến hành các hoạt động thiện nguyện v.v.. Chẳng hạn, ở các trường đào tạo về ngành y, dược, sinh viên, học viên thường có chương trình học/thực tập tại các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế…), do vậy, cần lựa chọn phương pháp giáo dục QCN theo hướng lồng ghép trong các hoạt động thực tập/thực hành. Như vậy, phương pháp truyền tải QCN cho sinh viên, học viên ở nhiều trường đại học không chỉ là nhiệm vụ của giảng viên ở giảng đường mà còn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn thực hành.

PGS.TS. Lê Văn Trung

Viện Quyền con người

 

[1]    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

[3]    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

[4]Giáo dục quyền con người cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/2901-giao-duc-quyen-con-nguoi-cho-sinh-vien-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.html, truy cập ngày 28/7/2021.