Đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm cả đoàn kết tôn giáo, là một động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong di sản tinh thần mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Bài viết này góp phần làm sáng tỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó chỉ rõ sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng về tôn giáo, về đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

1. Trong lịch sử nhân loại, tư tưởng khoan dung và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã có từ sớm. Các triết gia Khai sáng Pháp coi khoan dung tôn giáo là việc đòi hỏi sự tôn trọng, không can thiệp vào tín ngưỡng, tôn giáo của người khác. Montesquieu yêu cầu pháp luật phải “buộc các tôn giáo khoan dung”, còn Rousseau thì đã mạnh mẽ phê phán sự chia rẽ về tôn giáo giữa các dân tộc, từ đó khẳng định: “Người ta phải chấp nhận mọi thứ tôn giáo”1. Năm 1763, triết gia Voltaire viết hẳn một tác phẩm có tên Chuyên luận về lòng khoan dung để đòi hỏi một sự công bằng giữa các tôn giáo với nhau và giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo. Ông khẳng định: “Không cần phải có một nghệ thuật tinh thông hay một sự thuyết giảng được nghiên cứu kỹ lưỡng nào, để chứng minh rằng những người Thiên chúa giáo nên có thái độ khoan dung với người khác. Tôi thậm chí còn đi xa hơn và nói rằng chúng ta nên coi tất cả mọi người như những anh em của mình”2.
Ngày nay, sự phát triển của tri thức khoa học đã chắp cánh cho con người bước từ thế giới thần linh sang thế giới hiện thực; lý tính, trí tuệ thay thế cho niềm tin tôn giáo trong cuộc hành trình đi tìm chân lý. Mặc dù vậy, cuộc sống con người vẫn đầy ắp những lo toan, đang phải đối mặt với nhiều bất ổn bắt nguồn từ những mâu thuẫn về mặt chính trị, những cuộc xung đột sắc tộc, khủng bố đẫm máu, sự phân hóa giàu nghèo… Vì như vậy, tôn giáo đã và vẫn là một trong những chỗ dựa tinh thần cho con người. Điều đó cách đây hơn một trăm năm đã được C. Mác nhận định thông qua luận điểm “sự nghèo nàn tôn giáo vừa biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, lại vừa là sự phản kháng lại sự nghèo nàn hiện thực đó. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của một thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của một trạng thái không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”3 trong Lời nói đầu cuốn Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. Luận điểm này không chỉ mang hàm nghĩa phê phán tôn giáo mà còn phản ánh nhu cầu về tôn giáo như một liều thuốc giảm đau, có tác dụng trị liệu tâm lý đối với đông đảo quần chúng nhân dân. 
Có thể nói, tự do tín ngưỡng, tôn giáo thật sự vừa là nhu cầu và vừa là một trong những quyền cơ bản của con người thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị. Quyền này đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều 18 của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 viết: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”4; “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. 2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc tổ chức tại thị xã Sơn La

chào mừng Người lên thăm Sơn La và dự Lễ kỷ niệm lần thứ 5 ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959). Nguồn: dantocmiennui.vn.


2. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Chính sách này của Đảng là sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng.  Sinh thời, Người luôn cho rằng đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”6. Với vấn đề tôn giáo, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”7. Trong điều kiện Nhà nước Dân chủ cộng hoà non trẻ còn phải chống chọi với thù trong giặc ngoài và khó khăn trên mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết tế nhị, mềm dẻo vấn đề tôn giáo. Người vạch rõ tính chất nguy hiểm của việc khối đoàn kết toàn dân bị rạn nứt: “Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm cho ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là đảng toàn dân quyết giành độc lập”8 và kêu gọi nhân dân cả nước chung lòng, góp sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, theo Người, “đoàn kết là điểm mẹ, điểm này mà tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”9.
Có thể khẳng định, Hồ Chí Minh luôn nhận rõ đồng bào các tôn giáo là bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập hợp quần chúng tín đồ các tôn giáo vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không những đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho tín đồ tôn giáo mà còn đem lại quyền tự do tôn giáo cho họ. Theo Hồ Chí Minh, công tác tôn giáo phải nhằm mục tiêu là đoàn kết giữa người có đạo và người không có đạo, đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Với nội dung cốt lõi là: tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân và đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi và vững chắc, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Trong suốt quá trình hình thành, phát triển nhận thức và thực hiện quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dựa trên nền tảng tư tưởng - lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài học kinh nghiệm và tư tưởng chỉ đạo đầu tiên được Đại hội XIII của Đảng vạch ra, đó là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”10. Trên cơ sở đó, Đảng đã thực hiện nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở kiên định, vận dụng phù hợp và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, về đoàn kết dân tộc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng viết: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”11. 
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”12. 
Có thể thấy, trong quan điểm của Đảng, vấn đề tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung nhằm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể là:
Thứ nhất, quan điểm của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở để thực hiện lương giáo đoàn kết, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Với tinh thần đó, Đảng ta khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”13. Trong các nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước ngày một phồn vinh hạnh phúc có những nguồn lực của tôn giáo, được phát huy trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ hai, quan điểm của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã vận dụng một trong những cơ sở thực hiện đoàn kết dân tộc đó là “điểm tương đồng giữa tôn giáo với cách mạng, giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa với lý tưởng tôn giáo” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cơ sở thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bởi đó chính là nhu cầu của người dân. Không chỉ vậy, những giá trị của tôn giáo với cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa cũng có giá trị tương đồng. Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng đồng bào các tôn giáo đi cùng với cả dân tộc trên một con đường. Con đường đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần của Chúa, của Phật và cũng là cái đích mà lý tưởng xã hội chủ nghĩa hướng tới - suy cho cùng là giải quyết vấn đề con người. Người viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”14; “Đồng bào ta, lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu”15. 
Điểm tương đồng giữa tôn giáo và cách mạng ấy ngày nay được phát triển bằng nhận thức về điểm tương đồng là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là tạo điều kiện để tôn giáo phát huy những mặt tích cực của mình, tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, Đảng ta đã chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”16, qua đó góp phần: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”17.
Thứ ba, quan điểm của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với phương pháp xây dựng đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng trước hết phải thực hiện khoan dung đối với các tôn giáo. Theo Hồ Chí Minh, khoan dung tôn giáo biểu hiện rõ nhất ở việc triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo. Ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Trong buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 03/3/1951, Người cũng khẳng định: “...về vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”18 và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc thực hiện tự do tín ngưỡng (Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh ngày 20/9/1945, Sắc lệnh số 65 và số 223...). Tuy nhiên, quan điểm về khoan dung tôn giáo với Hồ Chí Minh còn đi đôi với việc kiên quyết chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục... Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta không chỉ ghi nhận quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”19 mà còn khẳng định việc “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”, “Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng”20.
3. Trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”21. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn “đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế”22. Những nguy cơ đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước được Đảng chỉ ra từ các kỳ Đại hội trước, trong đó có nguy cơ diễn biến hòa bình còn tồn tại. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo gia tăng các mặt hoạt động, công khai chống phá Việt Nam quyết liệt hơn. Họ triệt để lợi dụng những vấn đề liên quan đến tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kêu gọi quốc tế gây sức ép, can thiệp, chống Việt Nam trên các lĩnh vực “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”; cổ vũ, kích động, chỉ đạo, ủng hộ về tinh thần và vật chất cho các đối tượng chống đối trong tôn giáo. Số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo có biểu hiện công khai hoạt động chống đối, lấn lướt chính quyền; hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo”, “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” có chiều hướng phát triển, lây lan phức tạp, gây mất an ninh, trật tự.
Để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc là “thế trận lòng dân”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, về đoàn kết dân tộc trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Việc quán triệt, vận dụng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - cũng chính là quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và đoàn kết dân tộc - cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo phù hợp với tình hình mới. Đảng, Nhà nước cần ban hành, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo theo hướng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII và gắn với quá trình cụ thể hóa hơn nữa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; đề cao truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết, khoan dung để tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo. Luôn chú trọng tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chính sách liên quan đến tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương, cơ sở (chính sách tuyên truyền, vận động giáo dân; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức của từng tôn giáo gắn với các sinh hoạt cộng đồng; giải quyết những “điểm nóng” trong vùng tôn giáo...).
Thứ hai, đẩy mạnh vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ chức sắc tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong vận động quần chúng tín đồ, cần tuyên truyền, giải thích phù hợp, thấu đáo quan điểm đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, trong đó tôn giáo là một thành tố quan trọng; chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động tôn giáo. Trên cơ sở đó, động viên, tạo điều kiện để đồng bào là tín đồ thể hiện, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của từng tôn giáo. Đặc biệt chú ý khơi dậy những lợi ích tương đồng mang tính cốt lõi như độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; môi trường hòa bình và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước; lợi ích quốc gia - dân tộc... trong tuyên truyền vận động. Đối với chức sắc tôn giáo, trong quá trình tiếp xúc, tác động và cộng tác, cần thể hiện đúng mức thái độ tôn trọng đối với những điểm khác biệt trong tư tưởng, nhận thức nếu những điều đó không trái với quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, không đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc; luôn có cách ứng xử, tác phong mềm dẻo, tế nhị, linh hoạt theo tấm gương Hồ Chí Minh; chú trọng khai thác điểm tương đồng về lợi ích dân tộc để thuyết phục, tranh thủ họ. 
Thứ ba, thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với hoạt động của tôn giáo trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các ban, ngành có chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội...) cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, vai trò của tôn giáo trong xây dựng đoàn kết dân tộc, ý nghĩa của việc phát huy những giá trị tốt đẹp trong văn hóa, đạo đức tôn giáo đối với việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá chế độ để đồng bào các tôn giáo nâng cao tinh thần cảnh giác, phân biệt được hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy với hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.
Thứ tư, đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc. Nắm tình hình toàn diện tôn giáo, nhất là âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo và lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo để chống Việt Nam. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác đấu tranh chống lại âm mưu, chống lại hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Tập trung đấu tranh với số đối tượng cầm đầu cực đoan chống đối, nhất là số có quan hệ, móc nối bên ngoài và các đối tượng phản động khác. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thành tựu về tôn giáo của Việt Nam với quốc tế; cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, chống đối của số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo cho các cơ quan đại diện ngoại giao để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ta ở trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế; đồng thời, phòng, chống các hoạt động vu cáo, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch và bọn phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---
Tài liệu tham khảo
(1) Rousseau, Jean - Jacques (2004), Bàn về khế ước xã hội (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr. 243.
(2) http://centrebombe.org/Voltaire.-.Traite.sur.la.tolerance.pdf. Truy cập ngày 16/3/2022.
(3) C. Mác – Ph. Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.570.
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx. Truy cập ngày 16/3/2022.
(5) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx. Truy cập ngày 16/3/2022.
(6) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 120.
(7) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 8.
(8) Hồ Chí Minh, (2011), Tlđd, tr. 169.
(9) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 589
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội tr.31.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 159
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 171.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Tlđd, tr. 34.
(14) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 228.
(15) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 375.
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 171.
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Tlđd, tr.34.
(18) Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 50
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 171.
(20) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Tlđd, tr. 281.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Tlđd, tr.25.
(22) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Tlđd, tr.31.