Bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là vấn đề được nhiều nhà quản lý và nhà khoa học quan tâm. Trước tình hình đại dịch chuyển biến phức tạp, Nhà nước đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm mục tiêu ưu tiên bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe nên không tránh khỏi quyền giáo dục của mọi người bị ảnh hưởng. Bài viết đi sâu phân tích khái quát quyền giáo dục, pháp luật về bảo đảm quyền giáo dục và phân tích những hạn chế của pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
1. Khái quát về quyền giáo dục, pháp luật về bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Quyền giáo dục là quyền con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia, được Nhà nước và các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm thực hiện, hướng tới xây dựng và phát triển toàn diện con người1. Ở Việt Nam, quyền giáo dục được ghi nhận trong Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực hiện.
Pháp luật về quyền giáo dục: xuất phát từ vai trò quan trọng của quyền giáo dục đối với sự phát triển và hưng thịnh của một quốc gia nên quyền giáo dục đã được quy định trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, hiệu quả bảo đảm quyền giáo dục phụ thuộc vào việc ghi nhận quyền này trong các văn bản pháp luật quốc gia và việc triển khai thực hiện trong thực tế. Pháp luật về quyền giáo dục là cơ sở, là điều kiện bắt buộc để triển khai các hoạt động bảo đảm quyền giáo dục.
Pháp luật về quyền giáo dục là tổng thể các quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực khác nhau do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng quyền giáo dục ở tất cả các cấp, các loại hình giáo dục của mọi người; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, cản trở việc thụ hưởng quyền giáo dục2. Pháp luật về bảo đảm quyền giáo dục quy định cụ thể, rõ ràng về các biện pháp nhằm hỗ trợ công dân hưởng thụ đầy đủ quyền giáo dục.
Về nghĩa vụ của Nhà nước trong bảo đảm quyền giáo dục: với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm quyền giáo dục cho mọi người, bao gồm: i) Nghĩa vụ tôn trọng (obligation to respect): nghĩa vụ này đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thụ hưởng quyền giáo dục của mọi người đã được ghi nhận trong pháp luật. ii) Nghĩa vụ bảo vệ (obligation to protect): nghĩa vụ này đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải ngăn chặn sự vi phạm quyền giáo dục của các bên thứ ba, theo đó, Nhà nước phải chủ động đưa ra những biện pháp và xây dựng các cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm. iii) Nghĩa vụ thực hiện (obligation to fulfil): nghĩa vụ này đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải có những biện pháp nhằm hỗ trợ công dân trong việc thực hiện quyền giáo dục, Nhà nước phải có những kế hoạch, chương trình cụ thể để bảo đảm cho mọi công dân được hưởng thụ đến mức cao nhất có thể quyền giáo dục3.
Đồng thời, Nhà nước phải có cơ chế bảo đảm các tiền đề, điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp lý và tổ chức thực hiện để trao cơ hội cho mọi người được tiếp cận và thụ hưởng quyền giáo dục.
Đại dịch COVID-19 với những diễn biến khó lường đã ảnh hưởng nặng nề đến bảo đảm quyền giáo dục của mọi người: các trường học phải đóng cửa dài hạn, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn4. Việc học sinh, sinh viên phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của các em, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, một số nơi đã xuất hiện tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, đi làm và kết hôn sớm... Những hậu quả này trực tiếp đe dọa quá trình bảo đảm quyền giáo dục đã được Đảng và Nhà nước ta chăm lo thực hiện nhiều năm qua.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chẳng hạn: Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn nhiều hạn chế, tác động đến việc tiếp cận và hưởng thụ quyền giáo dục của mọi người, cần phải nhận diện để có giải pháp hoàn thiện.
2. Một số hạn chế của các quy định pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Việc ban hành pháp luật bảo đảm quyền giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thể hiện nỗ lực và quyết tâm chính trị trong thực hiện những mục tiêu kép của Đảng và Nhà nước ta, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe cho mọi người; vừa đảm bảo phát triển, kinh tế, văn hóa, xã hội để tạo các điều kiện cần và đủ bảo đảm quyền giáo dục cho mọi người.
Tuy nhiên, do tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19, do tình thế cấp bách đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có quyết sách linh hoạt, kịp thời để ứng phó, trong khi cả thế giới và Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm đối diện với tình thế này, nên tất yếu các văn bản pháp luật được ban hành trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 không thể tránh khỏi một số hạn chế có tác động đến bảo đảm quyền giáo dục ở Việt Nam.
Thứ nhất, một số hạn chế trong quy định của Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành tác động đến bảo đảm quyền giáo dục
Một là, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, từ ngày 13/10/2021, theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, lấy tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 1 tuần trên 100.000 dân là 1 trong 3 tiêu chí đánh giá cấp độ của một vùng dịch nào đó, tiêu chí này không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi tỷ lệ tiêm vắc-xin đủ liều cơ bản ở nước ta đã đạt 93,4% và số người đã tiêm nếu mắc COVID-19 thì tỷ lệ chuyển nặng thấp5. Tiêu chuẩn đánh giá cấp độ dịch các địa phương thay đổi gây khó khăn trong thích ứng của các gia đình, những vùng màu đỏ, cam, vàng, xanh gần nhau nên người dân “lách luật” di chuyển từ vùng vàng sang vùng xanh sinh hoạt, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh và kéo dài thời gian đóng cửa trường học khi phát sinh số lượng lớn ca nhiễm mới.
Hai là, thực hiện quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản đề xuất Chính phủ cho học sinh nghỉ học để chống dịch, hướng dẫn các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường như: Công văn số 266/BGDĐT-GDTC ngày 01/02/2020 trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch nCoV; Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho học sinh nghỉ học ở trường.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, ngày 28/01/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 79/CT- BGDĐT về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học, thực hiện dạy và học theo hình thức trực tuyến; Công văn số 5210/BGDĐT- GDTC ngày 02/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong trường học. Ngày 14/02/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 432/BGDĐT-GDTC cho Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch bệnh COVID-19;...
Các văn bản nêu trên đều có quy định địa phương và các cơ sở căn cứ tình tình thực tế để quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học, đến trường, học trực tiếp hay học trực tuyến, dẫn đến tình trạng đóng, mở cửa trường học thiếu đồng bộ và chưa hợp lý, gây khó khăn trong tiếp cận giáo dục và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi. Do đó, khi không được đến trường, các em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần.
Sau đó là chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Tuy nhiên, sau vài ngày triển khai đưa học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp, đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Trong đó, ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong học sinh, giáo viên ở một số địa phương tổ chức dạy học trực tiếp tăng mạnh. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp, hình thức học, có mở bếp ăn bán trú hay không... Một số phụ huynh học sinh chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp). Mở cửa lại trường học cũng đặt ra yêu cầu thống nhất hình thức xét nghiệm COVID-19 (test PCR hay test nhanh), thẻ xanh COVID-19 khi di chuyển giữa các địa phương và mở cửa trường học. Bên cạnh đó, với các địa phương đã mở lại trường học, vấn đề phòng dịch trong trường học còn nhiều hạn chế. Các địa phương gặp lúng túng trong xử lý khi phát hiện F0, dẫn đến tình trạng học sinh một số trường tại Hà Nội đến trường để học trực tuyến do giáo viên là F0, hay trong một lớp có cả học sinh trực tiếp và trực tuyến gây khó khăn cho giáo viên trong triển khai giảng dạy...
Ba là, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chỉ thị số 11/CT-TTg chưa đề cập đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo nên các cơ sở giáo dục không thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ này. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 871/BGD ĐT-KHTC ngày 18/03/2020 đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch COVID-19 gửi Thủ tướng Chính phủ, để đồng hành, giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
Vì thực tế cho thấy, dịch bệnh kéo dài đã tác động đến kinh tế-xã hội, nhiều cơ sở giáo dục không thu đủ học phí của người học, các nguồn thu từ dịch vụ hỗ trợ giảm, trong khi đó nhiều khoản chi của cơ sở không thay đổi. Cho đến nay, vẫn chưa có một thống kê toàn diện các thiệt hại của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19, đặc biệt là các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phụ thuộc hoàn toàn vào những khoản đóng góp của người học. Việc đóng cửa trường học kéo dài dẫn đến sự kiệt quệ về tài chính của nhà trường và giáo viên. Một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập khi phải nghỉ dạy, không có lương (theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, hiện nay có 126.853 cán bộ quản lý và giáo viên ngoài công lập các cấp học mầm non, phổ thông) gây tâm lý rất lo lắng6. Cho đến nay, vẫn thiếu các giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của đơn vị, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở giáo dục giải thể.
Trong các đơn vị giáo dục công lập, lương và chế độ chính sách của giáo viên hợp đồng bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, thu nhập của giáo viên dạy hợp đồng theo buổi, theo tiết trong các cơ sở giáo dục công lập bị ảnh hưởng; không được hưởng lương khi các trường tạm nghỉ học (hiện nay giáo viên hợp đồng lao động ở cấp học mầm non, phổ thông công lập là 38.516 giáo viên)7. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến bảo đảm quyền giáo dục.
Bốn là, ngày 30/03/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo văn bản này, hệ thống dạy học trực tuyến là hệ thống kết hợp 03 nhóm phần mềm: phần mềm tổ chức dạy học, phần mềm quản lý học tập và phần mềm quản lý nội dung học tập.
Theo đó, với yêu cầu triển khai trên toàn quốc, học trực tuyến cần một nền tảng ổn định về băng thông internet, bản quyền các phần mềm, thiết bị hỗ trợ dạy và học như máy tính, điện thoại thông minh... Chính điều này đã gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận quyền giáo dục giữa các vùng miền, khu vực kinh tế xuất phát từ khoảng cách số giữa các vùng trên cả nước: học sinh ở vùng sâu vùng xa với độ phủ sóng hạn chế của mạng internet không thể chi trả cho các thiết bị công nghệ cần thiết cho việc học trực tuyến, hoặc giáo viên không đủ tin tưởng để cho các em học trực tuyến8. Học trực tuyến và học từ xa tạo nên lỗ hổng kỹ năng nghề nghiệp trong đào tạo nghề do các trường học phải đóng cửa, hạn chế trong tiếp cận giáo dục kỹ năng sống đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch.
Điều này cho thấy việc triển khai quy định hình thức học tập trực tuyến, học từ xa để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch còn nhiều bất cập. Học trực tuyến, học từ xa đối với sinh viên, người đi làm (học văn bằng hai hoặc sau đại học, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn...) phần nào vẫn đáp ứng được yêu cầu của chương trình học, vì người học đã có những kiến thức và kỹ năng học tập nhất định. Tuy nhiên đối với học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên, triển khai học trực tuyến có nhiều hạn chế. Học trực tuyến cũng đặt ra yêu cầu chuẩn hóa học liệu, phương pháp giảng dạy một cách nhanh chóng để thích ứng với hình thức học mới; từ đó hình thành áp lực gia tăng cho giáo viên, giảng viên; tâm lý phụ huynh và người học. Các chương trình học trực tuyến và học từ xa không bao phủ đồng đều mọi cấp học trên toàn quốc. Nội dung chương trình có từ bậc tiểu học đến đại học, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào lớp 9 và 12. Chỉ Thành phố Hà Nội có thể triển khai chương trình học từ xa từ lớp 4 đến 12, còn các tỉnh khác chỉ có chương trình giảng dạy từ xa cho lớp 9 và 129. Đôi lúc người học phải trả phí để xem một số video giảng dạy. Chương trình học trực tuyến và học từ xa tập trung vào rất ít môn học (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và thường không hỗ trợ giảng dạy bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số10; trong khi đó, một số chương trình ngoại khóa quan trọng như giáo dục giới tính lại không được đưa vào. Một nửa số người được phỏng vấn trong cuộc điều tra của UNICEF năm 2020 cho biết con họ học ít hơn hoặc hầu như không học khi trường học đóng cửa11. Nhiều giáo viên không được trang bị kỹ năng tốt để triển khai giảng dạy trực tuyến, trong khi trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật phải chịu những tác động rất lớn so với những nhóm trẻ em khác. Việc nhiều trẻ em không được tiếp cận và giảm chất lượng giáo dục đã tác động đến kết quả học tập do tiếp cận không đồng đều với giáo dục trực tuyến và không thể hấp thụ khối lượng kiến thức, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật... Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch COVID-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định, đến nay đã làm ảnh hưởng đến tiếp cận và thụ hưởng quyền giáo dục cho mọi người.
Bên cạnh đó, học trực tuyến làm nảy sinh vấn đề đảm bảo công bằng khi tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc kết hợp; tác động tiêu cực đến kỹ năng và kiến thức của người học; gia tăng tình trạng bạo lực gia đình cho áp lực từ việc phụ huynh không đủ kiến thức và kỹ năng kèm cặp, hỗ trợ con em trong quá trình học trực tuyến, vấn đề bảo vệ an toàn của trẻ em trên không gian mạng..., những vấn đề này đều chưa có quy định pháp luật đặc thù.
Năm là, vấn đề thực hiện quy định về chương trình năm học, kế hoạch đào tạo của các cơ sở giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bảo đảm quyền giáo dục. Ví dụ như tiến độ công bố môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT 2022, đến ngày 04/03/2022, cả nước mới có 04 địa phương công bố chính thức các môn thi cho kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 06/2022. Sự chậm trễ này khiến các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang trong việc tập trung thời gian ôn luyện trước kỳ thi. Thời gian kết thúc năm học 2021-2022 chỉ còn 2 tháng nữa, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm như: việc thi, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm học sinh, vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng sách giáo khoa; tiến độ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy học; vấn đề an toàn cho học sinh trên môi trường mạng,...
Thứ hai, một số hạn chế trong quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lao động việc làm, bảo hiểm xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến bảo đảm quyền giáo dục
Một là, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 34/TTr-LĐTBXH ngày 02/6/2021 và Tờ trình số 45/TTr-LĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2021, ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Mặc dù, theo quy định của các văn bản trên đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, tức là thủ tục rất đơn giản, gọn nhẹ, thời gian rất nhanh chóng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ. Mặt khác, do có một số quy định chưa rõ ràng, dẫn đến các địa phương có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Đặc biệt là quy định các doanh nghiệp có nợ xấu không được tiếp tục vay vốn dẫn đến vướng mắc trong thực hiện12.
Thực tế cho thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc do COVID-19 còn thiếu hiệu quả, nhiều bậc cha mẹ bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập, không thể chi thêm cho các nhu cầu phát sinh của con cái để có thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu và đáp ứng các nhu cầu cơ bản, họ thường chọn việc cắt giảm chi phí giáo dục để ưu tiên những nhu cầu cấp bách khác. Những gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có trẻ em khuyết tật, gia đình đơn thân, gia đình di cư, gia đình nuôi con nhỏ và trẻ em ở vùng sâu vùng xa (trong đó đa số là trẻ em dân tộc thiểu số) gặp phải nhiều khó khăn trong tiếp cận quyền giáo dục. Nhiều gia đình trong số họ đã gặp khó khăn với chất lượng dịch vụ thấp và khả năng kết nối kém (ví dụ kết nối mạng Internet) do địa hình khó khăn, vị trí xa xôi; đồng thời không có kinh phí để nâng cấp và trang bị cho các con học tập.
Hai là, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, Bộ Y tế đã có Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021, Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022 hướng dẫn về lập hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Các quy định trên ban hành trong thời điểm chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, nên khi thực hiện trong bối cảnh đại dịch đã thể hiện sự bất cập, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì theo quy định của các văn bản này, người nhiễm COVID-19 cần có giấy xác nhận F0 và quyết định hết thời gian cách ly y tế để làm thủ tục hưởng chế độ BHXH. Trong khi đó, tại Hà Nội, mỗi phường, quận lại có những cách hiểu và hướng dẫn khác nhau về cách thức cấp 02 giấy tờ trên, dẫn đến tình trạng người dân gặp khó khăn trong quá trình xin xác nhận, gây lãng phí thời gian đi lại, làm thủ tục, gây bức xúc cho người dân. Những giấy tờ xác nhận trên lại là cơ sở để thực thi chính sách hỗ trợ (trợ cấp, học phí) cho những đối tượng đặc biệt chịu ảnh hưởng COVID-19, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên có gia đình gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh; đặc biệt là giáo viên các trường thuộc khối tư thục, dân lập, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, đối tượng chính sách khác, do đó tạo rào cản cho họ hưởng thụ những chính sách này để tiếp tục học tập.
Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh tháng 06/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với nhiều ca nặng, tử vong đã dẫn đến hiện tượng di dân kéo theo hệ lụy khi trẻ em theo cha mẹ đi tránh dịch phải bỏ học. Với những gia đình này, đăng ký hộ khẩu vẫn là một trở ngại tiềm ẩn về mặt hành chính là rào cản đối với trẻ em tiếp cận hệ thống giáo dục công, đặc biệt là đối với trẻ di cư từ vùng dịch về các địa phương.
Ba là, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Tuy nhiên để có thể tiếp cận được chính sách này, cần có hướng dẫn và quy định cụ thể hơn về chính sách đặc thù hỗ trợ các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương trong tiếp cận và thụ hưởng quyền giáo dục; đồng thời cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương nơi các em sinh sống, từ đó phần nào giúp các em ổn định cuộc sống và được học tập. Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tính đến hết ngày 14/10/2021, cả nước hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch13.
Đối với trẻ em khuyến tật, trẻ sống ở các trung tâm Bảo trợ xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận quyền giáo dục. Hầu hết các trung tâm đều đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp như xà phòng, nước rửa tay, khiến trẻ khó thực hành rửa tay phòng tránh lây nhiễm. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được thiết lập, các trung tâm đã đóng cửa không tiếp khách, kể cả gia đình của trẻ em. Một số trẻ em ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông đã trải qua cảm giác bị cô lập sâu sắc khi không được gia đình đến thăm, thiếu sự tương tác với bạn bè do đóng cửa trường học kéo dài, bị hạn chế hoặc không có cơ hội ra ngoài trung tâm. Tất cả các trung tâm Bảo trợ xã hội đều trải qua những thách thức với việc học trực tuyến, vì hầu hết máy tính của trung tâm không thể dùng cho việc học của trẻ.
Thứ ba, một số hạn chế trong quy định của Chính phủ về giáo dục, đào tạo tác động đến bảo đảm quyền giáo dục
Lộ trình chuẩn hóa bằng cấp đối với giáo viên, giảng viên theo Luật Giáo dục năm 2019 chưa nhất quán. Sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học, với mốc thời gian là năm 2026, chưa có văn bản quy định về lộ trình nâng trình độ chuẩn của giảng viên đại học, trong bối cảnh hoạt động đào tạo và cấp bằng của các cơ sở đào tạo đều bị gián đoạn phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, nhiều giảng viên đã và đang theo học các khóa học cao học, nghiên cứu sinh nâng cao trình độ chưa có điều kiện được nhận văn bằng đạt chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019 khi Luật này có hiệu lực. Sự thiếu hướng dẫn này dẫn đến tình trạng áp dụng văn bản tùy tiện, thiếu nhất quán gây thiệt thòi và bức xúc cho nhiều giảng viên trong quá trình đánh giá năng lực giảng dạy, thanh toán thù lao giảng dạy và đánh giá bình xét thi đua năm học, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền giáo dục của chính đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Kết luận
Sau hơn 02 năm chịu sự tác động của đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ban hành các văn bản tạo thể chế để đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội nói chung và bảo đảm quyền giáo dục nói riêng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật được ban hành trước khi có đại dịch hoặc ban hành khẩn cấp để ứng phó với đại dịch vì mục tiêu ưu tiên trước hết cho bảo đảm quyền được sống, quyền chăm sóc sức khỏe cho mọi người nên không tránh khỏi những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận và thụ hưởng quyền giáo dục của mọi người, trong đó đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Từ đó cho thấy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính chung đến các chính sách đặc thù của ngành giáo dục; nâng cao nhận thức và kỹ năng của những nhà hoạch định chính sách giáo dục để chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cả hai nhóm đối tượng là giáo viên và phụ huynh; tăng cường hạ tầng, bảo đảm thiết bị phần cứng và phần mềm đáp ứng việc chuyển đổi số trong thời kỳ dịch bệnh, bảo đảm mọi điều kiện để thúc đẩy tôn trọng và bảo đảm quyền giáo dục cho mọi người.
TS. Trịnh Như Quỳnh
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chi và Tuyên truyền
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 2/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Trịnh Như Quỳnh, Quyền giáo dục ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học, xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2021, tr. 38.
(2) Tlđd, tr.45.
(3) Tlđd, tr.50.
(4) Bích Lan, Nghĩa Đức, Cần có sự đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 tới hoat động giáo dục ở tất cả các cấp học, tài liệu có tại: https://quochoi.vn, truy cập ngày 07/03/2022.
(5) Văn Hải, Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ vùng dịch theo hướng nào?, Báo điện tử VOV, tài liệu có tại: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/thay-doi-tieu-chi-danh-gia-cap-do-vung-dich-theo-huong-nao-post920683.vov, truy cập ngày 08/03/2022.
(6) Bích Lan, Nghĩa Đức, Cần có sự đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học, tài liệu có tại: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=62427&CategoryId=0, truy cập ngày 07/03/2022.
(7) Tlđd.
(8) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UNICEF, Đánh giá nhanh nhu cầu trợ giúp xã hội của gia đình có trẻ em,tài liệu có tại: https://www.unicef.org/vietnam/..., truy cập ngày 07/03/2022.
(9) UNICEF, Đánh giá nhanh tình hình học trực tuyến/từ xa trong bối cảnh đại dịch Covid-19,tài lệu có tại: https://www.unicef.org/vietnam/..., truy cập ngày 07/03/2022.
(10) Tlđd
(11) Bộ Lao động, thương binh và xã hội và UNICEF, Đánh giá nhanh nhu cầu trợ giúp xã hội của gia đình có trẻ em, tài liệu có tại: https://www.unicef.org/vietnam/..., truy cập ngày 10/03/2022.
(12) Thu Cúc, Một tháng triển khai Nghị quyết 68: Tháo gỡ kịp thời khó khăn, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo,tài liệu có tại: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1008701/mot-thang-trien-khai-nghi-quyet-68-thao-go-kip-thoi-kho-khan-nhieu-dia-phuong-co-cach-lam-sang-tao, truy cập ngày 08/03/2022.
(13) Trần Yến, Cả nước có hơn 2000 trẻ em mồ côi do Covid-19: Làm gì để có giải pháp hỗ trợ lâu dài, tài liệu có tại: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ca-nuoc-co-hon-2-000-tre-em-mo-coi-do-covid-19-lam-gi-de-co-giai-phap-ho-tro-lau-dai-674486, truy cập ngày 08/03/2022./.