Pháp luật về bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm quyền của phụ nữ; đồng thời, giảm thiểu những đối xử khác biệt và tạo lập sự ngang nhau về cơ hội phát triển cho nữ giới ở Việt Nam. Bài viết đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về bình đẳng giới trên cả hai phương diện ưu điểm và hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới, góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam và sự phát triển của phụ nữ trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội 
ngày càng được nâng cao. Nguồn: quochoi.vn

1. Thực hiện và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thời gian qua

Kể từ sau khi Liên hợp quốc được thành lập vào năm 1945, quyền con người và bình đẳng giới đã chính thức được pháp điển hóa trong pháp luật quốc tế và trở thành các giá trị phổ quát trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ là một nội dung cấu thành quan trọng của pháp luật nhân quyền quốc tế, và trở thành tiêu chuẩn, thước đo cơ bản về mức độ phát triển và trình độ văn minh của các quốc gia trên thế giới. Tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền con người, quyền của phụ nữ là nghĩa vụ và trách nhiệm của các nhà nước hiện đại.

Sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng. Việt Nam là quốc gia thứ 6 tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on Elimination of All Forms of Discrimination Agaist Women - CEDAW) vào ngày 29/7/1980 và là quốc gia thứ 35 phê chuẩn Công ước CEDAW vào ngày 19/3/1981. Thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đưa các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới vào hệ thống pháp luật quốc gia; đồng thời, đã tiến hành rà soát và loại bỏ các quy định chứa đựng các yếu tố phân biệt đối xử.

Trong suốt 43 năm kể từ khi tham gia Công ước CEDAW, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, và đã được Liên hợp quốc ghi nhận về nỗ lực trong việc hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam đã xây dựng và phát triển một khung pháp lý khá toàn diện nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Quyền của người phụ nữ trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ngày càng được quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật Việc làm năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022...

Song song với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý, quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong thời gian qua cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, Việt Nam đã đạt được sự cân bằng tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở giữa nam và nữ, tích hợp giáo dục về giới và bình đẳng giới vào chương trình; về cơ bản đã đạt được sự cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh, tỷ lệ tử vong mẹ giảm đáng kể từ mức 233/100.000 trường hợp năm 1990 xuống còn 44/100.000 trường hợp năm 20231. Trong lĩnh vực thương mại và lao động, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ gần bằng nam giới (chiếm 47,3% lực lượng lao động), rõ nét nhất là trong dịch vụ sự nghiệp giáo dục và y tế; đặc biệt, nhờ sự cải thiện việc tiếp cận nguồn lực kinh tế và việc làm, sự tham gia của phụ nữ nghèo ở nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số trong lực lượng lao động cũng tăng lên đáng kể; khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ đã rút ngắn từ 5 năm xuống còn 2 năm. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ đã đảm nhận khá nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và chính quyền các cấp, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 30%, một trong những tỷ lệ cao trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện Báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát về thực hiện quyền con người (UPR), trong đó có việc thực hiện CEDAW tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc trong các năm 2009, 2014 và 2019. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện các khuyến nghị mà các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền nêu ra cho Việt Nam về tăng cường thực hiện CEDAW. Đáng chú ý, Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (có trách nhiệm giám sát các quốc gia thực hiện CEDAW) đã biểu dương tiến bộ và thành tựu; đồng thời, chia sẻ những khó khăn và thách thức mà Việt Nam đối diện trong tiến trình thực hiện CEDAW. Ủy ban này đề nghị Việt Nam cần thực hiện triệt để các biện pháp cần thiết để đạt được các khuyến nghị chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó chú trọng triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ.

2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới

Bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ là nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ: “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Các bản Hiến pháp về sau đều nhất quán kế thừa tinh thần về bình đẳng giới. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới... và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26); đồng thời, Chương II về quyền con người, quyền công dân cũng đã bổ sung nhiều quy định mang tính đột phá nhằm đảm bảo bình đẳng giới, bảo đảm và bảo vệ quyền của phụ nữ.

Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua đã hết sức chú trọng vấn đề bình đẳng giới và quyền của nữ giới. Luật Bình đẳng giới năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng trong bảo đảm việc tiếp cận và thụ hưởng các quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đồng thời, Luật Bình đẳng giới còn xác định rõ các biện pháp thực hiện và thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm thúc đẩy bình đẳng hay áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời; lồng ghép bình đẳng giới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; xác định trách nhiệm của các cơ quan công quyền; quy định các hành vi bị nghiêm cấm... Trong đó, lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là một biện pháp hữu hiệu và quan trọng, làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới một cách cơ bản và thực chất.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều quy định nhân văn và cởi mở trong tạo lập cơ hội cho phụ nữ phát triển và bảo đảm các quyền hiến định của phụ nữ. Điển hình, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019 đã ghi nhận và có các quy định bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, cụ thể: (i) các quy định đảm bảo quyền của người phụ nữ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động...; (ii) các quy định mang tính đặc thù đối với người phụ nữ như lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp), nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương, dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu; (iii) các quy định bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ, khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; (iv) các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ; (v) các quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; (vi) quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 04 tháng lên 06 tháng; (vii) quy định hỗ trợ thai sản cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; (viii) quy định về thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ theo chế độ nhà nước được tính là thời gian để xem xét, tặng danh hiệu “lao động tiên tiến”, “chiến sỹ thi đua cơ sở”; (ix) quy định về giảm tuổi nghỉ hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định và tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm có trình độ chuyên môn cao, làm công tác quản lý và các trường hợp đặc biệt khác.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, hệ thống các quy định pháp luật về bình đẳng giới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, đối với Luật Bình đẳng giới

Các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, mang tính nguyên tắc định hướng; một số quy định còn dẫn chiếu quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực thi (gần 3 năm sau những văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành đầu tiên mới được ban hành. Điển hình là quy định tại Khoản 3 - Điều 17 về phụ nữ nghèo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ, thì đến năm 2015 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 để hướng dẫn quy định này). Vẫn còn một số quy định của Luật đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành như: quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo (điểm a,  khoản 5, Điều 14); quy định về các hành vi bị cấm (Điều 10)...

Đáng chú ý, định nghĩa về phân biệt đối xử trong Luật chỉ dừng lại ở phân biệt đối xử trực tiếp, mà bỏ qua đối xử gián tiếp với hàm ý là các tác động tiêu cực mà các luật hay thực tiễn gây ra, hệ quả là phân biệt đối xử đối với một nhóm đối tượng (mặc dù các luật hay thực tiễn không cố ý như vậy). Việc thiếu bao quát phân biệt đối xử gián tiếp có thể dẫn đến việc ghi nhận không đầy đủ các hệ quả tiêu cực bởi các chính sách hay quy định trung lập về giới. Các chính sách hay quy định trung lập cần phải được phân tích, đánh giá qua lăng kính giới để xác định các hậu quả bất lợi có thể xảy ra đối với một hoặc một số đối tượng nhất định.

Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới dường như bỏ qua hay chưa chú ý đúng mức đến quan niệm, truyền thống văn hóa có hại về giới và bình đẳng giới. Chẳng hạn như quan niệm về bạo lực chỉ dừng lại ở các hình thức về thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục; trong khi đó, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cưỡng ép kết hôn hay tảo hôn… cũng cần được quan niệm là các hình thức khác của bạo lực. Luật Bình đẳng giới cũng chưa xác định quấy rối tình dục, nhất là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, công sở, trường học là hành vi nghiêm cấm.

Thứ hai, đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác

Trong lĩnh vực kinh tế, các văn bản luật đã có những quy định ưu đãi, hỗ trợ liên quan đến lao động nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Trong những năm qua, những cải cách về môi trường kinh doanh đã tạo cơ hội gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ. Trong 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp  do phụ nữ làm chủ chiếm 20%. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; trong đó, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chiếm 72%, các doanh nghiệp nhỏ chiếm 27%2. Trong khi đó, các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 tập trung sự hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các quy định của Luật này thiếu tính cụ thể; trong khi các nghị định đặt ra các quy trình thủ tục khá phức tạp. Vì thế, phần lớn các doanh nghiệp do người nữ làm chủ rất khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ về vốn, tài chính.

Mặc dù các luật đều quán triệt và tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giới, song nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế chỉ đưa ra các quy định trung lập về giới và điều này có thể kéo theo những hệ quả bất lợi đối với phụ nữ. Hiện đã có một số nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng chỉ dừng lại ở những quy định nguyên tắc. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ vì chưa có hướng dẫn, quy trình thủ tục thực hiện phức tạp. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định trong tiếp cận các hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) chỉ yêu cầu lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong các dự thảo luật có liên quan đến bình đẳng giới. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới quy định phải lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong việc xây dựng tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, trên thực tế có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã không thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới hoặc thực hiện nhưng trong hồ sơ của dự án, dự thảo văn bản chưa thể hiện được điều đó, chỉ đến giai đoạn thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội (đặc biệt là Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) vấn đề này mới được xem xét, đánh giá cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nếu có cũng chỉ thực hiện đối với luật, pháp lệnh, còn các văn bản quy phạm pháp luật khác thì không bắt buộc.

Trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với Luật Bình đẳng giới; chẳng hạn, Điều 160 cấm sử dụng lao động nữ vào những công việc nguy hiểm. Điều này làm hạn chế quyền lựa chọn nghề nghiệp của lao động nữ. Thực tế cho thấy, chính sách đào tại nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa thực sự có hiệu quả, nhất là chưa có các biện pháp nhằm giảm thiểu và xóa bỏ định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề đào tạo. Hay như quy định về độ tuổi nghỉ hưu hoặc hưởng lương hưu khác nhau giữa nam và nữ. Đáng chú ý, khoảng cách giới trong thu nhập và tỷ lệ lao động nữ tập trung nhiều ở khu vực phi chính thức có xu hướng gia tăng trong thập niên vừa qua. Trong khi đó, Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội tập trung điều chỉnh khu vực kinh tế chính thức, có quan hệ lao động. Hệ quả là nhiều lao động nữ không được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Mặc khác, chưa có sự công bằng giữa các nhóm lao động nữ tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội; chẳng hạn nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa có chế độ thai sản, phụ nữ nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức không có chế độ thai sản3.

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới cần được hoàn thiện theo hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu (needs-based approach) sang bảo đảm thực hiện quyền (rights-based approach) cho tất cả các đối tượng trong xã hội; tiếp thu và thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc trong lần kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ III, đặc biệt là các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc đối với Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người và bình đẳng giới của các nước trên thế giới.

Thứ hai, cần nhanh chóng rà soát các bộ luật và luật đang có hiệu lực liên quan bình đẳng giới nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định không tương thích với Luật Bình đẳng giới và các điều ước quốc tế về quyền con người, nhất là CEDAW. Tiếp tục thực hiện triệt để nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong công tác xây dựng pháp luật, sửa đổi các quy định có sự phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới, nhất là trong lĩnh vực lao động và việc làm; hạn chế và loại bỏ các quy định trung lập về giới; điều chỉnh các quy định gây bất lợi đối với phụ nữ trên các lĩnh vực và tiến tới lồng ghép trong luật các cơ chế ưu đãi dành cho phụ nữ.

Thứ ba, sớm ban hành một số luật mới về hỗ trợ và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương; đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, trẻ em gái thiệt thòi, phụ nữ không nơi nương tựa, phụ nữ di cư (trong nước và quốc tế), phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, phụ nữ là nạn nhân của buôn bán người và mại dâm… Các nhóm nêu trên cần có các chính sách dành riêng, chẳng hạn chính sách việc làm, khởi nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng, chính sách xóa đói - giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương, chính sách nhà ở, chính sách thuế và công nghệ thông tin...

Thứ tư, nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phân tích và đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần: (i) phân tích kỹ và nhiều chiều các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới; (ii) đổi mới cách tiếp cận với phụ nữ, phân loại các nhóm phụ nữ khác nhau, tiến tới việc nhìn nhận phụ nữ là đối tác chứ không chỉ là người được thụ hưởng, người được bảo hộ, bảo vệ để xác định rõ phương pháp tổ chức các hoạt động phù hợp; xác định các nhiệm vụ, các hoạt động bảo đảm góp phần giải quyết những vấn đề riêng cho phụ nữ (trình độ, năng lực, công việc, sở thích cá nhân) và liên quan đến gia đình, con cái; (iii) tiếp cận giải quyết những vấn đề của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới.

Thứ năm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới năm 2006, nhất là các quy định liên quan đến cơ chế tổ chức thực thi các quy định của Luật. Trước hết, cần bổ sung quy định về phân biệt đối xử gián tiếp nhằm tránh tác động bất lợi do các văn bản luật trung lập về giới gây ra và tạo cơ sở cho việc lồng ghép giới. Thứ đến, quy định rõ ràng các hành vi có hại gây ra bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, chẳng hạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, bạo lực gia đình, quấy rối tình dục tại nơi công cộng (nơi làm việc, công sở, cơ sở giáo dục...), mua bán người, ép buộc hoạt động mại dâm. Đồng thời, quy định rõ và nghiêm khắc các chế tài xử phạt đối với các hành vi có hại, hoặc hành vi bị nghiêm cấm.

TS. Võ Công Khôi

Học viện Chính trị khu vực III

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1)  Nguồn [online] truy cập ngày 13/01/2024.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư & Ngân hàng Phát triển châu Á (2023), Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

(3) Phạm Thu Hiền (2019), Trao quyền kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh cải cách kinh tế ở Việt Nam, Nghiên cứu Gia đình và Giới, quyển 2, số 2, 45-58.