Trên cơ sở nhận thức sự gần gũi về điều kiện tự nhiên, xã hội giữa Liên bang Malaysia với Việt Nam và nhằm mục tiêu cung cấp thông tin cho các nghiên cứu so sánh pháp luật về quyền con người, bài viết giới thiệu khái quát hệ thống pháp luật về quyền con người, phân tích các quyền con người Hiến định, giới thiệu và đánh giá cơ chế quốc gia về quyền con người ở Liên bang Malaysia hiện nay.

Đặt vấn đề
Là một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, Liên bang Malaysia có những điều kiện tự nhiên và đặc điểm xã hội khá gần gũi với Việt Nam. Mặc dù về khía cạnh quyền con người, Malaysia còn chịu những phê bình nhất định từ các tổ chức quốc tế, nhưng trên thực tế, chính quyền Malaysia đã có những nỗ lực rõ rệt trong việc thiết lập hệ thống quy định pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền con người. Vì vậy chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm mục tiêu giới thiệu những tiến bộ về quyền con người trong pháp luật Malaysia và cơ chế quốc gia về quyền con người tại đất nước này để làm tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, pháp luật, cơ chế về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
1. Khái quát về Liên bang Malaysia
Liên bang Malaysia nằm ở Đông Nam Á, có hai phần lãnh thổ chính chia cắt bởi Biển Đông: Tây Malaysia giáp với Thái Lan và Singapore, Đông Malaysia giáp với Indonesia và Brunei. Malaysia với diện tích 329, 960.22 km² nằm gần đường xích đạo tại Vĩ độ 1° và 7° Bắc, Kinh độ 100° và 119° Đông1. Vị trí địa lí khiến cho Malaysia là một quốc gia nhiệt đới vô cùng đa dạng về sinh học. Dân số của Malaysia theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2021 là 33,573,874 người, thuộc nhóm 50 quốc gia đông dân nhất thế giới2. Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, nhóm người Malaysia đông nhất bao gồm ba chủng tộc chính là người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ. Những người bản địa ở Bán đảo Malaysia gọi là Orang Asli và thường được chia thành ba nhóm chính, đó là Negrito, Senoi và Proto-Malay, các nhóm này lại gồm nhiều tộc người khác nhau3. 
Lịch sử của Malaysia được cho là bắt đầu từ Vương quốc Hồi giáo Malacca vào khoảng năm 1400 sau Công nguyên. Vào thời kỳ huy hoàng, Malacca nổi lên như một trung tâm thương mại lớn về buôn bán gia vị, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Hồi giáo là tôn giáo chính nổi lên và trở thành tôn giáo chính của cư dân vì chính Nhà cai trị đã tuyên xưng tôn giáo này. Năm 1511, Malacca rơi vào tay người Bồ Đào Nha và đó là thời điểm bắt đầu thời kỳ thuộc địa ở Malaya. Sau đó, Malaya rơi vào tay người Hà Lan năm 1641 và người Anh năm 1824 thông qua Hiệp ước Anh - Hà Lan. Thời kỳ thuộc địa của Anh là lâu nhất so với các nước khác. Malaya được tái cấu trúc thành Liên bang Malaya vào năm 1948 và giành được độc lập vào ngày 31 tháng 8 năm 1957. Malaya hợp nhất với Bắc Borneo, Sarawak và Singapore vào ngày 16 tháng 9 năm 1963, với từ "si" được thêm vào quốc hiệu mới là Malaysia. Đến năm 1965, Singapore bị trục xuất khỏi liên bang4. 
Sau khi giành độc lập (1957), Malaysia vẫn là nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, kinh tế phụ thuộc, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cao su và thiếc. Nhưng từ năm 1970 đến nay, kinh tế Malaysia phát triển nhanh chóng qua các kế hoạch 5 năm5.  Hiện nay, Malaysia đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững nhất tại châu Á, bên cạnh phát huy thế mạnh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Malaysia cũng đang rất phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, khoa học ứng dụng, du lịch, thương mại và y tế. Malaysia là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Hội nghị cấp cao ASEAN - Đông Á, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Liên Hiệp Quốc, WTO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Khối Thịnh vượng chung các quốc gia và Phong trào không liên kết.
Hệ thống chính quyền của Malaysia có mô hình gần với hệ thống nghị viện Westminster và hệ thống pháp luật dựa trên thông luật của Anh Quốc. Nguyên thủ quốc gia cao nhất là Quốc vương, còn được gọi là Yang di-Pertuan Agong. Người này là một quân chủ tuyển cử, được chọn từ các quân chủ kế vị của chín bang theo chế độ quân chủ, thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Người đứng đầu chính phủ liên bang là Thủ tướng. 
Hiến pháp Liên bang Malaysia (1957) - luật tối cao của Malaysia - quy định cơ quan lập pháp liên bang bao gồm Thượng viện (Dewan Negara) và Hạ viện (Dewan Rakyat). Quốc vương bổ nhiệm một Thủ tướng từ trong số các thành viên của Hạ viện. Theo đề nghị của Thủ tướng, Quốc vương bổ nhiệm các bộ trưởng khác tạo nên nội các. Số lượng bộ trưởng không cố định, nhưng tất cả đều phải là thành viên của Quốc hội liên bang. Quyền hạn của Quốc hội liên bang tương đối rộng và bao gồm quyền lập pháp trong các vấn đề liên quan đến tài chính chính phủ, quốc phòng, chính sách đối ngoại, an ninh nội bộ, quản lý tư pháp và quyền công dân. Hiến pháp cũng quy định rằng, một số vấn đề có thể được giải quyết bởi cơ quan lập pháp tiểu bang. Việc bầu cử vào một trong hai viện của cơ quan lập pháp là theo đa số đơn giản, nhưng quyết định sửa đổi Hiến pháp yêu cầu đa số tuyệt đối (hai phần ba số nghị viên tán thành trở lên). Một dự luật được cả hai viện thông qua và được Quốc vương chấp thuận sẽ trở thành luật liên bang. 
Quyền tư pháp được Hiến pháp trao cho hai Tòa án cấp cao và cả các tòa án cấp dưới. Hai Tòa án cấp cao gồm: một ở Bán đảo Malaysia, được gọi là Tòa án cấp cao ở Malaysia, một ở Đông Malaysia, được gọi là Tòa án Tối cao ở Sarawak và Sabah. Hai Tòa án cấp cao xét xử tất cả các tội phạm có mức hình phạt tối đa là tử hình, xét xử phúc thẩm các kháng cáo, khiếu nại từ tòa án cấp dưới. Việc kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp cao được gửi lên tòa án cao nhất ở Malaysia, Tòa án Liên bang (trước đây gọi là Tòa án Tối cao). Ngoài ra, Malaysia có một Tòa án Đặc biệt chuyên xử lý các trường hợp liên quan đến các cáo buộc chống lại nguyên thủ quốc gia. Trong hệ thống các tòa cấp dưới của Malaysia có tòa chuyên trách các vụ án liên quan đến trẻ em.
Malaysia có hệ thống chính trị đa đảng. Bầu cử được tổ chức tự do, tất cả công dân từ 21 tuổi trở lên đều được phép bầu cử. Mặc dù số lượng phụ nữ giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước ngày càng tăng kể từ cuối thế kỷ 20, nhưng phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong nền chính trị Malaysia. Hầu hết các bộ trưởng đều do người Mã Lai đảm nhiệm, nhưng một số ít vị trí do các dân tộc thiểu số bản địa đảm nhiệm. 


Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội Malaysia. Nguồn: baotuyenquang.com.vn

2. Pháp luật về quyền con người ở Liên bang Malaysia
Trong pháp luật Malaysia, các quyền tự do cơ bản được ghi nhận ở văn bản pháp luật cao nhất (Phần II của Hiến pháp Liên bang) là nền tảng cho sự thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở quốc gia này. Từ Điều 5 đến Điều 13 Hiến pháp Liên bang ghi nhận về quyền tự do cá nhân; ngăn chặn tệ nô lệ và lao động cưỡng bức; bảo vệ chống lại hiệu lực hồi tố của luật hình sự và việc bị kết án hai lần về cùng tội phạm; quyền bình đẳng; cấm trục xuất và tự do đi lại; tự do ngôn luận, lập hội; tự do tôn giáo; quyền về giáo dục và quyền sở hữu6. Tất nhiên, các quyền này không phải là tuyệt đối mà có thể bị hạn chế để bảo vệ trật tự công cộng, đạo đức và an ninh của đất nước. 
Malaysia đã phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế về quyền con người, bao gồm: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC) và hai Nghị định thư không bắt buộc về việc mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và Nội dung khiêu dâm trẻ em và sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang. Malaysia duy trì bảo lưu đối với các điều khoản của hiệp ước được coi là xung đột với luật Hồi giáo và quốc gia. Phần lớn các điều khoản của CRC đã được đưa vào luật trong nước thông qua Luật Trẻ em năm 2001. Năm 2010, Malaysia phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết tật nhưng tuyên bố không bị ràng buộc bởi Điều 15 và 18; “Không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” và “Quyền tự do đi lại và quốc tịch cho người khuyết tật”. Các nghĩa vụ khác theo hiệp ước đã được hệ thống hóa trong Đạo luật Người khuyết tật năm 2008. Malaysia cũng đã phê chuẩn sáu trong tám Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế. 
Đối với vấn đề quyền con người trong khu vực, Malaysia tham gia tích cực vào việc soạn thảo Hiến chương ASEAN và góp phần vào quá trình xây dựng cơ quan nhân quyền của ASEAN, v.v.. 
Các quyền và tự do cơ bản của cá nhân được pháp luật Malaysia ghi nhận bởi đạo luật tối cao của Liên bang - Hiến pháp năm 1957 - bản Hiến pháp ban hành sau tuyên bố độc lập khỏi Anh của các bang ở Bán đảo Malaysia. Hiến pháp này có tổng cộng 183 điều chia thành 15 phần, trong đó phần II (từ Điều 5 đến Điều 13) quy định về các quyền và tự do cơ bản. Với vị trí này, các quyền và tự do cá nhân được ghi nhận trang trọng chỉ ngay sau các quy định về quốc hiệu, lãnh thổ, quốc giáo và hiệu lực tối cao của Hiến pháp. 
Quyền sống và quyền tự do là các quyền con người đầu tiên được ghi nhận bởi Hiến pháp Liên bang Malaysia ở Điều 5 (nhưng Điều 5 lại chỉ được đặt tên là Tự do của con người). Khoản 1 Điều 5 tuyên bố: “Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống hoặc quyền tự do cá nhân, ngoại trừ theo quy định của pháp luật”. Để bảo đảm quyền tự do cá nhân, khoản 2 Điều 5 quy định quyền gửi khiếu nại về việc bị tước đoạt tự do cá nhân tới Tòa án Tối cao hoặc bất kỳ thẩm phán nào của Tòa này. Tòa án Tối cao có nghĩa vụ xem xét khiếu nại, ra lệnh đưa người đang bị bắt giữ ra trước tòa và trả lại tự do cho người đó, trừ khi quyết định bắt giữ là hợp pháp. Bảo đảm tiếp theo đối với quyền tự do cá nhân được quy định bởi khoản 3 Điều 5 là: khi một người bị bắt, người đó sẽ được thông báo ngay về lý do của việc bắt giữ và sẽ được xin tư vấn, bảo vệ bởi người hành nghề pháp luật do mình lựa chọn. Để chống lại việc bị bắt và giam giữ vô lý, khoản 4 Điều 5 quy định: đối với mọi trường hợp, trong vòng 24 giờ (không tính thời gian di chuyển cần thiết) việc bắt giữ người phải được trình lên Thẩm phán và người đó sẽ không bị giam thêm nếu như không có lệnh của Thẩm phán. Tuy nhiên, thời hạn này có ngoại lệ đối với trường hợp người nước ngoài bị bắt giữ vì nhập cư bất hợp pháp. Trong trường hợp này thời hạn việc bắt giữ phải được trình lên Thẩm phán là trong vòng 14 ngày thay vì trong vòng 24 giờ như thông thường. Tất cả các bảo đảm đối với tự do cá nhân nêu trên không áp dụng cho người của các quốc gia đối địch.
Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt làm nô lệ và lao động cưỡng bức là nhóm quyền thứ hai được ghi nhận bởi Hiến pháp Liên bang Malaysia tại Điều 6. Điều này có tên gọi Cấm nô lệ và lao động cưỡng bức đã tuyên bố tại khoản 1: “không ai bị bắt làm nô lệ”. Tiếp theo đó, khoản 2 tuyên bố cấm tất cả các hình thức lao động cưỡng bức nhưng có ngoại lệ là lao động bắt buộc do Nghị viện quy định theo luật để phục vụ cho các mục đích quốc gia. Ngoài ra, theo khoản 3, công việc lao động công ích với tư cách là hình phạt theo phán quyết của tòa án có thẩm quyền sẽ không bị coi là lao động cưỡng bức nếu việc lao động công ích đó được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp sát nhập một bộ phận/chức năng hay toàn bộ cơ quan nhà nước này vào cơ quan nhà nước khác thì nhân viên cơ quan bị sát nhập phải làm việc tại cơ quan mới để bảo đảm chức năng hoạt động bình thường của cơ quan ấy mà không được đòi hỏi các quyền lợi chuyển công tác cũng không coi là lao động cưỡng bức (khoản 4 Điều 6).
Quyền được bảo vệ chống lại hiệu lực hồi tố của luật hình sự và việc xét xử nhiều lần về cùng một tội phạm là nhóm quyền thứ ba được tuyên bố tại Điều 7 Hiến pháp Liên bang Malaysia. Khoản 1 điều này chống lại hiệu lực hồi tố bất lợi của luật hình sự bằng quy định: “không ai bị trừng phạt vì một hành động hoặc thiếu sót mà khi nó được thực không bị pháp luật trừng phạt khi nó được thực hiện và không ai phải chịu hình phạt về một hành vi phạm tội nặng hơn so với quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đó”. Khoản 2 không cho phép xét xử hai lần về một tội phạm nhưng có ngoại lệ: “một người đã được tuyên bố trắng án hoặc bị kết án về một hành vi phạm tội sẽ không bị xét xử lại về cùng một tội phạm trừ trường hợp bản án kết tội hoặc tuyên bố trắng án đó đã được hủy bỏ và vụ án phải xét xử lại theo lệnh của tòa án mà trước đó đã kết tội hoặc tuyên trắng án. Theo đó, một người không thể bị xét xử hai lần về cùng một tội phạm, trừ khi bản án, quyết định đã tuyên về tội phạm ấy bị hủy, bị yêu cầu xét xử lại bởi tòa án có thẩm quyền. 
Quyền thứ tư mà Hiến pháp Liên bang Malaysia ghi nhận tại Điều 8 là quyền bình đẳng. Khoản 1 Điều này tuyên bố: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau”. Khoản 2 làm rõ các khía cạnh của quyền bình đẳng: “Trừ khi được Hiến pháp này quy định rõ ràng, sẽ không có sự phân biệt đối xử đối với công dân do những lý do tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc, nơi sinh hoặc giới tính trong bất kỳ luật nào hoặc trong việc bổ nhiệm vào bất kỳ vị trí nào ở cơ quan công quyền hoặc trong các quy định quản lý về việc ở hữu, mua bán tài sản hoặc các hoạt động thương mại, kinh doanh và quản lý về việc làm”. Tuy nhiên, điều này cũng cho phép khá nhiều ngoại lệ về sự phân biệt đối xử nếu được Hiến pháp quy định rõ ràng. Ở khoản 5 đã chỉ ra rằng nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật không làm hạn chế hoặc mất hiệu lực: a) bất kỳ điều khoản nào của luật cá nhân; b) bất kỳ điều khoản hoặc thực tế nào hạn chế các công việc hoặc cơ quan liên quan đến hoạt động của bất kỳ tôn giáo nào, hoặc tổ chức của các nhóm tôn giáo tự xưng và những người của nhóm tôn giáo đó; c) bất kỳ điều khoản nào vì mục đích bảo vệ lợi ích hoặc vì sự phát triển, thịnh vượng của các thổ dân trên Bán đảo Mã Lai (bao gồm cả việc bố trí đất đai) hoặc dành cho thổ dân một tỷ lệ hợp lý các vị trí phù hợp trong lĩnh vực công; d) bất kỳ điều khoản nào về điều kiện cư trú tại một bang, khu vực của bang để có thể được bầu cử, bổ nhiệm vào bất kỳ cơ quan nhất định tại bang hoặc khu vực đó; e) bất kỳ điều khoản nào hạn chế việc nhập ngũ vào Trung đoàn Mã Lai đối với người Mã Lai. Ngoài các ngoại lệ trên, Hiến pháp Liên bang còn cho phép một cách rõ ràng các hành động được thực hiện để bảo vệ vị trí đặc biệt cho người Mã Lai ở Bán đảo Malaysia và người bản địa của Sabah và Sarawak tại Điều 153.
Quyền cư trú và tự do đi lại trong nước là nhóm quyền thứ năm được tuyên bố bởi Hiến pháp Liên bang Malaysia tại Điều 9 và là quyền của riêng công dân Malaysia. Điều 9 có tên là Cấm trục xuất và tự do đi lại ghi nhận tại khoản 1 rằng: “không có công dân nào có thể bị trục xuất hay đuổi khỏi Liên bang”. Khoản 2 và 3 tuyên bố công dân có quyền tự do đi lại và cư trú tại bất kỳ nơi nào trong Liên bang trừ các trường hợp giới hạn do Nghị viện đặt ra do liên quan đến an ninh, lãnh thổ của Liên bang, liên quan đến vị trí đặc biệt như Bang Malaya, liên quan đến trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng hoặc hình phạt đối với người vi phạm. Trừ những giới hạn đó, mọi công dân đều có quyền đi lại tự do trong Liên bang và cư trú tại bất kỳ khu vực nào của Liên bang.
Nhóm quyền thứ sáu trong Hiến pháp Liên bang Malaysia - quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội được quy định tại Điều 10. Theo đó, mọi công dân có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt chính kiến của mình, có quyền hội họp một cách hòa bình và không có vũ khí, có quyền thành lập hội. Tuy nhiên, các quyền này cũng chịu hạn chế vì các lợi ích công cộng. 
Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt chính kiến có thể bị Nghị viện áp đặt hạn chế nếu Nghị viện cho là cần thiết hoặc có hiệu lực vì lợi ích an ninh của Liên bang hoặc quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, trật tự công cộng hoặc đạo đức, hoặc để bảo vệ các đặc quyền của Nghị viện hoặc của bất kỳ hội đồng lập pháp nào, hoặc để chống lại hành vi xúc phạm quan tòa, sự phỉ báng hoặc kích động bất kỳ hành vi phạm tội nào.
Quyền hội họp, lập hội có thể bị Nghị viện áp đặt hạn chế nếu Nghị viện cho là cần thiết hoặc có hiệu lực vì lợi ích an ninh của Liên bang hoặc các quy định hạn chế khác về trật tự công cộng hay đạo đức xã hội. Các hạn chế đối với quyền lập hội cũng có thể được áp dụng thông qua bất kỳ luật nào liên quan đến lao động hoặc giáo dục.
Quyền tự do tôn giáo được Điều 11 Hiến pháp Liên bang Malaysia ghi nhận mặc dù Điều 3 tuyên bố Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang.  Khoản 1 Điều 3 Hiến pháp Liên bang ghi nhận rằng: “Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang nhưng các tôn giáo khác cũng có thể hoạt động một cách hòa bình và hòa hợp trong bất kỳ phần lãnh thổ nào của Liên bang”. Thống nhất với Điều 3, Điều 8 tuyên bố mọi người có quyền theo, thực hành, truyền bá tôn giáo của mình. Tuy nhiên, luật của các tiểu bang và luật Liên bang đối với các lãnh thổ liên bang có thể kiểm soát hoặc hạn chế việc truyền bá bất kỳ học thuyết hoặc niềm tin tôn giáo nào giữa những người theo đạo Hồi. 
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 11, thu nhập sử dụng cho hoạt động tôn giáo không phải đóng thuế và mọi nhóm tôn giáo đều có quyền: quản lý các vấn đề tôn giáo của riêng mình; thiết lập và duy trì các tổ chức cho các mục đích tôn giáo hoặc hoạt động từ thiện; mua, sở hữu tài sản và nắm giữ, quản lý tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Các quyền về giáo dục là nhóm quyền thứ tám được ghi nhận bởi Hiến pháp Liên bang Malaysia. Điều 12 quy định rằng không được phân biệt đối xử với bất kỳ công dân nào chỉ vì tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc hoặc nơi sinh: 1) trong sự quản lý của bất kỳ cơ sở giáo dục nào do cơ quan công quyền quản lý, và cụ thể là về việc tiếp nhận người học hoặc trả học phí; 2) trong việc lập quỹ hỗ trợ tài chính của cơ quan công quyền để duy trì hoặc thực hiện các hoạt động giáo dục trong bất kỳ cơ sở giáo dục nào (công lập hoặc ngoài công lập và cho dù bên trong hay bên ngoài Malaysia). Tuy nhiên, lưu ý rằng ngoại lệ của bình đẳng trong giáo dục là theo Điều 153, Chính phủ phải thực hiện các chương trình hành động nhằm bảo lưu vị trí trong các cơ sở giáo dục đại học vì lợi ích của người Mã Lai và người bản xứ Sabah và Sarawak.
Điều 12 Hiến pháp Malaysia cũng cho phép mọi nhóm tôn giáo đều có quyền thành lập và duy trì các cơ sở giáo dục trẻ em theo tôn giáo của mình, và không ai được yêu cầu phải được hướng dẫn hoặc tham gia vào bất kỳ nghi lễ, hành động thờ phụng tôn giáo nào khác với tôn giáo của mình. Để bảo đảm điều đó, tôn giáo của người dưới mười tám tuổi sẽ do cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó quyết định. 
Nhóm quyền thứ chín trong Hiến pháp Malaysia là các quyền đối với tài sản. Điều 13 Hiến pháp này quy định: “Không ai có thể bị tước đoạt tài sản có được phù hợp với pháp luật” và “Không luật nào quy định việc trưng thu, trưng dụng tài sản mà không được bồi thường thỏa đáng”.
Như vậy, Hiến pháp Liên bang Malaysia đã ghi nhận 09 nhóm quyền cơ bản, bao gồm quyền con người và quyền công dân Malaysia. Những quyền ấy được áp dụng với cá nhân hoặc công dân trên cơ sở không phân biệt đối xử, nhưng Hiến pháp cũng dành ưu tiên đặc biệt cho các dân tộc bản địa của Malaysia bao gồm cả người gốc Mã Lai và các thành viên của các bộ lạc bản địa của bang Sabah và Sarawak ở miền đông Malaysia trong giáo dục, việc làm và một số lĩnh vực khác. 
3. Cơ chế quốc gia về quyền con người ở Liên bang Malaysia (SUHAKAM)
Sáng kiến thành lập một cơ quan quyền con người quốc gia ở Malaysia bắt đầu với sự tham gia tích cực của Malaysia vào Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (UNCHR) vào năm 1993 - 1995 khi tổ chức này được Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc bầu làm thành viên. Tan Sri Dato’ Musa bin Hitam lãnh đạo phái đoàn Malaysia, được bầu làm Chủ tịch kỳ họp thứ 52 của UNCHR năm 1995, tiếp theo là nhiệm kỳ thứ hai và nhiệm kỳ thứ ba lần lượt vào các năm 1996-1998, 2001-2003. Năm 1994, Tan Sri Dato’ Musa đề nghị Chính phủ thành lập cơ quan quyền con người quốc gia. Một số yếu tố ảnh hưởng đến đề xuất này bao gồm sự chú trọng ngày càng tăng của quốc tế về quyền con người và công nhận rằng nó vượt qua các ranh giới và chủ quyền; sự tham gia tích cực của Malaysia vào Tổ chức Liên hợp quốc; môi trường chính trị đang thay đổi ở Malaysia. Kết quả là Ủy ban quyền con người Malaysia (SUHAKAM) được Quốc hội thành lập theo Đạo luật 5977 về Ủy ban quyền con người Malaysia được công bố vào ngày 09 tháng 9 năm 19998.
Đạo luật 597 thành lập SUHAKAM được hướng dẫn bởi Nguyên tắc Paris năm 1993, cung cấp các tiêu chí quốc tế cho một Ủy ban quyền con người độc lập và cũng dựa trên kinh nghiệm của các cơ quan về quyền con người đã thành lập, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đạo luật 597 gồm 5 phần với 23 điều quy định về việc thành lập Ủy ban quyền con người Malaysia - SUHAKAM; chức năng, quyền hạn của SUHAKAM; cơ cấu thành viên; chế độ làm việc của SUHAKAM; tài chính; trách nhiệm báo cáo của SUHAKAM...
Việc thành lập SUHAKAM được tuyên bố bởi Điều 3 Đạo luật 597. Theo Điều này, SUHAKAM là một pháp nhân độc lập có con dấu, có cơ cấu tổ chức ổn định, có tài sản độc lập và đầy đủ quyền hạn đối với tài sản đó, có quyền giao kết các hợp đồng dân sự và tự chịu trách nhiệm về hợp đồng được giao kết.
Nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của SUHAKAM được Đạo luật 597 quy định chi tiết ở Điều 4. Chức năng của SUHAKAM gồm: a) thúc đẩy nhận thức và giáo dục quyền con người; b) tư vấn và hỗ trợ Chính phủ xây dựng pháp luật và các chỉ thị và thủ tục hành chính và khuyến nghị những điều cần thiết các biện pháp cần thực hiện để thúc đẩy quyền con người; c) kiến nghị với Chính phủ về việc đăng ký hoặc gia nhập các hiệp ước và các văn kiện quốc tế khác trong lĩnh vực quyền con người; d) khiếu nại về vi phạm quyền con người theo quy định.
Thẩm quyền khiếu nại các vi phạm quyền con người ở khoản d Điều 4 của SUHAKAM có bị giới hạn theo quy định của Điều 12 Luật này. Theo đó, SUHAKAM tự mình hoặc theo đề nghị của người (nhóm người) bị vi phạm quyền/đại diện của người (nhóm người) đó khiếu nại về việc vi phạm quyền con người trừ các vụ việc đang được giải quyết bởi một tòa án. Nếu trong quá trình SUHAKAM đang điều tra, xác minh về vụ việc mà vụ vi phạm trở thành một vụ án do tòa án giải quyết thì SUHAKAM cũng phải dừng các thủ tục của mình.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thúc đẩy quyền con người của mình, SUHAKAM có quyền: a) Tiến hành nghiên cứu thông qua thực hiện các chương trình dự án, tổ chức các buổi thảo luận và hội thảo; phổ biến các kết quả nghiên cứu đó để thúc đẩy nhận thức về quyền con người; b) tư vấn cho Chính phủ hoặc các cơ quan hữu quan về khiếu nại đối với các cơ quan này và kiến nghị biện pháp thích hợp; c) nghiên cứu và thẩm tra bất kỳ hành vi vi phạm quyền con người nào theo các quy định của Đạo luật này; d) thăm nơi giam giữ theo đúng thủ tục luật định và đưa những khuyến nghị cần thiết; e) đưa ra các tuyên bố công khai về quyền con người khi cần thiết; f) thực hiện bất kỳ hoạt động thích hợp nào khác liên quan đến hoạt động của Ủy ban khi cần thiết phù hợp với các văn bản luật hiện hành.
Về thành viên SUHAKAM, theo quy định ban đầu của Điều 5 Đạo luật 597, Ủy ban sẽ bao gồm không quá 20 thành viên, các thành viên Ủy ban được bổ nhiệm bởi Yang di-Pertuan Agong (Quốc vương) theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên được bổ nhiệm có thành phần tôn giáo, dân tộc khác nhau với nhiệm kỳ 02 năm và được tái bổ nhiệm nếu đủ điều kiện. Sau đó, để bảo đảm tính độc lập của SUHAKAM, quy định về thành viên SUHAKAM trong Đạo luật 597 đã được sửa đổi vào năm 2009. Nhiệm kỳ của các ủy viên đã được kéo dài thành 3 năm và có thể được gia hạn một lần. Thủ tục bổ nhiệm các ủy viên đã được sửa đổi: thay vì Thủ tướng chỉ định thì một ủy ban sẽ giới thiệu các ứng viên cho Thủ tướng. Ủy ban giới thiệu thành viên bao gồm Chánh văn phòng Chính phủ, Chủ tịch SUHAKAM và ba thành viên khác thuộc xã hội dân sự (không thuộc cơ quan quyền lực nhà nước) có chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực quyền con người9.  
Điều 7 Đạo luật 597 quy định SUHAKAM hoạt động theo cơ chế kỳ họp (thường kỳ ít nhất mỗi tháng một lần và họp đột xuất khi có vấn đề phát sinh về quyền con người), kỳ họp có hiệu lực với ít nhất 2/3 số ủy viên có mặt và các quyết định của SUHAKAM được thông qua với ít nhất 2/3 ủy viên đồng ý.
Kinh phí hoạt động của SUHAKAM lấy từ ngân sách nhà nước. Hàng năm SUHAKAM lên dự thảo nhu cầu ngân sách và trình lên Bộ Tài chính để phê duyệt, Bộ Tài chính cung cấp kinh phí hoạt động nhưng SUHAKAM hoàn toàn kiểm soát hoạt động chi tiêu nguồn tài chính được cấp.
Tựu trung lại, Ủy ban Nhân quyền của Malaysia - SUHAKAM đã được lập ra theo Đạo luật của Nghị viện năm 1999 (Đạo luật 597) và không có cơ sở về mặt hiến pháp. SUHAKAM có thẩm quyền hoạt động trên toàn lãnh thổ Malaysia, là một cơ quan hoạt động theo luật định, chịu trách nhiệm trước Nghị viện Malaysia thông qua việc nộp báo cáo hàng năm và bất cứ báo cáo đặc biệt nào khác cho cơ quan này. Tuy về mặt cơ chế, SUHAKAM độc lập, không chịu bất kỳ sự điều hành nào từ Chính phủ nhưng thực tế tài chính hoạt động và thành viên Ủy ban lại phụ thuộc vào Chính phủ. Mặc dù không có cơ sở hiến pháp, có sự lệ thuộc nhất định vào Chính phủ nhưng việc thành lập được một cơ chế độc lập về quyền con người của quốc gia là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người ở Malaysia.
Kết luận
Mặc dù, còn nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế cho rằng tình hình quyền con người ở Malaysia không hoàn toàn tích cực với những vi phạm quyền con người từ phân biệt đối xử chống lại các nhóm thiểu số về chủng tộc và tôn giáo, nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), người khuyết tật và phụ nữ đến các đạo luật và sắc lệnh khẩn cấp cho phép bắt giữ và giam giữ kéo dài trong trường hợp không có sự xem xét của cơ quan tư pháp, v.v.. nhưng vẫn có thể thấy được chính quyền Malaysia đã có những nỗ lực trong việc thiết lập và phát triển các cơ chế bảo vệ quyền con người. Các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Liên bang về cơ bản đáp ứng chuẩn mực pháp luật quốc tế. Cơ chế quốc gia về quyền con người của Malaysia (SUHAKAM 1999) đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiểu biết về quyền con người trong nhân dân, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách về quyền con người, mở rộng giáo dục quyền con người và góp phần bảo vệ quyền con người ở Malaysia. Tuy nhiên, các phát hiện và khuyến nghị của Ủy ban không có tính ràng buộc và tính độc lập của cơ quan này bị hạn chế bởi sự phụ thuộc về tài chính, nhân sự vào Chính phủ.

TS. Trần Thị Hồng Lê

Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Thị Tố Uyên

Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

----

Tài liệu trích dẫn
(1) Thông tin công bố bởi Bộ Thông tin Malaysia tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ Malaysia , link: https://www.malaysia.gov.my/portal/content/142, truy cập ngày 10/01/2023.
(2) Khai thác trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Ngân hàng Thế giới, link: https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.TOTL?locations=MY, truy cập ngày 10/01/2023.
(3) Thông tin công bố bởi Bộ Thông tin Malaysia tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ Malaysia, link: https://www.malaysia.gov.my/portal/content/30114, truy cập ngày 10/01/2023.
(4) Bộ Thông tin Malaysia, Tổng quan lịch sử Malaysia, Cổng thông tin điện tử Chính phủ Malaysia, link: https://www.malaysia.gov.my/portal/content/30120, truy cập ngày 10/01/2023.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư liệu về “các nước, vùng lãnh thổ”, trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Link truy cập: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/cac-nuoc-vung-lanh-tho/chau-a/ma-lai-xi-a-malaysia-1058, truy cập 12/01/2023.
(6) Toàn văn Hiến pháp Liên bang Malaysia và các chỉnh sửa đăng trên trang chủ của Hội đồng Nghị viện châu Á  (APA), link tải toàn văn Hiến pháp: https://www.asianparliament.org/uploads/Country/Members/malaysia/malaysia%20const.pdf. Bản dịch tiếng Việt của Hiến pháp Liên bang Malaysia do Trường Đại học Luật Hà Nội biên dịch, NXB Công an nhân dân xuất bản năm 2011.
(7) Toàn văn Đạo luật 597  lưu trữ trên trang chủ của Ủy ban Nhân quyền Malaysia - SUHAKAM tại link: https://web.archive.org/web/20120523170800/http://www.suhakam.org.my/act597.
(8) Thông tin trên trang chủ của Ủy ban Nhân quyền Malaysia - SUHAKAM: https://suhakam.org.my/about-us/, truy cập 12/01/2023.
(9) Frauke Lisa Seidensticker - Anna Wuerth (2010), Cơ quan nhân quyền quốc gia - Mô hình, Chương trình, Thách thức và Giải pháp - Nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tr.10.