Bài viết này phân tích hệ thống pháp luật của Phần Lan về quyền của người cao tuổi. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm quyền của người cao tuổi trước tác động của già hóa dân số.

1. Bối cảnh xã hội Phần Lan
Theo số liệu tháng 1 năm 2022, dân số Phần Lan là 5.551.798 người và là một trong những quốc gia dân cư thưa thớt nhất châu Âu. Với mật độ dân số chỉ khoảng 18 người/km², Phần Lan trở thành quốc gia có mật độ dân cư thấp nhất trong các nước Liên minh châu Âu1.  Quốc gia này có nền kinh tế công nghiệp hiện đại với GDP bình quân đầu người ngang bằng Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển và Ý với ngành kinh tế chính là công nghiệp chế tạo gỗ, kim loại, xây dựng, viễn thông và điện tử. Phần Lan giữ thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục, khả năng cạnh tranh kinh tế, tự do dân chủ, chất lượng cuộc sống và phát triển con người. Đất nước này đã xây dựng được một nhà nước phúc lợi rộng rãi dựa trên mô hình Bắc Âu, đem lại sự hưởng thụ cho toàn dân và trở thành một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. 
Một đặc điểm khác trong xã hội Phần Lan đó là dân số đất nước này đang già đi theo chiều hướng mà số lượng người trong độ tuổi lao động và trẻ em ngày càng giảm, trong khi số lượng dân số già ngày càng tăng. Theo Thống kê Phần Lan vào cuối năm 2020, khoảng 23% dân số Phần Lan trên 65 tuổi2. Thực trạng này dẫn tới, người cao tuổi trong xã hội Phần Lan đã và đang được khẳng định một vai trò quan trọng và người về hưu sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong các hợp đồng lao động (tuổi lao động sẽ kéo dài hơn so với các quốc gia đang phát triển) cũng như các hoạt động đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội.
Về chính sách an sinh xã hội, người cao tuổi về hưu ở Phần Lan được chăm sóc tốt với dịch vụ chất lượng cao, còn người thất nghiệp được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp, người khuyết tật được cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao như các thiết bị đặc biệt, chân tay giả... được cung cấp miễn phí, chế độ chăm sóc khi ốm đau cũng không phải trả phí hoặc chi trả chi phí thấp tại tất cả hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế.
2. Một số đạo luật về quyền của người cao tuổi ở Phần Lan
a) Đạo luật phúc lợi xã hội 20143
Phúc lợi xã hội ở Phần Lan dành cho tất cả các cá nhân cư trú tại quốc gia này, trong đó, bao gồm người cao tuổi. Những chủ thể này sẽ được hưởng các quyền lợi liên quan đến dịch vụ xã hội và y tế, an ninh thu nhập. Đạo luật phúc lợi xã hội (13/01/2014) quy định các dịch vụ liên quan đến người cao tuổi bao gồm: công việc gia đình; dịch vụ tại nhà; dịch vụ nhà ở4. 
(i) Công việc gia đình
Công việc gia đình có nghĩa thuê người làm, hỗ trợ, giúp đỡ công việc gia đình có trả phí nhằm thúc đẩy sự hạnh phúc của gia đình.
(ii) Dịch vụ tại nhà
Dịch vụ chăm sóc tại nhà là dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng tại nhà và các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp trên cơ sở bệnh tật, thương tật, khuyết tật hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một số loại hình dịch vụ tại nhà bao gồm: (1) Dịch vụ tại nhà giúp người cao tuổi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như giặt giũ, thay quần áo và ăn uống; (2) Điều dưỡng tại nhà cho người cao tuổi là hoạt động điều dưỡng và phục hồi chức năng diễn ra tại nhà, trong trường hợp này, điều dưỡng sẽ đến thăm khám tại nhà theo đơn của bác sỹ; (3) Các dịch vụ hỗ trợ có sẵn, bao gồm các dịch vụ ăn uống, dọn dẹp, mua sắm, an ninh và vận chuyển. Nếu người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc tại nhà thì liên hệ với đơn vị chăm sóc tại nhà nơi mà cá nhân đó đang cư trú.
(iii) Dịch vụ nhà ở
Ở Phần Lan, các thành phố tự quản tổ chức nhiều dịch vụ nhà ở cho người cao tuổi để giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, tuy nhiên, đặc biệt khuyến khích người cao tuổi sống trong nhà riêng của họ càng lâu càng tốt. Dịch vụ nhà ở bao gồm 3 loại: dịch vụ nhà ở được hỗ trợ, nhà ở dịch vụ và nhà ở dịch vụ nâng cao. Thứ nhất, nhà ở được hỗ trợ là loại hình được cung cấp cho những người cần hỗ trợ để sống độc lập như người già, người già khuyết tật, người thiểu năng trí tuệ, những người đang hồi phục sau các vấn đề về tâm thần... dưới dạng nhà ở thuộc sở hữu của người dân, nhà cho thuê hoặc một số loại nhà ở khác. Thứ hai, nhà ở dịch vụ là loại hình nhà ở cung cấp cho những người cần nhà ở phù hợp và được chăm sóc, bảo dưỡng theo nhu cầu của khách hàng, dành cho những người cần sự giúp đỡ thường xuyên. Thứ ba, nhà ở dịch vụ nâng cao được cung cấp cho những người cần được chăm sóc và quan tâm suốt ngày đêm, cho phép người già được trợ giúp khi cần thiết. Nhà ở được hỗ trợ và nhà ở dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tư nhân. Nhà ở dịch vụ bao gồm cả nhà ở và các dịch vụ liên quan đến nhà ở, người cư trú tự thanh toán chi phí nhà ở của mình. Nhà ở dịch vụ có thể được tổ chức dưới dạng nhà ở thông thường, nhà dịch vụ, khối dịch vụ hoặc các hình thức nhà ở khác. Người cao tuổi sẽ được sinh sống trong ngôi nhà độc lập và nhận được các dịch vụ để có thể sống ở đó. Các dịch vụ bao gồm: viện trợ gia đình, dịch vụ ăn uống, vệ sinh cá nhân, an ninh và chăm sóc sức khỏe.
(iv) Dịch vụ chăm sóc tại cơ sở chăm sóc ngắn hạn hoặc dài hạn
Dịch vụ này được hiểu là các hoạt động chăm sóc xã hội của các Viện dưỡng lão khi người cao tuổi đủ các điều kiện như không đảm bảo về sức khỏe và có nhu cầu cần được chăm sóc hoặc có những nguy cơ liên quan đến vấn đề an toàn của người cao tuổi. Các dịch vụ của cơ sở có thể được sắp xếp ngắn hạn hoặc liên tục, vào ban ngày, vào ban đêm hoặc suốt ngày đêm.  Khi cung cấp các dịch vụ tại cơ sở, người cao tuổi phải được phục hồi chức năng, chăm sóc và quan tâm theo nhu cầu cá nhân của họ. Ngoài ra, cần phải nỗ lực để cung cấp cho người cao tuổi một môi trường sống an toàn, giản dị và đầy hứng khởi, cho phép sự riêng tư và thúc đẩy khả năng phục hồi, tự lực và khả năng hoạt động
(v) Dịch vụ hỗ trợ di chuyển
Dịch vụ hỗ trợ di chuyển, vận chuyển theo cuộc gọi và dịch vụ được cung cấp cho những người không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách độc lập vì bệnh tật, thương tật hoặc lý do khuyết tật tương tự khác và những người cần dịch vụ do công việc hoặc nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống hàng ngày.
b) Đạo luật chăm sóc gia đình 20155
Mục đích ra đời của Đạo luật chăm sóc gia đình là tạo cơ hội việc làm cho người chăm sóc gia đình và cung cấp nhu cầu được chăm sóc cho khách hàng (bao gồm cả người cao tuổi), tạo ra các mối quan hệ pháp lý chặt chẽ giữa các cá nhân. Đạo luật này áp dụng đối với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc hoặc dịch vụ chăm sóc bán thời gian hoặc 24/24 giờ cho một người tại nhà riêng của người chăm sóc gia đình hoặc tại nhà của người được chăm sóc. Chăm sóc gia đình được chia thành 2 loại: chăm sóc gia đình thông thường (được phép chăm sóc tối đa 4 người) và chăm sóc gia đình chuyên nghiệp (được phép chăm sóc tối đa 7 người)6. Chăm sóc gia đình thông thường là việc cung cấp dịch vụ chăm sóc hoặc chăm sóc bán thời gian hoặc 24/24 giờ tại nhà riêng của người chăm sóc gia đình hoặc tại nhà của người được chăm sóc. Chính quyền hoặc hiệp hội các thành phố có trách nhiệm ký kết thỏa thuận phân công với người chăm sóc gia đình hoặc thỏa thuận về việc sắp xếp việc chăm sóc gia đình với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình tư nhân. Chăm sóc gia đình chuyên nghiệp là dịch vụ chăm sóc gia đình được cung cấp trên cơ sở giấy phép với sự chứng nhận về tính chuyên nghiệp. Về điều kiện của người chăm sóc, chính quyền sẽ đánh giá cá nhân đó dựa trên cơ sở trình độ học vấn, kinh nghiệm hoặc phẩm chất cá nhân xem có phù hợp để cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình hay không7. Tiếp đó, một người có ý định trở thành người chăm sóc gia đình phải hoàn thành khóa đào tạo do Chính quyền yêu cầu. Chính quyền nơi cá nhân đó cư trú sẽ là chủ thể sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến tiền công trả, huấn luyện, đào tạo cho người chăm sóc gia đình, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình tư nhân. Về quyền lợi, người chăm sóc gia đình sẽ được trả phí hàng tháng theo sự thỏa thuận với chính quyền, được thăm khám sức khỏe, được hưởng lương hưu theo quy định của Đạo luật Hưu trí.
c) Đạo luật hỗ trợ chức năng của dân số người cao tuổi và các dịch vụ xã hội và y tế cho người cao tuổi 20128
Đây là đạo luật chuyên biệt dành riêng cho người cao tuổi. Trong đạo luật này, dân số cao tuổi là dân số trong độ tuổi được hưởng lương hưu, người cao tuổi có nghĩa là người bị suy giảm chức năng thể chất, nhận thức, tinh thần hoặc xã hội do bệnh tật hoặc chấn thương bắt đầu, tăng lên hoặc xấu đi theo tuổi già, hoặc do thoái hóa liên quan đến tuổi già. Mục đích của luật là (i) hỗ trợ hạnh phúc, sức khỏe, năng lực chức năng và hoạt động độc lập của người cao tuổi; (ii) cải thiện khả năng tiếp cận của người cao tuổi với các dịch vụ xã hội và y tế chất lượng cao và hướng dẫn sử dụng các dịch vụ sẵn có khác phù hợp với nhu cầu cá nhân của họ.9 Về trách nhiệm của nhà nước, chính quyền phải xây dựng kế hoạch các biện pháp hỗ trợ phúc lợi, sức khỏe, năng lực chức năng và khả năng hoạt động độc lập của người cao tuổi, tổ chức và phát triển các dịch vụ và chăm sóc gia đình cần thiết cho người cao tuổi. Trong đó, việc lập kế hoạch phải nhấn mạnh các biện pháp thúc đẩy sinh hoạt và phục hồi chức năng tại nhà và sẽ bao gồm10:
Một là, đánh giá tình trạng hạnh phúc của người cao tuổi, mức độ đầy đủ và chất lượng của các dịch vụ dành cho người cao tuổi và các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu dịch vụ của người cao tuổi;
Hai là, xác định các mục tiêu để hỗ trợ sức khỏe, năng lực chức năng và hiệu quả hoạt động độc lập của người cao tuổi và phát triển số lượng và chất lượng của các dịch vụ cung cấp cho người cao tuổi;
Ba là, xác định các biện pháp mà chính quyền chịu trách nhiệm thực hiện và đánh giá các nguồn lực cần thiết của địa phương để thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy hạnh phúc cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức phúc lợi xã hội có nghĩa vụ đánh giá mức độ đầy đủ và chất lượng của các dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi. Để làm được điều này, phải thường xuyên thu thập thông tin phản hồi từ người sử dụng dịch vụ, người thân và những người thân thiết của người cao tuổi, nhân viên của thành phố để đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội của người cao tuổi.
Các dịch vụ cung cấp cho người cao tuổi phải có chất lượng cao và được quan tâm, chăm sóc chu đáo, đội ngũ nhân viên đầy đủ và chuyên nghiệp, quản lý có năng lực.

Chăm sóc người già cần có các biện pháp tổng thể. Nguồn: dangcongsan.vn.

d) Đạo luật chăm sóc sức khỏe 201011, Luật về tình trạng quyền của bệnh nhân 199212,  Đạo luật bảo hiểm y tế 200413
Trong Đạo luật chăm sóc sức khỏe 2010, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được định nghĩa là dịch vụ nhằm nâng cao sức khỏe và phúc lợi cho con người bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt. Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp cho tất cả các thường trú nhân với chi phí khá thấp và bất kể tình hình tài chính của họ. Dịch vụ này xuất phát từ ý tưởng thiết lập tính phổ biến của nhà nước phúc lợi gắn liền với nguyên tắc mọi người được đảm bảo sức khỏe cho tương lai và quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe bình đẳng cho tất cả mọi người. 
Điều 25 Đạo luật về tình trạng quyền của bệnh nhân 1992 đã đưa ra một số hình thức chăm sóc tại nhà cho tất cả bệnh nhân, trong đó, bao gồm người cao tuổi14. Quy định này được đánh giá là rất thuận tiện cho người cao tuổi với đặc tính sức khỏe yếu, khả năng đi lại hạn chế. Cụ thể, chính quyền địa phương phải sắp xếp dịch vụ điều dưỡng tại nhà cho các cư dân trong khu vực của mình. Điều dưỡng tại nhà là một dịch vụ y tế và điều dưỡng đa chuyên môn được cung cấp tại nơi cư trú của bệnh nhân. Về tài chính chăm sóc sức khỏe, Phần Lan có một hệ thống hỗn hợp, trong đó chăm sóc sức khỏe dựa trên thuế và bảo hiểm nhà nước. Luật quy định tất cả công dân đều được bảo hiểm khi đau ốm, người được bảo hiểm chỉ cần chi trả một khoản chi phí thấp. Nội dung này được quy định cụ thể tại Đạo luật bảo hiểm y tế 2004, theo đó tất cả cá nhân sinh sống tại Phần Lan đều được quyền điều trị và được hưởng bảo hiểm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng, được nhận khoản hoàn trả cho chi phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua thuốc và chi phí đi lại liên quan đến điều trị y tế với điều kiện họ đã lao động hoặc tự kinh doanh ở Phần Lan ít nhất 4 tháng. Một đặc điểm trong xây dựng quy phạm pháp luật bảo hiểm của Phần Lan đó là nhóm đối tượng tham gia vào các quan hệ hôn nhân sẽ được thanh toán mức phí bảo hiểm cao hơn nhóm đối tượng không tham gia vào quan hệ hôn nhân, có tính đến yếu tố dễ bị tổn thương (sống một mình, độc thân). Cụ thể: Người cao tuổi sống độc thân có một con được thanh toán 92% thu nhập khi ốm đau, trong khi, người cao tuổi sống độc thân không có con được thanh toán 77% thu nhập khi đau ốm. Đối với những gia đình có cả vợ chồng và con, mức thanh toán bảo hiểm khi ốm đau của người cao tuổi là khoảng 90% thu nhập thực tế. Quỹ bảo hiểm ốm đau chủ yếu do nhà nước chi trả; người nhận được quyền lợi bảo hiểm có nghĩa vụ nộp 2% thuế thu nhập, chủ sử dụng lao động nộp 1% lương của người lao động.
Trong Luật về tình trạng quyền của bệnh nhân 1992, bệnh nhân nói chung và người cao tuổi nói riêng có quyền được chăm sóc sức khỏe tốt, được hưởng dịch vụ y tế và điều trị: mọi người thường trú tại Phần Lan có quyền, không bị phân biệt đối xử, nhân phẩm được tôn trọng, niềm tin cũng như quyền riêng tư được tôn trọng, được chăm sóc sức khỏe và y tế có chất lượng tốt theo yêu cầu của tình trạng sức khỏe của họ15. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải được giải thích về tình trạng sức khỏe của mình, tầm quan trọng của việc điều trị, các lựa chọn điều trị khác nhau và tác dụng của chúng cũng như các khía cạnh khác của phương pháp điều trị có liên quan đến quyết định điều trị của họ. Trong trường hợp, người bệnh không hài lòng với sức khỏe của mình và việc chăm sóc y tế hoặc điều trị thì người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp, người thân  có quyền phản ánh với giám đốc có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của đơn vị chức năng. 
e) Đạo luật về xử lý điện tử dữ liệu khách hàng chăm sóc sức khỏe và xã hội 202116, Đạo luật tài liệu chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội 201517
Đạo luật tài liệu chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội 2015 quy định việc ghi lại dữ liệu khách hàng và các nghĩa vụ liên quan trong dịch vụ chăm sóc xã hội. Theo quy định của pháp luật, những người làm công tác chăm sóc khách hàng xã hội phải ghi và lưu trữ thông tin khách hàng trong hồ sơ khách hàng một cách nhất quán trên mạng xã hội, được áp dụng cho cả các thành viên nhà nước và tư nhân. Luật pháp thống nhất về nội dung thông tin, việc chuẩn bị, lưu trữ và xử lý các tài liệu chăm sóc khách hàng xã hội. Nhân viên chăm sóc xã hội có nhiệm vụ ghi lại thông tin cần thiết và đầy đủ để đảm bảo sự hỗ trợ, tổ chức, lập kế hoạch, thực hiện và giám sát chăm sóc xã hội của bệnh nhân. Các chuyên gia xã hội và chăm sóc sức khỏe sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng được lưu trữ điện tử trên cơ sở quyền truy cập của họ. Đạo luật về xử lý điện tử dữ liệu khách hàng chăm sóc sức khỏe và xã hội 2021 quy định dữ liệu điện tử về chẩn đoán và lý do thăm khám, rủi ro, kết quả xét nghiệm, tiêm chủng, thủ thuật, dữ liệu thuốc, các phép đo sinh lý và nghiên cứu hình ảnh được ghi lại trong mã thủ tục, dữ liệu chức năng được cung cấp cho tất cả các bệnh viện khi bệnh nhân đến thăm khám. Một cá nhân có thể lưu trữ những dữ liệu liên quan đến cá nhân thông qua ứng dụng phúc lợi và có quyền quyết định về tính riêng tư của dữ liệu cá nhân đó.
f) Đạo luật hỗ trợ và dịch vụ người khuyết tật 1987 (sửa đổi, bổ sung 2008) 
 Chính quyền địa phương cung cấp một số quyền lợi cho người cao tuổi khuyết tật như hoàn trả các chi phí phát sinh từ việc sử dụng trợ lý cá nhân cho người khuyết tật nặng, phát phiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội cho người khuyết tật, mua các dịch vụ trợ giúp cho người khuyết tật từ một nhà cung cấp dịch vụ công hoặc tư nhân (Mục 8d). Cụ thể, người khuyết tật nặng sẽ được hỗ trợ miễn phí phương tiện như xe lăn, thiết bị trợ thính cho người khiếm thính, gậy trắng và chó dẫn đường cho người khiếm thị. Trong trường hợp căn hộ của người khuyết tật nặng cần được cải tạo hoặc cần lắp đặt các thiết bị hỗ trợ cố định, có thể nhận được tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ví dụ, căn hộ có thể được chuyển đổi để có thể sử dụng xe lăn, các thiết bị hỗ trợ cố định cũng như chuông báo cháy dành cho người khiếm thính và chuông cửa có âm thanh được thay thế bằng ánh sáng. Về phương tiện di chuyển, người khuyết tật nếu không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì có thể được hưởng dịch vụ vận chuyển thông qua việc đăng ký dịch vụ từ nhân viên xã hội hoặc sẽ được giảm giá vé nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Về yêu cầu  trợ lý riêng vì tình trạng khuyết tật của bản thân, người khuyết tật sẽ được hưởng dịch vụ này và chính quyền địa phương sẽ chi trả khoản lương cho trợ lý. Ngoài ra, trong Đạo luật về quyền của người khuyết tật 2007, trợ cấp dành cho người khuyết tật được phần chia thành 2 nhóm: trẻ em dưới 16 tuổi và người trên 16 tuổi (trong đó bao gồm cả người cao tuổi). Người cao tuổi là người khuyết tật sẽ được hưởng 2 nguồn trợ cấp: trợ cấp khuyết tật cho người trên 16 tuổi và trợ cấp chăm sóc cho người hưu trí (lương hưu quốc gia hoặc lương hưu cho người già).
g) Luật Hưu trí quốc gia 200719
Tại Điều 6 Luật Hưu trí quốc gia, một người từ đủ 65 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi, cư trú tối thiểu là 5 năm hoặc thường trú tại Phần Lan sẽ được hưởng lương hưu nghề nghiệp và tiền tuất. Quy định về lương hưu nghề nghiệp sẽ được quy định chi tiết tại các Luật cụ thể như Đạo luật lương hưu của nhân viên 2006, Đạo luật lương hưu khu vực công 2006, Đạo luật lương hưu của các doanh nhân nông nghiệp 2006, Đạo luật lương hưu của doanh nhân 2006, Đạo luật lương hưu của thuyền viên 2006, Đạo luật về nhà thờ Chính thống giáo 2006, Đạo luật về quyền của các thành viên Chính phủ 1977, Đạo luật về trợ cấp hưu trí và điều chỉnh của thành viên Nghị viện 1967...
Bên cạnh đó, Luật còn quy định khoản lương hưu quốc gia (lương hưu tuổi già) đối với chủ thể này. Bất cứ một cá nhân nào từ đủ 65 tuổi trở lên cư trú ít nhất ở Phần Lan 6 tháng hoặc thường trú tại Phần Lan hoặc là công dân Phần Lan nhưng cư trú ở quốc gia khác sẽ được hưởng lương hưu quốc gia và tiền tuất. Đối với cá nhân đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cá nhân từ đủ 62 tuổi trở lên sẽ được nhận lương hưu quốc gia.
Như vậy, hệ thống lương hưu ở Phần Lan được chia làm 2 loại, gồm: lương hưu nghề nghiệp và lương hưu quốc gia. Cá nhân làm việc tại Phần Lan dựa theo các quy định của pháp luật có thể được hưởng 2 hệ thống lương hưu gồm lương hưu nghề nghiệp (nếu thỏa mãn các quy định của pháp luật về lương hưu nghề nghiệp) và lương hưu quốc gia. Cá nhân cư trú ít nhất 3 năm hoặc thường trú ở Phần Lan hoặc công dân Phần Lan sinh sống ở nước ngoài từ đủ 65 tuổi trở lên sẽ được hưởng lương hưu quốc gia; đối với người thất nghiệp thì độ tuổi được hưởng lương hưu quốc gia là 62.  Đối với nhóm người góa bụa sẽ được hưởng lương hưu nghề nghiệp (nếu có), lương hưu quốc gia và lương dành cho người góa bụa.
3. Một số bài học cho Việt Nam
Theo Thông cáo báo chí kết quả chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục thống kê năm 2019, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2026 và thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Tiếp đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%20. Vì vậy, khi xây dựng pháp luật về bảo đảm quyền của người cao tuổi trước tác động của già hóa dân số, Việt Nam có thể rút ra một số kinh nghiệm xây dựng pháp luật của Phần Lan như sau:
Thứ nhất, mở rộng thêm dịch vụ chăm sóc tại nhà dành cho người cao tuổi, ví dụ như: dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi thực hiện các hoạt động hàng ngày như giặt giũ, thay quần áo, ăn uống hoặc điều dưỡng và phục hồi chức năng tại nhà (hay nói cách khác là hoạt động điều dưỡng tại nhà); dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần quy định một cơ quan nhà nước có nghĩa vụ làm trung gian giới thiệu giữa người cao tuổi (người có nhu cầu) và người hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi.
Thứ hai, bảo đảm quyền của người cao tuổi cần hướng tới chất lượng dịch vụ tốt, thỏa mãn được nhu cầu người cao tuổi. Việc thực hiện quyền con người phụ thuộc vào trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, giải pháp này mang tính lâu dài, có tính đến sự phát triển kinh tế và sự phát triển nhận thức về quyền của mỗi cá nhân. 
Thứ ba, xây dựng các quy định của pháp luật về dữ liệu khách hàng nói chung và dữ liệu khách hàng là người cao tuổi nói riêng. Đây là một giải pháp nhằm giải quyết sự rườm rà, phức tạp của thủ tục hành chính và có ý nghĩa rất thiết thực trên thực tiễn. Bởi vì, nếu có dữ liệu khách hàng, ví dụ: hồ sơ, bệnh án của người già được lưu trữ và các bệnh viện được phép truy cập thông tin này sẽ tạo sự thuận lợi cho cá nhân đến khám bệnh tại các cơ sở bệnh viện, tránh  sự thăm khám lại không cần thiết. Qua đó, quyền của người già được đảm bảo và ngân sách y tế được kiểm soát minh bạch, hạn chế sự lãng phí, một phần chống lại nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế.
Thứ tư, bổ sung thêm một số quy định về người lao động là người giúp việc ở trong gia đình. Hiện nay, chế định người lao động là người giúp việc ở trong gia đình được quy định tại khoản 2 Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019 và Chương X - Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Tuy nhiên, quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc thiết lập hợp đồng giữa người giúp việc với người có nhu cầu thuê người giúp việc, chưa có những yêu cầu, tiêu chuẩn dành riêng cho người lao động giúp việc như phải trải qua  khóa đào tạo sơ cấp về chăm sóc gia đình dành cho người già, hay sự đánh giá cụ thể dựa trên cơ sở trình độ học vấn, kinh nghiệm hoặc phẩm chất cá nhân xem có phù hợp để cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình hay không. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải phân chia thành các loại: lao động giúp việc thông thường và lao động giúp việc chuyên sâu. Trên cơ sở đó, người có nhu cầu có thể dễ dàng lựa chọn những loại hình chăm sóc phù hợp với tình hình hiện tại của họ.

ThS. Nguyễn Phương Nhung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.16. Ngoài ra, BLHS Liên bang Nga đã được sửa đổi, bổ sung lần mới nhất vào ngày 01/7/2021, xem: https://www.imolin.org/doc/amlid/Russian_Federation_Criminal_Code.pdf, truy cập 18/5/2022.
(2) Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.50.
(3) Ngoài trường hợp phòng vệ chính đáng, các nhà làm luật Liên bang Nga còn quy định những trường hợp loại trừ tính chất phạm tội của hành vi khác như: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 38); tình thế cấp thiết (Điều 39); cưỡng bức về thể chất và tinh thần (Điều 40); mạo hiểm có căn cứ (Điều 41) và thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ thị (Điều 42). Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.52-56.
(4) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Thụy Điển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.228.
(5) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Thụy Điển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.228.
(6) Xem: Trần Thị Hiển (dịch), BLHS Nhật Bản, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011, tr.65-68.
(7) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(8) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(9) Xem: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (dịch), Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.48.
(10) Xem thêm: Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.530-542.
(11) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.175-176.
(12) Xem: Trịnh Tiến Việt, Hoàn thiện quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 2015 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Tạp chí Pháp luật về Quyền con người, số 01/2021, tr.48-51.
(13) Lưu ý, trước đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có các văn bản hướng dẫn quy định hướng dẫn vấn đề này nhưng là cụm từ “tương xứng”, còn bây giờ là sử dụng “cần thiết” như: Chỉ thị số 07/CT ngày 22/12/1983 về việc xét xử các hành xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ; Phần II Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985”, gần đây là Tài liệu hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015, nhưng chưa có văn bản pháp quy giải thích chính thức như thế nào là “cần thiết”...
(14) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(15) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(16) Xem: Trịnh Tiến Việt, TNHS và loại trừ TNHS, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.352-353.