Quyền con người là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài của lịch sừ nhân loại vì tự do, công bằng và phát triển. Việc dựa vào những chuẩn mực và nguyên tắc về quyền con người làm mục tiêu hướng đến trong các hoạt động được Liên hợp quốc gọi là “Tiếp cận dựa trên quyền con người”. Ở Việt Nam, lồng ghép quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành đang trở thành nhu cầu và xu thế của các cơ sở đào tạo về Luật. Lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật Cạnh tranh là nội dung mới, phức tạp đòi hỏi giảng viên có cái nhìn tổng quát, đa ngành để giúp người học hiểu được vai trò của Luật Cạnh tranh trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền con người.

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hòa Bình. Nguồn: daihochoabinh.edu.vn

1. Khái quát về lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật cạnh tranh

a) Khái niệm về lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật cạnh tranh

 Quyền con người là một khái niệm đã được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm trong lịch sử. Tri thức về quyền con người có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội cũng như là tiền đề cho sự phát triển đầy đủ về nhân cách và năng lực của mỗi cá nhân. Ở phạm vi rộng hơn, tri thức về quyền con người là tiền đề cho hòa bình và thịnh vượng của toàn nhân loại. Ngay từ thời cổ đại đã xuất hiện tư tưởng về quyền tự nhiên xuất phát từ các nhà tư tưởng Hy Lạp và La Mã như Aristotle, Cicero với những quan điểm tiến bộ như “mọi người đều bình đẳng”, “tự nhiên không sinh ra ai để làm trái với bản tính của mình”[1]. Trong hệ tư tưởng tôn giáo lớn như Phật giáo, Hồi giáo, Kitoo giáo cũng đề cao giá trị của con người, khẳng định quyền bình đẳng của con người trước thần linh. Ở thời kỳ trung đại, với sự trỗi dậy của chế độ phong kiến, các nhà nước chủ yếu theo hình thức chính thể quân chủ, quyền lực tập trung vào tay nhà vua nên thời kỳ này quyền con người bị hạn chế. Tuy nhiên, các hệ tư tưởng về quyền con người vẫn âm thầm phát triển cho đến giai đoạn cuối của Nhà nước phong kiến với các cuộc đấu tranh chống lại nền quân chủ chuyên chế, giới quý tộc và nhà thờ thúc đẩy các nhà tư tưởng tư sản tiếp tục phát triển học thuyết luật tự nhiên, sử dụng luật tự nhiên như một công cụ đấu tranh nằm tách vấn đề nhà nước và pháp luật ra khỏi tôn giáo. Các tên tuổi nổi bật trong quá trình kế thừa và phát triển học thuyết về luật tự nhiên phải kể đến là Thomas Aquinas, Thomas Hobbes, Hugo Grotius, John Locke thế kỉ XVII - XVIII… đặt nền tảng cho sự nhận thức về quyền con người trong các cuộc cách mạng sau này[2]. Đến giai đoạn hiện đại, xuất hiện các cuộc cách mạng của giai cấp tư sản nổ ra khắp nơi như Anh, Pháp… đã lật đổ chế độ phong kiến, bác bỏ quyền lực tuyệt đối của nhà vua, đưa ra các tuyên ngôn về quyền tự do, bình đẳng như Tuyên ngôn độc lập ở Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp 1789. Đó là những văn bản có tính chất pháp lý quan trọng nhất, khẳng định quyền bất khả xâm phạm của con người, quyền tự do, quyền bình đẳng trước pháp luật. Vào thế kỷ XX, hệ thống luật nhân quyền quốc tế đã được ra đời. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên hợp quốc được thành lập với mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh thế giới và thúc đẩy quyền con người. Văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên thời kỳ này có thể kể đến là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 khẳng định quyền con người là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và không thể bị tước đoạt. Bên cạnh đó, có nhiều Công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 (Điều 13(1)), Công ước về quyền trẻ em năm 1989 (Điều 29(1, b)) và đặc biệt là trong Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Vienna (Áo) năm 1993 (các đoạn 78-82) … tạo nên một hệ thống luật nhân quyền toàn diện.

Như vậy, ở mỗi thời kỳ lịch sử, các dân tộc đều phải trải qua sự đấu tranh, hy sinh cũng vì quyền con người. Vấn đề quyền con người luôn là trung tâm của mọi cuộc cách mạng xã hội và tiến bộ của nhân loại. Trong khi lịch sử phát triển của xã hội loài người tùy thuộc vào từng hình thái kinh tế - xã hội khác nhauvấn đề quyền con người cũng được lý giải và thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau.

Có nhiều khái niệm về quyền con người đã được công bố, mỗi khái niệm tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra những thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người [3]. Có thể đưa ra khái niệm về quyền con người như sau: là tập hợp quyền cơ bản mà mỗi cá nhân khi sinh ra đã có, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội… hay bất kỳ một sự khác biệt nào khác.

Quyền con người là quyền tự nhiên mà bất kỳ cá nhân nào khi sinh ra cũng có, nhưng để hiện thực hóa quyền này trong cuộc sống cần phải được ghi nhận và đảm bảo thực thi trong pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, sự ghi nhận, bảo đảm thực thi quyền con người ở mỗi quốc gia có thể khác nhau ở từng giai đoạn[4]. Việc pháp luật ghi nhận quyền con người không phủ nhận bản chất đặc quyền tự nhiên mà nó còn phụ thuộc vào đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia. Ở mỗi quốc gia, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện khác nhau, nên hệ thống các quyền không hoàn toàn giống nhau, nhưng những quyền cơ bản nhất thì có sự tương đồng.

Dựa trên các tiêu chí khác nhau có thể chia quyền con người thành những nhóm khác nhau. Theo lý thuyết về thế hệ quyền, quyền con người được chia thành 3 nhóm gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội:

Nhóm thứ nhất, quyền con người trong lĩnh vực dân sự - chính trị: Nhóm quyền này giải quyết những vấn đề liên quan đến tự do và sự tham gia vào đời sống dân sự, chính trị của cá nhân bao gồm quyền được sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng...

Nhóm thứ hai, quyền con người trong lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa: Nhóm quyền này bảo đảm bình đẳng về điều kiện và đối xử đối với con người bao gồm các quyền như: quyền được làm việc, quyền được giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe, …

Nhóm thứ ba, quyền tập thể - phát triển: Nhóm quyền này được hình thành trên cơ sở quyền tập thể của một dân tộc hoặc một xã hội như quyền tự quyết dân tộc, quyền phát triển, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được sống trong hòa bình, …

Ở Việt Nam, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn giữ một vị trí quan trọng trong các bản Hiến pháp của nước ta. Lịch sử lập hiến của nước ta đã cho thấy sự kế thừa, phát huy các giá trị này qua từng bản Hiến pháp một cách khoa học và phù hợp, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Với nền móng đầu tiên là Luật Hiến pháp năm 1946 gồm 70 điều được chia thành 07 chương và lời nói đầu, trong đó, các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân được ghi nhận tại Chương II với tên gọi “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” gồm 18 điều. Luật Hiến pháp năm 1959 bao gồm 112 điều, trong đó, các nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Chương III với tên gọi “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gồm 21 điều. Luật Hiến pháp năm 1980 ghi nhận các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương V với tên gọi “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gồm 29 điều. Luật Hiến pháp năm 1992 ra đời phản ánh bước phát triển mới trong chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý[5]. Các nội dung về quyền, nghĩa vụ công dân vẫn được ghi nhận tại Chương V, gồm 34 điều. Đến Luật Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều đã đề cao vai trò của nhân dân hơn rất nhiều so với các bản Hiến pháp trước. Chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm 36 điều. Đây là chương có số lượng điều luật nhiều nhất trong Hiến pháp năm 2013.

Luật Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người gồm “về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quyền con người ở Việt Nam chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[6].

 Trên thế giới, pháp luật cạnh tranh ra đời dựa trên học thuyết cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, cùng với sự thừa nhận và đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Các quy định pháp luật cạnh tranh thời kỳ này chỉ tồn tại trong Bộ Luật Dân sự[7] của một số nước. Ở thời kỳ này, pháp luật cạnh tranh được xây dựng trên nguyên tắc của dân luật và được đảm bảo thực hiện bằng trách nhiệm dân sự. Đến cuối thế kỷ XIX, pháp luật cạnh tranh đã được mở rộng và có những thay đổi cơ bản về nội dung và phương pháp điều chỉnh. Sự xuất hiện của hiện tượng độc quyền kéo theo khủng hoảng tài chính, sự bóc lột người tiêu dùng làm tiền đề cho pháp luật chống độc quyền ra đời[8]. Cho đến nay, ngoài các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh của các nước, chế định chống hạn chế cạnh tranh luôn là nội dung quan trọng để Nhà nước điều tiết và bảo vệ cạnh tranh lành mạnh. Pháp luật cạnh tranh ngày càng được hoàn thiện theo thời gian và trở thành chế định pháp luật cơ bản của pháp luật kinh tế.

 Dưới góc độ là chế định pháp luật cơ bản của pháp luật kinh tế, luật cạnh tranh được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật cạnh tranh giữa các chủ thể

 Dưới góc độ quyền con người, luật cạnh tranh được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật cạnh tranh liên quan đến các quyền cơ bản của con người trong nền kinh tế thị trường như quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh, quyền gia nhập thị trường, quyền rút lui khỏi thị trường, quyền lợi của người tiêu dùng v.v…

 Quyền con người được cụ thể hóa trong Luật Cạnh tranh thành các quyền cơ bản của con người trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật Cạnh tranh là hoạt động của giảng viên bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên về Luật Cạnh tranh dưới góc độ quyền con người, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về tác động của Luật Cạnh tranh đến xã hội.

b) Vai trò của Luật cạnh tranh trong bảo vệ quyền con người

Quyền con người đã trở thành vấn đề phổ quát toàn cầu mà bất kì quốc gia, dân tộc nào đều phải tôn trọng và thực hiện. Đó là những giá trị cao quý nhất mà con người có được từ thành quả đấu tranh của nhân loại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Ở Việt Nam, người dân đã và đang được thụ hưởng quyền con người trên mọi lĩnh vực theo tinh thần các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận tại Chương 2, Luật Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh xu thế hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả và tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Có thể thấy, quyền con người hiện nay được tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện và có sự gắn kết quyền con người, quyền công dân với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việc quy định quyền con người trong đạo luật cao nhất của Việt Nam là Luật Hiến pháp 2013, là cớ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa quyền con người tại từng đạo luật chuyên ngành. Mỗi đạo luật sẽ tiếp cận quyền con người dưới góc độ khác nhau như Luật Hình sự với vai trò là một công cụ để nhà nước quản lý xã hội, răn đe, phòng ngừa tội phạm và trừng trị người phạm tội nên quyền con người được đề cập đến là quyền im lặng, nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe , tài sản… Luật Dân sự có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật dân sự nên quyền con người được tiếp cận là quyền được tự do cá nhân, quyền được bảo vệ về nhân thân và tài sản, quyền tự do đi lại, cư trú…

Tiếp cận quyền con người dưới góc độc Luật Cạnh tranh là cách tiếp cận mới mẻ trong tư duy pháp lý. Với vai trò là công cụ hữu hiệu nhất của Nhà nước để can thiệp, điều tiết cạnh tranh một cách có hiệu quả, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, Luật Cạnh tranh tiếp cận quyền con người thuộc nhóm quyền thứ hai: quyền trong lĩnh vực kinh tế mà cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện và bảo đảm cho cạnh tranh tồn tại là quy định về quyền tự do kinh doanh và quyền được tồn tại bình đẳng của các doanh nghiệp[9]. Bởi lẽ, chi khi nào các chủ thể được tự do gia nhập thị trường, tự do giao kết… thì các chủ thể tham gia thị trường mới có đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường, cạnh tranh mới tồn tại và phát huy sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Dưới góc độ quyền con người, Luật Cạnh tranh có vai trò như sau:

Thứ nhất, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Với tư cách là chế định đặc thù của nền kinh tế thị trường, Luật Cạnh tranh bảo vệ cạnh tranh bằng cách loại bỏ những hành vi mang tính phản cạnh tranh trên thị trường nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, tự do, lành mạnh cho các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, quyền gia nhập thị trường, quyết rút lui khỏi thị trường… Chỉ khi doanh nghiệp được đảm bảo những quyền này, họ mới có đủ động lực và năng lực để tham gia thị trường. Suy cho cùng, doanh nghiệp chính là những chủ thể quan trọng tạo ra giá trị của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, trên thực tế, thị trường luôn tồn tại những biểu hiện tiêu cực của cạnh tranh do thôi thúc từ việc tìm kiếm lợi nhuận, mong muốn tồn tại trên thị trường đã xâm hại đến trật tự kinh doanh, đe dọa đến lợi ích của đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh đảm bảo các doanh nghiệp được quyền tự do cạnh tranh trên thị trường miễn không vi phạm những quy định của Luật Cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi hạn chế cạnh tranh.

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng là một chủ thể quan trọng quyết định đến sự tồn tại của thị trường nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Do đó, vai trò quan trọng của Luật Cạnh tranh chính là bảo vệ quyền lợi của chủ thể có vị trí trung tâm này. Mặc dù không trực tiếp đưa ra các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thông qua việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh, quyền gia nhập thị trường… của doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh đã góp phần bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Bởi lẽ, để có thể tồn tại, các doanh nghiệp chạy đua tìm mọi phương thức để lôi kéo khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của mình. Do đó, khi càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường cạnh tranh bình đẳng thì người tiêu dùng càng có nhiều sự lựa chọn về giá cả và chất lượng. Mặt khác, trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường, có không ít các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đã lạm dụng sức mạnh đó để xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng như ép giá, không có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, quảng cáo sai sự thật, hứa thưởng gian dối… Thông qua việc đưa ra các quy định pháp luật để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Luật Cạnh tranh đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, quyền được thông tin…

Thứ ba, đảm bảo sự tự do của nền kinh tế thị trường, tạo môi trường cho cạnh tranh lành mạnh phát triển, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Pháp luật cạnh tranh có mục tiêu hạn chế quyền lực của thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước sức mạnh của doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh. Việc hạn chế quyền lực thị trường cũng đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng luôn có nhiều lựa chọn.

2. Nội dung lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật cạnh tranh tại Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình

a) Khái quát về môn Luật Cạnh tranh Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế tại Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình

 Trường ĐHHB là trường tư thục được thành lập ngày 28/02/2008 theo Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trường được đặt tại lô CC2, số 8 phố Bùi Xuân Phái, khu đô thị Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Khoa Luật - Trường Đại học Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 311/QĐ-ĐHHB ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình. Hiện nay, Khoa Luật đang đào tạo ngành Luật Kinh tế ở hệ Đại học và Sau đai học, cụ thể: Cử nhân ngành Luật Kinh tế và Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế.

 Đối với Chương trình đào tạo cử nhân Luật Kinh tế, Khoa Luật đã có 04 lần điều chỉnh, rà soát Chương trình đào tạo (2017,2019,2022,2024) theo Kế hoạch của Nhà trường ban hành. Đối với các phiên bản Chương trình đào tạo 2017, 2019, môn Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng được đưa vào giảng dạy cho sinh viên chính quy các khóa từ 2017 đến 2021. Sở dĩ có sự gắn kết giữa Luật Cạnh tranhLuật bảo vệ người tiêu dùng trong cùng một môn học là vì Khoa muốn truyền tải tới sinh viên mối liên hệ giữa 2 Luật này trong thực tế đời sống. Đến phiên bản Chương trình đào tạo năm 2022, môn Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng được tách ra thành 2 môn Luật Cạnh tranh và Luật bảo vệ người tiêu dùng, do Khoa nhận thấy ở bậc đào tạo cử nhân cùng với thực tiễn giảng dạy, việc lồng ghép 2 Luật này để giảng dạy với khối lượng là 03 tín chỉ chưa thực sự phù hợp với năng lực nhận thức của sinh viên.

 Đối với Chương trình đào tạo thạc sỹ Luật Kinh tế, Khoa Luật đã có 03 lần điều chỉnh, rà soát Chương trình đào tạo (2019, 2021, 2024). Qua cả 03 phiên bản, Khoa đều thống nhất đưa vào giảng dạy môn Pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở bậc thạc sỹ, dựa vào năng lực nhận thức của học viên, Khoa nhận thấy việc kết hợp giữa Luật Cạnh tranhLuật bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết và phù hợp. Môn học giúp học viên có kiến thức sâu và rộng hơn về Pháp luật cạnh tranh và bảo về quyền lợi người tiêu dùng, mà không chỉ giới hạn trong 2 Luật chuyên ngành.

 Như vậy, ở từng cấp bậc đào tạo, Khoa đã cân nhắc lộ trình giảng dạy Luật Cạnh tranh để phù hợp với năng lực nhận thức của người học từ thấp đến cao. Mặc dù không trực tiếp đề cập thành một Chương trong nội dung Chương trình, nhưng việc giảng dạy quyền con người trong Luật Cạnh tranh được lồng ghép vào nội dung của các Chương khi giảng dạy, nhằm truyền tải tới người học nội dung quyền con người được tiếp cận từ góc nhìn Luật Cạnh tranh.

b) Nội dung lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật cạnh tranh

 Như trên đã nêu, mặc dù chưa đưa pháp luật về quyền con người thành một học phần riêng biệt trong chương trình đào tạo hiện hành của cơ sở, tuy nhiên, thực tiễn giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo của Khoa đã có những tích hợp nội dung nhất định và bước đầu sinh viên đã hiểu và nắm bắt phần nào về các quyền con người, quyền công dân thông qua bài giảng của các môn học Luật chuyên ngành, trong đó có Luật Cạnh tranh.

 Xuất phát từ quan điểm quyền con người gắn với chủ thể nhất định là con người nói chung trong xã hội. Mỗi chủ thể lại có những quyền riêng gắn với các mối quan hệ xã hội nhất định, do đó, trong bài viết này, nội dung quyền con người trong giảng dạy Luật Cạnh tranh được tiếp cận theo chủ thể liên quan đến Luật Cạnh tranh bao gồm:

 Thứ nhất, chủ thể là doanh nghiệp: Doanh nghiệp là chủ thể chủ yếu của Luật Cạnh tranh. Doanh nghiệp theo nghĩa của Luật Cạnh tranh không đồng nhất với doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó, doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam[10]. Như vậy, theo Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng hơn rất nhiều. Đối với nhóm chủ thể này có những quyền sau:

 Quyền gia nhập thị trường: Cơ sở của quyền này xuất phát từ quyền tự do kinh doanh. Ở Việt Nam, năm 1992 “Quyền tự do kinh doanh” mới được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiến pháp và tiếp tục được tái khẳng định theo hướng rộng hơn trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Để có được những quy định này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam (11/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trọng tâm đổi mới là kinh tế, nhằm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với chủ trương đó, nền kinh tế nước ta đã có bước chuyển mình từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường với sự đa dạng về các thành phần kinh tế cùng các hoạt động kinh doanh, góp phần mạnh mẽ vào việc giải phóng thị trường, tăng quyền tự chủ kinh doanh của công dân. Muốn khởi sự kinh doanh, hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, mọi tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện những thủ tục pháp lý để gia nhập thị trường. Quyền gia nhập thị trường là một yếu tố của quyền tự do kinh doanh, được pháp luật thừa nhận, trong đó có Luật Cạnh tranh. Mặc dù không quy định trực tiếp thủ tục pháp lý liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp 2020, nhưng thông qua việc đưa ra các quy định cấm đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm như: Khoản 5, điều 11 về Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; khoản 6, điều 11 Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận; điểm d, đ, e, khoản 1, Điều 27 quy định cấm hành vi ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền.

 Quyền rút lui khỏi thị trường: Việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều không mong muốn, nhưng trong kinh doanh, đó là quy luật tất yếu với những doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh... Từ góc độ kinh tế gọi đây là sự sàng lọc tự nhiên, nhưng cần thiết vì nó buộc các doanh nghiệp phải liên tục tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh để đáp ứng sự vận động của thị trường... Chúng ta cũng không nên kỳ vọng tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường phải thật thấp bởi nó đi ngược với quy luật vận động và phát triển của thị trường. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp chủ động rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này để chuyển sang khởi nghiệp ở lĩnh vực khác tiềm năng hơn, phù hợp với họ hơn. Điều này giúp họ nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế... Pháp luật Việt Nam đảm bảo quyền rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp thông qua các quy định pháp luật liên quan như trình tự thủ tục giải thể, phá sản theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Phá sản 2014… Luật Cạnh tranh cũng đưa ra các quy định gián tiếp ghi nhận quyền rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp như quy định về các hình thức tập trung kinh tế, trong một số trường hợp tập trung kinh tế, doanh nghiệp sẽ chấm dứt tồn tại của mình trên thị trường (sát nhập, hợp nhất, mua lại).

 Quyền tự do cạnh tranh: Ở nước ta, quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp được quy định ngay từ khi Luật Cạnh tranh đầu tiên được ban hành. Điều 4 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh”. Quyền này tiếp tục được quy định tại Điều 5 Luật Cạnh tranh năm 2018, theo đó “Doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh”. Luật Cạnh tranh 2018 không đưa ra quy định cụ thể hướng dẫn các doanh nghiệp phải làm những gì để thực hiện quyền tự do cạnh tranh nhưng thông qua việc đưa ra các quy định cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi hạn chế cạnh tranh, Luật Cạnh tranh 2018 đã gián tiếp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự do thực hiện các hành vi cạnh tranh lành mạnh khác miễn không vi phạm điều cấm của pháp luật cạnh tranh.

 Thứ hai, chủ thể là người tiêu dùng: Người tiêu dùng không phải là chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh nhưng lại gián tiếp chịu sự ảnh hưởng của Luật này. Bởi xét cho cùng, các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường chủ yếu là khách hàng. Trên thị trường, người tiêu dùng giữ vị trí trung tâm, họ luôn được doanh nghiệp coi là “thượng đế”, doanh nghiệp tìm mọi cách lấy lòng khách hàng bằng cách đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất. Người tiêu dùng có quyền lực vô cùng lớn vì họ là người bỏ tiền ra để quyết định ai được tồn tại trên thị trường. Do đó, quyền tự cạnh tranh của doanh nghiệp là cơ sở tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà ở đó, người tiêu dùng có được thứ họ mong muốn là giá cả và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp tìm mọi cách hạ giá thành để lôi kéo khách hàng về phía mình. Doanh nghiệp sẽ dựa vào nhu cầu và sở thích của khách hàng để định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường của mình. Quyền của người tiêu dùng theo góc độ Luật Cạnh tranh bao gồm những quyền sau:

 Quyền được thông tin: Người tiêu dùng với vai trò trung tâm của thị trường, là người trực tiếp thụ hưởng giá trị của hàng hóa, dịch vụ có quyền được biết thông tin đầy đủ, chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà họ quyết định mua. Luật Cạnh tranh tuy không trực tiếp đưa ra các quy định này bảo vệ quyền này nhưng thông qua các quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, Luật Cạnh tranh đã bảo vệ quyền được thông tin của người tiêu dùng. Khoản 3, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018 cấm các doanh nghiệp có hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; điểm a, khoản 5, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018 cấm các doanh nghiệp lôi kéo khách hàng bằng cách Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác…

 Quyền tự do lựa chọn sản phẩm, dịch vụ: Luật Cạnh tranh 2018 không trực tiếp đưa ra các quy định nhằm bảo vệ quyền tự do lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng. Nhưng thông qua các quy định về bảo vệ quyền gia nhập thị trường, quyền rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh đã góp phần thanh lọc thị trường đồng thời đảm bảo sự đa dạng, tự do của nền kinh tế thị trường, nơi có “nhiều người mua, kẻ bán” thì những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự sẽ tồn tại. Và khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng và chất lượng đó của thị trường.

3. Phương pháp giảng dạy quyền con người trong giảng dạy Luật cạnh tranh tại Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình

 Việc xác định phương pháp giảng dạy là một trong những công cụ để giảng viên giúp người học đạt chuẩn đầu ra của môn học Luật Cạnh tranh. Theo Đề cương chi tiết môn học Luật Cạnh tranh được giảng dạy tại Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình có 04 chuẩn đầu ra, trong đó không trực tiếp đề cập đến nội dung quyền con người. Nội dung tiếp cận quyền con người vì thế cũng được lồng ghép trong các bài học của từng Chương liên quan. Hiện nay, việc giảng dạy quyền con người trong môn học Luật Cạnh tranh được thực hiện theo các phương pháp như: thuyết giảng, tình huống, dạy học theo nhóm.

 Phương pháp thuyết giảng: Thuyết giảng là một phương pháp truyền thống trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhưng mang lại hiệu quả rất cao và ngày nay vẫn được rất nhiều trường chọn làm phương pháp giảng dạy chính. Đối với ngành Luật kinh tế nói chung và môn Luật Cạnh tranh nói riêng, phương pháp này cũng là một trong những phương pháp không thể thiếu. Khi giảng dạy phần lý thuyết của môn học đòi hỏi giảng viên phải sử dụng phương pháp diễn giải nhằm giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn với kiến thức nền tảng để có thể học tốt hơn. Giảng viên sử dụng lời nói sinh động cùng với các phương tiện kỹ thuật thông tin, nghe - nhìn như máy tính, các phần mềm hỗ trợ để trình bày tài liệu học tập, nội dung môn học một cách có hệ thống. Nhà trường cũng đã trang bị hệ thống máy chiếu, tivi, âm thanh,... hiện đại nhằm phục cho việc học tập cũng như giảng dạy hiệu quả hơn. Phương pháp này cung cấp cho sinh viên những kiến thức được cấu trúc theo luật liên kết có sẵn giúp sinh viên có thể tiếp cận kiến thức đã được giảng viên truyền tải một cách hiệu quả.

 Phương pháp giảng dạy thông qua tình huống: Tiếp cận quyền con người dưới góc độ Luật Cạnh tranh vẫn là cách tiếp cận mới mẻ. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở phương pháp thuyết giảng, sinh viên sẽ khó hình dung. Thay vì giảng lý thuyết cho sinh viên, giảng viên có thể kết hợp với sinh viên để đặt ra tình huống, câu chuyện từ thực tế và những vụ việc thực tế đã được xét xử để từ đó sinh viên sẽ phân tích, thảo luận, cùng tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất. Giảng viên luôn tôn trọng ý kiến, cách giải quyết cũng như góc nhìn pháp lý riêng biệt của mỗi bạn sinh viên, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các bạn có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến môn học. Sự đa dạng của các tình huống sẽ khuyến khích sinh viên phát huy tính chủ động, sáng tạo và đem đến sự thoải mái về mặt tinh thần, giúp cho sinh viên có thể tiếp thu nội dung bài học một cách dễ dàng, sâu và nhớ lâu hơn.

 Phương pháp dạy học theo nhóm: Giảng viên tổ chức, chia sinh viên thành từng nhóm nhỏ để sinh viên cùng thảo luận, trao đổi ý kiến, giải quyết vấn đề được đặt ra dưới sự tổ chức hướng dẫn của thầy cô. Hầu hết các giảng viên đều sử dụng phương pháp này vì nó mang lại hiệu quả cao cũng như giúp cho sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Với phương pháp này, đa số sinh viên sẽ chủ động hợp tác với giảng viên, tự khám phá, tìm tòi cách giải quyết vấn đề qua đó giúp sinh viên có thể duy trì được tính chủ động, tích cực trong suốt quá trình hoạt động theo nhóm.

 Nhận thức được tầm quan trọng của lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật Cạnh tranh, kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống kết hợp hiện đại, với mục tiêu sinh viên trở thành trung tâm của lớp học, giảng viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn sinh viên phương pháp tiếp cận với kiến thức về quyền con người dưới góc độ Luật Cạnh tranh. Thông qua phương pháp đánh giá sinh viên như vấn đáp, hoạt động nhóm, bài tập tình huống, thuyết trình cá nhân… cho thấy kết quả sinh viên nắm được kiến thức cơ bản về quyền con người dưới góc độ Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, để có thể hiểu sâu, nhận diện quyền con người trong một số bài tập tình huống phức tạp, hay phân tích, đánh giá quy định của pháp luật cạnh tranh về quyền con người, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết tình huống thực tế của sinh viên còn nhiều hạn chế.

 Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ phía giảng viên. Mặc dù đã nhận thức và nghiên cứu về quyền con người dưới góc độ Luật Cạnh tranh, tuy nhiên việc lồng ghép quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành nói chung và trong Luật Cạnh tranh nói riêng vẫn còn khá mới mẻ. Giảng viên vẫn chưa thực sự coi quyền con người là một nội dung chính của môn học khi giảng dạy. Việc nghiên cứu tài liệu nước ngoài gặp nhiều khó khăn do trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế. Bên cạnh đó, giảng viên cũng ít được tiếp xúc với các vụ việc cạnh tranh trên thực tế, đặc biệt là tố tụng cạnh tranh, nên việc giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lồng ghép quyền con người trong giảng dạy Luật Cạnh tranh tại Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình

 Để khắc phục những hạn chế trên đồng thời hướng tới mục tiêu đưa quyền con người trở thành nội dung chính trong Chương trình dạy học, trong thời gian tới, Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình đề xuất một số giải pháp cụ thể sau đây:

 Thứ nhất, cơ sở đào tạo cần xác định lồng ghép quyền con người trong giảng dạy là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm và đầu tư. Từ quyết tâm cao của cơ sở giáo dục thông qua các văn bản chỉ đạo, Khoa Luật sẽ thuận lợi hơn trong việc triển khai hoạt động giảng dạy quyền con người gắn với các môn Luật chuyên ngành, thể hiện sự thống nhất trong chỉ đạo của cơ sở đào tạo.

 Thứ hai, Khoa, Bộ môn cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành nói chung và Luật Cạnh tranh nói riêng. Nội dung về quyền con người phải thường xuyên đưa vào các cuộc họp chuyên môn của Khoa, Bộ môn để các giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy.

 Thứ ba, Khoa khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học về quyền con người thông qua Hội thảo chủ đề về quyền con người, viết bài trên các Tạp chí chuyên ngành Luật, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên về quyền con người… Từ đó, nâng cao khả năng nghiên cứu cũng như trang bị cho giảng viên, sinh viên kiến thức chuyên sâu vê quyền con người trong từng lĩnh vực cụ thể.

 Thứ tư, thông qua việc điều chỉnh, rà soát Chương trình đào tạo định kỳ 2 năm/lần, Khoa tiến hành khảo sát các bên liên quan nhận thức về quyền con người. Từ đó, qua báo cáo khảo sát, Khoa nắm được nhận thức và nhu cầu của các bên liên quan để có sự điều chỉnh phủ hợp để nâng cao hiệu quả lồng ghép quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành nói chung và Luật Cạnh tranh nói riêng. Tiến tới đưa nhận thức về quyền con người trở thành một trong các chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo, để từ đó xác định mối liên hệ giữa chuẩn đầu ra đó với các môn học có liên quan, trong đó có Luật Cạnh tranh.

 Thứ năm, cải tiến phương pháp giảng dạy. Việc truyền đạt nội dung kiến thức về quyền con người chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi giảng viên áp dụng những phương pháp giảng dạy phủ hợp. Phương pháp cải tiến mà Khoa dự kiến áp dụng là tranh biện, đóng vai.

Lồng ghép quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành nói chung và Luật Cạnh tranh nói riêng trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ sở giáo dục và giảng viên, sinh viên, học viên phải có quyết tâm chính trị cao, có sự đồng lòng, chung sức và sự đầu tư thiết thực mới đem lại hiệu quả mong muốn. Có như vậy mới từng bước nâng cao nhận thức của người dạy, người học đồng thời lan tỏa ra toàn xã hội ý thức tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, qua đó giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác trong xã hội.

5. Kết luận

Lồng ghép quyền con người trong giảng dạy các môn Luật chuyên ngành nói chung và giảng dạy Luật Cạnh tranh nói riêng là một phương thức tiếp cận hiện đại dựa trên những nguyên tắc, tiêu chuẩn của pháp luật nhân quyền quốc tế trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam. Quyền con người là giá trị chung của nhân loại, được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lý quan trọng của Liên hợp quốc. Quan tâm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được phản ánh nhất quán và xuyên suốt trong các văn bản pháp luật. Bởi vì quyền con người có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội nên nhu cầu kiến thức về vấn đề này ngày càng được nâng cao. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ vai trò của giáo dục nhân quyền trong tiến trình phát triển của đất nước, định hướng và triển khai các hoạt động giáo dục nhân quyền trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Giáo dục nhân quyền được thực hiện ở tất cả các cấp học từ tiểu học lên đến đại học thông qua các môn học đạo đức, giáo dục công dân và được lồng ghép vào chương trình dạy học. Tuy nhiên, đối với cấp đại học, giáo dục nhân quyền chủ yếu được nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học đào tạo các chuyên ngành về các lĩnh vực xã hội như: luật, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế…[11] Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoạt động giáo dục, đào tạo về quyền con người ở nước ta còn nhiều hạn chế. Đó là sự hiểu biết và phương pháp giảng dạy chưa thực sự đáp ứng yêu cầu dẫn đến thực tế người dân thiếu kiến thức về quyền, không biết cách tự bảo vệ các quyền hợp pháp; thiếu ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ công dân dẫn đến sự vi phạm các quyền hợp pháp của người khác hoặc của cộng đồng,... Vì thế, với vai trò là đơn vị đào tạo có uy tín về ngành Luật Kinh tế, Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình nhận thấy cần nghiên cứu và tiếp cận giảng dạy quyền con người trong các môn Luật chuyên ngành để tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận quyền con người trong chương trình dạy học nói chung và đặc biệt là trong giảng dạy luật cạnh tranh nói riêng.

ThS. Nguyễn Thị Thủy Tiên

Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự Pháp (Code civil - 1804), Điều 1382, 1383; Bộ luật Dân sự Italia 1865, Điều 1151, 1152.

2. Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật về quyền con người, 11/2009, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia.

3. Giáo trình Luật Cạnh tranh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2010, tr. 46, 47.

4. Đinh Thị Thương. (2016). Giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Truy xuất ngày 12/09/2022 tại https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/15907/giao-duc-nang-cao-nhan-thuc-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-hien-nay.

5. Đỗ Đức Minh. Tìm hiểu học thuyết pháp luật tự nhiên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 6, tháng 3/2014, tr. 7-18.

6. John M. Finnis. Natural Law Theory: Is Past and Its Present, 57 Am. J. Juris. 81, 2012, p. 8.

7. Mai Hồng Quỳ. “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam và định hướng đổi mới”, Tạp chí Luật học, 7/2012, tr. 49.

8. Hiến pháp năm 2013.

Bộ luật Dân sự 2015.

Luật Doanh nghiệp 2020.

Luật Cạnh tranh năm 2018.


[1] John M. Finnis, Natural Law Theory: Is Past and Its Present, 57 Am.J. Juris 81, 2012, p. 8

[2] TS. Đỗ Đức Minh, Tìm hiểu học thuyết pháp luật tự nhiên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 6, tháng 3/2014, tr. 7 - 18.

[3] Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật về quyền con người, 11/2009, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia.

[4] Ví dụ, đến năm 1928 phụ nữ nước Anh mới có quyền bầu cử, năm 1945 phụ nữ Italia mới có quyền bầu cử còn nước Pháp thì phải sau năm 1946 phụ nữ mới có quyền này.

[5] PGS.TS. Mai Hồng Quỳ: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam và định hướng đổi mới”, Tạp chí Luật học, 7/2012, tr. 49.

[6] Khoản 2, Điều 14, Luật Hiến pháp năm 2013.

[7] Bộ luật Dân sự Pháp (Code civil - 1804), Điều 1382, 1383; Bộ luật Dân sự Italia 1865, Điều 1151, 1152.

[8] Giáo trình Luật Cạnh tranh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2010, tr46,47.

[9]Giáo trình Luật Cạnh tranh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2010, tr31.

[10] Khoản 1, Điều 2, Luật Cạnh tranh 2018.

[11] Đinh Thị Thương. (2016). Giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Truy xuất ngày 12/09/2022 tại https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/15907/giao-duc-nang-cao-nhan-thuc-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-hien-nay