Quyền con người được hiểu là những đặc quyền vốn có và chỉ có của con người. Thực tế hiện nay, trong chương trình đào tạo của các ngành khoa học – công nghệ không có học phần riêng về quyền con người. Nhưng trong một số học phần trong chương trình đào tạo có lồng ghép nội dung quyền con người để giảng dạy cho sinh viên. Từ sự phân tích, đánh giá thực trạng, tác giả có một số nhận xét về tình hình giảng dạy vấn đề quyền con người trong những cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học - công nghệ ở Việt Nam và chỉ ra một số kiến nghị nhằm xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

1. Thực trạng nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học - công nghệ ở Việt Nam

1.1. Khái quát về tình hình đào tạo nói chung,  giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam nói riêng

Quyền con người được hiểu là những đặc quyền vốn có và chỉ có của con người. Hình thành dựa trên niềm tin rằng tất cả mọi người đều được hưởng quyền mà không chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Quyền con người khác với các quyền khác ở hai khía cạnh cơ bản: Một là, mọi người đều được hưởng quyền và các quyền con người không thể chuyển nhượng được như quyền con người không thể mua bán hoặc trao tặng được và quyền con người được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người. Hai là nghĩa vụ cơ bản thực thi quyền con người thuộc về Nhà nước và cơ quan quyền lực, chứ không phải cá nhân. Như vậy, ý tưởng về việc bảo vệ các quyền con người cơ bản xuất phát từ nhu cầu bảo vệ cá nhân chống lại sự lạm quyền của Nhà nước. Vì thế, thông thường người ta chỉ chú ý nhiều tới những quyền con người đòi hỏi Nhà nước không được thực hiện một số hành động nhất định như các quyền dân sự, chính trị…

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy và học tập về quyền con người đã được quan tâm trong khoảng 20 năm gần đây. Cụ thể, năm 1994, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thành lập một cơ quan nghiên cứu về nhân quyền là Trung tâm Nghiên cứu nhân quyền (nay đổi tên là Viện nghiên cứu Quyền con người). Tuy nhiên, ở thời điểm này mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu mang tính lý luận chứ chưa giảng dạy về quyền con người. Bên cạnh đó, ở nước ta còn có các đơn vị khác nghiên cứu về quyền con người như: Viện Nghiên cứu con người (Viện Khoa học xã hội Việt Nam); Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Quyền con người và quyền công dân (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)… Điều đó chứng tỏ vấn đề quyền con người đã được chú ý và thực hiện nghiên cứu, giảng dạy ở nước ta. Tuy nhiên, có thể đánh giá kết quả nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc giảng dạy vấn đề quyền con người trong một lĩnh vực cụ thể càng chưa được chú trọng ở nước ta.

          Hiện nay, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành mang tính chất khoa học – công nghệ tương đối nhiều. Mặc dù vậy, những cơ sở giáo dục đại học vẫn được coi là những trường có thế mạnh về khoa học - công nghệ, kỹ thuật như: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học tư nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa… Ngày nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo đa ngành nghề, điều đó có nghĩa là những trường vốn truyền thống đào tạo khối ngành khoa học – công nghệ cũng có thể mở những mã ngành mang tính chất khoa học xã hội - nhân văn như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có mã ngành đào tạo Kinh tế, Ngôn ngữ, Trường Đại học Bách khoa có mã ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có mã ngành đào tạo Luật...

Chương trình đạo tạo của những cơ sở giáo dục đại học về nguyên tắc phải tuân theo chương trình khung giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể theo Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/04/2015, ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực
mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo
của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành
chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trên cở sở thông tư các cơ sở giáo dục đại học sẽ xây dựng, thẩm định, ban hành khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học. Chương trình đào tạo bao gồm hai khối kiến thức cơ bản là khối kiến thức giáo dục đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Riêng khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp có hai phần: phần kiến thức cơ sở ngành và phần kiến thức chuyên ngành. Thực tế, trong chương trình đào tạo của các ngành khoa học – công nghệ không có học phần riêng về quyền con người. Nhưng trong một số học phần trong chương trình đào tạo có lồng ghép nội dung quyền con người để giảng dạy cho sinh viên. Quyết định số 4890/QĐ-BGDĐT ngày 23/12/2019 có phê duyệt chương trinh, giáo trình sử dụng chung các môn lý luận chính trị đối với đào tạo trình độ đại học các ngành không chuyên như Triết học Mác – Lênin; Kinh tế chính trị Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Thực hiện Nghị quyết số 67/2007/NQ- CP của Chính phủ và Chỉ thị số 45/2007/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, học phần Pháp luật đại cương được đưa vào chương trình chính khóa của các cơ sở giáo dục đại học là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo đại học của tất cả các khối ngành khoa học – công nghệ. Trong nội dung của các học phần có phần giảng dạy về nhà nước, hệ thống chính trị, về ngành Luật Hiến pháp…, một trong những nội dung quan trọng của ngành luật đó là vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân. Những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng là một phần quan trọng của quyền con người. Bên cạnh đó, một số học phần khác cũng đề cập đến vấn đề quyền con người ở các mức độ khác nhau, như vấn đề con người trong triết học Mác - Lênin (học phần Triết học Mác - Lênin); vấn đề dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội (học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học). Trong một số chương trình đào tạo các ngành khoa học – công nghệ có học phần chuyên ngành về luật như Luật Sở hữu trí tuệ và đề cập đến quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật chuyên ngành như: Ngành công nghệ kỹ thuật môi trường giảng dạy học phần Luật môi trường. Một trong những nội dung quan trọng của học phần Luật môi trường là vấn đề quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường.

          Như vậy, từ sự phân tích, đánh giá nói trên, tác giả có một số nhận xét về tình hình giảng dạy vấn đề quyền con người trong những cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học - công nghệ ở Việt Nam như sau:

          - Trong chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung đào tạo của các cơ sỏ giáo dục đại học không có học phần riêng về quyền con người. Vấn đề quyền con người được lồng ghép trong một số học phần như học phần Triết học Mác – Lênin, Pháp luật đại cương... Những học phần liên quan đến nội dung về quyền con người thường không phải là chuyên ngành của lĩnh vực đào tạo về khoa học – công nghệ.

          - Nội dung quyền con người được giảng dạy trong các học phần ở các cơ sở giáo dục đại học khác nhau còn có những nhận thức chưa thống nhất. Có cơ sở giáo dục đại học giảng dạy vấn đề quyền con người, có cơ sở giáo dục đại học giảng dạy ít hoặc không giảng dạy về vấn đề quyền con người.

          - Vấn đề quyền con người được lồng ghép trong nhiều học phần khác nhau như học phần Triết học mác – Lênin, Pháp luật đại cương.. nhưng hầu hết các giảng viên khi giảng dạy không tiếp cận dưới góc độ là vấn đề quyền con người mà chỉ coi đó là một trong những nội dung của học phần.

1.2. Đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam hiện nay

* Về ưu điểm

          Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học - công nghệ đã lồng ghép vấn đề quyền con người vào trong chương trình đào tạo. Có được điều đó là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một chương trình khung với những học phần bắt buộc như Triết học Mác – Lê-nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật đại cương… có những nội dung liên quan đến vấn đề quyền con người. Với chương trình khung như vậy, ngay cả trong trường hợp các cơ sở giáo dục đại học khối ngành kỹ thuật – công nghệ không có chủ trương giảng dạy về quyền con người thì thông qua việc học tập những học phần đó sẽ góp phần tích cực trong việc giảng dạy nội dung về quyền con người.

          Tuy nhiên, qua đánh giá thực triễn, tác giả thấy rằng, chính các cơ sở giáo dục đại học đã ý thức được việc phải tập trung giảng dạy những nội dung trọng tâm của các học phần đó. Và một trong những nội dung trọng tâm đó là các quyền cơ bản của công dân, con người. Điều đó thể hiện rõ tính nhân văn trong giáo dục, đào tạo của nước ta. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo về mặt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn rất chú ý về thái độ, tuyên truyền giáo dục tư tưởng, chính trị, pháp luật và về chủ trương, chính sách bảo vệ quyền con người cho các sinh viên.

          Thứ hai, nhiều cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học - công nghệ còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi tìm hiểu về vấn đề quyền con người, quyền công dân… Chương trình tuyên truyền giáo dục chính trị và pháp luật không cố định trong chương trình đào tạo chung. Các cơ sở giáo dục đào tạo đại học dựa vào kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Hà Nội… Như căn cứ vào Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021;  Thực hiện kế hoạch số 159/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 09/7/2020 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của ngành giáo dục; Thực hiện kế hoạch số 553/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 09/7/2020 về phát động cuộc thi “Tuổi trẻ học tâp và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”và tình hình hoạt động thực tế tại cơ sở giáo dục đại học để tiến hành các cuộc thi tìm hiểu về vấn đề quyền con người trong từng năm học. Điều đó có nghĩa rằng, trong năm học các cơ sở giáo dục đại học sẽ tổ chức được một hoặc nhiều cuộc thi tìm hiểu về chính trị và pháp luật trong đó có đề cập đến vấn đề về quyền con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các cuộc thi đều không trực tiếp hướng sinh viên đến nội dung trọng tâm là vấn đề quyền con người mà thông qua các cuộc thi về tìm hiểu một nội dung nào đó sẽ giáo dục được vấn đề quyền con người cho sinh viên. Ví dụ cụ thể trong những năm qua Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đào tạo nhiều ngành nghề về lĩnh vực khoa học – công nghệ như ngành Cơ khí, Tin học, Điện, Điện tử…, đã thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyên truyền tìm hiểu về chính trị và pháp luật thông qua các hình thức sân khấu hóa, trực tuyến, trực tiếp… để tạo ra các sân chơi cho sinh viên. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu đó, kiến thức về quyền con người, quyền công dân của sinh viên cũng được củng cố rất nhiều. Năm 2018, 2019, 2020, 2021 nhà trường tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Tìm hiểu luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 và luật Giáo dục 2019”;  Tìm hiểu “Luật sở hữu trí tuệ”… Có thể nói, đối với sinh viên của một trường đại học với ngành đào tạo chủ yếu là khoa học – công nghệ thì việc tổ chức cuộc thi có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì, các hoạt động khoa học – công nghệ phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan. Luật sở hữu trí tuệ có phạm vi điều chỉnh là quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó[1]. Do đó thông qua việc tìm hiểu luật này sẽ nâng cao trình độ hiểu biết của sinh viên về quyền, nghĩa vụ của những người hoạt động khoa học – công nghệ (đây là một trong những nội dung quan trọng của quyền con người).

Năm 2021, nhà tường tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” cho toàn bộ sinh viên trong trường theo hình thức trực tuyến. Cuộc thi được thực hiện trong thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa XV. Mục đích của cuộc thi là tạo ra sân chơi lành mạnh, nâng cao trình độ hiểu biết cho sinh viên về những quy định pháp luật bầu cử. Thông qua cuộc thi này cũng góp phần giáo dục vấn đề quyền con người, quyền công dân cho các em sinh viên. Bởi vì, bầu cử và ứng cử là quyền của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp[2].

Thứ ba, phương pháp giảng dạy đa dạng, về cơ bản phù hợp với đối tượng là sinh viên. Những phương pháp giảng dạy này được xác định theo từng học phần, bài học cụ thể. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ đều khuyến khích việc giảng dạy lấy người học là trung tâm, phát huy tính chủ động của sinh viên. Và vấn đề quyền con người thuộc các học phần khác nhau nên các phương pháp giảng dạy vấn đề này cũng tuân theo phương pháp của từng học phần đó. Qua khảo sát thực tiễn, tác giả thấy rằng những phương pháp thường được sử dụng gồm: thuyết giảng, diễn giải, thảo luận nhóm, trò chơi, giảng dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, giải bài tập tình huống… được đánh giá theo chuẩn đầu ra CDIO (Conceive - Design –Implement – Operate) Bởi vì vấn đề quyền con người là một trong những nội dung của học phần mang tính khoa học xã hội – nhân văn nên những phương pháp dạng như thực hành, thí nghiệm, thực nghiệm… không phù hợp. Một số cơ sở giáo dục đại học còn sử dụng cả phương pháp đưa sinh viên đi tìm hiểu thực tiễn như đến xem các phiên tòa giả định (Học phần Pháp luật đại cương), đi đến những khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh như khu Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh… (Học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh). Chính sự đa dạng trong việc giảng dạy đã giúp cho người học dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những nội dung liên quan đến học phần nói chung, quyền con người nói riêng.

* Về hạn chế

Thứ nhất, chưa có học phần riêng về quyền con người cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ. Nội dung quyền con người chỉ được lồng ghép trong một số học phần. Giảng viên giảng dạy những học phần đó cũng chưa ý thức được phần nào trong học phần thuộc nội dung quyền con người và chỉ coi đó là một trong những bài của học phần. Tương ứng với điều đó, các phương pháp giảng dạy cũng không định hướng cho người học thấy một nội dung về vấn đề quyền con người mà coi đó đang phân tích, nghiên cứu một phần của học phần. Chính vì vậy mà người học khó có thể có cái nhìn tổng thể về vấn đề quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, sinh viên học tập với mục đích chủ yếu là “thi qua, thi điểm cao” và chưa có nhiều sinh viên khối ngành khoa học – công nghệ có ý thức tìm hiểu vấn đề quyền con người để phục vụ cho công việc sau này. Theo phiếu khảo sát sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chúng ta có thể thấy những con số “biết nói” về vấn đề nhận thức của sinh viên về quyền con người [Mẫu phiếu khảo sát xem Phụ lục I].

Thứ ba, nhiều học viên chưa thích thú với việc tìm hiểu quyền con người Theo phiếu khảo sát sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chúng ta có thể thấy vấn đề nhận thức của sinh viên về quyền con người [Mẫu phiếu khảo sát xem Phụ lục I].

1.3. Những vấn đề đặt ra trong việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

          Thứ nhất, giảng dạy có trọng tâm vấn đề quyền con người cho sinh viên. Do vấn đề quyền con người có nhiều nội dung đa dạng, phức tạp và có còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau của các học giả trên thế giới và Việt Nam. Hơn nữa, học phần về nhân quyền không thể được coi là chuyên ngành trong khối ngành khoa học – công nghệ. Do đó, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xác định những nội dung trọng tâm cần truyền tải cho sinh viên để đảm bảo sinh viên có kiến thức tổng quát về quyền con người và hiểu biết vấn đề quyền con người trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

          Thứ hai, phương pháp giảng dạy cần đa dạng hóa nhưng phải chọn lọc cho phù hợp với đối tượng. Vì đối tượng học tập chủ yếu là sinh viên nên các khối ngành khoa học – công nghệ mà đặt ra yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người thì không thể phù hợp. Các phương pháp giảng dạy cho đối tượng này về nội dung quyền con người chỉ nên lựa chọn là phương pháp giảng dạy cho một học phần mang tính xã hội nhân văn.  Ngoài ra, việc tìm hiểu nội dung quyền con người thông qua các cuộc thi tìm hiểu cần được phát huy tác dụng. Để đảm bảo sinh viên tham gia tích cực vào cuộc thi đó, bên cạnh việc xây dựng các câu hỏi cuốn hút thì cần thiết phải xây dựng cơ chế “thưởng – phạt” rõ ràng.

          Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ có thể học tập kinh nghiệm của những cơ sở giáo dục đại học đã thành công trong việc giảng dạy vấn đề quyền con người. Việc học tập đa dạng bao gồm cả những cơ sở giáo dục đại học chuyên khối ngành khoa học – công nghệ và những cơ sở giáo dục ngành khoa học xã hội và nhân văn. Việc học tập giúp cho các cơ sở giáo dục đại học rút ngắn được thời gian phải nghiên cứu nội dung, phương pháp giảng dạy quyền con người. Tuy nhiên, tiếp thu kinh nghiệm phải có chọn lọc, phải đảm bảo phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ, năng lực của sinh viên và đội ngũ giảng viên.

          Thứ tư, đội ngũ giảng viên phải được coi là yếu tố quyết định đến chất lượng giảng dạy vấn đề quyền con người. Theo đó, giảng viên phải là người được đào tạo những chuyên ngành về quyền con người hoặc những chuyên ngành gần với chuyên ngành đó. Giảng viên phải có kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức về quyền con người. Giảng viên phải có phẩm chất đạo đức bởi nguyên tắc đầu tiên khi giảng dạy về quyền con người là phải “tôn trọng quyền con người, quyền sinh viên”. Tức là, trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải thể hiện được đúng nội dung, bản chất của học phần, bài học mang tính nhân văn sâu sắc.

2. Giải pháp xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

2.1. Giải pháp về xác định nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

Một là, những người lãnh đạo, những người xây dựng chương trình đào tạo cho một ngành học phải nhận thức sự cần thiết phải đưa nội dung giáo dục quyền con người trong nhà trường. Bởi vì những lý do sau đây: (1) Chúng ta đã khẳng định bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân[3] thì nhân quyền là những giá trị có tính tiền đề cần được cả xã hội và người dân nhận thức đúng; (2) Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, để khẳng định vị thế của mình, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Trong đó có nhiều công ước về quyền con người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (Việt Nam ký Công ước này ngày 27/11/1981 và phê chuẩn tháng 2/1982); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1996 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa năm 1966 (Việt Nam gia nhập 02 Công ước này ngày 24/9/1982); Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Việt Nam ký Công ước này tháng 1/1990 và phê chuẩn ngày 20/2/1991)[4]... Như vậy, việc giảng dạy vấn đề quyền con người còn thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với các cam kết quốc tế; (3) Thông qua việc giảng dạy vấn đề quyền con người còn giúp chính người học nhận thức được giới hạn quyền, nghĩa vụ của mình và định hướng hành vi xử sự của sinh viên theo hướng ngày càng tích cực hơn.

          Hai là, có hai xu hướng lựa chọn cho việc giảng dạy vấn đề quyền con người trong cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ.

          - Xu hướng thứ nhất: Việc giảng dạy vấn đề quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ được lồng ghép trong một học phần. Trong trường hợp này cách tốt nhất là được lồng ghép trong các học phần về pháp luật. Bởi vì, thực chất việc tiếp cận vấn đề quyền con người ở Việt Nam chủ yếu do các Công ước quốc tế về quyền con người và những Công ước này được coi như nguồn quan trọng nhất của Luật quốc tế. Hơn nữa, những công ước mà Việt Nam tham gia phải được “nội luật hóa” trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước. Các quyền của con người chỉ được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống thông qua các quy định của pháp luật. Mà thực chất hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã thừa nhận và bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ví dụ: Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”[5].

          - Xu hướng thứ hai: Các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ xây dựng một học phần riêng về quyền con người để giảng dạy cho sinh viên. Theo đó, nội dung chương trình cần tiếp cận những giá trị, quan niệm về quyền con người đương đại của các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia văn minh, hiện đại (vì thường những quốc gia này thừa nhận rộng rãi vấn đề quyền con người). Tuy nhiên, sự tiếp thu đó có chọn lọc và phải đặt trong giá trị văn hóa truyền thống, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nếu quyền con người được giảng dạy thành học phần riêng trong chương trình đào tạo khối ngành khoa học – công nghệ thì nội dung của học phần này giải quyết những vấn đề sau: Tổng quan (hay khái quát chung, lý luận chung) về quyền con người; Hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người; Các nhóm quyền cơ bản theo pháp luật quốc tế; Các nhóm quyền đặc thù; Việt Nam với vấn đề quyền con người.

          Ba là, cơ sở giáo dục đại học phải xác định được những quyền con người cần đưa vào giảng dạy. Theo đó, nội dung về quyền con người đưa vào giảng dạy bao gồm: Các quyền cơ bản của con người; Quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Nội cung các quyền cơ bản của con người sẽ giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát về quyền con người, sự cần thiết phải giảng dạy vấn đề quyền con người cho sinh viên nói chung, sinh viên khối ngành khoa học – công nghệ nói riêng; Nội dung quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ giúp trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về quyền con người trong lĩnh vực mà sinh viên đang được đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, trong một cơ sở giáo dục đại học thường bao gồm cả những ngành nghề mang tính khoa học – công nghệ và cả những ngành nghề mang tính khoa học xã hội và nhân văn. Vì thế, để bố trí một học phần hoặc một phần (với số tiết tương đối lớn) về quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ thì rất khó khăn và không đảm bảo sự công bằng giữa các ngành học. Vì thế, ngoài giải pháp này, chúng ta có thể tham khảo thêm giải pháp dưới đây.

          Bốn là, lựa chọn một nội dung chuyên sâu về quyền con người thực hiện tuyên truyền (không phải giảng dạy thành học phần). Theo đó, đối với những khối ngành khoa hoc – công nghệ, nội dung chuyên sâu này sẽ là: quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Hình thức tuyên truyền mà nhiều cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ đang sử dụng đó là mở các cuộc thi tìm hiểu… Những cuộc thi này diễn ra hàng năm và nội dung câu hỏi tập trung vào vấn đề tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ - một văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng nhiều quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động khoa học – công nghệ. Hoặc nhà trường cũng có thể tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về chuyển giao khoa học công nghệ (Luật Chuyển giao khoa học công nghệ năm 2017 đang có hiệu lực thi hành). Vì Luật này có nhiều quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao khoa học – công nghệ.

2.2. Giải pháp về xác định phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

          Tương tự với việc xác định nội dung giảng dạy, tuyên truyền về quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ thì việc xác định phương pháp giảng dạy, tuyên truyền cũng rất quan trọng. Việc xác định phương pháp giảng dạy vấn đề quyền con người cần dựa trên cơ sở nội dung về quyền con người tương ứng. Cụ thể như sau:

          - Vấn đề quyền chung của con người được giảng dạy lồng ghép trong những học phần khác hoặc học riêng một học phần. Vậy, giảng viên giảng dạy sẽ sử dụng tổng thể những phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả nhất. Thông thường những phương pháp trên lớp mà giảng viên hay sử dụng đó là: phân tích, diễn giải những vấn đề mang tính lý luận như khái niệm, đặc điểm, cơ sở xác lập quyền… Giảng viên hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu một số nội dung về quyền con người. Thường những nội dung này dễ tìm hiểu như lấy ví dụ cho việc thực hiện quyền con người trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Sau khi học xong phần cơ sở lý luận do giảng viên trình bày trước lớp, sinh viên hoàn toàn có thể thực hiện được phần nội dung tự tìm hiểu. Ngoài ra, có những nội dung học phần mang tính ứng dụng lý thuyết thì giảng viên hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm và thuyết trình kết quả nghiên cứu chung đó. Việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp nghiên cứu này giúp sinh viên tiếp thu tốt nhất kiến thức về quyền con người.

          - Vấn đề quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ được tổ chức trong các cuộc thi tìm hiểu chính trị và pháp luật. Phương pháp chủ yếu được vận dụng là giảng viên vận động, hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi. Hoạt động thi được chia thành nhiều vòng đảm bảo vòng đầu tiên 100% sinh viên tham gia. Các vòng tiếp theo có xu hướng lọc dần số sinh viên tham gia (những sinh viên qua được vòng 1 sẽ vào thi tiếp ở vòng 2…). Vòng cuối cùng sẽ lựa chọn số sinh viên có điểm số cao nhất, nhì, ba, tư… để trao giải. Những vòng đầu sinh viên có thể tự thi bằng máy tính cá nhân tại địa điểm, thời gian mà họ tự lựa chọn. Vòng cuối cùng sinh viên thi tập trung thi theo hình thức sân khấu hóa, phòng thi riêng. Nếu như cơ sở giáo dục đại học nào không đủ điều kiện để cho sinh viên thi tập trung trên máy hoặc tổ chức thi thành nhiều vòng thì có thể cho sinh viên thi trên giấy và chấm tập trung, công bố kết quả.

3. Kiến nghị

3.1. Kiến nghị đối với Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học – Công nghệ…)

- Đối với Quốc hội: Tiếp thu kiến nghị của những nhà nghiên cứu, chuyên gia về quyền con người để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quyền con người. Nội dung này không chỉ tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật mà thể hiện rõ trong nhiều văn bản. Trong đó, Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất, Luật, Bộ luật sẽ quy định chi tiết hơn về quyền con người trong từng lĩnh vực cụ thể… Việc xây dựng quy định pháp luật về quyền con người, quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ trong Hiến pháp, Luật, Bộ luật sẽ giúp bảo vệ những người nghiên cứu, người sử dụng sản phẩm khoa học – công nghệ về mặt pháp lý.

- Đối với Chính phủ: Thể chế hóa những quy định của Hiến pháp, Luật, Bộ luật về quyền con người, quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ bằng cách ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, thi hành. Ví dụ: Như hiện tại Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật chuyển giao công nghệ… Ngoài việc ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết như vậy thì Chính phủ (với tư cách là cơ quan quản lý có thẩm quyền cao nhất trong bộ máy nhà nước) cần quyết liệt chỉ đạo các biện pháp thực hiện trong thực tiễn về giảng dạy, giáo dục vấn đề quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ.

- Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo và yêu cầu lồng ghép nội dung giảng dạy quyền con người trong các học phần hoặc giảng dạy riêng trong một học phần độc lập. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tập huấn cho đội ngũ giảng viên về nội dung quyền con người cần giảng dạy cho sinh viên từng khối ngành (trong đó có khối ngành khoa học – công nghệ). Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở phương pháp giảng dạy, giáo dục vấn đề quyền con người.

- Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ:  Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về khoa học – công nghệ làm căn cứ đánh giá những sản phẩm của những người nghiên cứu, sử dụng, chuyển giao. Quy chuẩn kỹ thuật mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập của Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải xây dựng lộ trình phát triển khoa học – công nghệ trong từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, lộ trình thường diễn ra theo hai bước:

Bước 1: Nếu như khoa học – công nghệ trong nước chưa đáp ứng yêu cầu thì có thể nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng cần cân nhắc kỹ càng nhằm tránh tình trạng Việt Nam là “bãi rác thải” của thế giới. Tức là chúng ta nhập khẩu những thiết bị, công nghệ lạc hậu so với thế giới.

Bước 2: Khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ trong nước để có thể chủ động tránh tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài. Những giải pháp khuyến khích chủ yếu là ưu đãi về tài chính, thủ tục đăng ký, chuyển giao, ưu đãi về thuế.

- Đối với cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ hầu hết các cơ sở giáo dục đại học nói chung, cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ nói riêng sẽ trực thuộc một cơ quan chủ quản (Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…) nào đó. Những cơ quan chủ quản này có trách nhiệm xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học có lồng ghép vấn đề quyền con người, quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ cụ thể và đặt hàng, giao cho các cơ sở giáo dục đại học (là đơn vị thành viên) thực hiện.

- Các cơ quan nhà nước khác trong phạm vi quyền hạn của mình phối hợp, quản lý và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ thực hiện việc giảng dạy, giáo dục vấn đề quyền con người. Ví dụ: Các viện nghiên cứu (đặc biệt là các viện nghiên cứu về quyền con người) hợp tác với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ để thực hiện các dự án, đề tài có liên quan đến vấn đề quyền con người. Khi giảng viên được tham gia những dự án, đề tài đó sẽ nâng cao trình độ chuyên môn và phục vụ tốt cho công tác giảng dạy về vấn đề quyền con người.

3.2. Kiến nghị đối với các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ ở Việt Nam

Các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ cần nhận thức đúng đắn và đưa vấn đề quyền con người vào giảng dạy, giáo dục cho sinh viên. Việc nhận thức ở đây không chỉ là nhận thức về vai trò của vấn đề quyền con người mà còn nhận thức rõ ràng những nội dung nào về quyền con người cần được tiến hàn giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học. Việc đưa vào giảng dạy nội dung về quyền con người có thể được thực hiện theo lộ trình như sau:

Bước 1: Lồng ghép vấn đề quyền con người trong một hoặc một vài học phần nào đó. Nhưng cơ sở giáo dục đại học cần định hướng để cho các giảng viên giảng dạy giới thiệu cho sinh viên nội dung quyền con người không chỉ là một phần của học phần mà còn là một nội dung quan trọng của vấn đề quyền con người.

Bên cạnh đó, hàng năm, trong kế hoạch hoạt động, cơ sở giáo dục đại học cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người, quyền con người trong một lĩnh vực cụ thể - lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Bước 2: Cơ sở giáo dục đại học tổ chức học vấn đề quyền con người thành học phần riêng. Học phần nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người và quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Trong quá trình thực hiện giải pháp này, cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người, quyền con người trong một lĩnh vực cụ thể.

Để thực hiện được lộ trình như trên, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ cũng cần phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực. Đây là học phần mang tính chất khoa học xã hội nên vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật không quá khó khăn (Khác với những môn mang tính chất khoa học – công nghệ, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy đôi khi rất phức tạp như phòng thực hành, nhà xưởng thực hành, phòng thí nghiệm…). Tuy nhiên, hiện nay, trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đào tạo chuyên sâu chuyên ngành quyền con người (Hiện nay, chỉ có một số trường đào tạo chuyên sâu cho học viên cao học, nghiên cứu sinh về vấn đề quyền con người như Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về quyền con người; Học viện Khoa học xã hội…) nên việc chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Trước hết thì có thể cho các giảng viên giảng dạy kiêm nhiệm. Và theo quan điểm của tác giả, giảng viên được đào tạo về chuyên ngành luật đảm nhiệm học phần quyền con người là phù hợp nhất. Do hiện nay vấn đề quyền con người được nghiên cứu dưới dạng một phần nội dung của luật quốc tế và vấn đề “nội luật hóa” ở Việt Nam.

3.3. Kiến nghị khác

          - Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho việc tập huấn giảng viên giảng dạy quyền con người. Theo đó, hầu như hiện nay, các giảng viên không được đào tạo về chuyên ngành quyền con người mà họ chỉ học một vài nội dung trong học phần nào đó khi họ là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Vì thế, để yêu cầu một giảng viên giảng dạy về quyền con người thì cần có quá trình chuẩn bị về bài giảng. Vì vậy, việc tập huấn giảng viên chuẩn bị giảng dạy về quyền con người cần được nhà nước hỗ trợ kinh phí hoặc tổ chức tập huấn miễn phí cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.

          - Cơ sở giáo dục đại học nói chung, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ nói riêng cần hợp tác với nhau để xây dựng chương trình giảng dạy học phần quyền con người thống nhất và vẫn đảm bảo tính đặc thù của từng cơ sở giáo dục. Ngay trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học có khối ngành đào tạo khoa học – công nghệ cũng vẫn phải tính đến đặc thù riêng trong ngành đào tạo của mình để xác định nội dung giảng dạy quyền con người cho phù hợp. Ví dụ, cùng là các cơ sở giáo dục đại học trong nhóm khối ngành khoa học – công nghệ có đào tạo ngành điện, ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin… nhưng có cơ sở giáo dục đại học lại đào tạo chuyên sâu về môi trường, địa chất, khoáng sản...

          - Các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) và các cơ sở giáo dục đại học trong khối ngành khoa học – công nghệ cần phối hợp để thực hiện việc giảng dạy vấn đề quyền con người tốt nhất. Bên cạnh sự quyết tâm về khoa học, còn cần có sự quyết tâm của tất cả các chủ thể trong việc thực hiện, triển khai thực hiện việc giảng dạy quyền con người trong thực tiễn. Nếu như chính sách chỉ ban hành và không quyết tâm thực hiện thì cũng không thể có hiệu quả.

          - Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học – công nghệ có các chương trình, dự án nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người, quyền con người trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cần được đa dạng hóa (có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí của cơ sở giáo dục, các dự án hợp tác quốc tế, do các tổ chức, cá nhân, quỹ nghiên cứu khoa học tài trợ…). Hoạt động nghiên cứu này có thể do sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên của cơ sở giáo dục đại học cùng thực hiện.

Vũ Hồng Vân


[1] Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)

[2] Điều 27 Hiến pháp năm 2013

[3] Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013

[4] TS. Nguyễn Văn Tuân (2010), Các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và vấn đề nội luật hóa, Tạp chí Luật học, số 5/2010.

[5] Điều 40 Hiến pháp năm 2013