Hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như đạo đức, giáo dục công dân, thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật. Ở cấp trung học cơ sở, Các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người so với cấp tiểu học. Mặc dù vậy, tương tự như ở cấp tiểu học, các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở vẫn được thiết kế thông qua những bối cảnh sinh hoạt hàng ngày và phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh, giúp các em có thể hiểu được các khái niệm và phạm trù đôi khi khá phức tạp trên lĩnh vực này.
Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn
1. Cơ sở lý luận
a) Một số khái niệm
Quyền con người (nhân quyền) là những quyền thuộc về mỗi con người, đó là những quyền cơ bản và thiết yếu nhằm đảm bảo sự tự do, bình đẳng, công bằng và đầy đủ của mỗi cá nhân. Các quyền này được xem là tối cao và không ai có quyền xâm phạm vào chúng. Tuy nhiên chúng chưa thể gọi là quyền, mà cần có sự chấp thuận của pháp luật. Các quyền của cá nhân khi được pháp luật công nhận và bảo hộ thì sẽ trở thành quyền con người. Vì thế nếu không có luật pháp thì quyền con người sẽ không tồn tại và những tội ác về quyền con người sẽ bao trùm. Do đó để có thể đảm bảo quyền con người được bảo hộ thì chúng được pháp luật ghi nhận và được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh liên tục.
Giáo dục quyền con người là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức về quyền con người để biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.
b) Một số văn bản liên quan đến quyền con người và giáo dục quyền con người ở Việt Nam.
Trong phần đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia lớn, văn minh hàng đầu thế giới là bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”
Từ năm 1992 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn kiện về quyền con người, trong đó Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân" xác định: "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục QCN nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước…; đến năm 2025 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục QCN cho người học…".
2. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS.
Hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như đạo đức, giáo dục công dân, thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật.
Ở cấp trung học cơ sở, số lượng bài học về quyền con người trong chương trình học đã nhiều hơn, các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người. Mặc dù vậy, tương tự như ở cấp tiểu học, các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở vẫn được thiết kế thông qua những bối cảnh sinh hoạt hàng ngày và phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh theo từng độ tuổi, để giúp các em có thể hiểu được các khái niệm và phạm trù đôi khi khá phức tạp trên lĩnh vực này.
Bên cạnh môn học Giáo dục công dân, trong các môn học khác như Sinh học, Địa lý, Lịch sử… Cũng cần đưa vào những nội dung về quyền con người, tuy nhiên thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc lồng ghép các nội dung về quyền trong các môn học khó thực hiện một cách cụ thể và mang tính hệ thống như trong môn Giáo dục công dân.
Có thể thấy dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam là khá lớn so với mặt bằng chung trên thế giới. Một điểm tích cực nữa là việc thiết kế các bài học về quyền trong chương trình giáo dục công dân ở Việt Nam đã tính đến trình độ nhận thức và tâm lý của học sinh ở từng độ tuổi. Những điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam với hoạt động giáo dục về quyền con người, cũng như cho thấy triển vọng tốt đẹp của hoạt động giáo dục về quyền con người ở các nhà trường phổ thông ở Việt Nam.
Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trên thế giới, phạm vi và trình độ giáo dục nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Mặc dù đã có những tiến triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua song giáo dục nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển chung trên thế giới và chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục nhân quyền ở trong nước. Những trở ngại chính trong giáo dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay liên quan đến các vấn đề như trình độ hạn chế và sự thiếu hụt giáo viên, giảng viên; phương pháp giảng dạy chưa tiếp cận đổi mới; sự thiếu hụt các nguồn tài liệu tham khảo...Nguyên nhân sâu xa của những hạn chế này có lẽ là từ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của giáo dục nhân quyền của các nhà hoạch định chính sách cũng như của cộng đồng.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, các vấn đề về nguồn nhân, vật lực, kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu là quan trọng nhưng nhận thức về vai trò và ý nghĩa của giáo dục nhân quyền của các nhà hoạch định chính sách và của toàn thể công chúng trong xã hội mới là yếu tố có tính chất quyết định đến việc thúc đẩy hoạt động trên lĩnh vực này. Một khi có nhận thức phù hợp và quyết tâm chính trị cao trong việc thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp và nhanh chóng. Bởi vậy, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam, trước hết, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia cần nhận thức rõ hơn về vai trò của giáo dục nhân quyền, các yêu cầu và ý nghĩa của hoạt động này với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
“Theo Bộ GD-ĐT, tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các lớp, bậc học khác nhau. Phát biểu chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu hai lý do cần phải thay đổi dạy học nội dung quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông. Thứ nhất, mặc dù nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của một số môn học, nhưng các nội dung này chưa có tính hệ thống và tính xuyên suốt, đầy đủ các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người. Thứ hai, các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn lồng ghép còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ biên soạn khung nội dung quyền con người và đề xuất định hướng thực hiện nội dung này trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục bởi việc làm này góp phần tăng cường thực hành quyền ở trường học, ngăn ngừa bạo lực học đường và các tình trạng phân biệt đối xử, xâm hại nhân phẩm con người. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện trong việc giáo dục quyền con người khi triển khai các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục. Quan tâm tới các yếu tố về đặc điểm tâm lý, giới tính, lứa tuổi, năng lực học tập, văn hoá vùng miền cũng như niềm tin tôn giáo của học sinh trong việc thiết kế, xây dựng các hoạt động học tập. Sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục một cách phù hợp với các đặc điểm của học sinh nhằm tạo ra hiệu quả học tập cao nhất. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng thực hiện quyền con người trong chương trình giáo dục trung học phải phát huy tinh thần tự chủ, tích cực và sáng tạo của giáo viên trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động học tập, giáo dục. Tránh rập khuôn, máy móc khi tích hợp, lồng ghép nội dung này vào các bài học cũng như các hoạt động giáo dục của môn học” (Trích bài viết của tác giả Tuệ Nguyễn 28/12/2022 -Báo Thanh Niên).
Xuất phát từ thực trạng nêu trên bản thân là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại trường THCS tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, nội dung nhằm thúc đẩy giáo dục quyền con người ở bậc THCS
3. NỘI DUNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS.
a) Đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên:
- Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Nội dung
+ Các nguyên tắc của quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (bình đẳng, không phân biệt đối xử, tôn trọng nhân phẩm, sự khoan dung v.v...);
+ Các quyền con người cơ bản;
+ Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (đặc biệt là các chủ thể nhà nước, tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục) trong việc xây dựng một môi trường giáo dục có sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người.
b) Học sinh trung học cơ sở:
- Mục tiêu:
+ Hiểu được kiến thức cơ bản về quyền con người ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học;
+ Phát triển kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, củng cố thái độ tôn trọng quyền con người.
- Nội dung: các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,...) ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học.
4. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS.
a) Phương pháp thuyết trình
Đây là phương pháp truyền thống, với phương pháp này người trình bày có thể truyền tải một lượng lớn kiến thức một cách nhất quán và hợp lý tới nhiều người; có thể giới thiệu nhanh về các nhóm kiến thức mới; dễ dàng trong việc lập kế hoạch và quản lý. Tuy nhiên, phương pháp này dẫn đến việc truyền thụ kiến thức một chiều, khiến người tham gia bị động và không có trách nhiệm học tập; tương tác, liên hệ thực tế và tăng cường các kỹ năng của người học hạn chế cũng như hiệu quả giáo dục có thể chưa cao. Do vậy, cần xây dựng nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu của người học; tăng cường tương tác và đặt câu hỏi cũng như kết hợp với các phương pháp tương tác.
b) Phương pháp thảo luận/đối thoại cả lớp (nhóm lớn):
Là phương pháp giảng viên dẫn dắt vấn đề để cả lớp cùng thảo luận. Nhờ đó, người dạy và người học sẽ có sự tương tác, chia sẻ với nhau. Người học sẽ chủ động trong việc nạp kiến thức, nêu lên suy nghĩ, quan điểm, thái độ, nhận thức, trải nghiệm của bản thân; tự xây dựng các kỹ năng để tranh luận, lắng nghe và phân tích. Giáo viên có thể nhận phản hồi của học viên về bài học cũng như khiến cho không khí học tập trở nên sôi nổi.
Tuy nhiên, với phương pháp này, người dạy sẽ bị động trong việc xây dựng các câu hỏi mở phù hợp, khó quản lý quy trình nếu không vững về chuyên môn, kiến thức cũng như có thể mất nhiều thời gian. Do vậy, giáo viên cần chuẩn bị nội dung, chủ đề thảo luận kỹ, sát với thực tiễn của học sinh; chủ động, làm chủ được cuộc thảo luận và kết hợp với phương pháp thuyết trình.
c) Thảo luận nhóm nhỏ/làm việc theo nhóm:
Lớp học sẽ cùng tìm hiểu, bàn bạc, phân tích, đưa ra giải pháp, kết luận về vấn đề được đưa ra. Phương pháp này rất linh hoạt, năng động và dễ dàng kết hợp với các phương pháp khác. Người học có thể tự học hỏi lẫn nhau; tự rèn luyện kỹ năng hợp tác, phân tích, lắng nghe, thảo luận cũng như bày tỏ quan điểm của mình.
Nếu áp dụng phương pháp này, chia lớp thành các nhóm nhỏ với số lượng người vừa phải từ 6-8 HS. Trong quá trình thảo luận tại các nhóm, giáo viên quan sát, hướng dẫn hỗ trợ HS thực hiện nhiệm vụ.
d) Nghiên cứu tình huống:
Tùy theo nội dung bài giảng, giáo viên chuẩn bị sẵn một tình huống. Với phương pháp này, HS áp dụng những gì được học vào các tình huống cuộc sống thực tế; tự xây dựng kỹ năng phân tích, trình bày quan điểm, lắng nghe và thảo luận; được phát triển, khuyến khích tư duy.
e) Phương pháp đóng vai:
Bằng cách diễn xuất, người học có thể thực hành việc đối phó với các tình huống và thử nghiệm các giải pháp giải quyết vấn đề. Phương pháp đóng vai cũng cần nghiên cứu để áp dụng phù hợp với người học.
Trên đây là một số phương pháp cơ bản nhằm giáo dục quyền con người ở bậc THCS. Nhìn chung, để đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung, tài liệu, xây dựng chương trình, đào tạo cán bộ giảng dạy, kết hợp với phương pháp phù hợp với đối tượng người học.
5. MỘT SỐ GIẢI PHÁP, ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS.
a) Đối với lãnh đạo cấp trên
- Cần tuyên truyền sâu rộng các văn bản về giáo dục quyền con người dưới nhiều hình thức khác nhau.
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy về quyền con người cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí ở cấp THCS.
- Tiếp tục thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người trong chương trình của các môn học có khả năng tích hợp, lồng ghép.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và cập nhật kiến thức về quyền con người cho giáo viên. Đồng thời, bồi dưỡng phương pháp giáo dục mang tính hiệu quả trong quá trình giáo dục quyền con người.
- Tổ chức nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm về mô hình giáo dục quyền con người ở một số nước đã thành công và hiệu quả.
- Tổ chức tập huấn, hội thảo và mở các khóa đào tạo theo các chủ đề cơ bản về quyền con người.
- Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc giảng dạy quyền con người ở cấp THCS.
b) Đối với nhà trường
- Ban giám hiệu nhà trường:
+ Nhà trường cần chia sẻ những thông tin bổ ích về quyền con người lên trang Wed để tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh, học sinh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong giáo dục quyền con người.
+ Tuyên truyền giáo dục về quyền con người dưới nhiều hình thức như mời chuyên gia để tổ chức các buổi trò chuyện dưới cờ có liên quan đến quyền con người; giáo dục quyền con người thông qua các pano, áp phích…
+ Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp để nắm bắt tình hình giáo dục quyền con người của giáo viên và học sinh.
+ Cần có sự liên hệ mật thiết với phụ huynh, các ban ngành đoàn thể tại địa phương nhằm tạo điều điện thuận lợi cho việc giáo dục quyền con người.
- Giáo viên bộ môn (đặc biệt là giáo viên môn GDCD):
+ Cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến quyền con người để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lồng ghép, thúc đẩy giáo dục quyền con người theo tinh thần của Bộ GD và ĐT.
+ Cần căn cứ vào các nội dung giáo dục quyền con người trong các bài học xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp.
+ Cần sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học khác nhau để HS có nhận thức sâu sắc về quyền con người.
+ Cần có lối sống, tác phong chuẩn mực, luôn là tấm gương sáng về đạo đức để HS noi theo.
+ Yêu nghề, mến trẻ, tôn trọng và đối xử công bằng với người học.
- Giáo viên chủ nhiệm:
+ Cần tìm hiểu hoàn cảnh sống, đặc điểm tâm lí lứa tuổi của từng học sinh để kịp thời giáo dục các em về “quyền con người”.
+ Cần có sự liên hệ chặt chẽ với gia đình để kịp thời phát hiện, uốn nắn những nhận thức, hành vi sai lệch về quyền con người.
+ Trong các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp cần tổ chức các hoạt động, những buổi trò chuyện về quyền con người nhằm giáo dục các em biết tự mình bảo vệ quyền của mình đồng thời tôn trọng quyền của người khác.
+ Cần “rút ngắn” khoảng cách giữa thầy và trò để các em có thể “mở lòng” chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống.
- Giáo viên Tổng phụ trách đội:
+ Cần lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người vào một số tiết chào cờ đầu tuần để các em nhận thức được quyền của bản thân và tôn trọng quyền của người khác.
+ Phối hợp với Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên…tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em có thể tiếp cận với những thông tin bổ ích liên quan đến quyền con người.
+ Phối hợp chặt chẽ với quản sinh quản lí tốt nề nếp tác phong, hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường.
- Giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lí tuổi học đường:
+ Cần có các buổi trò chuyện dưới cờ để giáo dục các em về quyền con người.
+ Luôn lắng nghe, chia sẻ với những HS gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, những HS gặp những bất ổn trong tâm lí lứa tuổi để kịp thời chia sẻ, giáo dục, định hướng đúng đắn cho các em.
Trên đây là một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy giáo dục quyền con người ở các trường THCS. Theo nhận định của cá nhân tôi, trong quá trình giáo dục quyền con người vai trò của người giáo viên mang tính quyết định vì thế cần có những giải pháp để bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ giáo viên.
Là một giáo viên, tôi nhận thức sâu sắc được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục quyền con người. Chúng ta hãy kết nối mọi người với nhau bằng tình yêu thương sự bao dung và lòng nhân ái. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực cho việc hình thành và phát triển nhân cách.
Trong những năm gần đây, bạo lực học đường là một trong những vấn nạn của ngành giáo dục, là một trong hệ lụy của suy đồi đạo đức xã hội, là một trong những hệ lụy của việc không nhận thức sâu sắc về quyền con người. Và bản thân là một giáo viên, tôi thiết nghĩ việc tích hợp giáo dục quyền con người trong các môn học một cách phù hợp là một việc làm hết sức cần thiết để giáo dục và phát triển toàn diện con người. Trẻ em là mầm xanh của đất nước, là thế hệ tương lai góp phần xây dựng quê hương đất nước. Nếu chúng ta có những “mầm xanh” tốt chắc chắn chúng ta sẽ có một “cánh rừng” thật trù phú.
Lý Xuân Kiều
Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh, Trảng Bom, Đồng Nai