Việc giáo dục quyền con người là một vấn đề quan trọng, cần thiết; giúp học sinh nhận thức được đầy đủ, sâu sắc về các quyền tự do cơ bản của con người, từ đó chuyển biến về hành động, thúc đẩy sự tôn trọng, ngăn chặn các hành vi vi phạm, lạm dụng quyền con người. Các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở cần mang tính tiếp cận cụ thể nhiều nội dung về quyền con người. Do đó, dù các bài học vẫn được thiết kế thông qua bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh THCS nhưng các bài học phải chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người.
Ảnh minh họa. Nguồn: baodansinh.vn
1. GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân" xác định: "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước…; đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học…".
Việc giáo dục quyền con người là một vấn đề quan trọng, cần thiết; giúp học sinh nhận thức được đầy đủ, sâu sắc về các quyền tự do cơ bản của con người, từ đó chuyển biến về hành động, thúc đẩy sự tôn trọng, ngăn chặn các hành vi vi phạm, lạm dụng quyền con người.
Bên cạnh đó, lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giáo dục ở Việt Nam là khá lớn so với mặt bằng chung trên thế giới. Mặc dù vậy, hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn có nhiều tồn tại, nhiều vấn đề đặt ra. Đó là sự hiểu biết và phương pháp giảng dạy nhân quyền của giáo viên đã thực sự đáp ứng yêu cầu, tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu những vấn đề về nhân quyền hay nội dung cần được truyền đạt như thế nào là phù hợp; định hướng thông tin tuyên truyền về quyền con người cũng như việc thực hiện quyền con người cụ thể ở Việt nam trên các phương tiện thông tin đại chúng như thế nào là phù hợp, nhưng cũng cần phải đa dạng, sinh động hơn để toàn xã hội nhận có nhận thức đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của chính bản thân mình, qua đó nâng cao cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, vu khống chống phá của các thế lực thù địch… là những vấn đề cần quan tâm khi hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quyền con người. Có thể thấy, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người ở Việt Nam là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay.
2. NỘI DUNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC TRUNG HỌC CƠ SỞ (THCS)
Các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở đã mang tính tiếp cận cụ thể nhiều nội dung về quyền con người. Do đó, dù các bài học vẫn được thiết kế thông qua bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh THCS nhưng các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người.
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em lần đầu tiên là chủ đề của một bài học trong chương trình giảng dạy phổ thông của môn học Giáo dục công dân dành cho học sinh THCS, ngoài ra các quyền học tập, quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khẻ, danh dự và nhân quyền, quyền bất khả xâm phạm về thư tín, các quyền về môi trường và tự do tín ngưỡng, tôn giáo,…theo đó, học sinh được tiếp cận với nhiều nội dung liên quan đến quyền công dân như bài Hiến pháp, các quyền trong tố tụng,… cũng là nội dung chính của nhiều bài học khác.
3. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS
Với cách tiếp cận phương pháp giáo dục là cách thức sử dụng các nguồn lực trong giáo dục để giáo dục người học, phương pháp giáo dục quyền con người chính là phương pháp đưa nội dung, kiến thức về quyền con người, kỹ năng thực hành, bảo vệ quyền con người đến với người học có hiệu quả nhất. Hiện nay, các phương pháp phổ biến trên thế giới có thể áp dụng vào giảng dạy bậc THCS bao gồm:
Phương pháp thuyết trình: Đây là phương pháp truyền thống và thường được áp dụng nhiều tại các trường. Với phương pháp này, người trình bày có thể truyền tải một lượng lớn kiến thức một cách nhất quán và hợp lý tới nhiều người; có thể giới thiệu nhanh về các nhóm kiến thức mới; dễ dàng trong việc lập kế hoạch và quản lý. Tuy nhiên, phương pháp này dẫn đến việc truyền thụ kiến thức một chiều, khiến người tham gia bị động và không có trách nhiệm học tập; tương tác, liên hệ thực tế và tăng cường các kỹ năng của người học hạn chế cũng như hiệu quả giáo dục có thể chưa cao. Do vậy, cần xây dựng nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu của người học; tăng cường tương tác và đặt câu hỏi cũng như kết hợp với các phương pháp tương tác.
Phương pháp thảo luận/đối thoại cả lớp (nhóm lớn): là phương pháp giáo viên dẫn dắt vấn đề để cả lớp cùng thảo luận. Nhờ đó, người dạy và người học sẽ có sự tương tác, chia sẻ với nhau. Người học sẽ chủ động trong việc nạp kiến thức, nêu lên suy nghĩ, quan điểm, thái độ, nhận thức, trải nghiệm của bản thân; tự xây dựng các kỹ năng để tranh luận, lắng nghe và phân tích. Giáo viên có thể nhận phản hồi của học sinh về bài học cũng như khiến cho không khí học tập trở nên sôi nổi. Tuy nhiên, với phương pháp này, người dạy sẽ bị động trong việc xây dựng các câu hỏi mở phù hợp, khó quản lý quy trình nếu không vững về chuyên môn, kiến thức cũng như có thể mất nhiều thời gian. Do vậy, giáo viên cần chuẩn bị nội dung, chủ đề thảo luật kỹ, sát với thực tiễn của học sinh; chủ động, làm chủ được cuộc thảo luận và kết hợp với phương pháp thuyết trình.
Thảo luận nhóm nhỏ/làm việc theo nhóm: Lớp học sẽ cùng tìm hiểu, bàn bạc, phân tích, đưa ra giải pháp, kết luận về vấn đề được đưa ra. Phương pháp này rất linh hoạt, năng động và dễ dàng kết hợp với các phương pháp khác. Người học có thể tự học hỏi lẫn nhau; tự rèn luyện kỹ năng hợp tác, phân tích, lắng nghe, thảo luận cũng như bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, người học cần nhiều thời gian chuẩn bị; có thể thiếu năng động, cơ sở vật chất thiếu bảo đảm… Nếu áp dụng phương pháp này, chia lớp thành các nhóm với số lượng người vừa phải từ 5-10 người. Trong quá trình thảo luận tại các nhóm, giáo viên có thể đến từng nhóm nghe, trao đổi và gợi ý.
Nghiên cứu tình huống: Tùy theo nội dung bài giảng, giáo viên chuẩn bị sẵn một tình huống. Với phương pháp này, người học áp dụng những gì được học vào các tình huống cuộc sống thực tế; tự xây dựng kỹ năng phân tích, trình bày quan điểm, lắng nghe và thảo luận; được phát triển, khuyến khích tư duy. Tùy thuộc đối tượng người học, giáo viên có thể xây dựng các tình huống phù hợp với đối tượng người học.
Phương pháp đóng vai: Bằng cách diễn xuất, người học có thể thực hành việc đối phó với các tình huống và thử nghiệm các giải pháp giải quyết vấn đề. Phương pháp đóng vai cũng cần nghiên cứu để áp dụng phù hợp với người học.
Bên cạnh những phương pháp giảng dạy trên, để giáo dục quyền con người có hiệu quả đối với bậc THCS cần có các công cụ hỗ trợ giảng dạy bao gồm: các thông tin cần thiết về chương trình học tập (mục tiêu học tập, chương trình, người thuyết trình; các tài liệu giáo dục (bài giảng, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo); máy chiếu, bảng, giấy khổ lớn, phòng học đủ để kê bàn cho thảo luận; Slide Power Point, tài liệu phát tay và bài tập…
Nhìn chung, để đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, áp dụng trong giáo dục bậc THCS đạt hiểu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung, tài liệu, xây dựng chương trình, đào tạo cán bộ giảng dạy.
4. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở BẬC THCS
Thứ nhất, đổi mới hoạt động giảng dạy quyền con người bậc THCS, xác định đúng các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể, hướng đến xây dựng nền văn hóa nhân quyền.
Thứ hai, hiện nay ở Việt Nam, các kiến thức về quyền con người có trong các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông còn mang tính lý thuyết và trừu tượng. Chương trình giáo dục quyền con người cần đảm bảo tính hiện đại, ổn định và thống nhất, có sự kế thừa giữa các cấp học. Các nội dung về quyền con người được lồng ghép vào trong các môn học cần đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả cấp học. Tuy nhiên, cũng cần có sự cân nhắc về mức độ phù hợp cũng như phương pháp lồng ghép trong chương trình giáo dục.
Thứ ba, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn, đưa nhiều ví dụ minh họa thực tế vào bài giảng tránh phương pháp học một chiều, thiên về lý thuyết tạo tâm lý nhàm chán cho người học. Ngoài ra, cần khuyến khích học sinh thành lập các câu lạc bộ có thể cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mắc, khó khăn trong quá trình học tập, từ đó cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tập tích cực.
Thứ tư, áp dụng công nghệ thông tin và lợi ích của các mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người. Để hỗ trợ cho các hình thức, phương pháp giáo dục, cần tang cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, thông tin về quyền con người, quyền công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những lợi ích từ mạng xã hội để phổ biến các thông tin về quyền con người một cách nhanh chóng và tiếp cận được rất nhiều đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận các thông tin từ mạng xã hội, người học cần chắt lọc thông tin chính thống, có tư duy phản biện để nhìn nhận được chính xác vấn đề./.
Mai Thị Thanh Hương
Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, huyện Thống Nhất, Đồng Nai