Năm 2003, phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thuỵ sĩ), ngài Bertrand Ramcharan, Quyền Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền1 đã khẳng định, có rất nhiều thách thức với quyền con người trong thế giới hiện đại, đồng thời xác định 12 vấn đề nổi bật2. Gần đây, năm 2019, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet phát biểu tại Trung tâm Nhân quyền và Luật Nhân đạo, Trường Luật, Đại học Washington Hoa Kỳ cũng tái khẳng định các vấn đề đó và bổ sung một số thách thức khác về quyền con người3. Bài viết tổng hợp, phân tích những thách thức nêu trên, từ đó đánh giá và gợi mở một số giải pháp giải quyết những thách thức về quyền con người ở Việt Nam

1. Những thách thức đương đại về quyền con người theo Bertrand Ramcharan

Theo Bertrand Ramcharan, có 12 vấn đề quyền con người nổi cộm trên thế giới mà các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc và các quốc gia cần lưu tâm, bao gồm:

Thứ nhất, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị vi phạm quyền con người thô bạo.

Những nạn nhân được Bertrand Ramcharan đề cập nhiều nhất bao gồm nạn nhân bị tra tấn, hành quyết tuỳ tiện hay trái thủ tục tố tụng, nạn nhân bị cưỡng chế đưa đi mất tích, và cả phụ nữ bị bạo hành.

Luật nhân quyền quốc tế đã có nhiều văn kiện và cơ chế bảo vệ những nạn nhân nêu trên, trong đó tiêu biểu là Công ước chống tra tấn4 và nghị định thư không bắt buộc bổ sung công ước này5. Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (trước đây là Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc) đã bổ nhiệm một số báo cáo viên đặc biệt (special rapporteurs) hay chuyên gia để nghiên cứu và điều tra về những vấn đề nêu trên, dưới hình thức các nghiên cứu theo chủ đề hoặc theo quốc gia6. Đây cũng là những vấn đề thường xuyên được đưa vào chương trình nghị sự hàng năm của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc. Song, trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, những vi phạm quyền con người nêu trên vẫn xảy ra ở nhiều khu vực và quốc gia.

Thứ hai, ngăn chặn những vi phạm quyền con người thô bạo.

Gắn liền với vấn đề thứ nhất là thách thức trong việc ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền con người thô bạo (gross violations of human rights) trên thế giới. Theo Bertrand Ramcharan, những thách thức này thể hiện trên tất cả các cấp độ: quốc gia, khu vực, quốc tế.

Đứng trước thách thức nêu trên, Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền đã xây dựng một báo cáo riêng có tiêu đề là “Truy tố và trừng phạt các vi phạm quyền con người thô bạo và vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế trong bối cảnh các quá trình tư pháp chuyển tiếp”. Nội dung của báo cáo vạch ra thực trạng và đề xuất những giải pháp để hoá giải những thách thức đó trên thế giới7.

Thứ ba, xoá bỏ đói nghèo.

Đói nghèo (poverty) là tình trạng mà trong đó quyền sống, cụ thể là quyền có lương thực, thực phẩm và có tiêu chuẩn sống thích đáng, đã không được bảo đảm. Tình trạng đói nghèo cũng thường dẫn đến những vấn đề nhân quyền khác như những hình thức nô lệ hiện đại (bóc lột sức lao động; khai thác, lạm dụng tình dục; buôn bán phụ nữ, trẻ em; buôn bán bộ phận cơ thể...), thất học, tội phạm và xung đột vũ trang...

Theo tổ chức Tầm nhìn thế giới, hiện có 719 triệu người, chiếm 9.2% dân số của nhân loại, đang phải sống với mức sống dưới 2,15 đô la Mỹ/ngày8. Một nghiên cứu khác cho thấy, sau nhiều năm mà tình trạng thiếu dinh dưỡng và mất an ninh lương thực giảm đi, số người bị coi là "thiếu dinh dưỡng" trên thế giới gần đây lại tăng lên, từ 777 triệu người năm 2015 lên 815 triệu người (chiếm 11% nhân loại) vào năm 20169. Tính trung bình hiện cứ 9 người trên thế giới thì có một người phải sống trong tình trạng thiếu lương thực10.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, trong đó bao gồm quản trị quốc gia yếu kém, thiên tai, biến đổi khí hậu, rối loạn về chính trị, xã hội (xét ở cả cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế)... nhưng quản trị quốc gia được xem là nguyên nhân cơ bản11. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã nêu ra cách tiếp cận dựa trên quyền con người để làm giảm tình trạng đói nghèo (the human rights approach to poverty reduction)12, trong đó khẳng định, một xã hội được quản trị theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền và tôn trọng quyền con người thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và ngăn chặn, xoá bỏ được tình trạng đói nghèo13.

Thứ tư, bảo đảm quyền được giáo dục.

Giáo dục là một quyền con người cơ bản (quyền được giáo dục - the right to education) và hơn thế, là một trong những quyền kiến tạo quyền - tức là những quyền tạo cơ sở để thực hiện các quyền con người khác. Theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với giáo dục ở mọi cấp độ và phải bảo đảm quyền được giáo dục tiểu học miễn phí cho trẻ em. Dù vậy, trên thế giới hiện nay vẫn còn hàng trăm triệu người mù chữ hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục, kể cả trẻ em14. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia bảo đảm các quyền của trẻ em nói chung, bao gồm quyền được giáo dục, thông qua các biện pháp gồm cả việc cung cấp bữa ăn trưa miễn phí cho trẻ em nghèo ở trường học15.

Thứ năm, bảo đảm sự bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ.

Vấn đề bình đẳng giới và quyền của phụ nữ đã thu hút sự quan tâm của nhân loại từ rất lâu, nhưng chỉ đạt được bước ngoặt cùng với sự ra đời của Liên hợp quốc (1945) và luật nhân quyền quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động thông qua tại Hội nghị thế giới về nhân quyền lần thứ hai họp tại Viên (Áo) năm 1993 đã khẳng định quyền phụ nữ cũng là quyền con người. Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, 1979) đã xác định những vấn đề và hành động cụ thể mà các quốc gia phải tiến hành để bảo đảm các quyền con người của phụ nữ một cách bình đẳng với nam giới.

Mặc dù vậy, trên thế giới hiện nay tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, khu vực16. Theo quan điểm của Liên hợp quốc, một khi phụ nữ chưa được trao quyền và bảo đảm sự bình đẳng với nam giới thì sẽ không thể giải quyết được các vấn đề lớn trong các xã hội như xung đột, kém phát triển và bất công17.

Thứ sáu, pháp quyền và dân chủ.

Pháp quyền và dân chủ không chỉ là nhân tố quyết định cho sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia, mà còn cho việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người18. Trong khi đó, quyền con người là trung tâm của khái niệm pháp quyền, vừa là một tiêu chí, vừa là một yêu cầu của một chế độ pháp quyền. Một chế độ pháp quyền đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm nhà nước, đều phải tuân thủ pháp luật, và pháp luật đó phải phù hợp các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế19.

Mặc dù vậy, sau một thời gian dài phát triển, trong những năm gần đây thế giới chứng kiến sự suy giảm của dân chủ và pháp quyền20. Đi liền với xu hướng đó là những thách thức mới trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Một trong những ví dụ nổi bật đó là kể từ năm 2015, mỗi ngày trên thế giới có ít nhất một người hoạt động bảo vệ nhân quyền bị giết hại, gây sốc cho các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc21.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã ban hành một số nghị quyết để kêu gọi các quốc gia chú ý hơn đến việc thúc đẩy dân chủ và pháp quyền. Cụ thể, Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000 đã nêu rõ, cần “...thúc đẩy sự tôn trọng pháp quyền trong các quan hệ ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế...”22. Trong Tuyên bố thông qua tại Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về pháp quyền đã khẳng định quyền con người, pháp quyền và dân chủ có mối liên kết chặt chẽ, củng cố lẫn nhau và chúng đều thuộc về các giá trị và nguyên tắc phổ quát, cốt lõi, không thể chia cắt của Liên hợp quốc, và  mối quan hệ tương hỗ [giữa pháp quyền, dân chủ và quyền con người] cần được xem xét trong chương trình nghị sự phát triển quốc tế sau năm 201523.

Thứ bảy, cơ chế quốc gia về bảo vệ quyền con người.

Ngay từ khi Liên hợp quốc được thành lập, cùng với việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức này đã chú ý đến việc xây dựng các thiết chế bảo vệ quyền con người cả ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Ở cấp độ quốc tế, một loạt cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc đã được thành lập, trong đó tiêu biểu là Uỷ ban Nhân quyền (nay là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc). Ở cấp độ quốc gia, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước thành viên thành lập các cơ quan quốc gia về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người để hỗ trợ hoạt động của Liên hợp quốc trên lĩnh vực này24. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng hiệu quả các thiết chế khác như toà án, các tổ chức xã hội... để góp phần bảo vệ quyền con người.

Dù vậy, cho đến nay, vẫn còn khoảng 80 nước chưa thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, và trong số các cơ quan nhân quyền quốc gia đã được thành lập, vẫn còn khoảng 1/3 chưa đáp ứng đầy đủ tính độc lập theo Các Nguyên tắc Paris về cơ quan nhân quyền quốc gia25 - điều mà sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan đó.

Thứ tám, khủng bố và công nghệ sinh học.

Khủng bố và công nghệ sinh học được xem là những mối đe doạ mới (new threat) với quyền con người26.

 Khủng bố tác động đến quyền con người theo hai chiều cạnh: Thứ nhất, hành động của những kẻ khủng bố, thể hiện qua việc giết hại những người dân vô tội để gây sự sợ hãi, chính là sự vi phạm thô bạo quyền sống. Thứ hai, để ngăn chặn hành động khủng bố, một số nước, cụ thể như Hoa Kỳ, đã cho phép áp dụng những biện pháp tra tấn hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo với những nghi can khủng bố, với lập luận rằng điều đó là để thu thập lời khai và ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố, bảo vệ tính mạng của người dân27. Dù vậy, theo quan điểm của hầu hết chuyên gia về nhân quyền, việc cho phép áp dụng những biện pháp tra tấn hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo với những nghi can khủng bố sẽ không thể ngăn chặn, mà thậm chí sẽ làm gia tăng sự hung hãn của những kẻ khủng bố28. Nói cách khác, không thể dùng một hành động vi phạm quyền con người để ngăn ngừa một hành động vi phạm quyền con người khác29. Nhiều cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền... cũng đã kêu gọi các quốc gia cần duy trì pháp quyền và nguyên tắc bảo đảm các quyền con người cơ bản trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong cuộc chiến chống khủng bố30.

Trong những thập kỷ gần đây, nhân loại đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong công nghệ sinh học và việc này đang gây ra những tác động cả tích cực và tiêu cực đến quyền con người. Mặc dù vậy, tác động của công nghệ sinh học đến quyền con người vẫn cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, từ đó có thể đưa ra những giải pháp pháp lý và kỹ thuật để phòng chống31. Liên quan đến công nghệ sinh học, các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu và đưa ra những cảnh báo về tác động hai chiều đối với quyền con người từ sự phát triển của khoa học và công nghệ, trong đó có công nghệ sinh học. Đặc biệt, Liên hợp quốc đã thông qua một văn kiện riêng về vấn đề chỉnh sửa gen người và tác động của nó đến quyền con người vào năm 1998 (Tuyên bố toàn cầu về bộ gen người và quyền con người)32.

Thứ chín, người tỵ nạn, người lao động di trú, người di dân vì lý do kinh tế hay xung đột vũ trang.

Người tỵ nạn vốn là một vấn đề phức tạp và trong những năm gần đây có xu hướng trở lên phức tạp hơn do xung đột, chiến tranh xảy ra ở nhiều khu vực. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, tình trạng di dân kinh tế (economic migrants) cũng làm cho vấn đề trở nên rối ren hơn, khi mà người di cư vì lý do kinh tế sẽ không được xem là người tỵ nạn33. Mặc dù người lao động di trú (migrant worker) đã được bảo vệ bằng một công ước riêng, nhưng hiệu quả trong thực tế còn hạn chế34. Khung pháp luật quốc tế về bảo vệ người tỵ nạn của Liên hợp quốc đã được  xây dựng từ rất sớm, với Công ước về vị thế của người tị nạn (1951) và sau đó là một số văn kiện khác. Với người lao động di trú (những người có quốc tịch của một quốc gia mà đang làm việc ở quốc gia khác) cũng đã có Công ước về quyền của người lao động di trú và những thành viên trong gia đình họ (1990). Dù vậy, quy chế pháp lý về đối xử với người di cư vì lý do kinh tế hay xung đột vũ trang, cả di cư ra nước ngoài và trong nước, vẫn còn sơ sài, dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia, khu vực có những cách đối xử khác nhau, và có những phương án đối xử khác nhau qua các giai đoạn, với nhóm người này.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá của thế giới hiện nay, khi sự di cư xuyên biên giới ngày càng phổ biến, cần có một quy chế pháp lý toàn cầu để bảo vệ hiệu quả hơn những người tị nạn và cả những đối tượng khác như những người di dân kinh tế, người lao động di cư... Điều đó là bởi theo UNHCR, mỗi ngày trên thế giới có 44.400 người bị buộc phải rời bỏ ngôi nhà của chính mình mỗi ngày vì xung đột hoặc áp bức. Phần lớn là di dân trong nước, số còn lại thì cố gắng tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài bằng cách vượt biên giới trong những hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm35. Hiện tại, các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc đang thảo luận về vấn đề này trong sự hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, song vẫn còn rất nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn cần phải giải quyết liên quan đến khái niệm, quy định pháp lý, điều kiện hoạt động, và các biện pháp bảo vệ36,... Vì vậy, không hy vọng sẽ có những tiến triển đáng kể trong thời gian ngắn.

Thứ mười, tình trạng bất bình đẳng.

Bình đẳng là một trong những nguyên tắc nền tảng của luật nhân quyền quốc tế và trong thực tế đã có nhiều văn kiện quốc tế đề cập đến vấn đề này, dưới dạng khẳng định nguyên tắc chung về sự bình đẳng (Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, hai Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và về quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966) và các biện pháp xoá bỏ sự phân biệt đối xử (đối lập với sự bình đẳng) dưới mọi hình thức (như Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc) với các nhóm xã hội khác nhau (như Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ)...

Mặc dù vậy, những thách thức dai dẳng của sự bất bình đẳng vẫn hiện diện ở nhiều khu vực và nhiều quốc gia. Tình trạng bất bình đẳng về dân tộc, chủng tộc, giới tính, xã hội, và về các yếu tố khác... vẫn phổ biến trên thế giới, bất kể những nỗ lực to lớn và liên tục của Liên hợp quốc và của nhiều chủ thể khác trong việc xoá bỏ tình trạng đó37. Sự bất bình đẳng dễ thấy nhất là về kinh tế, với mức độ ngày càng gia tăng. Hiện tại của cải đang được sản xuất nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người nhưng không được chia sẻ một cách công bằng. Theo tổ chức Oxfam, ở thời điểm năm 2016, 82% của cải tạo ra trên thế giới thuộc về 1% dân số toàn cầu giàu nhất, trong khi thu nhập của một nửa dân số nghèo nhất của nhân loại không thay đổi gì, có nghĩa là họ bị bỏ lại phía sau xa hơn nữa38.

Thứ mười một, quyền của một số nhóm xã hội mới.

Luật nhân quyền quốc tế đầu tiên chú trọng bảo vệ các quyền, tự do của cá nhân, sau đó mở rộng đến việc bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế. Những nhóm yếu thế đã được bảo vệ bởi những công ước riêng của luật nhân quyền quốc tế có thể kể như phụ nữ, người tỵ nạn, người bản địa, trẻ em, người lao động di trú, người khuyết tật... Dù vậy, hiện nay vẫn còn một số nhóm yếu thế chưa có công ước riêng bảo vệ, như người thiểu số, người cao tuổi, LGBTQI... Quyền của những nhóm này hiện mới chỉ được bảo vệ qua một số điều khoản trong một số công ước và qua một số văn kiện không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý (gọi là các văn kiện mềm) như tuyên ngôn, tuyên bố, bộ quy tắc, tiêu chuẩn, hướng dẫn... do một số cơ quan nhân quyền quốc tế ban hành.

Cho dù có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết của việc xây dựng những điều ước quốc tế riêng để bảo vệ những nhóm yếu thế còn lại nêu trên, song không thể phủ nhận rằng việc không có một văn kiện quốc tế ràng buộc (điều ước) bảo vệ thì hiệu quả bảo vệ quyền của các nhóm này sẽ bị hạn chế39. Ngoài ra, kể cả với các nhóm đã được bảo vệ bởi các điều ước quốc tế riêng về quyền của nhóm họ, thì thực tế cho thấy hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế đó hầu hết đều còn hạn chế.

Thứ mười hai, cơ chế bảo đảm các quyền con người phổ quát.

Cùng với việc xây dựng hệ thống văn kiện chứa đựng những tiêu chuẩn quốc tế phổ quát về quyền con người, Liên hợp quốc cũng chú ý thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi các quyền con người phổ quát. Ngay từ năm 1946, Liên hợp quốc đã thành lập Uỷ ban Nhân quyền (hiện là Hội đồng Nhân quyền) để làm đầu mối tổ chức thực hiện các hoạt động của Liên hợp quốc trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng đã xây dựng các quy trình, thủ tục để các cơ quan nhân quyền quốc tế có thể đôn đốc, giám sát và hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Mặc dù vậy, tình trạng không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia40, mặc cho Liên hợp quốc đã cải tổ cơ chế bằng cách nâng cấp Uỷ ban Nhân quyền thành Hội đồng Nhân quyền và thiết lập các thủ tục mới, tiêu biểu như thủ tục báo cáo định kỳ toàn thể về nhân quyền (UPR) theo định kỳ 4 năm một lần. Đứng trước thực trạng đó, Liên hợp quốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tổ cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người toàn cầu mà một trong các hướng được nêu ra là tìm hiểu kinh nghiệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong việc giám sát, thúc đẩy các quốc gia thực thi các chuẩn mực quốc tế về lao động41.

Dòng người di cư vào châu Âu. Nguồn: quanlynhanuoc.vn.

2. Một số thách thức đương đại khác về quyền con người

Bên cạnh những thách thức do TS Bertrand Ramcharan nêu ra ở trên, một số chuyên gia khác còn nêu ra một số thách thức đương đại khác về nhân quyền, tiêu biểu trong số đó là Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet.

Cụ thể, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nhân quyền và Luật Nhân đạo, Trường Luật, Đại học Washington Hoa Kỳ ngày 11 tháng 4 năm 2019, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet đã đề cập đến những thách thức khác đó là: Sự phát triển của công nghệ số; toàn cầu hoá về kinh tế; biến đổi khí hậu; xung đột vũ trang và sự thù hận về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng...

Về vấn đề công nghệ số và toàn cầu hoá về kinh tế, bà Michelle Bachelet cho rằng nhân loại đang sống trong một nghịch lý: các công cụ kỹ thuật số, nền kinh tế toàn cầu đang đưa mọi người đến gần nhau hơn, tuy nhiên chúng lại làm cho các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng quốc tế và các thể chế đa phương phân tán hơn. Nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia dường như ít cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích chung của nhân loại hơn: “Họ đang quay lưng lại với các nguyên tắc và giải pháp có tính chia sẻ cho các vấn đề chung, và tình trạng này đang dẫn đến tình trạng khổ đau và hỗn loạn ngày càng gia tăng”42.

Trong thực tế, nhiều nghiên cứu chuyên sâu cũng đã chứng minh rằng, công nghệ số và toàn cầu hoá về kinh tế góp phần cải thiện đáng kể các quyền con người, song đồng thời cũng gây ra những thách thức lớn với việc hưởng thụ quyền của một số nhóm xã hội. Chẳng hạn, đối với công nghệ số, tác động tiêu cực đến quyền con người có thể thấy qua những thách thức to lớn trong việc bảo vệ quyền về đời tư, hay qua việc gia tăng nguy cơ bị bỏ rơi (lề hoá) của những người không thể nắm bắt công nghệ hiện đại43. Trong khi đó, đối với toàn cầu hoá, rủi ro với quyền con người là làm tăng sự bất bình đẳng hay khoảng cách giàu – nghèo giữa các quốc gia và các nhóm trong xã hội, làm xói mòn bản sắc dân tộc, thậm chí là làm tăng tình trạng tham nhũng mà cũng là một kẻ thù của quyền con người44.

Về biến đổi khí hậu, Michelle Bachelet cho rằng đây là một “mối đe dọa toàn diện và tàn khốc đối với quyền con người và với cuộc sống của con người”45. Bà cho rằng, biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự dịch chuyển, do phá hủy khả năng kiếm sống ổn định của người dân ở những nơi họ sinh ra, dẫn đến tình trạng đói nghèo gia tăng và mất an ninh lương thực, tranh chấp về nguồn nước, sự hủy hoại môi trường, căng thẳng và bất bình đẳng trong các xã hội, và cả xung đột giữa các quốc gia46. Nhận định của Michelle Bachelet về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với quyền con người cũng được chia sẻ bởi nhiều tổ chức và chuyên gia khác47.

Về xung đột vũ trang, bên cạnh những thiệt hại về tính mạng mà liên quan trực tiếp đến quyền sống, Michelle Bachelet nhấn mạnh rằng, sự tàn phá của các cuộc xung đột vũ trang ngày nay, cùng với chi phí kinh tế và nhân đạo khổng lồ do sự tàn phá đó gây ra, tạo ra những tác hại lớn và lâu dài về quyền con người, mà trẻ em và thế hệ tiếp theo phái gánh chịu48. Bà cho rằng xét về phương diện quyền con người, không có bên chiến thắng trong các cuộc xung đột vũ trang, vì chúng phá hủy cuộc sống, đất đai, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế và cả hy vọng của con người49. Bà cũng lo ngại về thực trạng thế giới hiện nay, khi mà các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ít hơn, nhưng các cuộc xung đột nội bộ trong các quốc gia lại nhiều và kéo dài hơn cùng với sự can thiệp của nước ngoài. Bên cạnh đó, nỗ lực quốc tế về kiểm soát phổ biến vũ khí, việc tiến hành và nguy cơ xung đột đã giảm sút. Về vấn đề này, vào tháng 2/2022, trong bài phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã thẳng thắn cho rằng: “Các thành phần chính của bộ máy kiểm soát vũ khí quốc tế đang sụp đổ... Các công nghệ vũ khí mới đang gia tăng rủi ro theo những cách mà chúng ta chưa hiểu và thậm chí không thể tưởng tượng được”50.

Bà Michelle Bachelet cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng toàn cầu về sự thù hận nhắm vào các thành viên của các nhóm chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo, cũng như chống lại người nước ngoài và các nhóm thiểu số khác51. Theo bà, ở nhiều quốc gia, những tư tưởng từng bị xem cực đoan và bị xoá bỏ giờ đây đã trở thành xu hướng chính trị, làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở các quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu do gây ra sự chia rẽ và di cư52.

3. Kết luận và một số gợi mở cho Việt Nam 

Từ những phân tích trên, có thể thấy hiện nay có rất nhiều thách thức đa dạng với việc bảo đảm quyền con người trên thế giới. Sự đa dạng của những thách thức đó không có nghĩa là vấn đề quyền con người quá phức tạp đến mức không thể giải quyết được, mà chủ yếu là do đây là vấn đề rộng lớn và đa diện. Điều đó có nghĩa là những thách thức đó có thể được giải quyết, nhưng chỉ bằng nỗ lực và quyết tâm chung của nhiều chủ thể, và cần được thực hiện đồng thời ở nhiều cấp độ, từ cá nhân, gia đình, cộng đồng đến quốc gia, khu vực, quốc tế.

Những thách thức về quyền con người nêu ở các mục trên có tính kết nối với nhau. Một số thách thức tồn tại đã lâu nhưng đang có xu hướng trầm trọng hơn, trong khi có những thách thức mới nổi lên do những thay đổi về tự nhiên và xã hội. Dù vậy, để giải quyết hiệu quả các thách thức về quyền con người, đều cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó nêu ra những chiến lược, giải pháp phù hợp cho từng dạng.

Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức chung về quyền con người trên thế giới, mặc dù tính chất và mức độ ảnh hưởng của những thách thức đó với Việt Nam có thể không hoàn toàn đồng nhất với những quốc gia khác. Như vậy, giống như các quốc gia khác, chúng ta cần bắt đầu bằng việc nghiên cứu toàn diện, cụ thể hơn về những thách thức với quyền con người trong bối cảnh hiện nay, và xác định những chiến lược, giải pháp đối phó hiệu quả phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. 

Những yếu tố thuận lợi cho công việc này là quyết tâm chính trị của Đảng về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người được thể hiện trong nhiều văn kiện, bao gồm Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó nêu rõ, việc “bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân” là một trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn cần thực hiện để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới53

Trong thực tế, kể từ Đổi mới (1986), cùng với những thành tựu trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó một số lĩnh vực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Dù vậy, đứng trước những thách thức đã nêu ở các mục trên, có thể thấy, cần thiết phải chú trọng, tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền con người ở nước ta trong thời gian tới, gắn liền với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể:

Một là, quán triệt đầy đủ và duy trì quyết tâm chính trị cao với việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước có thể xem là điều kiện đầu tiên để hoá giải những thách thức về quyền con người trong bất kỳ xã hội nào. Điều đó là do quyền con người là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và đôi khi bị hiểu nhầm là một “trở ngại” đối với nhà nước, dẫn đến sự ngần ngại, e dè và tâm lý “đối phó” trong việc giải quyết các mối quan hệ về quyền con người. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa của quyền con người, xem đó là những giá trị cao quý chung của toàn nhân loại mà các nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và hiện thực hoá thì mới có thể có quyết tâm chính trị cao và có những biện pháp vượt qua những thách thức để bảo đảm các quyền con người trong thực tế một cách thực chất và hiệu quả. Quyết tâm chính trị cao đầu tiên là để vượt qua những trở ngại về nhận thức, sau đó là những trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện các quyền con người. Quyết tâm chính trị cao không chỉ được hình thành từ nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc, bản chất của quyền con người, mà còn từ ý nghĩa của việc bảo đảm quyền con người với xã hội nói chung, và với sự tồn vong, bền vững của một chế độ, một nhà nước nói riêng.

Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mối quan hệ khăng khít giữa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền con người với việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền.

Như đã phân tích ở các phần trên, quyền con người và nhà nước pháp quyền có mối quan hệ gắn bó, trong đó quyền con người là trung tâm của khái niệm pháp quyền, vừa là một tiêu chí, vừa là một yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Như vậy, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền con người chính là một tiền đề hay điều kiện nền tảng cho việc xây dựng thành công nhà nước pháp quyền. Sẽ chưa thể có nhà nước pháp quyền nếu các quyền con người chưa được bảo đảm trên thực tế. Ngược lại, khi các quyền con người đã được bảo đảm đầy đủ, thì nhà nước pháp quyền về cơ bản đã được xây dựng thành công. Theo nghĩa đó, việc giải quyết những thách thức về quyền con người thực chất cũng chính là giải quyết những thách thức với việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về quyền con người.

Mặc dù quyền con người là những giá trị tự nhiên, vốn có của mọi cá nhân thành viên của cộng đồng nhân loại, song những giá trị đó chỉ có thể được hiện hoá thông qua pháp luật. Với tính chất là hệ thống các quy tắc cư xử có hiệu lực bắt buộc mọi chủ thể trong xã hội phải tuân thủ, pháp luật đóng vai trò là công cụ để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong thực tế.

Những thách thức về quyền con người đã nêu đều có liên quan đến hệ thống pháp luật, có nguyên nhân từ sự hạn chế của hệ thống pháp luật. Ở góc độ vĩ mô, để bảo đảm một cách thực chất và hiệu quả quyền con người, pháp luật quốc gia cần phải được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần phải rà soát, cải cách không chỉ các luật về nội dung, mà còn các luật về thủ tục để không chỉ ghi nhận đầy đủ và đúng đắn các quyền, mà còn xác lập được cơ chế giám sát, khiếu nại và xử lý hiệu quả những vi phạm quyền con người.

Bốn là, dành những nguồn lực thích đáng cho việc hiện thực hoá quyền con người.

Để hoá giải những thách thức về quyền con người đã nêu, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều kiện cần, ngoài ra còn cần có thêm điều kiện đủ là hệ thống pháp luật đó được thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả. Việc thực hiện pháp luật về quyền con người thực chất chính là hiện thực hoá các quyền con người trong thực tế. Điều này đòi hỏi những nguồn nhân, vật lực lớn. Xét về nhân lực, Nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong một số ngành có liên quan trực tiếp đến quyền con người, ví dụ như hệ thống các cơ quan tư pháp. Xét về vật lực, Nhà nước cần phân bổ nguồn ngân sách lớn cho các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá – nhóm quyền cần nhiều kinh phí để bảo đảm. Đối với các quyền dân sự, chính trị, mặc dù yêu cầu về kinh phí không nhiều như nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, song Nhà nước vẫn cần dành ngân sách cho giáo dục, tuyên truyền, duy trì hoạt động của các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác đóng góp vào việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm quyền con người.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

Quyền con người là một giá trị phổ quát, được ghi nhận, bảo vệ bằng các tiêu chuẩn và cơ chế của luật nhân quyền quốc tế có hiệu lực toàn cầu. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả quyền con người, các quốc gia nhất thiết phải phối hợp tốt với các thiết chế và đối tác quốc tế. Đối với những thách thức về quyền con người đã nêu ở hai mục trên, việc hợp tác quốc tế có ý nghĩa cốt yếu đến khả năng hoá giải chúng, bởi lẽ đây là những thách thức có tính toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực và sự phối hợp toàn cầu. Thêm vào đó, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc hoá giải những thách thức đó thường khó khăn do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực. Những khó khăn đó có thể được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế về quyền con người.

Kết luận

Trong thế giới ngày nay, quyền con người đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc giải quyết những thách thức là không thể thiếu để bảo đảm các quyền con người phổ quát. Đây là nghĩa vụ chung của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, cũng như các cộng đồng và cá nhân thành viên của nhân loại.

Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hầu hết thách thức về quyền con người trên thế giới. Việc giải quyết những thách thức đó là rất cần thiết để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việc này cũng phù hợp với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người, tuy nhiên, đứng trước những thách thức đặt ra về quyền con người hiện nay, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cả thể chế và thiết chế về bảo đảm quyền con người trong thời gian tới, cụ thể là cần tiếp tục nâng cao nhận thức, củng cố quyết tâm chính trị, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế và dành những nguồn lực thích đáng cho việc hiện thực hoá các quyền con người, quyền công dân trong thực tế.

PGS.TS Vũ Công Giao

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Tiến sĩ Bertrand Ramcharan nguyên là trợ lý cho Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền Sergio Vieira de Mello – người bị giết hại trong vụ đánh bom khủng bố trụ sở Liên hợp quốc tại I-rắc ngày 19/8/2003. Ông được bầu làm Quyền Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền thay ông Sergio Vieira de Mello và giữ nhiệm vụ này đến tháng 7/2004, khi Tổng thư ký Liên hợp quốcbổ nhiệm Cao uỷ nhân quyền mới. Trong hệ thống Liên hợp quốc, Cao uỷ Nhân quyền giữ chức Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc.
(2) OHCHR, New challenges in the promotion and protection of human rights, Address of Bertrand Ramcharan, Acting High Commissioner for Human Rights at the Opening of the Sub-Commission on the Promotion and Protection of Human Rights, Palais des Nations, 28 July, 2003. https://www.ohchr.org/en/statements/2009/10/new-challenges-promotion-and-protection-human-rights
(3) Bachelet, Michelle (2020) "Lecture: Challenges to the Protection of Human Rights Today", American University International Law Review: Vol. 35 : Iss. 2 , Article 5. Available at: https://digitalcommons.wcl.american.edu/auilr/vol35/iss2/5 
(4) OHCHR, Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment, https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/convention-against-torture-and-other-cruel-inhuman-or-degrading
(5) OHCHR, Optional Protocol to the Convention against Torture and other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment, https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/optional-protocol-convention-against-torture-and-other-cruel
(6) Ví dụ, xem các báo cáo của các báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn ở đây OHCHR https://www.ohchr.org/en/special-procedures/sr-torture
(7) OHCHR, Report of the Spe cial Rapporteur on the promotion of truth, justice, reparation and guarantees of non-recurrence, Fabián Salvioli, Accountability: Prosecuting and punishing gross violations of human rights and serious violations of international humanitarian law in the context of transitional justice processes, https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/G21/176/75/PDF/G2117675.pdf?OpenElement
(8) World Vision, Global poverty: Facts, FAQs, and how to help, https://www.worldvision.org/sponsorship-news-stories/global-poverty-facts.  
(9) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.   
(10) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.   
(11);(13);(15) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(12) OHCHR, Principles and Guidelines for a Human Rights Approach to Poverty Reduction Strategies. https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Publications/PovertyStrategiesen.pdf
(14) Irina Bokova, Education for All: Rising to the Challenge, https://www.un.org/en/chronicle/article/education-all-rising-challenge
(16) Ví dụ, xem OHCHR, Rising to the challenges of 2023 for women and girls.
Opening statement of UN Women Executive Director Sima Bahous to the First Regular Session of the Executive Board, 13-14 February 2023. https://www.unwomen.org/en/news-stories/statement/2023/02/statement-rising-to-the-challenges-of-2023-for-women-and-girls
(17);(18) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.  
(19) Xem: UN Security Council (2004), The rule of law and transitional justice in conflict and post-conflict societies: report of the Secretary-General, đoạn 6.
(20) Massimo Tommasoli, Rule of Law and Democracy: Addressing the Gap Between Policies and Practices. https://www.un.org/en/chronicle/article/rule-law-and-democracy-addressing-gap-between-policies-and-practices
(21) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.   
(22) United Nations Millennium Declaration, General Assembly resolution 55/2 of 8 September 2000, section 8.
(23) United Nations (2012), Declaration of the High-level Meeting of the General Assembly on the Rule of Law at the National and International Levels. Resolution adopted by the General Assembly, A/RES/67/1, 30 November 2012, đoạn 5.
(24) OHCHR, UN Human Rights and NHRIs, https://www.ohchr.org/en/countries/nhri
(25) GANHRI, https://ganhri.org/membership/
(26) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(27) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(28) Yuval Ginbar, Why Not Torture Terrorists? Moral, Practical and Legal Aspects of the "Ticking Bomb" justification for Torture. https://www.corteidh.or.cr/tablas/25173.pdf
(29) Raphae¨lle Branche, Torture of terrorists? Use of torture in a ‘‘war against terrorism’’: Justifications, methods and effects: the case of France in Algeria, 1954–1962.  https://international-review.icrc.org/sites/default/files/irrc-867-3.pdf. 
(30) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(31) Sreenivasulu N.S. Human Rights Concerns in Biotechnology. https://doi.org/10.1093/acprof:oso/9780199467488.003.0006
(32) OHCHR, Universal Declaration on the Human Genome and Human Rights, https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/universal-declaration-human-genome-and-human-rights
(33) OHCHR, About migration and human rights, https://www.ohchr.org/en/migration/about-migration-and-human-rights
(34);(36);(37);(39);(40);(41) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(35) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.   
(36) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd.
(37) Bertrand Ramcharan, New challenges in the promotion and protection of human rights, tlđd. 
(38) Oxfam, Richest 1% will own more than all the rest by 2016, https://www.oxfam.org/en/press-releases/richest-1-will-own-more-all-rest-2016
(42) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.      
(43) Amnesty International, Digital Disruption of Human Rights, https://www.hrw.org/news/2016/03/25/digital-disruption-human-rights
(44) Mohd Ashraf Ganaie and Shafiqa Mohiuddin, Globalization and Human Rights, Developing Country Studies www.iiste.org. ISSN 2224-607X (Paper) ISSN 2225-0565 (Online). Vol.6, No.12, 2016
(45);(46) Bachelet, Michelle (2020), tlđd.   
 (47) UN Environment, Climate Change and Human Rights, https://www.unep.org/resources/report/climate-change-and-human-rights. UNDP, At the Nexus of Human Rights and Climate Change: A Rights-Based Approach to Environmental Impacts and Policy Responses, undp.org/vietnam/publications/nexus-human-rights-and-climate-change-rights-based-approach-environmental-impacts-and-policy-responses
(48);(49);(50);(51);(52) Bachelet, Michelle (2020), tài liệu đã dẫn.   
(53) Xem toàn văn Nghị quyết 27-NQ/TW tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-09112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9016, truy cập 2/2/2023.