Quyền con người ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có không ít luận điểm sai trái, thù địch của một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về vấn đề này. Những luận cứ về bảo vệ và bảo đảm quyền con người được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng; được quy định trong các bản Hiến pháp và nhiều đạo luật; Việt Nam đã gia nhập, ký kết nhiều công ước quốc tế về quyền con người; quyền con người được đảm bảo thực hiện trong đời sống xã hội... là những bằng chứng sinh động phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

Quyền con người ở Việt Nam là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay một số tổ chức phản động của người Việt Nam ở nước ngoài như Việt Tân, Chính phủ Việt Nam tự do, Ủy ban Tự do tôn giáo... và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI)... thường xuyên có các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận thành tựu, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Những luận cứ khoa học về bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam dưới đây sẽ phản bác lại một cách đanh thép sự vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Nguồn: tapchicongsan.org.vn


1. Quyền con người được ghi nhận trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhận thức quyền con người là mối quan tâm sâu sắc của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, nên từ khi tiến hành đổi mới tới nay, trong nhiều Văn kiện, Nghị quyết của Đảng rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề quyền con người, với quan điểm xuyên suốt: tất cả là cho con người, tất cả là vì con người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy Nhà nước và xã hội phải bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền con người đã gắn chặt với chế độ, với lợi ích của đất nước và dân tộc. Quan điểm này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”1. 
Có thể nói chủ trương, quan điểm nêu trên của Đảng ta là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình bảo vệ và đảm bảo quyền con người, là “kim chỉ nam” định hướng cho việc nghiên cứu, xây hệ thống lý luận về quyền con người và việc tổ chức thực hiện các quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Kế thừa và phát triển các quan điểm về quyền con người trong các Văn kiện của Đảng, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề ra các quan điểm, chủ trương nhằm bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; quyền sở hữu tài sản hợp pháp; các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do đi lại...; nhấn mạnh việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền văn hóa của con người Việt Nam; để nhằm xây dựng những giá trị, những chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 hiện nay. Đảng ta đã nhận thức sâu sắc và nhấn mạnh, phải tạo mọi điều kiện và môi trường để đảm bảo phát triển nhân cách, trí tuệ và thể chất của con người Việt Nam. Đảng ta xem xây dựng và phát triển con người là chiến lược và mục tiêu của sự phát triển đất nước. Bởi vì con người là một trong ba nguồn lực quan trọng bậc nhất để phát triển kinh tế của một quốc gia. Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân”2.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ và bảo đảm quyền con người, trong đó Đảng ta nhấn mạnh và đề cao quyền làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề lớn và hệ trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; khẳng định dân chủ là bản chất và mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, cần phải bảo vệ và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Quan điểm này đã được Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”3.
Các quan điểm, chủ trương của Đảng về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... trong Văn kiện Đại hội XIII đã được nâng tầm thêm một bước, đầy đủ, rõ ràng và minh triết hơn. Nhiều quan điểm về bảo vệ quyền con người của người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ... đã được nêu trong Văn kiện với mục tiêu “phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”4.  
Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng, ở Việt Nam hiện nay đã xây dựng một hệ lý luận về quyền con người và đưa vào giảng dạy cho các lớp cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số trường đại học trong cả nước. Trong thời gian tới, quyền con người sẽ đưa vào giảng dạy trong các cấp học, bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này đã khẳng định ở Việt Nam quyền con người được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
2. Quyền con người trong Hiến pháp và một số đạo luật của Việt Nam
a) Quyền con người trong Hiến pháp
Nghiên cứu các bản Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ cho thấy, tuy quyền con người không được quy định, song đều ẩn chứa trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với bản Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), quyền con người được ghi nhận ở chương 5: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Lần đầu tiên cụm từ “quyền con người” được trịnh trọng ghi vào Điều 50 của bản Hiến pháp: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật”. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 các quyền con người được trịnh trọng quy định tại Chương 2: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” gồm 30 điều, từ Điều 14 - Điều 43. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Hàng loạt các quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; mọi người có quyền sống; mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình; mọi người có quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; mọi người có quyền tự do kinh doanh, tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo; người bị bắt, giam giữ, điều tra, truy tố xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại; mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp và tài sản của mình; nam nữ có quyền kết hôn; mọi người có quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; mọi người có quyền được nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật; mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành... 
Với hàng loạt các quy định về quyền con người được ghi nhận trong các bản Hiến pháp, nhất là trong Hiến pháp năm 2013 đã định rằng, quyền con người ở Việt Nam được Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Đây là luận cứ quan trọng mang tính hiến định về bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
b) Quyền con người trong một số đạo luật cơ bản
- Quyền con người trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự 
Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự là hai đạo luật có tác động rất lớn tới quyền con người trong hoạt động tư pháp. Để thực hiện quy định về quyền sống trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã có nhiều quy định bảo vệ quyền con người như: chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng cố tình tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người với những hành vi dã man tàn bạo, mất nhân tính, hoặc những tội đe dọa sự tồn vong của chế độ, của Nhà nước hoặc phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh; bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh, bao gồm: (1) Cướp tài sản; (2) Tàng trữ trái phép chất ma túy; (3) Sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; (4) Chiếm đoạt chất ma túy; (5) Đầu hàng địch; (6) Chống mệnh lệnh; (7) Phá hủy công trình, cơ sở quan trọng về an ninh quốc gia; không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên.
Bộ luật Hình sự năm 2015 giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự, như hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp, rủi ro trong nghiên cứu, thí nghiệm, áp dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật, công nghệ; thi hành mệnh lệnh của cấp trên hoặc của chỉ huy; giảm nhẹ mức hình phạt đối với người già từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng, hoặc đặc biệt nặng, người bị hạn chế về nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình; v.v..
Cùng với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã có nhiều quy định về bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Bộ luật quy định rõ những biện pháp hạn chế quyền con người phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Sửa đổi, bổ sung đầy đủ hơn các quy định về suy đoán vô tội, rút ngắn thời hạn tạm giam để bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo; quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về quyền “tự bào chữa” đối với các bị cáo; quy định về quyền im lặng của bị can... Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định mang tính nguyên tắc gắn bó rất chặt với việc bảo vệ quyền con người, như nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 9); Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10); Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); Nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11); Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân gia đình, an toàn và bí mật thư tín điện thoại điện tín (Điều 12); Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; Nguyên tắc dùng tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự (Điều 29); Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Điều 32); Bộ luật có tới 27 điều quy định về nguyên tắc của Luật Tố tụng hình sự gắn với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân (từ Điều 7 - Điều 33). 
Với nhiều quy định về bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới quyền con người kể cả khi họ là bị can, bị cáo, hoặc là người phạm tội.
- Quyền con người trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai và một số văn bản quy phạm pháp luật khác
Trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều quy định về bảo vệ và bảo đảm quyền con người, như: quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân. Các quy định về quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với các tài sản thuộc sở hữu cá nhân; các quy định về việc bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân đối với tài sản... Đặc biệt Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành hẳn mục 2 quy định về “Quyền nhân thân”, là một tập hợp quyền để bảo vệ và bảo đảm quyền con người, từ Điều 25 - Điều 39. Trong đó có nhiều quy định để bảo vệ quyền con người, dưới góc độ dân sự, như Quyền có họ tên (Điều 26); Quyền thay đổi họ (Điều 27); Quyền thay đổi tên (Điều 28); Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30); Quyền đối với quốc tịch... Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32). Trong đó quy định rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Quyền sống, quyền được bảo đảm về an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33), trong đó quy định rõ cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể; Quyền được bảo hộ về sức khỏe, không ai bị tước đoạt sinh mạng trái pháp luật; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34). Điều luật này đã khẳng định: danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ các thông tin làm ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân; Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều quy định cụ thể để bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền con người như quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người (Điều 35); Quyền xác định giới tính (Điều 36); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38), trong đó khẳng định: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39), đã khẳng định các quyền cụ thể của cá nhân, như: quyền kết hôn, quyền ly hôn, quyền bình đẳng giữa vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi...
Có thể nói Bộ luật Dân sự năm 2015 trong quá trình xây dựng, ban hành đã thấu suốt quan điểm về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 nên đã có rất nhiều quy định về bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực dân sự.
Vấn đề quyền con người, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người trong lao động được quy định nhiều trong pháp luật lao động Việt Nam. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ các quyền của người lao động như quyền về việc làm, về tiền lương, về bảo hộ lao động, về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; các quy định về quyền khám, chữa bệnh, quyền hưởng các chế độ về thai sản, an sinh xã hội; các quy định về người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, học nghề, không bị phân biệt đối xử, hưởng lương; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (Điều 35)... Có thể nói, pháp luật lao động của Việt Nam đã có nhiều quy định bảo vệ quyền con người của lao động, nhiều quy định tương thích với pháp luật lao động của các nước phát triển trên thế giới và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Luật Đất đai năm 2003 và đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013 đã có hàng loạt các quy định về quyền của người sử dụng đất, như người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, cho thuê lại quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất kinh doanh; người sử dụng đất có quyền tặng, cho quyền sử dụng đất; người sử dụng đất được hưởng các thành quả lao động kết quả đầu tư trên đất được giao; được hưởng các lợi ích từ các công trình về cải tạo, bảo vệ đất mang lại; người sử dụng đất được Nhà nước bảo vệ khi có hành vi xâm phạm tới quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất v.v..
Pháp luật bảo vệ môi trường cũng có nhiều quy định về quyền con người trong lĩnh vực môi trường đảm bảo cho con người Việt Nam được sống trong môi trường trong lành mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Cụ thể Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 lần đầu tiên ghi nhận quyền con người được sống trong môi trường trong lành tại khoản 2 Điều 4. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hàng loạt quy định về bảo vệ môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường ở đô thị, bảo vệ môi trường ở nông thôn, bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, bảo vệ môi trường trong các làng nghề v.v.. nhằm bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, quyền con người và việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người còn ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực, như kinh doanh thương mại, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, dân tộc, tôn giáo... tạo ra một hệ thống quy phạm pháp luật về bảo vệ bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Những quy phạm pháp luật về quyền con người được hiện hữu trong các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy Việt Nam rất chú trọng bảo vệ và đảm bảo quyền con người, đây là điều mà không ai có thể phủ nhận được. 
3. Việt Nam tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế và các hoạt động quốc tế về quyền con người 
Kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người của tổ chức này (7/8 công ước cốt lõi). Việt Nam cũng đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Về hoạt động, Việt Nam đã tham gia tích cực vào cac nỗ lực chung của Liên hợp quốc về thúc đẩy quyền con người, trở thành thành viên tích cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; tham gia Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền ASEAN; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình...
Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên tham gia đối thoại quyền con người với các nước, như Mỹ, Thụy Sĩ, Australia, và các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu... Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người đã ký kết và tham gia, đảm bảo sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế về quyền con người mà đỉnh cao là các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến mang tính quốc tế để bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, lên án những hành vi phi nhân tính xâm phạm tới các quyền con người.
Như vậy trong quan hệ quốc tế Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế, cũng như đã và đang trở thành một thành viên tích cực bảo vệ quyền con người. 
4. Quyền con người trên các lĩnh vực được bảo vệ và bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay 
Với phương châm xuyên suốt tất cả là do con người, tất cả là vì con người, trong những năm qua ở Việt Nam các quyền kinh tế, chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội được bảo vệ và bảo đảm thực hiện trên thực tế. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, đã nâng cao đời sống cho người dân. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Người nông dân có quyền chủ động lựa chọn phương án sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất, vì vậy nông nghiệp đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Để bảo đảm các quyền con người của người dân ở vùng nông thôn Việt Nam đã và thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hàng trăm huyện và hàng ngàn xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các biện pháp để thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên cả nước (tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 2,75%); Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đã thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển mạnh mẽ. Vì vậy các quyền kinh tế của người dân vùng nông thôn không ngừng được nâng cao.
Song song với quyền kinh tế thì các quyền chính trị của người dân luôn luôn được bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Mọi người dân ở Việt Nam đều sống tự do bình đẳng. Qua các kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hầu hết người dân đều tự giác chủ động thực hiện quyền bầu cử của mình. Nhiều người đã tích cực thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội theo Hiến pháp và pháp luật quy định. Các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí của người dân Việt Nam được đảm bảo thực hiện. Hiện nay, Việt Nam đã có hàng trăm tờ báo đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.
Quyền học tập là quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được bảo đảm và thực hiện tốt. Trình độ học vấn, trình độ văn hóa và nhận thức của người dân Việt Nam không ngừng được nâng cao, hội nhập khá tốt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.
Các quyền an sinh xã hội của người dân Việt Nam được bảo đảm thực hiện. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các hình thức như bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc… Tính đến năm 2020 đã có 32,7% người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội5.  Đối tượng được hưởng các chế độ chính sách đối với người có công được mở rộng, mức trợ cấp hàng năm được tăng lên (cả nước có 9,2 triệu người có công)6. Quyền trẻ em ở Việt Nam được bảo vệ ngày càng hữu hiệu, các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em được ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Nhà nước Việt Nam đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch và hỗ trợ cho các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với phương châm “tính mạng con người là trên hết, trước hết" và "không ai bị bỏ lại phía sau”.
Quyền được sống trong môi trường trong lành ngày càng được đảm bảo. Môi trường nước, môi trường không khí, cảnh quan thiên nhiên được tăng cường bảo vệ, nhiều thành phố, nhiều vùng trong cả nước đã trở thành “nơi đáng sống” của công dân Việt Nam và công dân của các nước trên thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đang được xếp vào hàng những nước hàng đầu thế giới về bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội, nên quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người Việt Nam cũng như người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Các hành vi xâm phạm tới thân thể, sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm đều bị ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết và nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, dân sự, an sinh xã hội với nhiều hình thức sinh động là những minh chứng để khẳng định Việt Nam luôn đề cao và bảo vệ quyền con người.
Trên đây là các luận cứ về lý luận, pháp lý và thực tiễn trong bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người ở Việt Nam, đã khẳng định một cách chắc chắn rằng ở Việt Nam các quyền con người Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, dân sự, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Những luận cứ khoa học trên đã phản bác và phủ nhận hoàn toàn các luận điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực quyền con người của Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý

Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

-----

Tài liệu tham khảo
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.76.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2016, tr.229.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật (tập 1), tr.71.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật (tập 1), tr.47.
(5) Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2001, tr.42-43.
(6) Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2001, tr.42-43.