Công lý phục hồi là một quy trình mà trong đó các bên liên quan đến tội phạm (nạn nhân, người phạm tội và các thành viên cộng đồng) tự nguyện tham gia hòa giải với sự hỗ trợ công bằng và vô tư của người có uy tín trong cộng đồng. Mục đích là để hiểu bản chất, nguyên nhân cơ bản của vụ việc, những tổn hại, tác động của tội phạm đối với nạn nhân, người bị hại và giải quyết nhu cầu bồi thường thiệt hại, “chữa lành” của các bên và và việc điều chỉnh, uốn nắn những hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: vovgiaothong.vn
1. Công lý phục hồi là gì?
a) Khái niệm công lý phục hồi
Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về công lý phục hồi (Restorative justice). Theo định nghĩa của Tony Marshall thì: “Công lý phục hồi là một quy trình thông qua đó những bên liên quan tới một vi phạm cùng nhau quyết định về cách thức giải quyết những bước tiếp theo của vi phạm này và các hậu quả trong tương lai”; còn theo định nghĩa của Howard Zerh thì: “Công lý phục hồi là một quy trình nhằm mục đích tập hợp, càng nhiều càng tốt, tất cả các bên liên quan đến một hành vi phạm tội cụ thể và tìm cách cùng xác định và giải quyết sự đau đớn phải gánh chịu, nhu cầu và nghĩa vụ, để chữa lành và khắc phục nhiều nhất có thể”[1]. Công lý phục hồi tạo cơ hội cho nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội phạm giao tiếp (trực tiếp hoặc gián tiếp) về nguyên nhân, hoàn cảnh và tác động của tội phạm cũng như giải quyết các yêu cầu liên quan đến họ.
Cụ thể hơn, công lý phục hồi là một quy trình mà trong đó các bên liên quan đến tội phạm (nạn nhân, người phạm tội và các thành viên cộng đồng) tự nguyện tham gia hòa giải với sự hỗ trợ công bằng và vô tư của người có uy tín trong cộng đồng. Mục đích là để hiểu bản chất, nguyên nhân cơ bản của vụ việc, những tổn hại, tác động của tội phạm đối với nạn nhân, người bị hại và giải quyết nhu cầu bồi thường thiệt hại, “chữa lành” của các bên và và việc điều chỉnh, uốn nắn những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo cách tiếp cận này, tội phạm được hiểu là hành vi vi phạm quyền con người và các mối quan hệ, phá vỡ sự bình yên của cộng đồng. Công lý phục hồi là một cơ chế giải quyết tội phạm mang tính hợp tác và toàn diện trên cơ sở huy động sự tham gia của nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội phạm trong việc tìm kiếm các giải pháp tìm cách sửa chữa những tổn hại và thúc đẩy sự hòa hợp.
Công lý phục hồi khác với công lý trừng phạt ở chỗ, công lý phục hồi tập trung vào việc khắc phục tổn hại do tội phạm gây ra và thay vì giam giữ tội phạm, một hệ thống tư pháp phục hồi yêu cầu họ sửa đổi hành vi sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai, tìm ra hướng đi tích cực phía trước.
b) Các nguyên tắc của công lý phục hồi
- Sự tham gia của nạn nhân và người phạm tội vào quá trình công lý phục hồi phải dựa trên sự đồng ý tự nguyện và được thông báo của họ. Mỗi bên phải nhận được lời giải thích rõ ràng về những gì liên quan và hậu quả có thể xảy ra khi họ quyết định tham gia. Họ có thể từ chối tham gia ở bất kỳ giai đoạn nào.
- Nạn nhân và người phạm tội phải chấp nhận những tình tiết tội phạm và người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội phạm đó.
- Mỗi bên đều có quyền tìm kiếm sự tư vấn pháp lý trước và trong mọi giai đoạn của quá trình phục hồi công lý.
- Việc chuyển đến quá trình công lý phục hồi có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn của hệ thống tư pháp hình sự, từ chuyển hướng trước khi buộc tội cho đến sau khi tuyên án và sau khi được trả tự do.
- Việc chuyển hướng và tiến hành quá trình công lý phục hồi phải tính đến sự an toàn và an ninh của các bên và bất kỳ sự bất bình đẳng nào giữa nạn nhân và người phạm tội, liên quan đến độ tuổi, sự trưởng thành, chủng tộc, giới tính, năng lực trí tuệ, vị trí trong cộng đồng hoặc các yếu tố khác của mỗi bên. Theo đó, đặc biệt chú trọng đến sự áp đặt, can thiệp hay đe dọa đối với sự an toàn của một trong hai bên.
- Tất cả nội dung trao đổi, thảo luận trong quá trình công lý phục hồi đều được bảo mật trừ những thảo luận công khai; các bên đồng ý khác; luật pháp yêu cầu phải tiết lộ cho cơ quan có thẩm quyền; hoặc các cuộc thảo luận tiết lộ mối đe dọa đối với tính mạng hoặc sự an toàn của con người. Những cuộc thảo luận này không được sử dụng trong bất kỳ quá trình pháp lý nào sau này, ngoại trừ những trường hợp được nêu ở trên.
- Việc người phạm tội thừa nhận trách nhiệm về hành vi phạm tội là một phần thiết yếu của quá trình công lý phục hồi và không thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại người phạm tội trong bất kỳ quá trình pháp lý nào sau đó.
- Mọi thỏa thuận phải được thực hiện một cách tự nguyện và chỉ bao gồm những điều khoản hợp lý, cân xứng.
- Việc không đạt được hoặc không hoàn tất thỏa thuận công lý phục hồi không được sử dụng trong bất kỳ quá trình tố tụng hình sự tiếp theo nào để biện minh cho mức án nghiêm khắc hơn so với mức án mà người phạm tội phải chịu.
- Một chương trình công lý phục hồi cần được đánh giá thường xuyên để đảm bảo rằng chương trình này tiếp tục hoạt động theo các nguyên tắc vững chắc và đạt được các mục tiêu đã nêu.
2. Các giá trị cốt lõi của công lý phục hồi
Các giá trị cốt lõi của công lý phục hồi dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tội phạm. Ưu tiên giải quyết nhu cầu của những người liên quan và trao quyền cho họ để họ có thể giãi bày suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách cởi mở và cách trung thực. Mục tiêu là xây dựng sự hiểu biết, khuyến khích trách nhiệm giải trình và tạo cơ hội chữa lành. Công lý phục hồi khuyến khích người phạm tội chịu trách nhiệm về hành vi có hại của mình một cách có ý nghĩa, để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của hành vi đó đối với người khác, để thay đổi hành vi đó và được chấp nhận trở lại cộng đồng. Đối với nạn nhân, họ sẽ nhận được sự xin lỗi, bồi thường hoặc một số hình thức bồi thường khác. Quá trình này sẽ giúp nạn nhân thấy an tâm hơn. Đối với cộng đồng, công lý phục hồi mang lại cho cộng đồng cơ hội hiểu các nguyên nhân cơ bản của tội phạm và xác định những gì có thể xảy ra và khắc phục những thiệt hại gây ra. Làm được như vậy sẽ đóng góp cho phúc lợi cộng đồng và có khả năng giảm được tội phạm trong tương lai.
Các giá trị cốt lõi của công lý phục hồi bao gồm:
(1) Tôn trọng phẩm giá con người: Triết lý cơ bản của công lý phục hồi công nhận mỗi con người đều có giá trị, phẩm giá, nhân phẩm và xứng đáng được tôn trọng cũng như đều có trí tuệ, kiến thức cũng như khả năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến họ. Quá trình phục hồi có hiệu quả vì chúng bao quát tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tổn hại hoặc có nguy cơ bị tổn hại. Theo đó, các quy trình phục hồi phải được thiết kế theo cách mà những người tham gia cảm thấy an toàn, được tôn trọng và được trao quyền. Đồng thời, cũng thừa nhận và đánh giá cao các khả năng và điểm mạnh mà mỗi người mang lại và thúc đẩy những điều này phát triển. Dù là người phạm tội hay người bị hại thì khi áp dụng quy trình công lý phục hồi, họ đều được tôn trọng phẩm giá.
(ii) Đoàn kết và có trách nhiệm với người khác: Công lý phục hồi công nhận sự phụ thuộc lẫn nhau và sự đa dạng của con người cũng như tầm quan trọng đặc biệt của các mối quan hệ xã hội đối với phúc lợi của cá nhân và sự gắn kết xã hội. Quy trình này mang lại cơ hội để kết nối lại và mỗi người học cách thực hiện nghĩa vụ của mình để mang lại hạnh phúc cho nhau. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, công lý phục hồi yêu cầu mọi người phải chịu trách nhiệm cá nhân và xã hội về lời nói và hành động của mình. Mục đích cuối cùng là kết nối những người có liên quan và tìm cách để họ có thể hoàn thành các nghĩa vụ tương ứng của mình đối với hạnh phúc của người khác và cho phép họ gánh vác trách nhiệm cá nhân của mình.
(iii) Công lý và trách nhiệm giải trình: Trọng tâm của công lý phục hồi là những tác hại bất công hoặc sai trái. Mục tiêu phải là giảm bớt đau khổ và giảm khả năng gây thêm tổn hại. Để điều này có hiệu quả, quy trình phục hồi phải công bằng và ở mức độ lớn nhất có thể mà không có bất kỳ sự chi phối của bên nào. Một số phương pháp phục hồi được áp dụng để ngăn chặn sự bất công bằng cách tạo lập mối quan giữa các bên một cách công bằng hoặc phương pháp khác là xóa bỏ sự bất công thông qua việc mỗi bên tự chịu trách nhiệm, sửa chữa tổn hại và hành động để giảm bớt đau khổ và giảm khả năng bị tổn hại thêm. Công lý cũng đề cập đến trách nhiệm giải trình và khái niệm đóng góp vào 'bản chất' của công lý, theo nhận thức và trải nghiệm của các bên.
3. Một số gợi ý cho Việt Nam
Hiện nay, hệ thống tư pháp hình sự ở Việt Nam đang nghiêng về hệ thống công lý trừng phạt, theo đó trao quyền quyết định cho các cơ quan tiến hành tố tụng nên có thể dẫn đến lạm dụng quyền lực và xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân, quyền con người. Nó cũng đặt ra chi phí kinh tế lớn cho nhà nước trong việc duy trì, vận hành các cơ sở tạm giữ, tạm giam. Gần đây, pháp luật hình sự đã đề cập đến vấn đề công lý phục hồi nhưng quy định và cơ chế thực hiện còn mờ nhạt, chưa đồng bộ, chưa toàn diện. Vì vậy, từ những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn công lý phục hồi, tác giả đề xuất một số nội dung áp dụng công lý phục hồi trong tư pháp hình sự Việt Nam.
Thứ nhất, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, có thể thấy rằng, quy định này đã thể hiện nội hàm của công lý phục hồi, tuy nhiên đây mới là quy định có tính khái quát, nguyên tắc mà chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự về cách thức thực hiện như: trình tự, thủ tục tiến hành, thành phần tham gia… Do đó, cần có những quy định cụ thể về hòa giải trong hình sự như định nghĩa, đặc điểm, quy trình, cách thức thực hiện, thành phần… để áp dụng một cách đồng bộ và thống nhất trên thực tế.
Thứ hai, công lý phục hồi có thể áp dụng triệt để hoặc song song với công lý trừng phạt trong pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi, Điều 92 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này”. Theo tác giả, người chưa thành niên đang ở độ tuổi phát triển chưa nhận thức đầy đủ và hành vi chưa đúng đắn. Các em còn tương lai rất dài phía trước. Nếu trao cho các em cơ hội nhận thức đúng đắn, sửa chữa sai lầm khuyết điểm và hướng về tương lai tốt đẹp sẽ mang lại rất nhiều ích lợi hơn là việc trừng phạt các em.Vì vậy, cần thiết phải mở rộng những trường hợp áp dụng sự giáo dục, giám sát thay vì các biện pháp trừng phạt.
Thứ ba, công lý phục hồi cần được áp dụng ngay trong các giai đoạn của tư pháp hình sự, thể hiện ở cách thức, phương pháp tiến hành tố tụng chứ không chỉ là ở giai đoạn quyết định biện pháp cuối cùng.
Thư tư, nâng cao năng lực, nhận thức của những người tiến hành tố tụng, các cơ quan tư pháp và người dân về công lý phục hồi bởi thiếu nhận thức về pháp luật là trở ngại lớn đối với việc tiếp cận với công lý. Do vậy, cần xây dựng các chính sách hướng dẫn và cơ chế đối thoại để phục vụ cho nhu cầu tiếp cận công lý của người dân; các thông tin pháp lý cần dễ hiểu, dễ tìm kiếm, tăng cường nhận thức, có tình cập nhật, chú trọng cho nhóm người yếu thế, dựa trên đặc điểm về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa để nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin./.
ThS. Đặng Thị Loan
Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh
[1] Nguyễn Huyền My, Sự phát triển của công lý phục hồi ở Châu Âu và liên hệ với Việt Nam, Tạp chí điện tử kiểm sát, https://kiemsat.vn/su-phat-trien-cua-cong-ly-phuc-hoi-o-chau-au-va-lien-he-voi-viet-nam-65594.html