Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương với phương châm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, không để ai ở lại phía sau. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn, đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam. Vì vậy, cần phải nhận diện, đưa ra luận cứ, đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cần thiết và cũng là mục đích hướng tới của bài viết.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác trẻ em để bảo đảm thực hiện tốt nhất 
các quyền của trẻ em được phát triển toàn diện. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn.

1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, nhận diện các đối tượng thường xuyên đưa ra quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay

Thực tế cho thấy, các đối tượng thường xuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, đưa ra quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam thông qua lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam từ trước đến nay như: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Đài Á châu tự do (RFA); Báo điện tử BBC Tiếng Việt; Đài VOA tiếng Việt của Hoa Kỳ; các nhóm phản động người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài: tổ chức khủng bố “Việt Tân”, Quỹ Người Thượng tại Mỹ (MFI), nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ”,  “Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Tin lành đấng Christ” của Y Hin Niê”, “Nhóm hỗ trợ người thượng” của Y Mút  Mlô,  “Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Hà Lan”, “Liên hội người Việt tị nạn tại Đức”; “Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS” và các tổ chức FULRO lưu vong (MHRO, MRO…); một số cá nhân phản bội lại Tổ quốc, tự xưng là các nhà “dân chủ” xuất ngoại mưu sinh bằng cách sử dụng các diễn đàn, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo, bôi nhọ Đảng và Nhà nước như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Bên cạnh đó, còn có một số cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, những kẻ cực đoan, quá khích như “Hội anh em dân chủ”; những kẻ “giấu mặt” bất mãn, cơ hội chính trị, suy thoái về tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền”, mượn cớ “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”, mượn danh “nhà khoa học” “tự xưng nhân danh công lý”, “anh hùng bàn phím”,  lợi dụng các sơ hở của chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam để gián tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm “chệch hướng” phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ trong nội bộ đất nước Việt Nam.

 Thứ hai, nội dung các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay

Tiếp cận từ góc độ quyền con người  thì nhóm dễ bị tổn thương (vulnerable groups): “là những nhóm xã hội có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, dẫn đến tình trạng bị phân biệt đối xử, do đó có nguy cơ bị tổn thương về quyền cao hơn. Đây là nhóm thường gặp khó khăn trong cuộc sống, thiếu cơ hội phát triển, cơ hội tiếp cận công lý và dịch vụ xã hội do vị thế bất lợi của họ”1.  Một số nhóm dễ bị tổn thương như: phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người tị nạn, người lao động di trú, người bị tước tự do, người sống chung với HIV/AIDS, người có khác  biệt về bản dạng giới và định hướng giới tính (LGBT); v.v..

Thực tế cho thấy, các quốc gia trên thế giới đều gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến thực thi trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương, nhất là đối với các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình như Việt Nam. Chính vì vậy, các thế lực thù địch thường lợi dụng những hạn chế trong chính sách, pháp luật, những thiếu sót trong quá trình thực hiện quyền của nhóm dễ bị tổn thương để xuyên tạc, bóp méo chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Có thể hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương như sau:

Một là, các đối tượng thường đưa ra quan điểm sai trái, xuyên tạc, nhận định thiếu thiện chí rằng: chính sách, pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận, tôn trọng  đầy đủ quyền của nhóm dễ bị tổn thương, thậm chí tạo rào cản trong tiếp cận và hưởng thụ các quyền lao động việc làm, quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và các quyền an sinh xã hội khác của nhóm dễ bị tổn thương.

Hai là, quan điểm thiếu căn cứ khi cho rằng chính sách, pháp luật Việt Nam chưa tạo được cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách pháp luật, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương khỏi sự phân biệt đối xử, kỳ thị giới đối với phụ nữ; kỳ thị phân biệt đối xử với người khuyết tật, nhóm LGBT người dân tộc thiểu số, người sống chung với HIV/AIDS; quyền được bảo đảm an ninh cá nhân trước nạn bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn bạo lực học đường đối với trẻ em.

Ba là, lập luận sai trái khi khẳng định chính sách, pháp luật tạo rào cản cho một số nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam trong việc tiếp cận và hưởng thụ quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bầu cử, ứng cử, các quyền con người trong quá trình tố tụng. Hay quan điểm cho rằng, pháp luật Việt Nam áp đặt các quy định về an ninh quốc gia và quyền lợi công cộng có thể dẫn đến việc hạn chế tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của nhóm dễ bị tổn thương, nhất là đối với người khuyết tật, nhóm LGBT, người dân tộc thiểu số, người sống chung với HIV/AIDS.

Bốn là, quan điểm không có căn cứ của các thế lực thù địch khi nhận định rằng chính sách pháp luật Việt Nam chưa tạo cơ chế để nhóm dễ bị tổn thương được tham gia quá trình xây dựng chính sách và pháp luật, dẫn đến thiếu các quan điểm và nhận thức đa dạng trong quá trình quyết định. Điều này làm cho các chính sách và pháp luật ít phản ánh được thực trạng và nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương.

Năm là, các thế lực thù địch còn xảo biện khi đưa ra các khuyến nghị: Liên Hợp quốc cần có biện pháp để yêu cầu Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế, quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương theo hướng: cải thiện hệ thống pháp luật, chú trọng tạo cơ sở pháp lý đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, quyền tự quyết và bình đẳng của các dân tộc thiểu số; cùng với việc thúc đẩy sự tham gia và đại diện của nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương tại Việt Nam. Khuyến nghị này thực chất là chủ ý phủ nhận nỗ lực của Việt Nam trong thực thi trách nhiệm quốc gia thành viên các cam kết quốc tế về quyền con người của nhóm dễ bị tổn thương.

Thứ ba, nhận diện các quan điểm sai trái thù địch, xuyên tạc, phê phán  chính sách pháp luật Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương được đăng tải trên một số trang mạng và báo chí, trong các báo cáo thường niên về nhân quyền của Hoa Kỳ

Một là, Tổ chức phi chính phủ quốc tế Amnesty International thường xuyên phê phán chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến quyền con người. Trang web của Amnesty International chứa nhiều bài viết, báo cáo và tuyên bố phê phán về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Hai là, Human Rights Watch là một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên theo dõi và báo cáo về tình hình nhân quyền trên toàn cầu. Tổ chức này đã xuất bản nhiều bài viết và báo cáo phê phán chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến quyền của nhóm dễ bị tổn thương.

Ba là, trang web của BBC News cung cấp tin tức và bài viết phê phán về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Báo cáo của BBC thường tập trung vào các vụ việc liên quan đến các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm LGBT và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Bốn là, Al Jazeera là một hãng truyền thông quốc tế có trụ sở tại Qatar. Trang web của Al Jazeera cũng đăng tải nhiều bài viết, phóng sự và báo cáo liên quan đến tình hình quyền con người tại Việt Nam, trong đó rất chú trọng phê phán chính sách, pháp luật của Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương.

Năm là, Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 20/3/2023 bằng thủ đoạn rất tinh vi thông qua việc nhận xét tình hình thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền của một số nhóm dễ bị tổn thương, từ đó ám chỉ quy định của chính sách pháp luật Việt Nam chỉ là để “mị dân”, không có tính khả thi và không được thực thi trong thực tiễn.

- Báo cáo đã cố tình xuyên tạc, trắng trợn bóp méo sự thật thực thi chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, cho rằng Chính phủ Việt Nam thi hành không hiệu quả pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống mại dâm.

Âm mưu thâm độc trong nhận định này là nhằm mục tiêu tung hỏa mù, vu khống Việt Nam, gây hoài nghi dư luận của quốc tế là Việt Nam chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của nạn nhân bị bạo lực gia đình, vô cảm trước tình trạng nạn nhân bị vi phạm quyền được bảo đảm an ninh cá nhân; danh dự, nhân phẩm, thậm chí mạng sống; nạn nhân chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và phụ nữ.

- Báo cáo xuyên tạc, bịa đặt ác ý, đánh giá thiếu khách quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền giáo dục đối với trẻ em vùng nông thôn rằng: Việt Nam thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về giáo dục miễn phí, phổ cập giáo dục cho trẻ em đến 14 tuổi, lao động trẻ em ở nông thôn; còn phân biệt đối xử quyền được giáo dục của trẻ em trai và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn do thiếu ngân sách và gia đình còn nghèo.

- Báo cáo đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về quy định của chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về quyền của trẻ em bị bạo hành từ việc lượm lặt vài vụ việc bạo lực học đường đã được Việt Nam phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch trước công chúng. Báo cáo đã đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí, vu cáo Việt Nam không quan tâm xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền không bị bạo hành của trẻ em, khi cho rằng: Chính phủ không thực thi hiệu quả pháp luật về bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng thể chất và tinh thần trước nạn bạo lực học đường; bóc lột tình dục trẻ em; không có quy trình, thủ tục liên ngành nhạy cảm giới; không hính sự hóa tội phạm bóc lột tình dục trẻ em ở độ tuổi vị thành niên.

- Báo cáo đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách pháp luật về quyền của người khuyết tật. Báo cáo đưa ra các nhận xét vô căn cứ, thiếu thiện chí với hàm ý chính sách, pháp luật Việt Nam không quan tâm ghi nhận, bảo đảm quyền của người khuyết tật; bịa đặt vô căn cứ rằng người khuyết tật ở Việt Nam, nhất là trẻ em khuyết tật nặng không có cơ hội bình đẳng để tiếp cận và hưởng thụ quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tham gia giao thông; quyền tham gia bầu cử, quyền lao động, việc làm; quyền không bị kỷ thị, phân biệt đối xử2.

Sáu là, lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11 tháng 6 năm 2023 các thế lực thù địch đã chớp thời cơ đưa ra nhiều luận điệu xảo trá xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; vu khống, bôi nhọ Việt Nam, kích động tư tưởng ly khai dân tộc, tạo điểm nóng về nhân quyền, gây bão dư luận quốc tế, gây bất ổn định từ bên trong và kiếm cớ kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhân danh bảo vệ nhân quyền của đồng bào dân tộc thiểu số: Đài Á châu tự do (RFA) đã đăng tải bài viết có nội dung kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta, cho rằng: trên thực tế Đảng ta không thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết dân tộc, áp dụng chính sách “thuộc địa”, vi phạm quyền sở hữu đất đai của người Thượng dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Đài VOA đăng tải, “giật tít” nhiều bài viết đánh lừa người đọc, trích dẫn nhiều lời sai trái, bịa đặt của các phần từ phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài như: Y Phic – đối tượng thuộc nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ”), Nguyễn Đình Thắng - kẻ cầm đầu BPSOS, CAMSA ở Mỹ xuyên tạc chính sách pháp luật của Việt Nam về quyền của người dân tộc thiểu số, những kẻ này đã không bỏ lỡ cơ hội “lên tiếng sủa để kiếm đô la” bằng nhiều câu từ mang tính kích động, hằn học, bêu riếu chính quyền, cho rằng vụ tấn công của người Thượng ở Đắk Lắk là do họ bị “đẩy đến đường cùng”.

Báo điện tử BBC Tiếng Việt ngày 23/6 đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” đã xuyên tạc, vu cáo trắng trợn rằng: người Kinh chiếm đất, đồng hóa, cản trợ quyền tự do tôn giáo của người thượng ở Tây Nguyên3.

Các đài RFA, BBC và VOA đã nhận định trắng trợn, vô căn cứ rằng: “nguyên nhân “châm ngòi” cho sự việc ngày 11/6 là tranh chấp đất đai và căng thẳng sắc tộc lâu nay dâng cao tại Tây Nguyên, là do lỗi của chính quyền”.

Nguyễn Văn Đài cũng không bỏ lỡ thời cơ, trắng trợn bịa đặt, viết lên trang cá nhân “người dân Tây Nguyên đã đứng lên khởi nghĩa...”. Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội trong nước thì hùa theo, chia sẻ các bài viết với luận điệu phản động, kèm những bình luận tiêu cực4; v.v..

Từ vụ việc khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk cho thấy, các thế lực thù địch đã cấu kết thực hiện âm mưu tạo ra “điểm nóng” chính trị, nhân danh “quyền của người dân tộc thiểu số” kiếm cớ cho các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi Mỹ, Liên hợp quốc can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam5. Đây thực sự là bản chất của cuộc cách mạng sắc màu đã và đang được các thế lực thù địch thực hiện tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, khoét sâu mâu thuẫn; lợi dụng sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ địa phương khi thực thi chính sách, pháp luật để kích động hận thù, lôi kéo đấu tranh, gây rối, biểu tình. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề quyền của người dân tộc thiểu số về tôn giáo, dân chủ, sở hữu đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”. Nguy hiểm và thâm độc hơn là chúng viện dẫn không chính xác các chuẩn mực quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền của nhóm dân tộc thiểu số - một trong những nhóm dễ bị tổn thương theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

2. Luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền của nhóm dễ bị tổn thương trong pháp luật Việt Nam

Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người6, trong đó có các công ước về quyền của nhóm dễ bị tổn thương: Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền của  người khuyết tật...

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nghĩa vụ nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền của nhóm dễ bị tổn thương vào hệ thống pháp luật Việt Nam bằng cả hai hình thức: i) Ban hành văn bản mới để tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương7; ii) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các văn bản hiện hành bảo đảm tương thích với chuẩn mực quốc tế về quyền của nhóm dễ bị tổn thương8.

Chính vì vậy, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, minh chứng là Ủy ban nhân quyền đã “hoan nghênh những biện pháp lập pháp, thể chế và chính sách đã được Nhà nước thành viên thực hiện”9. Việt Nam đã khẳng định được uy tín trên trước cộng đồng quốc tế, trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Thứ hai, chính sách, pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương bảo đảm phù hợp với điều kiện Việt Nam

Một là, Đảng ta có quan điểm nhất quán luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương với phương châm đem lại hạnh phúc cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quan điểm của Đảng về quyền con người trong đó có quyền của nhóm dễ bị tổn thương được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ Đại hội và các nghị quyết chuyên đề.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng kế thừa, tiếp tục có quan điểm quan tâm bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự phát triển xã hội ổn định và bền vững”10. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ phải “Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ giúp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”11, “Bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”12.

Đặc biệt, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết chuyên đề tạo cơ sở chính trị cho việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có: Nghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989, của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 khoá IX  về công tác dân tộc;  Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; v.v..

Hai là, quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương đã được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật Việt Nam tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương. 

Các quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa trong chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương qua các thời kỳ nhằm hỗ trợ tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ giúp khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai13; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; v.v..; tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận và hưởng thụ quyền con người.

Đặc biệt, các quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ, gần nhất là Hiến pháp năm 2013. Các quan điểm này được cụ thể hóa trong các văn bản luật: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2022); Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991(sửa thành Luật Trẻ em năm 2016); Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS, sửa đổi năm 2020; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2014); v.v..;  đồng thời được ghi nhận, hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật để tổ chức thực hiện: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011, về công tác dân tộc; Quyết định số 488/QĐ-TTg, ngày 14/4/2017, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 “về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 “về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 “về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động” và các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19; v.v..

Thứ ba, thành tựu bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương là minh chứng phản bác quan điểm sai trái thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật của Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương

Nhờ có quyết tâm chính trị của Đảng trong định hướng chính trị, sự nỗ lực của Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương nên Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận: “Số người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên qua các năm: năm 2020 đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số), đến năm 2021 tăng lên 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số); trong đó, trên 55% là người cao tuổi”14; “Chính sách hỗ trợ đột xuất đã bao phủ được các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân khi gặp rủi ro, thiên tai”15. Đặc biệt là thành tựu giảm nghèo: “Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin) dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân; ...kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ); năm 2021 giảm xuống còn 2,23%, dự kiến năm 2022 giảm khoảng 1-1,5% so với năm 2021; đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua”16.

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt dành sự quan tâm đến tạo cơ hội tiếp cận và hưởng thụ quyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Tây Nguyên, thông qua các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế và an sinh xã hội “triển khai tới từng buôn, làng, đem tới cuộc sống ấm no, trù phú, ổn định cho người dân nơi đây. Đến hết năm 2020, Tây Nguyên (trong đó có tỉnh Đắk Lắk) có 265 số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,5%, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã. Đến nay toàn khu vực Tây Nguyên có 90% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã và 99,39% thôn, buôn có điện; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt hơn 95%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó có 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế”17.

Những thành tựu trên là minh chứng thuyết phục phản bác lại các quan điểm sai, trái thù địch xuyên xuyên tạc chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương

Tiếp cận từ góc độ quyền con người, giải pháp đấu tranh phản bác hiệu quả, bền vững nhất chính là Việt Nam phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương để tránh tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người trong đó có quyền của nhóm dễ bị tổn thương.

Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia và đóng góp trực tiếp vào hoạt động xây dựng luật pháp quốc tế về quyền con người với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Thứ ba, tiếp thu có chọn lọc các khuyến nghị của Liên hợp quốc, định hướng từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện Việt Nam để tạo cơ hội bình đẳng cho nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận và hưởng thụ quyền con người.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương đảm bảo nguyên tắc lấy con người làm trung tâm; “tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”.

 Xây dựng cơ chế quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương; hoàn thiện cơ chế phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.

Quan tâm thúc đẩy hoạt động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dân tộc để phát hiện, chỉnh sửa các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; những chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chính sách đặc thù với cán bộ người dân tộc thiểu số, văn hóa, thể thao; quy định về cơ chế quản lý đất đai; v.v.. Sớm ban hành Luật Dân tộc.

Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về quyền của nhóm yếu thế,ránh tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo sự thật./.

PGS.TS. Nguyễn Thị Báo

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người, dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.99.

(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 35 (6/2023), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay”, Hà Nội, tr.173-174.

(3) Trang thông tin Công an Thành phố Đà Nẵng (10/7/2023), Những luận điệu xảo trá sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk (Bài 1), https://congan.danang.gov.vn/-/nhung-luan-ieu-xao-tra-sau-vu-khung-bo-o-ak-lak-bai-1-, truy cập ngày 11/7/2023.

(4) Thùy Hương (21/6/2023), Thành trì vững vàng chống những ‘viên đạn’ dã tâm, https://baotintuc.vn/goc-nhin/thanh-tri-vung-vang-chong-nhung-vien-dan-da-tam-20230620164545480.htm, truy cập ngày 10/7/2023.

(5) Bình Nguyên (19/6/2023), Âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chống phá trên địa bàn Tây Nguyên, https://congan.danang.gov.vn/-/am-muu-loi-dung-van-e-dan-toc-ton-giao-e-kich-ong-chong-pha-tren-ia-ban-tay-nguyen, truy cập ngày 10/7/2023.

(6) Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Xem: Hội đồng Lý luận Trung ương (06/4/2023), Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/viet-nam-la-thanh-vien-tich-cuc-trach-nhiem-cua-hoi-dong-nhan-quyen-%E2%80%8B.html, truy cập ngày 10/7/2023.

(7) Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi; Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

(8) Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động (quyền lao động, việc làm”, Luật Giáo dục... (quyền giáo dục); Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Xử lý vi phạm hành chính (đối với những hành vi vi phạm quyền của nhóm dễ bị tổn thương; v.v..).

(9) Ủy ban Nhân quyền (2020), Bản nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba của Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, https://vietnam.un.org/sites/default/files/2020-05/ICCPR%20COBS_VN.pdf, tr. 2. truy cập ngày 10/7/2023.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 14 - 135.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.149.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tập I, tr.150.

(13) Chính sách bảo hiểm xã hội, Chính sách hỗ trợ giáo dục; Chính sách trợ giúp người nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Chính sách hỗ trợ người cao tuổi; Chính sách hỗ trợ người khuyết tật.

(14)  Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (2022), Kỷ yếu Hội thảo khoa học, “Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Hà Nội, tr.7-11.

(15) Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (2022), tlđd, Hà Nội,  tr.7-11.

(16) Lưu Ly (31/10/2022), Thành tựu về xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thanh-tuu-ve-xoa-doi-giam-ngheo-cua-viet-nam-17856, truy cập ngày 10/7/2023.

(17) Lê Hường (14/9/2021), Xây dựng Nông thôn mới trong vùng DTTS ở Tây Nguyên: Khi nào lấp đầy “vùng trũng” (Bài1), https://baodantoc.vn/xay-dung-nong-thon-moi-trong-vung-dtts-o-tay-nguyen-khi-nao-lap-day-vung-trung-bai-1-1631351589500.htm, truy cập ngày 10/7/2023.