Những thập niên qua, một số quốc gia phương Tây không ngừng can thiệp vào công việc mang tính chất nội bộ của các quốc gia có chủ quyền nhằm thực hiện cái gọi là bảo vệ “tự do, dân chủ, nhân quyền”. Đây là các chiêu bài hết sức tinh vi và nguy hiểm, cần nhận diện đúng và đầy đủ trong bối cảnh chính trị thế giới vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

1. Chiêu bài “nhân quyền không biên giới”, “chủ quyền hạn chế”
Nhân quyền với tư cách là hiện thân của tự do1, là thành quả và kết tinh giá trị nhân văn của nhân loại. Trong lĩnh vực này vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa lực lượng tiến bộ nhằm phát huy những giá trị cốt lõi thuộc về con người với các thế lực lợi dụng nhân quyền để thực hiện ý đồ chính trị. Lâu nay, các nước phương Tây thường rêu rao cái gọi là “nhân quyền không biên giới”, hay “chủ quyền hạn chế”. Thực chất, chiêu bài này đã đối lập quyền con người với chủ quyền, quyền cá nhân với quyền của quốc gia - dân tộc. Suy đến cùng, cái gọi là “quyền con người không có biên giới quốc gia”, hay “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, là một cách che đậy mưu đồ quốc tế hóa các vấn đề về quyền con người mà một số tổ chức quốc tế như NATO và các quốc gia phương Tây sử dụng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ và chủ quyền của các quốc gia khác. Đặc biệt, với chính quyền Hoa Kỳ, chính sách can thiệp được áp dụng như là công cụ gây ảnh hưởng đến các quốc gia bị coi là mục tiêu trong các vấn đề đi ngược lại giá trị hoặc đường lối đối ngoại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trường hợp điển hình nhất là việc Hoa Kỳ lôi kéo các đồng minh sử dụng “biện pháp vũ trang” để can thiệp thô bạo vào Nam Tư.
Sau khi Nam Tư cũ thành lập 6 nước cộng hoà vào năm 1946, Kosovo chỉ là một tỉnh tự trị phía nam của Serbia. Đa số người Albania sống ở Kosovo yêu cầu chính quyền Nam Tư của Tổng thống Josip Broz Tito trao thêm quyền lực tương đương sáu quốc gia cộng hòa. Điều này gây nên sự căng thẳng giữa hai cộng đồng người Albania và Serbia trong suốt thế kỷ XX. Hiến pháp Nam Tư năm 1974 đã trao quyền tự trị đầy đủ cho Kosovo và trao cho người Albania quyền tự quyết rộng lớn đối với các vấn đề nội bộ của họ. Cái chết của Tổng thống Tito vào tháng 5 năm 1980 đánh dấu một thời kỳ dài bất ổn định chính trị trên toàn Nam Tư. Tháng 5 năm 1989, Quốc hội Serbia bầu Slobodan Milosevic làm Tổng thống Serbia và ông nhanh chóng tìm cách bãi bỏ quyền tự trị của Kosovo. Sau hơn 7 năm chủ yếu tiến hành các biện pháp phản kháng mang tính hoà bình, năm 1996, “Quân Giải phóng Kosovo” (KLA) ra đời và bắt đầu tăng cường hoạt động khủng bố vũ trang, bạo lực chống lại các lực lượng an ninh của Nam Tư, các quan chức chính phủ cũng như những cá nhân không ủng hộ KLA, kể cả người gốc Albania. Giữa tháng 7 năm 1998, sau sự kiện hơn 60 cảnh sát Serbia bị giết chết khi đánh nhau với lực lượng KLA, Tổng thống Milosevic đã ra lệnh tấn công toàn lực. Hơn 2.000 người thiểu số Albania đã bị sát hại và hơn 300.000 người phải chạy tị nạn khỏi Kosovo. Tháng 3 năm 1998, một chiến dịch quy mô lớn của quân đội Liên bang Nam Tư tấn công KLA và những người ly khai Kosovo, khiến gần nửa triệu người Albania bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và chạy khỏi Kosovo2.
Trước tình hình diễn ra tại Kosovo, chính quyền Hoa Kỳ đã cử đặc phái viên Mỹ Richard Holbrooke đàm phán với Milosevic. Tháng 10 năm 1998, đứng trước đe dọa không kích của NATO, Tổng thống Nam Tư đã ký Thoả thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Milosevic không tuân thủ Thoả thuận này, khiến xung đột lại leo thang. Tháng 3/1999, NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch không kích chưa từng có chống lại Cộng hòa Serbia và Tổng thống Milosevic dù không được phép của Liên hợp quốc. Máy bay NATO đã liên tục ném bom tàn phá dữ dội thủ đô Belgarde và hàng loạt các cơ sở quân sự, kinh tế, giao thông vận tải... ở các khu vực khác thuộc Serbia. Mặc dù NATO cho rằng hành động can thiệp của mình đã đạt được mục tiêu đề ra là tiêu diệt hoàn toàn khả năng tấn công của Serbia nhưng hậu quả không mong muốn là rất nhiều người dân thường bị thiệt mạng, nhiều cơ cở hạ tầng bị phá hủy nặng nề và hơn 1 triệu người dân Albania phải chạy tị nạn.
Có thể thấy, hành động can thiệp của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây vào Kosovo là một điển hình của việc vin cớ vào luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác. Đây là luận điểm hoàn toàn sai trái, bởi lẽ: 
Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia là một tiêu chuẩn đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng là cơ sở và tiền đề để thực hiện quyền con người. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24-10-1970, đã đưa ra Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định các nguyên tắc như  chủ quyền quốc gia, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác...3 Vì vậy, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực quan hệ quốc tế, bao gồm lĩnh vực quyền con người. Luận điểm “nhân quyền không biên giới” đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Thứ hai, quyền con người luôn gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia, và được ghi nhận trong pháp luật, chính sách, cơ chế của mỗi quốc gia. Các điều ước quốc tế về quyền con người đã quy định các quyền cụ thể trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Các quốc gia thành viên sẽ nội luật hóa các quy định pháp luật quốc tế này vào hệ thống pháp luật quốc gia. Thực tiễn lịch sử của Việt Nam cho thấy, khi mất chủ quyền thì người dân không có tự do, dẫn đến các quyền con người bị chà đạp, “thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”4. Do đó, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nền tảng, là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền con người. Trường hợp điển hình của Kosovo cho thấy, khi chủ quyền của quốc gia bị xâm phạm, chà đạp thì không thể tồn tại “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân. Điều mang lại cho quốc gia này không hề là “dân chủ nhân quyền”, mà là sự xung đột và hỗn loạn. Chính vì thế, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” không hề có giá trị đối với việc thúc đẩy quyền con người, trái lại, khiến quyền con người bị vi phạm một cách nghiêm trọng hơn.
2. Chiêu bài xuyên tạc tình hình nhân quyền ở các quốc gia khác
Lâu nay, các nước phương Tây thường cổ xuý cho những giá trị nhân quyền phương Tây, hoặc áp đặt các “chuẩn mực” nhân quyền đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Các nước phương Tây cùng với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH)... thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền. Báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiếp tục lặp lại những luận điệu cũ, kiểu như “Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống”; hay “các thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều vụ lạm dụng, can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp quyền riêng tư gia đình, nhà riêng hoặc thư từ”; hoặc quy kết việc “bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội”5. Những nhận định này không dựa trên các sự kiện, dữ liệu và chứng cứ khách quan thu thập được; trái lại, thường dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, hoặc nghiên cứu không sâu nên phiến diện và xuyên tạc.
Trong một thông cáo phát đi ngày 8/6/2023 (một ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền Liên minh châu Âu - Việt Nam tại Hà Nội), tổ chức HRW đã vu cáo rồi lấy cớ kêu gọi châu Âu gây áp lực để buộc Việt Nam chấm dứt các hành động “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”. Trước đó, ngày 26/5/2023, tổ chức này đã gửi đến Liên minh châu Âu một “tờ trình” (submission) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, yêu cầu EU gây sức ép để chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị. Tổ chức này còn lên tiếng đòi sửa đổi hoặc hủy bỏ một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự mà họ cho rằng “thường được viện dẫn để đàn áp các quyền dân sự và chính trị, hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ”. Trên thực tế, các phúc trình về nhân quyền của HRW thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt, do đó, các cáo buộc của HRW gặp sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới. Sau mỗi phúc trình, tổ chức này thường bị chỉ trích chịu quá nhiều tác động bởi Mỹ và các nước phương Tây. Chẳng hạn, chính quyền Liên bang Nga đã nhiều lần chỉ trích HRW về những động thái tuyên truyền xuyên tạc, kích động tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước Nga. Tương tự, do có những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc nên chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với HRW. Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa trang web của HRW vì cho rằng website này đã đội lốt “theo dõi nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của họ. Ngoài ra, HRW còn bị nhiều quốc gia như Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... chỉ trích, phản đối những nội dung và mức độ khác nhau vì HRW đã can thiệp làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho việc bảo đảm nhân quyền ở các nước này. Điều đó cho thấy, mặc dù mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động về nhân quyền nhưng HRW luôn thể hiện ý đồ, động cơ chính trị. Nhìn vào các hoạt động của tổ chức này cho thấy sự bất hợp lý và ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trái với những luận điệu cáo buộc, xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam, trên thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người6; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; Cùng với các luật, bộ luật được ban hành, Hiến pháp đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội) mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức và các tổ chức phi chính phủ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định là Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3 và khoản 1, Điều 14 - Hiến pháp năm 2013).
Một trong những thành tựu nổi bật về quyền con người là Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 100 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 4,3% (năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều mới7. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong các quốc gia tiên phong và là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam đối với quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả ở cấp độ quốc tế.

Cán bộ y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nguồn: nhiepanhdoisong.vn.


3. Chiêu bài vu cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo
Với cái nhìn thiếu thiện chí, một số quốc gia phương Tây vu cáo Việt Nam đàn áp, kiểm soát, giới hạn tự do tôn giáo thông qua các điều luật “mơ hồ”. Trong các báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ góc nhìn thiên lệch và thiếu khách quan, thường đưa ra nhiều nhận định chủ quan rằng “chủ nghĩa vô thần chống tôn giáo”, “quyền tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng”. Đặc biệt, báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế vẫn cho rằng tình trạng vi phạm tự do đức tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chưa được cải thiện, rằng việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm có hệ thống tự do tôn giáo8.
Trên cơ sở Báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 nhận định, pháp luật Việt Nam quy định sự kiểm soát đáng kể của Chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo, trong đó bao gồm nhiều điều khoản “mơ hồ” để hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lợi ích của an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội9. Nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ liên tục chỉ trích Việt Nam trong vấn đề pháp nhân tôn giáo. Họ cho rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo duy trì một quy trình đăng ký và công nhận với nhiều giai đoạn áp dụng cho các nhóm tôn giáo, đặc biệt là với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới10. Có thể thấy, các luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu dựa vào một số hiện tượng, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, chưa được công nhận, có hiện tượng hoạt động vi phạm pháp luật để quy kết Việt Nam “đàn áp tôn giáo”. Ví dụ như: nhóm bất hợp pháp Dương Văn Mình (Tây Bắc), Hà Mòn (Tây Nguyên), Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được thừa nhận là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo). Các hiện tượng (nhóm) đó chưa đủ điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hay công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tôn chỉ, mục đích, điều lệ, tổ chức, nhân sự). Thậm chí có một số nhóm lợi dụng hoạt động tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam, như Văn phòng Công lý và hòa bình (do một số giáo sĩ, tu sĩ cực đoan của tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam); nhóm Hội đồng Liên tôn (gồm một số giáo sĩ cực đoan thuộc 5 tôn giáo tham gia: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo); nhóm Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất; nhóm Phật giáo Hòa Hảo thuần túy và Phật giáo Hòa Hảo truyền thống; nhóm Khối Nhơn sanh (Cao Đài); nhóm Tin lành Đấng Christ, Tin lành Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ (trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; nhóm Giê-sùa, Bà Cô Dợ (Tin lành ở Tây Bắc)... đã được USCIRF nêu lên như những minh chứng cho việc Việt Nam “đàn áp tôn giáo”.
Dựa vào các nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo cực đoan, chưa được chính quyền công nhận, lấy đó làm cơ sở để phê phán “đàn áp tôn giáo” là cách thức mà USCIRF và một số quốc gia phương Tây thường sử dụng để áp đặt một cách vô lý quan điểm của họ, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết dẹp bỏ các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, như Trung Quốc đối với Pháp luân công; Nga đối với giáo phái Hội anh em trong trắng (The White Brotherhood), nhân chứng Giê-hô-va; Nhật Bản đối với phái Chân lý tối thượng (Aum Shirikyo); kể cả Pháp đối với các giáo phái cực đoan, cũng bị Mỹ xếp vào diện các nước hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Bức tranh khởi sắc về đời sống tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng sống động nhất cho quyền tự do tôn giáo. Trước năm 1990, Nhà nước mới công nhận 3 tổ chức (gồm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc, năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981)). Từ năm 1990 đến năm 2004 (trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) công nhận 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo (Hồi giáo)), và 12 tổ chức tôn giáo. Từ năm 2004 đến năm 2017 (thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) có 15 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo được công nhận. Từ năm 2018 đến năm 2021 (thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) có 1 tổ chức tôn giáo được công nhận, 3 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Đến năm 2021, cả nước có 16 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hay đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tổ chức tôn giáo trực thuộc, 3.803 điểm, nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung11.
Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân hay cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, tích cực củng cố tổ chức giáo hội, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Công tác đào tạo chức sắc được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 6 cơ sở đào tạo tôn giáo (Phật giáo: 2, Công giáo: 4). Đến năm 2021, cả nước có 63 cơ sở đào tạo người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp (Phật giáo: 46; Công giáo: 11; Tin lành: 3; Cao Đài: 2; Phật giáo Hòa Hảo: 1), mỗi năm có hàng nghìn người tốt nghiệp. Năm 2021, cả nước có 8.884 người tốt nghiệp ra trường, 13.350 người đang theo học. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài. Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh (từ 31.548 người năm 1995, lên 54.125 người năm 2021). Ngoài ra còn có đội ngũ nhà tu hành đông đảo (riêng Phật giáo hiện có 54.000 tăng, ni; Công giáo có 6.000 giáo sĩ, 31.000 tu sĩ). Cả nước hiện có trên 108.770 chức sắc, nhà tu hành12.
Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1990 đến nay, cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khá mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở, tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự13. Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang to lớn, có công trình lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Các tôn giáo còn đẩy mạnh việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo. Trong 5 năm (2000 - 2004), Nhà xuất bản Tôn giáo đã in ấn, xuất bản được 719 ấn phẩm tôn giáo với số lượng 4,2 triệu bản, trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai. Đó là chưa kể một số lượng rất lớn kinh sách in ấn thông qua xuất bản khác hoặc được in ấn ở các cơ sở khác. Bên cạnh kinh, sách, báo chí in ấn, mảng kinh, sách, tài liệu, báo chí điện tử rất đa dạng, phong phú với số lượng không hạn chế cấp không cho tín đồ và những người quan tâm qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về tôn giáo, năm 2022, Bộ Công an cung cấp 17 đầu sách (9 đầu kinh sách, 8 đầu sách tìm hiểu về tôn giáo) với 4.418 cuốn cho 54 trại giam, tạm giam trong cả nước14.
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế, chính sách tôn giáo của Việt Nam ngày càng thông thoáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trong nước quan hệ giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế15. Nhiều hoạt động nghi lễ tôn giáo mang tầm khu vực và quốc tế được Nhà nước tạo điều kiện tổ chức như Đại lễ Phật đản Vesak của Phật giáo năm 2008, 2014 và 2019; Lễ Năm thánh 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012 của Công giáo; Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017 của Tin lành... 
Những số liệu nêu trên là minh chứng sinh động và rõ nét nhất về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi người dân là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện.
Tóm lại, các nước  phương Tây vẫn đưa ra những luận điểm về quyền con người thiếu căn cứ về phương diện lý luận và thực tiễn, không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người. Việc đấu tranh với các quan điểm sai trái nêu trên phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều mặt trận, trong đó cần nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam./.

TS. Võ Công Khôi

Học viện Chính trị khu vực III

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.183
(2) Adam Robert, ‘NATO's ‘Humanitarian War’ over Kosovo’ (1999) 41(3) Survival 103.
(3) Thư viện pháp luật: “Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”, ngày 24-10-1970, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Tuyen-bo-nguyen-tac-cua-Luat-Quoc-te-dieu-chinh-quan-he-huu-nghi-hop-tac-giua-cac-quoc-gia-phu-hop-voi-Hien-chuong-lien-hop-quoc-1970-65775.aspx
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.461.
(5) Nguồn https://www.state.gov/reports/2022-country-reports-on-human-rights-practices/
(6) Gồm Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác A-pac-thai; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại nhân loại; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW)
(7) Xem https://nhandan.vn/toan-quoc-co-43-ho-ngheo-da-chieu-theo-chuan-ngheo-moi-post751051.html
(8) Xem United States Commission on International Religious freedom: 2021 annual report, https://www.uscirf.gov.
(9) United States Department of State: 2021 Report on International Religious Freedom, https://www.state.gov.
(10) Tlđd.
(11) Xem Ban Tôn giáo Chính phủ: Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-TGCP, ngày 29-9-2021, của Ban Tôn giáo Chính phủ).
(12) Tlđd.
(13) Tlđd.
(14) Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr. 436 – 438.
(15) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á, Hà Nội, tháng 9-2006.