Giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục, đào tạo quyền con người nói riêng hay bất cứ một hoạt động nào dù mang tính cá nhân, hay tính chất tập thể muốn đạt hiệu quả cao trong các hoạt động của mình, đều phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc đòi hỏi phải phù hợp với đối tượng người học, phù hợp với nội dung và các yêu cầu đề ra trong giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Bài viết phân tích và luận giải nguyên tắc, đối tượng và yêu cầu giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
 

1. Các nguyên tắc giáo dục quyền con người - có thể vận dụng trong giáo dục nghề nghiệp
a) Nguyên tắc giáo dục 
Hiện nay có nhiều cách hiểu, tiếp cận khác nhau về nguyên tắc giáo dục, nhưng đều thống nhất chung, hệ thống các nguyên tắc giáo dục bao gồm các nguyên tắc chính như: (i) tính mục đích của hoạt động giáo dục;  (ii) gắn giáo dục với cuộc sống lao động; (iii) giáo dục trong tập thể; (iv) kết hợp việc đề ra yêu cầu cao, phù hợp với việc thực hiện sự tôn trọng nhiều nhất đối với người được giáo dục; (v) tính vừa sức và tính cá biệt trong hoạt động giáo dục; (vi) đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của nhà giáo dục và vai trò tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người được giáo dục và (vii) nguyên tắc đảm bảo tính liên tục và hệ thống của hoạt động giáo dục. Ngoài ra, nguyên tắc giáo dục còn đòi hỏi bảo đảm tính hệ thống, tính kế tiếp, tính liên tục trong quá trình giáo dục; sự thống nhất các yêu cầu giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội; có tính đến đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân của học sinh trong công tác giáo dục và tính toàn vẹn của quá trình giáo dục nhân cách người học sinh.
b) Nguyên tắc chung của hoạt động giáo dục quyền con người 
Nguyên tắc của hoạt động giáo dục quyền con người được quy định trong nhiều văn bản, nghị quyết, chương trình giáo dục do Liên hợp quốc và Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục (Unesco) thông qua1. Theo Kế hoạch Hành động giai đoạn 3 (2015 - 2019) của Chương trình Thế giới về giáo dục quyền con người, các nguyên tắc của hoạt động giáo dục quyền con người trong Chương trình toàn cầu về giáo dục quyền con người bao gồm:  
(a) Thúc đẩy tính phục thuộc lẫn nhau, liên quan với nhau, tính không thể chia cắt và phổ quát của các quyền con người, bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và quyền phát triển; 
(b) Thúc đẩy sự tôn trọng và trân trọng sự đa dạng về chủng tộc, giới tính, giới, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tình trạng khuyết tật hay xu hướng tính dục và các căn cứ khác; 
(c) Khuyến khích việc phân tích những vấn đề quyền con người sẵn có hoặc đang phát sinh/mới nổi, bao gồm đói nghèo, xung đột bạo lực và phân biệt đối xử, trong bối cảnh sự phát triển đang diễn ra nhanh chóng ở tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, công nghệ và môi trường, nhằm tìm ra những  giải pháp phù hợp  với các chuẩn mực quyền con người; 
(d) Tăng cường động lực, sức mạnh cho các cộng đồng và cá nhân để tự nhận biết và bảo đảm cácquyền con người của họ; 
(e) Xây dựng năng lực của chủ thể  nghĩa vụ, đặc biệt là đối với những người quản lý, lãnh đạo các cơ quan nhà nước trên cơ sở  tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền con người trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình; 
(f) Phát triển các nguyên tắc quyền con người trong bối cảnh văn hóa khác nhau và cân nhắc đến lịch sử phát triển và xã hội;
(g) Nâng cao kiến thức và tiếp thu kỹ năng vận dụng các văn kiện và cơ chế  quyền con người ở địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền con người; 
(i) Thúc đẩy môi trường dạy và học không có sự thiếu thốn và sợ hãi, khuyến khích sự tham gia, thụ hưởng quyền con người và phát triển đầy đủ nhân cách con người; 
(j) Phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người học, khuyến khích họ đối thoại về các cách thức chuyển tải các quyền con người từ những khái niệm và chuẩn mực trừu tượng sang thực tế cuộc sống với những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của mình.
c) Nguyên tắc giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp là hoạt động đào tạo tay nghề ở ba trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) nhằm cung cấp nguồn lực con người có tay nghề cho xã hội. Do đó, giáo dục nghề nghiệp gắn chặt chẽ và phải đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động và việc làm. Đây là đòi hỏi rất quan trọng, bởi nếu đào tạo mà không gắn với thị trường, không gắn với đòi hỏi khách quan của thị trường lao động, thì mục tiêu của giáo dục nghề không đạt được. Thực hiện được tốt yêu cầu này, cũng chính là thực hiện được quyền con người của người lao động, đó là quyền việc làm. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp còn gắn chặt chẽ với quá trình lao động nghề nghiệp trên thực tế và liên quan trực tiếp các công việc hàng ngày của người lao động; tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động; quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ sự phân tích như trên, các nguyên tắc giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp cần được áp dụng ở tất cả các cấp độ trong hoạt động nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng),bao gồm các nguyên tắc sau đây2:
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp lấy người học làm trung tâm. Người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được xác định không chỉ là học viên trong chương trình đào tạo bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng mà học viên còn bao gồm cả nhà quản lý, giáo viên các trường dạy nghề3. Người học đóng vai trò trung tâm trong các buổi học, có quyền và trách nhiệm trong lớp học, cùng đưa ra quan điểm, suy nghĩ riêng và chia sẻ kinh nghiệm, nêu các sở thích cá nhân, dựa trên mức độ kiến thức, hiểu biết của họ.
Bên cạnh đó, người dạy phải có sự hiểu biết về đối tượng người học, xem họ là ai, trình độ của họ như thế nào, môi trường họ sinh sống, cách họ học, thậm chí cả nền tảng tôn giáo và văn hóa và tín ngưỡng của họ và các vấn đề quyền con người mà họ đang quan tâm là gì? Đối với người học trong chương trình sơ cấp, ở độ tuổi 15 tuổi trở lên, đang phát triển, tâm sinh lý đang thay đổi từ trẻ em sang thanh niên nên rất cần thiết người dạy phải nắm được tâm lý người học. Do đó, nhà giáo dục quyền con người cần có sự đổi mới và thích ứng để đảm bảo rằng hoạt động giáo dục có liên quan và có ý nghĩa với những người tham gia vào quá trình học tập.
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp là để tăng cường sự hợp tác và cộng tác lẫn nhau
Yếu tố hợp tác, làm việc cùng nhau, chia sẻ quan điểm, nhận thức, hiểu biết, giá trị là nền tảng trong các hoạt động giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Sự hợp tác giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp nhằm kết nối giữa cơ sở giáo dục với cơ quan thực tiễn, chẳng hạn giáo dục quyền con người bậc sơ cấp, trung cấp điện, mỏ cần phối hợp giữa nhà trường, nhà giáo dục với ngành điện, ngành than, bố trí học viên tham quan ngay chính các cơ sở, công trường. Hay giáo dục quyền con người bậc cao đẳng sư phạm, có thể bố trí học viên tham quan, trải nghiệm thực tế ngay các trường mầm non, tiểu học...
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp đảm bảo để mọi người được tham gia đầy đủ vào hoạt động giáo dục 
Hiệu quả của quá trình học tập, nghiên cứu về quyền con người chỉ thực sự bắt đầu khi mọi người có trải nghiệm về mình là ai - những ưu tiên, suy nghĩ và câu hỏi của họ - có giá trị và góp phần đóng góp có ý nghĩa cho việc học tập. Các nhà giáo dục quyền con người tìm kiếm những cách thức đáng tin cậy và có sự tôn trọng để thu hút sự tham gia của người học: (1) Kiến thức có tính năng động và luôn thay đổi, khi có sự đóng góp của người tham gia về kinh nghiệm và quan điểm của họ; (2) Người học và người dạy hiểu biết lẫn nhau, gần gũi, thân thiện. Mối quan hệ với nhà giáo dục dựa trên sự tương tác giữa người dạy và người học. Người dạy đóng vai trò là người hướng dẫn, chứ không phải là nguồn cung cấp kiến thức một chiều. Người học tích cực tham gia vào quá trình học tập mà  không phải là sự tiếp thu thụ động kiến thức từ người dạy; (3) Học thông qua tương tác, thay vì ghi nhớ kiến thức thụ động thông qua sự lặp lại của người dạy; (4) Tập trung vào phân tích, tổng hợp và ứng dụng, thay vì thực tế và thông tin4. 
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp giúp mở rộng kiến thức và kinh nghiệm thực tế
Đặc điểm hữu hiệu nhất trong giáo dục quyền con người nói chung là khuyến khích sự khám phá, chia sẻ và học hỏi về kinh nghiệm của tất cả người tham gia. Khi thảo luận phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Những người tham gia được khuyến khích để nói về kinh nghiệm và kiến thức, quan điểm của chính họ, cách họ nhìn nhận về cuộc sống; so sánh với các thông tin khác trong lớp; nhìn nhận, đánh giá mức độ tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong thực tiễn cuộc sống; nhận biết mức độ vi phạm quyền; ai là thủ phạm và ai là người có trách nhiệm trong bảo vệ quyền con người của người lao động.
Nguyên tắc này chính là nhằm “thăm dò” về quan điểm, thái độ, trình độ, cách hiểu, nhận thức của người học, do vậy yêu cầu nhà giáo dục quyền con người sử dụng các quy trình, kỹ thuật và công cụ giáo dục khuyến khích người tham gia càng nhiều, càng tốt.
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ sự cân nhắc thấu đáo trước khi hành động
Giáo dục quyền con người bao gồm cả hành động và phản ánh, khuyến khích tư duy phê phán và giải quyết vấn đề. Nó khuyến khích học viên tự phản ảnh với bản thân. Việc học diễn ra khi người tham gia có thể phản ánh, phê phán về những gì họ đang làm. Sự phản ánh chân thực sẽ giúp có hành động đúng và hiệu quả. 
- Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp là hoạt động trao quyền, khuyến khích không phân biệt đối xử, bình đẳng và hòa nhập 
Giáo dục quyền con người, trước hết phải dựa trên nguyên tắc quyền con người, đó là không phân biệt đối xử, bình đẳng và hòa nhập. Học viên được khuyến khích phân tích các tình huống của họ thông qua lăng kính quyền con người và xây dựng các chiến lược hành động của mỗi cá nhân người học. Theo cách này, giáo dục quyền con người mang tính trao đổi, trao quyền để mọi người có thể  kiểm soát cuộc sống của chính họ. 
Người học sẽ là những người lao động làm công ăn lương trong mối quan hệ với chủ lao động. Về mặt lý thuyết và thực tế, đây là mối quan hệ không bình đẳng, bởi lẽ người lao động có thể bị sa thải, hay bị lạm dụng quyền lực để vi phạm về làm thêm giờ, thời giờ nghỉ ngơi, không đóng bảo hiểm, trả lương không công bằng, phân biệt đối xử... Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp trao quyền cho người lao động, kể cả lao động có tay nghề cao để họ biết được quyền của mình, nhìn nhận những vấn đề xã hội đang phải đối mặt trong lao động, việc làm, học nghề; có thái độ, cách ứng xử và cách giải quyết trên cơ sở quyền con người. Như vậy, giáo dục trao quyền là để giải quyết xung đột lợi ích trong quan hệ lao động, theo hướng hòa bình, thân thiện, hiểu biết, khoan dung, giảm thiểu các nguy cơ mâu thuẫn, xung đột, đình công, lãn công… 

Giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp 
lấy người học làm trung tâm. Nguồn: nld.com.vn.


2. Đối tượng và yêu cầu giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp
a) Đối tượng giáo dục quyền con người 
Theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05-9-2017 về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đối tượng giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và học viên (trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng), thuộc quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội. Học viên trình độ sơ cấp về tuổi đời có thể từ 15 (mười lăm tuổi) trở lên5.
b) Yêu cầu giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp
Căn cứ vào đối tượng và nguyên tắc giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
(i) Yêu cầu đối với người người dạy (nhà giáo dục): Nhà giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức theo khoản 4, Điều 53 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, đó là: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ; Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Có lý lịch rõ ràng6. Đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ chuẩn theo Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp7, trong đó cần có kiến thức, hiểu biết chung của nhà giáo dục quyền con người, có tính đến đặc thù về đối tượng giáo dục nghề nghiệp. Đòi hỏi không chỉ kiến thức, hiểu biết về quyền con người, kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục chung của nhà giáo dục, mà đặc biệt là kỹ năng giáo dục quyền con người; cần phải có hiểu biết về tâm lý người học, có khả năng dẫn dắt người học cùng tham gia vào quá trình học tập.
(ii) Yêu cầu đối với người học: Theo Điều 59 Luật Giáo dục nghề nghiệp, “Người học là người đang học các chương trình giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm sinh viên của chương trình đào tạo cao đẳng; học sinh của chương trình đào tạo trung cấp và chương trình đào tạo sơ cấp; học viên của chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này ”8.
Người học cần thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giáo dục10 và nội quy, quy chế của từng cơ sở giáo dục. Nếu người học (tham gia các khóa học về quyền con người) là cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên có thái độ nghiêm túc khi tham gia học tập, vì kết quả, kiến thức thu được không chỉ nâng cao hiểu biết, mà còn vận dụng trong công tác quản lý, vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các bậc sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Người học là giáo viên tham gia các khóa học tập quyền con người để vận dụng kiến thức quyền con người, lồng ghép vào nội dung, chương trình giảng dạy theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
(iii) Yêu cầu về nội dung giáo dục
+ Dành cho cán bộ, quản lý, giáo viên: Nội dung được thiết kế gồm các kiến thức như: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân; Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền lao động. 
+ Dành cho học viên: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; Các cơ chế bảo vệ quyền con người; Kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
(iv) Yêu cầu về nội dung chương trình: 
Đối với hệ sơ cấp và trung cấp: Kiến thức về quyền con người được lồng ghép vào các bài (tùy thuộc vào chương trình, có thể thiết kế có bài riêng hoặc lồng ghép vào từng bài). 
Đối với hệ cao đẳng: 
+ Đối với các trường cao đẳng không thuộc khối trường luật, hành chính, nội chính, các nội dung quyền con người được tích hợp, lồng ghép vào môn học pháp luật hoặc pháp luật đại cương, với thời lượng ít nhất là 6 giờ, bao gồm cả kiểm tra kiến thức cho tất cả các ngành đào tạo;
+ Đối với các trường cao đẳng thuộc khối trường luật, hành chính, nội chính, quyền con người được tích hợp, lồng ghép vào môn học lý luận chung về nhà nước và pháp luật với thời lượng 8 giờ. Các nội dung quyền con người nêu ở khoản 2 mục II phần B (đối với học viên) được thiết kế thành một môn học riêng, hoặc lồng ghép vào các môn học chuyên ngành có liên quan. Trong trường hợp thiết kế thành môn học riêng thời lượng tối thiểu là hai học phần, trong đó có 10 tiết thảo luận/bài tập.
Ngoài chương trình chính khoá, tất cả các trường cao đẳng, trung cấp chủ động trong việc lựa chọn đưa nội dung về quyền con người vào các hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng học viên thông qua một số hoạt động ngoại khóa như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về quyền con người; lồng ghép nội dung về quyền con người vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm thực tế...
 

PGS.TS. Tường Duy Kiên 

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS. Lê Xuân Huy

Bộ Công an (X03)

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Hội đồng Nhân quyền, Kỳ họp thứ 27, Báo cáo thường niên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền và Tổng thư ký về Thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa, bao gồm quyền phát triển Kế hoạch hành động cho pha thứ ba (2015–2019) của Chương trình Toàn cầu vì Giáo dục Nhân quyền Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền.
(2) 6 nguyên tắc giáo dục quyền con người trong chuyên đề này được tham khảo từ cuốn: “Giáo dục quyền con người - Tài liệu dành cho các Cơ quan quyền con người Quốc gia”, Diễn đàn Châu Á Thái Bình Dương của các Cơ quan quyền con người quốc gia tháng 7 năm 2013 (cập nhật tháng 10 năm 2019).
(3) Quyết định 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
(4) Tham khảo từ Gói giáo dục quyền con người, Trung tâm nguồn khu vực châu Á về giáo dục quyền con người; 2003 (tái bản lần 2); tr. 36.
(5) Thông tư số: 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo trình độ sơ cấp
(6) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2019
(7) Điều 54. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp.
2. Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ trung cấp phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ trung cấp.
3. Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng.
4. Nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải đạt chuẩn của nhà giáo dạy lý thuyết và chuẩn của nhà giáo dạy thực hành theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Nhà giáo không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
6. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành ở các trình độ; quy định nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
(8) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2019. Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Van-ban-hop-nhat-18-VBHN-VPQH-2019-Luat-Giao-duc-nghe-nghiep-nam-2014-424693.aspx]. Truy cập ngày 01/8/2022.
(9) Điều 60. Nhiệm vụ và quyền của người học
1. Học tập, rèn luyện theo quy định của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
2. Tôn trọng nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.
3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
4. Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.
5. Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
6. Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội.
7. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.