Thông qua nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu COVID-19 trên 17.093 người dân tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, trong đó tập trung đối tượng lao động trẻ tuổi từ 16-35 (chiếm hơn 77%), Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng.

Người dân tham gia khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 trong Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Ảnh: VGP/HM

Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các hội chứng hậu COVID đang trở thành vấn đề được quan tâm cấp thiết hiện nay. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 200 triệu chứng COVID-19 kéo dài đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng hồi phục về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của người dân.

Cho đến nay, ở Việt Nam và trên thế giới đều chưa có những nghiên cứu hoàn chỉnh, quy mô lớn về hậu COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như mức độ và thời gian của triệu chứng..., nhất là nghiên cứu về những đối tượng trong độ tuổi lao động trẻ từ 16-35 vì đây là lực lượng nòng cốt của phát triển kinh tế, phục hồi hậu COVID-19.

Nhằm thu thập số liệu đánh giá để đưa ra khuyến nghị tới các cơ quan quản lý liên quan đến chính sách về sức khỏe cho thanh niên, lao động trẻ trong giai đoạn hậu COVID-19, nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu COVID-19 đối với người trong độ tuổi lao động trẻ tại Việt Nam thông qua các hoạt động của Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022.

Riêng trong tháng 5/2022, nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã khảo sát trên 17.000 người dân tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, trong đó tập trung vào những đối tượng lao động trẻ (từ 16-35 tuổi với hơn 13.300 người, chiếm 77,89%. 

Nhiều vấn đề quan trọng

Thứ nhất, đa phần bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 - 5 tháng (chiếm gần 68%). Tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Thứ hai, bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở). 

Thứ ba, mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày) hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm COVID-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị nhiễm COVID-19 dưới 10%).

Thứ tư, tỉ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị COVID-19 kéo dài (nữ chiếm 64,63% và nam 35,37%.

Thứ năm, thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhận 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì, cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng COVID-19.

Thứ sáu, có tới 70,8% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm COVID-19, đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân dịch chuyển dần theo hướng số hóa. Có đến 33% người bệnh có xu hướng chọn việc theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe qua app điện thoại; tỉ lệ người dân lựa chọn biện pháp truyền thống là đến bệnh viện khám chiếm 36,3%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành y tế khi người dân đã sẵn sàng với các dịch vụ y tế từ xa, giảm tải dần gánh nặng cho tuyến điều trị.

Nghiên cứu cũng chỉ ra đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền). Tuy nhiên, qua phân tích hồi quy, nghiên cứu cho thấy, đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc COVID-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Các triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến và hướng giải pháp

‎Theo ThS.DS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, những triệu chứng hậu COVID-19 hay COVID-19 kéo dài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ là thách thức mới của ngành y tế cũng như của đất nước nói chung. 

Hiện Việt Nam có gần 11 triệu người đã nhiễm COVID-19, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là đảm bảo nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu COVID-19.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất từ những kết quả nghiên cứu trên. 

Đó là, các vấn đề hậu COVID-19 đa dạng và dàn trải cả về chuyên khoa, mức độ, địa bàn, do đó, để có thể can thiệp một cách toàn diện cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và chuyên môn y tế. Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, nhà máy, xí nghiệp… cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.

Nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu COVID-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu COVID-19; hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp. Cần có chính sách thúc đẩy hơn nữa số hóa trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ, tạo điều kiện cho các startup y tế tham gia sâu rộng vào hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ…

Đối với người dân, Hội Thầy thuốc trẻ khuyến cáo tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý; tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19; theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài, …) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.

Các triệu chứng hậu COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi mắc COVID-19 và đã hồi phục hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…

Trong đó, theo Bộ Y tế, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc COVID-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.

Mệt mỏi về thể chất: Người bệnh cảm thấy cơ thể rất nặng nề, những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Mệt mỏi về nhận thức và tinh thần: Người bệnh khó tập trung suy nghĩ, hoặc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ cũng như công việc, học tập bị ảnh hưởng.

Hiền Minh

Nguồn: https://baochinhphu.vn/nghien-cuu-tinh-trang-hau-covid-19-doi-voi-nguoi-trong-do-tuoi-lao-dong-tre-102220609160808323.htm