Giáo dục quyền con người giữ vai trò quan trọng trong việc thực thi quyền con người. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền con người giúp mỗi người có thái độ ứng xử đúng, tránh được những hành vi trái quy định của pháp luật, vừa bảo vệ được quyền vừa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người khác và cộng đồng. Nhận thức được ý nghĩa lớn lao đó, thời gian qua, các học viện, nhà trường trong Quân đội đã tích cực triển khai công tác giáo dục quyền con người, với mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến trong nhận thức thái độ và hành vi của học viên trong môi trường Quân đội. Bài viết đánh giá những kết quả, hạn chế của công tác này, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong thời gian tới.
Giáo dục quyền con người trong các học viện, nhà trường trong Quân đội góp phần hình thành
thái độ phù hợp, hành vi đúng chuẩn mực của học viên trong tôn trọng, bảo vệ quyền con người.
Nguồn: daihocchinhtri.edu.vn.
1. Những vấn đề chung về giáo dục quyền con người trong các học viện, nhà trường Quân đội
Giáo dục quyền con người trong các học viện, nhà trường trong Quân đội là hoạt động có mục đích, có tổ chức và sự phối hợp của nhiều bộ phận nhằm nâng cao nhận thức, góp phần hình thành thái độ phù hợp, hành vi đúng chuẩn mực của học viên trong tôn trọng, bảo vệ quyền con người. Hiện nay, phương pháp giáo dục quyền con người cho học viên các học viện, nhà trường Quân đội rất đa dạng, mỗi phương pháp có vị trí, vai trò nhất định, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức giáo dục quyền con người được lồng ghép trong chương trình đào tạo, theo các chuyên đề, qua các buổi sinh hoạt, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền con người.
Quán triệt rõ mục tiêu của giáo dục quyền con người cho học viên tại các học viện, nhà trường Quân đội nhằm: i) Nâng cao nhận thức về quyền con người nhằm hình thành ý thức pháp luật đúng đắn cho học viên; ii) Có kỹ năng áp dụng những kiến thức đã học trong giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện, bảo vệ các quyền con người trong thực tiễn học tập, công tác; iii) Hình thành thái độ phù hợp sau khi được cung cấp kiến thức pháp luật về quyền con người, giúp học viên hình thành niềm tin vào pháp luật, chủ động, tích cực thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, các học viện, nhà trường Quân đội là nơi đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và cung cấp nguồn cán bộ, sĩ quan cho toàn quân. Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới các học viện, nhà trường Quân đội đang ngày càng phát triển và hoàn thiện với nhiều cấp học, bậc học, đào tạo cán bộ, sĩ quan cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Học viện, nhà trường Quân đội là một bộ phận của hệ thống tổ chức Quân đội, đồng thời là một bộ phận trong hệ thống giáo dục đào tạo của đất nước, bao gồm các học viện, trường sĩ quan. Về mặt tổ chức, có một số học viện và trường sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các học viện, nhà trường còn lại trực thuộc quản lý của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các quân chủng, binh chủng của Quân đội và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hiện nay, hệ thống các nhà trường Quân đội gồm có 10 học viện, 12 trường sĩ quan, đại học đào tạo cán bộ, sĩ quan cho tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng1.
Về nhiệm vụ, tại Điều 9 - Điều lệ Công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 51/2016/TT-BQP ngày 20 tháng 4 năm 2016) đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của nhà trường Quân đội. Theo đó, nhà trường Quân đội có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau: “(1). Nhà trường Quân đội có tư cách pháp nhân, thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường Quân đội chính quy, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. (2). Công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy và Thủ trưởng cấp trên, sự quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chức năng và quy định của Điều lệ này. (3). Tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhiệm vụ, nội dung, chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”2.
Nội dung giáo dục quyền con người trong học viện, nhà trường Quân đội vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù gắn với từng đối tượng. Chương trình giáo dục quyền con người trong các học viện, nhà trường Quân đội cần phải đảm bảo các nội dung cơ bản tương thích với mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tương lai. Do vậy, phù hợp với quan điểm của Đảng ta về quyền con người được quy định trong Hiến pháp, bộ luật, luật và văn bản quy phạm dưới luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật cũng như thực tiễn pháp luật. Trong đó, theo Quyết định số 1309 QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã xác định giáo dục quyền con người trong các trường đại học bao gồm:
i) Khái niệm, nguồn gốc, bản chất và tính chất của quyền con người, quyền công dân; ii) Nội hàm, tiêu chuẩn của các quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và các công ước quốc tế khác; iii) Các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội; iv) Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; v) Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vi) Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân3.
Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, trong Chỉ thị số 34-CT/TTg, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Bộ Quốc phòng: a) Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện và tổ chức phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng; b) Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quyền con người cho giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện giảng dạy nội dung quyền con người thuộc thẩm quyền của Bộ”4.
2. Thực trạng công tác giáo dục quyền con người trong học viện, nhà trường Quân đội
Thời gian qua, hoạt động giáo dục quyền con người ở các học viện, nhà trường Quân đội được thực hiện nghiêm túc, ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, các học viện, nhà trường Quân đội nhận thức đúng về vai trò giáo dục quyền con người cho học viên. Các học viện, nhà trường Quân đội đã xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục quyền con người cho học viên, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật về quyền con người, coi đây là hoạt động quan trong trong quá trình phổ biến, giáo dục quyền con người cho học viên. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đảm bảo, hệ thống tài liệu, giáo trình về quyền con người được bổ sung theo đúng quy định.
Ưu điểm của hoạt động giáo dục pháp luật về quyền con người ở các học viện, nhà trường Quân đội hiện nay thể hiện qua:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác giáo dục quyền con người,Triển khai Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, phối hợp với Tổng Cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan chức năng, nghiên cứu đề xuất triển khai thực hiện trong Bộ Quốc phòng và các học viện, trường trong Quân đội. Cục Nhà trường/Bộ Tổng tham mưu là cơ quan thường trực thực hiện Đề án đã tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các học viện, trường Quân đội triển khai kế hoạch số 89/KH-TM ngày 12/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” trong Quân đội giai đoạn 2017 - 2025.
Thứ hai, về triển khai xây dựng, lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo
a) Nội dung giáo dục về quyền con người trong các nhà trường Quân đội đang thực hiện, gồm có:
- Chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị có 01 học phần Lý luận và pháp luật về quyền con người;
- Chương trình giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học có 02 chuyên đề về giáo dục quyền con người: (1) Công ước quốc tế về chống tra tấn, (2) Luật Quốc tế. Thời gian 20 tiết;
- Chương trình đào tạo của các trường quân sự quân khu, quân đoàn, trường cao đẳng, trung cấp có 2 chuyên đề về giáo dục quyền con người: (1) Quyền con người, (2) Công ước quốc tế về chống tra tấn. Thời gian 6 tiết.
b) Xây dựng nội dung quyền con người đào tạo thí điểm tại Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Biên phòng theo Kế hoạch số 89/KH-TM ngày 12/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án.
Thứ ba, về biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu nội dung về quyền con người.
Cục Nhà trường ban hành Kế hoạch số 1533/KH-NT về Biên soạn tài liệu “Những vấn đề cơ bản về quyền con người” dùng trong nhà trường Quân đội, cụ thể:
- Tài liệu: “Những vấn đề cơ bản về quyền con người”, dùng cho đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong nhà trường Quân đội.
- Tài liệu: “Những vấn đề cơ bản về quyền con người”, dùng cho đào tạo HSQ chỉ huy và nhân viên CMKT trong trường cao đẳng, trung cấp, Trường Quân sự quân khu, quân đoàn trong Quân đội.
- Biên soạn Giáo trình: “Lý luận và pháp luật về quyền con người”, dùng cho đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong Quân đội.
Thứ tư, về tập huấn đối với đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy, công tác kiểm tra thực hiện Đề án, Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, báo cáo viên: để thực hiện giảng dạy thí điểm nội dung quyền con người, Cục Nhà trường đã chỉ đạo các học viện, trường Quân đội cử giảng viên tham gia tập huấn do Ban Điều hành đề án giáo dục quyền con người tổ chức, đồng thời triển khai các học viện, trường tự tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên, giáo viên tham gia giảng dạy. Ngoài ra, công tác kiểm tra thực hiện Đề án: Cục Nhà trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng kiểm tra các học viện, trường Quân đội thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo trong Quân đội; kiểm tra đào tạo thí điểm nội dung quyền con người của Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Chính trị. Kết quả các học viện, trường Quân đội đã thực hiện nghiêm kế hoạch số 89/KH-TM ngày 12/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục, đào tạo trong Quân đội”.
Thứ năm, hình thức tổ chức triển khai công tác giáo dục quyền con người trong học viện, nhà trường Quân đội thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện “Ngày Pháp luật” trong Bộ Quốc phòng, qua đó vừa góp phần giáo dục pháp luật nói chung trong đó có giáo dục quyền con người của các nhà trường Quân đội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động giáo dục quyền con người cho học viên các học viện, nhà trường Quân đội còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, dung lượng kiến thức về giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các nhà trường quân đội còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới của Quân đội.
Thứ hai, việc chủ động đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước về giáo dục quyền con người, giúp người học nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam còn chưa kịp thời, chưa cập nhật.
Thứ ba, chưa có một chương trình về giáo dục quyền con người thống nhất trong các nhà trường Quân đội; việc đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tùy thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi đơn vị, nhà trường, giảng viên.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người học và chiến sĩ chưa được trang bị kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người; tài liệu giảng dạy, học tập ở các cơ sở đào tạo còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục quyền con người trong Quân đội.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên do nhận thức chưa đúng mức về trách nhiệm giáo dục quyền con người ở một bộ phận cán bộ quản lý, giảng viên, đơn vị; kế hoạch hoạt động liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người còn nặng tính hình thức, phương pháp tổ chức thiếu khoa học, tính tích cực, tự giác của học viên trong học tập, chấp hành kỷ luật chưa nghiêm; đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên trách về giáo dục quyền con người còn thiếu về số lượng, chưa chuẩn hóa chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các học viện, nhà trường quân đội
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người cho học viên ở các học viện, nhà trường Quân đội, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục quyền con người là yếu tố giữ vai trò quyết định, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học viên ở các học viên, nhà trường Quân đội. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều thách thức đối với Quân đội. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng, mục tiêu: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”5.
Thứ hai, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên về vai trò và tầm quan trọng của chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các học viện, nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. Để chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội ngày càng được nâng cao thì yêu cầu đặt ra đối với các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội nói chung, ở các nhà trường Quân đội nói riêng cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội của đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên là những chủ thể trực tiếp thực hiện công tác này, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động; nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác giáo dục quyền con người.
Thứ ba, tăng cường bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giáo dục pháp luật quyền con người cho học viên. Để chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các học viện, nhà trường Quân đội đạt được hiệu quả cao trong thực tế thì việc đảm bảo về hệ thống giáo trình, tài liệu và các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, cần thiết để đáp ứng với yêu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của học viên ở các nhà trường Quân đội.
Thứ tư, đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người, kết hợp giáo dục pháp luật với công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật cho học viên ở các nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, đối với việc giảng dạy môn học Nhà nước và pháp luật theo chương trình chính khóa, căn cứ vào chương trình đào tạo toàn khóa của học viên và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của cấp trên, các nhà trường Quân đội cần phải tăng cường chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị sử dụng và kết hợp tốt các hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người khác nhau để nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người học. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa, nhằm góp phần bổ sung và bồi đắp thêm những kiến thức, sự hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng cho học viên.
Thứ năm, nâng cao nhận thức, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác trong hoạt động tự học tập, tự nghiên cứu và rèn luyện của học viên. Đây là giải pháp mang tính quyết định nâng cao kiến thức, phẩm chất, năng lực về pháp luật của mỗi học viên. Để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội trong thời gian tới, phải đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng, giáo dục cho học viên hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tri thức pháp luật nói chung, quyền con người nói riêng; từ đó, tạo động lực cho họ niềm đam mê học tập, nghiên cứu, lĩnh hội những tri thức pháp luật phục vụ cho quá trình công tác sau này.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong việc bảo đảm giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội là hoạt động rất cần thiết và không thể thiếu, bởi vì, thông qua hoạt động này mới đánh giá được hiệu quả công tác giáo dục quyền con người cho học viên ở các nhà trường Quân đội.
Kết luận
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam cần phải thường xuyên tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm xây dựng, hình thành và phát triển ý thức pháp luật cho mọi quân nhân. Chất lượng giáo dục pháp luật về quyền con người cho học viên ở các học viện, nhà trường Quân đội là vấn đề quan trọng góp phần phát triển một cách toàn diện về năng lực, phẩm chất và nhân cách của người học viên đào tạo sĩ quan; đáp ứng với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của các nhà trường Quân đội, xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Vì vậy, trong thời gian tới các nhà trường Quân đội cần phải triển khai và tổ chức thực hiện công tác giáo dục quyền con người một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của người cán bộ, sĩ quan, không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội, thực sự là lực lượng nòng cốt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
ThS. Lê Nguyên Tịnh
Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Cẩm Thanh, https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/nha-truong-quan-doi/nam-2023-co-bao-nhieu-truong-quan-doi-tuyen-sinh-dao-tao-dai-hoc-quan-su-724141#:~:text=C%C3%B3%2 , truy cập 11/12/2023.
(2) Bộ Quốc phòng, Điều lệ Công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 51/2016/TT-BQP ngày 20 tháng 4 năm 2016).
(3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quyền con người, tuyển chọn và trích dẫn, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.234.
(4) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quyền con người, tuyển chọn và trích dẫn, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.252.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Vãn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t2, tr. 157.