I- THỰC TRẠNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI CHO HỌC VIÊN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ, BỘ QUỐC PHÒNG

1. Về ưu điểm của giáo dục quyền con người ở Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

Thường vụ Đảng uỷ Trường Sĩ quan Chính trị luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Phòng Đào tạo, Khoa Nhà nước và Pháp luật triển khai thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước từ nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, nhiệm vụ của đối tượng, xác định nội dung, chương trình, thời gian đến xây dựng kế hoạch cụ thể.

Nội dung giáo dục quyền con người cho học viên được xác định toàn diện, song tập trung chủ yếu vào: “Những vấn đề chung về quyền con người”; “Công ước và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người”; “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Việt Nam về bảo đảm quyền con người”; “Pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền con người” và Xêmina về “Vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay”, với tổng thời gian giảng dạy 20 tiết. Quá trình giảng dạy, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã tích cực, chủ động cập nhật tài liệu, tư liệu, từng bước tu chỉnh, bổ sung thống nhất nội dung cụ thể về quyền con người nói chung gắn với quyền con người trong Quân đội nói riêng. Đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề cơ bản về quyền con người ở Việt Nam và quyền con người trong Quân đội mà Công ước quốc tế, luật pháp quốc tế chưa đề cập hoặc chưa làm rõ để thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mọi quân nhân thuộc quyền.

Hình thức, phương pháp giáo dục được giảng viên vận dụng linh hoạt, phù hợp với chương trình, tiến trình đào tạo của từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thụ kiến thức gắn với kinh nghiệm thực tiễn cương vị, chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên - bí thư chi bộ; tăng cường trao đổi, đối thoại dân chủ với tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học để không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên; thực hiện tốt Ngày Đảng, ngày chính trị văn hoá và tinh thần, Ngày Pháp luật gắn với tổ chức thi tìm hiểu, toạ đàm, trao đổi, sinh hoạt học thuật, diễn đàn; thông qua hệ thống khẩu hiệu, pa nô, tranh ảnh; thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ để tuyên truyền về quyền con người...

Lực lượng giảng dạy là giảng viên của Khoa Nhà nước và Pháp luật, trong đó có 03 tiến sĩ = 25%, 05 thạc sĩ = 42%, 04 cử nhân = 33%; có 03 thạc sĩ và 03 cử nhân được đào tạo đúng chuyên ngành Luật chiếm tỉ lệ 6/12 = 50%. Số giảng viên trẻ dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ 25%, trên 30 tuổi = 25% và 40 tuổi trở lên chiếm 50%, đây là lực lượng đã trải qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, là lực lượng nòng cốt giảng dạy quyền con người cho học viên. Toàn bộ các chủ đề bài giảng của giảng viên được lãnh đạo, chỉ huy Khoa trực tiếp rà soát, thông qua và đề nghị Phòng Đào tạo, Thủ trưởng Nhà trường thành lập Hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá, phê duyệt kế hoạch, bài giảng trước khi đưa vào giảng dạy chặt chẽ đúng quy định, đáp ứng được mục đích, yêu cầu.

Học viên của Trường sĩ quan Chính trị được tuyển chọn kỹ lưỡng, chặt chẽ từ nhiều nguồn với các hình thức và thời gian đào tạo khác nhau. Hầu hết có tuổi đời còn trẻ, năng động, sáng tạo, nhạy bén, hăng hái, nhiệt tình, ham hiểu biết, cầu tiến bộ và đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người cán bộ chính trị nên rất thuận lợi khi giáo dục về quyền con người.

Kết quả giáo dục quyền con người cho học viên bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tuyệt đại đa số cán bộ, học viên chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật Nhà nước về quyền con người, điều lệnh, điều lệ và kỷ luật Quân đội, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường. Kết quả thi kiểm tra kết thúc môn học các đối tượng đều 100% đạt yêu cầu, có từ 73% đến 78,43% đạt khá giỏi, không có yếu.

Trường Sĩ quan Chính trị đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức trong tuyên truyền Công ước chống tra tấn. (Nguồn: daihocchinhtri.edu.vn)

2. Về hạn chế của giáo dục quyền con người ở Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, giáo dục quyền con người cho học viên ở Trường Sỹ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng còn bộc lộ những hạn chế: Một số cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên còn có những nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác giáo dục về quyền con người cho học viên. Đội ngũ giảng viên chưa được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhiều, chưa được đào tạo cơ bản và có kiến thức chuyên sâu về quyền con người. Nội dung giáo dục còn dàn trải, chưa gắn sát với đặc điểm, nhiệm vụ, nghĩa vụ, quyền hạn và sự hy sinh, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ. Hình thức, biện pháp giảng dạy có nội dung còn chưa đa dạng, phong phú, hấp dẫn, còn thiếu những biện pháp tích cực mang tính “đột phá” để khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Các hình thức giáo dục trực quan, dễ tiếp thu chưa được tổ chức và tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, đây lại là một nội dung học mới và khó, khối lượng kiến thức nhiều, thời gian giảng dạy ít (20 tiết) trong khi các môn học chính khoá và môn học chuyên ngành yêu cầu đòi hỏi rất cao, áp lực lớn nên nội dung giáo dục quyền con người chưa cuốn hút được nhu cầu và tính tích cực, say mê tự học, tự nghiên cứu của học viên. Giáo trình, tài liệu chưa được đầu tư nghiên cứu thống nhất, nguồn tư liệu, số liệu, phim tư liệu và cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm cho giảng dạy còn chưa được đầu tư cơ bản. Việc lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người với giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội với các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; huấn luyện quân sự, huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật với xây dựng môi trường văn hoá có việc còn chưa thật sự nhịp nhàng, đồng bộ; việc duy trì pháp luật, kỷ luật gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, học viên có mặt chưa chặt chẽ.

3. Về nguyên nhân của giáo dục quyền con người ở Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

a) Nguyên nhân ưu điểm

Trường Sĩ quan Chính trị thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị mà trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu về giáo dục quyền con người cho học viên.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên tập trung hiện tốt chương trình, tiến trình giáo dục quyền con người cho học viên theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, của Quân uỷ Trung ương và hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án 1309).

Đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực, chủ động bám sát đặc điểm các đối tượng, chủ động cập nhật các văn bản mới, nghiên cứu bổ sung, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực; kịp thời khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong truyền thụ kiến thức cho người học.  

Học viên đã khắc phục khó khăn, khiêm tốn, ham học hỏi, cầu tiến bộ, tích cực, tự giác học tập, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức về quyền con người gắn với chức trách, nhiệm vụ để thực hiện tốt quyền con người và giải quyết tốt các mối quan hệ, giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong đơn vị cùng tiến bộ.     

b) Nguyên nhân hạn chế

Tác động từ mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và những tiêu cực của tệ nạn xã hội, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch là nguyên nhân trực tiếp tác động, chi phối, ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhân cách, ứng xử, đối xử về quyền con người.

Là một nội dung học mới đưa vào giảng dạy, thời gian ít (20 tiết) khối lượng kiến thức lớn, chưa trở thành một môn học riêng biệt nên chưa cuốn hút, động viên, khích lệ người học tích cực, chủ động nghiên cứu, học hỏi như các môn học chính khoá.

Một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị quản lý học viên còn biểu hiện chủ quan, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện nhân cách, đạo đức, lối sống của học viên, còn thiên về mệnh lệnh, nặng về quản lý hành chính hơn là quản lý, giáo dục, rèn luyện, chăm lo xây dựng con người và vì quyền con người.

Một số học viên còn biểu hiện thụ động, trông chờ, dựa dẫm vào tập thể, thiếu nỗ lực, tích cực, chủ động trong tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ. Những hạn chế trên tuy chưa mang tính phổ biến nhưng cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở Trường Sĩ quan Chính hiện nay cần phải được khắc phục triệt để.

II- GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẮT LƯỢNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI CHO HỌC VIÊN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ, BỘ QUỐC PHÒNG

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng về nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lầm và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được1. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về quyền con người cho các tổ chức, lực lượng nắm vững, thực hiện tốt các văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn về quyền con người, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án 1309.

Về nội dung giáo dục, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho các cấp ủy, tổ chức đảng, các lực lượng nâng cao nhận thức, hiểu biết những vấn đề cơ bản về quyền con người theo Công ước quốc tế, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc… và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng sư phạm, của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy về quyền con người. Giáo dục vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền công dân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của cán bộ, chiến sĩ; ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước, xã hội và quân đội…  

Về hình thức, biện pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm như: thông qua tuyên truyền, giáo dục cơ bản; thông qua giảng dạy chính khoá, ngoại khoá, qua các hình thức sinh hoạt, học tập của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân; thông qua sinh hoạt Ngày Đảng, Ngày Chính trị văn hoá tinh thần, Ngày Pháp luật; thông qua giao ban, hội ý hằng ngày, tuần của đơn vị; thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thông qua diễn đàn, toạ đàm, hội thảo khoa học; thông qua hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm…để kịp thời nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên, khắc phục nhận thức chủ quan, đơn giản, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người cho học viên

Đây là biện pháp rất căn bản, tạo nên chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên. Trước hết, cần bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu giáo dục về quyền con người cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Hiện nay, chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đầy đủ tài liệu giáo dục về quyền con người riêng cho từng nhóm đối tượng, nhất là học viên đào tạo sĩ quan trong Quân đội. Vì thế, cần phải thống nhất nguồn tài liệu, tư liệu giáo dục quyền con người cho từng đối tượng cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu, đảm bảo gắn kết cả nội dung và hình thức giáo dục. Mặt khác, quyền con người là một nội dung khó, đòi hỏi học viên phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lý thuyết rất lớn bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người. Vì vậy, đòi hỏi giảng viên phải đầu tư nghiên cứu kỹ nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giảng dạy gắn sát với chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ chính trị để hướng dẫn hành động cụ thể theo tình huống thực tế, để không gây sự nhàm chán, “khô cứng” trong giảng dạy. Phải xác định đúng hình thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng học viên để xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn; các ví dụ minh chứng đưa vào bài giảng phải phong phú, đa dạng, chi tiết, sát thực tế; tránh giảng dạy truyền thụ kiến thức xuôi chiều, thiên nhiều về lý thuyết, tạo tâm lý “căng thẳng”, nhàm chán cho người học. Phương pháp truyền tải nội dung phải sinh động, phù hợp với tâm, sinh lý, lứa tuổi để kích thích tư duy tích cực, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng vào thực tiễn. Tăng cường tính tương tác, trao đổi, thảo luận về quyền con người trong các giờ học chính khoá, ngoại khoá, kết hợp với xây dựng các tình huống mô phỏng, thực hành và tập nhóm để học viên được giao lưu, học hỏi, trải nghiệm thực tế về quyền con người. Mặt khác, cần tích hợp giữa giảng dạy và hướng dẫn học viên viết bài tiểu luận, thu hoạch theo chủ đề về quyền con người; các bài tập tình huống liên quan trực tiếp đến cách giải quyết, ứng xử về quyền con người theo quy định của pháp luật. Phải thường xuyên phối kết hợp với các đơn vị quản lý học viên để tổ chức tốt các buổi sinh hoạt học thuật, toạ đàm, trao đổi, hội thảo chuyên đề, sân khấu hóa cho học viên tham gia...Qua đó không chỉ giúp học viên tiếp nhận những kiến thức mới một cách dễ dàng, mà còn cuốn hút, lôi cuốn học viên tích cực, chủ động tự học, tự nghiên cứu.

Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm giảng dạy về quyền con người cho học viên

Đây là biện pháp có ý nghĩa then chốt, bảo đảm cho quá trình nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người cho học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị có tính chủ động, tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, phải xây dựng đội ngũ giảng viên có sự am hiểu và kiến thức chuyên sâu về quyền con người. Đội ngũ giảng viên yếu, thiếu nội dung nào phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nội dung đó. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tích cực, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để đội ngũ giảng viên được đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy về quyền con người. Trước mắt, tập trung ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng giảng viên đang trực tiếp giảng dạy các môn có liên quan và đây sẽ là những giảng viên giữ vai trò nòng cốt cho cả môn học này chứ không chỉ là giảng viên tạm thời, kiêm nhiệm. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có thể thông qua nhiều hình thức, biện pháp như: thông qua học tập chính trị, học tập nghị quyết, chuyên đề kết hợp với các tổ chức, lực lượng trong và ngoài quân đội mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tại chức; cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, người có kinh nghiệm nhiều bồi dưỡng cho người ít kinh nghiệm; khuyến khích giảng viên tự học tập, tự nghiên cứu. Thông qua sinh hoạt ngày Đảng, ngày chính trị văn hoá và tinh thần, Ngày Pháp luật hằng tháng; thông qua nghiên cứu, trao đổi đoàn, tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, tham quan, hội nghị, hội thảo khoa học, học tập kinh nghiệm giữa các nhà trường trong và ngoài quân đội với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu có uy tín về quyền con người để học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về cách làm hay, mô hình mới để tăng tính thực tiễn trong giảng dạy về quyền con người cho học viên. Thông qua hoạt động sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác giảng dạy; kết hợp với đưa cán bộ, giảng viên tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn hoặc các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quyền con người, từ đó giúp họ xoá dần “khoảng trống” còn yếu, còn thiếu để không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ, phương pháp vào giảng dạy về quyền con người cho học viên.

Bốn là, phát huy tính tích cực tự học, tự nghiên cứu về quyền con người của học viên

Tự học, tự nghiên cứu là hoạt động biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của người học, là xu hướng dạy học tích cực trong các nhà trường quân đội hiện nay. Để thực hiện tốt, trước hết giảng viên phải định hướng cho người học hiểu được đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tự học, tự nghiên cứu về quyền con người; định hướng về phương pháp, cách thức tự học cho học viên trong quá trình dạy học, giúp họ có phương pháp phù hợp không có cảm giác nhàm chán, bó buộc để kiên trì, bền bỉ, nỗ lực tự học tập. Trên cơ sở đó, mỗi học viên phải có kế hoạch tự học, tự nghiên cứu, phải kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi khó khăn, trở ngại. Phải xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp với trình độ, nhận thức, năng lực của bản thân; trong đó bao gồm cả kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch lâu dài. Phải có động cơ, ý thức, thái độ học tập đúng đắn, nghiêm túc, cầu thị; tự học ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, mọi hình thức. Đặc biệt, cần khắc phục tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại nghiên cứu cái mới, cái khó; kết hợp chặt chẽ học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn một cách kiên trì, bền bỉ, sáng tạo. Phải thường xuyên đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, để tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu của bản thân một cách nghiêm túc để có phương pháp lĩnh hội kiến thức toàn diện về quyền con người hiệu quả.

Hình thức tự học, tự nghiên cứu rất đa dạng như: thông qua học chính khoá, ngoại khoá theo chương trình, tiến trình giáo dục, đào tạo của Nhà trường; thông qua nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học của Nhà trường; thông qua tự đọc sách, tự đọc tài liệu; thông qua hoạt động tự nghiên cứu khoa học; thông qua các hoạt động của tổ phương pháp học tập với tham gia các hình thức tự học khác; thông qua mạng internet, để tự học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện hoàn cảnh. Đặc biệt thông qua hệ thống các thư viện trong và ngoài Quân đội hiện nay hầu hết được xây dựng và trang bị hiện đại, có đầy đủ giáo trình, sách tham khảo, tài liệu, tư liệu, số liệu phong phú, đa dạng và được số hóa giúp học viên có thể tự học, tự tra cứu thông tin nhanh, chính xác về quyền con người trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục về quyền con người cho học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng phải phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao góp phần tạo ra môi trường giáo dục về quyền con người và hướng tới sự phát triển toàn diện của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại tá, TS Bùi Quang Huy

Đại uý, CN Nguyễn Thị Tuyền

Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

---

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập I, II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021;
  2. Quốc hội, Hiếp pháp năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2013;
  3. Hồ Chí Minh (1948), “Thư gửi hội nghị chính trị viên”, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.484-485;
  4. Hồ Chí Minh (1950), “Nói chuyện tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.355-363;
  5.  Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội: Tư tưởng về quyền con người - Tuyển tập tư liệu thế giới và Việt Nam, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2011;
  6. Trường Sĩ quan Chính trị, Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng của Trường Sĩ quan Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 2155/QĐ-SQCT của Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị), Lưu hành nội bộ, Hà Nội-  - 2018;
  7. Viện Nghiên cứu quyền con người: Bình luận và Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
 

1 Hồ Chi Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.360.