Giáo dục mầm non nói chung, giáo dục quyền con người ở cấp mầm non nói riêng là việc giúp trẻ và cùng với trẻ hình thành, phát triển về phẩm chất là người và làm người, được thể hiện ở sự phát triển về thể chất gắn hài hòa với phát triển tiếng nói, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở CẤP MẦM NON

a) Khái niệm giáo dục quyền con người ở cấp mầm non

 Giáo dục mầm non nói chung, giáo dục quyền con người ở cấp mầm non nói riêng là việc giúp trẻcùng với trẻ hình thành, phát triển về phẩm chất là ngườilàm người, được thể hiện ở sự phát triển về thể chất gắn hài hòa với phát triển tiếng nói, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ...

Chương trình giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ (từ 1-3 tuổi) và giáo dục mẫu giáo (từ 4-6 tuổi). Trong đó, mục tiêu của chương trình giáo dục nhà trẻ là phải tập trung vào việc phát triển thể chất gắn với giáo dục, hỗ trợ, thúc đẩy hình thành tiếng nói, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm nhằm phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần của trẻ em; còn mục tiêu của chương trình giáo dục mẫu giáo là nhằm giáo dục, hỗ trợ, thúc đẩy - không còn là hình thành, mà là - phát triển hài hòa cả về thể chất và về tiếng nói, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ nhằm giúp trẻ sẵn sàng vào học lớp 1.

b) Đặc điểm của giáo dục quyền con người ở cấp mầm non

Giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục ở cấp mầm non là một hoạt động đặc biệt, khá mới mẻ đối với Việt Nam. So với việc triển khai ở các cấp học khác, hoạt động này có những đặc điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, đối tượng của giáo dục quyền con người là các cháu bé ở lứa tuổi mầm non với sự non nớt về nhận thức, ngây thơ trong thái độ, bản năng về hành vi. Các cháu ở độ tuổi này chưa được học nhiều về kiến thức như các cấp học tiểu học, trung học; chưa có khả năng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ một cách rõ ràng; chưa có khả năng xử sự có kiểm soát… Nói cách khác, đây như là tờ giấy trắng. Do vậy, việc tiếp nhận kiến thức về quyền con người, từ đó hình thành thái độ và hành vi cho trẻ là hoàn toàn mới mẻ, ban sơ. Những gì giáo viên, người chăm sóc trẻ, cũng như cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thể hiện qua tất cả cả hoạt động của trường, từ dạy dỗ trẻ, chơi với trẻ, cho trẻ ăn, đưa trẻ đi tắm, đi ngủ… đều trực tiếp góp phần hình thành nên nhận thức và nhân cách của trẻ. Đầu óc non trẻ của các bé sẽ ghi dấu ấn rất đậm sâu những gì các bé được nhận thời thơ ấu và ảnh hường lâu dài cho tương lai về sau. Những tình cảm yêu thương, nhân văn của giáo viên, người chăm sóc trẻ trong những năm tháng trẻ đến trường mầm non sẽ góp phần tạo nên tâm tính thiện lương, nhân ái khi trẻ trưởng thành. Ngược lại, chỉ một vài lời nói, hành vi phản cảm, thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu tính nhân văn, hay gây hại cho trẻ đều có thể dẫn đến những ám ảnh mãi về sau. Điều đó đặt ra đòi hỏi cho việc triển khai giáo dục quyền con người ở cấp mầm non phải hết sức bài bản, chỉn chu, đúng mực… bởi đây là khâu khởi thuỷ của quá trình giáo dục quyền con người cho thế hệ tương lai của đất nước.

Hai là, triển khai giáo dục quyền con người ở cấp mầm non là hoạt động đòi hỏi sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Đây có lẽ là sự phối hợp toàn diện và liên tục nhất giữa hai nhóm chủ thể liên quan trực tiếp đến trẻ. Mặc dù một số cấp học khác, như cấp tiểu học, trung học cơ sở… vẫn cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh, nhưng có lẽ ở cấp mầm non là cấp mà hoạt động này đòi hỏi cao hơn cả. Dường như vai trò của hai chủ thể này là ngang nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Việc phối hợp này diễn ra từ khi đón trẻ đến giờ trao trẻ. Thậm chí ở các thời gian còn lại, giữa gia đình trẻ và giáo viên vẫn có thể phải liên lạc với nhau để cùng nắm bắt tâm tư, tình cảm, sức khoẻ… của trẻ. Việc phối hợp này không chỉ ở việc dạy dỗ trẻ, mà cả ở các hoạt động khác như chăm sóc trẻ, dinh dưỡng đối với trẻ, chơi với trẻ, hay kể cả việc cho trẻ đi ngủ… Chẳng hạn, nếu gia đình và nhà trường không có sự phối hợp bài bản, thì trong khâu dinh dưỡng cho trẻ có thể gặp những trở ngại cho sự phát triển sức khoẻ của trẻ. Nếu gia đình không nắm được thực đơn của trẻ ở trường trong tuần, từ đó tính toán phương án cho bé ăn gì ở nhà cho phù hợp thì có thể dẫn tới tình trạng bé phải ăn những món giống nhau, khiến bé chán ăn hoặc thừa cân, béo phì; hoặc ngược lại, không cho bé ăn những món mà ở trường có thể chưa cung cấp đủ, dẫn tới bé thiếu cân, chậm phát triển… Điều đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, toàn diện giữa nhà trường và gia đình là đòi hỏi bắt buộc và là điều hết sức quan trọng trong triển khai giáo dục quyền con người ở cấp học mầm non.

Ba là, triển khai giáo dục quyền con người ở cấp mầm non là tổng hoà của nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm cả dạy dỗ, chăm sóc, trong đó, mỗi hoạt động lại có nhiều phương thức, biện pháp khác nhau. Nếu như ở các cấp học khác, nhất là ở cấp trung học, đại học, giáo dục quyền con người chủ yếu là hoạt động giảng dạy thì ở cấp mầm non, giữa dạy dỗ và chăm sóc đối với trẻ là ngang nhau, song hành với nhau. Qua dạy dỗ để chăm sóc trẻ, cũng qua chăm sóc trẻ để dạy dỗ các bé nên người. Việc dạy dỗ trẻ cũng đa dạng, không chỉ ở những bài học truyền đạt kiến thức sơ đẳng về quyền con người, mà quan trọng hơn là qua hành vi ứng xử của nhà giáo khi cho trẻ chơi, trẻ vận động, trẻ khám phá…hình thành ở các bé thái độ và hành vi phù hợp với các đòi hỏi về quyền con người. Tương tự như vậy, lúc chăm sóc trẻ, cách cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ… đều là những hình thức qua đó truyền tải yếu tố quyền con người đến các trẻ. Chẳng hạn, giả sử có một hành vi phân biệt đối xử của cô giáo hoặc người chăm sóc trẻ giữa các bé thì đó sẽ là yếu tố phản tác dụng mạnh mẽ đến công tác giáo dục quyền con người ở cấp mầm non. Tương tự, việc cho các bé tham gia các trò chơi hay chơi các đồ chơi như thế nào cũng góp phần không nhỏ hình thành nhân cách và ứng xử mang tính nhân quyền cho trẻ từ bé, như tôn trọng quyền của người khác, tôn trọng sự bình đẳng, hình thành ý thức khoan dung… Do các hoạt động đều có ý nghĩa quan trọng, nên không thể coi nhẹ việc giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non ở bất kỳ một hoạt động nào, dù là nhỏ nhất.

2. CHỦ ĐỀ, YÊU CẦU, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI Ở CẤP MẦM NON

a) Chủ đề giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non

Chủ đề triển khai giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non gồm : (1) Phát triển thể chất; (2) Phát triển nhận thức; (3) Phát triển ngôn ngữ; (4) Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; (5) Phát triển thẩm mỹ. Trong thực tế, giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo thường có sự khác nhau trong việc cung cấp các các chủ đề nêu trên. Khi triển khai giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non, phải xác định mục đích giáo dục cần đạt được ở từng đối tượng giáo dục cụ thể là nhà trẻ hay mẫu giáo. Trên cơ sở đó xác định yêu cầu giáo dục phù hợp cho mỗi đối tượng cụ thể; từ đó xác định các chủ đề giáo dục phù hợp.

 Phạm vi các chủ đề và yêu cầu giáo dục quyền con người có thể khác nhau ở mỗi đối tượng nhà trẻ, mẫu giáo, song đối với trẻ mầm non nói chung cần truyền tải những tri thức cơ bản sau đây: (1) Phẩm chất cá nhân vốn là những giá trị cố hữu thuộc về tất cả mọi người và quyền của con người là được công nhận, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy những phẩm chất đó trong thực tế; (2) Sự vi phạm phẩm chất cá nhân là không tôn trọng bạn, không sẵn sàng hòa nhập với bạn; (3) Nghĩa vụ của các em và tổ chức gần gũi (lớp, trường mầm non, gia đình) trong quá trình bảo đảm, hỗ trợ sự hình thành, phát triển, bộc lộ và thể hiện các phẩm chất cá nhân, nhất là năng lực hòa nhập cộng đồng gần gũi.

b) Yêu cầu triển khai nội dung quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non

+ Yêu cầu tối thiểu: Cấp độ này bao gồm những nội dung phổ thông nhất về quyền con người, phù hợp với đối tượng là các em còn ở độ tuổi đang hình thành phẩm giá con người, nhằm giúp các em hình thành những tri thức tối thiểu, và những tình cảm, thói quen đơn giản trong việc thực hiện quyền con người.

 + Yêu cầu riêng: Nội dung giáo dục quyền con người ở giáo dục mầm non nói chung là có tính nền tảng bao gồm những phẩm chất cơ bản của quyền con người; những tri thức cơ bản về quyền con người được ghi nhận trong pháp luật quốc gia, quốc tế; những tri thức cơ bản về bảo đảm quyền con người; việc xử lý vi phạm quyền con người;.... Và cần đặc biệt nhấn mạnh, rằng tất cả tri thức đó phải được giáo dục dưới dạng các phẩm chất cá nhân và kỹ năng hòa nhập cộng đồng gần gũi (lớp học, gia đình), chứ không phải dưới dạng các thuật ngữ khoa học thuần túy về quyền con người, quyền công dân.

c. Phương pháp giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non

Thứ nhất, vận dụng 6 nguyên tắc của “Mô hình PLANET”để triển khai giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non

Trẻ mầm non học dựa trên những gì trẻ nghe thấy, trẻ quan sát thấy và bắt chước… những người xung quanh (gia đình, người chăm sóc, thầy, cô giáo và các bạn); từ đó dần dần hình thành các hành vi mang suy nghĩ và giá trị mà trẻ tiếp nhận được. Tuy vậy, với đặc điểm trẻ nhận thức bằng trực quan, nên trong việc giáo dục quyền con người ở cấp học mầm non cần chuyển hóa nội dung nhân quyền từ các nguyên tắc, văn kiện pháp lý quốc gia và quốc tế thành nội dung cụ thể, với các hoạt động cụ thể, trực quan sinh động mà trẻ có thể tham gia trực tiếp và vui chơi trong lớp học. Ở đây có thể vận dụng “Mô hình PLANET” gồm 6 nguyên tắc chính để giúp trẻ có thể được giáo dục quyền con người một cách hiệu lực, hiệu quả. Đó là:

1/ P (participation) - Tham gia: Trong chương trình giáo dục mầm non, tất cả học sinh đều có quyền tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến quyền của trẻ. Trẻ là chủ thể tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động, từ các hoạt động học tập liên quan đến nhân quyền đến các hoạt động chăm sóc - giáo dục khác. Giáo viên phải tạo cơ hội để tất cả trẻ đều được tham gia vào hoạt động, và cho trẻ được tham gia vào việc lựa chọn sẽ học gì, giải quyết nhiệm vụ như thế nào.

2/ L (Legality) - Pháp chế: Việc tiếp cận dựa trên quyền yêu cầu luật pháp quốc gia phải công nhận các quyền con người là các quyền có hiệu lực pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Công tác giáo dục, đào tạo phải tuân theo cơ sở pháp lý đó. Vì thế, trong trường mầm non, trước hết cán bộ quản lý và giáo viên phải am hiểu, thừa nhận, tuân theo luật pháp quốc gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như thực hiện nghiêm túc, nhất quán việc tôn trọng, bảo vệ quyền trẻ em được quy định theo pháp luật quốc gia, quốc tế. Các nội quy và biện pháp giáo dục của nhà trường và của từng lớp học phải được xây dựng trên cơ sở công nhận quyền của con người nói chung và quyền của trẻ em nói riêng; đồng thời phải có biện pháp kiểm soát, bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, bạo lực để đảm bảo tất cả trẻ đều được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Giáo dục là quyền căn bản của tất cả mọi người, trong đó có trẻ em, do đó, phải bảo đảm quyền đó trên thực tế cho trẻ em trong chương trình giáo dục mầm non.

3/ A (accountability) - Trách nhiệm giải trình: Yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên mầm non phải giám sát hiệu quả việc tuân thủ các chuẩn mực quyền con người trong việc đạt được các mục tiêu giáo dục mầm non cũng như tuân thủ quyền con người và xử lý vi phạm quyền con người trong lớp, trong trường. Nhà trường cần xem xét việc đưa ra nội quy, quy định cơ chế hoặc biện pháp đảm bảo quyền con người của học sinh, cũng như của giáo viên, cán bộ công nhân viên, đồng thời phải có cơ chế khắc phục hiệu quả khi xảy ra những vi phạm quyền con người. Người bị xâm phạm quyền con người cần biết tiếp cận với ai nếu biết mình không được tôn trọng và bảo vệ. Với học sinh, cần dạy cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, biết tìm người hỗ trợ tin cậy khi cảm thấy sự an toàn thân thể bị đe dọa.

4/ N (Non - discrimination and equality) - Không phân biệt đối xử và bình đẳng: Nguyên tắc này cần được thể hiện bằng quy định, bằng các thông điệp và bằng nội quy cũng như các hoạt động cụ thể tại lớp học. Trẻ cần được học về công bằng, học cách chia sẻ và hiểu để chấp nhận việc ưu tiên cho cho các bạn phải chịu hoàn cảnh và các điều kiện khó khăn hơn khi thực hiện quyền của mình. Các quyền hay nội dung liên quan đến quyền đều được thực hiện như nhau cho tất cả mọi người, cho tất cả học sinh. Cụ thể, giáo viên cư xử bình đẳng với bé trai và bé gái, không phân biệt giới tính; có hành động phù hợp khi chứng kiến trẻ/ người khác đối xử bất bình đẳng trong lớp học. Trong đó, giáo viên cũng cần có biện pháp ưu tiên nhất định để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có nhu cầu đặc biệt.

5/ E (Empowerment) - Trao quyền: Mọi người, trong đó có học sinh mầm non, đều có quyền đòi hỏi, thực hành quyền của mình. Chương trình giáo dục mầm non về quyền con người phải hướng tới mục tiêu giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức, kỹ năng và thái độ để nhận thức, đòi hỏi và thực hành quyền. Giáo viên cần tạo điều kiện cho trẻ được thực hành, được trải nghiệm và thực hành kỹ năng để làm sâu, thấm sâu kiến thức nhân quyền trong sinh hoạt thường ngày tại lớp, tại trường. Khi dạy trẻ về quyền con người, giáo viên có thể lựa chọn thực hiện hoặc tích hợp vào các hoạt động khác nhau không phải chỉ để trẻ được là trung tâm của quá trình giáo dục mà còn phải thể hiện ở các quyền lợi mà trẻ được hưởng, như: Trẻ có quyền đưa ra quyết định lựa chọn hoạt động mà trẻ muốn, có quyền nói lên mong muốn của mình, có quyền được nói, được phản bác lại những bất công, đòi hỏi được tôn trọng về thân thể và nhân phẩm.

6/ T (Transparency) - Minh bạch: Mọi nhận định hay phán xét của giáo viên về các nội dung hay hành vi liên quan đến quyền con người đều phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu; phải làm cho trẻ thấy được lý do vì sao giáo viên quyết định như vậy. Qua đó trẻ có thể tự quan sát, lĩnh hội quyền và bắt chước cơ chế bảo vệ quyền trong các tình huống tương tự. Bản thân giáo viên cũng phải là một tấm gương mẫu mực về việc thực hành quyền, trao quyền và tôn trọng quyền cho trẻ học tập, noi theo.

Tất cả các nguyên tắc nêu trên đều chi phối giáo viên trong việc lập kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung và lựa chọn các phương pháp để triển khai giáo dục nhân quyền sao cho phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, nhằm giúp trẻ tiếp nhận quyền một cách tự nhiên thông qua các hoạt động giáo dục và sinh hoạt hằng ngày tại lớp học, tại trường.

Thứ hai, vận dụng cách tiếp cận và các chỉ báo về quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non

- Vận dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người: Là vận dụng cách tiếp cận dựa vào các tiêu chuẩn nhân quyền để xác định kết quả và lấy các nguyên tắc về quyền con người với tính cách là điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được kết quả tốt của giáo dục quyền con người, nhất là duy trì kết quả đó một cách bền vững. Vận dụng cách tiếp cận này vào triển khai giáo dục quyền con người trong giáo dục mầm non, cần phải bảo đảm thực hiện:

+ Các chủ thể quyền được giáo dục có quyền đòi hỏi được đáp ứng các quyền của họ;

+Nhà nước và các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền được giáo dục của người học, có trách nhiệm phải bảo đảm (công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và cả thúc đẩy) một cách công khai, minh bạch quyền này với sự tham gia của người học theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử;

+ Phương pháp tiếp cận này coi trọng phương pháp"của cho không bằng cách cho": Các phương pháp giáo dục khác chủ yếu định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn, kiến thức vừa là "chất liệu", "đầu vào" vừa là "kết quả", "đầu ra" của quá trình giáo dục; vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế. Còn phương pháp"của cho không bằng cách cho"coi trọng phương diện triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ người học tham gia tích cực vào giáo dục quyền con người, chứ không chỉ là người thụ động hưởng lợi từ quá trình giáo dục đó, nhằm đạt được mục tiêu tiếp thu, vận dụng, thực hành tri thức nhân quyền một cách bền vững ở người học.

+ Mọi sự sao nhãng hoặc vi phạm các quyền được giáo dục của người học đều gắn với những trách nhiệm như: giải trình, bị phê phán hoặc những chế tài khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 - Vận dụng các chỉ báo của cách tiếp cận dựa trên quyền trong chương trình giáo dục mầm non, gồm:

 + Xuất phát từ quan điểm công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền con người;

+ Xác định rõ chủ thể quyền và chủ thế có nghĩa vụ bảo đảm quyền được giáo dục;

 + Coi trọng quyền được tham gia vào quá trình giáo dục quyền con người của người học, nhất là người học là trẻ em (vốn thuộc các nhóm yếu thế nói chung), theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử;

 + Bảo đảm tính minh bạch; tực là bảo đảm nghĩa vụ giải trình và trách nhiệm pháp lý, đạo đức, trong công tác giáo dục quyền con người.

+ Việc tích hợp, lồng ghép nội dung, kỹ năng tìm hiểu và nhận thức về bản thân, và biết phân biệt với những người xung quanh (người trên, bầu bạn, em bé) sẽ giúp đảm bảo tính vừa sức theo nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ trong đời sống cộng đồng trực tiếp của trẻ là gia đình và lớp mầm non,... nhằm chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào đời sống xã hội.

Thứ ba, triển khai lồng ghép, tích hợp phương pháp giảng dạy - học tập tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người vào "giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm" "phương pháp giáo dục cùng tham gia" trong chương trình giáo dục mầm non

 Phương pháp giảng dạy - học tập dựa trên quyền của người học là phương pháp giảng dạy - học tập tôn trọng, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy quyền của người học, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại nhằm tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Theo phương pháp này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải tập trung vào truyền thụ kiến thức mà chủ yếu nhằm giúp học sinh hình thành, phát huy đặc điểm cá nhân và năng lực hòa nhập cộng đồng gần gũi (lớp học, gia đình) nhờ được thực hiện và luyện tập năng lực tích cực, chủ động trong học tập theo nguyên tắc “học mà chơi, chơi mà học”.

Phương pháp này, vì thế, không khác biệt, mà tương đồng với “phương pháp giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm" và "phương pháp giáo dục cùng tham gia" của ngành giáo dục. Cả ba đều phải chú ý đến đặc điểm cá nhân trẻ, giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp. Đối với giáo dục mẫu giáo, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ. Coi trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ. Kết hợp hài hoà giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm /lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế.

PGS.TS. Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh