Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những chương trình hành động lớn và rộng khắp trên thế giới về nhân quyền. Thực tế, giáo dục quyền con người đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục của nhiều nước, tuy có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức hoạt động. Nếu như giáo dục quyền con người ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai, thì mục tiêu của giáo dục quyền con người ở cấp độ đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungdang.org.vn
Thực hiện Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, hoạt động giáo dục quyền con người đã được tăng cường thêm một bước, xét cả về nội dung và phạm vi tổ chức. Việc giáo dục quyền con người với mức độ nhất định và bằng các phương pháp phù hợp trong các trường cao đẳng, đại học là cần thiết và có tính khả thi. Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu như giáo dục quyền con người ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai, thì mục tiêu của giáo dục quyền con người ở cấp độ đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Một là, Nhà nước và xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng giáo dục quyền con người để giúp các em định hướng, hiểu được những giá trị bản thân, lòng tự tôn và bản sắc văn hóa của dân tộc, sự bình đẳng và tôn trọng giữa các quốc gia trong khu vực.
Hai là, hoàn chỉnh khối kiến thức và phương pháp dạy học mới trong giáo dục môn học quyền con người, xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn; đưa nhiều ví dụ minh họa thực tế vào bài giảng; tránh phương pháp dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thiên nhiều về lý thuyết; tạo tâm lý nhàm chán cho sinh viên khi học môn học này.
Quyền con người là môn học nặng tính lý thuyết bởi khi học môn này sinh viên phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lý thuyết lớn bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người. Chính vì lý do đó, giảng viên nên sử dụng phương pháp giảng dạy theo tình huống, áp dụng các bài học thực tế, phân tích tình huống luật để áp dụng các điều luật sẽ tránh gây nhàm chán trong quá trình giảng dạy.
Về mặt pháp lý, nội dung của quyền con người nằm ở nhiều văn bản. Vì vậy, giảng viên cần định hướng cho sinh viên tư duy tổng hợp, tích hợp việc phân tích, nghiên cứu các văn bản pháp lý trong và ngoài nước, tránh việc một lúc truyền thụ cho sinh viên một khối lượng lớn kiến thức lý thuyết. Như vậy, giảng viên chính là người định hướng cho sinh viên những tài liệu liên quan đến môn học, giúp sinh viên nghiên cứu quyền con người qua việc tìm hiểu các quy định của quốc tế về vấn đề này.
Cần thường xuyên cho sinh viên trao đổi thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc cho sinh viên làm bài tập lớn theo nhóm, cho sinh viên đóng vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề nghiên cứu... Người giảng viên cần thiết tích hợp giữa giảng dạy và định hướng cho sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần cho sinh viên viết bài nghiên cứu theo chủ đề về quyền con người, các bài tập tình huống về các vấn đề về quyền con người theo quy định của Luật quốc tế...Những phương pháp này sẽ giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức và có khả năng nghiên cứu khoa học.
Cần tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động khoa học, tọa đàm, bồi dưỡng chuyên môn...về quyền con người. Qua những hoạt động này sẽ giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức mới một cách dễ dàng, bên cạnh đó còn giúp sinh viên định hướng và lựa chọn những vấn đề nghiên cứu mới.
Khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành về quyền con người để sinh viên có thế cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mặc, khó khăn trong quá trình học tập môn học; để từ đó, cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực.
Ba là, biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể. Hiện nay, chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đầy đủ tài liệu cho việc giáo dục quyền con người theo từng nhóm đối tượng. Vì thế, cần phải xây dựng các tài liệu giáo dục quyền con người cho từng nhóm chủ thể, từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu và đảm bảo gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người và nội dung giáo dục quyền công dân.
Bốn là, xem xét đưa chương trình giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục đại học ở tất cả các ngành học. Việc này vừa đảm bảo tính thống nhất, tính liên thông của chương trình, vừa đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước, tránh tình trạng phụ thuộc vào các dự án, nguồn tài chính..., đồng thời đảm bảo trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng tham gia hoạt động giáo dục này.
Năm là, chú trọng cung cấp phương pháp luận nhận thức, giới thiệu các quan điểm khác nhau về quyền con người trong lịch sử và đương đại; các chuẩn mực nhân quyền quốc tế trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Việt Nam. Trên cơ sở đó, giúp sinh viên nắm được những điểm tiến bộ, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền con người với pháp luật quốc tế.
Sáu là, xác định các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Đối với sinh viên người dân tộc thiểu số, cần dịch nội dung giáo dục sang tiếng dân tộc; đội ngũ tuyên truyền, giáo dục cho dân tộc thiểu số chính là trưởng bản, những cán bộ người dân tộc đã được đào tạo trở thành cốt cán. Hình thức giáo dục có thể thông qua các hoạt động văn hóa của làng, xã, bằng tranh ảnh, panô, áp phích, tờ rơi, đài truyền thanh, đài phát thanh truyền hình, phim và các loại hình nghệ thuật khác.
Bảy là, đào tạo đội ngũ cốt cán, giảng viên giảng dạy về quyền con người. Đây là điều kiện bắt buộc để có thể đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy trong chương trình giáo dục đại học. Trước mắt, có thể đào tạo giảng viên từ đội ngũ giảng viên đang dạy các môn có liên quan và đây sẽ là những giảng viên cho cả môn học này chứ không chỉ tạm thời, kiêm nhiệm. Đội ngũ giảng viên này phải được đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học trong hệ thống giáo dục nhà nước. Giáo dục về quyền con người có mối quan hệ mật thiết với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, do đó, về chiến lược có thể đào tạo đội ngũ giảng viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường luật, chính trị.
Tám là, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để hỗ trợ cho các hình thức, phương pháp giáo dục, cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, thông tin về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn lực, kỹ thuật thích hợp cho các cơ quan thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí để các cơ quan này có điều kiện thuận lợi thực hiện hoạt động của mình. Đồng thời, các cơ quan thông tin đại chúng cần coi hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này.
Chín là, bảo đảm các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục quyền con người. Để tạo ra được nguồn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong thời gian tới, hàng năm, Nhà nước cần có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học về quyền con người.
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” của một số nước phương Tây và các thế lực phản động, thù địch chống phá quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trên thế giới, phạm vi và trình độ giáo dục quyền con người ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Mặc dù, đã có những tiến triển trong hai thập kỷ qua song giáo dục quyền con người ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển chung trên thế giới và chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục quyền con người ở trong nước. Những trở ngại chính trong giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay liên quan đến các vấn đề như trình độ hạn chế và sự thiếu hụt giảng viên; phương pháp giảng dạy lạc hậu; sự thiếu hụt các nguồn tài liệu tham khảo.
Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, cần thiết tập trung và việc thúc đẩy phát triển các nhân tố như (i) Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên theo định hướng năng lực; (ii) Tận dụng các nguồn vốn từ tài trợ nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ công tác bồi dưỡng và đào tạo; (iii) Nhanh chóng tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu từ các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế thông qua các hội thảo khoa học quốc tế về vai trò và ý nghĩa của giáo dục nhân quyền; từ đó, tạo cơ sở hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển hoạt động giáo dục quyền con người phù hợp với xu thế mới.
Một khi có nhận thức phù hợp và quyết tâm chính trị cao trong việc thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp và nhanh chóng. Cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia cần nhận thức rõ hơn về vai trò của giáo dục nhân quyền, các yêu cầu và ý nghĩa của hoạt động này với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
TS. Nguyễn Thế Anh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh