Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách nhằm giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm quyền học tập của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực trạng lao động trẻ em người dân tộc thiểu số đang là vấn nạn tác động nghiêm trọng đến việc thực hiện quyền học tập của các em, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Do vậy, cần đánh giá khách quan về tác động của lao động trẻ em đối với việc thực hiện quyền học tập của trẻ em dân tộc thiểu số và đề ra các giải pháp giảm thiểu lao động trẻ em, góp phần bảo đảm quyền học tập của trẻ em dân tộc thiểu số.

1. Khái quát chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về lao động trẻ em và quyền học tập của trẻ em người dân tộc thiểu số 
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước đã có quan điểm và chính sách nhất quán về lao động trẻ em và bảo đảm quyền học tập của trẻ em, đặc biệt nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật quốc gia. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (Điều 37); “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; từng bước phổ cập giáo dục trung học. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...” (Điều 61).
Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em, bảo vệ trẻ em không bị bóc lột sức lao động, Việt Nam đã gia nhập Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); phê chuẩn 2 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) liên quan đến lao động trẻ em, bao gồm: Công ước về độ tuổi tối thiểu (Công ước 138, 1973) và Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Công ước 182, 1999). 
Việt Nam đã chủ động nội luật hóa các quy định trong các Công ước quốc tế nêu trên. Đến nay, về cơ bản hệ thống pháp luật quốc gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế, tạo hành lang pháp lý toàn diện để giải quyết các vấn đề của trẻ em, bao gồm  quyền học tập và lao động trẻ em dân tộc thiểu số. Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh (Điều 16); “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em” (Điều 26); “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động (Điều 44). Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có các quy định liên quan đến lao động chưa thành niên. Ví dụ: nghiêm cấm sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật (Điều 8); nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (Điều 144). Luật Giáo dục năm 2019 có các quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân (Điều 13); quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc (Điều 14); trách nhiệm của gia đình trong việc tạo điều kiện cho con hoàn thành “giáo dục bắt buộc” (Điều 90). Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296)... Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nhiều văn bản dưới luật khác để tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn về đảm bảo quyền học tập của trẻ em, giảm thiểu lao động trẻ em. 
2. Tác động của lao động trẻ em đối với việc thực hiện quyền học tập của trẻ em người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Đảm bảo quyền học tập cho trẻ em nói chung, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng không chỉ có ý nghĩa nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo cơ hội để trẻ phát triển toàn diện, mà còn là một phương thức quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em. Ngược lại, khi trẻ em không được đến trường, không được tiếp cận giáo dục lại là nguyên nhân trực tiếp gia tăng tình trạng lao động trẻ em. Từ đó gây giảm sút năng lực của các em, kìm hãm trình độ dân trí, giảm cơ hội phát triển bình đẳng, làm tăng chu kỳ nghèo đói, gây bất lợi cho các thế hệ và cả quốc gia. 
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3%, còn lại là 53 dân tộc thiểu số với tỷ lệ 14,7%. Trong tổng số người dân tộc thiểu số, người dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ 29,7% (toàn quốc 24,3%)1. 
Trong những năm qua, Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước thực hiện nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ dân tộc thiểu số như: thúc đẩy phổ cập giáo dục; xóa mù chữ; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học; phát triển mạng lưới, quy mô các trường chuyên biệt; đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất... Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay 100% số xã vùng dân tộc thiểu số có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó hơn 90%2 trường và lớp học được xây dựng kiên cố, không còn tình trạng “xã trắng” về giáo dục, các lớp mẫu giáo cũng bước đầu được hình thành và phát triển ở các xã vùng cao; 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Số liệu thống kê thời gian qua cho thấy, tỷ lệ đi học chung3 cấp tiểu học của người dân tộc thiểu số là 100,5%, cấp trung học cơ sở là 85,8% và trung học phổ thông là 50,7%4. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi5 cấp tiểu học của 53 dân tộc thiểu số đạt 96,9%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông của trẻ em dân tộc thiểu số lần lượt là  81,6% và 47,0%. So với năm 2015, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo tốt hơn. (Năm 2015 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số cấp tiểu học là 88,8%; cấp trung học cơ sở là 72,5%; cấp trung học phổ thông là 32,2%)6, trong đó rõ rệt nhất là cấp trung học phổ thông (tỷ lệ đi học đúng tuổi tăng 14,8 điểm phần trăm). Đảm bảo tỷ lệ đi học đúng tuổi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em và cũng là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 
Để bảo đảm tốt hơn quyền học tập của trẻ em, chính quyền ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chẳng hạn: cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế, cấp học bổng, tín dụng cho học sinh, sinh viên, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng... Toàn quốc có 1,2 triệu hộ dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ bằng tiền hoặc vật chất, chiếm 36,9% tổng số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các xã vùng dân tộc thiểu số7. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số được học tập, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em. 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thời gian qua việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng gia tăng lao động trẻ em người dân tộc thiểu số. Nhìn chung, mặt bằng giáo dục, chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn thấp; có sự chênh lệch lớn về giáo dục cho trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ em người Kinh. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi còn thấp (khoảng 70% tính cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường8 năm 2019 là 15% (cao gần 2 lần tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của cả nước và cao hơn gần 3 lần tỷ lệ này của dân tộc Kinh)9. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường giữa các cấp học cũng có sự khác biệt rất rõ, cấp học càng cao tỷ lệ này càng tăng. Ở cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học thì có khoảng 2 em không được đến trường; con số tương ứng ở cấp trung học cơ sở là 13 em, ở cấp trung học phổ thông là 46 em. Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học trung học phổ thông không đến trường là phổ biến ở hầu hết các dân tộc với 27/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ học sinh trong độ tuổi không đi học trung học phổ thông chiếm trên 50%10.
Báo cáo Khảo sát quốc gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam có 1.754.066 trẻ em tham gia hoạt động kinh tế11 (còn gọi là trẻ em làm việc, trẻ em tham gia lao động), chiếm 9,1% tổng số trẻ từ 5 đến 17 tuổi của cả nước. Trong số trẻ em hoạt động kinh tế có 1.031.944 em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi, chiếm 58,8% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Trong số lao động trẻ em có 519.805 em được xác định là lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chiếm 2,7% tổng số trẻ em 5-17 tuổi, chiếm 29,6% số trẻ em hoạt động kinh tế và chiếm gần 50,4% tổng số lao động trẻ em. 
Tham gia lao động gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc hưởng thụ quyền học tập, khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ. Lao động trẻ em làm mất đi cơ hội học tập, cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp và dẫn đến vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Càng tham gia lao động, trẻ em càng ít có cơ hội đi học. Tỷ lệ trẻ em không đi học ở nhóm trẻ hoạt động kinh tế là 37%, tăng lên mức 50% ở nhóm lao động trẻ em và 61,4% lao động trẻ em nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm12. Trong tổng số 1.031.944 lao động trẻ em, có gần ½ hiện vẫn còn tiếp tục đi học và 48,6% hiện đã thôi học và 1,4% chưa bao giờ đi học. Tỷ lệ lao động trẻ em ở độ tuổi 5-12 không đi học là gần 9% tăng lên 38% ở nhóm tuổi 13,14 và tăng lên 75,8% ở nhóm tuổi 15-1713. Đa số trẻ em tham gia lao động là trẻ em ở tuổi 15 -17, tuy nhiên, vẫn có tới hơn 18% lao động trẻ em ở nhóm 5-12 tuổi.
Trong số lao động trẻ em ở Việt Nam nêu trên,  có khoảng 84% lao động trẻ em tập trung ở vùng nông thôn14 và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác cũng có nhiều lao động trẻ em, chẳng hạn: lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng…
Hiện nay, chưa có số liệu điều tra chính thức công bố về lao động trẻ em người dân tộc thiểu số, nhưng số liệu 84% lao động trẻ em tập trung ở vùng nông thôn và tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường năm 2019 là 15% (riêng ở cấp trung học phổ thông là 46%) thì chúng ta có thể hình dung về tình trạng lao động trẻ em người dân tộc thiểu số ở Việt Nam khá nghiêm trọng và phức tạp.
Khi mức độ tham gia lao động của trẻ em càng tăng, tỷ lệ trẻ em được đến trường càng giảm. So với tỷ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4%, chỉ có một nửa số lao động trẻ em được đi học. Con số này trong nhóm lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn thấp hơn. Có 38,6% lao động trẻ em người dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và công việc gia đình. Trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em ở những gia đình nghèo, ngay từ nhỏ đã phải tham gia làm công việc nương, rẫy; chăn nuôi gia súc, gia cầm; lấy nước, kiếm củi, làm công việc nhà, trông em, chăm sóc cho các thành viên gia đình, tham gia phục vụ trong lĩnh vực du lịch… Một thực tế nhức nhối đã và đang diễn ra ở các điểm du lịch vùng cao, đó là: từ sáng sớm đến tối mịt, dù trời lạnh giá hay nắng gắt đều có thể thấy hình ảnh trẻ em dân tộc thiểu số thường xuyên đeo bám du khách để bán hàng, bị ép đi ăn xin hoặc chụp ảnh chung với khách để xin tiền và dần bỏ hẳn việc học hành. Việc tham gia lao động sớm đã ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số, khiến cho trẻ không có cơ hội học hành, phát triển nhân cách phù hợp với độ tuổi. Điều đó làm cho trẻ em dân tộc thiểu số rơi vào nguy cơ dễ bị bóc lột, dễ bị lạm dụng, bị vắt kiệt sức lao động, thậm chí là bị buôn bán, bạo hành và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm khác. 
Trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất trước mắt cho gia đình, nhưng về lâu dài, lợi ích đó không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu và hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Trong cuộc tọa đàm trực tuyến do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 12/6/2020, Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: “Trẻ em bị mắc kẹt trong lao động, trẻ em bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe bị tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Khi bỏ học, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể bị đói nghèo cả đời”15.

Giờ học thực hành môn hóa học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc 
nội trú tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: tapchimattran.vn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục và phải tham gia lao động sớm: 
Thứ nhất, do nhận thức của gia đình, người sử dụng lao động, người môi giới lao động và của trẻ em còn hạn chế, họ thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách về quyền trẻ em. Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số không hiểu rõ giá trị của quyền học tập của trẻ em; họ cho rằng học không để làm gì, không xin được việc nên cho con nghỉ học, hoặc có đi học thì không theo dõi, kèm cặp con của họ, vì vậy, kết quả học tập của các em thấp kém, sinh ra chán nản và bỏ học. 
Thứ hai, nghèo đói cũng là nguyên nhân làm cho trẻ em dân tộc thiểu số khó tiếp cận giáo dục, đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em phải tham gia lao động sớm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng dân tộc thiểu số là 35,5%, cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%)16. Vẫn còn 23,8% hộ dân tộc thiểu số đang phải sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ17. 1,4% số thôn, tương ứng với 809 thôn chưa có điện18. Các hộ gia đình nghèo có ít nguồn lực để đầu tư vào giáo dục, chăm sóc con cái. Nghèo đói làm cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt, thời gian qua, người nghèo dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, họ càng phải đối diện với nhiều khó khăn, phải tìm cách cắt giảm chi tiêu, tìm kiếm nguồn thu nhập. Điều đó làm tăng áp lực cho con cái của họ, bắt con em phải bỏ học và lôi kéo các em tham gia lao động sớm. Giáo dục là một giải pháp quan trọng để phá vỡ vòng nghèo đói ở vùng dân tộc thiểu số, nhưng chính nghèo đói lại là nguyên nhân làm gia tăng lao động trẻ em, giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số. 
Thứ ba, tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số còn do những khó khăn đặc thù ở những vùng này. Chẳng hạn: địa hình khó khăn, nhà ở cách trường quá xa19, phương tiện đi lại không sẵn có; nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu; các em gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ; vấn nạn tảo hôn (21,9%), kết hôn cận huyết (5,6%)20; tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến vi phạm quyền học tập của trẻ em, lao động trẻ em còn nhiều bất cập… 
Như vậy, mặc dù có khung pháp lý tương đối đầy đủ, sự cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực của Nhà nước và cộng đồng, nhưng việc bảo đảm quyền học tập, giảm thiểu lao động trẻ em người dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn hạn chế, bất cập và đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền học tập của trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Để bảo đảm quyền học tập của trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cần quyết liệt triển khai thực hiện một số giải pháp sau: 
Một là, tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em; về tầm quan trọng của việc học tập và giảm thiểu lao động trẻ em. 
Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với địa bàn dân cư, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền cho các bậc cha mẹ nhận thức rõ về quyền học tập của trẻ em; nhận thức rõ tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của lao động trẻ em; hiểu được trẻ có thể tham gia lao động ở mức độ nào, làm những công việc gì giúp đỡ gia đình phù hợp với lứa tuổi, không để các em phải bỏ học, lao động sớm; hiểu rõ thế nào là hành vi lao động trẻ em vi phạm pháp luật... 
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác trẻ em, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em. Cần xây dựng cơ chế huy động sự tham gia, tăng cường hợp tác liên ngành trong công tác đảm bảo quyền trẻ em, giảm thiểu lao động trẻ em.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, pháp luật về quyền học tập của trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em 
Rà soát chính sách, pháp luật, phát hiện những khoảng trống pháp lý, các quy định không phù hợp, không khả thi để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền học tập và phòng, chống lao động trẻ em.Đặc biệt, cần quy định cụ thể chế tài xử lý hành vi của cha mẹ không tạo điều kiện cho con học tập hoặc buộc con cái phải nghỉ học, tham gia lao động sớm.
Tiếp tục kiện toàn hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em và thanh tra lao động. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm quyền học tập của trẻ em, sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.
Ba là, tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo quyền học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số
Đảm bảo quyền học tập và xóa bỏ lao động trẻ em là hai vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau. Khi quyền học tập của trẻ được đảm bảo sẽ có tác dụng hạn chế, giảm thiểu lao động trẻ em. Ngược lại, trẻ em phải tham gia lao động sớm sẽ tác động tiêu cực, hạn chế quyền học tập của trẻ, thậm chí tước đi cơ hội học tập của trẻ. Vì vậy, giải pháp quan trọng là phải tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo quyền học tập cho trẻ em.
Tập trung đầu tư nguồn lực kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở tất cả các cấp học vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã chưa có trường mầm non, khắc phục tình trạng trường học xuống cấp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường lẻ để tăng quy mô huy động trẻ đến lớp; ưu tiên nguồn vốn để từng bước hoàn thiện mạng lưới các trường học phổ thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh trong độ tuổi. Thực hiện các chính sách huy động, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, các hộ nghèo... Cần quan tâm đặc biệt đến trẻ em bỏ học và trẻ em lao động để giúp các em có thể trở lại trường hoặc theo học các chương trình giáo dục thay thế. 
Bốn là, tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn là tiền đề quan trọng để trẻ em dân tộc thiểu số có cơ hội được thụ hưởng quyền học tập và giảm thiểu lao động trẻ em. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ các hủ tục ảnh hưởng tiêu cực đến quyền học tập của trẻ, buộc trẻ phải lao động sớm; xóa bỏ nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống gây tác động xấu đến sức khỏe, thể chất của trẻ em, làm giảm cơ hội được đi học của trẻ em, làm tăng nguy cơ nghèo đói và làm giảm chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ quyền trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em dân tộc thiểu số
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế; huy động nguồn lực, thông qua các dự án hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số và gia đình tiếp cận giáo dục, dạy nghề, y tế, và các dịch vụ hỗ trợ khác, nhằm bảo đảm quyền học tập và giảm thiểu lao động trẻ em.
Việt Nam đã có các cam kết chính trị mạnh mẽ, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền học tập của trẻ em và phòng, chống lao động trẻ em nói chung và trẻ em người dân tộc thiểu số nói riêng. Vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao năng lực thực thi luật pháp, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đó. Tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội: gia đình, nhà trường, cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội và chính bản thân trẻ em vào việc bảo đảm quyền học tập và giảm thiểu lao động trẻ em. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhất định sẽ xây dựng được môi trường an toàn, lành mạnh, đem lại cơ hội phát triển bình đẳng nhằm bảo đảm quyền học tập và giảm thiểu lao động trẻ em, giúp trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam thực hiện được những ước mơ, khát vọng cho một tương lai tươi sáng./.

PGS.TS. Tào Thị Quyên*

Viện Nhà nước Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

ThS. Đào Thị Tùng

Học viện Chính trị Khu vực III.

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 59.
(2) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: Sđd, tr.45.
(3) Tỷ lệ đi học chung là số học sinh đang tham gia vào một cấp giáo dục phổ thông (không kể tuổi) tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó. Theo quy định của Luật Giáo dục, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành 3 cấp với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: (1) cấp tiểu học được thực hiện trong năm năm học từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; (2) cấp trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm từ lớp 6 đến lớp 9 và tuổi của học sinh vào lớp 6 là 11 tuổi; (3) cấp trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12 và tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi.
(4) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd, tr. 73.
(5) Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh trong tuổi đến trường của một cấp học phổ thông đang tham gia vào cấp học đó tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó.
(6) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd, tr. 74.
(7) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd, tr.50. 
(8) Trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường là  trẻ em dân tộc thiểu số đang trong độ tuổi đi học phổ thông (sinh trong giai đoạn 2001-2012) nhưng chưa bao giờ đi học hoặc thôi học.
(9) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd, tr.75.
(10) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd, Tr 76.
(11) Không phải tất cả trẻ em hoạt động kinh tế đều là lao động trẻ em. Lao động trẻ em là trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật và hoạt động lao động cản trở đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
(12) Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020): Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, trang 11. Xem https://ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_764355.pdf.
(13) Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020): Sđd, trang 49.
(14) Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020): Sđd, trang 47.
(15) Xem http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=397970
(16) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd. Tr 49.
(17) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd. Tr 92.
(18) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd. Tr 39.
(19) Khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học và trung học cơ sở gần nhất của đồng bào dân tộc thiểu số lần lượt là 2,2 km và 3,7 km. Tuy nhiên khoảng cách đến trường trung học phổ thông vẫn tương đối xa, trung bình 10,9km để đến trường (riêng học sinh của 2 dân tộc Ơ Đu và Rơ Măm phải di chuyển quảng đường rất xa mới có thể đến trường, tương ứng là 52,2 km và 44,3 km)
(20) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: sđd. Tr 61,62.