Bài viết trình bày, phân tích và khái quát các lý thuyết về quyền riêng tư trong lịch sử của các học giả nổi tiếng trên thế giới. Qua đó, tác giả đưa ra những đánh giá, tổng kết các quan điểm khác nhau về quyền riêng tư, một quyền dân sự, chính trị cơ bản của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả gợi mở những đề xuất trong việc hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam.
Đặt vấn đề:
Hiến chương Liên hợp quốc được ký ngày 26/6/1945 và có hiệu lực từ ngày 24/10/1945.1 Hiến chương nêu rõ một trong những mục tiêu chí của Liên hợp quốc là đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc nhân đạo và trong việc thúc đẩy, khuyến khích sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo.2 Do đó, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 được thiết kế để “tái khẳng định niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ và của các quốc gia lớn và nhỏ.3 Điều 55 (c) của Hiến chương quy định rằng Liên hợp quốc phải thúc đẩy “sự tôn trọng và tuân thủ phổ biến, các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”, trong khi Điều 56 tuyên bố rằng: “tất cả các Thành viên cam kết thực hiện hành động chung và riêng trong hợp tác với Tổ chức để đạt được các mục đích nêu tại Điều 55.”
Quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Căn cứ vào chủ thể quyền, quyền con người được phân thành: quyền cá nhân, quyền nhóm và quyền tập thể. Mặc dù tài liệu học thuật và tư pháp về quyền riêng tư đã tạo ra nhiều quan niệm khác nhau về quyền riêng tư, chúng có thể được phân thành sáu loại chung: (1) quyền được để một mình - quan điểm nổi tiếng của Samuel Warren và Louis Brandeis về quyền riêng tư4; (2) khả năng tiếp cận bản thân bị hạn chế - khả năng bảo vệ bản thân khỏi sự truy cập không mong muốn của người khác5; (3) bí mật - việc che giấu một số vấn đề với người khác6; (4) kiểm soát thông tin cá nhân - khả năng kiểm soát thông tin về bản thân7; (5) tư cách cá nhân - bảo vệ nhân cách, cá nhân và nhân phẩm của một người8; và (6) sự thân mật - kiểm soát hoặc hạn chế quyền truy cập vào các mối quan hệ thân mật hoặc các khía cạnh của cuộc sống của một người9. Các quan niệm thường trùng lặp, nhưng mỗi quan niệm có một quan điểm riêng biệt về quyền riêng tư.10
Các lý thuyết về quyền riêng tư đã xuất hiện từ khá lâu trong lịch sử và dần được phát triển, khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mặc dù mỗi lý thuyết bao gồm một hoặc nhiều hiểu biết quan trọng liên quan đến khái niệm quyền riêng tư, tác giả cho rằng mỗi lý thuyết đều thiếu khả năng cung cấp một thông tin đầy đủ về quyền riêng tư. Tuy nhiên, thông qua hệ thống hoá các lý thuyết về quyền riêng tư sẽ góp phần xây dựng chính sách toàn diện trong việc giải quyết một loạt mối quan tâm về quyền nảy sinh trong bối cạnh hiện nay tại Việt Nam.
1. Lý thuyết về quyền riêng tư cổ điển
Quyền riêng tư là một vấn đề có tầm quan trọng sâu sắc trên toàn thế giới. Ở hầu hết mọi quốc gia, hiến pháp, nhiều đạo luật và quyết định tư pháp tìm cách bảo vệ quyền riêng tư. Trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới, quyền riêng tư được coi là một quyền cơ bản.
Chính xác thì quyền riêng tư là gì? Tại sao quyền riêng tư đáng được bảo vệ? Quyền riêng tư có giá trị như thế nào? Các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư phụ thuộc vào quan niệm về quyền riêng tư, những vấn đề được bảo vệ, bản chất và phạm vi của các biện pháp bảo vệ cụ thể được sử dụng. Những quan niệm cơ bản về quyền riêng tư này thường được lý thuyết hoá và hiếm khi được kiểm tra. Bởi vì quyền riêng tư rất khó xác định, quyền riêng tư thường được mô tả dưới nhiều hình thức và đôi khi thường bị nhầm lẫn với các khái niệm như tự do, tự chủ, bí mật và cô độc (biệt lập). Quyền riêng tư được mô tả là thứ có thể xâm nhập, bị xâm phạm, bị vi phạm, bị mất, bị giảm bớt, bị rò rỉ ra bên ngoài…11 Mỗi phép ẩn dụ này phản ánh một quan niệm về quyền riêng tư có thể được tìm thấy trong một hoặc nhiều mô hình hoặc lý thuyết tiêu chuẩn về quyền riêng tư. Trong khi một số lý thuyết về quyền riêng tư cơ bản mang tính mô tả, những lý thuyết khác mang tính quy chuẩn. Nhiều lý thuyết quy chuẩn dựa trên quyền, chẳng hạn như những lý thuyết phân tích quyền riêng tư theo khu vực hoặc không gian có thể bị xâm phạm.
Một số tác giả lập luận rằng sẽ hữu ích hơn nếu xem quyền riêng tư dưới góc độ lợi ích mà cá nhân có, hơn là nghĩ về quyền riêng tư như một quyền. Chẳng hạn như học giả Roger Clarke, ông cho rằng quyền riêng tư được định nghĩa tốt nhất là lợi ích của cá nhân trong việc duy trì không gian cá nhân, không bị can thiệp bởi người và tổ chức khác. Một số tác giả đã gợi ý rằng, quyền riêng tư có thể được coi là quyền lợi tài sản mà các cá nhân có liên quan đến thông tin cá nhân của họ. Một số người đã tranh luận về quan điểm kinh tế về quyền riêng tư cho rằng thông tin cá nhân có thể được xem như một loại tài sản mà một người có thể sở hữu và trao đổi trong lĩnh vực thương mại. Nổi bật trong quan điểm này là tác giả Richard Posner, tác giả cho rằng: mọi người luôn sở hữu thông tin, bao gồm nội dung thông tin liên lạc và sự thật về bản thân, mà họ phải chịu chi phí để che giấu. Đôi khi thông tin như vậy có giá trị với người khác - nghĩa là người khác sẽ phải trả chi phí để khám phá ra nó. Do đó, có hai hàng hoá kinh tế, “sự riêng tư” và “sự tò mò”. Thực tế là việc tiết lộ thông tin cá nhân bị phản đối bởi gây tốn kém cho người mà thông tin có liên quan (chủ thể sở hữu thông tin cá nhân?), nhưng lại có giá trị đối với người khác, có vẻ như tranh luận về việc trao cho mọi người quyền sở hữu thông tin về họ và để họ tự do bán những quyền đó. Quá trình trao đổi tự nguyện sau đó sẽ đảm bảo rằng thông tin được sử dụng có giá trị nhất. Tuy nhiên mức độ hấp dẫn của giải pháp này phụ thuộc vào (1) bản chất và nguồn thông tin, (2) chi phí giao dịch. Ngoài ra, các lý thuyết về quyền riêng tư truyền thống (hoặc cổ điển) có xu hướng xem quyền riêng tư liên quan đến các quan niệm như: không xâm nhập (vào không gian của một người); không can thiệp (với quyết định của một người); có quyền kiểm soát/hạn chế quyền truy cập vào thông tin cá nhân của một người.
1.1. Lý thuyết không xâm nhập và cô độc về quyền riêng tư
Vào năm 1890, trong một bài báo kinh điển mà nhiều học giả ngày nay coi là một công trình đặc sắc về quyền riêng tư, Samuel Warren và Louis Brandeis đã mô tả quyền riêng tư theo nghĩa ''được để một mình'' hoặc “không bị xâm phạm”12. Vấn đề trong lý thuyết không xâm nhập là việc xác định quyền riêng tư theo nghĩa không bị xâm nhập, nó nhầm lẫn giữa quyền riêng tư với quyền tự do. Mặc dù hai khái niệm có liên quan chặt chẽ, nhưng chúng cũng có thể được phân biệt với nhau. Quyền riêng tư là điều cần thiết cho sự tự do ở chỗ nó có thể giúp thực hiện quyền tự do. Tuy nhiên, quyền tự do cho phép các cá nhân nắm giữ những ý tưởng có thể không được chấp nhận trong các xã hội, thì sự riêng tư lại cho phép họ tiết lộ ý tưởng của mình cho một số cá nhân nhất định, trong khi che giấu sự thật rằng họ nắm giữ những ý tưởng không được ưa chuộng đó. Tuy nhiên, lý thuyết không xâm nhập về quyền riêng tư của Samuel Warren và Louis Brandeis không giải quyết được vấn đề này. Lý thuyết được để một mình “to be let alone” của Samuel Warren và Louis Brandeis đã đặt đền tảng đầu tiên cho sự phát triển lý thuyết về quyền riêng tư sau này.
Phát triển của lý thuyết này là lý thuyết cô độc về quyền riêng tư. Theo quan điểm này, quyền riêng tư được đồng nhất với ''ở một mình''. Điển hình là quan điểm của Ruth Gavison, người mô tả một người được hưởng ''sự riêng tư hoàn hảo'' khi người đó ''hoàn toàn không thể tiếp cận được. Đối với người khác ''đó là khi không ai có quyền truy cập vật lý vào cá nhân"13.
Lý thuyết cô độc, không giống như lý thuyết không xâm nhập, tránh nhầm lẫn giữa quyền riêng tư và tự do. Và bởi vì lý thuyết cô độc cung cấp một thông tin về quyền riêng tư về cơ bản mang tính mô tả, nó tránh nhầm lẫn giữa nội dung hoặc điều kiện của quyền riêng tư với quyền riêng tư. Tuy nhiên, khi mô tả quyền riêng tư theo nghĩa một người sống tách biệt với những người khác, lý thuyết cô độc có xu hướng nhầm lẫn giữa quyền riêng tư với sự cô độc. Nó cho thấy rằng càng ở một mình, người ta càng có nhiều quyền riêng tư.
Cả hai lý thuyết không xâm nhập và cô độc đều giải quyết các mối quan tâm về quyền riêng tư liên quan đến quyền truy cập thực tế đối với các cá nhân, dưới hình thức truy cập (vật lý) thông qua quan sát (như trong trường hợp của lý thuyết cô độc) hoặc dưới hình thức xâm nhập không chính đáng vào không gian cá nhân của một người thông qua một người nào đó truy cập vật lý của một người (như trong lý thuyết không xâm nhập). Những lo ngại về quyền riêng tư này đôi khi được giải quyết trong danh mục ''quyền riêng tư về khả năng truy cập''14, chế độ xem này đôi khi cũng được gọi là quyền riêng tư về khả năng truy cập.
1.2. Các lý thuyết giới hạn về quyền riêng tư
Không giống như lý thuyết không xâm nhập và lý thuyết cô độc, lý thuyết giới hạn quyền riêng tư tách biệt quyền riêng tư với tự do và cô độc. Điển hình của lý thuyết này là các học giả Charles Fried (1990), Arthur Miller (1971), Alan F. Westin (1967), James Rachels (1975. Vấn đề quan trọng nhất của lý thuyết này là nhận ra vai trò của sự lựa chọn mà một cá nhân có quyền riêng tư được hưởng. Thực tế rằng ai đó có quyền riêng tư có thể cấp quyền, cũng như từ chối, những người khác truy cập vào thông tin về bản thân họ. Nhưng lý thuyết này không rõ ràng đối với hai điểm trong việc cho biết: (a) loại thông tin cá nhân nào mà người ta có thể mong đợi để kiểm soát và (b) mức độ kiểm soát mà người ta có thể mong đợi đối với thông tin cá nhân.
Điểm nổi bật trong lý thuyết này đó là việc phân chia thành hai loại thông tin, đó là thông tin cá nhân không công khai (NPI), bao gồm thông tin về dữ liệu nhạy cảm và bí mật; và loại thông tin cá nhân công khai (PPI), chẳng hạn như thông tin về nơi một người làm việc, sinh sống, những thông tin mà dễ dàng tiếp cận công khai qua các hình thức, phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa một người có quyền kiểm soát NPI và quyền kiểm soát PPI không phải lúc nào cũng được thực hiện rõ ràng.
Một ưu điểm của lý thuyết giới hạn về quyền riêng tư là nó nhận ra đúng tầm quan trọng của việc thiết lập bối cảnh hoặc ''khu vực'' về quyền riêng tư để hạn chế người khác truy cập thông tin cá nhân của một người và phân biệt rõ ràng giữa quyền riêng tư với quyền tự chủ, cũng như với sự tự do và cô độc.
Tuy nhiên, lý thuyết giới hạn dường như đánh giá thấp vai trò của quyền kiểm soát hoặc sự lựa chọn cũng được yêu cầu đối với quyền riêng tư của một người; không tính đến việc ai đó có quyền riêng tư có thể chọn cấp cho người khác quyền truy cập vào thông tin về bản thân họ, cũng như hạn chế (hoặc thậm chí từ chối) người khác truy cập vào thông tin đó.
1.3. Lý thuyết kiểm soát về quyền riêng tư
Lý thuyết kiểm soát (RALC) về quyền riêng tư của Moor và James H15 có ba thành phần: mô tả về khái niệm quyền riêng tư; mô tả về sự biện minh của quyền riêng tư và mô tả về việc quản lý quyền riêng tư. RALC phân biệt giữa điều kiện của quyền riêng tư (nghĩa là điều cần thiết để có quyền riêng tư theo nghĩa mô tả) và quyền riêng tư, cách phân biệt này cho phép chúng ta phân biệt giữa mất quyền riêng tư và vi phạm hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Lý thuyết RALC liên kết khái niệm quyền riêng tư với khái niệm bảo vệ cá nhân bằng cách hạn chế hoặc hạn chế quyền truy cập vào người hoặc thông tin về người. RALC xác định quyền riêng tư theo nghĩa bảo vệ khỏi sự xâm nhập và thu thập thông tin của người khác (thông qua các tình huống hoặc khu vực được thiết lập để hạn chế quyền truy cập), chứ không phải về kiểm soát thông tin.
Trong phân tích của Moor và James H về lý thuyết kiểm soát quyền riêng tư, cho thấy rằng một số khó khăn khi cố gắng xác định quyền riêng tư theo cách yêu cầu một người có quyền kiểm soát thông tin của một người. Tuy nhiên, khi quản lý quyền riêng tư của một người, người đó không cần phải kiểm soát tuyệt đối thông tin về bản thân. Thay vào đó, một cá nhân cần có một số mức độ kiểm soát đối với ba yếu tố: lựa chọn, đồng ý và sửa chữa. Một người cần một số quyền kiểm soát trong việc lựa chọn các tình huống cung cấp cho người khác mức độ truy cập mà người đó mong muốn, có thể từ hoàn toàn riêng tư đến hoàn toàn công khai và người ta cũng có thể quản lý quyền riêng tư thông qua quy trình của sự đồng ý.
RALC cho thấy rằng một người có quyền riêng tư theo quy chuẩn trong tình huống mà một người được bảo vệ bởi các chuẩn mực, chính sách hoặc luật rõ ràng đã được thiết lập để bảo vệ các cá nhân trong tình huống đó. Mặc dù quyền riêng tư được định nghĩa theo nghĩa bảo vệ và quyền truy cập bị hạn chế, khái niệm kiểm soát cũng đóng một vai trò quan trọng trong khuôn khổ RALC trong việc biện minh và quản lý quyền riêng tư.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
2. Lý thuyết về quyền riêng tư của Westin
Quyền riêng tư là một khái niệm rất phức tạp, các học giả và những người khác đã phải vật lộn trong nhiều thế kỷ để xác định nó và nêu rõ giá trị của nó. Quyền riêng tư và tự do chứa đựng một trong những cuộc thảo luận về quyền riêng tư phức tạp, liên ngành và sâu sắc nhất từng được viết. Westin kết hợp triết học, xã hội học, tâm lý học và các ngành khác để giải thích quyền riêng tư là gì và tại sao chúng ta nên bảo vệ quyền riêng tư16. Đối với Westin, quyền riêng tư là yêu cầu của các cá nhân, nhóm hoặc tổ chức để tự mình xác định thời điểm, cách thức và mức độ thông tin về họ được truyền đạt cho người khác. Hơn nữa, quyền riêng tư là sự rút lui tự nguyện và tạm thời của một người khỏi xã hội chung thông qua các phương tiện vật lý hoặc tâm lý...17 Westin đặc biệt giới hạn lý thuyết của mình đối với các nền dân chủ phương Tây vì quyền riêng tư phù hợp với các giá trị chính trị xã hội của các nền dân chủ này. Theo Westin, sự riêng tư không phải là sự tự cung tự cấp cũng không phải là mục đích tự thân, mà là một phương tiện để đạt được mục đích tổng thể của việc tự nhận thức18.
Một trong những cách được chấp nhận để đại diện cho nhu cầu của cá nhân đối với cốt lõi tối thượng của quyền tự chủ, như được thể hiện bởi các nhà lý thuyết như Simmel, RE Park, Kurt Lewin và Erving Goffman, là mô tả mối quan hệ của cá nhân với những người khác dưới dạng một loạt "vùng" hoặc "khu vực" của quyền riêng tư dẫn đến "Lõi". Bản thân lõi này được hình dung như một vòng tròn bên trong được bao quanh bởi một loạt các vòng tròn đồng tâm lớn hơn. Vòng tròn bên trong che chở “bí mật cuối cùng” của cá nhân những hy vọng, nỗi sợ hãi và lời cầu nguyện không thể chia sẻ với bất kỳ ai trừ khi cá nhân bị căng thẳng đến mức phải tiết lộ những bí mật cuối cùng này để giải tỏa tinh thần. Trong những trường hợp bình thường không ai được tiếp nhận vào khu vực riêng tư này. Vòng tròn tiếp theo bên ngoài chứa những bí mật thân mật, những điều có thể sẵn sàng chia sẻ với những người thân cận hoặc người lạ đi ngang qua và không thể làm tổn thương. Vòng kết nối tiếp theo dành cho các thành viên trong nhóm tình bạn của cá nhân đó. Loạt vòng tiếp tục cho đến khi đạt đến các vòng ngoài của cuộc trò chuyện bình thường và biểu hiện thể chất mở cho tất cả người quan sát.19
Westin cũng đặt ra bốn chức năng (mục đích) của quyền riêng tư. Trên thực tế, chúng là “lý do” của quyền riêng tư: (1) Mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quyền tự chủ của cá nhân là khả năng ai đó có thể xâm nhập vào khu vực bên trong và tìm hiểu những bí mật cuối cùng của cá nhân, bằng các phương tiện vật lý hoặc tâm lý. Sự xâm nhập có chủ ý vào lớp vỏ bảo vệ của cá nhân và sẽ đặt cá nhân dưới sự kiểm soát của những người biết bí mật của họ. (2) Quyền tự chủ cũng bị đe dọa bởi những người thâm nhập vào bản thân vì họ không nhận ra tầm quan trọng của quyền riêng tư tối thượng hoặc nghĩ rằng sự giúp đỡ tự nhiên và không được mời mà họ có thể bù đắp cho hành vi vi phạm. Mỗi người nhận thức được khoảng cách giữa những gì họ muốn che giấu và những gì họ thực sự công khai, giữa những gì thế giới nhìn thấy về họ.20 Tự đánh giá đề cập đến việc tích hợp kinh nghiệm vào các mô hình có ý nghĩa và phát huy tính cá nhân trong các sự kiện. Nó bao gồm xử lý thông tin, hỗ trợ quá trình lập kế hoạch (ví dụ: thời gian tiết lộ), tích hợp kinh nghiệm và cho phép chiêm nghiệm về đạo đức và tôn giáo. (3) Giao tiếp có giới hạn và được bảo vệ, có hai khía cạnh: giao tiếp hạn chế thiết lập ranh giới giữa các cá nhân; liên lạc được bảo vệ cung cấp cho việc chia sẻ thông tin cá nhân với những người khác đáng tin cậy. (4) Giải tỏa cảm xúc thông qua quyền riêng tư đóng một phần quan trọng trong cuộc sống cá nhân vào những thời điểm mất mát, tiêu cực hoặc đau buồn. Trong những thời điểm như vậy, xã hội mang lại sự thoải mái thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng và thông qua sự tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân và những người thân của họ. Một nhu cầu tương tự thường được cảm nhận bởi các nhân vật công chúng, trong những tình huống trên tần suất các quy tắc về “sự lịch sự” cung cấp sự riêng tư đáng kể trong những trường hợp này.
Đối với Westin (1967), quyền riêng tư hoạt động ở cấp độ cá nhân, nhóm và tổ chức/ thể chế. Điểm nổi bật trong lý thuyết của Westin đó là ông đặt ra bốn chức năng (mục đích) của quyền riêng tư. Tuy nhiên, lý thuyết của Westin vẫn chưa làm rõ bốn chức năng này có kết hợp với nhau không? Chúng cùng xảy ra hay trùng lặp về thời gian hay chúng xảy ra độc lập? Và cơ chế giải quyết ra sao.
3. Lý thuyết về quyền riêng tư của Altman
Lý thuyết của Altman về quyền riêng tư tập trung vào quyền riêng tư và hành vi của cá nhân và nhóm (tức là cơ chế quản lý quyền riêng tư) hoạt động như một hệ thống nhất quán. Altman có quan điểm năng động và biện chứng về quy định quyền riêng tư (tức là, đó là một quá trình xử lý và điều chỉnh sự tương tác với những người khác21; chúng ta thay đổi cách chúng ta đóng hoặc mở để đáp ứng với những thay đổi trong trạng thái bên trong và điều kiện bên ngoài)22.
Điểm nổi bật trong lý thuyết của Altman đó là quá trình tương tác xã hội, Altman đã khai thác môi trường tương tác xã hội để cung cấp các cơ chế cho quá trình điều chỉnh quyền riêng tư. Quyền riêng tư là sự kiểm soát có chọn lọc đối với quyền truy cập vào bản thân.23 Theo lý thuyết quyền riêng tư của Altman, quyền riêng tư có năm thuộc tính: (1) Quyền riêng tư liên quan đến một quá trình năng động kiểm soát ranh giới giữa các cá nhân; (2) Altman phân biệt mức độ riêng tư mong muốn và thực tế; (3) Quyền riêng tư là một chức năng không đơn điệu, với mức độ riêng tư tối ưu (mức thực tế mong muốn) và khả năng có quá nhiều quyền riêng tư; (4) Quyền riêng tư có tính hai chiều, bao gồm đầu vào từ người khác và đầu ra cho người khác; (5) Quyền riêng tư hoạt động ở cấp độ cá nhân và nhóm.
Đối với Altman, có nhiều cơ chế hành vi để điều chỉnh quyền riêng tư (ví dụ: hành vi lãnh thổ, chuẩn mực văn hóa) hoạt động như một hệ thống nhất quán. Do đó, một cơ chế có thể thay thế cho một cơ chế khác (ví dụ: một cái gật đầu đồng ý cho từ “có”), có thể khuếch đại một cơ chế khác (ví dụ: hét “không” và đóng sầm cửa lại) hoặc có thể điều chỉnh một cơ chế khác (ví dụ: đưa ra lời xin lỗi để khóa cửa của một người)24.
Trong cách tiếp cận của Altman, ba tính năng của quyền riêng tư là đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, quyền riêng tư vốn dĩ là một quá trình xã hội. Thứ hai, sự hiểu biết đúng đắn về các khía cạnh tâm lý của quyền riêng tư phải bao gồm sự tác động lẫn nhau của con người, thế giới xã hội của họ, môi trường vật chất và bản chất thời gian của các hiện tượng xã hội25. Thứ ba, quyền riêng tư có bối cảnh văn hóa xã hội.
Lý thuyết của Altman về quyền riêng tư đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc xây dựng các cơ chế bảo vệ quyền riêng tư hiện nay, đặc biệt khái niệm “cơ chế” trong lý thuyết của ông.
4. Lý thuyết Quản lý quyền riêng tư thông tin của Petronio (Communication Privacy Management)
Lý thuyết quản lý quyền riêng tư thông tin (CPM) của Petronio. Theo lý thuyết CPM, các ranh giới về quyền riêng tư có thể từ hoàn toàn cởi mở đến hoàn toàn khép kín hoặc bí mật. Một ranh giới mở phản ánh sự sẵn sàng cấp quyền truy cập thông tin cá nhân thông qua việc tiết lộ hoặc cho phép xem thông tin đó, do đó thể hiện một quá trình tiết lộ. Mặt khác, một ranh giới khép kín thể hiện thông tin riêng tư và không nhất thiết phải truy cập, do đó đặc trưng cho quá trình che giấu và bảo vệ. Có năm vấn đề khái niệm đại diện cho những cách thay thế để hiểu những khái niệm này phát triển từ việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển CPM26. Đầu tiên, trái ngược với nhiều cách xử lý trước đây về quyền riêng tư, CPM được cấu trúc trong một khuôn khổ biện chứng. Bằng cách sử dụng khuôn khổ này, các cách nghĩ khác nhau về khái niệm đã xuất hiện. Thứ hai, bằng cách giả định rằng các cá nhân và tập thể quản lý đồng thời và riêng biệt thông tin cá nhân, lý thuyết CPM cho phép một cách khả thi để xem giao diện của cá nhân và tập thể để quản lý quyền riêng tư. Thứ ba, bằng cách chủ động tính đến vai trò của người nhận trong quản lý quyền riêng tư, CPM xác định một yếu tố còn thiếu trong quá trình quản lý này và đưa ra một phương pháp khả thi để nghiên cứu tầm quan trọng của người nhận. Thứ tư, lý thuyết CPM thừa nhận mối quan hệ cơ bản và nổi bật giữa quyền riêng tư, tiết lộ và bảo mật và đưa ra một cách hữu ích để giải quyết mối quan hệ này. Khi làm như vậy, lý thuyết CPM cho thấy vị trí trung tâm của giao diện giữa ba khái niệm này đối với quản lý quyền riêng tư. Thứ năm, bằng cách tính đến thời gian mà quản lý quyền riêng tư, lý thuyết CPM cho phép hiểu rõ hơn về cách thức của hoạt động quản lý quyền riêng tư và xác định cách thức mà các cá nhân cố gắng sửa chữa thiệt hại.
Thông qua lý thuyết của mình, Petronio đã đưa ra 5 nguyên tắc cơ bản:
Nguyên tắc 1: Quyền sở hữu thông tin cá nhân
Nguyên tắc đầu tiên dự đoán rằng mọi người định nghĩa thông tin cá nhân là thứ mà họ cho rằng thuộc về họ (Caughlin & Petronio, 2004; Petronio, 2002; Petronio & Caughlin, 2005). Nói cách khác, mọi người coi quyền sở hữu như một thông số cơ bản của quyền riêng tư. Họ nắm giữ quyền riêng tư được coi là quyền xác định những gì người khác biết về họ (Petronio, 2002). Điều này có nghĩa rằng, chủ thể thông tin có những quyền yêu cầu những người có đặc quyền phải quản lý thông tin của họ theo những cách mà họ thấy phù hợp.
Nguyên tắc 2: Kiểm soát thông tin cá nhân
Nguyên tắc này lập luận rằng, bởi vì mọi người tin rằng họ sở hữu thông tin cá nhân của họ, nên họ có quyền kiểm soát thông tin đó. Mọi người muốn điều khiển luồng thông tin bởi vì có những rủi ro nếu người khác thu được thông tin mà họ muốn bị hạn chế xem. Quyền sở hữu thể hiện rằng các cá nhân đảm nhận quyền kiểm soát thông tin; tuy nhiên, đôi khi mức độ kiểm soát khác nhau.
Nguyên tắc 3: Quy tắc thông tin cá nhân
Nguyên tắc 3 cho rằng mọi người phụ thuộc vào một hệ thống dựa trên quy tắc để kiểm soát luồng thông tin cá nhân (Durham, 2008; Petronio, 2002). Do đó, các quy tắc về quyền riêng tư được phát triển để xác định khi nào, bằng cách nào, với ai và theo cách nào những người khác có thể được cấp hoặc từ chối quyền truy cập vào thông tin cá nhân của ai đó. Các quy tắc về quyền riêng tư bắt nguồn từ các tiêu chí mà mọi người sử dụng để xây dựng và thay đổi các quy tắc đó khi các tình huống phát sinh (Durham, 2008; Matsunaga, 2009).
Nguyên tắc 4: Đồng sở hữu và quản lý thông tin cá nhân
Một khi một người được phép biết thông tin cá nhân thuộc về người khác, thì cá nhân đó sẽ trở thành đồng sở hữu, người thân tín, cổ đông hoặc người giám hộ (Petronio & Reierson, 2009). Theo nhiều cách, nguyên tắc này tạo cơ sở cho sự hiểu biết cơ bản về cách thức liên kết giữa quản lý quyền riêng tư và bảo mật (Petronio & Reierson, 2009). Được coi là một trong những đóng góp quan trọng nhất của CPM đối với sự hiểu biết về quản lý quyền riêng tư, điều này không chỉ cung cấp tùy chọn kiểm tra ranh giới riêng tư cá nhân xung quanh thông tin của một cá nhân mà còn cho phép khái niệm về nhiều ranh giới riêng tư hoặc thông tin cá nhân được lưu giữ chung, chẳng hạn như tồn tại trong các gia đình. Ngoài ra, một khi chủ sở hữu ban đầu của thông tin cá nhân đồng ý cấp quyền truy cập cho một hoặc nhiều người khác, tình trạng đồng sở hữu về cơ bản sẽ thay đổi hệ thống từ tập trung cá nhân sang tập trung liên quan đến thông tin được chia sẻ.
Nguyên tắc 5: Sự hỗn loạn ranh giới thông tin cá nhân
Trong khi chủ sở hữu và đồng sở hữu hoặc người giám hộ thông tin cá nhân nên thương lượng các quy tắc về quyền riêng tư để có các tương tác suôn sẻ và xác suất cao hơn trong việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo cách giảm bớt sự xâm nhập hoặc tiết lộ không mong muốn, các cá nhân không sống trong một thế giới hoàn hảo. Không phải lúc nào cũng mong đợi về việc đồng xây dựng hoặc thương lượng các quy tắc bảo mật để chúng được ban hành cùng nhau. Hơn nữa, có những trường hợp cá nhân đồng sở hữu hoặc người giám hộ có lý do để vi phạm các quy tắc phối hợp đã thiết lập; họ cũng có thể hiểu sai về chúng, và rất có thể là các quy tắc bảo mật chưa được xác định rõ ràng. Do đó, để có sức mạnh giải thích hiệu quả, cần phải đáp ứng tính không thể tránh khỏi của các sự cố về quản lý quyền riêng tư trong lý thuyết CPM. Do đó, nguyên tắc cuối cùng dự đoán rằng những sai lầm, hiểu lầm, cố ý vi phạm, xâm nhập và rủi ro xảy ra và dẫn đến sự hỗn loạn ranh giới quyền riêng tư (Petronio, 2002, 2006).
Năm nguyên tắc này của CPM đóng vai trò là khuôn khổ để hiểu cách mọi người quản lý thông tin cá nhân của họ và cách mà những người khác tham gia vào hệ thống quản lý. Các nguyên lý do lý thuyết này đưa ra mở ra con đường cho việc kiểm tra bổ sung mối quan hệ qua lại giữa các nguyên tắc. Lý thuyết quản lý quyền riêng tư trong thông tin rất hữu ích trong việc hiểu rõ hơn về nhiều loại bối cảnh riêng tư khác nhau. Đặc biệt là trong khu vực gia đình, CPM đã cung cấp một cách rõ ràng để nắm bắt tốt hơn sự phức tạp của cả việc tự chủ còn lại và tiếp tục kết nối quan trọng với các thành viên trong gia đình.
5. Lý thuyết kinh tế về quyền riêng tư của Richard A Posner
Theo lý thuyết của Richard A Posner thì mọi người luôn sở hữu thông tin, bao gồm nội dung thông tin liên lạc và sự thật về bản thân, mà họ sẽ phải chịu chi phí để che giấu. Những loại thông tin đó có thể được xem là hàng hóa tiêu dùng thuần túy. Theo lý thuyết, mọi người có quyền không mong muốn hoặc coi trọng quyền riêng tư hoặc sự tò mò trong bản thân mà sử dụng những hàng hóa này như để tạo ra thu nhập hoặc một số biện pháp rộng rãi khác về tiện ích hoặc phúc lợi.
Trường hợp mạnh nhất đối với quyền sở hữu trong bí mật được trình bày khi các quyền đó là cần thiết để khuyến khích đầu tư vào việc sản xuất thông tin có giá trị xã hội. Đây là cơ sở lý luận để bảo vệ pháp lý cho nhiều ý tưởng, kế hoạch và thông tin thương mại được bao hàm bởi thuật ngữ "bí mật thương mại"27.
Lý thuyết này đã phác thảo các yếu tố thiết yếu của quyền riêng tư hợp pháp dựa trên kinh tế: (1) Thương mại và bí mật kinh doanh mà các nhà hoạt động thương mại khai thác và ngăn chặn; (2) Thông tin về con người bình thường; (3) Nghe lén và các hình thức giám sát xâm nhập khác sẽ bị hạn chế đối với việc phát hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Xu hướng nâng cao quyền riêng tư cá nhân và hạ cấp tổ chức là điều bí ẩn đối với nhà kinh tế học (cũng như các xu hướng gần đây khác về quy định công). Lý thuyết kinh tế về quyền riêng tư của thông tin liên lạc dường như không liên quan đến bản chất của người giao tiếp, cho dù là một cá nhân tư nhân hay nhân viên của một trường đại học, công ty hay cơ quan chính phủ, trong khi sự thật về con người hoặc tổ chức có liên quan, trường hợp này nói chung, việc bảo vệ quyền riêng tư của doanh nghiệp mạnh hơn so với việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Nhưng chỉ một phần nhỏ của kết quả lập pháp gần đây trong lĩnh vực quyền riêng tư có thể được giải thích theo những thuật ngữ như vậy.
Như vậy, thông qua các định nghĩa về quyền riêng tư của các nhà lý thuyết, dẫn đến vấn đề rằng, tất cả cách tiếp cận của các nhà lý thuyết đều làm nổi bật những khía cạnh khác nhau của quyền riêng tư. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết lại tiếp cận quyền riêng tư dưới những gốc độ khác nhau: giản lược và hạn chế đối với quyền riêng tư, kiểm soát và điều kiện của quyền riêng tư, sự riêng tư và góc độ xã hội, kinh tế và triết học của quyền riêng tư, dẫn đến chưa giải quyết toàn diện những khía cạnh của quyền riêng tư khi những quan điểm của nhà lý thuyết đứng độc lập.
6. Quyền riêng tư tại Việt Nam và một số gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự
Trong các văn bản pháp luật Việt Nam, cụm từ “quyền riêng tư” không được sử dụng như một thuật ngữ luật học. Tương tự như một số bản chất cơ bản của quyền riêng tư, tại Việt Nam, khái niệm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được ghi nhận trong văn bản có giá trị pháp lý như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em,...
Các định nghĩa về quyền riêng tư cũng chưa được ghi nhận rõ ràng. Dựa vào các quy định hiện hành, có thể hình dung, bản chất cụm từ “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” tại Việt Nam đó là:
(i) Quyền cơ bản của mỗi cá nhân, đây là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Như vậy, sự ghi nhận của Hiến pháp như một cơ sở quan trọng để thấy rằng, đây là quyền cơ bản và chỉ có ở cá nhân. Tương tự như một số lý thuyết nêu trên, bất kỳ một sự xâm phạm nào liên quan đến các vấn đề này đều bị xem là trái pháp luật và bị lên án.
(ii) Phạm vi được bảo vệ theo pháp luật Việt Nam chỉ gồm: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Các lý thuyết về quyền riêng tư dường như mở rộng phạm vi bảo hộ lên tất cả các vấn đề thuộc về bản thân của chủ thể được xem xét đến, có nghĩa là không giới hạn chỉ gồm đời sống riêng tư, hay bí mật của cá nhân gia đình như tại Việt Nam. Với các lý thuyết trên, quyền riêng tư trải rộng, miễn là thỏa mãn bản chất mà nó đặt ra và không cần biết nó là thông tin hay bí mật.
(iii) Phương thức bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Việt Nam được ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Đây là quyền bất khả xâm phạm, bất kỳ chủ thể nào xâm phạm đến nó đều là làm trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cách thức xử lý như thế nào thì pháp luật vẫn chưa có cơ chế thống nhất. Bởi không có sự định nghĩa hay giải thích rõ ràng bản chất của cụm từ “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” nên trên thực tế, việc sử dụng cụm từ này để giải quyết các vấn đề phát sinh vẫn còn chưa thống nhất, do đó, cách thức xử lý vẫn không đảm bảo sự đồng bộ nhất định. Như các lý thuyết được xây dựng một cách có hệ thống nêu trên, bất kỳ hành vi nào tác động đến các vấn đề thuộc về cá nhân của chủ thể nhất định thì đều phải chịu các bất lợi về mặt pháp lý, hành vi đó được định nghĩa rõ ràng là xâm phạm quyền riêng tư, do đó, tùy theo hệ quả mà nó gây ra nghiêm trọng như thế nào mà chế tài hành chính hay hình sự sẽ được vận dụng để giải quyết.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng dần tiệm cận với nền pháp lý của thế giới khi ngày càng có sự ghi nhận và đề cao các quyền của cá nhân. Tuy nhiên, bởi việc ghi nhận mới chỉ là sơ khai, cơ bản mà chưa dựa trên một hệ thống lý luận cơ bản, nên khi xây dựng cơ chế bảo vệ vẫn còn chưa được thống nhất, hiệu quả. Do đó, dựa vào một số lý thuyết lớn về quyền riêng tư trên thế giới, tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có sự tham khảo để quy định cũng như vận hành nó có hiệu quả hơn, thể hiện trên ba vấn đề lớn sau: (i) thống nhất phạm vi, cách dùng thuật ngữ về quyền riêng tư, (ii) đưa ra một khái niệm quyền riêng tư dựa trên các nguyên tắc và bản chất quyền riêng tư, (iii) xây dựng cơ chế bảo vệ quyền riêng tư thống nhất bằng các nguyên tắc cơ bản.
Kết luận
Lý thuyết về quyền riêng tư đã đặt những viên gạch nền móng cho việc hình thành nên cơ chế bảo vệ quyền riêng tư theo pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia. Sự đa dạng của các lý thuyết nhìn chung xuất phát từ nhu cầu về việc bảo vệ cuộc sống bình yên, quyền nhân thân của con người và cùng nhằm mục tiêu là hướng đến việc bảo toàn, phát triển giá trị của mỗi cá nhân trong một xã hội mà kinh tế, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc. Nghiên cứu các lý thuyết này góp phần tạo cơ sở lý luận cho việc xây dựng các nguyên tắc, quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế của từng quốc gia về việc bảo vệ quyền riêng tư. Đây cũng là một trong những cơ sở khoa học cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân – quyền bất khả xâm phạm mà Hiến pháp ghi nhận.
ThS. Trần Ngọc Tuấn
Giảng viên Khoa Luật - Đại học Sài Gòn.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2022
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Charter of the United Nations, Introduction.
(2) Charter of the United Nations, Art 1 (3).
(3) Charter of the United Nations, Preamble.
(4) Samuel D. Warren & Louis D. Brandeis, The Right to Privacy, Harvard Law Review 193 (1890).
(5) E.L. Godkin, Libel and Its Legal Remedy, 12 Journal of Social Science 69, 80 (1880).
(6) Richard A. Posner, The Economics of Justice, Harvard University Press, 272-73 (1981).
(7) Alan Westin, Privacy and Freedom, New York, NY 10163 (1967).
(8) Bloustein, Privacy as an Aspect of Human Dignity, New York University Law Review 39 N.Y.U. L. Rev. (1964), 973-74.
(9) Inness, Privacy, Intinacy and Isolation, Oxford University Press, 40.
(10) Daniel J. Solve, Understanding Privacy, Harvard University Press, 2008, 13.
(11) Herman T. Tavani, Philosophical Theories of Privacy: Implications for An Adequate Online Privacy Policy, Metaphilosophy Llc And Blackwell, 2007, 3.
(12) Samuel D. Warren Louis D. Brandeis, The Right to Privacy, Harvard Law Review, December 15, 1890, 193-220.
(13) Gavison, Ruth, Privacy and the Limits of the Law, Yale Law Journal 89, 1980, 480.
.(14) DeCew, Judith W, In Pursuit of Privacy: Law, Ethics, and the Rise of Technology, Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1997, 76. .
(15) Moor, James H, The Ethics of Privacy Protection, Library Trends 39, nos. 1 and 2 (Summer/Fall), 1990, 69-82.
(16) Alan F. Westin, Privacy and Freedom, Jurisprudence & Law, IG, 2018, 7.
(17) Id, 8.
(18) Sabine Trepte l Leonard Reinecke, Privacy Online Perspectives on Privacy and Self-Disclosure in the Social Web, Springer Heidelberg Dordrecht London New York, 201, 9.
(19) See Goffman, The Presentation of Self in Everyday Life, 69-70; Kurt Lewin, Resolving Social Conflicts (New York, 1948), 18-33; R. E. Park and E. W. Burgess, Introduction to the Science of Sociology (Chicago, 1921), 230.
(20) Alan F. Westin, supra note 17, 41.
(21) Altman I (1990), Toward a transactional perspective: a personal journey. In: Altman I, Christensen K (eds) Environment and behavior studies: emergence of intellectual traditions. Plenum, New York, 335–355.
(22) Margulis ST (1977), Conceptions of privacy: current status and next steps, J Soc Issues 33(3), p.5–21.
(23) Altman I (1975), The environment and social behavior: privacy, personal space, territory, crowding, Brooks/Cole, Monterey.
(24) Sabine Trepte l Leonard Reinecke, supra note 19, p.12.
(25) Altman I, Toward a transactional perspective: A personal journey. In: Altman I, Christensen K (eds) Environment and behavior studies: emergence of intellectual traditions, Plenum, New York,1990, 335–355.
(26) Dawn O. Braithwaite, Elizabeth A. Suter, Kory Floyd, Engaging Theories in Family Communication, Routledge, 2017, 176.
(27) Richard A. Posner, Economic Theory of Privacy, 2 Regulation 19, 1978, 20.