“Quyền con người” là một vấn đề lớn, quan trọng với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nội dung “quyền con người” được biết, được hiểu đúng, được thực hiện đúng, thì nhiệm vụ của báo chí - truyền thông là vô cùng quan trọng, phải bắt đầu từ việc trang bị kiến thức này cho các nhà báo tương lai.

1. Nhận thức về nội dung “quyền con người”

Khi được sinh ra, con người đã có mọi thứ quyền mang tính tự nhiên, như: ăn, nói, đi lại,...., không phân biệt người đó ở đâu, giới tính gì? Năm 1945, Liên Hợp Quốc ra đời và sau đó đã công bố một số văn kiện pháp lý mang tính quốc tế về  “quyền con người”, đặc biệt là ba văn kiện quan trọng: (i) Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights - UDHR, 1948); (ii) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR, 1966); (iii) Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, năm 1966 (International Covenant on Economic, Social and Cutural Rights - ICESCR,1966).

Theo các văn kiện quốc tế này, “quyền con người” được thực hiện theo nguyên tắc liên tục, không phân biệt đối xử, không biên giới quốc gia và nội dung được phân định thành: các quyền và những tự do cơ bản (Rights and Fundamental Freedoms). Từ những nội dung này, các quốc gia thành viên sẽ điều chỉnh theo điều kiện và tình hình cụ thể của nước mình (kể cả việc đặt ra những giới hạn đối với việc thực hiện và hưởng thụ một số quyền nhất định trong “quyền con người”), mà các nước thành viên Liên Hợp Quốc không có quyền can thiệp.

Mỗi con người là một công dân sống trong một cộng đồng, mang Quốc tịch của một quốc gia, cho nên, dựa theo nội dung “quyền con người” của Liên Hợp Quốc, nhà nước pháp quyền sẽ pháp điển hóa các quyền tự nhiên (Natural Rights) của con người thành “quyền công dân”- một loại quyền mang tính pháp lý (Legal’ Rights).

Năm 1992, Nhà nước Việt Nam đã trở thành thành viên của ICCPR năm 1966, trên cơ sở đó, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ, tôn trọng và thực hiện “quyền con người” thông qua các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành pháp; có quyền đưa ra các quy định hạn chế theo quy định của Liên Hợp Quốc nhưng phù hợp với điều kiện và luật pháp Việt Nam. “Quyền con người” được cụ thể hóa trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là Luật Hiến pháp.

2. Lồng ghép gì và như thế nào?

Với ý nghĩa: “Lồng ghép” là đưa một vật vào một vật khác thật khớp để cùng làm thành một chỉnh thể[1], việc dạy lồng ghép nội dung “quyền con người” vào môn Tác phẩm báo chí, nhìn dưới góc độ cá nhân của người viết tham luận, có thể tiếp cận ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, đưa vào chương trình đào tạo

Với mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân báo chí - truyền thông ở Học viện Báo chí và Truyên truyền: “Đào tạo trình độ cử nhân nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh; có khả năng thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo và công việc ở cơ quan báo chí; làm chuyên môn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đòi hỏi kiến thức, kỹ năng ngành báo chí”, trong 66 môn học của các chuyên ngành đã có hai môn học chuyên sâu về kiến thức pháp luật: (i) Pháp luật đại cương (3 tín chỉ); (ii) Pháp luật và đạo đức báo chí - truyền thông (3 tín chỉ). Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của sinh viên báo chí chuyên sâu hơn về “quyền con người”, việc lồng ghép nội dung “quyền con người” vào tất cả các môn học của chương trình, trong đó có môn Tác phẩm báo chí (5 tín chỉ) cũng rất quan trọng, bởi đây là môn học đi sâu về kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí - yếu tố căn bản để cấu thành một sản phẩm báo chí. Hiện nay, việc đưa nội dung “quyền con người” vào toàn bộ các môn học trong chương trình đào tạo báo chí mới chỉ được khuyến khích thực hiện. Cho nên, muốn kiến thức “quyền con người” được phổ cập sâu rộng trong đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, cần có một dự án riêng về vấn đề này.

Thứ hai, lực lượng thực hiện

Muốn dạy lồng ghép nội dung “quyền con người” vào bất cứ môn học nào, giảng viên môn học đó nhất thiết phải nắm thật vững kiến thức về “quyền con người”. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mọi cán bộ, giảng viên đều đã được “phổ cập” kiến thức luật về “quyền con người”, tuy nhiên, chuyên sâu kiến thức này (đã có bằng cử nhân luật, hoặc bằng cấp cao hơn) thì chỉ có những giảng viên dạy về Pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng. Các giảng viên của các môn học chuyên ngành báo chí chỉ mới học kiến thức luật ở chương trình đại học chuyên ngành và cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức này nhưng hầu như chưa có bằng cử nhân luật. Như vậy, để đưa kiến thức chuyên sâu về “quyền con người” vào giảng dạy các môn chuyên ngành, cần tổ chức những đợt tập huấn về kiến thức này cho đội ngũ giảng viên.

Thứ ba, đưa vào nội dung bài giảng

Trên thực tế, nhiều năm nay ở Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện giảng dạy lồng ghép khá hiệu quả các nội dung chuyên sâu, như: quyền trẻ em; dân số-sức khỏe sinh sản; môi trường; biển đảo;... Vấn đề “quyền con người” rất quan trọng, gắn liền với nhân phẩm, tự do của cá nhân con người và xã hội, do đó cần phải có kế hoạch và phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, không thể “bê nguyên xi” nội dung “quyền con người” vào bài giảng. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, tác giả có thể nêu ra một số nội dung “quyền con người” có thể lồng ghép trong giảng dạy môn “Tác phẩm báo chí”  như sau:

- Khâu lựa chọn đề tài

Trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí, khâu quan trọng nhất vẫn là lựa chọn đề tài để phản ánh. Lựa chọn đề tài hay, có ích, nhưng phải đúng luật.  Có thể hướng dẫn sinh viên lựa chọn đề tài cho tác phẩm báo chí theo các nội dung “quyền con người” từ những sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, như: bạo lực ở trong gia đình và ở ngoài xã hội đã xâm hại đến quyền sống, quyền an ninh thân thể, quyền được bảo vệ của con người; hoặc chọn đề tài chân dung về cá nhân nào đó nhất thiết phải được họ cho phép, không được tùy tiện xâm phạm đời sống riêng tư của họ; hoặc chọn đề tài về cuộc sống, mưu cầu hạnh phúc của các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội,...

- Trong khâu khai thác tư liệu cho tác phẩm

Khai thác tư liệu cho mỗi đề tài cũng có sự khác nhau, đặc biệt là khai thác tư liệu “lời nói chính danh” của nhân vật để đưa vào tác phẩm. Nếu khai thác tư liệu dưới góc độ “quyền con người”, cần hướng dẫn cho sinh viên cách phỏng vấn sao cho “người trong cuộc” tự nguyện nói ra sự việc liên quan đến họ, chứ không được ép buộc hay dọa dẫm, không động chạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận của họ, bởi như thế là phạm luật. Trên thực tế, để tăng wiew, tăng like, báo chí đôi khi cũng vấp phải sự khai thác quá sâu vào đời sống riêng tư của các nhân vật nổi tiếng (như vụ hai nghệ sĩ Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng vừa qua). Đưa sâu thêm kiến thức “quyền con người”  bằng các vụ việc cụ thể, sinh viên sẽ có thêm hứng thú học và rút ra được cho mình những bài học kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Thể hiện chính kiến (quan điểm cầm bút) của nhà báo trong tác phẩm báo chí

Nhà báo đứng trên lập trường của quốc gia, dân tộc để phản ánh trung thực về các sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày (theo đúng đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước). Thể hiện chính kiến của mình về những sự việc liên quan đến “quyền con người”, ví dụ như: quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất,... nhà báo cần có những phân tích khách quan, công bằng và chân thật, bởi những phân tích, nhận định, đánh giá của nhà báo sẽ là những chỉ báo để công chúng nhận thức vấn đề. Chỉ báo sai sẽ vô cùng tai hại. Chính vì vậy, hướng dẫn để sinh viên thực hành làm nhiều tác phẩm báo chí về “quyền con người”, thể hiện rõ ràng quan điểm của mình trước một sự việc, từ đó sinh viên sẽ tự mình rút ra những kỹ năng cần thiết để hành nghề sau này.

3. Kết luận

“Quyền con người” là một vấn đề lớn, quan trọng với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nội dung “quyền con người” được biết, được hiểu đúng, được thực hiện đúng, thì nhiệm vụ của báo chí - truyền thông là vô cùng quan trọng, phải bắt đầu từ việc trang bị kiến thức này cho các nhà báo tương lai.

Để thời gian tới có thể thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, theo cá nhân tác giả, nên có một dự án riêng cho lĩnh vực đào tạo nhà báo về “quyền con người”! Nếu có dự án này, tôi xin được phép tham gia.

TS. Nguyễn Thị Hằng Thu

Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền


[1] Viện Ngôn ngữ học, (1995), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học, HN-ĐN, tr.563.