Quyền con người là sự tổng hòa các giá trị xã hội, trên cơ sở quá trình phát triển về tri thức và sự nhận thức của con người và trở thành một thuộc tính của xã hội con người, mang tính nhân loại. Muốn nâng cao nhận thức về quyền con người trong quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức về giáo dục quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của cơ sở giáo dục. Bài viết trình bày về việc cần nâng cao nhận thức về giáo dục quyền con người tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đào tạo đại học các ngành chính trị, pháp luật, quản lý hành chính và xã hội.
1. Một số vấn đề chung về quyền con người và giáo dục quyền con người
Liên hiệp quốc, trong quá trình thực hiện những sứ mệnh cao cả của mình về gìn giữ hòa bình và phát triển con người trên toàn thế giới, quyền con người chính là mối quan tâm đặc biệt và đồng thời là mục tiêu hành động hàng đầu với tư cách đó là những giá trị tinh hoa của nhân loại. Một trong những cơ sở pháp lý bảo đảm vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội và toàn bộ quốc gia chính là việc tạo ra một cơ chế bảo đảm quyền con người dựa trên sự tôn trọng thực sự các giá trị của quyền con người. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn quá độ, Việt Nam quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong việc từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó, chú trọng đến giáo dục quyền con người dựa vào các chuẩn mực quốc tế gắn với sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở trong nước với truyền thống vắn hóa dân tộc, đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội. Giáo dục quyền con người với tư cách là một bộ phận của giáo dục ý thức pháp luật của xã hội, nội dung giáo dục quyền con người đã và đang được sự quan tâm của tất cả cơ sở giáo dục và giáo dục đại học trong bối cảnh sự hội nhập quốc tế với khu vực và quốc tế ngày càng sâu, rộng. Để việc giáo dục quyền con người trong Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy mạnh và ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực gắn liền với quá trình đào tạo các chuyên ngành: Chính trị học, Xây dựng Đảng, Quản lý hành chính, Luật học và Công tác xã hội thì trước hết cần phải nâng cao được nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên về việc phải tích cực và đẩy mạnh nghiên cứu, giảng dạy lồng ghép tiến tới hình thành bộ môn độc lập về quyền con người.
Là một khái niệm có nội hàm rộng và được tiếp cận ở nhiều giác độ khác nhau, quyền con người cũng có những định nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm và tính chất của các ngành, chuyên ngành, lĩnh vực mà hướng tới những vấn đề cụ thể. Trong đó, định nghĩa được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận chính là của cơ quan cao ủy liên hiệp quốc, đó là: quyền con người chính là những bảo đảm mang tính pháp lý toàn cầu nhằm bảo vệ các cá nhân và nhóm trước những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những vấn đề về sự được phép và hoàn toàn tự do một cách cơ bản của con người. Đó có thể được hiểu là những quyền cơ bản, bẩm sinh ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, con người vốn dĩ hiển nhiên được thừa nhận mà nếu không được hưởng thì cá thể đó không thể sống đúng nghĩa như một con người.
Ở Việt Nam hiện nay, định nghĩa về quyền con người cũng tùy thuộc vào cách tiếp cận của các nhà khoa học, các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tuy nhiên, suy cho đến cùng thì quyền con người vẫn được hiểu một cách hết sức cơ bản chính là những lợi ích, nhu cầu vốn có tự nhiên và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ thông qua Hiến pháp và hệ thống quy phạm pháp luật trong các ngành luật và tổng thể hệ thống chính trị cùng với các thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các định chế quốc tế.
Giáo dục quyền con người là vấn đề được các tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm, bởi nó có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp mọi người biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác. Cụ thể, hiểu về giáo dục quyền con người chính là nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác. Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người.
2. Lồng ghép các nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội ở Học viện Cán bộ hiện nay
Chương trình đào tạo cử nhân chính quy ngành Công tác xã hội của Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán Bộ Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng với 120 tín chỉ và bắt đầu thực đào tạo khóa đầu tiên từ năm 2017 đến nay. Mục tiêu của chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội là nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của hệ thống chính trị thành phố Hồ Chí Minh nói riêng của các các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có đủ khả năng đáp ứng vị trí việc làm chủ yếu tập trung ở các đoàn thể chính trị xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh để góp phần quan trọng trong thực hiện chức năng cùng với Nhà nước về an sinh xã hội đối với các tầng lớp nhân dân và các thành viên của mỗi tổ chức.
Trong chương trình này, nội dung giáo dục quyền con người bước đầu tuy chưa được tách thành một học phần Quyền con người hoàn chỉnh nhưng được lồng ghéo theo từng đơn vị kiến thức rải trong các học phần/ môn học cơ sở ngành và chuyên ngành, cụ thể như:
- Đối với khối kiến thức cơ sở ngành, sinh viên được lồng ghép giáo dục tri thức quyền con người có liên quan trong những học phần:
+ Nhập môn Công tác xã hội – 3 tín chỉ
+ Hành vi con người và môi trường – 3 tín chỉ
+ Giới và phát triển – 2 tín chỉ
+ Chính sách xã hội và an sinh xã hội – 3 tín chỉ
+ Gia đình học – 2 tín chỉ
- Đối với kiến thức chuyên ngành, sinh viên tiếp tục được đào tạo tri thức về quyền con người thông qua sự lồng ghép trong các học phần:
+ Công tác xã hội với cá nhân – 2 tín chỉ
+ Công tác xã hội với nhóm – 2 tín chỉ
+ Công tác xã hội với cộng đồng – 2 tín chỉ
+ Công tác xã hội với từng đối tượng cụ thể trong xã hội….(mỗi học phần chủ yếu là 2 tín chỉ)
Giáo dục quyền con người được lồng ghép trong chương trình đào tạo không chỉ nhằm trang bị kiến thức thuần túy mà còn gắn kết thông qua sự tiếp cận có tính liên ngành và liên môn nhằm giúp cho người học có thể tích hợp và vận dụng linh hoạt, hiểu biết sâu sắc và có thể năng trình bày, thực hành tốt nhất các kỹ năng trong công tác xã hội trên cơ sở các quyền cơ bản của con người được nhân loại thừa nhận hiển nhiên.
Bên cạnh những mặt tích cực nhất định thì vẫn còn có những hạn chế của quá trình giáo dục quyền con người mang tính lồng ghép, tích hợp qua các môn học của chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội, đó là:
Thứ nhất, nội dung nhân quyền lồng ghép giảng dạy trong các môn học còn sơ khai, phụ thuộc vào yêu cầu của các bộ môn đối với giảng viên và kiến thức về lĩnh vực quyền con người của giảng viên. Do đó, dẫn đến tình trạng giảng viên khi giảng dạy các đơn vị kiến thức về quyền con người trong sự tích hợp thiếu tính chỉnh thể, tính liên thông, tính cập nhật và thống nhất, làm cho các tiếp cận không theo hướng là giáo dục dựa trên quyền.
Thứ hai, vì chưa phải là một môn học độc lập trong tổng thể chương trình đào tạo nên dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy còn quá ít, chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn vị trí việc làm trong hệ thống chính trị. Đồng thời, giảng viên giảng dạy tích hợp không thể đưa ra được các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, giúp người học có khả năng nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.
Thứ ba, thực tế dù có các văn bản lãnh đạo của Đảng và Chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chưa có sự thống nhất chung về những nội dung chương trình cơ bản về giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục, cũng như tùy thuộc vào mức độ nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong xây dựng chương trình đào tạo cử nhân các chuyên ngành mà đưa nội dung giáo dục quyền con người vào với tư cách là một môn học độc lập hay tích hợp vào các phân môn và liên môn học.
Thứ tư, trên thực tế, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên chưa được trang bị một cách đầy đủ có tính hệ thống những vấn đề cơ bản về quyền con người, do đó anh hưởng không nhỏ đến nhận thức, kỹ năng, phương pháp và sự triển khai các nhiệm vụ liên quan đến giáo dục quyền con người. Vì lẽ đó, có tình trạng không ít cán bộ quản lý và giảng viên xuất hiện tâm lý “ngại”, né tránh trong các giờ giảng, do nhiều nguyên nhân hoặc có đề cập đến chỉ mang tính chất giới thiệu, thiếu khái quát, thậm chí đưa những nội dung chưa hoàn toàn đúng về nhân quyền, do những hạn chế của giảng viên về vấn đề này. Điều này làm cho người học cũng chỉ được tiếp xúc với nhân quyền ở mức rất hạn chế, kiến thức nhân quyền thu được rời rạc, dù là mang tính tích hợp vào trong các nội dung của các học phần/ môn học cơ sở ngành hay chuyên ngành.
Giáo dục quyền con người hiện nay ở Học viện Cán Bộ thành phố Hồ Chí Minh nói chung và tại Khoa Xây dựng Đảng nói riêng cần thiết phải có những nghiên cứu sâu và rộng hơn trên cơ sở các hướng tiếp cận liên ngành gắn với các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề quyền con người với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, đề ra được những phương hướng, biện pháp thực sự hiệu quả và hữu dụng trong quá trình đào tạo các chương trình cử nhân trong đó có ngành Công tác xã hội, đáp ứng được sự phát triển của nội dung giáo dục quyền con người trong học viện. Việc này đòi cần phải nghiên cứu, bổ sung và phát triển chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội theo hướng tách hẳn thành một học phần chuyên biệt về Quyền con người với 3 tín chỉ có ý nghĩa thiết thực và góp phần quan trọng trong cấu trúc tổng thể để giúp người học có thể hiểu biết và trình một cách đầy đủ, hệ thống toàn diện các vấn đề cơ bản của quyền con người trong các chuẩn mực quốc tế và giá trị cụ thể phù hợp với thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
3. Kết luận
Xem xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn, giáo dục quyền con người phụ thuộc nhiều vào mục tiêu, đối tượng, nội dung và phương pháp giảng dạy được xác định trong từng giai đoạn phát triển và nhận thức của cán bộ lãnh đạo quản lý, giảng viên của Khoa, ngành và chuyên ngành. Mục tiêu tổng quát giáo dục quyền con người được xác định không chỉ với riêng chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội mà còn cho các ngành khác ở Học viện Cán Bộ thành phố Hồ Chí Minh (Quản lý hành chính, Chính trị học, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước) bao gồm nhiều nội dung rất quan trọng có ý nghĩa đối với sự vận dụng và thực hành trong quá trình công tác của người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng thực tiễn xã hội như: sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện cá nhân và ý thức tôn trọng con người; thúc đẩy sự hiểu biết, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các cá nhân, trong sự đa dạng của người dân bản địa với các nhóm dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; nâng cao năng lực của mọi người trong xã hội tự do dân chủ… Giáo dục quyền con người có vai trò và ý nghĩa quan trọng ở khía cạnh là khả năng thực thi trong điều kiện thực tiễn của các quốc gia tương ứng với ý nghĩa của quyền được giáo dục với tư cách là một trong những quyền cơ bản nhất của con người trong xã hội. Giáo dục quyền con người về bản chất chính là giáo dục để con người hiểu biết về những quyền cơ bản hiển nhiên được thừa nhận – mang tính nhân loại về quyền của mình. Từ sự hiểu biết về quyền của chính mình, con người hoàn toàn có thể tự mình nâng cao được khả năng tự chủ, tự thụ hưởng và không ngừng phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
TS. Nguyễn Hữu Sơn
Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN (2013), Nghị quyết số 29/NQTW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Luật Giáo dục 2019.
- Quyết định số 1309/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Chỉ thị số 34/CT-TTg năm 2021 về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- GS. TS. Nguyễn Đăng Dung – PGS.TS. Vũ Công Giao – TS. Lã Khánh Tùng (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
- Hội đồng Anh (2000), Giáo dục quyền công dân và giáo dục quyền con người, Các khái niệm và tranh luận chính, Tập1.
- United Nations, Human Rights (2006). Questions and Answers, New York and Geneva, tr.4.