Bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp trước hết là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp (với tư cách là người sử dụng lao động). Việc thiết lập các biện pháp đảm bảo trên phương diện pháp lý - kinh tế - xã hội - văn hóa,… mang đến cho người lao động những phúc lợi và hỗ trợ cần thiết, giúp họ có thể yên tâm làm việc, cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp. Điều này cũng có lợi cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp bởi lẽ sự phát triển bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp chỉ khả thi khi vấn đề an sinh xã hội của người lao động được giải quyết một cách thấu đáo bên cạnh các vấn đề khác như môi trường, quản trị kinh doanh, v.v..
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn
1. An sinh xã hội như một tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người
Quyền an sinh xã hội (the right to social security) là một trong những quyền con người cơ bản, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người và trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếp cận từ giác độ quyền con người, quyền an sinh xã hội lần đầu tiên được đề cập đến trong Tuyên bố Philadelphia năm 1944 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc mở rộng các biện pháp an sinh xã hội nhằm mang lại thu nhập cơ bản cho mọi người cần sự bảo vệ và cần sự chăm sóc y tế toàn diện. Tiếp đó, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948 đã chính thức khẳng định quyền an sinh xã hội như một quyền con người cơ bản: “Với tư cách là một thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá không thể thiếu để bảo đảm nhân phẩm và tự do phát triển về nhân cách; thông qua những nỗ lực quốc gia và sự hợp tác quốc tế; phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia”. (Điều 22).
Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 còn chỉ rõ: “Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ” (Khoản 1 Điều 25). Như vậy, có thể thấy, quyền an sinh xã hội có tính phổ quát, dành cho tất cả mọi người trên thế giới này, đồng thời gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể bảo đảm quyền, mà trước hết và chủ yếu là nhà nước.
Xét về bản chất, quyền an sinh xã hội thuộc về nhóm quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này thể hiện rõ qua việc ghi nhận quyền an sinh xã hội trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966. Theo đó, các quốc gia thành viên Công ước công nhận quyền của mọi người về an sinh xã hội, trong đó có bản hiểm xã hội. Quyền an sinh xã hội có vai trò trọng tâm trong việc bảo đảm nhân phẩm cho tất cả mọi người khi phải đối mặt với những hoàn cảnh mà không có năng lực tự mình bảo đảm đầy đủ các quyền theo Công ước.
Bình luận chung số 19 của Ủy ban giám sát Công ước ICESCR năm 2008 đã làm rõ nội hàm của quyền an sinh xã hội với việc khẳng định quyền an sinh xã hội bao gồm quyền tiếp cận và duy trì những trợ cấp, bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật, mà không có sự phân biệt đối xử để bảo vệ con người trong các hoàn cảnh: a) thiếu thu nhập từ việc làm do bệnh tật, khuyết tật, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già hoặc cái chết của một thành viên trong gia đình; b) không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; c) không đủ khả năng hỗ trợ gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em và những người lớn sống phụ thuộc1.
Ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện an sinh xã hội nằm ở chỗ, thông qua tính chất phân phối lại, an sinh xã hội đóng vai trò đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn sự loại trừ và đẩy mạnh việc hòa nhập xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo đảm cho mọi người được hưởng quyền con người này ở mức tối thiểu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
2. Bài học kinh nghiệm về bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới
Bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người lao động khu vực công nghiệp nói riêng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạch định và thực thi chính sách xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu thực tiễn bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động khu vực công nghiệp ở một số quốc gia cho thấy, với tư cách là chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền, nhà nước thường chú trọng đến việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người lao động, thể hiện trên các phương diện sau:
Một là, bảo đảm nhu cầu nhà ở cho người lao động khu công nghiệp.
Nhà ở được xem là một trong những yếu tố then chốt trong hạ tầng an sinh của người lao động tại các khu công nghiệp, bên cạnh những yếu tố cơ bản khác như nhà văn hóa, trung tâm y tế, nhà trẻ mẫu giáo, v.v.. Tâm lý “an cư lạc nghiệp” đóng vai trò quan trọng trong nhận thức của người lao động tại khu công nghiệp, bởi lẽ một khi vấn đề nhà ở chưa được giải quyết thì người lao động khó có thể toàn tâm toàn ý làm việc. Chỉ khi nào người lao động được bảo đảm về nhà ở, họ mới an tâm làm việc và cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp. Ý thức được điều này, nhà nước và các doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách linh hoạt và sáng tạo nhằm hỗ trợ người lao động ổn định nơi định cư, giải quyết tốt bài toán nhà ở cho người lao động, đặc biệt là người lao động tại các khu công nghiệp. Các chính sách này được thể hiện rõ qua một số mô hình hỗ trợ nhà ở tiêu biểu sau đây:
- Mô hình xây dựng nhà ở tập trung kiểu mới: nhà nước có thể thông qua các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đầu tư xây dựng những khu nhà ở hoàn chỉnh, dành riêng cho người lao động nói chung và người lao động khu vực công nghiệp nói riêng. Các khu nhà ở này đáp ứng không chỉ đáp ứng nhu cầu có nhà ở của số lượng lớn công nhân, mà còn cung ứng các dịch vụ, tiện ích cần thiết kèm theo. Đối với mô hình này, việc phân bổ đất đai, ban hành các chính sách ưu đãi tài chính cũng như thiết lập các tiêu chuẩn cho đối tượng thụ hưởng nhà ở cho người lao động cần được quan tâm, chú ý. Mô hình này được áp dụng tại Luxembourg và một số nước châu Á như Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka, v.v..2
- Mô hình tập trung vào hỗ trợ tài chính: nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động có nhu cầu nhà ở (khác với mô hình nói trên khi nhà nước đầu tư thông qua các doanh nghiệp xây dựng). Ưu điểm của mô hình này là tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm tải mật độ dân cư trong các khu nhà ở của người lao động, đồng thời trao quyền tự do lựa chọn nhiều hơn cho người lao động. Mô hình này được áp dụng phổ biến tại Nam Phi và một số nước châu Mỹ như Mỹ, Brazil, Chi Lê, v.v..3
- Mô hình đa dạng hóa, xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các lực lượng xã hội khác nhau. Ưu điểm của mô hình này là góp phần giảm tải gánh nặng ngân sách của nhà nước và thu hút được sự đóng góp, khơi dậy khả năng sáng tạo của khu vực tự nhân và các nhóm cộng đồng. Việc xây dựng nhà ở cho người lao động chủ yếu theo phương châm phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Mô hình này thường phổ biến tại Australia và một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển4.
Hai là, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động khu công nghiệp được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Sức khỏe là yếu tố nền tảng đối với người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng, là cơ sở quan trọng bậc nhất cho việc hiện thực hóa quyền làm việc của người lao động, là tiền đề cho người lao động thực hiện hiệu quả các quyền con người khác trong và ngoài nơi làm việc. Bảo đảm cho người lao động được chăm sóc sức khỏe không chỉ là nghĩa vụ của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp nơi người lao động công tác. Bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các khu công nghiệp có nghĩa là tạo điều kiện cho họ tham gia đầy đủ các chương trình bảo hiểm y tế, được thăm khám sức khỏe khi cần thiết, được tư vấn những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, được hỗ trợ vật chất và tinh thần khi ốm đau, bệnh tật, v.v..
Tại Trung Quốc, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người lao động đã được luật hóa thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống phúc lợi cho người lao động, với những quy định cụ thể về chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong một khuôn khổ quốc gia mang tính bao quát, toàn diện. Điều này được thể hiện rõ trong các đạo luật quan trọng của Trung Quốc như Luật Lao động năm 1994, Luật Hợp đồng lao động năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2010, Luật về chăm sóc sức khỏe và y tế cơ bản năm 2019,... Đây là những bảo đảm pháp lý quan trọng và cần thiết giúp người lao động nói chung và người lao động tại khu công nghiệp ở nước này nói riêng được chăm sóc sức khỏe ở mức cao nhất, ràng buộc trách nhiệm của cả nhà nước và doanh nghiệp cũng như xã hội trong lĩnh vực này.
Ba là, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động trong trường hợp tai nạn lao động.
Điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh, có lợi cho sức khỏe của người lao động là yêu cầu hàng đầu cần được bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp. Thực tế cho thấy, người lao động đôi khi phải đối mặt với những rủi ro bị tai nạn trong quá trình làm việc hoặc sản xuất, từ đó dẫn tới suy giảm sức khỏe, mất một phần hoặc hoàn toàn sức lao động (thậm chí có thể thiệt mạng), rơi vào tình trạng thất nghiệp, phải sống phụ thuộc vào người khác, v.v..
Tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, mà còn gián tiếp tác động đến đời sống của những người thân trong gia đình của người lao động, đặc biệt trong trường hợp người lao động mất hoàn toàn sức lao động hoặc bị chết. Vì lẽ đó, hệ thống an sinh xã hội nên chi trả cho các chi phí và tổn thất về thu nhập từ các chấn thương và hỗ trợ cho vợ, chồng hoặc người phụ thuộc bị tác động từ cái chết của một người thu nhập chính trong gia đình5. Trợ cấp thỏa đáng cần được cung cấp ở dạng tiếp cận về chăm sóc y tế và trợ cấp tiền mặt để bảo đảm thu nhập. Việc được hưởng những trợ cấp không nên chỉ phụ thuộc vào thời gian làm việc, thời hạn bảo hiểm hoặc các khoản đóng góp.
Nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển và có nhiều khu công nghiệp tập trung như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, v.v.. đều có những chính sách hỗ trợ người lao động trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, bảo đảm quyền cho bản thân người lao động bị ảnh hưởng cũng như những người thân trong gia đình, sống phụ thuộc vào người lao động đó.
Bốn là, bảo đảm tốt quyền an sinh xã hội cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương tại các khu công nghiệp.
- Đối với lao động nữ: tiếp cận theo hướng bình đẳng giới là một trong những cách tiếp cận quan trọng trong việc xây dựng và thực thi các chính sách bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp. Lao động nữ có những đặc thù riêng so với lao động nam giới, do đó nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội của nhóm đối tượng này cũng có những khác biệt đáng kể.
Về phương diện này, có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thông qua Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ (sửa đổi) năm 20226, trong đó đặt ra những yêu cầu mới đối với các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền của lao động nữ. Đạo luật này quy định rõ những cơ chế bảo đảm quyền con người của phụ nữ nói chung, bao gồm các quyền an sinh xã hội, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát việc thực thi quyền cũng như xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có liên quan (như chủ sử dụng lao động tại các khu công nghiệp), v.v.. Các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của lao động nữ đều được đề cập chi tiết trong đạo luật này như chế độ thai sản, chống nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bảo đảm quyền riêng tư và thông tin cá nhân của lao động nữ, thu hẹp khoảng cách về thu nhập với lao động nam giới, v.v..
- Đối với lao động lớn tuổi: người lao động lớn tuổi là một bộ phận của lực lượng lao động tại các khu công nghiệp. Do vấn đề tuổi tác nên mặc dù có trình độ tay nghề cao và thâm niên công tác lâu dài, họ vẫn phải đối mặt với một số vấn đề khó tránh khỏi như suy giảm sức khỏe, bệnh tật và nguy cơ thất nghiệp do bị thay thế bởi lực lượng lao động trẻ, v.v.. Do đó, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho nhóm đối tượng người lao động cao tuổi tại các khu công nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực thi chế độ phúc lợi của nhà nước cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, của chủ sử dụng lao động đối với người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp. Nhật Bản là một minh chứng sinh động cho vấn đề này.
Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở thủ đô Tokyo đã thực hiện chế độ tuyển dụng suốt đời tạo việc làm ổn định cho người lao động. Định kỳ hàng năm, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Tokyo sẽ tuyển mới một số lao động trẻ mới tốt nghiệp dưới hình thức hợp đồng lao động không thời hạn và lao động đó sẽ làm việc liên tục trong các doanh nghiệp này cho đến khi nghỉ hưu. Vì thế, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Tokyo rất coi trọng và tạo điều kiện cho người lao động của họ có khả năng được luân chuyển ngang giữa bộ phận này sang bộ phận khác, rèn luyện qua các vị trí công việc khác nhau.
Bên cạnh đó, người lao động cũng được quan tâm, chăm sóc cho đến khi nghỉ hưu nhờ vào hệ thống nhân sự thăng chức và tăng lương căn cứ vào số năm làm việc liên tục. Đối với tiền lương của người lao động sẽ được tăng 12 tháng 1 lần, những người đã kề cận tuổi nghỉ hưu, không thực hiện chế độ tăng lương. Có thể nói với việc làm này, người lao động trong các doanh nghiệp Tokyo đánh giá mức độ hài lòng về công việc cao nhất so với các nước khác.
- Đối với lao động người nước ngoài: quyền an sinh xã hội là một quyền con người cơ bản, do đó không chỉ giới hạn cho công dân nước sở tại, mà còn mở rộng cho cả những người lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp. Việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nước ngoài tại các khu công nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Trung Quốc là một minh chứng cho vấn đề này.
Từ năm 2011, người lao động nước ngoài làm việc tại Trung Quốc bị yêu cầu phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội của nước này, khi Bộ Nhân lực và an sinh xã hội ban hành văn bản “Các biện pháp tạm thời hỗ trợ sự tham gia bảo hiểm xã hội của lao động nước ngoài tại Trung Quốc”7. Về nguyên tắc, chính sách này được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Người lao động nước ngoài cũng được miễn bảo hiểm xã hội nếu họ đến từ các quốc gia đã ký kết thỏa thuận miễn trừ bảo hiểm xã hội với Trung Quốc. Phạm vi miễn trừ và nội dung miễn trừ có thể thay đổi tùy theo thỏa thuận với từng quốc gia khác nhau và các cơ sở bảo hiểm xã hội địa phương có thể có những chính sách khác nhau đối với việc thực thi những miễn trừ đó. Người sử dụng lao động (doanh nghiệp) cần tham vấn với các văn phòng bảo hiểm xã hội có thẩm quyền trước khi quyết định có đóng bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài của doanh nghiệp mình hay không. Đáng chú ý, người nước ngoài nhìn chung không buộc phải đóng quỹ nhà ở, song nhiều thành phố cho phép lao động nước ngoài đóng góp quỹ nhà ở trên cơ sở tự nguyện như một biện pháp để thu hút nhân tài nước ngoài cho Trung Quốc8.
Năm là, chú trọng bảo đảm quyền cho con em người lao động khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho bản thân người lao động khu vực công nghiệp sẽ không có ý nghĩa trọn vẹn nếu như việc bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em và những người lớn sống phụ thuộc vào họ không được quan tâm đúng mức.
Tại một số quốc gia đang phát triển, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung gắn với đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, v.v.., các chính sách hỗ trợ con em người lao động làm việc tại các khu công nghiệp đều rất được chú trọng và được triển khai một cách hiệu quả. Nhà mẫu giáo, trường học, nhà văn hóa,… dành cho con em công nhân các khu công nghiệp đã và đang được xây dựng, bảo đảm đủ về số lượng và tốt về chất lượng, cung cấp không gian sinh hoạt, học tập cho trẻ em ngay gần kề các khu công nghiệp hoặc nơi ở của người lao động. Điều này tạo thuận lợi cho người lao động chăm sóc con em mình, bảo đảm cho con em họ được hưởng các quyền học tập, vui chơi, giải trí, v.v.., qua đó hiện thực hóa các quyền trẻ em theo những chuẩn mực quốc tế và quốc gia về quyền con người. Đồng thời, chính sách hỗ trợ cho con em người lao động như vậy còn giúp người lao động yên tâm công tác, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, từ đó có thể cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
3. Giá trị tham khảo đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới trong việc bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp nói trên, có thể rút ra một số giá trị tham khảo cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền này cho người lao động tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.
Một là, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền an sinh xã hội của người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng. Điều này sẽ góp phần tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhóm đối tượng đặc thù này. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, bên cạnh Bộ luật Lao động với những quy định về các nguyên tắc nền tảng trong lĩnh vực lao động việc làm, giải quyết mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhiều nước đã ban hành riêng Luật An sinh xã hội. Đạo luật mang tính chuyên biệt này là sự cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia, trong đó đặt ra những quy định cụ thể về các hệ thống an sinh xã hội, về quyền được hưởng an sinh xã hội của người lao động, về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền con người và bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động, v.v..
Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu ban hành thêm các đạo luật, các chính sách khác nhằm hỗ trợ cho Bộ luật Lao động, Luật An sinh xã hội và bảo vệ tốt hơn từng nhóm người lao động đặc thù như lao động nữ, lao động khuyết tật, lao động cao tuổi, v.v.. Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về an sinh xã hội, mà còn tạo thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là những người thuộc về các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, hiện thực hóa quyền được hưởng an sinh xã hội của mình một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác bảo đảm quyền quan trọng này.
Hai là, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền của người lao động khu công nghiệp. Thực tiễn các nước cho thấy, không nên coi việc đóng góp bảo hiểm xã hội và các loại hình bảo hiểm khác là gánh nặng cho người sử dụng lao động – chủ doanh nghiệp, vì nếu không họ sẽ tìm mọi cách né tránh, “lách luật” để bảo toàn lợi ích của mình, gây thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước thông qua những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ vật chất, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp xã hội, v.v.., qua đó cùng chung tay, san sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp trong việc giải quyết các bài toán an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp hiện nay. Chẳng hạn, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp có đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp bảo đảm ổn định nguồn lao động, duy trì và nâng cao chất lượng sống của người lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho công nhân các khu công nghiệp, giúp họ có điều kiện tài chính cần thiết để mua nhà, thuê nhà ở xã hội, an cư hay ổn định chỗ ở, từ đó ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý làm việc và cống hiến lâu dài, tích cực cho doanh nghiệp.
Ba là, chú trọng đến việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của các nhóm lao động đặc thù tại các khu công nghiệp như lao động nữ, lao động khuyết tật, lao động người nước ngoài, lao động tay nghề cao, lao động cao tuổi, v.v.. Đây là những nhóm đối tượng cần có chế độ đãi ngộ riêng và thường có nhiều nguy cơ, rủi ro về sức khỏe và việc làm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và đại dịch toàn cầu. Quan tâm chăm lo quyền an sinh xã hội cho những nhóm đối tượng này cũng chính là nhằm thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm sự bình đẳng và thực hiện công bằng xã hội.
Bốn là, đẩy mạnh vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong xây dựng, thực thi chính sách liên quan đến quyền an sinh xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp. Theo đó, cần tích cực thu hút sự tham gia của người lao động vào việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách về an sinh xã hội có liên quan trực tiếp với quyền lợi chính đáng của họ. Nhà nước và doanh nghiệp cần tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu quan điểm, nguyện vọng của người lao động để từ đó có thể hoạch định và thực thi những chính sách an sinh xã hội có chất lượng, bám sát nhu cầu thực tiễn của người lao động. Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cũng như của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp, qua đó thúc đẩy công tác bảo đảm quyền này của người lao động đạt hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Năm là, cần tiếp tục củng cố hệ thống các lưới an sinh xã hội, tạo thành một nền tảng vững mạnh để dựa trên đó quyền an sinh xã hội của người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng được hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm hưu trí, v.v.. cần được thiết kế, xây dựng và vận hành đồng bộ, nhất quán, thể hiện được chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, lấy quyền và lợi ích chính đáng của người lao động là trung tâm, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế, sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Tóm lại, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này là thực sự cần thiết để từ đó có thể rút ra những giá trị tham khảo hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động không ngừng, với rất nhiều thời cơ và thách thức như hiện nay./.
TS. Đỗ Thị Thơm - TS. Lê Xuân Tùng
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2023
------
(*) Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp bộ năm 2022 “Bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay” do TS. Đỗ Thị Thơm làm chủ nhiệm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.
Tài liệu trích dẫn
(1) Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Quyền con người, Tập hợp những bình luận/khuyến nghị chung của ủy ban công ước Liên hợp quốc, Nxb Công an nhân dân, H., 2010, tr.210.
(2) Ngô Lê Minh (2017), “Nhà ở xã hội dành cho công nhân – Mô hình phát triển nào phù hợp cho Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Kiến trúc, số 9.
(3) Ngô Lê Minh (2017), tlđd.
(4) Ngô Lê Minh (2017), tlđd.
(5) Công ước số 121 của ILO năm 1964.
(6) Giulia Interesse and Qian Zhou, China Passes New Women’s Protection Law: Key Takeaways for Employers, https://www.china-briefing.com/news/china-passes-new-womens-protection-law-key-takeaways-for-employers/ (8/11/2022), truy cập ngày 30/11/2022.
(7) China’s Social Security System: An Explainer, https://www.china-briefing.com/news/chinas-social-security-system-explainer/ (1/2/2021), truy cập ngày 30/11/2022.
(8) China’s Social Security System: An Explainer, https://www.china-briefing.com/news/chinas-social-security-system-explainer/ (1/2/2021), truy cập ngày 30/11/2022.