Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp về phòng vệ chính đáng thể hiện trong Bộ luật Hình sự (BLHS) một số nước (Liên bang Nga, Thụy Điển, Nhật Bản và Trung Quốc), bài viết so sánh và chỉ ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này trong BLHS năm 2015 của Việt Nam theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong điều kiện hiện nay.

1. Kinh nghiệm lập pháp quy định về phòng vệ chính đáng trong luật hình sự của một số nước trên thế giới
a) Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Nga
Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Nga năm 1996, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 20211. 
Trường hợp phòng vệ chính đáng được các nhà làm luật Liên bang Nga xếp vào Chương 8 - “Những tình tiết loại trừ tính chất phạm tội của hành vi” và Điều 37 BLHS về “Phòng vệ chính đáng” quy định cụ thể như sau2:
“1. Không phải là tội phạm khi gây thiệt hại trong trạng thái phòng vệ chính đáng trước người có hành vi nguy hiểm, xâm hại đến cá nhân, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phòng vệ hoặc những người khác, của xã hội hoặc nhà nước nếu sự xâm hại này sử dụng vũ lực hoặc trực tiếp đe dọa dùng vũ lực gây nguy hiểm cho tính mạng người phòng vệ hoặc người khác.
2. Bảo vệ trước sự xâm hại, khi sự xâm hại này không sử dụng vũ lực hoặc không trực tiếp đe dọa dùng vũ lực gây nguy hiểm cho tính mạng người phòng vệ hoặc người khác, là hợp pháp nếu không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nghĩa là không có những hành động cố ý không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
2.1. Những hành động của người phòng vệ được coi là không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nếu người này đã không thể đánh giá đúng mức tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công do sự xâm hại xảy ra quá bất ngờ.
3. Các quy định của điều luật này được áp dụng ngang nhau đối với tất cả mọi người, không phụ thuộc vào trình độ học vấn, chuyên môn và vị trí nghề nghiệp, không phụ thuộc vào khả năng có tránh khỏi sự xâm hại nguy hiểm hay không hoặc khả năng cầu cứu sự giúp đỡ của người khác hoặc của các cơ quan quyền lực”.

Như vậy, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (theo cách gọi của các nhà làm luật Liên bang Nga) và thể hiện bằng hành vi gây thiệt hại trước người có hành vi nguy hiểm, xâm hại đến cá nhân, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phòng vệ hoặc những người khác, của xã hội hoặc nhà nước nếu sự xâm hại này sử dụng vũ lực hoặc trực tiếp đe dọa dùng vũ lực gây nguy hiểm cho tính mạng người phòng vệ hoặc người khác. Những hành động của người phòng vệ được coi là không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nếu người này đã không thể đánh giá đúng mức về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công xâm do sự xâm hại xảy ra quá bất ngờ. Các điều kiện để hành vi được coi là phòng vệ chính đáng cơ bản cũng tương tự như BLHS nước ta3.
b) Kinh nghiệm lập pháp quy định về phòng vệ chính đáng thể hiện trong BLHS Thụy Điển
Bộ luật Hình sự của Thụy Điển ban hành năm 1962, có hiệu lực từ ngày 01/01/1965 và được sửa đổi, bổ sung các năm 2005, 2020. Chương 24 quy định về căn cứ chung miễn TNHS, Điều 1 và Điều 2 BLHS có quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
Điều 1 quy định: “Người thực hiện hành vi phòng vệ chỉ bị coi là tội phạm nếu xét đến tính chất nguy hiểm của hành vi tấn công, tầm quan trọng của đối tượng bảo vệ và các tình tiết nói chung thì hành vi này rõ ràng là không chính đáng.
Quyền được phòng vệ xảy ra trong các trường hợp:
1. Khi sự tấn công mang tính tội phạm nhằm vào người hoặc tài sản đã diễn ra hoặc sắp diễn ra.
2. Một người dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng cách thức khác cản trở việc thu hồi tài sản khi bị bắt quả tang.
3. Một người đột nhập bất hợp pháp hoặc cố gắng đột nhập vào căn phòng, ngôi nhà, tàu, thuyền, hoặc,
4. Một người không chịu rời khỏi nhà ở khi đã có lệnh phải rời khỏi đó”
4.
Điều 2 quy định:
“Trong trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, đang bị giam giữ hoặc bị bắt hoặc bị tước tự do dưới hình thức khác mà bỏ trốn hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống trả người có nhiệm vụ canh giữ hoặc giám sát thì được phép dùng vũ lực nếu căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà việc dùng vũ lực đó được coi là lý do chính đáng để ngăn chặn việc bỏ trốn hoặc duy trì trật tự. Quy định này cũng được áp dụng nếu hành động chống trả là do một người khác ngoài những người đã nói trên thực hiện”5.
Như vậy, các nhà làm luật Vương quốc Thụy Điển không nêu tên gọi điều luật, nhưng lại quy định rõ ràng quyền được phòng vệ xảy ra trong bốn trường hợp: 1) Khi sự tấn công mang tính tội phạm nhằm vào người hoặc tài sản đã diễn ra hoặc sắp diễn ra; 2) Một người dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng cách thức khác cản trở việc thu hồi tài sản khi bị bắt quả tang; 3) Một người đột nhập bất hợp pháp hoặc cố gắng đột nhập vào căn phòng, ngôi nhà, tàu, thuyền, hoặc 4) Một người không chịu rời khỏi nhà ở khi đã có lệnh phải rời khỏi đó. Ngoài ra, còn quy định rõ trường hợp do chủ thể là người thi hành công vụ thực hiện để ngăn chặn việc bỏ trốn hoặc duy trì trật tự xã hội.
c) Kinh nghiệm lập pháp quy định về phòng vệ chính đáng thể hiện trong BLHS Nhật Bản
Bộ luật Hình sự Nhật Bản ban hành năm 1908, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Trong đó, liên quan phòng vệ chính đáng quy định tại Chương 7 về phạm tội chưa đạt, miễn, giảm hình phạt và Điều 35 với tên gọi là “Hành vi chính đáng” và Điều 36 về “Phòng vệ chính đáng” như sau6:
“Điều 35. Hành vi chính đáng
Không xử phạt hành vi tiến hành công việc một cách chính đáng hoặc dựa theo pháp lệnh”.
“Điều 36. Phòng vệ chính đáng
1. Không phạt đối với hành vi buộc phải tiến hành để bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc cho người khác, đối với hành vi xâm hại một cách bất chính cận kề.
2. Hành vi vượt quá mức độ phòng vệ, tùy theo tình tiết, có thể được giảm nhẹ hoăc miễn trừ hình phạt”
.
Theo đó, BLHS nước này cũng đã khẳng định “phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm” và thể hiện bằng hành vi gây thiệt hại trước người có hành vi nguy hiểm, xâm hại đến cá nhân, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phòng vệ hoặc những người khác, nếu sự xâm hại này sử dụng vũ lực hoặc trực tiếp đe dọa dùng vũ lực gây nguy hiểm cho tính mạng người phòng vệ hoặc người khác. Những hành động của người phòng vệ được coi là không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nếu người này đã không thể đánh giá đúng mức về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công xâm do sự xâm hại xảy ra quá bất ngờ. Tuy nhiên, hành vi vượt quá mức độ phòng vệ, tùy theo tình tiết, có thể được giảm nhẹ hoăc miễn trừ hình phạt.
d) Kinh nghiệm lập pháp quy định về phòng vệ chính đáng thể hiện trong BLHS Trung Quốc
Bộ luật Hình sự Trung Quốc (còn gọi là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) ban hành năm 1979, được sửa đổi các năm 1997, 2001, 2002, 20057.
Điều 20 BLHS Trung Quốc quy định như sau:
“Người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng nhằm ngăn chặn hành vi bất hợp pháp xâm hại các lợi ích của Nhà nước, xã hội, các quyền nhân thân, tài sản và các quyền khác của mình hoặc của người khác, gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại bất hợp pháp, thì không phải chịu TNHS.
Người có hành vi phòng vệ chính đáng rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết và gây thiệt hại lớn thì phải chịu TNHS, nhưng cần được giảm nhẹ, áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn hình phạt.
Người có hành vi phòng vệ đối với tội phạm đang hành hung, giết người, cướp của, hiếp dâm, bắt cóc hoặc các tội bạo lực khác, gây thương tích hoặc làm chết người phạm tội, không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ, không phải chịu TNHS”
8.
Như vậy, theo các nhà lập pháp Trung Quốc, mục đích của người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng là nhằm ngăn chặn hành vi bất hợp pháp xâm hại các lợi ích của Nhà nước, xã hội, các quyền nhân thân, tài sản và các quyền khác của mình hoặc của người khác, gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại bất hợp pháp, thì không phải chịu TNHS. Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải chịu TNHS, nhưng cần được giảm nhẹ, áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn hình phạt. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa, chống đối với một số loại tội phạm nguy hiểm và bảo vệ các lợi ích chung, các nhà làm luật Trung Quốc còn quy định một khoản bổ sung - đối với tội phạm đang hành hung, giết người, cướp của, hiếp dâm, bắt cóc hoặc các tội bạo lực khác, gây thương tích hoặc làm chết người phạm tội, không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ, không phải chịu TNHS.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitoaan.vn

2. Nhận xét, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS của Việt Nam theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân 
Trong số các quyền con người, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể cũng được Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện quốc tế đặc biệt quan tâm bảo vệ. Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên Hợp quốc năm 1948 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân”9. Trên cơ sở này, Hiến pháp và hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự Việt Nam luôn đề cao, coi trọng và bảo hộ về tính mạng, danh dự, sức khỏe và nhân phẩm của con người, đồng thời yêu cầu mọi hành vi, mọi quy tắc xử sự trong xã hội đều phải tuân thủ về điều này. 
Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) tại ngay Điều 2 đã quy định rõ về cơ sở trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân như sau: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”. Như vậy, chỉ một người phạm một tội do BLHS quy định mới phải chịu TNHS, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ cơ sở và những điều kiện của TNHS10. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có còn có những hành vi gây thiệt hại cho xã hội, về mặt hình thức thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm được mô tả trong điều luật cụ thể của BLHS, nhưng hành vi đó lại chứa đựng tình tiết nào đó làm thay đổi/loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của chủ thể. Và nếu căn cứ vào quy định thì hành vi ấy không bị coi là tội phạm và người thực hiện nó không phải chịu TNHS, hay được loại trừ TNHS, mà trong số đó có trường hợp phổ biến là trường hợp phòng vệ chính đáng. Mặc dù vậy, để xác định ranh giới trường hợp phòng vệ chính đáng và trường hợp phạm tội không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là để tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho họ tin tưởng, quyết tâm, đủ bản lĩnh để xử lý trong các trường hợp "giáp ranh" đó là việc làm vô cùng khó khăn. Vì vậy, trên cơ sở này, mục 2 tập trung phân tích, so sánh quy định về phòng vệ chính đáng của BLHS Việt Nam năm 2015 hiện hành với quy định pháp luật của một số nước có kỹ thuật lập pháp tiến bộ (đã nêu ở mục 1), từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá để giúp cho các nhà làm luật nước ta có thêm tư liệu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện BLHS năm 2015 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”11. 
Trước hết, BLHS năm 2015 có điểm mới rất quan trọng theo hướng tôn trọng, đề cao nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân khi quy định một chương độc lập (Chương IV) với 07 điều quy định về “Những trường hợp loại trừ TNHS” với 07 trường hợp loại trừ TNHS (các Điều 20 đến Điều 26). Riêng quy định về phòng vệ chính đáng (Điều 22 BLHS năm 2015) đã có sửa đổi lớn theo hướng phản ánh rõ nét yêu cầu của Nhà nước là khuyến khích, động viên mọi công dân trong xã hội chủ động đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, bảo vệ các lợi ích chung của Nhà nước, cộng đồng xã hội. So với BLHS năm 1999 trước đó, thì BLHS năm 2015 đã đặt việc bảo vệ lợi ích của chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của Nhà nước, tổ chức cho phù hợp với thực tiễn xét xử và yêu cầu đề cao quyền an ninh cá nhân con người theo tinh thần tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng đã gián tiếp quy định bốn điều kiện để một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng và người thực hiện nó được loại trừ TNHS như sau12: 1) Hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp (quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước của cơ quan, tổ chức) - cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng; 2) Hành vi tấn công đó phải có thật và đang diễn ra; 3) Hành vi phòng vệ phải gây ra thiệt hại (chỉ về tính mạng, sức khỏe) cho chính người đang có hành vi tấn công và; 4) Hành vi phòng vệ có mức độ “cần thiết”13 đối với hành vi tấn công. 
Qua nghiên cứu, so sánh quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS Việt Nam năm 2015 và kinh nghiệm lập pháp hình sự trong BLHS một số nước trên thế giới (đã nêu), cho phép rút ra một số nhận xét và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 2015 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân như sau:
Thứ nhất, trong BLHS một số nước đã nêu, về cơ bản đều thống nhất rằng, để khuyến khích mọi công dân trong xã hội đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, ngăn chặn những hành vi đang xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tập thể và của nhà nước, BLHS Việt Nam và BLHS một số nước đang nghiên cứu đều quy định chế định loại trừ TNHS thành một chương độc lập, riêng biệt, trong đó đặc biệt là trường hợp phòng vệ chính đáng và các điều kiện cơ bản được coi là phòng vệ chính đáng, mặc dù tên gọi có thể là phòng vệ chính đáng, phòng vệ cần thiết, phòng vệ khẩn cấp, quyền phòng vệ... nhưng đều phản ánh thống nhất bản chất pháp lý và nội hàm của trường hợp này là hành vi đó không phải là tội phạm và được thực hiện nó không phải chịu TNHS hay được loại trừ TNHS. Chỉ lưu ý rằng, BLHS Thụy Điển lại coi hành vi đó lại mang bản chất là trường hợp được miễn TNHS (mặc dù trong nội dung các điều luật không nêu rõ hậu quả pháp lý, nhưng xếp vào Chương 24 - Các căn cứ để miễn TNHS), trong khi bản chất pháp lý của hai trường hợp này (miễn TNHS và loại trừ TNHS) theo luật hình sự Việt Nam là hoàn toàn khác nhau (hành vi đã cấu thành tội phạm và hành vi chưa/không cấu thành tội phạm). 
Thứ hai, trong BLHS một số nước đang nghiên cứu, BLHS Liên bang Nga có quy định nhấn mạnh việc áp dụng các điều kiện về phòng vệ chính đáng áp dụng ngang nhau đối với tất cả mọi người, không phụ thuộc vào trình độ học vấn, chuyên môn và vị trí nghề nghiệp, không phụ thuộc vào khả năng có tránh khỏi sự xâm hại nguy hiểm hay không hoặc khả năng cầu cứu sự giúp đỡ của người khác hoặc của các cơ quan quyền lực. Rõ ràng quy định này là một kinh nghiệm đáng chú ý để bảo đảm áp dụng chính xác, không phân biệt người phòng vệ chính đáng là ai, nếu đủ điều kiện thì được coi là phòng vệ chính đáng và tránh lạm dụng quy định này trong thực tiễn áp dụng.
Thứ ba, trong BLHS một số nước đang nghiên cứu, một điểm khác nữa trong BLHS Thụy Điển là có quy định cả trường hợp do chủ thể là người thi hành công vụ thực hiện để ngăn chặn việc bỏ trốn hoặc duy trì sự ổn định trật tự xã hội. Đây là một trường hợp cũng hay xảy ra tranh luận trong thực tiễn áp dụng khi người thi hành công vụ thực hiện hành vi của mình. Chính vì vậy, đây cũng là kinh nghiệm đáng để nghiên cứu, bổ sung vào BLHS hiện hành.
Thứ tư, trong BLHS một số nước đang nghiên cứu đều quy định người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng rõ ràng là vượt quá giới hạn cần thiết đều phải chịu TNHS, song lại có quy định người thực hiện hành vi đó được giảm nhẹ TNHS. Riêng BLHS Trung Quốc quy định: “Người có hành vi phòng vệ chính đáng rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết và gây thiệt hại lớn thì phải chịu TNHS, nhưng cần được giảm nhẹ, áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn hình phạt”14. Đây cũng là một cách tiếp cận hợp lý cần tiếp thu để nhấn mạnh rõ trong nội dung giảm nhẹ TNHS khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Thứ năm, trong BLHS một số nước, một vấn đề các nhà làm luật nước ta cũng nên nghiên cứu, tham khảo đó là đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, cũng xem xét mở rộng để không buộc một người phải chịu TNHS đó là nên xem trường hợp nào được coi là “đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng”, ví dụ kinh nghiệm trong BLHS Trung Quốc “Người có hành vi phòng vệ đối với tội phạm đang hành hung, giết người, cướp của, hiếp dâm, bắt cóc hoặc các tội bạo lực khác, gây thương tích hoặc làm chết người phạm tội, không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ, không phải chịu TNHS”15. Vì thế, cần bổ sung thêm trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 2015 như tác giả Trịnh Tiến Việt đã đề xuất16 và trước đó là kiến nghị trong Dự thảo Phần chung BLHS ngày 12/10/2014 của Ban soạn thảo sửa đổi BLHS, đã từng dự thảo quy định về các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, nhưng đến khi ban hành chưa thể hiện các trường hợp này, để mỗi người phòng vệ không phải lo ngại trước sự phán xét của các cơ quan áp dụng pháp luật khi thực hiện hành vi chủ động, có ích, có lợi cho xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp gây nguy hiểm rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội ngay tức khắc như: đang giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, chống phá trại giam, vào chỗ ở của người khác ban đêm có vũ khí... mà thực tiễn ở nước ta thời gian qua đã có một số vụ án xảy ra rất đáng tiếc mà báo chí đã đề cập (Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước...). Qua đó, góp phần đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm có hiệu quả và thể hiện “cái nhìn” của chính người trong cuộc trước những mối nguy hiểm đang xảy ra hiện hữu với mình, cũng như không lo lắng, suy nghĩ, đắn đo trước sự phán xử của cơ quan áp dụng pháp luật hình sự sau này và hạn chế ngay tức khắc hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng, cần chọn lọc và quy định rõ điều kiện áp dụng. Hơn nữa, hiện nay, ngay cả hướng dẫn như thế nào là “cần thiết” cũng chưa có văn bản trong khi BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đã được thực hiện trong cả một thời gian dài (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018).
3. Kết luận
Tóm lại, BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quy định về phòng vệ chính đáng nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ quyền tự do và an ninh cá nhân của công dân. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm tích cực thì thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS một số nước (Liên bang Nga, Thụy Điển, Nhật Bản và Trung Quốc), bài viết đã so sánh và chỉ ra một số nhận xét và bài học kinh nghiệm để các nhà làm luật nước ta có thêm tư liệu tham khảo, qua đó, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy định về vấn đề này trong BLHS năm 2015 theo hướng ngày càng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong điều kiện hiện nay./.

Trịnh Đức Hiếu

Công ty Cổ phần Quản lý tàu biển Phú Tài

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.16. Ngoài ra, BLHS Liên bang Nga đã được sửa đổi, bổ sung lần mới nhất vào ngày 01/7/2021, xem: https://www.imolin.org/doc/amlid/Russian_Federation_Criminal_Code.pdf, truy cập 18/5/2022.
(2) Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.50.
(3) Ngoài trường hợp phòng vệ chính đáng, các nhà làm luật Liên bang Nga còn quy định những trường hợp loại trừ tính chất phạm tội của hành vi khác như: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 38); tình thế cấp thiết (Điều 39); cưỡng bức về thể chất và tinh thần (Điều 40); mạo hiểm có căn cứ (Điều 41) và thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ thị (Điều 42). Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.52-56.
(4) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Thụy Điển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.228.
(5) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), BLHS Thụy Điển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.228.
(6) Xem: Trần Thị Hiển (dịch), BLHS Nhật Bản, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011, tr.65-68.
(7) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(8) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(9) Xem: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (dịch), Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.48.
(10) Xem thêm: Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.530-542.
(11) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.175-176.
(12) Xem: Trịnh Tiến Việt, Hoàn thiện quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 2015 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Tạp chí Pháp luật về Quyền con người, số 01/2021, tr.48-51.
(13) Lưu ý, trước đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có các văn bản hướng dẫn quy định hướng dẫn vấn đề này nhưng là cụm từ “tương xứng”, còn bây giờ là sử dụng “cần thiết” như: Chỉ thị số 07/CT ngày 22/12/1983 về việc xét xử các hành xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ; Phần II Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985”, gần đây là Tài liệu hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015, nhưng chưa có văn bản pháp quy giải thích chính thức như thế nào là “cần thiết”...
(14) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45..
(15) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45.
(16) Xem: Trịnh Tiến Việt, TNHS và loại trừ TNHS, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.352-353.