Sáng 08/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam” nhân kỷ niệm 75 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993. GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, PGS.TS. Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương; các Viện nghiên cứu, Trường đại học; các đơn vị chức năng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi nhấn mạnh, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người có ý nghĩa lớn lao, vượt thời đại, là một trong những bước tiến vĩ đại của quá trình văn minh hoá toàn cầu, bởi các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn đã đặt cơ sở nền tảng lịch sử, chính trị, pháp lý và đạo đức cho việc ghi nhận các giá trị phổ quát của quyền con người trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Đặc biệt, sau khi Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993 được thông qua, thông điệp mạnh mẽ “tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” của Tuyên ngôn đã không ngừng được ghi nhận, phát triển và hiện thực hoá đến mọi khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhờ đó, cuộc đấu tranh vì quyền con người của nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với Việt Nam, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, kế thừa và phát triển trong các Văn kiện Đại hội của Đảng qua các thời kỳ, gần đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là: “Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.”

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật về quyền con người, từng bước nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế về quyền con người vào Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 là một cột mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực hiến định các chuẩn mực về quyền con người của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, trong đó, đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản.

Để Hội thảo đạt được những kết quả thiết thực và có giá trị khoa học, GS.TS. Lê Văn Lợi đề nghị các nhà khoa học và đại biểu tập trung làm rõ, sâu sắc hơn một số nội dung: tiếp tục làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị thời đại của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và ý nghĩa đối với Việt Nam; phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trong thời gian qua; phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh hiện nay; thảo luận đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người…

Hội thảo đã nhận gần 50 bài viết có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực quyền con người trong bối cảnh hiện nay. Tại Hội thảo, các bài tham luận đã khẳng định giá trị, tầm quan trọng của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993 cũng như những thành tựu đã đạt được của nhân loại kể từ sau sự ra đời của các văn kiện này. Nhiều tham luận và ý kiến thảo luận đã nêu bật những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người thể hiện ở các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như quá trình nội luật hoá các điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó, tập trung làm rõ kết quả bảo đảm từng quyền con người cụ thể như quyền được chăm sóc sức khoẻ, tự do ngôn luận, quyền về an sinh xã hội hay quyền của các nhóm trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Các nhà khoa học, đại biểu tham gia cũng đã thảo luận về những thách thức đặt ra đối với việc bảo đảm quyền con người trong quá trình phát triển của Việt Nam, nhằm đạt được sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Lê Hữu Đạt
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh