Bài viết phân tích yêu cầu và thực trạng pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay; từ đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong tình hình mới.

Toàn cảnh Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương 
Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Nguồn: baochinhphu.vn.

1. Đặt vấn đề
Hoàn thiện thể chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Theo đó, quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và cơ bản được đảm bảo thông qua các quy định pháp luật giúp cho việc triển khai thực hiện trên thực tế hiệu quả hơn. Điển hình, tại Điều 3 Hiến pháp năm 2023 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua, Nghị quyết số 27-NQ/TW kết luận: “Cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập của đất nước”. Cụ thể, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay chưa đạt hiệu quả do một số nguyên nhân như: cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa được quy định cụ thể; một số đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân chưa được ban hành; quá trình nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân chưa đầy đủ so với các cam kết; thực trạng thi hành pháp luật về quyền con người, quyền công dân còn xảy ra vi phạm.
Do đó, trước yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII yêu cầu: Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Yêu cầu hoàn thiện thể chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW  của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Khóa XIII
a) Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Biểu hiện là quyền con người, quyền công dân không chỉ dừng lại ở những chủ trương, định hướng của Đảng mà còn được thể chế hóa trong đạo luật cơ bản của quốc gia với tính pháp lý cao nhất - Hiến pháp. Minh chứng là, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân tại Chương II với tên gọi “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” gồm 18 điều; Hiến pháp năm 1959 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương III với tên gọi “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” gồm 21 điều; Hiến pháp năm 1980 ghi nhận các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương V với tên gọi “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” gồm 29 điều. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên quy định về chế định quyền con người trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý, nhận thức lại về chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước1. Đến Hiến pháp năm 2013, có thể nói đây là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của Hiến pháp trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, trong khi Hiến pháp năm 1992 xem quyền con người đồng nhất với quyền công dân2 thì Hiến pháp năm 2013 đã tách biệt hẳn nội dung quyền con người ra khỏi quyền công dân, thể hiện sự phân biệt giữa hai nhóm quyền và đồng thời ghi nhận bổ sung một số quyền con người mới phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như: quyền sống (Điều 21); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); quyền hưởng an sinh xã hội (Điều 34),...
Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất quy định về quyền con người, quyền công dân. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, việc chưa có một cơ chế bảo vệ Hiến pháp cụ thể đã dẫn đến còn một số văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến3, ảnh hưởng đến việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, nhằm bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu, cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp là yêu cầu tiên quyết để bảo vệ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 
b) Xây dựng các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền công dân trên cơ sở chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp
Theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, thì hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ là một trong sáu định hướng lớn hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia. Do đó, trong hơn 10 năm từ 2005 – 2017, Quốc hội khóa XII và XIII đã ban hành 45 luật và 01 pháp lệnh có nội dung liên quan đến bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tổng số 179 luật và 28 pháp lệnh được ban hành (chiếm khoảng 22,2%)4. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 cơ bản đều được thể chế hóa ở cấp độ luật và pháp lệnh; chất lượng của các văn bản này ngày càng được nâng cao, từng bước phát huy vai trò tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn một số nội dung liên quan đến đảm bảo quyền con người, quyền công dân triển khai còn chậm. Nếu so sánh trong bức tranh tổng thể với các định hướng hoàn thiện pháp luật khác thì quá trình hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân diễn ra chậm. Sự chậm trễ được thể hiện trong việc chậm ban hành luật, chậm đổi mới luật, chậm hướng dẫn thi hành luật, chậm trong tổ chức thực thi5. Điển hình như Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trên cơ sở đó, một số đạo luật đã được xây dựng và ban hành như: Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin… Tuy nhiên, 02 đạo luật là Luật về Hội, Luật Biểu tình vẫn chưa được ban hành. Bên cạnh đó, đối với nội dung về bảo vệ và bảo đảm quyền cho một số đối tượng như người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), công dân đi lao động ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài,… chưa được quy định cụ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ quyền con người, quyền công dân của những nhóm đối tượng này. Tóm lại, việc xây dựng và ban hành chậm trễ các văn bản pháp luật liên quan đã ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện một số nhóm quyền con người và quyền công dân6. Do đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã yêu cầu, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân toàn diện, cụ thể và rõ ràng sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.
c) Nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người
Việt Nam mặc dù đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cốt lõi và quan trọng về quyền con người7, tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam còn chậm và nhiều bất cập. Kết quả nghiên cứu, rà soát và phân tích so sánh giữa các quy định của pháp luật hiện hành với Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập cho thấy, vẫn còn nhiều quy định trong các đạo luật hiện hành chưa tương thích với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các công ước8. Điển hình như việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia (một nội dung mà Việt Nam cam kết thực hiện khi ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc) vẫn chưa được thành lập. Bên cạnh đó, thực trạng chậm nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người còn được thể hiện qua thực tế rằng Việt Nam còn bảo lưu nhiều điều khoản của các công ước đã tham gia, ví dụ như bảo lưu khoản 1 Điều 48 Công ước về quyền dân sự chính trị và khoản 1 Điều 26 Công ước về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966; Điều 11 Công ước Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Điều 17 Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Điều 5 Công ước về Không áp dụng các hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại năm 1968,...9
d) Thực trạng tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Bên cạnh thực trạng cơ sở pháp lý còn chưa đầy đủ và cụ thể thì việc tổ chức triển khai, thực thi pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền công dân cũng cần được xem xét. Theo đó, việc tổ chức thực thi pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền công dân hiện nay chưa quan tâm đúng mức, bộc lộ nhiều bất cập. Ví như đối với quyền tiếp cận thông tin của người dân, kết quả điều tra của Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, cho thấy chưa có địa phương nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết đã nhận được thông tin họ cần10. Hay đối với quyền tự do kinh doanh của người dân đôi khi cũng bị hạn chế do những hành vi nhũng nhiễu, giấy phép con, chi phí không chính thức khi gia nhập thị trường,...
Bên cạnh việc tổ chức thực thi pháp luật chưa đảm bảo yêu cầu, thì việc thiếu một thiết chế độc lập và chuyên trách chịu trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, hiện nay việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức. Thực trạng này làm hạn chế hiệu quả phối hợp, tiếp nhận, xử lý cũng như gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận và đề nghị hỗ trợ, giải quyết các hành vi vi phạm về quyền con người, quyền công dân.
3. Kết luận
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những đặc trưng cốt lõi của Nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Do đó, hoàn thiện thể chế về bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một đòi hỏi tất yếu và khách quan trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới, cần xúc tiến xây dựng một cơ chế bảo vệ Hiến pháp cụ thể; sớm xây dựng và ban hành các đạo luật và các văn bản pháp luật khác liên quan đối với quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013; đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng một thiết chế chuyên trách chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân./.
 

Đinh Tấn Phong

Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 3/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Mai Hồng Quỳ, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam và định hướng đổi mới, Tạp chí Luật học, số 7, 2012, tr.49.
(2) Điều 50 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.
(3) https://tuoitre.vn/van-con-ne-nang-trong-xu-ly-van-ban-699345.htm, truy cập 26/4/2023.
(4) Nguyễn Văn Cương (chủ biên), Nhu cầu hoàn thiện pháp luật đến năm 2030, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 184.
(5) Nguyễn Văn Cương (chủ biên), sđd, tr. 188.
(6) Nguyễn Văn Cương (chủ biên), sđd, tr. 190.
(7) https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/viet-nam-da-tham-gia-hau-het-cong-uoc-ve-quyen-con-nguoi-71189, truy cập 26/4/2023.
(8)  Nguyễn Văn Cương (chủ biên), sđd, tr. 189.
(9)  Phạm Thị Bắc Hà, Bảo lưu điều ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16, 2018, tr.17.
(10) CECODES, VFF-CRT, RTA & UNDP, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023, tr.57.