Hiện nay, trẻ em ngày càng có điều kiện học tập, giao lưu, chia sẻ và có nhiều sản phẩm sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình. Trong những cuộc thi để tìm kiếm tài năng sáng tạo của các doanh nghiệp, sự tham gia của trẻ em ngày càng nhiều, sau mỗi cuộc thi như vậy, ngoài việc được vinh danh trao giải và nhận giải thì hầu hết trẻ em chưa quan tâm tới việc bảo vệ tác phẩm của mình dưới góc độ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Bài viết phân tích về quyền bảo hộ tác giả của trẻ em và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả của trẻ em nhằm bảo đảm công cụ pháp lý chặt chẽ, an toàn trong bảo vệ các quyền trẻ em.

Ảnh minh họa. Nguồn: hcmcpv.org.vn

1. Sự cần thiết và cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tác giả của trẻ em ở Việt Nam hiện nay

Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, hoạt động của mỗi doanh nghiệp, cá nhân. Ở Việt Nam, thời gian qua, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng của một số doanh nghiệp, cá nhân chưa đầy đủ; việc bảo vệ, khai thác tài sản sở hữu trí tuệ, nhất là tài sản trí tuệ của trẻ em còn nhiều hạn chế. Do vậy, đã không thúc đẩy được sự sáng tạo của trẻ em hoặc vi phạm việc bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ của trẻ em.

Sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Nhà nước đã ban hành khung pháp lý bảo hộ tài sản trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sáng tạo nhiều hơn bởi bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ đảm bảo quyền (quyền nhân thân và quyền tài sản) của chủ sở hữu đối với sản phẩm mà mình sáng tạo ra. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của trẻ em nói chung và quyền tác giả của trẻ em nói riêng để tránh xâm phạm quyền sẽ góp phần phát huy, khuyến khích sự sáng tạo của trẻ em, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của trẻ em vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kĩ thuật, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Đồng thời, sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, v.v.. Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên, trong đó  có 2 quyền thường được nhắc đến là quyền tài sản và quyền nhân thân.

Quyền tác giả là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

 Các đối tượng của quyền tác giả cùng với chủ thể của quyền tác giả là mục tiêu bảo hộ của Công ước Berne năm 1891, Hiệp định TRIPS năm 1993, Hiệp định Wipo năm 1996 và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Việt Nam đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, bảo vệ quyền trẻ em, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả của trẻ em nói riêng đã được quy định trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Thứ nhất, bảo vệ quyền tác giả của trẻ em bằng pháp luật quốc tế

Việt Nam đã tham gia nhiều văn bản pháp luật quốc tế về quyền tác giả của trẻ em.

Việt Nam đã tham gia Công ước Paris năm 1883 về sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid năm 1891 về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Hiệp định về hợp tác bằng sáng chế năm 1970, Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, tổ chức ghi âm và tổ chức phát song, Hiệp định TRIPS năm 1993 về khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả được ký kết năm 1996 và có hiệu lực năm 2002. Ngày 17/11/2021, Việt Nam đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước WIPO (the WIPO Copyright Treaty - WCT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trở thành thành viên thứ 111 của WCT. Các quy định của WCT sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam sau 3 tháng kể từ ngày văn bản được giao cho Tổng giám đốc WIPO, vào ngày 17/02/2022. Hiệp ước là một hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Hiệp định TRIPS quy định những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu đối với các quyền sở hữu trí tuệ như quyền sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan và các đối tượng sở hữu trí tuệ khác và đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện các quyền đó. Hiệp định TRIPS có hiệu lực với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO (năm 2007).

Thứ hai, bảo vệ quyền tác giả của trẻ em bằng pháp luật trong nước

Nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế, Việt Nam đã sớm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền tác giả của trẻ em như: Luật Trẻ em năm 2016; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022;  Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”. Thông qua các hoạt động vui chơi, các diễn đàn, các sân chơi bổ ích, an toàn, trẻ em sáng tạo ra những sản phẩm hoặc được đặt mình vào những tình huống nhiều khi giống với ngoài đời thật và có những phản ứng linh hoạt đối với các tình huống đó. Không chỉ là vui chơi thuần túy, mà qua đó các em rèn luyện kỹ năng sống, trang bị kiến thức để đối phó với những “bài toán” của cuộc sống. Vui chơi giúp trẻ em tương tác với môi trường vật chất và xã hội xung quanh, tạo sự phấn khích, thoải mái, vận động, có lợi cho sức khỏe và cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, đồng thời, kích thích khả năng sáng tạo, lao động trí tuệ của trẻ em. Chính vì thế, trẻ em có quyền tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch. Quyền tham gia của trẻ em giúp các em được đóng góp ý kiến và được lắng nghe trong quá trình ra quyết định của người lớn liên quan đến việc vui chơi, giải trí của  các em.

Việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ và là hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Điều quan trọng nữa là tạo ra sự phù hợp của các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả với các chuẩn mực quốc tế, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, hệ thống các chế tài về hành chính, dân sự và hình sự đã được ban hành nhằm bảo đảm thực thi  các quy định pháp luật về quyền tác giả. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nâng mức hình phạt đối với các hành vi thuộc tội phạm quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng và hình phạt tù tới 3 năm. Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã cụ thể hóa các hành vi vi phạm và nâng mức phạt từ 250 – 500 triệu đồng. Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hoá và quảng cáo, làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo Nghị định này, các mức chế tài được điều chỉnh khá nhiều so với quy định cũ nhằm giáo dục,răn đe các hành vi vi phạm, thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy có thể khẳng định rằng, chúng ta đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và an toàn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng khi hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những quy định của pháp luật về quyền tác giả của trẻ em khó áp dụng hoặc bộc lộ nhiều bất cập, thiếu công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các sản phẩm sáng tạo, lao động trí tuệ của trẻ em.

Một là, mâu thuẫn trong thời điểm căn cứ xác lập quyền tác giả với căn cứ thực thi để được hưởng quyền tác giả và các quyền liên quan quyền tác giả trên thực tế. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.Như vậy, căn cứ xác lập quyền tác giả trong trường hợp này là khi tác phẩm được sáng tạo nhưng để được hưởng những quyền lợi hợp pháp phát sinh từ những quyền trên như được trả kinh phí, chuyển nhượng quyền,... thì bắt buộc phải có căn cứ chứng minh thông qua Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả) sau khi đã thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp sẽ lợi dụng, sử dụng tác phẩm của các em mà không trả phí hoặc thậm chí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhưng các em không biết. Như vậy, sau khi doanh nghiệp được bảo hộ với tư cách chủ sở hữu của quyền tác giả thì chính trẻ em sử dụng sản phẩm của mình lại là người phải chịu phí, thậm chí còn bị cho là đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai là, về cơ chế bảo hộ quyền tác giả của trẻ em

Theo khoản 1 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, “Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan”.

Khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Căn cứ các quy định trên, trong quá trình thẩm định sản phẩm để cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyên tác giả của trẻ em, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ rà soát trong phạm vi đối tượng đã đăng ký bảo hộ cùng loại trước đó xem có bị trùng hay tương tự… hay không để thông qua. Điều này vô tình đã bỏ qua đối tượng trẻ em là chủ thể có quyền thực sự khi chưa biết hoặc biết nhưng không thể hoặc chậm trễ thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền tác giả trước đó. Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có kinh nghiệm, khả năng và sự chủ động thực hiện cao hơn trẻ em rất nhiều nếu cố ý muốn đánh cắp quyền tác giả của trẻ em. Quyền ưu tiên bảo hộ quyền tác giả thuộc về chủ thể nộp đơn đăng ký trước hoặc được cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng bảo hộ trước.

Bên cạnh đó, trẻ em còn là người thừa kế những quyền tài sản liên quan đến các đối tượng của quyền tác giả và các quyền khác. Tuy nhiên, về cơ chế thực hiện quyền thừa kế (đơn đăng ký, thời hạn thực hiện) chưa có quy định pháp luật phù hợp đối với trẻ em chưa biết hoặc tự mình thực hiện. Đặc biệt trong trường hợp tác giả chưa thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thì việc trẻ em (người thừa kế của tác giả) thực hiện được thủ tục hưởng quyền là rất khó khăn. Qua những bất cập này có thể nhận thấy rõ, trẻ em khi là chủ thể hoàn toàn của quyền tác giả và các quyền liên quan, Nhà nước là chủ thể hoàn toàn của nghĩa vụ đảm bảo thực hiện quyền tác giả và các quyền liên quan quyền tác giả của trẻ em thì quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và những ưu tiên về chính sách đặc thù cho nhóm đối tượng trẻ em trong quá trình hưởng quyền còn nhiều hạn chế. Phần lớn trẻ em muốn được hưởng quyền đều phải tự mình thực hiện các thủ tục theo  quy định như công dân thành niên hay như những tổ chức doanh nghiệp khác.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả của trẻ em ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế bảo hộ quyền tác giả riêng phù hợp, có sự ưu tiên đối với trẻ em về: cách thức đăng ký, thời hạn đăng ký quyền tác giả của trẻ em. Nếu trẻ có căn cứ chứng minh được tác phẩm của mình thông qua hoạt động của các hội thi, hội diễn công khai chính thức thì sẽ có quyền ưu tiên trong việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả hoặc khởi kiện bác bỏ những sự xác lập quyền do bị đánh cắp.

Quy định rõ chủ thể có thẩm quyền trong việc thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả cũng như hỗ trợ trẻ em hưởng quyền thừa kế là quyền tác giả. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực thi quyền tác giả của trẻ em thông qua hoạt động giáo dục. Nhà nước ban hành các quy định, quy chế chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đưa nội dung giảng dạy về quyền tác giả của trẻ em một cách phù hợp ở các cấp và bậc học giúp trẻ em có nhận thức đúng đắn về quyền tác giả và các quyền liên quan mà mình được hưởng (Quyền tác giả của của các em là gì? Các yếu tố ảnh hưởng? Nhận diện các hành vi xâm hại quyền tác giả của mình? Các em cần phải làm gì khi bị xâm hại quyền đó?) cũng như cơ chế bảo vệ khi cần (thực hiện như thế nào? nhận được sự hỗ trợ từ ai?). Bởi lẽ, khi chủ thể được hưởng quyền có ý thức sâu sắc, rõ ràng về quyền của mình và bảo vệ quyền đó sẽ giúp ngăn chặn sự xâm phạm từ những chủ thể khác mà nhiều khi mình không biết hoặc biết nhưng không thể làm gì.

Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi cũng như có những hành động trực tiếp khẩn trương để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của trẻ em. Văn phòng sở hữu trí tuệ Anh (IPO) mới đây đã tung ra nhiều tài nguyên và video giảng dạy nhằm giúp trẻ em 7-11 tuổi biết về các vấn đề như ăn cắp bản quyền, bằng sáng chế và thương hiệu. IPO cho rằng học sinh tiểu học nên được dạy về luật bản quyền và sở hữu trí tuệ trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội đang gia tăng mạnh mẽ. Trẻ em bắt đầu sử dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng sớm hơn vì thế chờ khi các em trở thành thiếu niên mới dạy về sự tôn trọng luật bản quyền là đã quá trễ1.

Thứ hai, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền tác giả của trẻ em phù hợp, thích đáng đủ để răn đe, phòng ngừa.

Thứ ba, hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả của trẻ em thực hiện theo quy trình chung như các chủ thể khác. Vì vậy, cần thiết ban hành quy trình, thủ tục (các quy định của pháp luật hình thức) riêng đối với trẻ em để các em có thể tự đăng ký theo độ tuổi phù hợp với các giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành; nhà nước bảo đảm thực hiện bảo hộ quyền tác giả của trẻ em. Ví dụ, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Căn cứ quy định này, có thể quy định trẻ em đủ 15 tuổi cũng có thể tự mình đăng ký bảo hộ quyền tác giả mà không phải ủy quyền hay thông qua người đại diện, người giám hộ.

Mục đích cuối cùng của việc bổ sung những quy định trên là hướng đến tính hiệu quả trong công tác bảo hộ quyền tác giả của trẻ em với tư cách là người trực tiếp lao động trí óc, sáng tạo các sản phẩm để tạo nên quyền sở hữu trí tuệ của mình.

TS. Tăng Thị Thu Trang

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) https://tuoitre.vn/anh-day-hoc-sinh-tieu-hoc-ve-so-huu-tri-tue-20180123122132909.htm.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Trẻ em năm 2016 
2. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022
3. Luật An ninh mạng năm 2018
4. Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989
5. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em
6. Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
7. Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức ngày 30/8/2019, tại Hà Nội.
8. https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-582802.html
9. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/anh-tao-la-chan-cho-tre-em-tren-khong-gian-mang-671591
10. https://tuoitre.vn/anh-day-hoc-sinh-tieu-hoc-ve-so-huu-tri-tue-20180123122132909.htm.