Hiến pháp hiện hành khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Có thể nói, bảo vệ và bảo đảm quyền con người luôn là nội dung trọng tâm trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, mà trong đó giáo dục quyền con người là quốc sách hàng đầu. Bài viết trình bày khái niệm, mục tiêu và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người nói chung; sơ lược về giáo dục quyền con người tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm.
1. Khái niệm, mục tiêu và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người
Quyền con người là một phạm trù đa diện, do đó có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Liên Hiệp Quốc, có đến gần 50 định nghĩa về quyền con người đã được công bố[1]. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền (OHCHR), quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu nhằm bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến tự do, nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người[2]. Theo quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin thì quyền con người là “những đặc tính xuất phát từ phẩm giá và nhu cầu vốn có của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm”.[3] Về góc độ pháp lý, người ta cho rằng quyền con người là phẩm giá, năng lực, nhu cầu và lợi ích hợp pháp của con người được thể chế, bảo vệ bởi luật quốc gia và luật quốc tế[4]. Mặc dù chưa có sự thống nhất về mặt định nghĩa, nhưng quyền con người đã được xem như một giá trị pháp lý cơ bản, quan trọng và phổ quát của nhân loại, được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Liên Hợp Quốc cũng như của mỗi quốc gia. Mức độ bảo vệ và bảo đảm thực thi các quyền con người cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ văn minh, dân chủ, tiến bộ của một xã hội.
Tại Việt Nam, cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo từ đầu thế kỷ XX đến nay không có mục đích gì khác hơn là giành và giữ các quyền con người cho toàn thể dân tộc và cho mỗi người dân Việt Nam[5]. Vì vậy mà Hiến pháp đã hiến định một trong ba mục tiêu căn bản của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3 Hiến pháp năm 2013). Với tinh thần luôn đặt quyền con người, quyền công dân là trọng tâm, ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam luôn nỗ lực, tiên phong trong việc gia nhập các điều ước quốc tế tiến bộ về quyền con người như Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em;… Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc để thực thi các quyền con người trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (ứng cử viên duy nhất đại diện cho khối ASEAN).
Việc là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người cũng đồng thời đặt ra nghĩa vụ cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế trên lĩnh vực này, trong đó có nghĩa vụ về giáo dục quyền con người. Trong Chương trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) giai đoạn 3, Việt Nam đã nhận được nhiều khuyến nghị liên quan đến tăng cường giáo dục về quyền con người tại các cơ sở giáo dục[6]. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra: Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó nêu rõ giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người.
Giáo dục quyền con người (human rights education) được hiểu là những hoạt động giảng dạy, tập huấn và phổ biến thông tin về quyền con người[7]. Mục tiêu phổ quát của giáo dục quyền con người là “nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và các tự do căn bản và qua đó đóng góp trở lại với việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách chung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ và hành xử, để trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một văn hóa toàn cầu về nhân quyền” (Điều 2 Tuyên ngôn Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người). Cũng như mọi chương trình giáo dục khác, giáo dục quyền con người cho những đối tượng khác nhau, ở những cấp học khác nhau thì tất yếu sẽ đặt ra mục tiêu cụ thể khác nhau. Giáo dục nhân quyền ở các cấp phổ thông nhằm hình thành khái niệm, nhận thức và thái độ đúng đắn của trẻ vị thành niên đối với các vấn đề về quyền con người; còn mục tiêu của giáo dục quyền con người ở cấp độ đại học, đặc biệt là các trường có đào tạo ngành luật, là để đào tạo các chuyên gia pháp lý có kiến thức và am hiểu sâu rộng về quyền con người, có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền của bản thân và những người xung quanh.
2. Sơ lược về giáo dục quyền con người trong các chương trình đào tạo tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Đối với bậc cử nhân, hiện nay Đại học Luật Tp HCM có 05 ngành đào tạo: Luật, Quản trị luật, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý) và Luật thương mại quốc tế. Trong đó, nội dung quyền con người được đề cập trong tất cả chương trình đào tạo của các ngành, nhưng ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào thiết kế các môn học phù hợp với mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình.
Nội dung quyền con người được đề cập trong các môn học bắt buộc như Lý luận nhà nước và pháp luật và Luật Hiến pháp Việt Nam. Một số môn học tự chọn có đề cập đến quyền con người như Luật Hiến pháp nước ngoài, Pháp luật quốc tế về quyền con người. Các môn tự chọn này chỉ dành cho các ngành Luật và Luật thương mại quốc tế, với thời lượng là 30 tiết (2 tín chỉ). Riêng sinh viên lớp Chất lượng cao Hành chính – Tư pháp được học môn Human Rights and citizens’ rights bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, vì là lớp chất lượng cao nên số lượng sinh viên các khóa không nhiều (trung bình dao động từ 20 đến 50 sinh viên). Ngoài ra, quyền con người trong các lĩnh vực cụ thể cũng được đề cập trong tất cả các môn học tương ứng liên quan đến lĩnh vực đó, ví dụ như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm được đề cập trong môn Luật Hình sự, quyền làm việc, nghỉ ngơi được đề cập trong môn Luật Lao động, quyền sở hữu tư nhân, quyền thừa kế được đề cập trong môn Luật Dân sự,… Nhìn chung, việc đề cập các quyền trong các môn học kể trên tương đối sơ lược, khái quát, không đi vào phân tích bản chất của từng quyền. Sự thiếu vắng môn học riêng về quyền con người trong chương trình cử nhân cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảng dạy nội dung này trong chương trình cao học.
Đối với bậc cao học, môn học Quyền con người, quyền công dân chỉ được đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Nội dung của môn học kéo dài 30 tiết (2 tín chỉ), xoay quanh 06 chuyên đề:
1. Giới thiệu quyền con người, quyền công dân;
2. Lý luận về quyền con người;
3. Khái quát về quyền con người, quyền công dân;
4. Cơ sở pháp lý của quyền con người, quyền công dân;
5. Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
6. Một số quyền cụ thể.
Mục tiêu chủ yếu của môn học là trang bị hiểu biết và kiến thức chuyên sâu cho người học về quyền con người, quyền công dân, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người thông qua các cơ chế bảo vệ và bảo đảm quyền con người của Liên hợp quốc, thông qua cơ quan nhân quyền của các quốc gia, và thông qua hành động cụ thể của từng chủ thể. Bên cạnh đó, môn học cũng hướng đến góp phần nâng cao nhận thức của người học về những giá trị văn minh, bình đẳng, tiến bộ của nhân loại, trong đó mọi người nhận thức về các quyền và trách nhiệm của bản thân trong việc tôn trọng các quyền của người khác.
Bởi quyền con người là một lĩnh vực đa diện và đa ngành, nên tài liệu học tập cũng rất phong phú: Một là, những lý luận, học thuyết, quan điểm chính trị - pháp lý về quyền con người được thể hiện trong những tác phẩm kinh điển của nhân loại, đặc biệt là những tác phẩm của các nhà Marxist kinh điển. Đây là nguồn tài liệu chính phục vụ cho các nội dung về lý luận về quyền con người. Hai là, các văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người do Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, và các quốc gia tiến bộ ban hành. Đây là các học liệu trang bị cho học viên hiểu biết chung về khung pháp lý về quyền con người trên thế giới và ở những quốc gia cụ thể. Ba là, các báo cáo, số liệu và khuyến nghị về quyền con người dành cho những quốc gia, những vùng lãnh thổ cụ thể. Đây là nguồn tài liệu cho học viên hiểu thêm về thực tiễn thực thi quyền con người trên thế giới và ở các quốc gia. Bốn là, các bản Hiến pháp trong lịch sử lập hiến Việt Nam và những quy phạm có liên quan đến quyền con người nhằm giúp học viên nắm bắt được tiến trình phát triển trong nhận thức và đảm bảo quyền con người trong lịch sử nước ta.
Trong chương trình đào tạo thạc sĩ các ngành khác, nội dung quyền con người vẫn được đề cập trong các môn học cụ thể, nhưng chỉ được nghiên cứu sơ lược trong phạm vi những lĩnh vực nhất định như quyền của bị can, bị cáo trong Luật Tố tụng hình sự, quyền của người lao động trong Luật Lao động, quyền con người trong các FTAs thế hệ mới trong Luật Thương mại quốc tế,… chứ không thể có sự nghiên cứu toàn diện như trong môn học Quyền con người, quyền công dân.
ThS. Vũ Lê Hải Giang
Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1] United Nations, OHCHR (1994), Human Rights: Question and Answers, Geneva, p. 4
[2] United Nations, OHCHR (2006), Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, p. 1
[3] Đặng Dũng Chí – Hoàng Văn Nghĩa (2014), Chủ nghĩa xã hội và quyền con người, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr. 15
[4] Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Quốc Tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 139
[5] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên) (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 19
[6] Xem thêm tài liệu só A/HRC/41/7 về khuyến nghị của các quốc gia dành cho Việt Nam trong tiến trình UPR giai đoạn 3 vào năm 2019 https://uhri.ohchr.org/en/document/7c642d38-448f-44bc-a1a2-3cd8cb6d29ae, truy cập ngày 03/09/2022
[7] Xem thêm, Đoạn 11 Nghị quyết A/52/469 ngày 20-10-1997 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đoạn 11, https://digitallibrary.un.org/record/246049?ln=en, truy cập ngày 25/08/2022