Học viện Chính trị khu vực IV thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 18/4/2006, đến nay đã trải qua hơn 16 năm xây dựng và phát triển, có những đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện.

Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân

1. Khái quá hoạt động giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV

a) Khái quát hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV

Học viện Chính trị khu vực IV thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 18/4/2006, đến nay đã trải qua hơn 16 năm xây dựng và phát triển, có những đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện.

Trong hơn 16 năm qua, Học viện IV luôn hoàn thành chỉ tiêu đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị; trong đó có 102 lớp hệ tập trung (5339 học viên), 86 lớp hệ không tập trung (9247 học viên) và 15 lớp hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị với 1510 học viên[1]. Công tác tuyển sinh các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện IV được thực hiện theo đúng kế hoạch, đối tượng và chỉ tiêu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh giao hằng năm; công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng luôn được đổi mới. Những năm qua, Học viện IV đã tích cực xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các tỉnh thành để hoàn thành 2 ký túc xá (83 phòng nghỉ) dành cho học viên. Chính những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Chính trị khu vực IV. Trong đó, kết quả học tập, rèn luyện của học viện các lớp cao cấp lý luận chính trị đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:

- Đối với hệ không tập trung

Các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tiếp tục gia tăng quy mô về số lớp, từ 4 lớp đã tăng lên 10 lớp, các lớp đa số đặt tại Trường Chính trị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đa số các học viên đều tham gia đến hết khoá học (trừ một số trường hợp vì lý do công việc, lý do cá nhân phải xin nghỉ học); kết quả học tập, rèn luyện toàn khoá đạt kết quả tốt, đa số học viên đạt kết quả học tập khá, giỏi, xuất sắc trở lên, trong đó giỏi và xuất sắc gần 10%, khá trên 75%, còn lại là trung bình khá và trung bình; chỉ có một số trường hợp (chiếm khoảng dưới 1%) không kịp tốt nghiệp cùng khoá vì lý do cá nhân và công việc, tuy nhiên sau đó đã kịp thời thi tốt nghiệp (hoặc bảo vệ đề án tốt nghiệp) cùng với khoá sau và tốt nghiệp cùng với khoá sau.

Biểu đồ 1: Kết quả học tập của các lớp Cao cấp lý luận chính trị không tập trung giai đoạn 2006-2022

Nguồn: Xử lý từ số liệu của Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị khu vực IV

- Đối với hệ tập trung

Các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung cũng gia tăng quy mô lớp từ 3-4 lớp lên 10 lớp vào những năm gần đây; đặc biệt một số lớp hệ tập trung đã từng bước được chuyển về học tại Học viện Chính trị khu vực IV khi hệ thống lớp học, ký túc xá được đưa vào sử dụng, đến nay đa số các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung đã đưa về học tập tại Học viện.

Điều này giúp cho chất lượng học tập, rèn luyện của học viên ngày một tốt hơn, thực tế, số lượng học viện học tập và rèn luyện xếp loại giỏi và xuất sắc đạt gần 20%; xếp loại khá trên 75%, trung bình khá trên 6 % và trung bình chỉ 0,16%. Hầu hết các học viên đều được tốt nghiệp đúng thời hạn theo khoá học của mình.

Biểu đồ 2: Kết quả học tập của các lớp Cao cấp lý luận chính trị tập trung giai đoạn 2006-2020

Nguồn: Xử lý từ số liệu của Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị khu vực IV

- Đối với các lớp hoàn chỉnh

Từ năm 2018, Học viện IV đảm nhận mở các lớp hoàn chỉnh cao cấp, một số lớp được mở tại Học viện IV, một số lớp được mở tại địa phương. Nhìn chung, học viên các lớp học tập và rèn luyện tốt, kết quả xếp loại học viện đạt loại giỏi hơn 9%, xếp loại khá hơn 88%, còn lại là trung bình khá, không có học viên xếp loại xuất sắc.

Biểu đồ 3: Kết quả học tập của các lớp Hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị không tập trung giai đoạn 2018-2020

Nguồn: Xử lý từ số liệu của Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị khu vực IV

b) Hoạt động giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV

Triển khai chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện Chính trị khu vực IV đã thực hiện nội dung hoạt động giáo dục quyền con người:

(1) Lồng ghép hoạt động giáo dục quyền con người trong các môn học:

Trước năm học 206-2017, hoạt động giáo dục quyền con người trong các môn học chủ yếu lồng ghép trong các môn học của chương trình cao cấp lý luận chính trị (690 tiết trên lớp, 210 tiết thảo luận và thực hành, 305 tiết tự nghiên cứu, kiểm tra và thi 95 tiết, tiểu luận 20 tiết, đi thực tế 100 tiết)[1], như: môn Nhà nước và Pháp luật (135 tiết); Triết học Mác – Lênin (110 tiết); Chủ nghĩa xã hội khoa học (95 tiết); Tư tưởng Hồ Chí Minh (60 tiết); v.v.. đặc biệt là môn Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội (150 tiết), trong đó bao gồm 20 tiết (15 tiết học, 5 tiết thảo luận) về Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người.

(2) Kết hợp giữa lồng ghép các môn học chung với môn học riêng về quyền con người:

Từ năm học 2017-2018 trở đi, chương trình cao cấp lý luận chính trị có một số điều chỉnh về môn học, tổng thời gian đào tạo không thay đổi, tuy nhiên một số môn học mới được bổ sung, các môn học trước đây có điều chỉnh về nội dung và dung lượng theo hướng rút ngắn, lược bỏ những nội dung trùng lắp giữa các môn trong, trong đó bổ sung môn lý luận và pháp luật về quyền con người 50 tiết (30 tiết giảng, 5 tiết thảo luận, 10 tiết tự nghiên cứu và 5 tiết thi). Như thế, kể từ năm học này, trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, nội dung giáo dục về quyền con người vừa kết hợp lồng ghép trong các môn như: môn Nhà nước và Pháp luật (85 tiết); Triết học Mác – Lênin (75 tiết); Chủ nghĩa xã hội khoa học (70 tiết); Tư tưởng Hồ Chí Minh (55 tiết); v.v., bên cạnh đó nội dung giáo dục về quyền con người được giảng dạy riêng ở môn học lý luận và pháp luật về quyền con người, gồm 6 bài: (1) Lý luận về quyền con người; (2) Pháp luật quốc tế về quyền con người; (3) Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người; (4) Pháp luật Việt Nam về quyền con người; (5) Cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; (6) Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.

Tài liệu học tập và nghiên cứu là một phần quan trọng trong hoạt động giáo dục quyền con người bởi đây là lĩnh vực còn mới mẻ với Việt Nam nên khi nghiên cứu, giảng dạy và học tập chủ yếu dùng tài liệu tiếng nước ngoài. Hiện nay Thư viện Học viện Chính trị khu vực IV với quy mô hơn 6335 đầu sách, trong đó chỉ có gần 30 đầu sách về quyền con người. Trong khi đó, cơ sở vật chất của Thư viện chưa bảo, phòng đọc chưa đủ tiện nghi vì thế rất ít học viện xuống Thư viện khai thác tài liệu, đặc biệt là tài liệu về quyền con người.

Đội ngũ giảng dạy về môn học lý luận và pháp luật về quyền con người của Học viện IV hiện khá khan hiếm, hiện nay Khoa Nhà nước và pháp luật có 6 giảng viên, trong đó có 2 tiến sĩ luật học, 2 nghiên cứu sinh luật học, 1 nghiên cứu sinh về pháp luật quyền con người. Trong đó, thường xuyên giảng dạy môn học này chỉ có 2 giảng viên (1 giảng viên chính trình độ tiến sĩ luật học, nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người, 1 giảng viên trình độ thạc sĩ luật).

2. Một số nhận xét, đánh giá hoạt động hoạt động giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV

a) Về nội dung

Nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV tiếp tục được hoàn thiện theo hướng ngày càng thiết thực, hữu ích. Đặc biệt, kể từ khi đưa môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người vào trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính, nội dung hoạt động hoạt động giáo dục quyền con người được bổ sung thêm nhiều nội dung mới, đặc biệt là pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam về quyền con người, cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam, tuy nhiên thời lượng giảng dạy môn học này khá khiêm tốn (35 tiết), mỗi bài chỉ có 5 tiết giảng, vì thế giảng viên phải giảng lướt qua nhiều nội dung, không đủ thời gian phân tích sâu.

b) Về phương pháp

Trước đây, hoạt động giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV chủ yếu được nồng ghép trong các môn học, kể từ khi triển khai môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người thì, phương pháp giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị có sự kết hợp giữa lồng ghép với các môn học chung với giảng dạy riêng môn Lý luận và pháp luật về quyền con người.

Nhìn chung, giảng viên đã tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động của người học, đặc biệt áp dụng các phương pháp tình huống, đóng vai để học viên thực hành, làm việc nhóm, đặc biệt là bài đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.

Ngoài ra, Học viện, Khoa Nhà nước và pháp luật tích cực tổ chức các buổi toạ đàm, khoa học về các vấn đề quyền con người, đảm bảo quyền con người gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, do dung lượng mỗi bài giảng rất nhiều nội dung vì thế gây khó khăn cho giảng viên phân bổ thời gian và triển khai thực hiện các biện pháp giảng dạy hiện đại; nhiều giảng viên còn áp dụng biện pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống vì thế chưa phát huy hiệu quả cao trong giáo dục quyền con người.

3. Kết luận và một số khuyến nghị

Để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV cần phải phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những bất cập, hạn chế, tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị đòi hỏi chúng ta phải quán triệt một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục giảng dạy thật tốt các nội dung của môn học lý luận và pháp luật về quyền con người; đồng thời đảm bảo tính linh hoạt và có các phương pháp giảng dạy quyền con người thích hợp, mang tính đặc thù trong đó chú trọng đến các phương pháp giảng dạy hiện đại, phát huy tính tích cực của người học.

Thứ hai, tiếp tục lồng ghép các nội dung giáo dục quyền con người trong các môn học cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV, nhưng ví dụ, minh hoạch cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, minh hoạ về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước suy cho cùng chính là chăm lo tốt đến đời sống của Nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và mục tiêu xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa phồn thịnh, đó chính là nhiệm vụ trung tâm của bảo vệ, bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện Chính trị khu vực IV giảng dạy môn lý luận về quyền con người, trong đó chú trọng đến việc đưa cán bộ đi đào tạo sau đại học chuyên ngành về pháp luật quyền con người; mở rộng đối tượng tham gia tập huấn về quyền con người, không chỉ riêng cán bộ giảng dạy ở khoa Nhà nước và pháp luật.

Thứ tư, tăng cường xây dựng, phát triển hệ thống học liệu, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người; trang bị thêm các đầu sách nghiên cứu về quyền con người; hoàn thiện cơ sở vật chất của Thư viện phục vụ tốt việc khai thác tài liệu của học viên và giảng viên.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu về quyền con người, gắn với thực tiễn ở đồng bằng sông Cửu Long, như tổ chức các toạ đàm, các hội thảo khoa học và hàng năm dành riêng một số lượng nhất định các đề tài nghiên cứu sâu về bảo đảm quyền con người, phát triển con người ở đồng bằng sông Cửu Long; các đề tài về đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch về quyền con người trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo dục quyền con người cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực IV là một trong những nội dung rất quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ, tình cảm của học viên đối với khoa học chính trị, pháp lý, khoa học lãnh đạo, quản lý và thực tiễn đất nước trong quá trình đổi mới. Qua đó củng cố niềm tin cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và Nhân dân làm chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

TS. Đặng Viết Đạt

Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực IV


[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quyết định số 3166/QĐ-HVCTQG về việc ban hành khung chương trình cao cấp lý luận chính trị, ngày 18/7/2014

[2] Thống kê từ Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị khu vực IV