Trong điều kiện nước ta hiện nay, giáo dục quyền con người, quyền công dân là cần thiết để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như thể hiện tinh thần tận tâm thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Môi trường giáo dục là một trong các yếu tố quan trọng và hiệu quả nhất để truyền thụ kiến thức và xây dựng nhân cách con người. Vì vậy, đưa giáo dục quyền con vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nói chung, cũng như của trường Đại học Hải Phòng nói riêng.

2.1 Sự cần thiết của việc đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo ở Việt Nam

Với bản chất tốt đẹp của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người. Điều này đã được khẳng định ngay từ bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc[1]. Kế thừa tinh thần đó, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quyền con người tại Việt Nam là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu về mọi mặt, từ việc đổi mới hệ thống chính trị, cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính cho đến cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế... tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Hiến pháp năm 2013, khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[2].

Ở bình diện quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người cũng như đã và đang nghiêm túc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người. Nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hệ thống pháp luật của nước ta cũng thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm việc quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn các quyền con người cơ bản. Với rất nhiều nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện, mới đây, ngày 11/10/2022 , Việt Nam một lần nữa được bầu và trúng cử với số phiếu cao, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đã khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, đó cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, còn có sự đóng góp có hiệu quả của việc giáo dục quyền con người, nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong xã hội về vấn đề này ở Việt Nam. Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 là sự kiện quan trọng trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam nói chung và giáo dục quốc dân nói riêng với mục tiêu: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Sự thống nhất trong chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã tạo tiền đề lý luận, pháp lý quan trọng cho việc triển khai đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước.

2.2 Thực trạng việc đưa quyền con người vào giảng dạy ở Trường Đại học Hải Phòng

Ở Trường Đại học Hải Phòng, giáo dục quyền con người được coi là một bộ phận của giáo dục pháp luật và được Tổ bộ môn Pháp luật thuộc Khoa Lý luận chính trị triển khai thực hiện thông qua các môn học pháp luật. Hiện nay, nội dung quyền con người được giảng dạy trong môn học Pháp luật đại cương và môn học Pháp luật chuyên ngành dành cho sinh viên ngành Giáo dục chính trị.

2.2.1 Lồng ghép nội dung quyền con người trong môn học Pháp luật đại cương

Môn học Pháp luật đại cương là môn học bắt buộc được giảng dạy cho sinh viên tất cả các ngành đào tạo của Nhà trường với thời lượng 02 tín chỉ (tương đương 30 tiết). Chương trình môn học được biên soạn dựa trên khung chương trình đào tạo chung, phù hợp với đối tượng sinh viên của Nhà trường với 03 mảng kiến thức: Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước; Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật và Một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc lồng ghép nội dung quyền con người vào giảng dạy trong môn học này được triển khai ở cả ba mảng kiến thức trong chương trình nêu trên.

Trong phần nội dung kiến thức lý luận về nhà nước, quyền con người được lồng ghép chủ yếu trong nội dung về Nhà nước Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua phân tích các đặc trưng thể hiện bản chất nhà nước. Thông qua đó khẳng định sự tốt đẹp trong bản chất của nhà nước ta gắn với việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

 Nội dung những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật đề cập tới cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người bằng pháp luật của nhà nước. Ở phần này, giảng viên cũng khai thác các vấn đề về quyền con người trên cơ sở các dẫn chứng về quy phạm pháp luật, các tình huống vi phạm quyền con người hoặc trách nhiệm pháp lý gắn với các hành vi xâm hại quyền con người, quyền công dân.

Đối với nội dung kiến thức về các ngành luật, đây cũng là nội dung có thể triển khai sâu hơn về quyền con người thông qua các quy định pháp luật cụ thể của một số ngành luật cơ bản như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự….

2.2.2 Giảng dạy quyền con người trong môn học Pháp luật chuyên ngành

Ngoài việc lồng ghép giảng dạy về quyền con người trong môn học Pháp luật đại cương, nội dung này còn được đưa vào môn học Pháp luật chuyên ngành dành cho sinh viên ngành Giáo dục chính trị. Với định hướng nghề nghiệp của đối tượng sinh viên ngành Giáo dục chính trị là trở thành giáo viên giảng dạy Kinh tế và Pháp luật, Giáo dục công dân ở các trường phổ thông, môn học Pháp luật chuyên ngành (bao gồm Pháp luật chuyên ngành 1, Pháp luật chuyên ngành 2 với tổng số 7 tín chỉ, tương đương 105 tiết) được xây dựng dựa trên yêu cầu bảo đảm kiến thức để dạy các môn học tương ứng ở phổ thông. Vì vậy, cùng với việc trang bị kiến thức chuyên sâu hơn ở các ngành luật cơ bản, môn học Pháp luật chuyên ngành khai thác sâu nội dung kiến thức về quyền con người, quyền công dân ở các khía cạnh như: quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, quyền tự do kinh doanh... và một số vấn đề cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền con người.  

2.3 Những thuận lợi và hạn chế trong giảng dạy quyền con người ở Trường Đại học Hải Phòng hiện nay

2.3.1 Thuận lợi

Thực hiện chủ trương chung, việc giảng dạy quyền con người tại Trường Đại học Hải Phòng đã được từng bước triển khai thực hiện. Cho đến nay, việc giảng dạy quyền con người đã đạt được mục tiêu đề ra và nhận được sự quan tâm, yêu thích của rất nhiều sinh viên trong nhà trường. Có được kết quả đó là vì việc giảng dạy nội dung này trong nhà trường có nhiều thuận lợi:

Thứ nhất, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao như tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo. Trên cơ sở đó, giảng viên Trường Đại học Hải phòng đã được tham gia hai đợt tập huấn về quyền con người vào tháng 11/2021 và tháng 9/2022. Việc tham gia các lớp tập huấn đã giúp đội ngũ giảng viên của Nhà trường nắm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người và giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục; có hệ thống kiến thức sâu sắc về lý luận về quyền con người, cơ chế bảo đảm quyền con người, được trao đổi về cách thức lồng ghép nội dung quyền con người trong hoạt động giảng dạy một cách có hiệu quả…

Thứ hai, Trường Đại học Hải Phòng luôn quan tâm đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục đạo đức; giáo dục pháp luật đi đôi với đào tạo chuyên môn cho sinh viên. Vì vậy, việc đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía lãnh đạo Nhà trường và Khoa chuyên môn. Dựa trên đề xuất từ phía Tổ bộ môn và Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hải Phòng đã chỉ đạo công tác xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu giảng dạy. Đồng thời, các chương trình tập huấn có liên quan đến giảng dạy về quyền con người cũng được Nhà trường quan tâm cử giảng viên tham dự.

Thứ ba, về đội ngũ giảng viên. Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật của Trường Đại học Hải Phòng đã có nhiều đổi mới về chất lượng và số lượng. Từ 01 giảng viên với trình độ cử nhân, năm 2002 số lượng giảng viên đã tăng lên 03 giảng viên và đến nay con số này là 05 giảng viên. Trình độ của giảng viên cũng không ngừng được nâng cao với 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh và 03 thạc sỹ. Các giảng viên giảng dạy pháp luật đều được đào tạo bài bản, chuyên sâu về chuyên ngành Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các giảng viên này cũng đã được trang bị các kiến thức căn bản về nghiệp vụ sư phạm thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên đại học. Với thâm niên giảng dạy nhiều năm và được đào tạo bài bản, đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật trong Nhà trường vừa có kiến thức sâu rộng về khoa học pháp lý, hệ thống pháp luật thực định của Việt Nam vừa có sự nhiệt tình, tâm huyết và khả năng nhạy bén trong cập nhật thông tin đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Thứ tư, việc đổi mới về hình thức giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá trong nhà trường được tiến hành thường xuyên. Đổi mới về tư duy và phương pháp giảng dạy đối với các môn học pháp luật nói chung và gắn với giảng dạy quyền con người nói riêng luôn được các giảng viên coi trọng. Trong những năm qua, việc tăng cường soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng các công cụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy, lồng ghép các nội dung lý thuyết vào các tình huống pháp lý một cách khoa học đã được đẩy mạnh góp phần tạo nên những bài giảng nhằm tạo ra sự lôi cuốn và hiệu quả đi đôi với bảo đảm yêu cầu về kiến thức. Công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới với việc kết hợp giữa yêu cầu bảo đảm kiến thức lý luận thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm với yêu cầu vận dụng xử lý tình huống thông qua các bài tập đã giúp phân loại tốt sinh viên và bảo đảm chất lượng đào tạo.

2.3.2 Một số hạn chế còn tồn tại

Hiện nay, chưa có giáo trình, tài liệu thống nhất cho việc giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên về luật, cũng như có hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai việc giảng dạy nội dung này trong các trường đại học. Vì vậy, việc thực hiện chủ yếu dựa trên sự định hướng thống nhất trong Tổ Bộ môn kết hợp với sự chủ động, sáng tạo của các giảng viên trong hoạt động giảng dạy.

Cùng với việc áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ, đối với môn học pháp luật đại cương chỉ được bố trí 2 tín chỉ nhưng bao gồm rất nhiều nội dung kiến thức (trong đó riêng nội dung pháp luật về phòng chống tham nhũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bắt buộc 5 tiết) dẫn đến việc giảng viên phải cắt giảm các giờ thảo luận, bài tập để tập trung vào giảng dạy lý thuyết. Trong hoạt động giảng dạy, giảng viên cũng muốn áp dụng công nghệ thông tin xây dựng các bài giảng điện tử, thông qua đó cung cấp cho sinh viên những hình ảnh, clip, các tình huống để sinh viên cùng trao đổi, thảo luận. Tuy nhiên, do thời lượng giảng dạy của môn học ít dẫn đến việc triển khai các phương pháp giảng dạy mới nhằm phát huy tính chủ động của sinh viên còn có những khó khăn nhất định, giảng viên vẫn thiên về giảng dạy bằng phương pháp thuyết trình là chủ yếu. Đây cũng là hạn chế do chưa tạo ra được sự sinh động, hấp dẫn trong bài giảng để thu hút sự quan tâm, tạp hứng thú cho sinh viên khi giảng dạy về quyền con người.

2.4 Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy quyền con người ở Trường Đại học Hải Phòng trong điều kiện hiện nay

Nhằm nâng cao hiệu quả việc giảng dạy quyền con người  ở Trường Đại học Hải Phòng trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức trển khai việc giảng dạy nội dung này trong các trường đại học cũng như cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy quyền con người ở bậc đại học.

Nhằm thống nhất việc đưa quyền con người vào giảng dạy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự chỉ đạo, hướng dẫn đưa giảng dạy quyền con người vào chương trình hiện hành một cách cụ thể như: quy định quyền con người là môn học bắt buộc hay lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người trong học phần nào, thời lượng giảng dạy bao nhiêu giờ tín chỉ, nội dung giảng dạy gồm những vấn đề gì… ; Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tổ chức xây dựng và hoàn thiện hệ thống tài liệu phục vụ giảng dạy, tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên hàng năm cho đội ngũ giảng viên nhằm cung cấp các vấn đề mới trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về quyền con người, thực tiễn công tác thi hành pháp luật bảo đảm quyền con người và những yêu cầu trong công tác giảng dạy đối với vấn đề nảy trong điều kiện hiện nay của đất nước.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên.

Để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy quyền con người đòi hỏi giảng viên không chỉ có hệ thống kiến thức về quyền con người nói chung, pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói riêng mà còn phải có kiến thức thực tiễn và kỹ năng sử dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả. Nếu chỉ dựa trên hệ thống lý luận, pháp luật thì các bài giảng sẽ mang nặng tính hàn lâm, không  khơi gợi được sự hứng thú, kích thích nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của sinh viên. Vì vậy,  đi đôi với việc nâng cao trình độ chuyên môn, việc mở rộng kiến thức thực tế và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là hết sức cần thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, cần đẩy mạnh việc trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các trường đại học trong công tác giảng dạy về quyền con người; thực hiện các hoạt động xậy dựng, hệ thống hóa các tình huống thực tiễn đưa vào giảng dạy thống nhất trong Tổ chuyên môn, đi đôi việc với thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm về đổi mới phương pháp, phục vụ công tác giảng dạy trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao việc giảng dạy gắn với thực tiễn.

Vận dụng dạy học theo tình huống gắn với thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong giảng dạy pháp luật trong nhà trường. Thực tiễn giảng dạy các môn học pháp luật trong Trường Đại học Hải Phòng hiện nay, mặc dù giảng viên đã cố gắng vừa giảng dạy lý luận, vừa gắn lý luận với thực tiễn nhằm khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn. Tuy nhiên, do khả năng tiếp cận các vấn đề thực tiễn về quyền con người và xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người trong thực tế còn hạn chế nên việc vận dung vào bài giảng chưa thực sự phong phú và đa dạng. Điều này đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên cập nhật không chỉ chủ trương, đường lối hay các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn mới, mà còn phải nghiên cứu cập nhật các tình huống pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội mang tính thời sự để bổ sung vào bài giảng. Đồng thời, giảng viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy góp phần phát huy tính chủ động của sinh viên trong học tập, đưa nội dung quyền con người trở nên dễ tiếp, cận tạo hứng thú trong học tập từ đó nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục quyền con người trong Nhà trường. Bên cạnh việc giảng dạy về kiến thức, giảng viên còn phải chú trọng công tác định hướng về tư tưởng cho sinh viên, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết luận

Nghiên cứu công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo của một số quốc gia cho thấy, để nâng cao nhận thức về quyền con người, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã đưa nội dung quyền con người vào giáo dục trong nhà trường, qua đó giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về về quyền con người cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh và qua đó lan tỏa trong toàn xã hội. Việc đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam được thực hiện trong những năm qua là thực sự cần thiết và đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Giáo dục quyền con người thông qua các môn học pháp luật tại Trường Đại học Hải Phòng mong rằng sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng

Trường Đại học Hải Phòng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

2. Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945, Hà Nội.

3. Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục dân.

[1] “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945, Hà Nội

[2] Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.