Quyền con người là một trong những giá trị nền tảng của xã hội hiện đại. Nó bao gồm những quyền tự do cơ bản của con người, được đảm bảo và bảo vệ bởi các quốc gia, các tổ chức quốc tế, và các cá nhân trong xã hội. Để xây dựng một xã hội tôn trọng quyền con người, việc giáo dục về quyền con người phải được triển khai một cách sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là ở bậc phổ thông, nơi hình thành nhận thức và nhân cách của học sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.vn
Giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức về quyền và nghĩa vụ, mà còn là quá trình xây dựng tư duy, giá trị, và thái độ tôn trọng quyền con người. Trong bối cảnh đó, vai trò của học sinh không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận kiến thức mà còn là chủ thể tham gia, trải nghiệm và đóng góp vào quá trình giáo dục quyền con người.
Ở bậc phổ thông, giáo dục quyền con người mang tính chất toàn diện, bao gồm các hoạt động học tập chính khóa, ngoại khóa và thực hành xã hội. Học sinh không chỉ học lý thuyết về quyền con người, mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, từ đó rèn luyện những kỹ năng cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và của người khác.
Trong bài tham luận này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về vai trò của học sinh trong giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông. Bài viết có sự tham khảo từ các nguồn tài liệu khác nhau về lý luận, kinh nghiệm quốc tế và nguyên tắc cơ bản trong giáo dục quyền con người, để từ đó khẳng định tầm quan trọng về sự tham gia chủ động của học sinh trong quá trình giáo dục này.
1. Những yếu tố tác động đến hoạt động giáo dục quyền con người
Quyền con người có thể được hiểu một cách đơn giản là những đặc quyền tự nhiên thuộc về tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, dòng dõi, địa vị xã hội...; các giá trị của quyền con người được luật pháp hóa, được cộng đồng quốc tế và các quốc gia thừa nhận, đó là giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại. Điều này có nghĩa là chúng ta có quyền con người không phải bởi vì là công dân của một nước mà bởi vì chúng ta là con người, nên có quyền con người; quyền con người gắn với nhân phẩm và giá trị con người, nên không thể bị tước bỏ một cách bất hợp pháp bởi bất cứ quyền lực nào. Các quyền con người còn phụ thuộc lẫn nhau, liên quan lẫn nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Việc thực hiện tốt quyền này, sẽ bổ sung, hỗ trợ thực hiện quyền khác và ngược lại. Ví dụ, thực hiện tốt quyền giáo dục, sẽ giúp các em có tri thức để làm chủ cuộc sống, tham gia vào các công việc chung, trở thành chủ nhân tích cực, sáng tạo; hay thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, giúp mọi người có thể kiểm soát cuộc sống; có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến… Các quyền con người là tự nhiên, vốn có của mỗi cá nhân con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại.
Tuy nhiên, khi thực hành các quyền và tự do đó, các cá nhân có thể có nguy cơ xâm phạm các quyền và tự do của người khác, để lại hậu quả cho các cá nhân và động đồng, xã hội. Vì vậy, nghĩa vụ xác định mối quan hệ và sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, giữa tự do và trách nhiệm, giữa lợi ích của cá nhân, cộng đồng, nhà nước, xã hội. Đồng thời, nghĩa vụ pháp lí là điều kiện để bảo vệ và bảo đảm quyền, tự do con người và công dân. Pháp luật quốc tế về quyền bên cạnh việc xác lập hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền thì cũng nhấn mạnh việc thực hiện quyền tự do của con người không được xâm phạm đến quyền và tự do của người khác. Do đó, việc giáo dục quyền con người cần phải quan tâm đến các yếu tố sau:
Thứ nhất, cần phải có cách tiếp cận phù hợp với đặc điểm tâm lý và lứa tuổi của học sinh phổ thông. Ở độ tuổi này, học sinh thường có xu hướng tiếp thu kiến thức qua các hoạt động trải nghiệm và tương tác. Vì vậy, giáo dục quyền con người cần được lồng ghép vào các hoạt động học tập tích cực, nơi học sinh không chỉ là người học mà còn là người tham gia vào các vấn đề xã hội liên quan đến quyền con người. Hơn nữa, giáo dục quyền con người phải dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và công bằng, đảm bảo việc học sinh hiểu và áp dụng những nguyên tắc này trong quan hệ với người khác. Bên cạnh đó, giáo dục cần phải thúc đẩy sự tham gia chủ động của học sinh vào các hoạt động xã hội, nơi các em có thể thực hành các giá trị về quyền con người.
Thứ hai, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và phương pháp giảng dạy để đảm bảo học sinh không chỉ hiểu được quyền của mình mà còn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội. Việc xây dựng và triển khai giáo dục quyền con người dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc toàn diện và liên ngành. Quyền con người bao gồm các khía cạnh đa dạng từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến môi trường. Do đó, giáo dục quyền con người không nên bị giới hạn trong một môn học duy nhất mà cần được tích hợp vào nhiều môn học khác nhau. Ở bậc phổ thông, việc lồng ghép giáo dục quyền con người vào các môn như Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật và Ngữ văn sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về các quyền của mình và của người khác. Ví dụ, khi giảng dạy môn Lịch sử, giáo viên có thể giới thiệu về những cuộc đấu tranh vì quyền con người qua các thời kỳ, giúp học sinh nhận thức về ý nghĩa của tự do, bình đẳng và nhân quyền. Môn Ngữ văn cũng có thể được sử dụng để truyền tải những giá trị nhân văn qua các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại, từ đó học sinh thấy rõ vai trò của quyền con người trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Hay trong môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, thông qua các nội dung trong chương trình học để cho học sinh biết và thực hành được các quyền con người: quyền tự do báo chí của công dân, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, quyền tiếp cận thông tin,…
Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong giáo dục quyền con người là tính bình đẳng và không phân biệt đối xử. Mọi học sinh, dù thuộc giới tính, sắc tộc, tôn giáo, hay địa vị xã hội nào, đều cần được đối xử công bằng trong quá trình học tập. Giáo dục về quyền con người phải đảm bảo rằng mọi học sinh hiểu rõ quyền của mình và được khuyến khích bảo vệ quyền của người khác. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tạo ra một môi trường học tập an toàn, cởi mở và không có sự phân biệt đối xử. Học sinh cần được tự do bày tỏ ý kiến của mình mà không sợ bị chỉ trích hay kỳ thị. Việc khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tập thể, thảo luận nhóm và các dự án cộng đồng sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quyền bình đẳng và việc chống phân biệt đối xử.
Nguyên tắc thực tiễn và ứng dụng. Giáo dục quyền con người cần phải gắn liền với thực tiễn đời sống để học sinh có thể áp dụng những kiến thức đã học vào các tình huống thực tế. Việc giảng dạy quyền con người không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần đi kèm với các hoạt động thực hành nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về việc bảo vệ quyền của mình và người khác. Học sinh cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tổ chức từ thiện, hoặc các chiến dịch bảo vệ quyền lợi của những nhóm yếu thế trong xã hội. Qua đó, học sinh sẽ hiểu rằng quyền con người không phải là những điều xa vời, mà nó hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ các vấn đề nhỏ nhặt như quyền được đối xử công bằng trong trường học đến các vấn đề lớn như quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng giới, và quyền bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc phát triển tư duy phản biện. Giáo dục quyền con người không chỉ là việc truyền đạt kiến thức, mà còn là phát triển tư duy phản biện và các kỹ năng xã hội cho học sinh. Học sinh cần được rèn luyện khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra ý kiến về các vấn đề quyền con người một cách có lập luận, đồng thời biết cách hợp tác và giao tiếp với người khác để thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người trong cộng đồng. Một trong những cách hiệu quả để phát triển tư duy phản biện là tổ chức các buổi tranh luận hoặc thảo luận nhóm về các vấn đề xã hội liên quan đến quyền con người. Trong quá trình này, học sinh được khuyến khích đưa ra quan điểm cá nhân và bảo vệ quan điểm của mình dựa trên kiến thức và lập luận hợp lý. Đồng thời, qua việc lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn bè, học sinh sẽ học được cách tôn trọng sự đa dạng ý kiến và khả năng hợp tác trong các tình huống khác nhau.
Nguyên tắc kết nối toàn cầu và hội nhập quốc tế. Giáo dục quyền con người cần phải hướng tới một tầm nhìn toàn cầu, bởi quyền con người là một vấn đề quốc tế và không giới hạn ở biên giới quốc gia. Việc giới thiệu các nguyên tắc, hiệp ước quốc tế về quyền con người, chẳng hạn như Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,… sẽ giúp học sinh hiểu rằng quyền con người là những giá trị toàn cầu cần được bảo vệ và thúc đẩy. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, giáo dục quyền con người không chỉ giúp học sinh hiểu về quyền của mình mà còn chuẩn bị cho họ những kỹ năng để trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm. Học sinh cần nhận thức rằng việc bảo vệ quyền con người không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia, tổ chức quốc tế, mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng toàn cầu.
Nguyên tắc tham gia của học sinh. Một nguyên tắc quan trọng khác là việc khuyến khích học sinh chủ động tham gia vào quá trình giáo dục quyền con người. Thay vì chỉ học qua sách vở, học sinh nên được trao quyền để tham gia vào các hoạt động học tập, thảo luận và phản biện về quyền con người. Việc học sinh có cơ hội tham gia sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn về nội dung và giá trị của quyền con người, đồng thời phát triển tinh thần trách nhiệm và kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và người khác. Giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh tham gia vào các cuộc thảo luận lớp học, các dự án nhóm và các hoạt động cộng đồng liên quan đến quyền con người. Qua quá trình này, học sinh không chỉ học hỏi từ giáo viên mà còn từ bạn bè, từ các tình huống thực tế, và từ chính những trải nghiệm cá nhân của mình. Đây cũng là nguyên tắc để thể hiện tầm quan trọng của học sinh trong hoạt động giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông.
2. Vai trò của học sinh trong giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông
Học sinh không chỉ là chủ thể thụ hưởng trong quá trình giáo dục quyền con người mà còn là chủ thể quan trọng trong việc lan tỏa và thực hành các giá trị giáo dục này. Vai trò của học sinh trong giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông có thể được thể hiện qua nhiều khía cạnh như sau:
Học sinh là người tiếp nhận và thực hành quyền con người. Trước tiên, học sinh cần được giáo dục về quyền con người, hiểu rõ những quyền và nghĩa vụ của bản thân. Điều này không chỉ dừng lại ở việc học kiến thức trong sách vở, mà còn thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, và các tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày tại trường học.
Học sinh cần hiểu rằng quyền con người bao gồm cả các quyền cơ bản như: quyền được giáo dục, quyền được phát triển toàn diện, quyền tự do bày tỏ ý kiến, và quyền được bảo vệ khỏi bạo lực hay phân biệt đối xử. Đặc biệt, ở lứa tuổi phổ thông, học sinh thường gặp phải những tình huống vi phạm quyền, chẳng hạn như bạo lực học đường, bắt nạt trực tuyến, hoặc phân biệt đối xử dựa trên giới tính hay hoàn cảnh gia đình. Khi được trang bị kiến thức về quyền con người, học sinh có thể tự bảo vệ bản thân, nhận thức đúng đắn và đấu tranh cho những quyền lợi của mình. Ngoài ra, việc học sinh thực hành các quyền con người thông qua các hoạt động học tập và xã hội sẽ giúp hình thành lối sống có trách nhiệm và ý thức bảo vệ quyền lợi cho người khác. Học sinh sẽ dần trở thành những cá nhân biết cách tự lập và tôn trọng quyền của cộng đồng xung quanh.
Đối với học sinh trường Trung học phổ thông FPT - môi trường giáo dục có thể nói là nơi mà học sinh có thể tự do, thoải mái trong việc thể hiện tính cách, sở thích, đam mê,… của mình. Đồng nghĩa với việc đó, sẽ có không ít học sinh bị chỉ trích, bàn tán về lối sống khác biệt của mình so với những bạn còn lại. Do đó, bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh thông qua các tiết học chính khóa lý thuyết trên lớp, giáo viên bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng đã tiến hành cho học sinh tham gia trò chơi “Role-play”. Với trò chơi này, học sinh là chủ thể trực tiếp đóng vai các nhân vật (người bị xâm hại quyền con người, luật sư, người vi phạm quyền con người, báo chí,...) dựa trên tình huống được giáo viên bộ môn cho trước đó và các tình huống được lấy từ thực tế tại trường, như: quyền tự do bày tỏ ý kiến của trẻ em, quyền riêng tư của trẻ em,… Học sinh các lớp phần lớn đều hào hứng, tích cực tham gia và đạt hiệu quả khá tốt về mặt tiếp cận kiến thức so với việc giáo viên chỉ dạy lý thuyết tại lớp. Trò chơi này còn giúp cho học sinh không chỉ đơn giản là được đóng vai vào các tuyến nhân vật mà thông qua đó, học sinh sẽ thấy được những quyền lợi hợp pháp mà mình được hưởng và khi nào sẽ được coi là hành vi vi phạm các quyền con người của người khác và hậu quả pháp lý phải gánh chịu.
Học sinh là người lan tỏa kiến thức về quyền con người. Một vai trò quan trọng của học sinh là người lan tỏa những giá trị và kiến thức về quyền con người cho bạn bè, gia đình và cộng đồng. Học sinh phổ thông, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên, có tầm ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhận thức và thái độ của những người xung quanh.
Thông qua các hoạt động như tham gia câu lạc bộ, tổ chức các buổi thảo luận, hoặc các dự án cộng đồng về quyền con người, học sinh có thể lan tỏa thông điệp về quyền con người đến các bạn học và cả cộng đồng. Đây là một phương thức giáo dục ngang hàng, nơi các học sinh học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển những kỹ năng quan trọng liên quan đến quyền con người.
Ví dụ, đối với môi trường nội trú như trường Trung học phổ thông FPT, việc lan tỏa kiến thức đến các nhóm đối tượng khác sẽ khó khăn hơn so với học sinh trường ngoài. Để khắc phục được điều này, trường cũng đã giao cho học sinh khối 11 và 12 khởi xướng chiến dịch “Phòng, chống bạo lực học đường” cho các em học sinh khối 10. Với chiến dịch này, học sinh khối 11, 12 tiến hành thiết kế các poster có chứa nội dung hậu quả của bạo lực học đường và tiến hành tổ chức triển lãm để các bạn học sinh khối 10 xem và lắng nghe anh, chị khóa trên thuyết trình về hậu quả của bạo lực học đường. Không chỉ ngừng lại ở việc thể hiện hậu quả của bạo lực học đường qua tranh/ảnh, học sinh khối 11, 12 còn lồng ghép các chế tài của pháp luật tương ứng với các mức vi phạm liên quan để phần nào đó vừa thể hiện tính răn re và cũng vừa tuyên truyền pháp luật đến các em học sinh khối 10.
Học sinh là người xây dựng và duy trì văn hóa tôn trọng quyền con người trong trường học. Việc xây dựng một môi trường học tập mà quyền lợi của mọi người đều được tôn trọng là vô cùng quan trọng và tất nhiên, học sinh sẽ là người đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo dựng và duy trì một văn hóa tôn trọng quyền con người tại trường học.
Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là môi trường mà học sinh học cách cư xử với nhau, tôn trọng sự đa dạng và phát triển các mối quan hệ xã hội. Học sinh có thể góp phần xây dựng một môi trường học tập an toàn và công bằng bằng cách tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, giới tính, hoàn cảnh kinh tế và quan điểm cá nhân. Khi học sinh thấu hiểu và tôn trọng quyền con người sẽ không còn các hành vi như bắt nạt, bạo lực hay phân biệt đối xử trong trường học.
Ngoài ra, học sinh cũng có thể đóng góp vào việc xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học dựa trên các giá trị về quyền con người. Điều này có thể bao gồm việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền của người khác, từ đó xây dựng một môi trường học tập mà quyền con người luôn được bảo vệ và thúc đẩy.
Trường Trung học phổ thông FPT là nơi tôn trọng sự khác biệt của học sinh, do đó, không khó khi bắt gặp học sinh tại trường được phép nhuộm tóc, trang điểm,… khi lên giảng đường. Hay có những học sinh không ngại việc thể hiện và sống đúng với giới tính của mình mà không sợ người khác chỉ trích hay phê phán. Sẽ có nhiều quan điểm trái chiều về việc này khi có rằng đây là lối sống chưa phù hợp so với độ tuổi học sinh trung học phổ thông nhưng Nhà trường vẫn luôn tôn trọng và định hướng cho học sinh việc sống đúng với sở thích, đam mê, tính cách, giới tính,… của mình. Cụ thể, trường cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử “13C” và treo tại các lớp học, trong bộ quy tắc ứng xử “13C” có những nội dung cụ thể như sau:
- Chào hỏi tươi cười khi gặp mọi người.
- Cảm ơn và trân trọng mọi trải nghiệm.
- Chân thành xin lỗi nếu làm sai.
- Chung sống hòa nhã và tử tế.
- Chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt.
- Can đảm đấu tranh với điều xấu.
- Chia sẻ và lắng nghe tích cực.
- Chính trực trong hành động mỗi ngày.
- Chung tay giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói.
- Cùng thực hành thói quen tiết kiệm.
- Chăm hỏi thăm người thân, bạn bè.
- Cam kết tuân thủ các quy định.
Trong bộ quy tắc ứng xử “13C”, bên cạnh việc được chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt thì đòi hỏi các em cũng phải tích cực can đảm đấu tranh với điều xấu, những điều chưa phù hợp trong môi trường giáo dục. Điều này sẽ giúp cho học sinh bên cạnh được sống là chính mình thì còn biết được những giới hạn, chừng mực mà một học sinh cần phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Học sinh là người thúc đẩy các hoạt động ngoại khóa và chủ động trong việc bảo vệ quyền con người. Hoạt động ngoại khóa là một kênh quan trọng để học sinh tham gia vào giáo dục quyền con người ngoài giờ học chính khóa. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, học sinh có thể tham gia vào các câu lạc bộ, dự án cộng đồng hoặc các tổ chức học sinh liên quan đến quyền con người. Bên cạnh đó, học sinh không chỉ chủ động trong việc bảo vệ quyền con người của bản thân mà còn bảo vệ cho người khác. Chỉ khi học sinh hiểu rõ và thực hành các quyền này trong trường học mới có thể trở thành những người bảo vệ quyền con người một cách tự nhiên trong các tình huống thực tế. Ví dụ, khi gặp phải các tình huống bắt nạt, học sinh có thể can thiệp, thông báo với Nhà trường hoặc các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ bạn bè. Các em cũng có thể đứng lên đấu tranh khi thấy quyền lợi của người khác bị xâm phạm, chẳng hạn như phân biệt đối xử về giới tính, văn hóa, hoặc hoàn cảnh kinh tế. Việc hành động để bảo vệ quyền con người giúp học sinh phát triển một thái độ tích cực, dũng cảm và có trách nhiệm với xã hội.
Do đó, việc xây dựng các câu lạc bộ về quyền con người có thể giúp học sinh mở rộng hiểu biết về các vấn đề xã hội liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Việc học sinh tổ chức các hoạt động này cũng là cách để phát triển kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp và hợp tác, những yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền con người trong xã hội tương lai.
Hiện tại, nhóm bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng đang tiến hành xây dựng câu lạc bộ “Law and Life” để thuận tiện hơn trong việc tổ chức các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Câu lạc bộ tiến hành sinh hoạt 1 buổi/tuần, hình thức và nội dung sinh hoạt sẽ do học sinh toàn quyền quyết định với sự định hướng của giáo viên bộ môn. Qua đó, học sinh không sẽ được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời góp phần xây dựng cộng đồng học đường với ý thức về quyền con người.
Học sinh là người tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp sáng tạo cho giáo dục quyền con người. Với sự tiếp cận nhanh chóng với công nghệ và thông tin, học sinh ngày nay có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để lan tỏa và thúc đẩy quyền con người trong trường học và cộng đồng. Học sinh có thể phát triển các giải pháp sáng tạo để tiếp cận quyền con người qua các nền tảng trực tuyến, như: xây dựng các trang web, ứng dụng, hoặc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người.
Học sinh cũng có thể tận dụng các mạng xã hội để tổ chức các buổi thảo luận, chia sẻ câu chuyện về quyền con người, và khuyến khích các hành động tích cực từ cộng đồng. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục quyền con người không chỉ giúp thông tin lan tỏa nhanh chóng mà còn tạo ra cơ hội để học sinh kết nối với bạn bè quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác và áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.
Những sáng kiến sáng tạo từ học sinh có thể trở thành nguồn động lực để các nhà giáo dục và lãnh đạo trường học phát triển các chương trình giáo dục quyền con người toàn diện hơn. Điều này không chỉ tạo ra môi trường học tập đa dạng, sinh động mà còn khuyến khích học sinh khám phá tiềm năng sáng tạo của mình trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Để thực hiện được hoạt động này, đòi hỏi học sinh bên cạnh việc am hiểu về kiến thức pháp luật thì còn phải có sự hiểu biết về công nghệ và đó là thế mạnh của trường Trung học phổ thông FPT. Điều này cũng sẽ được các bạn là trưởng câu lạc bộ, thành viên câu lạc bộ và học sinh trong trường tiến hành nghiên cứu và đưa ra những ứng dụng/trò chơi liên quan đến pháp luật để tăng tính hứng thú trong việc tiếp cận với kiến thức pháp luật về quyền con người nói riêng và kiến thức pháp luật nói chung.
Học sinh là những người phản biện có trách nhiệm trong giáo dục quyền con người. Trong quá trình học tập và thực hành quyền con người, học sinh có thể phát triển khả năng tư duy phản biện, giúp họ nhận diện và đối phó với những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền lợi của bản thân và của người khác. Việc học sinh đóng vai trò như những người phản biện có trách nhiệm là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển quyền con người trong cộng đồng trường học.
Học sinh không chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, mà còn có thể tham gia vào các buổi thảo luận, tranh luận về các vấn đề như bình đẳng giới, quyền trẻ em, hay các hiện tượng vi phạm quyền con người trong xã hội. Thông qua quá trình này, học sinh không chỉ rèn luyện khả năng lập luận mà còn học cách tôn trọng các quan điểm khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng đa dạng về văn hóa và quan điểm.
Khi học sinh trở thành những người phản biện tích cực, họ cũng đồng thời phát triển kỹ năng đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng cho các chính sách và quy định trong trường học. Các em có thể tham gia vào các cuộc thảo luận về quy tắc ứng xử, điều lệ trường học, hoặc các chương trình giáo dục, qua đó đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống giáo dục nhân văn và tôn trọng quyền con người.
Trong các sự kiện của trường, tổ Khoa học và xã hội hằng năm cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi tranh biện liên quan đến các vấn đề về bình đẳng giới,… Bên cạnh đó, việc Nhà trường tổ chức dạy và học Kiến tạo xã hội cũng là nơi giúp học sinh tiếp cận và tranh biện những vấn đề liên quan đến giáo dục quyền con người.
Tóm lại, vai trò của học sinh trong giáo dục quyền con người ở bậc phổ thông không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như thực hành, lan tỏa, xây dựng văn hóa tôn trọng quyền con người, và tham gia vào quá trình ra quyết định. Giáo dục quyền con người cần được thiết kế sao cho học sinh trở thành những cá nhân có ý thức và kỹ năng để bảo vệ quyền lợi của bản thân và của cộng đồng. Việc nhận thức rõ vai trò của mình sẽ giúp học sinh không chỉ trở thành những người hưởng lợi từ quá trình giáo dục mà còn là những người dẫn dắt và thúc đẩy các giá trị quyền con người trong xã hội tương lai.
Trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam, học sinh không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là nhân tố tích cực trong việc phát triển và lan tỏa các giá trị về quyền con người. Vai trò của học sinh cần được phát huy thông qua việc tham gia vào quá trình giáo dục, từ đó tạo dựng nhận thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Thông qua giáo dục quyền con người, chúng ta không chỉ tạo ra những công dân có kiến thức mà còn phát triển những con người có tầm nhìn, hiểu biết sâu sắc và biết bảo vệ, tôn trọng quyền con người trong mọi hoàn cảnh.
Mỗi trường sẽ có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên việc tổ chức hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh cũng là khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng về vai trò của học sinh trong việc giáo dục quyền con người vì học sinh là chủ thể cần được trang bị, cũng là chủ thể thực hiện và lan tỏa các giá trị thông qua hoạt động giáo dục đến với nhiều chủ thể khác trong xã hội.
Cuối cùng, để giáo dục quyền con người thực sự hiệu quả ở bậc phổ thông, cần có sự đồng bộ trong chính sách, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường, gia đình và xã hội, cùng với sự tham gia tích cực của mỗi học sinh. Chỉ khi đó, giáo dục quyền con người mới thực sự trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong quá trình giáo dục toàn diện học sinh, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, nhân ái và tiến bộ.
Nguyễn Thị Minh Thư
Giáo viên GDKT&PL, Trường THPT FPT Bình Định